Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Chớ Mang Ách Chung Với Kẻ Chẳng Tin…


     • Làm thế nào để có được một hôn nhân hạnh phúc? 

     • Những vấn đề gia đình, cha mẹ, văn hóa, xã hội, niềm tin… có ảnh hưởng gì trên hôn nhân của các bạn trẻ? 

      • Con cái Chúa có nên lập gia đình với người không tín kính Chúa? 

      • Hậu quả ra sao khi con cái Chúa mà không vâng lời Ngài dạy? 

       Tôi muốn giới thiệu với các bạn câu chuyện sau đây viết từ thực tế, nhằm giúp đỡ các anh chị em trong Chúa rút tỉa kinh nghiệm từ bài học này, trước khi quyết định cho hạnh phúc của riêng mình.

                                                                           

1. Khúc ngoặc trong đời 

        Nguyên, một sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học 1999.  Cô vốn xuất thân từ một gia đình tin kính Chúa và phục vụ Đức Chúa Trời.  Cô lớn lên và được nuôi dưỡng trong môi trường tốt đẹp.  Cô đươc trang bị Lời Chúa từ thuở nhỏ và có thể nói rằng dưới con mắt người đời cô là đứa bé “ngoan đạo”, và trong Hội thánh là một thiếu niên yêu mến Chúa. 

       Khi chia tay với gia đình, ba me cô khá yên lòng vì cứ nghĩ rằng con của mình đã có một nền tảng đức tin vững chắc.  Trong hành lý của cô, hai quyển sách không thể thiếu đó là Kinh Thánh và Thánh Ca. 

       Trong năm đầu tiên, ba me cô vẫn thường hỏi thăm về Hội Thánh bên Mỹ, về các Mục sư và tình trạng sinh hoạt của con cái Chúa bên đó.  Ba mẹ cô hỏi như vậy là cốt yếu muốn biết chắc là con của mình có đi sinh hoạt với Hội Thánh hay không.  Trong những lần chuyện trò với cô, ba me cô rất yên lòng vì biết rằng con gái của mình vẫn trung tín đi nhóm lại thờ phượng Đức Chúa Trời. 

        Một năm trôi qua, ba me Nguyên vẫn những câu hỏi gần giống nhau: Con có còn sinh hoạt ở Hội Thánh của Mục sư X không? Ai chở con đi nhóm, Hội Thánh có được phước không v.v…? Nghe con miễn cưỡng trả lời và có vẻ ấp úng, ba me Nguyên đâm ra nghi ngờ, nên ba của cô hỏi đột ngột: 

    - Sáng nay Mục Sư giảng đề tài gì vậy con? 

Nguyên ấp úng không trả lời và thú nhận bấy lâu nay cô ít đến nhà thờ và viện dẫn nhiều lý do không chính đáng, nào không có người đưa đón, học hành quá bận rộn, sức khỏe không cho phép.  Nghe điều này, ba me Nguyên lấy làm đau xót và bắt đầu lo lắng cho cô.  Sau tiếng thở dài, ba me cô quì gối xuống cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ để cho con gái của anh chị có thể đi thờ phượng Chúa trở lại như xưa. 

Một ngày nọ, ba Nguyên nói chuyện với cô qua điện thoại.  Anh vô cùng đau khổ, nhưng giọng quyết liệt: 

      -  Me con vừa cho ba biết con đã có bạn trai, cậu ấy không tin Chúa đúng không? 

      - Dạ, con mới quen thôi… 

      - Ba nói trước cho con biết ba không bao giờ đồng ý một người không tin Chúa là thành viên của gia đình mình.  Con chớ phạm tội cùng Chúa.  Hãy coi chừng, con sẽ mất tất cả đấy! Đừng có đùa với ma quỉ! 

Nguyên chỉ yên lặng nghe những lời nhắc nhở của ba mình không dám cãi lại vì cô thừa biết tính của ba cô rất cương quyết.  Cô dịu giọng chuyển sang đề tài: 

      - Ba ơi!  Mình có chọn sai đường không ba?  Ở bên này con thấy khó quá, việc đi lại, việc học hành không đơn giản chút nào!  Nhà bà thím Lan suốt ngày đóng cửa.  Con vừa đi làm, vừa học không dễ dàng chút nào! 

