Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Bất Hòa Trong Hôn Nhân (Bài 7)

Như chúng ta đã biết, vợ chồng có bất hòa là điều bình thường, tuy nhiên, chúng ta cần biết nguyên nhân và cách giải quyết để bất hòa không gây đổ vỡ nhưng giúp vợ chồng hiểu nhau và yêu nhau hơn. Qua các Câu Chuyện Gia Đình trước đây, chúng tôi có nói rằng vợ chồng bất hòa với nhau vì nhiều yếu tố. Những yếu tố bên ngoài là khi gia đình gặp túng thiếu, đau ốm, thử thách, hoặc khi cha mẹ hay bạn bè xen vào đời sống. Những yếu tố bên trong đưa đến bất hòa là khi vợ chồng có kinh nghiệm sống khác nhau, tiêu chuẩn đạo đức và mục tiêu trong đời sống khác nhau; lắm khi là vì có nhu cầu, ước muốn và tính tình khác nhau. Bất hòa giữa vợ chồng cũng có thể là dấu hiệu của một nan đề khác nghiêm trọng hơn mà chúng ta cần bén nhạy nhìn thấy. Hôm nay chúng tôi xin nói đến một điểm khác chúng ta cần nhận biết khi vợ chồng có chuyện bất hòa với nhau.
Bất hòa có thể là cơ hội giúp củng cố tình yêu vợ chồng
Nếu để ý chúng ta thấy những bất hòa giữa vợ chồng xảy ra hầu hết là vì đôi bên không hiểu ý nhau. Một nhà tâm lý học nọ nói rằng, bất hòa giữa vợ chồng có thể là cơ hội mở ra những cánh cửa lâu nay khép kín và giúp vợ chồng đối thoại với nhau thành thật và cởi mở hơn. Tuy nhiên, bất hòa cũng có thể làm cho cánh cửa đối thoại đóng lại, khiến vợ chồng trở thành dè dặt và ngăn cách nhau, tất cả là tùy ở mức độ trưởng thành của hai người. Nếu khi gặp xung đột hay bất hòa, chúng ta áp dụng Lời Chúa dạy, thành thật nói lên điều mình suy nghĩ, sẵn sàng lắng nghe để hiểu và thông cảm nhau, để rồi chấp nhận nhau và tha thứ nhau. Lúc đó, bất hòa hay bất đồng ý kiến sẽ giúp cho đối thoại giữa vợ chồng được khai thông và củng cố tình yêu của hai người. Ngược lại, nếu khi phiền giận vì bất đồng ý kiến mà chúng ta cố chấp, không chịu lắng nghe, không thông cảm, không chấp nhận và không tha thứ, mối quan hệ vợ chồng sẽ trở nên căng thẳng, lạnh nhạt, dần dần trở thành cay đắng và tình yêu sẽ chết.

Có cô vợ trẻ kia buồn vì thấy chồng mình sao hay giận và dễ giận quá. Mỗi lần cô nhắc chồng làm chuyện gì hay góp ý với chồng một điều gì là người chồng nổi giận, dù cô nói tử tế, nhẹ nhàng. Một ngày kia bị chồng giận, người vợ buồn quá nên khóc và hỏi:
- Tại sao em chỉ hỏi một câu như vậy mà anh nổi giận?
Người chồng trả lời:
- Anh không biết, có lẽ là tại điều em nói làm anh nhớ lại hồi còn nhỏ bị mẹ anh la mắng hoài nên anh bị tổn thương, anh không thích nghe những lời như vậy.
Lúc đó người vợ mới chợt hiểu: chồng cô dễ buồn giận là vì những tổn thương trong thời thơ ấu. Từ đó cô thông cảm với chồng, thương chồng hơn và cũng cẩn thận hơn mỗi khi cần nhắc nhở chồng điều gì.
Bất hòa hay bất đồng ý kiến giữa vợ chồng lắm khi giúp chúng ta có cơ hội thực hành Lời Chúa và phát huy những mỹ đức nhân từ, yêu thương, khiêm nhường, nhịn nhục... Khi vợ chồng bất đồng ý kiến trong tư tưởng và lời nói, chúng ta nên cố gắng giải hòa, vì khi đến chỗ bất đồng ý kiến trong hành động, vấn đề sẽ nghiêm trọng và khó giải quyết, có thể để lại nhiều thương tổn và lắm khi không cứu chữa được. Phiền giận và bất đồng ý kiến có thể đưa đến những hành động thiếu khôn ngoan, gây ra những tổn thương sâu đậm. Vì thế mà sứ đồ Phao-lô khuyên:
Nếu anh em đang cơn giận thì chớ phạm tội; chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn và đừng cho ma quỷ nhân dịp (Ê-phê-sô 4:26-27)
Và:
Chớ lấy ác trả ác cho ai, phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người (Rô-ma 12:17-18).
Thánh Kinh cũng dạy:
Tình yêu dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự (I Cô-rinh-tô 13:7).
Một hôn nhân muốn được tốt đẹp đòi hỏi tinh thần sẵn sàng nhận lỗi, sẵn sàng tha thứ và giải hòa, như Lời Chúa dạy. Sống hòa thuận, yêu thương với mọi người phải là mục tiêu của người tin Chúa, nhất là với những người thân yêu mà Chúa đã ban cho cuộc đời chúng ta.
CÁCH GIẢI QUYẾT BẤT HÒA TRONG HÔN NHÂN
Có đôi bạn trẻ kia quen nhau đã nhiều năm nhưng khi nói đến chuyện kết hôn, cả hai đều lo ngại. Lý do là vì hai người đều nóng tính. Tuy thương nhau nhưng mỗi khi có chuyện bất hòa là hai người tuôn đổ cơn giận lên nhau, không người nào kềm chế được tính nóng giận của mình. Họ luôn luôn có những lời nói và hành động làm tổn thương nhau. Khi hết giận hai người rất ân hận về những lời đã nói và những thái độ không đẹp của mình. Nhưng khi có chuyện bất đồng ý kiến, họ lại nóng giận và lại làm tổn thương nhau. Đây là những người không biết cách giải quyết bất hòa với người mình yêu thương.
Tác giả James Fairfield, trong quyển When You Don't Agree: A Guide to Resolving Marriage and Family Conflict, cho biết, khi vợ chồng có chuyện buồn giận nhau, chúng ta thường đối diện với những buồn giận và bất hòa bằng những cách khác nhau. Ông cho biết, năm cách chúng ta thường áp dụng khi vợ chồng có chuyện bất hòa là: Rút lui, lấn lướt, nhượng bộ, thỏa hiệp hoặc quyết tâm giải quyết vấn đề.
Phương cách thứ nhất: Rút lui
Có người rất sợ bất hòa với người chung quanh, nhất là với người phối ngẫu nên mỗi khi thấy 'tình hình căng thẳng,' có thể đưa đến bất hòa là lo rút lui ngay, không dám nói hay làm điều gì nữa. Có người vì sợ người phối ngẫu nên không bao giờ dám làm điều gì trái ý người đó, cũng không dám nói lên ý kiến khác với ý của người đó. Có những ông chồng vì vợ quá dữ nên sẵn sàng rút lui mỗi khi có điều bất đồng ý kiến. Tuy nhiên, rút lui thường là cách của những bà vợ có người chồng độc tài và nóng tính. Các bà sẵn sàng rút lui vì không chịu được sự căng thẳng giữa vợ chồng và vì muốn được yên thân. Những người sẵn sàng rút lui khi có bất đồng ý kiến với người khác thường là người tự ti mặc cảm và thiếu tự tin. Những người này nghĩ rằng mình không có giá trị gì nên sẵn sàng chấp nhận tất cả thiệt thòi. Cũng có thể đây là những người thấy mình 'thấp cổ bé miệng' còn người phối ngẫu thì quá độc tài và cứng rắn, nếu mình có lên tiếng cũng không ai nghe, có khi còn mang thiệt vào thân nên sẵn sàng rút lui cho yên nhà yên cửa.


