Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

CUỘC ÐỜI CỦA SADHU SUNDAR SINGH


CUỘC PHỤC HƯNG TẠI ẤN ÐỘ


LỜI NÓI ÐẦU: Một trong những nước có nền văn hóa lâu đời nhất là Ấn độ. Tôn giáo phức tạp, cộng với phong tục tập quán cổ hủ đã ăn sâu vào đời sống người bản xứ từ giai cấp quý tộc đến thứ dân. Quốc gia Ấn độ có chính thức 14 ngôn ngữ; nhưng có khoảng 800 thổ âm trong đó có 26 thứ tiếng đã có Kinh Thánh, và 48 tiếng khác có Tân Ước.


Có những tôn giáo chính thức như: Ấn độ giáo ( hinduism) chiếm 80%, Hồi giáo( islam) 11%, Sikhs 2%, Phật giáo 0.7%. Riêng Cơ đốc giáo chiếm được 3.4% trong đó Tin Lành có 1.5%, Công giáo 1.5% và Syrian Chính thống giáo 0.3%. Tính đến năm 1979 có 4,371,000 tín đồ Tin lành có mặt tại quốc gia này. Ðây là kết quả sau cuộc phục hưng xảy ra vào năm 1905 đầu thế kỷ 20. Trước và sau cuộc phục hưng đó, Ðức Chúa Trời dấy lên hai nhân vật thật đặc biệt như là hai anh hùng đức tin. Ðó là Sadhu Sandar Singh (1889-1933) và Bakht Singh (1959- ) . Họ như hai vì sao sáng giữa vòm trời tối om do đám mây đen của tôn giáo truyền thống, tập tục mê tín của quốc gia Ấn độ thời cổ xưa. Chúng ta ghi nhận sự kêu gọi thiên thượng cùng sự nghiệp truyền giáo của hai nhân vật đặc này. Sau đây là đời sống và sự nghiệp truyền giáo của Sadhu Sundar Singh do Cyrill J. Darvey thu thập tài liệu và viết ra cuốn sách lấy tên ông.
SADHU SUNDAR SINGH

Những tài liệu đầu tay về đời sống của ông Sadhu Sundar Singh ( kể từ nay viết tắt là Singh) ít ai tìm thấy; dầu vậy ông đã để lại cho hậu thế những kỷ niệm không phai nhòa trong lòng nhiều người. Sách ông viết về chính cá nhân mình rất hiếm hoi. Ông có phát hành một ít sách về đời sống thuộc linh, nhưng về các chuyến lưu hành của ông thật khó tìm thấy hoặc từ nơi báo chí hay từ các hồi ký. Còn những chuyến đi mạo hiểm thì ta có thể căn cứ vào hai người viết về tiểu sử của ông hay về những minh chứng mà ông thường sử dụng trong các bài truyền giảng hay các bài thuyết trình. Thật ra cũng không dễ dàng quyết đoán các chứng từ ấy là những sự thực đã xảy ra hoặc đó chỉ là kết quả của một vài kinh nghiệm huyền diệu qua đời sống của ông. Mỗi người bạn càng thân thích với ông nhiều bao nhiều thì lại bày tỏ quan điểm về ông một cách khác nhau bấy nhiêu.

Sách Sadhu Sundar Singh của bà Arthur Parker có tên là “Called of God” được phép ông cho phát hành lúc sinh tiền. Sách của tác giả C F Andrews viết về ông Singh là một hồi ký cá nhân được phát hành bốn năm sau khi ông qua đời. Ðó là kết quả của tình bằng hữu lâu dài giữa hai người. Ðiều chắc chắn là chẳng ai có thể đi sâu vào lối suy tư của vị tu sĩ này. Hai quyển sách trên còn tồn tại được xem như là nguồn tài liệu căn bản về tiểu sử, về đời sống của ông. Các sách của tiến sĩ Streeter và tiến sĩ Appaswamy “ The Sadhu” và tiến sĩ Heiler Marburg với quyển “ The Gospel of Sadhu Sandar Singh” cho biết giá trị về kinh nghiệm tôn giáo và sự giảng dạy.

Các sách do chính Sundar viết trọng tâm vào vấn đề tĩnh nguyện và những bản sao lại các bài giảng luận. Những sách nổi tiếng nhất của ông là :“ Visions of the Spiritual Waorld” , “ Reality and Religion” “The Spiritual Life”, “ The Search after Reality” và “ With and Without Christ”

TU SĨ TRONG RỪNG ( 1896)

Trời thật oi bức tại các căn nhà của làng Rampur, nơi Sundar sanh ra. Băng qua khu rừng, cậu bé và người mẹ bước đi nặng nề. Ðây chẳng còn mới lạ với cậu vì từ thuở cón bé bỏng, mẹ cậu đã từng ẵm cậu bên hông và phải tốn hai tuần đi bộ mới đến gặp được vị Thánh đang sống giữa các cây rừng hoang dã. Dầu vậy cuộc hành trình hôm nay có phần khác hơn mọi khi. Hôm nay là sinh nhật thứ bảy của cậu.

Sundar phải trả bài, đọc thuộc sách Gita cho vị Thánh nghe.


