Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Đạo Thiên Chúa dưới mắt Sử gia Trần Trọng Kim

Nguyên khi xưa toàn xứ Âu-la-ba (Âu Châu) không có nhất định một tông giáo nào cả. Mỗi dân tộc thờ một vị thần riêng của mình. Thường hay lấy cái lực hoạt động của tạo hóa mà tưởng tượng ra các vị thần, rồi làm đền, làm đài, để thờ cúng. Như dân tộc Hi-lạp (Grec) và dân tộc La-mã (Romain) thờ thần Giu-bi-te (Jupiter), thần A-bô-lông (Apollon) và các vị thần khác vậy. Duy có dân tộc Do-thái (Juifs) ở đất Tiểu Á-tế-á, nay là đất Palestine đã được độc lập, chỉ thờ một vị thần gọi là Jéhovah ở thành Gia-lỗ-tán-lĩnh (Jerusalem). Dân ấy tin rằng thần Jéhovah sinh hóa vạn vật và người; cho nên người chỉ phải thờ một vị thần ấy mà thôi. Đến đời dân La-mã đã kiêm tính được cả đất Tiểu Á-tế-á, đất bắc A-phi-lị-gia (Phi Châu) và đất tây nam Âu-la-ba, dân Do-thái cũng thuộc La-mã, mà đạo Do-thái bấy giờ cũng đã suy lắm rồi. Lúc ấy đức Gia-tô ra đời, nhân đạo Do-thái mà lập ra đạo mới dạy người lấy sự yêu mến và tôn kính Thiên Chúa làm gốc, lấy bụng từ bi nhân thứ, coi người như anh em ruột thịt làm cốt. Từ đó về sau các môn đồ đem đạo ấy đi truyền bá các nơi. Ông Saint Pierre thì sáng lập giáo đường ở kinh thành La-mã, ông Saint Paul thì đi truyền đạo ở khắp trong nước.

Lúc đầu đạo Thiên Chúa bị nhiều phen vua La-mã nghiêm cấm, dùng cực hình mà giết các giáo sĩ và những người theo đạo mới, nhưng dầu nguy nan thế nào mặc lòng, các môn đồ cứ một niềm đi truyền đạo khắp bốn phương. Mãi đến đầu đệ tứ thế kỷ (313) vua La-mã là Constantin mới cho giảng đạo Thiên chúa ở mọi nơi trong nước. Từ bấy giờ trở đi đạo Thiên Chúa một ngày một thịnh, lập giáo hoàng để thống nhất việc giáo, đặt giám mục để coi việc giáo ở các nơi, lại sai giáo sĩ đi truyền đạo khắp trong thiên hạ: hễ ở đâu có người là có giáo sĩ đến dạy đạo. Bởi vậy cho nên chẳng bao lâu mà toàn Âu đều theo đạo Thiên Chúa cả.


Ở bên Á đông ta thi từ đời nhà Đường (618-907) sử chép có Cảnh giáo tức là một phái Gia-tô giáo đã sang Tàu, nhưng vì bấy giờ đạo Phật đang thịnh, cho nên đạo Cảnh giáo mất dần đi. Mãi đến đời nhà Nguyên, nhà Minh mới thật có giáo sĩ sang giảng đạo Gia-tô ở nước Tàu.

Ở nước Nam ta từ khi đã có người Âu-la-ba sang buôn bán, thì tất là có giáo sĩ sang dạy đạo. Cứ theo sách Khâm Định Việt Sử, thì năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua Trang tông nhà Lê (1533) có người Tây tên là I-Nê-Khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh, thuộc huyện Nam Chân (tức là Nam Trực) và ở làng Trà Lũ, thuộc huyện Giao Thủy.

Sách Nam sử của Trương vĩnh Ký chép rằng năm bính thân (1596) đời ông Nguyễn Hoàng có người giáo sĩ Tây-ban-nha tên là Diego Adverte vào giảng đạo trong Nam trước hết cả. Nhưng lúc bấy giờ lại có mấy chiếc tàu Tây-ban-nha cùng đến, Chúa Nguyễn sợ có ý quấy nhiễu gì chăng, bèn đuổi đi.

