Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Tôi Tìm Tới Tổ Tiên


Nói rằng người tin Chúa là bỏ ông bỏ bà thì thật là không đúng và thiếu hiểu biết về Đạo Chúa. Cơ đốc nhân không lập bàn thờ để cúng bái hương nhang cũng có cái cớ của nó. Hãy tìm hiểu để tỏ tường thật-giả người tin Chúa tỏ lòng hiếu kính ông bà tổ tiên như thế nào...
Người Việt từ cổ chí kim đã có lòng hiếu kính tổ tiên, ông bà, cha me, thể hiện qua nhiều tập tục truyền thống. Ví như những dịp Lễ Tết không thể thiếu nhang hương, tiết thanh minh không quên ngày tảo mộ. Ngày giỗ tuần không thể vắng mặt tử tôn xa gần về hội họp gia tiên để cùng nhau nhắc nhớ người xưa… Nhưng phần nhiều con cháu làm theo những truyền thống, phong tục đều không tường gốc tích các tục ấy ra sao; tỉ như vì sao và từ khi nào người ta lại thắp hương đèn cho người đã khuất thì không ai biết. Ngày lễ tết nên tỏ lòng hiếu kính tổ tiên theo cách nào cho phải lẽ. Là Cơ đốc nhân có nên tảo mộ, làm giỗ hay không? Xin nêu ra một vài điều người mới tin Chúa chưa tỏ để cùng giải đáp.
Hỏi: Tại sao tin Chúa không được phép thắp hương, khấn vái trước bàn thờ. Có phải như vậy là bỏ ông, bỏ bà mà mang tội bất kính, bất hiếu hay không?
Đáp: Chắc chắn là không. Người tin Chúa luôn tỏ lòng kính hiếu với bố mẹ, tổ tiên, ông bà thậm chí là hơn lúc chưa tin Chúa nữa. Có chăng cách tỏ lòng hiếu kính khác với cách bày tỏ sai lạc mà người xưa vẫn thường làm theo tập quán, phong tục mà họ ảnh hưởng của tín ngưỡng dị đoan bên Trung Hoa.
Xin lý giải tường tận việc này như sau:
Không rõ người Việt du nhập tục hương nhang từ đâu và từ bao giờ, nhưng cứ tra cứu sách sử thì hẳn không phải người Việt cổ nghĩ ra việc hương đèn. Tức việc thắp hương cúng bái không phải là cội nguồn gốc rễ từ người Việt mà ra. Thế nên, bảo thắp hương để giữ gìn bản sắc cội nguồn thì chưa đúng.
Tra cứu sử xưa thì thấy việc đốt hương bắt nguồn từ khoảng năm 3700 TCN (cách đây khoảng 5.700 năm) trong các nền văn minh cổ đại Đông Phương (Ấn Độ, Ai Cập, Babylon…). Thời đó, hương đốt được làm từ nhựa lấy từ thân của loài cây Boswellia mọc rất nhiều ở miền Nam Ả Rập và Somalia. Cùng với sự phát triển mậu dịch trao đổi, các nền văn minh Tây phương xa xưa cũng áp dụng sự đốt hương, và trong các triều đại Ai Cập như Sheba, Hadramaout và Qataban, đất nước này đã giàu phất lên từ việc xuất khẩu hương liệu. Thánh Kinh cũng kí thuật việc nữ hoàng Sheba dâng tặng hương liệu cho vua Sa-lô-môn nhiều đến nỗi chưa từng có ai đem hương liệu đến nhiều như số hương liệu của nữ hoàng Sê-ba đã tặng cho vua Sa-lô-môn (I Các Vua 10:10).
Theo phỏng đoán, thời đó người ta phát hiện ra nhiều loại cây bị cháy thường tỏa ra các mùi hương đặc biệt, mỗi loài cây cháy lại cho một mùi hương khác nhau. Dần dần hình thành việc chế biến, sản xuất ra các hương liệu và các thanh hương để đốt. Nguyên thủy, việc đốt cây cỏ có mùi hương để căn nhà ấm áp, có mùi dễ chịu và đôi khi có tác dụng chữa một số bệnh chứ không có liên quan gì đến việc cúng tế thần linh, và càng không can hệ đến việc cúng vái người chết hoặc các vong hồn theo quan niệm của người xưa.