Gita không phải là một sách thánh riêng của cậu, vì cậu là người theo đạo Sikh, mà trong các miếu thờ đạo Sikh còn có sách Granth Sahib, được viết ra bốn trăm năm trước đây, luôn luôn được đặt nằm trên chiếc gối lụa. Nhưng sách Gita được quí trọng trên toàn quốc Ấn độ. Ðó là sách Hindu ( Ấn độ giáo). Mẹ của Sundar tin rằng Thượng đế phán truyền bằng nhiều cách, cho nhiều niềm tin và bà dạy cho con trai bà tư tưởng đó. Ngay khi cậu vừa biết nói, cậu đã thuộc lòng những bài kinh của dân tộc mình, và biết lắng nghe những mẫu chuyện trong sách thánh mà không đãng trí, dù có con thằng lằn bò ngang trên tường. Cậu bắt đầu tự học đạo và không bao lâu cậu có thể kể lại nhiều chuyện tích, nhiều câu nói giống như những ngôn từ mà mẹ cậu thường dùng. Bà cũng dạy cho cậu những chương Gita dài. Các danh từ khác biệt, thơ văn, lý lẽ thần đạo. Thật là khó hiểu đối với cậu. Dầu vậy cậu ta rất ưa thích.
Họ bước trên lối đi đầy cỏ rậm vòng quanh chật hẹp. Sundar và mẹ đi tìm vị Thánh. Vị tu sĩ này( Sadhu) đang trụ trì tại một nơi mà cậu có cảm tưởng ông đã ngồi chỗ ấy thật lâu lắm rồi. Ông ta đã sống nhiều năm trong rừng mà chẳng ai rõ về tiểu sử của ông. Thông thường các tu sĩ như thế sống rất dơ dáy, tóc bù rối, da xủi mốc lên. Trái lại vị Thánh này rất sạch sẽ, mắt sáng quắc, áo vàng của ông giặt sạch, dù nó cũng phai màu theo năm tháng. Ông sẵn sàng nói chuyện với bất cứ ai đến tìm ông.
Người mẹ dẫn cậu con đến vị Thánh để họ nói chuyện với nhau. Ông mỉm cười hài lòng nghe cậu trả lời và đọc lại những gì cậu thuộc lòng về kinh Gita. “ Con giỏi lắm! nhưng con quá hãnh diện về điều mình làm. Hãnh diện là kẻ thù của chúng ta. Hãy học Gita nhưng cũng phải học sự khiêm nhường nữa. Ðó là con đường dẫn chúng ta đến Thượng đế ”. Sundar nhìn xuống. Vị Thánh nói đúng, cậu kiêu hãnh quá. Ông nói tiếp


“ Gita bảo ta cách gì để thỏa lòng Thượng đế con?”


“ Cách làm hài lòng Thượng đế là giữ gìn mọi luật lệ, mọi truyền thống mà tổ tiên để lại...”


“ Còn con đướng nào khác không?”


“Có chớ. Có cách tĩnh nguyện, từ bỏ mình. Ðó là cách của cách tu sĩ tự tách hẳn cuộc đời mình ra khỏi thế tục của loài người và chỉ nghĩ đến mọi sự thuộc về Thượng đế ”
Vị tu sĩ đưa mắt cười thỏa lòng và nói: “ Cậu bé ăn nói vững lắm”. Bà mẹ cuối mặt xuống tỏ bày khiêm nhường “ Nào ai biết được, một ngày nó sẽ trở nên một Sadhu !”
Sundar cùng mẹ trở về bước ngang vùng sa mạc nóng cháyvới những lời vủa vị Thánh còn vang dội trong tai. Bên ngoài mặt trời mỗi lúc một nóng hơn.

Trong gia đình thì có nhiều ý kiến khác nhau. Người cha, Sirdar Sher Singh, là người cao lớn, vặm vỡ, râu đen, là người quen tính nghiêm khắc. Ông Sirdar là một địa chủ có quyền thế chức trọng tại tiểu bang Patiala. Giòng họ bà con là địa chủ, luật sư thảy đều giàu có, có thế lực như ông. Trong tương lai, khi Sundar với người anh cả sẽ kết nghiệp cha. Bởi thế nếu liên hệ với tôn giáo quá nhiều sẽ không giúp ích cho việc nội bộ gia đình khi cơ sự xảy đến.

Ông Sher Singh không chống đối tôn giáo hay việc hành đạo. Những tín hữu Sikh tin nhận đạo rất nghiêm chỉnh. Bởi vậy, ông Sher Singh là con người mộ đạo rất hãnh diện về vợ mình đã được tôn kính như một Bhakta, một thánh nữ của cả quận. Ðiều làm cho ông lo lắng là bà đã có ý định làm cho Sundar trở thành Thánh quá sớm. Cậu bé dậy sớm với mẹ, đọc thuộc lời kinh cầu bên cạnh mẹ trong căn phòng thờ phượng, và sẽ không được uống ly sữa cho đến khi cả nhà làm xong việc lễ bái.


Người Sikh không bao giờ quên Hoàng đế Maharaj Singh của họ chiến đấu chống Anh quốc tại Chilianwala vào thời đế quốc vĩ đại Sikh hưng thịnh. Nhưng đến thế kỷ thứ 18, họ bị tiêu diệt toàn bộ. Người lãnh đạo tôn giáo bấy giờ ( guru) tổ chức quân đội nhân dân và đặt cho mỗi người một tên họ là Singh (sư tử) ra lịnh cho họ chiến đấu đến chết vì danh dự giống nòi. Người Sikh không cạo râu, không cắt tóc đó là dấu hiệu của họ để nhận diện.


