Một trong những vị vua của Trung Hoa biết “chăm lo” cẩn thận về cái xác của mình sau khi chết là bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Người ta chết thì chỉ cần một ngôi mộ là đủ rồi, nhưng ông vua này thì không như vậy. Thỉnh thoảng người ta lại nghe tin là các nhà khảo cổ khai quật được một ngôi mộ mới của Tần Thủy Hoàng (cho đến nay, người ta vẫn không chắc là thực sự có bao nhiêu ngôi mộ của ông bạo chúa này). Sự thật thì bởi vì ông vua này quá độc ác cho nên ông sợ kẻ thù sẽ đào mồ để trả thù sau khi ông chết cho nên ông phải “tung hỏa mù” bằng cách xây nhiều ngôi mộ để người ta không tìm thấy cái xác thật của ông ta.
Trong những ngôi mộ như vậy, người ta còn đào thấy xác của cả một đội nhân công đông đảo. Thì ra, Tần Thủy Hoàng đã cho chôn sống luôn những công nhân xây mộ để bảo tồn một cách tuyệt đối bí mật về địa điểm của những ngôi mộ này. Với một bạo chúa đã dám hy sinh hàng trăm ngàn thần dân để xây cho được Vạn Lý Trường Thành thì chuyện chôn sống những thợ xây mồ là chuyện “nhỏ.” Nhưng hành động của ông vua này có một điểm thật là ngớ ngẩn: Dù ông bảo quản thật cẩn thận cái xác chết của mình, dù người ta không thể nào biết được cái xác thật của ông ở đâu, thì bây giờ nó cũng chỉ là một đám bụi lẫn lộn với đất cát nằm đâu đó trong lòng đất. Với cả một “sự nghiệp hiển hách,” vị bạo chúa này vẫn không học được một chân lý đơn giản đó là chết là chết. Chết sang cũng chết, chết hèn cũng chết. Chết ồn ào cũng chết, chết âm thầm cũng chết. Chết một mình cũng chết, chết mà còn kéo theo cả đoàn người vô tội chết theo như Tần Thủy Hoàng cũng chết. Đó là cái định luật mà Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa, đã an bày cho nhân loại. Cát bụi phải trở về với cát bụi. Kinh Thánh cho biết rằng loài người đã phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cũng đã chép rằng tiền công của tội lỗi là sự chết. Kinh Thánh còn đi xa hơn để cho biết rằng con người tội lỗi phải gánh chịu không chỉ một mà là hai cái chết: cái chết thứ nhất là cái chết về thân thể và cái chết thứ hai đáng sợ hơn nhiều đó là cái chết đời đời về linh hồn.
Nhưng đối với con cái Chúa, cái chết không còn đáng sợ. Cơ Đốc Nhân không cần phải chết hai lần. Họ cũng chết về thể xác như bao người khác, nhưng đàng sau cái chết về thân thể là một niềm hy vọng chắc chắn về sự sống vĩnh cữu của linh hồn trong thiên đàng cực lạc. Đó là nhờ vào niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Đấng đã phục sinh. Kinh Thánh chép rằng “Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ (chết)” (1 Cô. 15: 20). Sự kiện Chúa Giê-xu phục sinh là nền móng vững chắc của đức tin của người tin Chúa. Vì Chúa đã phục sinh, cho nên những kẻ tin Ngài cũng sẽ phục sinh ngày Ngài trở lại. Đây là lời hứa chắc chắn của Đức Chúa Trời được chép lại trong Thánh Kinh.
