Tôi rất
thích một câu trong bức thư Ruồi Trâu gởi Giê - Ma trước đêm bị xử bắn (Ruồi
Trâu - Tiểu thuyết của Ethel Lilian Voynich): “Bao giờ chúng ta cũng hiểu nhau
mà không cần nhiều lời, ngay từ khi chúng ta còn thơ bé”.
Có nghĩa là, nếu yêu
nhau, người ta có thể hiểu nhau mà không cần nhiều lời. Cặp vợ chồng Hạnh và
Cường – những người bạn của tôi, là một ví dụ.
Hạnh xinh đẹp, hát hay, ăn nói
có duyên, lại tháo vát, năng động…, nên luôn nổi trội ở bất cứ nơi nào cô xuất
hiện. Tốt nghiệp đại học, cô tìm được một công việc tốt với mức thu nhập khá.
Tất nhiên một cô gái như Hạnh luôn là niềm mơ ước của các chàng trai nhưng có
vẻ như cô chẳng để ý đến ai. Đơn giản vì, như chúng tôi biết, cô chờ người yêu
là Cường, đang du học nước ngoài.
Họ yêu nhau từ khi học phổ thông. Khác với Hạnh, Cường là chàng trai ít nói, có
khi cả buổi chẳng mở miệng. Hơn thế, mới gặp, ai cũng nghĩ Cường có vẻ “đần”,
lại rụt rè, nhút nhát đến vụng về. Duy chỉ có Hạnh biết, Cường không như thế.
Do cảnh nhà khó khăn nên dù đậu đại học, Cường vẫn phải bỏ học để đi làm giúp
đỡ gia đình. Biết Hạnh yêu Cường, chúng tôi đều phản đối vì cho là Cường không
xứng với Hạnh. Trước những lời can ngăn hay chê bai của mọi người, Hạnh luôn
mỉm cười một cách bí ẩn rồi lảng sang chuyện khác, khéo đến nỗi ai cũng tưởng
cô nghe lời. Hóa ra, cô vẫn kiên trì chờ đợi Cường. Có lần, Hạnh tâm sự, cô yêu
Cường vì khâm phục bản lĩnh và ý chí của cậu ấy. Bên Cường, Hạnh nhận ra nhiều
đức tính quí báu của Cường mà người khác không có. Hạnh tin, đó chính là một
nửa đích thực mà cô luôn mong ước sẽ trao cả cuộc đời mình. Và, thực tế đã
chứng minh, nhận xét của Hạnh rất đúng, sự chờ đợi của Hạnh là xứng đáng.
Cường đi làm nhưng vẫn tranh thủ thời gian học tại chức ngành Quản trị kinh
doanh và tự học tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp, Cường kiếm được học bổng du học
thạc sĩ tại Anh. Về nước, Cường có việc làm tại một công ty nước ngoài, họ trở
thành vợ chồng.
Có lần tôi hỏi Hạnh, tính cách hai người khác nhau thế, yêu nhau thì được vì
“chín bỏ làm mười”, nhưng về sống với nhau, liệu có hạnh phúc? Hạnh nói, cô cảm
thấy rất hài lòng với sự lựa chọn của mình. Trải qua một thời gian dài yêu
nhau, cùng nhau đồng cam cộng khổ, vượt qua nhiều thử thách cam go, nên dù tính
cách trái ngược, họ vẫn sống với nhau rất đầm ấm. Hạnh là người hay nói, trong
khi Cường thường “ngậm hột thị” nhưng hai người vẫn rất hiểu nhau mà không cần
nhiều lời. Hạnh kể …
Cũng như nhiều cô gái thời @, Hạnh không giỏi việc nội trợ và rất ngại vào bếp
nhưng biết Cường thích ăn ở nhà nên Hạnh cố “tập tành chuyện bếp núc”. Thời
gian đầu, những bữa ăn Hạnh nấu, cơm không sống thì nhão, không khô thì nát;
thức ăn khi mặn, lúc nhạt thếch hoặc quên gia vị, tanh rình… Chẳng những không
chê bai, Cường còn ăn rất nhiệt tình với lời giải thích: “Ngon hay dở cũng là
công em nấu!”. Vì vậy, Hạnh luôn cố gắng học hỏi, “rèn luyện tay nghề” để dần
dần, những món ăn Hằng nấu tiến bộ hẳn.
Ngay cả khi còn yêu nhau, cũng
chưa bao giờ Cường nói với Hạnh những lời yêu thương hay tán tụng; nhưng với
Hạnh, tình yêu của Cường là ánh mắt rạng rỡ, là vòng tay ôm đến nghẹt thở mỗi
khi trở về nhà. Tình yêu của Cường còn là những cử chỉ săn sóc lặng lẽ: tô cháo
hành khi Hạnh bị cảm, thau nước ấm ngâm chân mỗi tối khi cô trở về từ chuyến
công tác vùng sâu vùng xa… Khi Hạnh “nằm ổ”, đêm đêm, Cường là người thức dậy
bế con, dỗ dành, ru con ngủ … Những khi Hạnh gặp trục trặc trong công việc,
Cường chỉ lặng lẽ đến bên cạnh, nắm tay vợ thật chặt hay ôm vợ vào lòng. Vậy là
cô cảm thấy nhẹ nhõm. Biết Hạnh thích đọc sách, thỉnh thoảng Cường đặt trên bàn
một cuốn sách mới xuất bản. Buổi sáng, Hạnh luôn cảm thấy hào hứng khi pha cà
phê cho chồng vì biết sẽ được nhận ánh mắt ấm áp, chan chứa yêu thương khi
Cường bưng ly cà phê đưa lên miệng…
Những buổi tối, sau bữa cơm đầm ấm, hai vợ chồng hay ngồi “tám” đủ thứ chuyện.
Thật ra, chỉ mình Hạnh nói. Cường thường ngồi im, chăm chú lắng nghe với một nụ
cười khích lệ. Tuy ít nói, nhưng mỗi khi Hạnh hỏi điều gì, Cường đều có lời
giải chính xác. Có lẽ vì đi làm sớm, trải nghiệm nhiều nên Cường luôn có những
đáp án phù hợp khiến Hạnh rất khâm phục chồng.
Kể đến đây, trong mắt Hạnh chợt bừng lên một thứ ánh sáng rạng rỡ: “Các cậu
thấy đấy! Vợ chồng mà! Đâu cần nhiều lời mình vẫn thấy thật hạnh phúc!”.
LÊ PHƯƠNG