Nghe con mình tỏ bày như vậy, lòng người cha chùng xuống vì thương con, nhưng anh vẫn giọng cương quyết để động viên con gái: 

       - Sự chọn lựa của mình hoàn toàn đúng.  Hiện bây giờ vẫn còn có bao nhiêu người ao ước được đi như con, nhưng đâu có dễ!  Phỏng vấn rớt, là khóc “bù lu bù loa.” 

Nguyên không nói thêm gì nữa, cô gát điện thoại xuống rồi thút thít khóc.  Nguyên làm sao hiểu nỗi từ bên kia bờ đại dương, ba của cô lặng lẽ vào phòng riêng một mình và quỳ gối thiết tha cầu nguyện xin Chúa dẫn dắt con gái của anh. 

Một thời gian sau, ba của Nguyên lại có dịp được xem tấm ảnh gửi qua email.  Đó là ảnh của người bạn trai mà Nguyên muốn gửi về cho gia đình xem mặt.  Ba của Nguyên không kìm được con giận, anh liền gọi sang Mỹ cảnh cáo con gái: 

       - Ba đã xem ảnh rồi, không được, dứt khoát là không được! 

Từ bên kia đầu dây Nguyên thỏ thẻ: 

      - Anh ấy không đẹp trai, nhưng tính tình tốt lắm. Gặp ảnh rồi ba sẽ thương thôi!  Ba của Nguyên không kìm được cơn giận: 

       - Nếu con cảm thấy không thích hợp ở Mỹ thì mua vé về ngay, đừng có nói dông dài mà chọc giận ba! 

Thế rồi, chẳng bao lâu sau ba mẹ Nguyên nghe tin cô bị đụng xe và tai nạn xảy ra đến hai lần.  Chiếc xe hơi phải vất bỏ, cô thì bình an.  Nghe tin này, cả gia đình Nguyên bất an.    Từng ngày qua đi, có lẽ ít khi nào mà ba me Nguyên quên cầu nguyện cho cô.  Sau này, đọc email của Nguyên mới biết rằng chính vì sự phản đối của ba Nguyên làm cho cô suy tư căng thẳng trong khi lái xe và đã xảy ra tai nạn.  Nghe những điều này, ba Nguyên càng ngày càng đăm chiêu hơn và anh không đề cập gì đến chuyện của con gái nữa.  Hai vợ chồng anh chỉ biết phó thác con gái của mình cho Đức Chúa Trời bằng sự cầu xin mỗi ngày. 

       Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chưa thay đổi bởi vì mỗi người Chúa cho sự tự do lựa chọn tốt hay xấu, thiện hay ác, công bình hay tội lỗi.  Tất nhiên hậu quả sẽ tùy thuộc vào cái quyền tự do ấy.  Nó cũng giống như một người bị té ngã, có người khác nắm tay mình kéo dậy, nhưng mình vẫn không gượng lên mà cứ nằm lì trên đất thì làm sao người ta có thể giúp mình để đứng lên được? 

2. Quyết định nông cạn 

      Tháng Mười Một 2002, Nguyên về Việt Nam thăm gia đình.  Lẽ ra hai cha con sẽ gặp nhau tại phi trường Tân Sơn Nhất như đã hẹn trước.  Nhưng, cuối cùng ba của Nguyên từ Đại Hàn đã về trước một tháng.  Ba của Nguyên đi du học từ tháng ba, 2001. 

      Sau những ngày xa cách nhau, cả hai cha con và cả gia đình đều hồi hộp mong đợi cái giây phút gặp lại nhau.  Từ đằng xa, những đứa em của Nguyên đã trông thấy chị liền reo lên: 

     - Chị Nguyên đàng kia rồi! 

Mẹ của nguyên tách khỏi đám đông, chen vào bên trong đưa tay vẫy. Chị nắm tay chồng: 

     - Anh này, trông bé Nguyên lớn hơn nhiều, nhưng con bé gầy qúa! 

        Ba Nguyên không nói gì, nhưng dường như tim của anh đập nhanh hơn.  Anh siết chặt tay vợ để kìm bớt xúc động.  Em gái kế của Nguyên đứng cạnh ba của mình ái ngại vì cô biết dạo này ba của cô rất dễ xúc động vì chứng đau tim đã tái phát.  Nguyên nhanh nhẹn như sóc đẩy xe hành lý ra ngoài rồi vội vàng chen qua đám đông để chạy đến với gia đình.  Cô ôm chặt từng người trong nước mắt mừng vui. 

