Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

SỰ VÃN HỒI VÀ SỰ GIẢI HÒA


Trong sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời, có những điều là sự vãn hồi và sự giải hòa; tức là, Đức Chúa Trời vãn hồi chúng ta là những người từng có nan đề với Ngài và giải hòa với chúng ta là những người từng thù nghịch với chính Ngài. Khi chúng ta tin vào Chúa và được cứu, chúng ta chiếm được và vui hưởng hai điều này.
I. SỰ VÃN HỒI
1) “... Con Ngài [tức Con Đức Chúa Trời] vì tội lỗi chúng ta mà làm tế lễ vãn hồi” (1 Giăng 4:10).
Khi phạm tội nghịch lại Đức Chúa Trời, chúng ta trở nên tội lỗi trước mặt Ngài. Điều này làm phát sinh nan đề giữa Đức Chúa Trời và chúng ta. Vì lý do ấy, Chúa Giê-su không những dâng chính Ngài như sinh tế chuộc tội trên thập tự giá (Ê-sai 53:10) để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi mình trước mặt Đức Chúa Trời, mà Ngài còn trở nên tế lễ vãn hồi để giải quyết nan đề chúng ta đã có với Đức Chúa Trời.

A. Ý Nghĩa Của Sự Vãn hồi
1) “Ngài [tức Đấng Christ] vì tội lỗi chúng ta mà làm tế lễ vãn hồi” (1 Giăng 2:2).
Từ ngữ “sự vãn hồi” nghĩa đen có nghĩa là sự dàn xếp trung gian giữa hai bên để làm cho họ nên một. Khi bên A gây nên nan đề với bên B, hoặc xúc phạm bên B hay mắc nợ bên B một điều gì, sau đó bên B đòi hỏi một điều gì đó nơi bên A. Nếu yêu cầu không được đáp ứng, nan đề giữa hai bên sẽ không được giải quyết, và hai bên không thể làm hòa với nhau. Do đó cần có sự vãn hồi. Tội lỗi chúng ta phân rẽ chúng ta với Đức Chúa Trời và cản trở sự tương giao giữa chúng ta với Ngài. Tội lỗi làm cho chúng ta có nan đề với Đức Chúa Trời. Vì vậy, chúng ta cần Chúa Giê-su là tế lễ vãn hồi để thỏa đáp yêu cầu của Đức Chúa Trời.
B. Hoàn Thành Sự Vãn hồi
1) “Ngài... làm tế lễ vãn hồi vì tội của dân” (Hê-bơ-rơ 2:17).
Khi Chúa Giê-su hoàn thành sự cứu chuộc cho chúng ta trên thập tự giá, Ngài cũng hoàn thành sự vãn hồi cho chúng ta. Vì Ngài chịu đựng sự thống khổ của sự chết và đổ huyết giải quyết những tội lỗi gây nan đề giữa chúng ta với Đức Chúa Trời, nên sự chịu khổ và đổ huyết của Ngài giải quyết nan đề mà tội lỗi đã gây ra, khiến cho Đức Chúa Trời và chúng ta, chúng ta và Đức Chúa Trời đôi bên hòa thuận với nhau.
C. Áp Dụng Sự Vãn hồi
1) “Đấng [tức Đấng Christ cứu chuộc] mà Đức Chúa Trời đã lập làm nắp vãn hồi [tức nắp rương chứng cớ] nhờ đức tin trong huyết Ngài, để bày tỏ sự công chính của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:25).
Trên thập tự giá, Đấng Christ đã thực hiện xong cho chúng ta việc vãn hồi qua sự cứu chuộc của Ngài. Chính Ngài đã trở nên tế lễ vãn hồi của chúng ta, được tượng trưng bằng nắp rương chứng cớ trong Nơi Chí Thánh, là nơi Đức Chúa Trời bày tỏ sự thương xót đối với loài người. Dựa trên Đấng Christ là nắp vãn hồi, Đức Chúa Trời có thể áp dụng chính sự vãn hồi đã được Đấng Christ thực hiện xong cho những người tin vào Đấng Christ và đến gần Đức Chúa Trời. Điều này giải quyết nan đề do tội lỗi gây ra giữa Ngài và họ.