Mãi sau này, dần dần hương được sử dụng và trở thành chủ yếu trong các sinh hoạt tôn giáo và tâm linh khắp mọi nơi thuộc nhiều tôn giáo. Có thể việc đốt hương du nhập tới Trung Quốc theo các lễ nghi tôn giáo của đạo Phật hoặc đạo Bà-la-môn. Vài sử liệu nói thời gian du nhập có thể vào thời hậu Xuân Thu tức thời nhà Tần (221 TCN – 206 TCN) hoặc nhà Hán (206TCN – 220 SCN). Trước đó vài trăm năm, bút sách thời ông Khổng Tử và Lão Tử (thế kỷ 5-6 TCN) cũng có ghi chép việc cúng bái khấn lạy nhưng chưa hề thấy xuất hiện cây hương. Tỉ như một đoạn trong sách Trung Dung của Khổng Tử có chép:“Vào mùa xuân và mùa thu, người xưa trang trí bàn thờ tổ tiên. Họ bày các đồ đồng mà tổ tiên đã sử dụng và các quần áo tổ tiên đã mặc. Họ dâng cúng các thức ăn và hoa trái theo mùa”.
Như vậy, tính ra nếu người Việt có nhận mình rập khuôn theo tập tục phương Bắc chăng nữa thì giữ việc hương khói cũng không phải là gìn giữ bản sắc cội nguồn. Mà thảy đều là tập tục du nhập bên Đông Phương, Tây Phương đó thôi.
Xét vậy mới hiểu ngọn ngành việc kính hiếu bố mẹ, ông bà, tổ tiên không bởi việc đốt nén nhang hay khấn lạy trước bàn thờ gia tiên trong từ đường. Bởi nếu không có hương nhang là bất hiếu thì chắc thời ông Khổng Tử, Lão Tử trở về trước là bất hiếu hết sao? Hoặc từ khi chưa có việc hương khói bên xứ Tây, xứ Tàu thì người đời chưa biết lẽ hiếu thảo? Nói thế nghe mới thật phi lý, hồ đồ!
Vậy đâu mới là hiếu thật?
Kinh thánh là sách Thánh từ Thiên Chúa tức Thượng Đế hay người Việt vẫn gọi là Ông Trời, là cội nguồn của loài người có dạy nghiêm về việc con cái phải hiếu thảo ông bà, bố mẹ, biết ơn tổ tiên. Ngay trong Mười Điều Răn trọng đại Chúa truyền cho con người tuân giữ, thì điều đầu tiên trong những điều Ngài dạy về luân lý đạo đức giữa cách xử thế con người với con người là: Phải hiếu kính cha mẹ, để các ngươi có thể sống lâu trên đất mà CHÚA, Đức Chúa Trời các ngươi ban cho” (Phục truyền 20:12). Sa-lô-môn, vị vua nổi tiếng khôn ngoan mọi thời đại cũng xem trọng việc hiếu kính cha mẹ trong một câu châm ngôn: “Ngọn đèn của kẻ chửi cha mắng mẹ, Phụt tắt đi giữa đêm tối âm u (Bản dịch Hiện Đại). Thậm chí, câu này còn có ý trừng phạt những kẻ bất hiếu với bố mẹ, tổ tiên.
Chúa Jêsus trong sự dạy dỗ của Ngài cũng kịch liệt phản đối việc hiếu kính “giả tạo” của con người, mặc dù đã được che đậy qua nhiều lễ nghi, phong tục, truyền thống (Mác 7:9-13). Rồi thánh Phao-lô, Phi-e-rơ và nhiều chỗ khác nữa trong Kinh thánh đều dạy dỗ cẩn thận về đức hiếu thảo với mẹ cha, ông bà và lòng biết ơn người đi trước. Xin trích dẫn lời giáo huấn của Phao-lô làm ví dụ: "Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi" (Ê-phê-sô 1:1-2). 
Người có Đạo Chúa thì vâng lời cha mẹ dạy từ thuở nhỏ. Lớn lên hết lòng phụng dưỡng, chăm nom cả khi cha mẹ còn sống khỏe lẫn lúc tuổi già. Ngày cha hoặc mẹ được Chúa cất về, thì cứ theo nghi lễ gia quyến mà chôn cất tử tế, đoàng hoàng. Ảnh cha, mẹ thường treo nơi dễ thấy để tưởng nhớ công ơn. Mỗi năm tới ngày giỗ kỵ cũng làm mâm cơm mời họ tộc, người thân, cả người trong Hội thánh tới cùng sẻ chia kỷ niệm về người đã khuất, nếu cần có thể nhờ Mục sư tiến hành kỷ lễ dẫu đơn giản mà vẫn trang nghiêm, tôn kính… Thiết nghĩ việc kính hiếu cách ấy rất thiết thực mà văn minh, không nhất nhất cứ phải thắp hương nhang vái lạy mà đôi khi chỉ mang tính hình thức, phong tục, thậm chí là hủ tục dẫu không muốn vẫn phải nghe người đời bảo sao làm vậy, vì sợ “tai bay vạ gió” của các bậc thánh thần hư ảo.

Theo loisusong.net