Sự kiện Chúa Giê-xu phục sinh là một sự kiện lịch sử không bác bỏ được. Đây không phải là một “huyền thoại tôn giáo” như những tôn giáo khác do các đệ tử của các vị giáo chủ thêu dệt chung quanh họ và lâu ngày trở thành một niềm tin. Có lẽ con cái Chúa cũng không cần nhọc công để chứng minh rằng Chúa Giê-xu đã sống lại vì những kẻ thù của Đạo Chúa đã thất bại trong việc chứng minh rằng Chúa Giê-xu đã chết thật như bao người khác. Kẻ thù của Thập Tự Giá, của Cơ Đốc Giáo như những nhà lãnh đạo đền thờ Giê-ru-sa-lem, nhà cầm quyền La Mã vào thời bấy giờ, cũng như những kẻ vô thần trong gần hai ngàn năm qua đã tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng Chúa Giê-xu đã chết, nhưng tất cả đều đã thất bại. Ngược lại, những kẻ đi tìm bằng chứng để nói rằng Chúa Giê-xu đã chết đều đi đến kết luận là Ngài thực đã sống lại. Câu chuyện về Đại Tướng Lon Wallace là một trong những câu chuyện như vậy. Có lần ông và một người bạn là Robert Green Ingersoll đã giao hẹn với nhau là sẽ bằng mọi giá chứng minh rằng Chúa Giê-su đã chết và niềm tin Cơ-đốc chỉ là một huyền thoại tôn giáo. Nhưng kết quả là Lon Wallace đã đầu phục Chúa, và sau đó ông đã viết tác phẩm Ben Hur nổi tiếng để làm chứng về điều này.
Chúng ta có thể khẳng định rằng Chúa đã phục sinh và đang hiện hữu một cách vô hình với chúng ta bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Việc Chúa đã phục sinh còn khẳng định cho chúng ta rằng sự mặc khải của Đức Chúa Trời qua Thánh Kinh và qua con người của Chúa Giê-xu là chân lý, niềm tin chúng ta là đúng đắn, sự cứu rỗi là một thực hữu, và lời hứa về một sự đồng hưởng hạnh phúc vĩnh cữu với Đức Chúa Trời trong cõi đời đời là một điều chắc chắn.
Ở đây, chúng ta hãy trở lại những bản ký thuật của các sách Phúc Âm về sự kiện Chúa phục sinh để tìm lại và hiểu được cái xúc động ban đầu của những môn đồ của Chúa.
Khi những người đàn bà thức dậy thật sớm vào buổi sáng Chúa phục sinh, họ chỉ chú tâm vào chuyện hoàn tất công việc chôn cất xác Chúa, người Thầy yêu dấu mà họ nghĩ rằng đã chết. Thứ Sáu đối với họ là một cơn ác mộng. Chúa Giê-xu đã chịu đựng hết tất cả những sỉ nhục và cuối cùng đã bị đóng đinh vào Thập Tự Giá. Những người bạn của Chúa Giê-xu vội vã đem xác Ngài xuống khỏi cây thập tự để đưa vào trong một một ngôi mộ vay mượn, chờ hoàn tất công việc chôn cất. Những giọt nước mắt đau thương đã ngập tràn trong tâm hồn của họ. Những nụ cười đã biến mất, và thay vào đó là những nỗi hoang mang, niềm tuyệt vọng, nghi ngờ, sự vỡ mộng. Sự viếng phần mộ Chúa vào sáng hôm đó chẳng khác nào việc khơi lại một vết thương đau nhói ở trong lòng.
Nỗi đau và sự mất mát đã hoàn toàn chiếm ngự tâm hồn của họ. Họ cất bước như những cái xác không hồn, quên cả việc nhờ những người đàn ông đi theo để giúp họ lăn tảng đá chận cửa mộ ra. Khi gần đến nơi, họ mới sực nhớ: “Ai sẽ lăn hòn đá lấp cửa mộ cho chúng ta?” Vầng đá lấp cửa mộ là một phiến đá khổng lồ. Người ta đào một rãnh lớn cho nó để khi lăn vào chỗ thì vầng đá này sẽ ngăn không cho thú hoang hoặc những tên trộm mồ mả lẻn vào trong hầm mộ. Muốn lăn nó ra thì phải cần một đòn bẩy và một sức mạnh rất lớn. Nhưng trong sự ngạc nhiên tột độ của họ, vầng đá đã bị lăn ra, xác Chúa đã không còn ở đó. Thiên sứ xuất hiện và bảo họ rằng: “Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại.” Thật vinh dự thay và hạnh phúc thay cho những người phụ nữ đang bị nhận chìm trong bi thương tuyệt vọng đó. Họ là những người đầu tiên được nghe báo tin mừng. Nỗi sầu thảm của họ trước đó lớn bao nhiêu thì nỗi vui mừng của họ bây giờ lại lớn bấy nhiêu. Tảng đá tuyệt vọng trong lòng họ đã được lăn đi để chỉ còn lại một niềm vui lớn lao rằng Chúa của họ đã phục sinh.