         Bên ngoài cổng phi trường, đèn né-ông cũng vừa cháy sáng xô đuổi bóng đêm. Chiếc tac-xi hối hả rời bến.  Ngọn gió đông chớm lạnh, nhưng cả nhà Nguyên dường như đang ấm áp trong không khí đoàn tụ. 

       Căn phòng của ba Nguyên trên lầu với khung cửa mở rộng. Dưới ánh sáng của bóng đèn hành lang, những hoa cau óng ả lắc lư màu trắng.  Từ một ô cửa sổ, mùi hương thơm ngào ngạt của cây thiết mộc lan già cỗi thoảng vào phòng.  Ba Nguyên ngồi im lặng nhìn ngắm đứa con gái của anh mỉm cười: 

      - Con nằm xuống đây! Nguyên ngoan ngoản nằm xuống bên cạnh ba của mình như những ngày còn bé. Ba Nguyên vuốt nhẹ tóc con gái của mình cho thỏa những tháng ngày dài xa cách.  Cả một quá khứ đầy biến động dường như đã đi qua. Giờ nầy đây, mùi thơm của hạnh phúc tràn ngập căn phòng. Ba Nguyên hồi tưởng lại cả những tháng ngày Nguyên mới chào đời cùng với bao nỗi gian truân của những năm tháng đầy những khổ đau và cay đắng.  Mùa đông năm Dậu, với cái lạnh cóng cả người, nhà Nguyên không có gì khác hơn là một thùng gạo nhỏ, một ít củi khô, và một bao lá xông mà ba Nguyên đã lặn lội về quê mang ra thành phố chuẩn bị ngày Nguyên ra đời.  Mẹ của Nguyên cũng chỉ lo được một ít tã lót bằng cách cắt đi những áo quần cũ, vài đôi vớ và mấy chiếc mũ len tranh thủ đan trong giờ lên lớp.  
         Nguyên ra đời và lớn lên trong hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước sau chiến tranh; mà ba me của Nguyên chỉ là những nhà giáo đơn sơ, nghèo túng.
3. Mối tình thiêng liêng 

        Từ bên trong bệnh viện Te-re-sa, có tiếng khóc của người phụ nữ.  Tiếng khóc mỗi lúc một lớn hơn dường như đau đớn lắm vì kiệt sức.  Lê, quần ống cao ống thấp, tay xách “cà- mèn” cơm, đứng nép bền hành lang lâm râm cầu nguyện.  Bỗng dưng tiếng người phụ nữ hét lớn lấn át cả tiếng mưa bên ngoài, tiếp theo là tiếng khóc của đứa trẻ.  Hai tiếng khóc hoà lẫn vào nhau như những mủi kim đâm sâu vào trái tim người đàn ông vừa mới được làm cha.  Lê rón rén bước vào bên trong, đặt “cà-mèn” cơm xuống chiếc ghế bên cạnh, sung sướng nói với vợ mình: 

     - Anh đây, mệt lắm phải không? Cám ơn Chúa cho mẹ tròn con vuông là mừng rồi. 

Vợ Nguyên không nhúc nhích nổi, mắt nhắm lừ đừ và nói lí nhí vừa đủ nghe: 

    - Cho em hớp nước! 

Lê đưa ly nước cho vợ cũng là lúc người nữ hộ sinh bồng đứa trẻ quấn trong chiếc khăn trắng: 

   - Bồng nó đi, một ả công chúa. 

Lê nhìn trân đứa bé đang cựa quậy đôi tay, miệng nó vẫn còn muốn khóc như tức tưởi.  Người y tá giục: 

   - Bồng nó không, tao liệng xuống đất nhé!  Chị cười đôn hậu. 

Lê như bừng tĩnh, vội đón đứa nhỏ vào lòng.  Người nữ hộ sinh nói thêm: 

   - Sao, giống Lê hay giống người hàng xóm? 

    Lông lá tùm lum giống con khỉ đột vậy chị ? 

Người y tá thích chí cười vang: 

   - Ít bữa nó rụng thôi, đẹp ra mấy hồi. 