Đến năm ất mão (1615) đời Chúa Sãi, Giáo sĩ là P. Busomi lại đến giảng đạo, rồi đến năm giáp tí (1624) có giáo sĩ tên là Jean Rhodes, người Pháp-lan-tây, đến giảng đạo ở Phú xuân và lập ra các giáo đường. Năm bính dần (1626) đời vua Lê Thần-tông, giáo sĩ Baldinoti vào giảng đạo ở ngoài Bắc, bị Chúa Trịnh không cho, phải bỏ đi. Được ít lâu ông Jean Rhodes (Alexandre de Rhodes) ở trong Nam ra Bắc vào yết kiến chúa Trịnh và đem dâng cái đồng hồ quả lắc, chúa Trịnh cho ông Jean Rhodes được giảng đạo tại kinh đô.

Từ đó về sau các Giáo sĩ cứ dần dần vào nước dạy đạo, mà người mình càng ngày càng theo đạo cũng nhiều. Nhưng vì nước ta tự xưa đến nay vẫn theo Nho giáo, lấy sự thờ cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế tự thần thánh làm phải, mà lệ nước thì lấy sự cúng tế làm một việc rất quan trọng. Đột nhiên thấy nhiều người mình theo đạo Thiên Chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho đạo ấy là một tả đạo, làm hủy hoại cả cái phong hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo mới nữa, và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không theo chỉ dụ ấy.

Cứ theo trong sử thì năm Tân Tị (1631) ở trong Nam, Chúa Thượng là Nguyễn-Phúc Lan cấm không cho người Tây vào giảng đạo ở trong nước.

Năm quí mão (1663) ở ngoài Bắc, Chúa Trịnh là Trịnh Tạc bắt đuổi các Giáo sĩ và cấm không cho người mình theo đạo Gia-tô.

Năm giáp thìn (1644) Chúa Hiền ở miền Nam bắt giết những người đi giảng đạo ở Đà Nẵng.

Năm bính tí (1696) đời vua Lê Hi-tông, Trịnh Căn bắt đốt phá cả những sách đạo và nhà đạo ở các nơi và đuổi những người giảng đạo ra ngoài nước.

Năm nhâm thìn (1712) đời vua Lê Dụ-tông, Trịnh Cương bắt những người theo đạo Gia-tô phải cạo trán và khắc vào mặt bốn chữ "Học Hoa-lan đạo" (Hoa-lan tức là Hòa-lan (Hollande). Người Hòa-lan sang buôn bán ở ngoài Bắc trước hết cả cho nên mới gọi là đạo Hòa-lan. Vả lúc bấy giờ người Việt Nam ta không phân biệt được những nước nào, hễ thấy người Tây thì thường cứ gọi là Hòa-lan).

Năm giáp tuất (1754) đời Cảnh-hưng, Trịnh Doanh lại nghiêm cấm một cách rất ngặt, không cho người ta đi theo đạo, và lại giết cả các đạo trưởng và đạo đồ.

Từ đó về sau việc cấm đạo ngày một nghiêm, mà người đi giảng đạo cũng không lấy luật nước làm sợ, cứ cố sức dụ cho được nhiều người theo đạo. Rồi dần dần người trong nước phân ra bên lương bên giáo, ghen ghét nhau hơn người cừu địch. Vua quan thì thấy dùng phép thường không cấm được, mới dùng đến cực hình để mà trừng trị, giết hại bao nhiêu người vô tội.

Tóm lại mà xét, thì giả sử người ngoại quốc vào nước ta mà chỉ có việc buôn bán mà thôi, thì chắc rằng nước ta xưa nay vốn là một nước văn hiến, vua quan ta cũng không có lẽ gì mà ngăn cấm; nhưng bởi vì khi đã quan hệ với việc sùng tín, thì dù hay dở thế nào mặc lòng, người ta ai cũng cho sự sùng tín của mình là phải hơn, thành ra không ai khoan dung cho ai, rồi cứ phải dùng thế lực mà đè nén nhau. Cũng vì thế cho nên nước ta không chịu suy xét lẽ phải trái cho kỹ càng, làm lắm sự tàn ác để đến nỗi mất cả sự hòa hiếu với các nước Tây dương và gây nên cái mối biến loạn cho nước nhà vậy.

