Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Cơ-đốc Nhân và Hội Thánh

“Anh em cũng nhờ Ngài mà được dự phần vào nhà đó, đặng trở nên nhà ở của Đức Chúa Trời trong Đức Thánh Linh.” (Ê-phê-sô 2:22)

Người là một sinh vật xã hội, có bản chất thích sống tập đoàn, thấy an toàn và thỏa mãn nhất khi ở gần những người đồng hội đồng thuyền. Trong số tất cả những tập thể của con người, trong số tất cả những bộ lạc, tộc họ, tổ chức và hội đoàn của con người suốt qua lịch sử, không có một tập thể nào mạnh mẽ, triệt để và phổ quát hơn hội thánh.


 Trong những thời kỳ sơ khai, con người sống quần tụ để bảo vệ lẫn nhau, và rất lâu về sau, họ mới biết kết hợp vì lạc thú và lợi ích hỗ tương. Trong nền văn minh tiến bộ hơn, những hội đoàn tư xuất hiện để đem lại cho hội viên một ý thức liên đới, một cảm nhận được “biệt riêng,” nghĩa là được phân biệt hẳn với những người không phải là hội viên. Những lời tuyên thệ, những nghi thức nhập hội và nội qui được thiết định, đem lại tính cách quan trọng cho hội đoàn.
Những tổ chức theo chủng tộc và quốc gia được thành lập mà quyền gia nhập giới hạn cho những người sinh trưởng ở cùng một vùng địa dư hay cùng cam kết đứng chung dưới một ngọn cờ. Các câu lạc bộ, các hội đoàn trong đại học, các hội quán, các hội văn bút, các đảng chính trị, các tổ chức quân sự, tất cả những hội đoàn này, từ “hội phụ lão” đến các “băng đảng” trong giới học sinh thể hiện nhu cầu con người cần được an ủi và khích lệ giữa vòng những người chấp nhận họ vì có cùng lối sống.


 Tuy nhiên không ở nơi nào con người có thể tìm được sự an ủi, sự khích lệ, sự bình an giống như có ở trong hội thánh, vì hiển nhiên trong tất cả những cộng đoàn khác, những sự khích lệ đó chỉ đến từ con người. Những cộng đoàn đó vạch ra những biên giới giả tạo và chỉ dựng lên được một ảo tưởng về sự bảo vệ; trong khi đó hội thánh là một cơ thể sống động nhận năng lực từ chính Chúa để có ý nghĩa và sức sống, thay vì dựa vào những nguồn mạch bên ngoài.


 Khởi Nguyên Hội Thánh


 Từ ngữ hội thánh dịch từ nguyên ngữ Hi-lạp ecclesia có nghĩa là “những người được gọi ra,” hay là một hội chúng. Dù từ ngữ hội thánh đã nhanh chóng trở thành một thuật ngữ trong Cơ-đốc giáo, nhưng nó đã có một lịch sử tiền Cơ-đốc. Trong khắp thế giới Hi-lạp, từ ngữ hội chúng được dùng chỉ buổi hội họp thường xuyên của các công dân trong một đô thị quốc gia. Một nhóm công dân có thể được một sứ giả kêu gọi ra để bàn luận và quyết định việc công. Trong nguyên ngữ Hi-bá của Cựu Ước cũng có một từ tương đương được dịch là cộng đoàn hay hội chúng Israel có các thành viên được định là những người được Đức Chúa Trời kêu gọi. Vì vậy chúng ta thấy Ê-tiên trong sách Công Vụ Các Sứ Đồ đã dùng từ ngữ này để mô tả Môi-se “là một người trong hội chúng (dân hội) tại trong sa mạc” (Công-Vụ 7:38). Vì vậy, đối với người Hi-lạp trong thế kỷ đầu, từ ngữ hội chúng chỉ thị một hội đoàn dân chủ, tự trị; còn đối với người Do-thái, đó là một hội đoàn thần chủ (theocratic society) mà thành viên là thần dân của Đức Chúa Trời.