         Người cán sự hộ sinh ấy là bạn học cùng lớp thời trung học với Lê trước năm 1975. Chị bước ra khỏi phòng.  Chỉ còn lại vợ và đứa con mới chào đời đỏ hỏn. Lê cuí xuống hôn nhẹ lên đứa bé.  Tất  cả những mong đợi của bao ngày tháng dài khắc khoải bây giờ đang ở bên anh.  Cái hình hài bé bỏng ấy là kết quả hai giọt máu của tình yêu.  Lê cúi xuống hôn con một lần nữa.  Một thứ mùi vị là lạ từ da thịt của đứa bé cộng với mùi ê-te của bệnh viện không mấy dễ chịu, nhưng đối với Lê bây giờ đó là mùi vị thơm tho nhất của cái hạnh phúc mà thế gian không có gì sánh được.

         Bên ngoài mưa rất lớn.  Gíó bão mịt mùng.  Lê cúi đầu ghì sát xuống ghi-đông, ì- ạch đạp thẳng xe về nhà với niềm vui bất tận… 

        Từng ngày qua, Nguyên cứ mãi khóc đêm và ngủ ngày làm cho ba me Nguyên bơ phờ vì thiếu ngủ.  Lê dường như kiệt sức vì thức nhiều đêm ru con cho vợ ngủ để có sữa cho con bú.  Trời lạnh như cắt da, con của Lê cũng không có một tấm mền đắp cho đủ ấm. Anh bèn cởi chiếc áo giáp nhà binh đang mặc trong người đắp thêm cho đứa bé.  Đó là chiếc áo duy nhất anh mua của một người lính nghèo, túng tiền đem bán. Nhìn lên kệ sách, những cuốn sách vơi dần vì Lê mang ra chợ trời cân ký đổi lấy tiền để mua thêm  thức ăn cho vợ.  Còn Lê, chỉ là những bữa cơm đơn giản, rau mắm qua ngày.  Lê thèm thuồng mọi thứ, nhưng anh cố quên đi; lấy niềm vui của hạnh phúc làm chồng, làm cha bù đắp cho những khoảng trống vắng của cái bao tử. 

        Từ trường trở về, Lê hối hả vào bếp.  Sau mỗi lần nấu cơm, Lê thường gõ lấy những than lửa đỏ để dành trong một cái trách bằng đất cho vợ con anh nằm đỡ rét.  Mỗi lần xúc gạo, Lê phải thật nhẹ tay, để tránh vợ anh khỏi lo lắng khi cái lon chạm phải đáy thùng. 

        Nguyên ra đời trong tình cảnh rách nát của một quê hương tả tơi sau cuộc chiến, cũng chính vì vậy mà bao nhiêu thương yêu ba mẹ Nguyên dường như dành hết phần lớn cho con gái của mình.  Mỗi lần nhìn ngắm Nguyên trưởng thành, ba mẹ Nguyên không khỏi mủi lòng khi nghĩ về quá khứ, một quá khứ pha lẫn giữa nước mắt và tình yêu. 

        Bây giờ Nguyên đã thật sự khôn lớn, có thể một mình tự bươn chải trong cuộc sống. Nhưng dưới mắt cha mẹ, Nguyên vẫn là đứa con đáng thương hơn hết và cứ mãi bé bỏng trong đôi mắt nhân từ của cha mẹ. Nguyên cần phải được che chở bởi thứ tình yêu thiêng liêng mà trong thế gian này không thể có một thứ tình yêu nào khác có thể thay thế được. 

4. Cá không ăn muối cá ương 

       Một sáng nọ, Nguyên xách va-li vào Sài gòn và sẽ đi cùng người bạn trai về miền Tây thăm bà nội của cậu ấy.  Lê cương quyết ngăn cản: 

     - Con không nên đi như vậy!  Con là ai mà làm thế ? Thật ba không hiểu nổi!  Chẳng ra cái thể thống nào cả.  Con thật sự không kính sợ Chúa sao?  Đã cưới hỏi gì đâu mà quá tự do như vậy? 
Nguyên vẫn không nghe lời cha, gạt bỏ những lời trách mắng, cô gọi tắc-xi ra phi trường. Từ trên lầu nhìn xuống, Lê ném mạnh chiếc va-li của cô con gái ương ngạnh xuống nền nhà cho đỡ giận:                                                                                                                                                            &nbsp ;                                                                          

     - Đi luôn đi, đừng về đây nữa! 