Sher Singh nói lằm bằm trong miệng: “ Nó sẽ trở nên một Thánh nhân hay là một tên khùng”. Biết rằng bàn thảo với vợ là vô ích, ông trình bày nỗi ưu tư của mình với vị tu sĩ thân tín: “ Tôi không biết cách nào xây dựng con trai tôi. Nó không giống như bao đứa trẻ khác.” Lời nói sau đây của vị tu sĩ làm cho ông Sher Singh không bao giờ quên: “ Nó sẽ trở nên một vĩ nhân, nếu nó không làm nhục chúng ta mà đi con đường khác.”

ÐỐT SÁCH PHÚC ÂM (1903)

“ Cậu bé lớn nhanh quá” Sher Singh cũng đồng ý với các bạn như vậy, nhưng ông tỏ ra bối rối khi Jaswant Singh bình phẩm thêm rằng cậu bé sẽ đáng giá cho gia đình.


“ Tôi tin nó sẽ như thế ” người điền chủ tiếp tục nói sau khi dừng hơi một chút “ nó không thích chiến tranh, cũng chẳng thích làm luật sư hay công chức”
“ Mấy lúc nay nó ít đi đến miếu thờ ” Ran Singh nói phụ thêm vào:


“ Và cũng không còn thường xuyên đến Sadhu trong rừng với mẹ nó”


“ Không phải nó không đến nữa nhưng vì nó bận học. Ðừng có lầm, chẳng phải nó không có lòng mộ đạo nữa đâu. Ông sẽ thấy nó trong phòng cầu nguyện mỗi buổi sáng với mẹ nó trước khi nó đi học”


“ Anh nghĩ sao? có tốt cho nó không nếu nó cứ đi học trường đạo?” Jaswant Singh thắc mắc hỏi.
“ Ðừng sợ, ông bạn, Sundar là người Sikh. Nó rất kiêu hãnh về di sản nó đang hưởng. Họ chẳng bao giờ biến nó thành Cơ đốc nhân được”


“Các thầy giáo đạo Tin Lành có đến thăm nhà anh không, Sher Singh ?”


“ Quả đúng, mẹ nó là một Bhakta, luôn luôn đi tìm chân lý, các anh đều biết thế. Còn tôi chẳng có kinh nghiệm gì về tôn giáo. Tôi chấp nhận mọi lời của Guru ( tu sĩ đạo Sikh) cho niềm tin của tôi. Nhưng tôi biết rằng những bậc thầy của mình đều bảo chúng ta rằng Thượng Ðế thường bày tỏ chính Ngài bằng nhiều cách, bằng nhiều tiếng gọi và bằng nhiều sách vở nói về Ngài...”


“ Ngay cả những sách vở Cơ đốc mà chúng nó học tại trường đạo nữa sao?”


“Có lẽ. Tôi chưa đọc đến anh Jaswant Singh. Lắng tay nghe các thầy tư tế đọc kinh trong các đền thờ thì cũng đủ cho tôi rồi. Và Sundar chẳng bao giờ đọc. Vả lại cách sách Cơ đốc giáo làm cho nó nổi giận một cách lạ kỳ. Có lần nó mua một quyển sách nhỏ, nhưng chỉ đọc có một trang hoặc hai, rồi nó xé nát và quăng xa, thề rằng chẳng bao giờ đọc nó nữa cũng chẳng nghe hay để thụ huấn.


“ Vậy tại sao nó lại đi học trường đạo?”


“ Bởi vì trường công lập cách nhà độ ba dặm, anh biết không, nếu phải đi bộ mỗi ngày giữa trời nắng qua các đồng trống thật không tiện chút nào. Nó phải đi học một nơi nào đó để rồi nó cũng sẽ bước vào đời. “ Sher đứng dậy, nặng nề chống trên gậy vì ông bị khập khiễng một chân. “ Thú thật tôi không thích gieo nhiều đạo giáo quá vào một đứa trẻ mới được mười hai tuổi, nhưng đó là niềm hãnh diện mà tổ tiên ta đã chịu khổ tử đạo và chính nó cũng yêu thích. Hơn nữa, Kinh Granth Sahib mà nó quý trọng dù rằng nó thuộc lòng nhiều kinh kệ của Ấn độ giáo và Hồi giáo.

Jaswant Singh nhìn Ram Singh với bộ râu xám đang nằm dưới bóng cây đa: “ Sher Singh rất thương con trai, nhưng ông ta chẳng bao giờ làm gì được cho con ông ấy.”
Dĩ nhiên Sher Singh yêu thương con trai ông lắm. Can đảm và chân thành chiếu sáng trên cặp mắt nâu rất giống mẹ cậu và đó là giá trị có nơi người Sikh. Nhưng ví cậu làm con trai của mẹ cha như thế, tính cương trực của cậu xứng hợp với lòng trắc ẩn cho những người cần đến.

Ðôi khi tình yêu thương và tính trung trực xung đột nhau khi cậu thấy một người đàn bà ăn xin tại giữa chợ đang sắp chết. Cậu xin cha cậu vật thực và áo quần cho người ăn xin ấy. Nhưng cha cậu từ chối vì làm như thế nhiều người ăn xin đang bị bịnh sốt rét rừng đến nhà ông. Lòng trắc ẩn đưa dẫn cậu đến việc ăn cắp cha cậu tờ giấy 10 rupee, nhưng trên con đường đến chợ, tính trung trực đã thúc giục cậu trở về trả tiền lại. Cậu nhận biết sự mất cắp đã bị khám phá và những người trong nhà sẽ bị nghi oan, đánh đập. Lương tâm khiến cậu đánh thức cha dậy vào lúc nửa đêm và xưng tội. Thay vì phạt đòn, Sher Singh ca ngợi tính chánh trực và can đảm của con mình và bảo cậu trở về giường ngủ.



