Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

SỰ THA THỨ TỘI LỖI VÀ SỰ TẨY SẠCH TỘI LỖI


Trong sự cứu rỗi đầy trọn của Ngài, trước hết Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi chúng ta và sau đó Ngài tẩy sạch những tội lỗi ấy. Khi chúng ta tiếp nhận sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời, những điều đầu tiên chúng ta vui hưởng là được Đức Chúa Trời tha thứ các tội lỗi mình và tẩy sạch các tội lỗi ấy.
I. SỰ THA THỨ TỘI LỖI
1) “Hễ ai tin Ngài thì nhờ danh Ngài mà nhận được sự tha tội” (Công-vụ 10:43).
Sự tha tội là phần đầu tiên trong sự cứu chuộc chúng ta, là điều chúng ta nhận được ngay giây phút chúng ta tin. Nan đề đầu tiên của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời là có một hồ sơ ghi chép tội lỗi của chúng ta do những hành vi tội lỗi của chúng ta. Chỉ khi nào hồ sơ được xóa sạch, sự công chính của Đức Chúa Trời mới có thể buông tha chúng ta. Nếu những hành vi tội lỗi của chúng ta trước mặt Ngài không được loại bỏ, Đức Chúa Trời công chính không thể ban cho chúng ta những điều còn lại trong sự cứu chuộc Ngài. Vì vậy, trước hết chúng ta cần được Đức Chúa Trời tha thứ các tội lỗi mình.