 Từ ngữ hội thánh áp dụng cho cộng đoàn Cơ-đốc được chính Chúa Giê-xu dùng đầu tiên khi Ngài bảo Phi-e-rơ, “Ta sẽ lập hội thánh ta trên đá này, các cửa âm phủ không thắng được hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18). Như vậy chính Chúa Giê-xu đã thành lập hội thánh. Ngài là tảng đá góc vĩ đại trên đó hội thánh được xây dựng. Ngài là nền móng của mọi kinh nghiệm Cơ-đốc và hội thánh được thành lập dựa trên Ngài. “Vì chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập là Chúa Cứu Thế Giê-xu” (I Cô-rinh-tô 3:11). Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài là Đấng sáng lập hội thánh, là Đấng xây dựng hội thánh và hội thánh chỉ thuộc riêng về Ngài. Chúa cũng đã hứa Ngài sẽ ở với và ở trong tất cả mọi thành viên hội thánh Ngài. Hội thánh của Chúa không chỉ là một tổ chức, nhưng là một cơ thể sống hoàn toàn khác hẳn với bất cứ điều gì thế gian từng biết, đó là chính Đức Chúa Trời sống với và sống trong những con người bình thường là thuộc viên hội thánh Ngài.


 Chúa Cứu Thế Giê-xu Là Đầu Hội Thánh


 Kinh Thánh Tân Ước dạy rằng trong khi thật sự chỉ có một hội thánh phổ thông duy nhất thì cũng còn có rất nhiều các hội thánh địa phương kết hợp thành nhiều giáo hội, hội đồng khác nhau. Những hội thánh địa phương và các giáo phái này có thể chia ra theo quốc gia hay theo trường phái thần học hay tùy khuynh hướng của các thuộc viên. Tuy nhiên Tân Ước dạy rằng dù có nhiều giáo phái và các tổ chức phân chia khác nhau trong cấu trúc hội thánh, chúng ta chỉ có “một Chúa” như một lời một bài thánh ca, “Nền hội thánh là Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa hội thánh.”


 Chúa Cứu Thế Giê-xu là đầu hội thánh phổ thông vĩ đại này. Từ Ngài lưu xuất ra mọi hoạt động và giáo huấn của hội thánh, vì Ngài là nguồn mạch của mọi kinh nghiệm Cơ-đốc.


 Trong thời đại điện tử hôm nay chúng ta có thể đem so sánh hội thánh với hệ thống thông tin rộng lớn với một tổng đài trung ương từ đó phát ra toàn bộ quang ba hay âm ba thực hiện mọi chức năng liên lạc. Trong hệ thống hỏa xa cũng luôn luôn có một văn phòng trung ương đưa ra mọi chỉ thị cho việc điều hành tất cả các chuyến tàu. Trong quân đội, vị tướng tư lệnh ban chỉ thị cho nhiều đơn vị dưới quyền. Các sĩ quan thừa hành có thể triển khai những chỉ thị đó khác nhau, nhưng chỉ thị của vị tướng tư lệnh luôn luôn là căn bản cho mọi ứng xử.


 Đối với hội thánh, Chúa Cứu Thế Giê-xu đứng ở vị trí tướng tư lệnh. Hội thánh tồn tại là dựa trên mọi mệnh lệnh của Ngài. Năng quyền của hội thánh trực tiếp đến từ Chúa; các hội thánh có bổn phận tuân giữ chặt chẽ mọi lệnh truyền của Chúa. Như vị tướng tư lệnh muốn các chỉ thị của mình được thi hành đến nơi đến chốn thì Chúa Giê-xu cũng trông mong từng nhánh nhỏ của hội thánh tuân giữ đầy đủ mọi lời dạy của Ngài.


 Hội thánh đã từng bị phê phán rất nhiều vì những tranh luận nội bộ, những gây gổ, bất hòa, thiếu hiệp nhất. Tuy nhiên đây không phải là điều quan trọng, vì những bất đồng này xuất phát từ việc diễn giải khác nhau mệnh lệnh của Nguyên Soái mà không phản ánh sự khôn ngoan hay thẩm quyền tuyệt đối trong việc ban mệnh lệnh của Ngài.


 Nghiên cứu tất cả những niềm tin căn bản của các giáo phái khác nhau bạn sẽ thấy về căn bản và lịch sử hầu như tất cả đều giống nhau. Các giáo phái có thể khác nhau khá nhiều về nghi lễ, có những xung đột về thuật ngữ thần học nhưng về căn bản, tất cả đều công nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu là Thượng Đế nhập thể, là Đấng đã chịu chết trên thập tự giá và đã phục sinh để ban sự cứu rỗi cho con người, và đây chính là sự kiện quan trọng hơn cả đối với nhân loại.
 
