(1901-1944)
Bác sĩ Tống Thượng Tiết là nhà truyền bá Phúc âm nổi tiếng ở Trung Hoa, là tác nhân chính cho cuộc phục hưng tại Trung Hoa đại lục, Đài Loan và Đông Nam Á trong thập niên 1920 và 1930. Ông được mệnh danh là “John Wesley của Trung Hoa”, “Sứ đồ phục hưng”.
Tống Thượng Tiết sinh ngày 27 – 9 – 1901 tại làng Honcheck, huyện Hinh Hoa, tỉnh Phúc Kiến, Trung Hoa. Ông chào đời sau khi mẹ ông trở lại tin Chúa Jesus. Tên ông là “Ju-An”, có nghĩa “Thiên Ân”. Thân phụ của ông là quản nhiệm một nhà thờ Giám lý, Tống Thượng Tiết thường giúp cha trong các công việc của nhà thờ, thay cha thuyết giảng trong các buổi nhóm tối khi cha ông có công việc, bị bệnh, nên ông thường được gọi là “Quản nhiệm nhí”.
Năm 1920, ông rời quê hương xuống tàu đi Mỹ du học tại Đại học Wesleyan, bangOhio, năm 1923 ông đậu cử nhân, sau đó ông đã lấy bằng tiến sĩ khoa học tại Đại học Ohio, kế đến là bằng tiến sĩ Triết học, tiến sĩ hóa học ... Mặc dù có nhiều cơ hội trước mắt nhưng với niềm xác tín được kêu gọi từ Chúa, dâng hiến cuộc đời cho Chúa theo lời Kinh thánh: "Người nào được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì?". Bác sĩ Tống quyết định vào chủng viện Union Theological Seminary tại New York để nghiên cứu Thần học. Cũng trong thời gian này, Bác sĩ Tống thường lui tới thăm viếng hai ông bà Giáo sĩ Deming đã từng hầu việc Chúa ở Triều Tiên nhiều năm, và là Giáo sư một Chủng Viện Giám lý.
Đang lúc chuyên tâm học thần học, Bác sĩ Tống bị ảnh hưởng bởi triết học Phương Đông như Lão Giáo, Nho Giáo, Phật giáo ... May mắn nhờ người bạn dẫn ông đến buổi thuyết giảng Tin lành ở Hội thánh Calvary Baptist, trong buổi nhóm đó ông được kinh nghiệm sự hiện diện đầy quyền năng của Chúa trên đời sống, ông nói: “Chúa Thánh Linh giáng đổ trên tôi, giống như nước tuôn chảy trên đầu tôi vậy”. Bác sĩ Tống ra đi rao giảng Phúc âm với bầu nhiệt huyết mới đến nỗi mọi người trong Chủng viện Union – học viện này nổi tiếng với quan điểm tự do trong thần học - xem ông là kẻ mất trí, và họ quyết định gửi ông vào một bệnh viện tâm thần, Tống Thượng Tiết bị giữ tại đây trong 193 ngày. Trong thời gian này, ông chuyên tâm đọc Lời Chúa và ông đã đọc Kinh thánh được 40 lần. Chính giai đoạn chuyên tâm học Lời Chúa này ông đã nhận lãnh quyền năng, sự mạnh mẽ tâm linh để tạo nên một cuộc phục hưng tôn giáo lớn của thế kỷ XX.
Năm 1927, ông xuống tàu trở về Thượng Hải, trước khi tàu cập bến, ông đã ném xuống biển tất cả văn bằng và giải thưởng, chỉ giữ lại Bằng Tiến sĩ Thần học để làm quà cho Cha ông mà thôi. Cha mẹ ông vô cùng thất vọng ... Nhưng với quyết chí hầu việc Chúa, bác sĩ Tống bắt đầu rao giảng Phúc âm tại vùng Mân Nam, ông gia nhập Đoàn Truyền Giảng Tin Lành do Mục sư Frank Cartwright làm trưởng đoàn năm 1928, gia nhập Trường Kinh thánh Bê tên (Thượng hải) năm 1930. Ông tập trung giảng các chủ đề như: “Thập tự giá”, “Huyết của Chúa Jesus” nhằm luận giải những giáo huấn của Kinh thánh liên quan đến sự tái sinh, sự cứu rỗi, vác thập tự giá. Thông điệp mà Bác sĩ Tống muốn truyền đạt cho mọi người là:
- Không chỉ thừa nhận tội lỗi của mình mà cần phải “ăn năn hối cải về những tội đã phạm”.
- Sau khi ăn năn tội lỗi cần phải thay đổi hoàn toàn lối sống cũ.
- Sau khi thay đổi nếp sống cũ, cần phải “trả nợ tội lỗi”, nghĩa là cần phải bồi thường cho những hành động sai trái trước đây, hoặc phải công khai xin lỗi người mình đã xúc phạm hoặc gây tổn hại.
- Chỉ cầu nguyện “Lạy Chúa, xin thương xót tôi vì tôi là kẻ có tội!” là chưa đủ. Cần phải công khai bày tỏ sự ăn năn trong từng chi tiết. Tống Thượng Tiết liệt kê hai mươi nhóm tội chính và cho rằng cần phải thừa nhận và ăn năn tội lỗi cách công khai trong các buổi nhóm.