Chiếc tắc-xi đỗ trước nhà vội vã rồi biến mất.  Lê lên lầu, trở về phòng riêng của mình, nằm phịch xuống giường, hai tay đè lên ngực, tim vẫn cứ nhói đau, anh tự nhủ một mình: “Bây giờ con của mình đâu còn nghe mình nữa, nó đã lớn khôn rồi.”  Lê úp mặt xuống gối, những dòng lệ ứa ra.  Một giọng hát trầm ấm cất lên từ nhà hàng xóm: Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào… 

5. Nghịch cảnh 

       - Ba ơi! Có khách, me nói ba xuống nè.  Đứa em gái kế của Nguyên gọi lớn.  Từ bên ngoài một tóan người đàn ông, đàn bà, thanh niên, thanh nữ đang bước vào bên trong hành lang.  Chị Lê nói khẽ với chồng: 

       - Chắc là họ nhà trai đến thăm nhà mình. 

Lê ngạc nhiên, giọng lạnh lùng: 

      - Kệ họ, mình đâu có gã con gã cái gì mà thăm với viếng.  Họ thông báo với ai mà tự nhiên đến đây vậy? 

Chị lê bối rối chạy lên cầu thang nói khẽ với chồng: 

      -  Anh thay quần áo rồi tiếp họ để xem sao, dù muốn hay không họ cũng đã đến nhà rồi.  Lê miễn cưỡng bước ra chào hỏi và lịch sự mời nước trà. Người đàn bà nói giọng miền Nam nhỏ nhẹ, vô đề ngay: 

       -  Chúng tôi hôm nay đến đây để thưa với anh chị cho phép tổ chức lễ hỏi cho hai cháu, chúng nó quen biết nhau cũng lâu rồi.  Chắc cháu Nguyên cũng đã thưa với anh chị.  Ông nhà tôi không về được, xin anh chị miễn chấp.  Bà nói luôn một mạch, rồi giới thiệu từng người tháp tùng trong chuyến đi.  Lê chừng hững vì quá bất ngờ trước sự việc quan trọng đang xảy ra, nhưng anh trả lời một cách dứt khoát và rành rọt: 

       -  Thưa bác, chúng tôi có được thông báo gì đâu, có nghe nói chị về thăm quê lần này, đi cùng chuyến bay với các cháu.  Chỉ có vậy thôi!  Còn việc cưới hỏi chúng tôi hoàn toàn bất ngờ.  Vả lại, hai cháu khác niềm tin làm sao đến với nhau được?  Chị ơi! Chúa không cho phép chúng tôi làm việc ấy.  Chị thấy đấy, cháu nó còn con nít quá, biết gì đâu mà chồng với con, ở nhà còn giành ăn với em cơ mà! 

       Mặt người đàn bà tái đi nhưng vẫn ôn tồn và rất lễ độ: 

      Thì có sao đâu anh chị, đạo ai nấy giữ.  Bên đàn trai chúng tôi có đứa con trai duy nhất, nhưng nó ưng ở đâu thì mình phải chìu theo ý nó, chứ biết làm sao được? 

Thấy người đàn bà phúc hậu, ăn nói nhã nhặn, nên Lê cũng hơi mềm lòng: 

       Thưa bác, cứ xem như bác về đây cùng với mấy cô và mấy anh ở đây viếng thăm thành phố một chuyến.  Xin mời ở lại đây, nhà cửa cũng tương đối rộng rãi. Còn việc cưới hỏi, hãy để cho vợ chồng chúng em suy nghĩ rồi cho chị biết sau vậy. 

Gương mặt người đàn bà trở nên buồn bã làm cho lòng Lê chùng xuống, nhưng anh thật sự chưa biết giải quyết như thế nào, nên cũng bối rối không ít.  Người phụ nữ mang kính trắng cũng từng là giáo viên ngồi bên cạnh mẹ của chàng trai, lên tiếng: 

      - Anh hãy gọi bà bạn của tôi đây bằng chị, chứ xưng hô bằng bác sau này làm sao mà làm sui gia.  Bà chỉ tay về phái người con trai nói tiếp: 

       - Cậu này trông gương mặt “ngầu” như vậy, chứ hiền lành và tử tế lắm!  Tôi mong anh chị đồng ý hợp tác cho hai cháu, bà bạn tôi chỉ có mong chờ chừng đó thôi, thì mới yên tâm trở về Mỹ. 

Anh chị Lê nhìn nhau mỉm cười và anh nói với người đàn bà một cách chân thành: 

        - Thưa chị, nếu chị cho phép thì em gọi bằng chị vậy.  Thật ra, vợ chồng em rất cảm động khi thấy chị từ bên Mỹ về đây để lo cho con trai.  Chúng em cũng xin cảm ơn chị đã giùp đỡ cho bé Nguyên khi đau ốm bên đó, lúc cô đơn khi cháu sống xa gia đình. 