 Một Giáo Hội Hay Nhiều Giáo Hội?



 Bạn đã tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu làm Đấng Cứu Chuộc và đã đặt trọn lòng nhờ cậy, tín thác nơi Ngài, bạn đã trở nên thành viên của hội thánh phổ quát, vô hình. Bạn là thành viên của đại gia đình đức tin, bạn là chi thể trong thân Chúa Cứu Thế. Bạn đã được gọi để vâng phục Chúa Cứu Thế, nghĩa là theo gương Ngài kết hợp với các tín hữu khác thờ phượng Đức Chúa Trời. “Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm” (Hy-bá 10:25).


 Chúng ta đang bàn về hội thánh địa phương trong cộng đồng chúng ta đang sống, một hội thánh hiển nhiên có nhiều khiếm khuyết, nhiều thiếu sót. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng con người không thể nào toàn hảo cho nên những tổ chức con người thiết lập dù để tôn vinh Đức Chúa Trời thì cũng vẫn không thể nào tránh được tính chất khiếm khuyết đó. Chỉ có một mình Chúa Giê-xu là con người toàn hảo duy nhất từng sống trên trần gian. Chúng ta và tất cả những con người còn lại nếu tốt nhất thì cũng chỉ là những tội nhân đã hối cải đang cố gắng đi theo gương mẫu tuyệt hảo của Ngài; còn hội thánh nếu tự coi mình hay một thành viên nào của mình là không sai lầm (vô ngộ) thì không khác gì một người mù ngắm bóng mình trong gương!


 Samuel Rutherford có lần nhận được bức thư của một số thuộc viên phiền trách vị mục sư của họ về tình trạng hội thánh. Rutherford đã viết một bức thư nghiêm khắc trả lời bảo rằng “họ không phải là người chịu trách nhiệm về đời sống mục sư, nhưng họ phải có trách nhiệm cầu nguyện cho mục sư, tiếp tục sinh hoạt trong hội thánh và phục vụ Chúa.” Chúa sẽ tôn trọng và ban phước cho những người như thế.


 Tình trạng thờ phượng Chúa trong đền tạm dưới thời thầy tế lễ Hê-li đã suy thoái trầm trọng đến nỗi dân chúng khinh bỉ sinh tế dâng cho Đức Chúa Trời vỉ Hê-li “biết tính nết quái gở của các con trai mình, mà không cấm” (I Sa-mu-ên 3:13). Cậu bé Sa-mu-ên dù phải ở trong khung cảnh đó nhưng đã lớn lên, trở thành một tiên tri vĩ đại của Đức Chúa Trời.


 Trong Tân Ước chúng ta thấy chính những nhà lãnh đạo trong đền thờ đã là những người đóng đinh Chúa Cứu Thế, tuy nhiên sau khi Chúa phục sinh và thăng thiên, “các môn đồ cứ ở trong đền thờ luôn, ngợi khen Đức Chúa Trời” (Lu-ca 24:53).


 Ý định của Chúa khi thành lập hội thánh là để các môn đệ gia nhập và trung tín sinh hoạt trong đó. Ngày nay nếu bạn ở trong số hơn năm mươi phần trăm dân Mỹ chưa có một gắn bó tích cực nào với hội thánh, bạn sẽ vô cùng bối rối khi thấy số lượng hội thánh bạn có thể gia nhập. Để chọn một hội thánh, khuynh hướng tự nhiên là trở về với giáo hội bạn theo từ thơ ấu. Tuy nhiên, có lẽ bạn cũng thấy muốn tìm một hội thánh dựa trên phán đoán thuộc linh trưởng thành hơn. Gia nhập một hội thánh là một quyết định quan trọng, vì không những hội thánh đáp ứng những nhu cầu thuộc linh lớn lao của bạn mà quan trọng hơn là còn tạo cho bạn cơ hội phục vụ và đáp ứng nhu cầu người khác. Vì vậy, khi chọn hội thánh bạn cần cầu nguyện cẩn thận để bạn có cơ hội được Chúa sử dụng hữu hiệu nhất.