Sự cấm đạo đời vua Minh Mạng

Từ khi vua Thánh-tổ (Minh Mạng) lên ngôi, ngài đã có ý không cho người ngoại quốc vào giảng đạo ở trong nước. Đến năm ất dậu (1825), khi chiếc tàu Thétis vào cửa Đà-nẵng, có một người giáo sĩ tên là Rogerot ở lại đi giảng đạo các nơi, vua Thánh-tổ nhân dịp ấy mới có dụ cấm đạo, và truyền cho các quan phải khám xét các tàu bè của ngoại quốc ra vào cửa bể. Trong dụ nói rằng: "Đạo phương Tây là tả đạo, làm mê hoặc lòng người và hủy hoại phong tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải theo chính đạo".


Ngài lại sai tìm bao nhiêu những giáo sĩ ở trong nước đem cả về Huế để dịch những sách Tây ra chữ Việt Nam, chủ ý là không phải vì việc dịch sách, nhưng là để cho khỏi đi giảng đạo ở chỗ hương thôn.

Lúc bấy giờ không phải là một mình vua Thánh-tổ ghét đạo mà thôi, phần nhiều những quan lại cũng đều một ý cả, cho nên sự cấm đạo lại càng nghiệt thêm. Nhưng mà dẫu cấm thế nào mặc lòng, trong nước vẫn có người đi giảng đạo, nhà vua lấy điều đó làm trái phép, lại có ra dụ lần nữa truyền cho dân bên giáo phải bỏ đạo,và ai bắt được giáo sĩ đem nộp thì được thưởng. Năm ấy ở Huế có một người giáo sĩ phải xử giảo, và ở các nơi cũng rối loạn vì sự bắt đạo và giết đạo.

Từ đó trở đi, trong Nam ngoài Bắc, chổ nào cũng có giặc giã nổi lên, nhà vua ngờ cho dân bên đạo theo giúp quân giặc, lại càng cấm nghiệt: từ năm giáp ngọ (1834) cho đến năm mậu tuất (1838), có nhiều giáo sĩ và đạo đồ bị giết, nhất là từ khi bắt được cố Du (P. Marchand) ở Gia-định rồi, sự giết đạo lại dữ hơn trước nữa.

Nhà vua một mặt thì cấm đạo, một mặt thì ban những huấn điều ra để khuyên dân giữ lấy đạo chính. Nhưng nhà vua mà dùng uy quyền để giết hại bao nhiêu, thì dân sự lại khổ sở bấy nhiêu, chứ lòng tin tưởng của người ta không sao ngăn cấm được. Vả lại đạo Thiên chúa cũng là một đạo tôn nghiêm, dạy người ta lấy lòng nhân ái, việc gì mà làm khổ dân sự như thế? Các giáo sĩ bây giờ cứ một niềm liều sống chết đi truyền giáo cho được, có người phải đào hầm mà ở dưới đất hằng mấy tháng để dạy đạo. Những người có chí bền chặt như vậy, thì hình phạt cũng vô ích mà thôi. Năm mậu tuất (1838), vua Thánh-tổ thấy cấm thế nào cũng không được những người đi giảng đạo trong nước, ngài bèn sai sứ sang Pháp để điều đình với chính phủ Pháp về việc ấy. Song khi sứ thần Việt Nam ta sang đến nơi, thì hội Ngoại quốc truyền đạo xin Pháp hoàng là vua Louis Philippe đừng tiếp - theo sách Histoire de la Cochinchine Francaise của ông Cultru - Sứ thần ta phải trở về không; khi về đến Huế thì vua Thánh-tổ đã mất rồi.

Việc giao thiệp với nước Pháp đời vua Thiệu Trị

Từ khi vua Hiến-tổ (Thiệu Trị) lên trị vì, thì sự cấm đạo hơi nguôi đi được một ít. Nhưng mà triều đình vẫn ghét đạo, mà những giáo sĩ ngoại quốc vẫn còn giam cả ở Huế. Có người đưa tin ấy cho trung tá nước Pháp tên là Favin Lévêque coi tàu Héroine. Ông Favin Lévêque đem tàu vào Đà-nẵng xin cho năm người giáo sĩ được tha.