Người đàn bà nhìn Lê mỉm cười nhân hậu.  Sau đó, Lê mời mọi người ra một quán ăn gần nhà để dùng bữa trưa. 

      Đêm đó, anh chị Lê chỉ biết quì gối để dâng lên Chúa cái nan đề mà anh chị không thể  tự quyết định được.  Hôn nhân là chuyện cả đời người không thể vội vàng như mua bán trao đổi vật gì.  Là gia đình yêu mến Chúa, lẽ nào vợ chồng Lê lại làm trái mạng lệnh  và không  nghe theo lời dạy của Ngài?  Anh chị thiết tha xin Chúa dẫn dắt con gái của mình đi trong đường lối của Ngài để khỏi chuốc lấy những khổ đau suốt cả đời người.    Kinh nghiệm đã cho anh chị biết chắc một điều “yêu nhau không phải nhìn nhau, nhưng nhìn về cùng một hướng.” Bao nhiêu tấm gương trong HộiThánh và thực tế của những người không vâng phục Chúa đã rước lấy những thảm bại ê chề là điều không thể tránh khỏi. 

    6. Những ngã rẽ 

        Chuyến bay từ Sài Gòn sang phi trường In-che-on Nam Hàn, Lê chia tay con gái mình tại đó.  Lê trở lại trường để hoàn tất khóa học. Còn Nguyên cùng người bạn trai về Mỹ.  Lê bùi ngùi ôm Nguyên vào lòng hôn lến trán con gái dặn dò: 


     -  Khi đến Mỹ gọi điện cho ba ngay và nhớ cầu nguyện với Chúa, Ngài sẽ  hướng dẫn cho.  Lê quay sang một bên im lặng một lúc, giọng anh chùng xuống:

     -Ba đi đây! 

        Lê bước xuống cuối cầu thang vẫn còn ngoái lại nhìn con gái của anh một lần nữa. Trời Korea tháng Giêng lạnh buốt thấu xương.  Lê bước đi khấp khểnh vì mắt anh nhòa lệ, tự trách mình đã gây nên những bi kịch.  Nhưng, tự an ủi mình vì anh bước theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời.  Còn Nguyên, anh muốn cho con gái của mình có một tương lai tươi sáng, nên gia đình anh giờ đây chia cắt ba nơi.  Ông nội Nguyên qua đời chưa đầy ba tháng, vết thương trong lòng Lê vẫn còn nguyên vẹn.  Mặc dầu Lê tin rằng chết là về yên nghỉ bên Chúa, nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến cha của mình, một nỗi buồn day dứt cứ luẩn quẩn đâu đó. 

      Lê quyết định ra đi để lại đằng sau những người thân yêu nhất, từ giã mái trường đầy ắp bao nhiêu kỷ niệm buồn vui trong suốt mấy chục năm gắn bó với học đường. Ngày ra đi vội vã, Lê không kịp chia tay với đám học viên thân yêu của mình. 

      Chiếc xe bus dừng lại trước mặt, Lê kéo vội chiếc va-li nặng trì lên xe.  Máy điều hòa làm cho anh ấm áp lại.  Nhìn qua cửa sổ, sương của buổi sáng sớm vẫn còn trắng xóa, mịt mờ.  Lê tự trấn an: “mình đi trong tiếng gọi của Chúa cơ mà!” 