 Một Hội Thánh Cho Mọi Người


 Có người thấy dễ đến gần Chúa trong những ngôi giáo đường uy nghi và với một hình thức lễ nghi nào đó. Người khác lại muốn đến với Chúa với tấm lòng đơn sơ. Có người thích nghi thức trang nghiêm, có người lại thích những gì thân mật. Tuy nhiên điều quan trọng không phải là chúng ta cảm thấy thế nào nhưng là chiều sâu và sự chân thành trong khi chúng ta thờ phượng. Mỗi người chúng ta phải tìm và gia nhập một nhà thờ nào chúng ta có thể đạt được tốt nhất mục tiêu này.


 Không nên gia nhập và phục vụ trong hội thánh vì một ông mục sư nào đó, nhưng đúng ra là phải vì tập thể hội thánh. Mục sư có thể thay đổi - một hội thánh mạnh khỏe, hào hứng cần được thay đổi mục sư, nhưng tất cả mọi tín lý, giáo điều của hội thánh vẫn y nguyên. Đối tượng lòng trung thành phải là hội thánh và Chúa Cứu Thế của hội thánh. Một hội thánh ổn định, bền chắc khi các thuộc viên nhận thức rằng chính tình yêu chung của họ với Chúa Cứu Thế Giê-xu và mong ước chân thành muốn theo chân Ngài kết chặt họ với nhau.


 Một Cơ-đốc nhân chân chính không những đi nhà thờ để nhận lãnh ơn ích, nhưng cũng để đóng góp vào hội thánh. Tín hữu đi nhà thờ để thêm lời cầu nguyện vào lời cầu nguyện của các anh chị em khác, để thêm lời tạ ơn ca ngợi Chúa, để góp sức trong nỗ lực tìm kiếm ơn phước Chúa cho hội thánh, để làm mạnh mẽ thêm lời chứng về sự cứu rỗi qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Cơ-đốc nhân đi nhà thờ để tham gia với các con cái Chúa trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời, trong sự chiêm ngắm tình yêu và lòng thương xót vô biên của Ngài cũng như để gần gũi, kết thân với các tín hữu khác.


 Cơ-đốc nhân không tích cực tham gia vào sinh hoạt trong hội thánh địa phương làm tôi nhớ đến hình ảnh một cục than hồng bị gắp ra khỏi lò. Cục than nguội dần, không còn ngọn lửa bốc lên nữa và không bao lâu thì tắt ngấm. Ở miền Viễn Tây, khi chó sói đến tấn công một bầy cừu, trước hết chúng xông vào làm tan tác, sau đó mới quay ra tấn công những con lẻ loi, lạc bầy.


 Hội Thánh Là Một Ống Dẫn


 Hội thánh phải là phương tiện dẫn truyền ngân khoản cho công tác Cơ-đốc và nhu cầu của các tín hữu khác. Kinh Thánh dạy chúng ta dâng một phần mười lợi tức cho Chúa. Đây là phần thuộc về Chúa. Thêm vào một phần muời đó, bạn cần dâng cho Chúa tùy theo sự sung túc Chúa ban. Dâng hiến là một ân sủng Cơ-đốc cần được đan dệt cho đến khi hòa lẫn vào trong tấm vải của cuộc sống hàng ngày. Lòng rộng rãi phải là động cơ thôi thúc chúng ta trong mọi sự.


 Chúa Cứu Thế dạy rằng, “Ban cho có phước hơn nhận lãnh” (Công Vụ 20:35). Chúa biết rõ sự ban cho sưởi ấm tấm lòng và thỏa mãn linh hồn như thế nào cho nên Ngài rất mong chúng ta được hưởng ân phúc đặc biệt này. Người ta sống ích kỷ là vì sợ hãi, trong khi đó Cơ-đốc nhân cần phải đứng thẳng lên không nao núng. Chúa Giê-xu luôn luôn đứng với hai bàn tay rộng mở chứ không nắm chặt đầy tham lam ích kỷ. Nếu có thể được, chúng ta nên cố gắng ban cho cách yên lặng, âm thầm. Chúa Giê-xu cũng dạy rằng, “Khi bố thí đừng cho tay trái biết việc làm của tay phải” (Ma-thi-ơ 6:3).