Một buổi sáng mù sương đầu thế kỷ 19, con tàu báo tin của Quận Công Willington xuất hiện ngoài khơi bờ biển nước Anh. Người đánh cờ hiệu trên tàu đánh đi dòng chữ thấp thoáng “Willington” và sau đó “Defeated.” Ngay lúc ấy, màn sương mù dày đặc kéo đến và người ta không còn nhìn thấy gì nữa. Tin “thất trận” của vị Quận Công đang chỉ huy quân đồng minh ở Waterloo chống lại vị Hoàng Đế Napoleon I đầy tham vọng bá chủ của nước Pháp truyền thật nhanh về thủ đô Luân Đôn. Sự sầu thảm bao trùm cả cung điện hoàng gia và cả thành phố. Nhưng ba giờ đồng hồ sau, mặt trời lên cao và màn sương mù cất đi, người nhận tin trên đồi cao bây giờ đọc thêm được dòng chữ “The enemy.” Cả bản tin là “Willington defeated the enemy.” Tin “thất trận” trước đó thật ra chỉ là phần đầu của ca khúc khải hoàn. Chỉ sau ba tiếng đồng hồ, sự sầu thảm của cả nước Anh bây giờ bị thế chỗ bởi niềm vui mừng thắng trận. Ngày thứ Sáu ở Giê-ru-sa-lem hôm ấy đối với Ma-ri Ma-đơ-len và những người phụ nữ khác là cơn ác mộng, là bản tin buồn “Giê-xu đã chết.” Nhưng chỉ ba ngày sau, vào buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh hôm ấy, tin buồn đã đổi thành một tin mừng đắc thắng “Chúa Đã Sống Lại” mà sự lớn lao của nó không lấy gì để đo lường được.
Hãy cùng đi với những người phụ nữ vào sáng sớm Phục Sinh hôm ấy. Hãy tự hỏi mình: “Ai sẽ lăn hòn đá ra cho chính tôi?” Và để chứng kiến quyền năng rất lớn của Chúa lăn vầng đá ra cho chúng ta. Hôm nay, hãy tự hỏi mình: “Vầng đá nào đã chận kín cửa lòng của chúng ta, không cho người ta nhìn thấy trong lòng chúng ta một Đấng Christ đang sống?” Vầng đá đang chận kín cửa lòng của chúng ta có thể có nhiều tên. Có thể đó là sự thiếu tình yêu thương của Chúa, thiếu lòng tha thứ cho nhau . . . Có thể đó là một tham vọng ở đời này, tiền tài, danh vọng, quyền lực . . . Có thể đó là một góc tối trong linh hồn mà chỉ có chính chúng ta và Chúa nhìn thấy được . . . Những vầng đá này ngăn cản chúng ta đến với Chúa một cách tự do và đến với nhau một cách thật lòng. Nhưng những vầng đá ngăn trở không phải là dấu chấm hết đối với những môn đồ của Đấng Christ. Dấu chấm câu của Đạo Chúa luôn luôn là tin mừng. Tin mừng trong câu chuyện Chúa phục sinh cho chúng ta hôm nay đó là mỗi khi chúng ta đến với Chúa, đến với nhau với tấm lòng cay đắng hay mỗi khi chúng ta mệt mỏi trên con đường theo Chúa dưới những gánh nặng và những tuyệt vọng trong cuộc đời, thì chúng ta cần nhớ rằng Chúa có quyền năng để lăn bất cứ vầng đá nào đang chận cửa những hầm mộ trong tấm lòng của chúng ta. Phải, bất cứ vầng đá nào!
Nguyền xin quyền năng của Chúa Giê-xu Phục Sinh tràn đầy trong tấm lòng của tôi, của tất cả quí ông bà anh chị em để trong lòng, trong đời sống của chúng ta, từng giờ, từng phút, từng giây, luôn luôn có điệp khúc vang rền của bài ca khải hoàn Ngài Sống: “Ngài Sống, Ngài Sống, Chúa Giê-su sống hiện rày! Đi chung trò chuyện suốt lối hẹp hòi, tâm tôi vui mừng thơ thái . . .”
Mong thật hết lòng.