A. Ý Nghĩa Của Sự Tha Thứ Tội Lỗi
1) Được giải thoát khỏi hình phạt thuộc về sự công chính của Đức Chúa Trời — “Ai tin vào Ngài thì chẳng bị định tội đâu” (Giăng 3:18).
Trước hết, tha tội có nghĩa là loại bỏ hồ sơ tội lỗi của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời để chúng ta được giải thoát khỏi hình phạt thuộc về sự công chính của Đức Chúa Trời. Vì chúng ta có hồ sơ tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời và bị kết án, nên lẽ ra chúng ta phải chịu hình phạt công chính của Đức Chúa Trời. Nhưng khi Đức Chúa Trời tha thứ chúng ta, Ngài giải thoát chúng ta khỏi hình phạt công chính của Ngài và không còn kết án chúng ta nữa.
2) Làm cho tội lỗi lìa khỏi những người được tha thứ — “Ban... sự tha tội”(Công-vụ 5:31); “Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên Người [tức Đấng Christ]” (Ê-sai 53:6); “Chính Ngài [tức Đấng Christ] gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ [tức thập tự giá]” (1 Phi-e-rơ 2:24).
Trong Tân Ước, từ ngữ Hi-lạp được dịch là tha thứ có nghĩa là “làm cho (nó) lìa khỏi” và “đưa đi”. Khi Đức Chúa Trời tha các tội lỗi chúng ta, không những Ngài loại trừ hồ sơ tội lỗi của chúng ta trước mặt Ngài, mà Ngài còn làm cho tội lỗi mà chúng ta đã vi phạm lìa khỏi chúng ta. Lý do là vì khi Đức Chúa Trời làm cho Chúa Giê-su trở nên của lễ chuộc tội cho chúng ta trên thập tự giá, Ngài đặt tất cả tội lỗi của chúng ta trên Đấng ấy để Đấng ấy mang thay cho chúng ta. Hơn nữa, khi Đức Chúa Trời làm cho Chúa Giê-su mang tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá để chịu đựng sự phán xét và hình phạt của Đức Chúa Trời thay cho chúng ta, Ngài cũng làm cho mọi tội lỗi của chúng ta đặt trên Sa-tan để hắn mang chúng đời đời. Điều này được bày tỏ trong biểu tượng về sự chuộc tội được ghi lại trong Lê-vi Ký chương 16. Tội đến từ Sa-tan, truyền qua chúng ta, khiến chúng ta có một hồ sơ tội lỗi trước mặt Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đặt tất cả tội lỗi của chúng ta trên Chúa Giê-su để Ngài mang tất cả hầu chịu hình phạt của Đức Chúa Trời thay cho chúng ta và hủy bỏ hồ sơ tội lỗi của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời. Sau khi làm điều ấy, Đức Chúa Trời giao mọi tội lỗi lại cho Sa-tan để chính hắn mang chúng. Bằng cách đó, Đức Chúa Trời có thể tha thứ tội lỗi của những người được tha thứ và làm cho tội lỗi họ lìa khỏi họ. “Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu” (Thi 103:12).
3) Quên tội lỗi của những người được tha thứ — “Ta [tức Đức Chúa Trời] sẽ khoan thứ sự bất nghĩa của họ, chẳng nhớ lại tội lỗi của họ nữa” (Hê-bơ-rơ 8:12).
Khi Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi của những người được tha, thì Ngài cũng quên những tội ấy đi. Khi Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi của chúng ta, không những Ngài hủy hồ sơ tội của chúng ta và làm cho những tội ấy lìa khỏi chúng ta, nhưng trong chính Ngài, Ngài cũng quên chúng đi. Một khi Ngài tha thứ, thì Ngài xóa tội lỗi chúng ta khỏi trí nhớ Ngài và không hề nhớ đến chúng nữa.
B. Nền Tảng Của Sự Tha Thứ Tội Lỗi
1) “Ngoài sự đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22).
Sự tha tội của Đức Chúa Trời dựa trên sự đổ huyết cứu chuộc. Vì Ngài là công chính, Đức Chúa Trời không thể tha thứ tội lỗi loài người nếu không có lý do. Sự công chính của Ngài đòi hỏi mọi người phạm tội phải chết (Êxê. 18:4). Nếu đòi hỏi công chính của Ngài không được thỏa đáp, sự công chính của Ngài không thể cho phép Ngài tha tội cho các tội nhân. Nhưng vì Chúa Giê-su chết và đổ huyết Ngài trên thập tự giá theo sự công chính của Đức Chúa Trời, do đó làm thỏa mãn đòi hỏi công chính của Đức Chúa Trời, nên Đức Chúa Trời có thể tha tội cho loài người cách hợp pháp theo sự công chính của Ngài. Chúa Giê-su phán: “Đây là huyết Ta, huyết của giao ước, đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Math. 26:28). Vì huyết của Chúa Giê-su đã đổ ra cho loài người theo sự công chính của Đức Chúa Trời, do đó đã đáp ứng đòi hỏi công chính của Đức Chúa Trời, nên đã trở nên nền tảng mà căn cứ trên đó tội lỗi của những người tin vào Ngài được tha thứ.
C. Phương Cách Nhận Được Sự Tha Tội
1) Sự Ăn Năn — “Sự ăn năn và sự tha tội” (Lu-ca 24:47). Ăn năn đối với Đức Chúa Trời là bước đầu tiên để tội nhân nhận được sự tha tội của Đức Chúa Trời.
2) Đức tin — “Hễ ai tin Ngài [tức Đấng Christ] thì nhờ danh Ngài mà nhận được sự tha tội” (Công-vụ 10:43).
Về phương diện tiêu cực, ăn năn là quay khỏi tội, còn về phương diện tích cực, tin là tin vào Đấng Christ. Tin vào Đấng Christ là vào trong Ngài và được liên kết với Ngài. Đó là bước thứ hai để chúng ta nhận được sự tha tội của Đức Chúa Trời. Bước này theo ngay sau sự ăn năn.
D. Kết Quả Của Sự Tha Tội
1) Kính sợ Đức Chúa Trời — “Nhưng Chúa có lòng tha thứ cho, để người ta kính sợ Chúa” (Thi-thiên 130:4).
Sự tha thứ tội lỗi của Đức Chúa Trời làm cho chúng ta kính sợ Ngài. Càng vui hưởng sự tha tội của Đức Chúa Trời, chúng ta càng kính sợ Ngài.
2) Yêu thương Đức Chúa Trời — “Tội lỗi nàng vẫn nhiều mà đều đã được tha, vì nàng [tức người phụ nữ tội lỗi] thương yêu nhiều” (Lu-ca 7:47).
Đó là lời Chúa phán về người phụ nữ tội lỗi đã được Ngài tha thứ. Mệnh đề “vì nàng thương yêu nhiều” không chỉ về lý do Chúa tha thứ cô, mà chỉ về chứng cớ cô được Chúa tha thứ. Việc cô yêu Chúa nhiều chứng tỏ rằng cô đã được Chúa tha thứ nhiều. Càng được Chúa tha thứ, chúng ta càng yêu mến Ngài. Vì vậy, yêu Chúa là kết quả của việc được Ngài tha thứ.
II. SỰ TẨY SẠCH TỘI LỖI
1) “Ngài [tức Đức Chúa Trời]... ắt tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi sự bất nghĩa” (1 Giăng 1:9).
Lời ở đây cho chúng ta thấy việc Đức Chúa Trời tẩy sạch chúng ta khỏi tội lỗi của mình kèm theo việc Ngài tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Khi Ngài tha thứ tội lỗi cho chúng ta, thì đồng thời Ngài cũng tẩy sạch chúng ta khỏi tội lỗi mình.
A. Ý Nghĩa Của Sự Tẩy Sạch Tội Lỗi
1) “Cầu Chúa hãy rửa tôi, thì tôi sẽ nên trắng hơn tuyết” (Thi-thiên 51:7); “Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên” (Ê-sai 1:18).
Khi Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi chúng ta, thì Ngài cho chúng ta được miễn không phải chịu hình phạt tội lỗi; khi Đức Chúa Trời tẩy sạch tội lỗi khỏi chúng ta, thì Ngài xóa bỏ những dấu vết của tội lỗi. Nếu chỉ có sự tha tội mà không có sự tẩy sạch tội, dầu tội lỗi chúng ta được tha, dấu vết tội lỗi vẫn còn. Sự tha thứ là thủ tục hợp pháp, trong khi sự tẩy sạch tội là sự làm cho sạch thật sự. Theo luật công chính của Đức Chúa Trời, tội lỗi chúng ta cần được tha thứ. Về những dấu vết tội lỗi trong chúng ta, thì tội lỗi chúng ta cần được rửa sạch. Do đó, trong sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời, không những Ngài cất bỏ hồ sơ tội lỗi của chúng ta trước mặt Ngài theo sự công chính của luật Ngài, mà Ngài còn tẩy sạch những dấu vết của tội lỗi trong chúng ta. Việc Ngài tẩy sạch tội lỗi chúng ta làm cho chúng ta trắng như tuyết và như lông chiên. Sự tẩy sạch làm cho chúng ta trắng như tuyết là sự tẩy sạch về vị trí từ bên ngoài; sự tẩy sạch làm cho chúng ta trắng như lông chiên là sự tẩy sạch bản chất chúng ta từ bên trong.
B. Hai Phương Diện Của Sự Tẩy Sạch Tội Lỗi
1. Sự Tẩy Sạch Tội Lỗi Bởi Huyết
1) “Huyết của Giê-su Con Ngài làm sạch mọi tội chúng ta” (1 Giăng 1:7).
Việc Đức Chúa Trời tẩy sạch tội lỗi chúng ta có hai phương diện. Một là trong vị trí của chúng ta ở bên ngoài, trong khi phương diện kia là ở bản chất bề trong. Sự tẩy sạch bên ngoài, có tính cách vị trí là nhờ huyết của Chúa Giê-su. Huyết của Chúa Giê-su, Đấng Thần-nhân, tẩy sạch mọi tội chúng ta ở bên ngoài và có tính cách vị trí.