Có người rút lui bằng cách im lặng, không nói, không bày tỏ ý kiến hay suy nghĩ của mình. Có người rút lui bằng cách bỏ ngoài tai lời người kia nói hay làm ngơ trước những sự việc đang xảy ra, làm như những điều đó không có và không ảnh hưởng gì đến mình. Cũng có người rút lui bằng cách bỏ đi nơi khác để không phải đối diện với người mà mình có bất hòa. Người thường rút lui khi có bất hòa là người nghĩ rằng bất hòa hay bất đồng ý kiến là điều không tốt, là nguy hiểm cho hạnh phúc gia đình. Cũng có thể vì người đó thấy rằng bất hòa là tình trạng tuyệt vọng, vô phương giải quyết, mình không thể làm gì được nên rút lui là cách tốt nhất để bảo vệ chính mình và để không phải đối diện hay giải quyết nan đề. Rút lui khi vợ chồng có chuyện bất hòa là cách giải quyết ít hữu hiệu nhất nếu chúng ta muốn xây dựng một hôn nhân hạnh phúc. Lý do là vì người rút lui sẽ không bao giờ nói lên ý kiến hay ước muốn của mình, vợ chồng vì thế sẽ không biết ý nhau, không thông cảm nhau và do đó không thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Trong hôn nhân, nếu một người lúc nào cũng sợ và sẵn sàng nhận chịu mọi thiệt thòi, người đó sẽ có lúc cảm thấy uất ức và buồn giận. Nỗi uất ức đó lâu ngày có thể trở thành căm giận và cay đắng.
Có bà vợ kia mỗi khi đề nghị với chồng điều gì thì bị chồng gạt ngang, không nghe cũng không làm theo vì cho là vợ không biết gì. Người vợ buồn lắm nhưng vì sợ chồng nên bà không dám biểu lộ phản ứng gì cả. Dần dần bà vợ chẳng bao giờ nói lên ý kiến hay suy nghĩ của mình. Người chồng thì độc tài và thiếu tế nhị, không quan tâm đến nhu cầu và ước muốn của vợ. Việc gì ông cũng cho là mình phải, mình đúng. Vì vợ không nói ra, người chồng không biết là vợ buồn giận về cách ứng xử của ông và vì thế không sửa đổi. Sau nhiều năm, nỗi phiền giận của người vợ trở thành cay đắng. Bà không muốn sống bên người chồng độc tài nữa nên xin ly dị chồng! Nếu chúng ta áp dụng phương cách rút lui tạm thời, để cơn giận giữa hai người dịu bớt, để tránh những lời nói hay việc làm thiếu khôn ngoan trong lúc nóng giận, đó là điều tốt, sau đó nên tìm cơ hội thuận tiện trao đổi với nhau để giải quyết vấn đề chứ không nên rút lui luôn và làm như không có nan đề gì cả.
Nguyên tắc Chúa dạy cho người trong gia đình cũng như trong hội thánh, tức là đại gia đình của Chúa, là:
Chúa muốn chúng ta lấy tình yêu thương nói lên sự thật... Anh chị em mỗi người hãy nói thật với người lân cận mình vì chúng ta đều là chi thể của nhau (Ê-phê-sô 4:15, 25).
Chúa muốn chúng ta nói thật với lòng yêu thương và lời nói của chúng ta phải luôn luôn có ân hậu, dù là khi bất đồng ý kiến, để đem lại xây dựng và hữu ích cho người nghe.


(Còn tiếp)
Minh Nguyên