Vào tuổi mười bốn, Sundar đã mất mẹ. Thế giới đối với cậu bị đảo lộn. Bao nhiêu sức mạnh tinh thần từ người mẹ hiền như bị chôn vùi. Khi cậu đọc sách Thánh, tai cậu nghe mẹ cậu lặp lại lời thiêng liêng; khi cậu đọc lời kinh cầu ban mai, mẹ luôn bên cạnh; khi cậu viếng thăm tu sĩ Sadhu dưới gốc cây đa, cậu giẫm chân lên giầy của mẹ. Mẹ là tất cả cho cậu. Không còn ai hơn mẹ cậu. Khi mẹ qua đời , Sundar hoàn toàn tuyệt vọng. Cậu biết rằng cậu không thể sống nếu không có Thượng đế. Tuy nhiên một người mà Thượng đế đã dùng để tạo ra cho cậu thì Thượng đế đã cất đi mất rồi. Cậu đọc những lời của các đạo sư Sikh nhiều lần: “ Con không thể sống trong một khoảng khắc mà không có Ngài, Chúa ôi !” “ Con tìm kiếm Ngài! Con khao khát Ngài : chỉ có Ngài khiến lòng con an nghỉ” Ngay khi cậu đọc những lời khẩn thiết này, cậu khó phân biệt được đó ám chỉ Thượng đế hay là mẹ mình. Chẳng có ai trên trần gian này còn có ý nghĩa cho cậu nữa.

Sundar trở nên xa vắng. Cha cậu chẳng nói được lời gì để an ủi, vì cậu quá đau khổ. Người Thánh mà mẹ con cậu từng đến viếng thăm chẳng đem lại cho cậu sự bình an. Vị Guru trong miếu thờ trong làng cũng chẳng giúp gì cho cậu. Trong vòng đôi tháng, Sundar gắng guợng thực hành nhưng lối tĩnh nguyện nghiêm chỉnh như Yoga cũng không hiệu quả. Vẻ lịch sự của các giáo sư Tin lành tại trường còn tệ hại hơn. Cậu ghét bỏ họ, ghét cả nhà trường, ghét Thánh Kinh và ghét ngay cả Chúa Jesus của họ nữa.


Bỗng nhiên cậu biến đổi. Từ một đứa bé hiền hòa, trở nên một tên côn đồ, chống nghịch cả Thượng đế nữa. Cậu từ chối đọc và nghe Phúc Âm và còn độc ác chống đối cả niềm tin Cơ đốc. Cậu thuyết phục cha cậu gởi cậu đi học trường khác dù phải nhọc nhằn lội bộ sáu dặm ngang qua sa mạc Punjab đến trường công xa xôi mỗi ngày.

Ðược tự do khỏi bị ai kiểm soát nơi trường đạo, cậu họp với một số bạn côn đồ và làm đầu đảng. Cậu quyết phá đổ trường đạo, đánh đuổi các giáo sĩ và nhóm người Cơ đốc sống trong thành phố. Cùng với nhóm băng đảng này, cậu độc ác ném đá vào những người đang đứng nghe truyền đạo tại chợ, ném đất và đồ hôi thối vào các buổi nhóm họp của các tín đồ Tin lành và la lối bất cứ ai tỏ chống cự lại.

Sher Singh nghe bao nhiêu chuyện động trời không thể tưởng tượng nổi về cậu con trai. Mấy tín đồ Tin lành bày tỏ sự thông cảm với cậu vì biết cậu đang trải qua cảnh đau thương. Chẳng ai tưởng tượng nổi, một Sundar đã từng tìm kiếm sự bình an từ Thượng đế mà nay lại chống nghịch lại Thượng đế.

Mùa hè năm ấy càng nóng. Cậu bé không còn chịu nổi mỗi ngày phải đi ngang qua sa mạc cát nóng để đến trường mới nữa. Cuối cùng cậu ngã bịnh, sốt rét rừng và đồng ý để cha ccậu xin cho trở lại trường đạo của Giáo hội Trưởng lão Hoa kỳ ở Rampur. Mấy thầy giáo bị cậu ném đá trước đó miễn cưỡng nhận cậu lại.

Cậu trở nên yên lặng và chán nản như muốn chết. Cậu không còn quan tâm đến sự học hành. Ðến giờ học về giáo lý Thánh kinh thì cậu phá phách, chọc cười mọi người. Sinh nhật thứ mười bốn vừa qua, cậu trở lại trường đạo của Giáo hội Tin lành. Thời tiết nóng nực cũng giảm đi vào tháng mười. Tháng 11 năm 1903, Sundar bỗng nhiên yêu cầu Hiệu trưởng bán cho cậu một quyển Kinh Thánh Tân Ước. Mọi người đều hồi hộp vui mừng như rằng lời cầu nguyện của họ được nhận lời Nhưng sự vui mừng đó không kéo dài lâu khi họ nghe Sundar nói với chúng bạn:

“ Ði với tao. Tụi bây ngạc nhiên khi tao mua quyển sách này, nhưng hãy đến nhà tao chơi để thấy tao làm gì với nó! Tao còn sống bao nhiêu lâu, tao không thể nói cho tụi bây. Chắc không lâu đâu, nhưng trước khi tao chết, tao sẽ cho tụi bây biết tao đã nghĩ gì về Jesus và cuốn sách của hắn.”