      Còn chị Lê, sau khi ra phi trường tiễn chồng và con gái trở về, chị lặng lẽ vào phòng úp mặt khóc. Có lẽ trong đời chị ít khi nào mà cảm thấy cô đơn đến như vậy.  Những ngày tháng gặp lại chồng con ngắn ngủi quá.  Hình ảnh của chồng và gịọng nói của anh ấy vẫn cứ quanh quẩn đâu đây.  Chị không biết phải làm gì để lấp đi cái khoảng trống vắng đáng sợ ấy.  Nghe Lê kể muà Đông của xứ sở Đại Hàn thường xuyên dưới không độ, chị nghe ớn lạnh và không biết liệu chồng của mình có đủ sức chịu đựng với cảnh sống xa gia đình, một mình nơi đất khách quê người không?  Hơn ai hết chị Lê hiểu chồng mình là người đàn ông ướt át tình cảm, một cơn mưa bất chợt, một làn mây lạc lõng đâu đó cũng làm cho anh ngẩn ngơ. Còn Nguyên nữa, là đứa con gái đầu lòng mà chị đã nhọc nhằn bao năm tháng nuôi cho khôn lớn.  Chị đã không còn đoái tưởng đến bản thân mình nữa, phó thác tất cả trong tay Đức Chúa Trời.  Tuổi xuân chóng qua và cái hạnh phúc bé nhỏ của chị thật bình thường nhưng vô cùng trân qúi. Nguyên, là tất cả hy vọng của chị và giờ đây giống như một đoạn ruột của mình cắt chia nhiều khúc.  Hiện tại, chỉ còn một nơi duy nhất mà chị có thể dâng trình những nỗi buồn sâu kín đó là Chúa Jê-sus; và chỉ có Ngài mới có thể đem lại cho chị sự an uỉ.  Chị nhận ra một bài học vô cùng quí giá: Hạnh phúc không phải ở bên kia bờ đại dương, cũng chẳng phải tìm kiếm đâu xa, nó ở ngay trong tầm tay mình nếu như mình biết quý trọng nó. Người giàu sẽ mãi đeo đuổi tiền bạc không biết chán, người tham lam suốt đời vẫn thấy mình nghèo khó.  Như vậy, có gì hạnh phúc hơn là một mái ấm gia đình khi những người thân yêu được sống gần nhau. 


    7. Ngày đoàn tụ 

         Hai năm sau, gia đình Lê đến Hoa Kỳ.  Trước khi đến tiểu bang khác để nhập học, ba mẹ và hai em của Nguyên có dịp ghé thăm Nguyên tại một thành phố có tiếng là thời tiết tốt nhất nước Mỹ, San-diego.  Một tuần chung sống với nhau trong một căn hộ tồi tàn lụp xụp, một phòng ngủ, một rest- room thua xa điều kiện của gia đình Nguyên ở Việt Nam.  Bây giờ, ba mẹ Nguyên thực sự cảm thông với nỗi khó khăn của Nguyên cũng như sự cô đơn của con gái mình.  Nơi đây không giống như xứ sở quê nhà. Nguyên không có bạn bè, không bà con thân thuộc, không ai dìu dắt trên đường thuôc linh.  Con người đôi xử với nhau bằng cái nhìn của người đi trước đối với người đi sau xa lạ cộng thêm những ác cảm, hồ nghi, hở ra một tí là chụp cho nhiều chiếc mũ tàn ác!  Lê đã từng nghe nói: “Xứ Mỹ chẳng thiếu thứ gì nhưng thiếu tình người.”  Lê chưa dám có nhận định nào vì chân ướt chân ráo mới đến đây. Nhưng Lê biết chắc một điều nếu anh sống trong hoàn cảnh này, chắc anh cũng không hơn gì con gái của mình.  Cũng từ cái thực tế phũ phàng đó, ba mẹ của Nguyên không còn có cái nhìn khắt khe đối với con gái của mình nữa. 

        Một bài học cho anh chị Lê đó là phải biết thích nghi với cuộc sống mới, không thể đem hoàn cảnh, văn hóa, truyền thống của quê hương áp đặt lên con cái của mình ở xứ người. 
     8. Những chặng đường thách thức 

       Nguyên quyết định dọn nhà ra ở riêng sau ba năm sống chung với ba mẹ ruột của mình.  Nguyên bắt đầu lo lắng mọi thứ từ son nồi, chén bát cho đến bàn chải đánh răng… 

        Ngày dọn nhà chỉ có gia ba me và hai đứa em Nguyên giúp đỡ, chồng của Nguyên giận vợ bỏ đi từ mấy ngày qua.  Căn hộ trong một góc xó xỉnh nghèo nàn mọi thứ.  Trần nhà thấp lè tè không một bóng đèn nê-ông.  Nguyên muốn ở riêng vì nghĩ rằng đây là cách duy nhất để có thể cứu vãn được cuộc sống vợ chồng của minh.  Bấy lâu nay vì ở chung với ba me nên chồng của Nguyên cứ mãi đi ngoài đường bất kể giờ giấc như người vô gia cư.  
         Nguyên vẫn đi nhóm thờ phượng Chúa vào những ngày Chúa nhật dù chồng Nguyên không phản đối, nhưng anh ấy lại xách cần đi câu hay lang thang đâu đó đến tận đêm khuya mới về nhà.  Cuộc sống của chồng Nguyên vô tư lự, không có một hướng đi nào cho tương lai. Anh làm việc tự do và tiêu xài bạt mạng. Lúc nào cũng bận rộn với cái cell-phone trên tay mà những cuộc gọi chỉ đem lại thêm bao điều phiền phức! Anh không bao giờ chịu ngồi yên để đọc một trang sách, uống trọn một ly cà phê hay nghe một bản tin nào đó.  Anh sống một cuộc đời dường như không có mục đích!