Ông cũng gia nhập Ban Truyền giáo của Mục sư Kế Chí Văn từ năm 1931, ông đã đi 54.823 dặm, giảng 1.199 bài cho 400.000 thính giả trong 13 tỉnh của Trung Hoa và đưa 18.000 linh hồn về với Chúa. Tống Thượng Tiết kêu gọi người nghe quay trở lại ăn năn hối cải đối chiếu với một danh sách các tội lỗi mà ông thường đọc lớn trước cử tọa. Ông dạn dĩ quở trách tội lỗi và tính đạo đức giả, ngay cả đối với các mục sư Ông dành nhiều thì giờ cho cầu nguyện. Các tín hữu thường trình bày với ông các nhu cầu thuộc linh và thuộc thể để ông thành lập một danh sách các vấn đề cần cầu nguyện, dựa trên danh sách này Tống Thượng Tiết dành nhiều giờ trong ngày để cầu nguyện cho họ. Theo định nghĩa của Tống Thượng Tiết, đức tin nghĩa là “thức canh cho công việc của Thiên Chúa trong sự khẩn nguyện”. Năm 1936, người ta tin rằng có hơn 100.000 người Hoa đã tiếp nhận Chúa qua chức vụ của Bác sĩ Tống Thượng Tiết. và quản nhiệm, là những người hợp tác với ông để tổ chức các buổi thuyết giảng.
Tháng 5 năm 1938, ông được mời đến thuyết giảng tại Hội Đồng Tổng Liên Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức tại Vĩnh Long. Có thể nói đây là một Hội Đồng lịch sử vì tại kỳ Hội Đồng này Đức Chúa Trời đã đổ một cơn phấn hưng xuống khắp ba miền từ Nam chí Bắc. Nhờ lời giảng rất hùng hồn của Bác sĩ Tống, không ai có thể chịu nổi mà tất cả mọi người đều phải hạ mình ăn năn, xưng tội ra với Chúa... Giáo sĩ J. Olsen, P. Carlson, D. Jeffrey thay nhau phiên dịch cho ông, nhưng phần ông Tống giọng nói vẫn sang sảng và mạnh mẽ cách rất lạ thường. Có rất nhiều người bởi ông Tống Bác sĩ đặt tay cầu nguyện mà được lành mạnh, họ đã đứng dậy làm chứng hoặc hát “Ha-lê-lu-gia, cảm tạ Chúa".
Sau đó ông đi Đà nẵng để giảng dạy, phục hưng Hội thánh. Đến đâu ông cũng đem lửa Thánh Linh đến đó, có nhiều tội nhân ăn năn, nhiều tín hữu được tỉnh thức, Hội thánh Tin lành Việt nam được giúp đỡ rất nhiều qua chuyến thăm viếng của Bác sĩ Tống. Ông cũng đem lửa phấn hưng đến Hongkong, Taiwan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thailand... Nơi đâu Đức Chúa Trời cũng ban cho Bác sĩ Tống đặc quyền cầu nguyện chữa bệnh, đuổi quỷ.
Bác sĩ Tống là con người thông minh, tài ba, nhu mì, không khoe khoang, tự phụ, ông luôn nói ít, giảng nhiều, cầu nguyện nhiều ... Ông rất say mê đọc Lời Chúa, mỗi ngày dù bận rộn đến mấy cũng đều đọc đủ 11 chương mới thôi. Ông luôn dậy sớm, cầu nguyện nhiều và chẳng để phí chút thì giờ. Ông làm việc nhiều đến nỗi dường như biết mình chẳng có nhiều thời gian ... Bác sĩ Tống có viết một quyển sách nhan đề “Những câu chuyện ngụ ngôn”, được xuất bản năm 1951, ông cũng sáng tác nhiều bài Thánh ca, có một bài được dịch ra Việt ngữ “Đông hư không, Tây hư không, Nam hư không, Bắc hư không ... chỉ Linh công còn hoài” (TC 358).
Những ngày cuối đời, bệnh ung thư và lao phổi đã tàn phá sức khỏe Bác sĩ Tống, dù ông vẫn chuyên tâm rao giảng. Ngày 18 – 8 – 1944, ông đã ra đi với Chúa khi mới 43 tuổi ... Ông phụng sự Chúa 15 năm. Bác sĩ Tống Thượng Tiết là nhà truyền bá phúc âm người Trung Hoa có nhiều ảnh hưởng nhất trong suốt thập niên 1930, để lại những dấu ấn sâu đậm trên Cơ Đốc giáo trong thế giới Hoa ngữ và vùng Đông Nam Á. Qua thông điệp của Bác sĩ Tống Thượng Tiết, hàng trăm ngàn người tiếp nhận đức tin Cơ Đốc, được dẫn dắt vào tình trạng sâu nhiệm của nếp sống Cơ Đốc, từ đó đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển Cơ Đốc giáo trong khu vực.
Theodore