Sundar dẫn bạn về nhà. Các đồng bạn chờ đợi, tò mò thấy cậu vào bếp đem ra một bó củi với một thùng dầu xăng. Chúng chạy tới phụ giúp đốt lửa nhưng cậu khoát tay ngăn chặn. Ðó là hành động cuối cùng của sự căm phẫn mà cậu muốn bày tỏ cho bạn mình thấy. Cậu đổ dầu vào củi và quẹt lửa. Lửa cháy sáng rực. Cậu nhẹ nhàng rút trong túi ra cuốn Kinh Thánh Tân Ước và bắt đầu chậm rãi xé từng tờ châm lửa cho cháy ra tro.

Bỗng nhiên người cha bước vào nhìn cậu con trai với cuốn sách trong tay và giấy cháy thành than: “ Con điên rồisao? Ông la ầm lên “ Sao con đốt sách Cơ đốc? Ðó là những sách tốt ! Mẹ của con cũng đã từng nói như thế. Cha không muốn có việc làm sai bậy này trong nhà của cha. Dừng lại! Con nghe không? ”

Sundar nhìn cha mình. Cậu cũng không để ý các bạn đã rút lui. Cậu cúi xuống đẩy mạnh hết cuốn Kinh Thánh Tân Ước vào lửa, dùng chân đè nó vào chỗ lửa cháy to rồi yên lặng bước vào nhà không nói một lời.

SỰ HIỆN THẤY – NGÀY 3 THÁNG 12 NĂM 1903

Ðốt Thánh Kinh là hành động chót để chống lại Thượng đế trước khi cậu chết. Nếu Chúa không cứu thì cậu đã chối từ Chúa. Khoảng nhiều tháng sau cái chết của mẹ, cậu cố tìm kiếm sự bình an, nhưng cậu thất bại. Sự tuyệt vọng đã đến mức tận cùng. Sự lạnh lùng, cay đắng tràn ngập trong tâm can của cậu.

Sau ba ngày ba đêm im lặng trong phòng riêng, Sundar thầm nguyện: “ Nếu Thượng đế muốn tôi sống, xin bày tỏ ý chỉ của Ngài ! Ôi Thượng đế! Nếu quả có Thượng đế xin Ngài biểu lộ cho con tối nay”. Trí óc Sundar thật minh mẫn, biết rõ về quyết định của mình. Ðó không phải là một sự đột nhiên, hay một quyết định điên rồ. mà chính là kết quả của một sự thận trọng, an tịnh, trầm tư mặc tưởng. Chuyến tàu tốc hành sắp đến vào 5:00 sáng đi ngang qua Rampur. Nếu Ðức Chúa Trời không đáp lời vào lúc ấy, Sundar sẽ chết vì cậu sẽõ đi ra kê đầu trên đường rầy xe lửa trong bóng tối chờ đợi chuyến xe từ Ludhiana đến Lahore để kết thúc cuộc đời thống khổ của cậu bé.
Cậu đi ra nhà sau vào phòng tắm. Trong cái giá lạnh của đêm, cậu dội nước lạnh lên đầu, lên vai, qua cả thân mình mảnh mai của cậu. Cậu tắm trong một tiếng đồng hồ rồi trở về phòng.

Còn bảy giờ nữa chuyến tàu định mệnh sẽ đến.


“ Ôi Thượng đế! nếu quả thật có Thượng đế, xin Ngài hãy biểu lộ trước khi tôi chết”ä
Mấy giờ trôi qua.


Bên ngoài , mặt trăng mọc càng lúc càng rõ hơn và sáng trắng trên bầu trời mùa đông. Một đàn chó rừng đuổi nhau qua nhà, tru rống trong không khí yên tĩnh. Sundar chẳng nghe thấy gì cả. Cậu ngồi không cử động trên sân nhà mà nghe tiếng bánh xe lửa tốc hành trong tâm tư. Vừng trăng treo lơ lửng xuyên ngang trên bầu trời.
Lúc ấy là 4:45 sáng ngày 3 tháng 12 năm 1903. Sundar đã gặp Chúa Jesus hiện ra. Khi cánh của phòng mở, cậu chạy ra ngoài, thẳng đến phòng của thân sinh, bước vào và chụp lấy bả vai của người đang ngủ. Ông Sher Singh ngồi chổm dậy ngay trên giường, gạt chiếc mền ra một bên, ôm chầm lên vai cậu bé.


“ Chuyện gì vậy con ?”


Câu trả lời của cậu Sundar làm cho ông không còn ngái ngủ nữa “ Con đã gặp Chúa Jesus ”.


Sher Singh ngồi trên giường, đăm đăm nhìn ánh trăng soi trên khuôn mặt con trai mình. “ Con đang mơ mộng phải không? Ði ngủ lại đi !”


“ Con chẳng có mơ mộng đâu” Sundar giải thích một cách bình tĩnh cho cha biết cậu đã tự quyết định kết thúc đời mình, trừ khi có một sự gì xảy ra.