Mục Sư Nguyễn Mạnh Cường
Một trong những vị vua của Trung Hoa biết “chăm lo” cẩn thận về cái xác của mình sau khi chết là bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Người ta chết thì chỉ cần một ngôi mộ là đủ rồi, nhưng ông vua này thì không như vậy. Thỉnh thoảng người ta lại nghe tin là các nhà khảo cổ khai quật được một ngôi mộ mới của Tần Thủy Hoàng (cho đến nay, người ta vẫn không chắc là thực sự có bao nhiêu ngôi mộ của ông bạo chúa này). Sự thật thì bởi vì ông vua này quá độc ác cho nên ông sợ kẻ thù sẽ đào mồ để trả thù sau khi ông chết cho nên ông phải “tung hỏa mù” bằng cách xây nhiều ngôi mộ để người ta không tìm thấy cái xác thật của ông ta.
Trong những ngôi mộ như vậy, người ta còn đào thấy xác của cả một đội nhân công đông đảo. Thì ra, Tần Thủy Hoàng đã cho chôn sống luôn những công nhân xây mộ để bảo tồn một cách tuyệt đối bí mật về địa điểm của những ngôi mộ này. Với một bạo chúa đã dám hy sinh hàng trăm ngàn thần dân để xây cho được Vạn Lý Trường Thành thì chuyện chôn sống những thợ xây mồ là chuyện “nhỏ.” Nhưng hành động của ông vua này có một điểm thật là ngớ ngẩn: Dù ông bảo quản thật cẩn thận cái xác chết của mình, dù người ta không thể nào biết được cái xác thật của ông ở đâu, thì bây giờ nó cũng chỉ là một đám bụi lẫn lộn với đất cát nằm đâu đó trong lòng đất. Với cả một “sự nghiệp hiển hách,” vị bạo chúa này vẫn không học được một chân lý đơn giản đó là chết là chết. Chết sang cũng chết, chết hèn cũng chết. Chết ồn ào cũng chết, chết âm thầm cũng chết. Chết một mình cũng chết, chết mà còn kéo theo cả đoàn người vô tội chết theo như Tần Thủy Hoàng cũng chết. Đó là cái định luật mà Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa, đã an bày cho nhân loại. Cát bụi phải trở về với cát bụi. Kinh Thánh cho biết rằng loài người đã phạm tội nghịch cùng Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cũng đã chép rằng tiền công của tội lỗi là sự chết. Kinh Thánh còn đi xa hơn để cho biết rằng con người tội lỗi phải gánh chịu không chỉ một mà là hai cái chết: cái chết thứ nhất là cái chết về thân thể và cái chết thứ hai đáng sợ hơn nhiều đó là cái chết đời đời về linh hồn.
Nhưng đối với con cái Chúa, cái chết không còn đáng sợ. Cơ Đốc Nhân không cần phải chết hai lần. Họ cũng chết về thể xác như bao người khác, nhưng đàng sau cái chết về thân thể là một niềm hy vọng chắc chắn về sự sống vĩnh cữu của linh hồn trong thiên đàng cực lạc. Đó là nhờ vào niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, là Đấng đã phục sinh. Kinh Thánh chép rằng “Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ (chết)” (1 Cô. 15: 20). Sự kiện Chúa Giê-xu phục sinh là nền móng vững chắc của đức tin của người tin Chúa. Vì Chúa đã phục sinh, cho nên những kẻ tin Ngài cũng sẽ phục sinh ngày Ngài trở lại. Đây là lời hứa chắc chắn của Đức Chúa Trời được chép lại trong Thánh Kinh.