II. SỰ GIẢI HÒA
1) “Đức Chúa Trời... khiến cho thế gian hòa lại với Ngài” (2 Cô-rin-tô 5:19).
Sự giải hòa với Đức Chúa Trời theo ngay sau sự vãn hồi và được đem đến cho chúng ta bởi sự vãn hồi. Sự vãn hồi do Chúa Giê-su hoàn thành qua sự cứu chuộc của Ngài giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời.
A. Ý Nghĩa Của Sự Giải Hòa
Được giải hòa với Đức Chúa Trời nguyên văn nghĩa là có một sự thay đổi triệt để đối với Đức Chúa Trời. Trong sự sa ngã, loài người nổi loạn với Đức Chúa Trời, tạo nên nan đề với Ngài, chống nghịch Ngài (Côl. 1:21), và trở nên kẻ thù của Đức Chúa Trời (Rô 5:10). Vì vậy, con người cần một sự thay đổi triệt để đối với Đức Chúa Trời; tức là họ cần được giải hòa với Đức Chúa Trời nhờ sự cứu chuộc của Đấng Christ. Không phải Đức Chúa Trời được giải hòa với chúng ta mà là chúng ta được giải hòa với Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Trời không bao giờ gây ra một nan đề nào đối với chúng ta, Ngài không cần được giải hòa với chúng ta. Trái lại chúng ta mới là những người gây ra nan đề với Đức Chúa Trời và vì vậy cần được giải hòa với Ngài.
B. Sự Giải Hòa Được Thực Hiện Xong
1) “Mọi sự đều ra từ Đức Chúa Trời, Ngài [tức Đức Chúa Trời] đã nhờ Christ mà khiến chúng ta hòa lại với Ngài, và giao cho chúng ta chức dịch giải hòa” (2 Cô-rin-tô 5:18-19).
Do Đức Chúa Trời mà chúng ta được hòa lại với Ngài. Đức Chúa Trời giải hòa chúng ta với chính Ngài nhờ Đấng Christ và trong Đấng Christ. Vì vậy, sự giải hòa hoàn toàn là công việc của Đức Chúa Trời.
2) Đức Chúa Trời “nhờ Ngài [tức Đấng Christ] khiến cho mọi sự... hòa lại với mình, vì đã nhờ huyết của thập tự giá Ngài mà làm nên hòa bình rồi” (Côl. 1:20).
Vì Đức Chúa Trời muốn giải hòa chúng ta với chính Ngài, Ngài đã làm nên sự hòa bình cho chúng ta nhờ huyết mà Đấng Christ đã đổ ra trên thập tự giá, và sau đó nhờ Đấng Christ, Ngài giải hòa chúng ta với chính Ngài. Vì vậy, vấn đề chúng ta được giải hòa với Đức Chúa Trời cách dịu ngọt như vậy đã được Đức Chúa Trời hoàn tất. Đức Chúa Trời hoàn thành điều này nhờ Đấng Christ đổ huyết Ngài trên thập tự giá. Bằng cách đổ huyết Ngài trên thập tự giá, một mặt Đấng Christ thay cho chúng ta làm nên sự hòa bình để giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời, mặt khác Ngài hoàn tất chính điều đó thay mặt cho Đức Chúa Trời vì chính Đức Chúa Trời là Đấng nhờ Đấng Christ mà đã làm nên sự hòa bình cho chúng ta.
C. Kết Quả Của Sự Giải Hòa
1) Có sự bình an đối với Đức Chúa Trời — “Chúng ta... được hòa với Đức Chúa Trời bởi Chúa chúng ta là Giê-su Christ” (Rô-ma 5:1).
Có sự hòa bình là được bình an. Chúng ta từng là những tội nhân, có nan đề với Đức Chúa Trời. Chúng ta không có sự hòa bình với Đức Chúa Trời và không được bình an với Ngài. Nhưng bây giờ vì đã được giải hòa với Đức Chúa Trời nhờ sự cứu chuộc và sự vãn hồi của Đấng Christ, chúng ta có sự bình an đối với Đức Chúa Trời và cùng vui hưởng sự hòa bình với Ngài.