“ Nhưng sự việc đã xảy ra. Một vài phút trước đây Chúa Jesus đã hiện đến trong căn phòng con. Ðang khi con khấn nguyện lần chót, một đám mây sáng rực bỗng nhiên phủ đầy căn phòng của con. Không, đây không phải là ánh trăng- và trong ánh sáng huy hoàng đó, hiện ra khuôn mặt và thân hình Chúa Jesus. Ngài phán cùng con .. .”
“ Ngài có phán cùng con?”


“ Ngài phán: Con còn muốn bắt bớ ta cho đến bao giờ ? Ta đến để cứu con. Con đã cầu xin cho biết con đường con phải đi. Tại sao con không nhận nó ? Ta là con đường!” Ngài phán bằng tiếng Hindustani và Ngài đã phán cùng con. Con đã ngã xuống dưới chân Ngài. Con đã quỳ bao lâu con cũng không nhớ. Nhưng khi con đứng dậy, sự hiện thấy đó biến đi. Ðó quả thật là một sự hiện thấy. Ðó không phải là một sự tưởng tượng của con để gọi Ngài đến đâu. Con không hề nghĩ về Ngài, cũng chẳng ưa thích Ngài. Có thể con đã nghĩ hiểu về Krishna hay là một trong các thần của chúng ta, con hy vọng chờ đợi họ . Nhưng con chẳng hề chờ đợi Jesus” Người cha nhìn cậu con trai với vẻ nghi ngờ, cho rằng con mình đã điên. Rồi cậu nói tiếp:


“ Con là một Cơ đốc nhân, con sẽ không tôn thờ một ai khác ngoài Ðức Chúa Jesus” Sher Singh xuống giọng cùng con: “ Con đã mê ngủ rồi! ” nhưng cậu biết rõ cậu đang tỉnh táo. “ Con điên rồi! Con đến nửa đêm để nói rằng con là một Cơ đốc nhân, mà không lâu mới ba ngày trước đây con đã đốt cuốn sách của Cơ đốc giáo! ”
Sundar đứng cứng ngắt, sượng sùng nhìn hai bàn tay : “ Hai bàn tay của con đã làm việc đó. Con chẳng bao giờ tẩy sạch tội đó cho đến ngày con qua đời” Nhìn cha, cậu tiếp lời: “ Nhưng từ nay cho đến ngày đó, đời sống của con thuộc về Ngài ! “

SỰ BẮT BỚ ( 1904-1906)

Sáng hôm sau, Sher Singh cố tránh đụng chạm với cậu con trai mười bốn tuổi của mình. Ở Ấn độ, sự trung thành với gia đình là một đức tính cao đẹp nhất. Việc Sundar chống lại cha là việc không ai nghĩ đến, nhưng đối với Sher Singh, lòng trung kiên đối với Khalsa, quốc gia Sikh còn nặng hơn tình phụ tử. Ông hy vọng đứa con trai của mình đã mơ mộng và chuyện vừa qua chẳng phải là thật. Tại sao con ông không thể vừa là một tín đồ bí mật của Chúa Jesus trong khi đó bên ngoài cậu cứ giữ niềm tin như trong gia đình? Sher Singh tự nghĩ: mẹ của nó đã chẳng từng tìm kiếm chân lý trong các tôn giáo hay sao?

Gia đình biết rằng không thể nào thuyết phục cậu từ bỏ niềm tin mới nên ngấm ngầm bắt tay với những người bên ngoài đàn áp cậu. Bạn học chơi xỏ cậu như chính cậu đã hành động với các giáo sư ngày trước. Anh cậu chửi rủa cậu từ trong nhà cũng như khi ra ngoài đường. Chuyện vu khống thì không kể số. Và trên đường phố, người ta nhổ nước miếng khi cậu đi ngang qua. Cuộc bắt bớ công khai chấm dứt khi Rahmat Ullah, một trong những kẻ thù hung tợn nhất đã chết bởi nạn dịch tả khốc liệt. Thay vào đấy, sự bắt bớ quay sang cộng đồng người Cơ đốc giáo một cách toàn thể. Nhà họ bị phá hư hại, các tài sãn tư hữu bị tàn phá. Trong tuyệt vọng, họ trốn đi tìm nhà trọ ở Ropur, nơi đã có một Mục sư Tin lành và một trạm phát thuốc đang hoạt động.

Một bạn học cùng trường được Sundar làm chứng về Chúa bị khó khăn nếu còn tiếp tục làm tín đồ Tin lành. Cậu học trò người Sikh này bị ngăn cấm không cho trở lại trường, bị đem ra tòa làm chứng chống các thầy giáo và cuối cùng bị bỏ thuốc độc để khỏi làm nhục gia đình nữa.

Sundar biết rõ về tình yêu của cha mình. Nhưng nếu cậu tiếp tục làm tín đồ của Chúa Jesus trước mắt ông, sớm muộn cậu cũng chung số phận như người bạn kia vậy. Sher Singh cũng nhận thấy dễ chịu khi con trai mình xa cách và đồng ý cho phép cậu ra đi học trường nội trú tại Ludhiana. Biết đâu, nhờ khoảng cách này, ông có thể tâm tình và hướng dẫn cậu.


