I Cô-rinh-tô 2:1-9
Bản truyền thống hiệu đính
Thưa anh em, khi đến với anh em, tôi không dùng những lời cao siêu hay khôn ngoan để công bố sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời cho anh em. Vì ở giữa anh em, tôi đã quyết định không biết gì khác ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu, và Chúa Cứu Thế Giê-xu bị đóng đinh vào thập tự giá. Chính tôi đã ở giữa anh em trong sự yếu đuối, với lắm sợ hãi và run rẩy. Ngôn từ và sứ điệp của tôi không dựa vào những lời lẽ khôn khéo để thuyết phục, nhưng chính là sự thể hiện quyền năng của Thánh Linh; để đức tin của anh em không dựa trên sự khôn ngoan của loài người, mà trên quyền năng của Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, với những người trưởng thành, chúng tôi cũng rao giảng sự khôn ngoan của đời nầy, hoặc của những người lãnh đạo đời nầy là những người sẽ phải qua đi. Nhưng chúng tôi rao giảng sự khôn ngoan, mầu nhiệm và kín giấu của Đức Chúa Trời, điều đã được Đức Chúa Trời định sẵn từ trước các thời đại cho sự vinh quang của chúng ta. Không có nhà lãnh đạo nào của đời nầy biết được điều đó, vì nếu biết, họ đã không đóng đinh Chúa vinh quang vào thập tự giá. Nhưng, như điều đã chép: „Những gì mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng chưa nghĩ đến thì Đức Chúa Trời đã dành sẵn cho những người yêu mến Ngài.“
Bản dịch 2011
1 Thưa anh chị em, lúc tôi đến với anh chị em, tôi không đến để rao giảng huyền nhiệm của Đức Chúa Trời cho anh chị em bằng những lời lẽ cao siêu hoặc uyên bác. 2 Vì tôi đã quyết định rằng, ở giữa anh chị em, tôi không biết gì ngoài Đức Chúa Jesus Christ là Đấng đã chịu đóng đinh trên thập tự giá. 3 Tôi ở giữa anh chị em có vẻ yếu kém, sợ sệt, và run rẩy. 4 Lời giảng của tôi và cách giảng dạy của tôi không dựa vào những lời lẽ khôn khéo mang tính cách thuyết phục, nhưng để thể hiện quyền năng của Đức Thánh Linh, 5 hầu đức tin anh chị em không đặt trên sự khôn ngoan của loài người, nhưng trên quyền năng của Đức Chúa Trời. 6 Tuy nhiên, giữa những tín hữu đã trưởng thành, chúng tôi vẫn giảng sự khôn ngoan, nhưng không phải sự khôn ngoan của đời nầy, cũng không phải sự khôn ngoan của những nhà lãnh đạo đời nầy, những người sẽ thành hư không; 7 nhưng chúng tôi rao giảng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, là huyền nhiệm vốn được giữ kín, mà Đức Chúa Trời đã định trước từ muôn đời cho vinh hiển của chúng ta. 8 Đó là điều không nhà lãnh đạo nào ở đời nầy biết được, vì nếu họ biết, họ đã không đóng đinh Chúa vinh hiển của chúng ta trên thập tự giá, 9 như có chép rằng, "Những điều mắt chưa thấy, tai chưa nghe, và lòng chưa nghĩ đến, Đức Chúa Trời đã chuẩn bị những điều ấy cho những kẻ yêu kính Ngài."
„…tôi đã ở giữa anh em trong sự yếu đuối, với lắm sợ hãi và run rẩy.“ Đây là những lời Phao-lô gửi đến các tín hữu Cô-rinh-tô, nói lên cảm xúc của ông về sứ điệp của Đấng chịu chết trên thập tự giá. Với Phao-lô, sứ điệp đó chính là sự từ bỏ tất cả: những hiểu biết được con người tin cậy, cho phép, chấp nhận … kể cả trong tôn giáo. Trong sứ điệp ấy, Phao-lô mô tả Đấng ông kính yêu. Đây là một điều hoàn toàn khác lạ trong một cuộc sống mà con người luôn xem trọng những kẻ mạnh và nói giỏi, khi xưa cũng như ngày nay. Sức thuyết phục trong sứ điệp của Phao-lô nằm ở đâu? Tại sao một môn đệ thông thái kinh Thora lại bỏ hết tất cả để đi theo một sứ điệp làm cho mình thành yêu đuối, sợ sệt, run rẩy? Bí ẩn của thập tự giá là ở đây.
Yếu đuối, sợ sệt, run rẩy là những biểu lộ và những cảm xúc mà chúng ta thường né tránh vì nó làm chúng ta thấy hổ thẹn. Ai mà không thích tỏ ra mạnh mẽ, độc lập, can đảm! Nhưng những cảm xúc „tiêu cực“ đó cũng chính là những con đường dẫn chúng ta đi vào những nơi sâu kín hơn, thậm chí dẫn chúng ta vào đến trọng tâm của nan đề. Gần đây, trong một bài thuyết trình về tâm lý học, tôi nghe được rằng cảm xúc tiêu cực là một cơ hội. Những ai biểu lộ xúc cảm của mình sau đó đã khám phá được rằng mình có một khát khao bên trong mà từ lâu không được giải tỏa. Đằng sau cảm giác yếu đuối là mong ước được thương yêu. Chỉ ai biết được điều mình cần thì mới có thể định lại hướng cho cuộc sống mình. Chỉ những ai không trốn chạy sự tối tăm, yếu đuối và thập tự giá của cuộc đời mình, kẻ đó mới có thể khám phá được sự khôn ngoan dẫn đến sự sống của Thiên Chúa.
Phao-lô không chỉ là một nhà hùng biện giỏi mà còn là một nhà tâm lý giỏi. Mặt khác, Phao-lô còn là một người đã được chữa lành trong tâm. Một người biết rằng tự mình không thể giải thoát được cho mình, và tất cả sức lực, tin cậy, niềm vui sống đều là do Thiên Chúa ban tặng. Bởi đó mình được sống và chia xẻ lại cho người mình yêu.
Lạy Chúa Cứu Thế, đã bao lần con thấy mình không thể chấp nhận được chính mình. Bao lần con thấy sợ vì mình quá yếu đuối. Xin giúp con biết để lòng tin cậy Chúa, dâng trao cho Ngài những gì con có và nhận những gì con cần từ nơi Chúa.
Kristin Faupel-Drevs
Chuyển ngữ: Ngọc Thủy Thương