Sự kiện Chúa Giê-xu phục sinh là một sự kiện lịch sử không bác bỏ được. Đây không phải là một “huyền thoại tôn giáo” như những tôn giáo khác do các đệ tử của các vị giáo chủ thêu dệt chung quanh họ và lâu ngày trở thành một niềm tin. Có lẽ con cái Chúa cũng không cần nhọc công để chứng minh rằng Chúa Giê-xu đã sống lại vì những kẻ thù của Đạo Chúa đã thất bại trong việc chứng minh rằng Chúa Giê-xu đã chết thật như bao người khác. Kẻ thù của Thập Tự Giá, của Cơ Đốc Giáo như những nhà lãnh đạo đền thờ Giê-ru-sa-lem, nhà cầm quyền La Mã vào thời bấy giờ, cũng như những kẻ vô thần trong gần hai ngàn năm qua đã tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng Chúa Giê-xu đã chết, nhưng tất cả đều đã thất bại. Ngược lại, những kẻ đi tìm bằng chứng để nói rằng Chúa Giê-xu đã chết đều đi đến kết luận là Ngài thực đã sống lại. Câu chuyện về Đại Tướng Lon Wallace là một trong những câu chuyện như vậy. Có lần ông và một người bạn là Robert Green Ingersoll đã giao hẹn với nhau là sẽ bằng mọi giá chứng minh rằng Chúa Giê-su đã chết và niềm tin Cơ-đốc chỉ là một huyền thoại tôn giáo. Nhưng kết quả là Lon Wallace đã đầu phục Chúa, và sau đó ông đã viết tác phẩm Ben Hur nổi tiếng để làm chứng về điều này.
Chúng ta có thể khẳng định rằng Chúa đã phục sinh và đang hiện hữu một cách vô hình với chúng ta bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Việc Chúa đã phục sinh còn khẳng định cho chúng ta rằng sự mặc khải của Đức Chúa Trời qua Thánh Kinh và qua con người của Chúa Giê-xu là chân lý, niềm tin chúng ta là đúng đắn, sự cứu rỗi là một thực hữu, và lời hứa về một sự đồng hưởng hạnh phúc vĩnh cữu với Đức Chúa Trời trong cõi đời đời là một điều chắc chắn.
Ở đây, chúng ta hãy trở lại những bản ký thuật của các sách Phúc Âm về sự kiện Chúa phục sinh để tìm lại và hiểu được cái xúc động ban đầu của những môn đồ của Chúa.
Khi những người đàn bà thức dậy thật sớm vào buổi sáng Chúa phục sinh, họ chỉ chú tâm vào chuyện hoàn tất công việc chôn cất xác Chúa, người Thầy yêu dấu mà họ nghĩ rằng đã chết. Thứ Sáu đối với họ là một cơn ác mộng. Chúa Giê-xu đã chịu đựng hết tất cả những sỉ nhục và cuối cùng đã bị đóng đinh vào Thập Tự Giá. Những người bạn của Chúa Giê-xu vội vã đem xác Ngài xuống khỏi cây thập tự để đưa vào trong một một ngôi mộ vay mượn, chờ hoàn tất công việc chôn cất. Những giọt nước mắt đau thương đã ngập tràn trong tâm hồn của họ. Những nụ cười đã biến mất, và thay vào đó là những nỗi hoang mang, niềm tuyệt vọng, nghi ngờ, sự vỡ mộng. Sự viếng phần mộ Chúa vào sáng hôm đó chẳng khác nào việc khơi lại một vết thương đau nhói ở trong lòng.
Nỗi đau và sự mất mát đã hoàn toàn chiếm ngự tâm hồn của họ. Họ cất bước như những cái xác không hồn, quên cả việc nhờ những người đàn ông đi theo để giúp họ lăn tảng đá chận cửa mộ ra. Khi gần đến nơi, họ mới sực nhớ: “Ai sẽ lăn hòn đá lấp cửa mộ cho chúng ta?” Vầng đá lấp cửa mộ là một phiến đá khổng lồ. Người ta đào một rãnh lớn cho nó để khi lăn vào chỗ thì vầng đá này sẽ ngăn không cho thú hoang hoặc những tên trộm mồ mả lẻn vào trong hầm mộ. Muốn lăn nó ra thì phải cần một đòn bẩy và một sức mạnh rất lớn. Nhưng trong sự ngạc nhiên tột độ của họ, vầng đá đã bị lăn ra, xác Chúa đã không còn ở đó. Thiên sứ xuất hiện và bảo họ rằng: “Sao các ngươi tìm người sống trong vòng kẻ chết? Ngài không ở đây đâu, song Ngài đã sống lại.” Thật vinh dự thay và hạnh phúc thay cho những người phụ nữ đang bị nhận chìm trong bi thương tuyệt vọng đó. Họ là những người đầu tiên được nghe báo tin mừng. Nỗi sầu thảm của họ trước đó lớn bao nhiêu thì nỗi vui mừng của họ bây giờ lại lớn bấy nhiêu. Tảng đá tuyệt vọng trong lòng họ đã được lăn đi để chỉ còn lại một niềm vui lớn lao rằng Chúa của họ đã phục sinh.