Tại Ấn độ, thanh niên được kể là trưởng thành vào lúc mười sáu tuổi sớm hơn tây phương. Nhưng Sundar chỉ mới mười lăm tuổi thôi. Cậu có thể xác nhận mình là Cơ đốc nhân nhưng cha cậu phải chấp thuận mới được. Cậu có thể nhận phép báp têm miễn sao cậu đủ tuổi. Sher Singh nghỉ đến cách cưới vợ cho con để ràng buộc nó vào truyền thống gia đình. Ông viết thư cho Sundar:

“ Con yêu dấu của cha! Con là ánh sáng của mắt cha, là sự an ủi của lòng cha! Nguyện xin cho con được sống lâu. Ở nhà ai nấy đều khỏe mạnh và bình an. Mọi người đều mong sao cho con cũng được như vậy. Cha ra lịnh cho con phải cưới vợ ngay tức khắc! Phải thi hành nhanh và đừng làm cho gia đình thất vọng. Cơ đốc giáo có dạy con cãi lịnh cha mẹ không?


“ Con điên rồ rồi. Thử nghĩ xem, ai là người sẽ trông coi tất cả tài sản của chúng ta trong lúc này? Con định làm ô danh gia đình mình hay sao? nếu con làm lễ hỏi, cha sẽ làm chúc từ cho con hưởng mọi số tiền trong ba ngân hàng, bằng không con sẽ mất tất cả những gì cha dành cho con..... tốt cho con là con nên về nhà ngay .... cha không được khỏe ... ”

Sundar đọc bức thư lần nữa, bỏ vào túi áo, rồi đi chào từ giã Hiệu trưởng, thầy giáo và trở về Rampur.

Khi cậu về đến nhà, ai nấy đều mừng rỡ. Sher Singh ra ôm vai con dẫn vào nhà: “ Con trai của ba” nước mắt ràn rụa chảy ra trên gò má nhăn nheo của ông “ Con trở về để thi hành theo như điều cha bảo con” .

Sundar yên lặng một chốc lát. Khi cậu mở miệng nói vài lời, mọi người cảm thấy giống như bị một nhát dao găm đâm vào.

“ Thưa cha, không phải vậy đâu cha. Con không thể làm theo điều cha bảo được. Con là đầy tớ của Chúa Jesus. Con trở về vì những học sinh Cơ đốc tại trường đó không như con tưởng. Có lẽ con tự trọng, nhưng chắc con không thể sinh hoạt chung với họ nữa. Con phải đi theo Chúa Jesus nhưng theo con đường riêng của con và con theo Ngài tại đây, ở Rampur, không phải tại Ludhiana trong vòng những đứa con trai chưa bao giờ biết đến Chúa Jesus.”

Thời gian tiếp theo pha trộn giữa thuyết phục lẫn bắt bớ, và sự bắt bớ này càng ngày càng quyết liệt và lớn mạnh hơn. Cha thì nạt nộ, anh thì chưởi rủa. Chỉ có người cậu thân yêu dịu ngọt đem cậu bé vào phòng riêng dưới nhà, dỗ dành sẵn sàng cho Sundar hết châu báu trong mấy tủ sắt. và cậu chỉ cần trả lời một câu thôi.


Người cậu cũng có thể cho cậu trả lời trong một tuần hay trễ hơn khi người anh em cô cậu Spuran Singh mời đến chơi tại nhà ở thành phố Nabha State, nơi Hoàng đế Maharaja Singh của người Sikh đã từng sống tại đây. Spuran Singh là một viên chức cao cấp dưới hoàng tử. Ông có ý định đưa Sundar đến gặp người quyền thế số một tại vùng này để may ra sự thuyết phục của bậc lãnh đạo tối cao này của dân tộc cảm kích được cậu em mình.


Sundar được hộ tống vào phòng yết kiến. Hoàng tử đã chễm chệ ngồi sẵn trên ngai với lễ phục trịnh trọng và cặp mắt đen nhắp nháy như đôi hạt châu treo nơi hai tai trên cổ.


“ Sundar Singh ! Giọng nói sắt bén của Hoàng tử như ra lịnh: “ tại sao con lại làm ô danh cho giống nòi của con? Con mang vòng nơi tay của người Sikh, con để tóc không cắt theo cách của người Sikh, con mang tên của một người Sikh. Tại sao con không hành sử theo như họ? Con là Singh! Con có biết ý nghĩa của cái tên con đang mang do tổ tiên chúng ta ban cho không?”


“ Thưa Ngài vâng. Nó có nghĩa là sư tử “.


“ Vậy sao con mang danh của sư tử mà hành sử như một con chó rừng, chó nơi sa mạc?

Sundar không trả lời. Một lát sau cậu bảo người anh họ từ biệt và đưa về nhà. Tiếng nói của Hoàng tử hãy còn vang bên tai của cậu “ con mang tên người Sikh, tóc của người Sikh ...”. Cậu phải tỏ cho gia đình biết bằng một cử chỉ khẳng định về sự quyết tâm làm môn đệ của Chúa Jesus.