 Việc ban hiến không thể tính bằng tiền, cũng không tính bằng những thùng quần áo cũ. Đôi khi tặng phẩm lớn nhất lại là tình bạn và tình xóm giềng. Một lời nói ân cần, một tiếng chào thân mật, một buổi tối dành cho một người đang cô đơn có thể đem đến một mùa gặt lớn cho Nước Trời. Bạn không thể nào trở thành người chiến thắng linh hồn tội nhân nếu bạn không được chuẩn bị để ban hiến chính mình. Không chỉ là tiền bạc của bạn mà là thì giờ, khả năng và chính bạn - tất cả đều phải được dâng lên phục vụ Chúa Cứu Thế.


 Việc bạn dâng hiến hơn số phần mười không nên giới hạn theo những qui tắc hay phương pháp cố định nào nhưng phải dựa trên nhu cầu bạn thấy theo những qui định của chính Chúa Cứu Thế trong Ma-thi-ơ 6:1-4, nghĩa là làm một cách kín đáo, âm thầm. Người cần sự giúp đỡ của bạn có thể là người hàng xóm, cậu bé đưa báo hay một người nào đó xa xôi tận Phi Châu hay Nam Mỹ. Việc ban hiến của chúng ta là một thể hiện tình yêu đối với Đức Chúa Trời. Chúng ta dâng cho Chúa để đền đáp trong muôn một tình thương lớn lao Ngài ban. Đây chính là cách chúng ta trải rộng tình thương của Ngài ra tận những vùng xa xôi.


 Cơ-đốc nhân cũng phải chia xẻ những trách nhiệm trong cộng đồng theo thì giờ và tài chánh cho phép. Người nhận được sự giúp đỡ tiền bạc cần biết bạn chia xẻ trong danh Chúa Cứu Thế, vì vậy kèm theo món tiền tặng dữ, bạn nên có một bức thư cho tổ chức từ thiện đó với nội dung như sau: “Là một Cơ-đốc nhân, tôi tin rằng Chúa Giê-xu muốn tôi ủng hộ cộng đồng theo khả năng hiện có. Tôi xin gửi đến quí vị món tiền này. Cầu xin Đức Chúa Trời ban phước cho công việc của quí vị.”


 Bạn cẩn thận không nên để bị mắc tội ăn trộm Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy rằng, “Các ngươi bị rủa sả, vì các ngươi hết thảy cả nước đều ăn trộm ta. Các ngươi hãy đem hết thảy phần mười vào kho, hầu cho có lương thực trong nhà ta; và từ nay các ngươi khá lấy điều này mà thử ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán, xem ta có mở các cửa sổ trên trời cho các ngươi, đổ phước xuống cho các ngươi đến nỗi không chỗ chứa chăng” (Ma-la-chi 3:9,10).


 Tiến sĩ Louis Evans từng nói, “Tin mừng miễn phí, nhưng cần phải có tiền mua xô đựng nước cứu rỗi.” Dâng hiến là một hành động có tính cách thờ phượng y như cầu nguyện hay ca ngợi. Hiện nay chính phủ Mỹ đưa ra định mức cho phép cá nhân được dâng hiến đến 50 phần trăm lợi tức cho các cơ quan từ thiện và 25 phần trăm cho các tổ chức tôn giáo, và số dâng hiến đó được miễn thuế lợi tức, nhưng theo ước lượng, chưa đến mười phần trăm dân Mỹ tận dụng đặc ân này. Các công ty được cho phép dâng hiến đến 10 phần trăm nhưng chỉ có khoảng 15 phần trăm các công ty sử dụng quyền lợi trên. Cho dù chính phủ không đưa ra định mức miễn thuế trên thì mười phần trăm lợi tức vẫn thuộc về Đức Chúa Trời.