a. Trước Mặt Đức Chúa Trời
1) “Khi Con [tức Đấng Christ] đã làm xong sự tẩy sạch tội rồi, bèn ngồi bên hữu Đấng oai nghiêm ở nơi chí cao” (Hê-bơ-rơ 1:3).
Điều này chỉ về Chúa Giê-su là Đấng làm cho chúng ta được tinh sạch khỏi tội lỗi mình trước mặt Đức Chúa Trời một lần đủ cả bằng cách đổ huyết Ngài trên thập tự giá, do đó làm cho chúng ta được tinh khiết về mặt vị trí trước mặt Đức Chúa Trời và trước luật pháp Ngài.
b. Trong Lương Tâm Của Tín Đồ
1) “Huyết của Đấng Christ... tẩy sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết để phụng sự Đức Chúa Trời hằng sống” (Hê-bơ-rơ 9:14).
Huyết của Chúa không làm tinh sạch lòng chúng ta, mà làm tinh sạch lương tâm chúng ta ở bên trong. Vì huyết Chúa tẩy sạch tội lỗi chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời và luật pháp Ngài, huyết ấy cũng tẩy sạch lương tâm chúng ta trước chính lương tâm, làm cho chúng ta có thể dạn dĩ hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống.
2) Sự Tẩy Sạch Tội Lỗi Bởi Sự Sống
1) “Sự tắm rửa của sự tái sanh” (Tít 3:5); “... và trong Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em đã được rửa sạch...” (1 Cô-rin-tô 6:11).
Hai câu này cho chúng ta thấy sự sống của Đức Chúa Trời tái sinh chúng ta và việc chúng ta được tẩy sạch bởi Linh Ngài. Đó là sự tẩy sạch bề trong, trong bản chất chúng ta bởi sự sống của Ngài và bởi Linh Ngài. Khi được tái sinh, chúng ta nhận sự sống của Đức Chúa Trời và có Linh của Đức Chúa Trời cư ngụ trong mình. Khi sự sống của Đức Chúa Trời lớn lên trong chúng ta và Linh Ngài chuyển động trong chúng ta, một hoạt động có tính chất chuyển hóa xảy ra để cất bỏ và rửa sạch sự ô uế trong bản chất chúng ta, trong tính khí chúng ta. Do đó chúng ta vui hưởng sự tẩy sạch tội lỗi trong sự cứu rỗi đầy trọn của Đức Chúa Trời vừa trong vị trí bề ngoài, vừa trong tính khí ở bề trong.

Witness Lee