Ðiều đầu tiên khi cậu bước chân về nhà là đi vào phòng riêng cắt hết tóc mà cậu đã mang theo truyền thống từ thửơ bé. Người cha giận điên lên khi thấy thế. Không những điều này thách thức với gia đình mà còn mang nhục cho nòi giống nữa. Vậy thì hoặc phải đàn áp hay chết hơn là chịu nhục. Ðây là một hành động bất tuân, không thể tha thứ được. Cậu bị dẫn tới cửa trước mặt gia đình và tôi tớ trong nhà. Sher Singh la lớn:


“Nhân danh toàn thể gia đình, tất cả từ mầy vĩnh viễn. Mầy không còn xứng đáng là con trai của gia đình. Mầy không có gì với tụi tao nữa. Mọi người sẽ coi như mầy chưa bao giờ được sinh ra. Mầy phải rời khỏi nhà này tay không, trừ bộ áo mầy đang mặc trên người mà thôi. Và bây giờ đi cho khuất mắt ! ”

Sau những lời này, người ta đưa Sundar ra khỏi làng qua bên kia rừng và ngủ qua đêm dưới gốc cây. Cậu chụp lấy cuốn Kinh Thánh Tân Ước, đó là tất cả tài sản mà cậu có trong tay. Cậu thấy thỏa lòng để đồng chịu khổ cách công khai vì Chúa Jesus, đánh dấu bằng một đêm lạnh ngoài trời với cái bụng đau cồn cào khó chịu.

Sáng đến, Sundar men theo đường rầy xe lửa, định ý trở lại Ludhiana một lần nữa.
Cậu leo lên xe lửa ngồi chưa đầy nửa giờ cơn đau khi chiều hôm nay lại nổi lên càng tệ hại hơn. Cậu bắt đầu ói mửa và máu đỏ ứa ra từ miệng. Sundar biết rõ sự thật rồi. Cậu không phải chỉ bị đuổi nhưng trước khi ra đi cậu bị bỏ thuốc độc vào bữa ăn cuối cùng với gia đình. Sự chết của cậu sẽ xóa đi nỗi nhục nhã của gia đình. Họ nghĩ như thế.

May mắn thay, cậu bé có thể bước ra xe lửa và bò vào làng Ropur, một làng nơi đã có sẵn những tín hữu Tin lành từ Rampur đến đây lánh nạn trong những ngày trước đây. Tại đây, Mục sư Uppal và một nhân viên phụ tá chăm sóc điều trị và bởi phép lạ đã cứu mạng sống Sundar. Nhờ đó sau vài tuần cậu có thể tiếp tục cuộc hành trình đến Ludhiana, nơi đây cậu sống chung với hai Giáo sĩ Hoa kỳ cho đến ngày cậu đủ mười sáu tuổi. Rồi cậu từ giã họ và đi đến một nơi thanh tịch của vùng cao nguyên Simla Hills. Thật ra, cậu trai trẻ này có thể đã bị xiêu lòng mà rời đây một đôi lần trước vì cha cậu chẳng có thể quên đứa con trai. Ông đã đến Ludhiana để thương thảo với cậu. Ông già tỏ vẻ ân hận, khập khễnh với cây gậy trong tay bước vào khuôn viên chung cư, đến gần để cố gắng thuyết phục cậu con trai của mình.



Bây giờ cậu mới thực sự đi tìm sự bình an, để tĩnh nguyện trong khu rừng thông cao vút trải dài cho đến cửa bịnh viện cùi Sabathu. Cậu tạm trú tại đây trong một thời gian. Trên đồi thông cao vút này, cậu thấy được đồng bằng Punjab nóng cháy. Những lần hì hạch trèo lên đồi cao, cậu thoáng nhìn lớp tuyết trường cửu trên dãy Hy mã lạp sơn, và bên kia là đất Tây tạng.

Những lần đi lang thang, ngắm nhìn, suy tư, cầu nguyện, một ý tưởng cứ vang dội trong tâm khảm của cậu:

“ Khoảng giữa những đồng bằng này, đất cấm ấy,đồi núi ấy là nơi gởi gấm tương lai tôi”

Ðầu tháng 9, cậu leo đường đèo xuyên qua những khu rừng dẫn đến thành phố Simla. Cậu thăm khu phố chợ, văn phòng chính phủ, nhà cửa tư nhân và đứng nhìn ngôi đền thờ Chúa Cứu Thế Jesus sừng sững ngự trị giữa vùng cao nguyên. Ðàng kia là con đường dẫn ngang qua những vùng đồi núi đưa đến Tây Tạng.

Ngày 3 tháng 9 năm 1905 cậu đúng 16 tuổi


Vào ngày này, sinh nhật thứ 16, Sundar nhận thánh lễ Báp têm do Mục sư J. Redman và Mục sư Canon Chandu Lal cử hành.

Bốn tuần sau đó nghiệp vụ của Sundar trong Chúa bắt đầu.

( Còn tiếp)

Tác giả: Cyril J. Davey
Soan dịch: cố MS Trần như Biên
Lời Tòa soạn: Mục sư Trần như Biên đã từng Quản nhiệm Hội Thánh Báp tít Thứ Nhất tại Lanham, Maryland . Vào năm 1995, ông có dịch một truyện ngắn về cuộc đời của ông Sadhu Sundar Singh của tác giả Cyril J. Davey. Ông đưa bản dịch đó cho tôi để tìm cách phổ biến. Lúc đó tập san Tinh Thần chưa ra đời. Sau đó ông qua đời trong chuyến trở về Việt Nam. Bản thảo đó bị chìm trong đống sách vở bề bộn của tôi và tôi không còn nhớ tôi có giữ một di cảo của Mục sư Biên. Gần đây, trong lúc dọn dẹp văn phòng, tôi tìm thấy lại bản dịch này. Ðể thực hiện ước muốn của người đã quá cố, chúng tôi cho đăng trên tập san Tinh Thần để tưởng niệm một Mục sư khả quý mà tôi hết lòng kính mến. MS Trần Nhựt Thăng.