Một buổi sáng mù sương đầu thế kỷ 19, con tàu báo tin của Quận Công Willington xuất hiện ngoài khơi bờ biển nước Anh. Người đánh cờ hiệu trên tàu đánh đi dòng chữ thấp thoáng “Willington” và sau đó “Defeated.” Ngay lúc ấy, màn sương mù dày đặc kéo đến và người ta không còn nhìn thấy gì nữa. Tin “thất trận” của vị Quận Công đang chỉ huy quân đồng minh ở Waterloo chống lại vị Hoàng Đế Napoleon I đầy tham vọng bá chủ của nước Pháp truyền thật nhanh về thủ đô Luân Đôn. Sự sầu thảm bao trùm cả cung điện hoàng gia và cả thành phố. Nhưng ba giờ đồng hồ sau, mặt trời lên cao và màn sương mù cất đi, người nhận tin trên đồi cao bây giờ đọc thêm được dòng chữ “The enemy.” Cả bản tin là “Willington defeated the enemy.” Tin “thất trận” trước đó thật ra chỉ là phần đầu của ca khúc khải hoàn. Chỉ sau ba tiếng đồng hồ, sự sầu thảm của cả nước Anh bây giờ bị thế chỗ bởi niềm vui mừng thắng trận. Ngày thứ Sáu ở Giê-ru-sa-lem hôm ấy đối với Ma-ri Ma-đơ-len và những người phụ nữ khác là cơn ác mộng, là bản tin buồn “Giê-xu đã chết.” Nhưng chỉ ba ngày sau, vào buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh hôm ấy, tin buồn đã đổi thành một tin mừng đắc thắng “Chúa Đã Sống Lại” mà sự lớn lao của nó không lấy gì để đo lường được.
Hãy cùng đi với những người phụ nữ vào sáng sớm Phục Sinh hôm ấy. Hãy tự hỏi mình: “Ai sẽ lăn hòn đá ra cho chính tôi?” Và để chứng kiến quyền năng rất lớn của Chúa lăn vầng đá ra cho chúng ta. Hôm nay, hãy tự hỏi mình: “Vầng đá nào đã chận kín cửa lòng của chúng ta, không cho người ta nhìn thấy trong lòng chúng ta một Đấng Christ đang sống?” Vầng đá đang chận kín cửa lòng của chúng ta có thể có nhiều tên. Có thể đó là sự thiếu tình yêu thương của Chúa, thiếu lòng tha thứ cho nhau . . . Có thể đó là một tham vọng ở đời này, tiền tài, danh vọng, quyền lực . . . Có thể đó là một góc tối trong linh hồn mà chỉ có chính chúng ta và Chúa nhìn thấy được . . . Những vầng đá này ngăn cản chúng ta đến với Chúa một cách tự do và đến với nhau một cách thật lòng. Nhưng những vầng đá ngăn trở không phải là dấu chấm hết đối với những môn đồ của Đấng Christ. Dấu chấm câu của Đạo Chúa luôn luôn là tin mừng. Tin mừng trong câu chuyện Chúa phục sinh cho chúng ta hôm nay đó là mỗi khi chúng ta đến với Chúa, đến với nhau với tấm lòng cay đắng hay mỗi khi chúng ta mệt mỏi trên con đường theo Chúa dưới những gánh nặng và những tuyệt vọng trong cuộc đời, thì chúng ta cần nhớ rằng Chúa có quyền năng để lăn bất cứ vầng đá nào đang chận cửa những hầm mộ trong tấm lòng của chúng ta. Phải, bất cứ vầng đá nào!
Nguyền xin quyền năng của Chúa Giê-xu Phục Sinh tràn đầy trong tấm lòng của tôi, của tất cả quí ông bà anh chị em để trong lòng, trong đời sống của chúng ta, từng giờ, từng phút, từng giây, luôn luôn có điệp khúc vang rền của bài ca khải hoàn Ngài Sống: “Ngài Sống, Ngài Sống, Chúa Giê-su sống hiện rày! Đi chung trò chuyện suốt lối hẹp hòi, tâm tôi vui mừng thơ thái . . .”
Mong thật hết lòng.
Mục Sư Nguyễn Mạnh Cường