 Hội Thánh Phổ Biến Tin Mừng


 Mục đích của Hội Thánh là rao giảng phúc âm theo lệnh truyền, “Hãy đi khắp thế gian giảng tin lành cho mọi người” và làm báp-tem cho những người tin. Sứ mạng căn bản và chính yếu của hội thánh là công bố Chúa Cứu Thế cho những người hư vong. Nhu cầu của thế giới hôm nay là phổ biến tiếng kêu cứu cho hội thánh đến giúp. Thế giới đang ngụp lặn trong trong những nan đề luân lý, xã hội và kinh tế. Con người đang đắm chìm trong các lớp sóng tội ác và hổ nhục. Thế giới cần Chúa Cứu Thế. Sứ mạng của Hội Thánh là quăng phao cứu nạn xuống cho tội nhân đang hư vong, chìm đắm khắp nơi.


 Chúa Giê-xu phán, “Khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép làm chứng về ta...” (Công Vụ 1:8). Với quyền năng Đức Thánh Linh chúng ta có thể nắm tay các Cơ-đốc nhân khác để đưa con người về với Chúa Cứu Thế. Sáu mươi lăm phần trăm dân số thế giới chưa được nghe tin lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thế hệ chúng ta đã thất bại thê thảm trong nỗ lực rao giảng tin lành cho thế giới. Theo hội dịch Kinh Thánh Wycliffe thì còn đến hơn ba ngàn ngôn ngữ và thổ ngữ chưa có Kinh Thánh.


 Hội thánh ban đầu không có Kinh Thánh, không có chủng viện, không nhà in, không sách báo, không có các cơ sở giáo dục, không có truyền thanh, truyền hình, không xe hơi, không máy bay, nhưng chỉ trong vòng một thế hệ, Phúc Âm đã được rao giảng cho hầu hết thế giới đương thời. Bí quyết của công cuộc rao giảng tin mừng này chính là quyền năng Đức Thánh Linh.


 Ngày nay, trước những tiến bộ vượt bực của các phương tiện truyền thông, quyền năng Đức Thánh Linh vẫn y nguyên. Vì vậy chúng ta không cần phải vận dụng sức riêng, vì làm như thế chúng ta sẽ thất bại.


 Ngày nay, những bàn chân duy nhất Chúa có là bàn chân chúng ta. Những bàn tay duy nhất Chúa có là bàn tay chúng ta. Lưỡi duy nhất Chúa có là lưỡi chúng ta. Chúng ta phải tận dụng mọi khả năng, phương tiện, phương pháp có được để đưa dắt con người đến với Ngài. Đây là đại sứ mạng của hội thánh. Phương pháp của chúng ta có thể thay đổi, như truyền giáo bằng sự thăm viếng, bằng giáo dục, giảng dạy, bằng các phương tiện kỹ nghệ, bằng các tổ chứng đạo, bằng truyền thanh, truyền hình, bằng phim ảnh, và bằng phương tiện chúng ta vẫn thường gọi là truyền thông đại chúng.


 Tôi được biết ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới hội thánh bị cấm đoán, bị giới hạn và đôi khi bị tiêu diệt, tuy nhiên đây là điều đã được minh chứng nhiều lần đó là “Huyết những người tử đạo chính là hạt giống của hội thánh.” Hội thánh của Đức Chúa Trời là hội thánh lấy Kinh Thánh làm trung tâm, hội thánh đó sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi bị bách hại dữ dội. Lời hứa của Chúa “nơi nào có đôi ba người nhân danh ta nhóm lại thì có ta ở giữa” đã đúng theo tự nghĩa ở nhiều nơi trên thế giới. Những nơi đó, dù Cơ-đốc nhân phải sống trong cảnh bần hàn nhưng họ vẫn trung tín dâng phần mười. Khi có tín hữu nào gặp khó khăn hoạn nạn, các tín hữu khác đến trợ giúp. Không được phép nói về Chúa công khai, họ tìm mọi cơ hội làm chứng bằng đời sống. Cứ như vậy, khi một người bị bách hại tàn nhẫn, vô cớ, nhưng vẫn bình thản, thậm chí vui vẻ chịu đựng, thế nào cũng sẽ có người thấy. Họ sẽ tìm đến bảo rằng, “Tôi thấy anh bị xử tệ, nhưng anh vẫn vui vẻ.” Đây chính là lúc người tín đồ nắm lấy cơ hội để chia xẻ về đức tin nơi Chúa Cứu Thế. Vì vậy, nơi nào hội thánh Chúa càng bị bách hại lại càng tăng trưởng, và đây cũng chính là thách thức cho chúng ta hành xử như họ.