Ngày nào cũng vậy, ba me của Nguyên trong khi cầu nguyện cho gia đình, thì tên của chồng Nguyên vẫn luôn được nhắc đến, dâng lên cho Đức Chúa Trời để xin tình yêu và sự thương xót của Ngài chạm vào lòng anh, để anh nhận được sự cứu rỗi linh hồn.  
        Đứa con gái đầu lòng của Nguyên nhiều khi đến nhà thờ bỗng chắp tay cúng xá như bà nội của nó thường hay lạy Phật.  Nguyên đọc Kinh Thánh, chồng Nguyên xem phim chưởng Hồng-Kông, Nguyên cầu nguyện, anh ấy bỏ ra ngoài hút thuốc.  Cái cuộc sống đối nghịch giữa hai con người ấy là một nan đề sẽ còn tiếp diễn mãi!

        Bây giờ, Nguyên mới thấm thía, nhận thức được giá trị của những gì Kinh Thánh đã răn dạy; mà ba me của Nguyên đã bao lần giải bày với con gái của mình rằng không thể kết hôn với người ngoại:


         “Ngươi chớ làm sui gia với chúng, chớ gả con gái mình cho con trai họ, cũng đừng cưới con gái họ cho con trai mình, vì cac dân tộc này sẽ dụ dỗ con trai ngươi lìa bỏ ta mà phục vụ các thần khác, rồi cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng ngươi, diệt ngươi cách vội vàng.”
                       (Phục Truyền Luật Lệ K ý 7: 3,4)

          Khi hiểu ra được những điều này thì đã qúa muộn màng!  Thời gian và những nghiệt ngã của cuộc sống đã làm cho Nguyên già đi trước tuổi.  Bây giờ chỉ có điều duy nhất mà Nguyên cần phải làm - đó là sống thật tốt với tất cả bổn phận của người vợ cùng với tấm lòng yêu thương chồng hết mực, cầu nguyện không thôi, để mong ngày Chúa cứu lấy chồng mình.  Phao Lô đã khuyên dạy về đạo vợ chồng:

          “…  Nếu người anh em nào có vợ ngoại đạo bằng lòng ở đời với mình, thì không nên để bỏ.  Lại nếu một người đàn bà có chồng ngoại đạo bằng lòng ở đời với mình, thì vợ cũng không nên lìa chồng.  Bởi vì chồng không tin Chúa, nhân vợ mình được nên thánh, vợ không tin Chúa, nhân chồngt mình tin Chúa, được nên thánh; bằng chẳng vậy, con cái anh em nên chẳng sạch, song nay đều là thánh… Hỡi kẻ làm vợ kia, biết đâu ngươi sẽ cứu được chồng mình? Hỡi kẻ làm chồng kia biết đâu ngươi sẽ cứu được vợ mình?” 
                           (I Côrinhtô 7: 12, 13, 14, 16)


        Ngày Father’s Day năm nay, Nguyên khóc thật nhiều, khóc cho chính những lỗi lầm của mình, khi bỏ lại đàng sau lời dạy của Chúa, cũng như những lời khuyên răn của ba me.  Nguyên lái xe ra chợ Ross, đimột vòng suy nghĩ, chưa biết chọn mua cho ba của cô món gì! 

        Như có tiếng nói của Chúa đánh động vào lòng mình, Nguyên bước ra khỏi xe, nhẹ nhàng men theo con đường quen thuộc vào trong hành lang của đền thờ Đức Chúa Trời, qùy xuống.  Những giọt nước mắt ăn năn cũng vừa lăn xuống trên đôi gò má xanh xao…

        “Phước cho người nào được tha thứ sự vi phạm mình!
         Phước thay cho người nào Đức Giê-hô-va không kể gian ác cho, và trong lòng  không có sự giả dối.”
                          (Thi Thiên 32: 1,2)


                                             California tháng Sáu/2008
                                                  MS Lê -Văn -Thể