Qua năm ất tị (1845) là năm Thiệu Trị thứ năm có một giám mục tên Lefèbvre phải án xử tử. Bây giờ có người quản tàu Mỹ-lợi-kiên ở Đà Nẵng xin mãi không được, mới báo tin cho hải quân thiếu tướng nước Pháp là Cécile biết. Thiếu tướng sai quân đem chiếc tàu Alcmène vào Đà Nẵng lĩnh giám mục ra.

Năm đinh vị (1847) quan nước Pháp được tin rằng ở Huế không còn giáo sĩ phải giam nữa, mới sai đại tá De Lapierre và trung tá Rigault de Genouilly đem hai chiếc chiến thuyền vào Đà Nẵng, xin bỏ những chỉ dụ cấm đạo và để cho người trong nước được tự do theo đạo mới.

Lúc hai bên còn đang thương nghị về việc ấy, thì quan nước Pháp thấy thuyền của ta ra đóng gần tàu của Pháp, và ở trên bờ lại thấy có quân ta sắp sửa đồn lũy, mới nghi có sự phản trắc gì chăng, bèn phát súng bắn đắm cả những thuyền ấy, rồi nhổ neo kéo buồm ra bể.


Vua Hiến-tổ thấy sự trạng như thế, tức giận vô cùng, lại có dụ ra cấm người ngoại quốc vào giảng đạo, và trị tội những người trong nước đi theo đạo.

Việc tàu nước Pháp vào bắn ở Đà Nẵng xong được mấy tháng, thì vua Hiến-tổ phải bệnh mất. Bấy giờ là tháng chín năm đinh vị (1847), năm Thiệu Trị thứ bảy. Ngài làm vua được bảy năm, thọ 37 tuổi, miếu hiệu là Hiến-Tổ Chương-Hoàng-đế.

Việc cấm đạo đời vua Tự Đức

Việc cấm đạo thì từ năm mậu thân (1848) là năm Tự Đức nguyên niên, vua Dực-tông mới lên ngôi, đã có dụ cấm đạo. Lần ấy trong dụ nói rằng những người ngoại quốc vào giảng đạo, thì phải tội chết, những người đạo trưởng ở trong nước mà không chịu bỏ đạo, thì phải khắc chữ vào mặt, rồi phải đày đi ở chỗ nước độc. Còn những ngu dân thì các quan phải ngăn cấm, đừng để cho đi theo đạo mà bỏ sự thờ cúng cha ông, chứ đừng có giết hại v. v...


Đến năm tân hợi (1851) là năm Tự Đức thứ tư, lại có dụ ra cấm đạo. Lần này, cấm nghiệt hơn lần trước, và có mấy người giáo sĩ ngoại quốc phải giết.

Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước I-pha-nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy.

Hoà ước năm Nhâm Tuất (1862)

Đến hôm 9 tháng 5 thì Thiếu tướng Bonard và Sứ thần nước Nam ta là ông Phan Thanh Giản và ông Lâm duy Tiếp ký tờ hòa ước. Tờ hòa ước ấy có 12 khoản, khoản đầu tiên có liên quan đến tôn giáo:



1. Nước Nam phải để cho giáo sĩ nước Pháp và nước I-pha-nho được tự do vào giảng đạo, và để dân gian được tự do theo đạo.

Hòa ước năm Giáp Tuất (1874)

Ngày 27 tháng giêng năm giáp-tuất (1874), là năm Tự-Đức thứ 27, Thiếu tướng hải quân Dupré và ông Lê Tuấn, ông Nguyễn Văn Tường ký tờ hòa ước cả thảy 22 khoản, khoản IX lập lại việc giảng đạo.

Khoản IX. Vua nước Nam phải để cho giáo sĩ được tự do đi giảng đạo, và để cho dân trong nước được tự do theo đạo.

(Trích Việt Nam Sử Lược)