2) Khoe khoang trong Đức Chúa Trời — “Chúng ta lại còn khoe khoang trong Đức Chúa Trời bởi Chúa chúng ta là Giê-su Christ, nhờ Ngài mà chúng ta hiện nay đã nhận được sự phục hòa” (Rô-ma 5:11).
Theo nguyên văn, từ ngữ “khoe khoang” ở đây bao hàm ý nghĩa vui mừng, hân hoan, tán tụng, và đầy dẫy sự hãnh diện. Vì chúng ta đã được giải hòa đối với Đức Chúa Trời nhờ Chúa Giê-su Christ và đã chiếm được Đức Chúa Trời, chính Đức Chúa Trời đã trở nên phần hưởng đời đời của chúng ta. Chúng ta có thể vui hưởng Ngài, khoe khoang, vui mừng, hân hoan, tán tụng, và đầy dẫy sự hãnh diện nơi Ngài; tức là “chúng ta cũng khoe khoang trong hoạn nạn nữa” (Rô 5:3), và chúng ta “khoe khoang trong sự hi vọng về vinh quang Đức Chúa Trời” (Rô 5:2).
3) Được cứu trong sự sống — “Đã được hòa lại rồi, lại sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu” (Rô-ma 5:10).
Nhờ được giải hòa với Đức Chúa Trời, chúng ta được đem vào trong sự sống của Đấng Christ. Kết quả là chúng ta có thể được cứu trong sự sống của Đấng Christ, tức là nhờ sự sống của Đấng Christ mà được cứu khỏi nhiều điều tiêu cực, được giải cứu khỏi những tội lỗi vấn vương của mình, khỏi thế gian và sự chiếm đoạt của nó, khỏi xác thịt chúng ta, khỏi sự nóng giận của mình, khỏi tính khí, bản ngã và con người thiên nhiên của chúng ta.
Ba điểm trên là những kết quả của việc chúng ta được giải hòa với Đức Chúa Trời.
D. Bước Thứ Hai Của Sự Giải Hòa
1) “Chúng tôi thay thế Đấng Christ mà xin anh em [tức các tín đồ], hãy hòa lại với Đức Chúa Trời” (2 Cô-rin-tô 5:20).
Văn mạch trong phần trước câu này nói rằng Đức Chúa Trời đã giải hòa thế gian với chính Ngài. Chúng ta đã thấy điều này trước đó. Trong câu này, Đức Chúa Trời bảo các tín đồ, là những người đã được giải hòa rồi, hãy giải hòa với Ngài sâu xa hơn nữa. Điều này cho thấy có hai bước trong việc chúng ta được giải hòa trọn vẹn với Đức Chúa Trời. Bước thứ nhất là khi còn là những tội nhân, chúng ta được giải hòa với Đức Chúa Trời, được giải thoát khỏi tội lỗi và được Đức Chúa Trời xưng công chính. Bước thứ hai là sau khi được cứu mà vẫn sống trong sự sống thiên nhiên, chúng ta được giải hòa với Đức Chúa Trời, được giải cứu khỏi xác thịt để trở nên sự công chính của Đức Chúa Trời. Để thực hiện bước thứ nhất trong việc giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời, Đấng Christ chết trên thập tự giá để mang tội lỗi chúng ta (1 Phi 2:24; 1 Côr. 15:3), để tội lỗi chúng ta được Đức Chúa Trời tha thứ và Đức Chúa Trời có thể xưng chúng ta công chính vì Ngài. Để thực hiện bước thứ hai trong việc giải hòa chúng ta với Đức Chúa Trời, Đấng Christ đã bị trở nên tội và chịu đóng đinh vì chúng ta trên thập tự giá (2 Côr. 5:21), để chúng ta được giải cứu khỏi xác thịt và Đức Chúa Trời có thể làm cho chúng ta nên sự công chính của Ngài trong Đấng Christ.

Witness Lee