Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Abbé Pierre: Vị Linh Mục Quên Mình ở Ấn Độ (2)



Tuần rồi Tiếng Nói Phúc Âm bắt đầu kể cho quý thính giả và đọc giả nghe về tổ chức của Abbé Pierre. Chúng tôi tình cờ khám phá ra Abbé Pierre khi đọc cuốn sách "Fearfully & Wonderfully Made" do bác sĩ (viết tắt BS) Paul Brand và Philip Yancey viết. Abbé Pierre tìm đến bệnh viện chữa bệnh cùi ở Vellore - Ấn Độ vì mục đích của tổ chức Emmaus. 



Sau đây là lời của BS Paul Brand về cuộc gặp gỡ với Abbé Pierre ở Ấn Độ.  Khi Đức Chúa Jêsus mô tả về đời sống Cơ Đốc Nhân, Ngài thường mời gọi với một lời cảnh báo hơn là lời săn đón, níu kéo như cách của người bán hàng. Ngài nói về "việc phải trả giá", hay phải bán hết của cải "để vác thập tự giá" theo Ngài. Cái phương thức này có thể làm cho một số người bồn chồn trong tâm tư. Bây giờ tôi tin rằng Ngài chỉ muốn nhấn mạnh tới việc "trung tín", mà theo danh từ chuyên môn sinh vật học có nghĩa là "sự cần thiết của những tế bào cá nhân cung cấp nhu cầu cho toàn cơ thể". Khi làm theo sự chỉ dẫn của cái đầu, hay trung tâm não mối liên hệ cảm xúc trong cả sự đau đớn không còn nữa. 



Nền văn hóa của chúng ta đang sống đề cao sự hoàn thành ước nguyện của chính mình, sự khám phá chính bản ngã của mình, và sự tự quyết định lấy đời sống tương lai của mình. Nhưng theo lời giảng dạy của Đấng Christ-Đức Chúa Jesus- chỉ khi nào chúng ta chối bỏ chính sự sống mình thì chúng ta mới tìm thấy được chính sự sống đó. Chỉ khi nào ta quyết chí tự hứa nguyện làm "của lễ sống và thánh" trong việc dâng mình cho Chúa, ta mới có thể tìm thấy được lý do để ta hiện hữu và sống có ý nghĩa. 

Chúng ta bám víu, làm nô lệ cho cảm xúc "tử vì đạo" trong sự dấn thân phục vụ. Nhưng sự thật là: chúng ta được kêu gọi phải từ bỏ chính con người mình, hầu có thể "mở" được đời sống phong phú hơn. Trong sự hoán đổi đó, "lợi thế" rõ ràng thuộc về phía chúng ta. Cái sự ích kỷ cằn cộc bị lột bỏ để lộ ra tình yêu của Chúa bày tỏ qua chính con người của chúng ta. Chúa uốn nắn chúng ta theo ảnh tượng của Ngài. 



Ý niệm về sự phục vụ được truyền đạt hay nhất bằng đời sống cá nhân hơn là qua sự tranh luận trừu tượng, mơ hồ.  Một ký ức sâu đậm vào tâm khảm tôi khi một ngày kia một người đàn ông Pháp có hình dáng "kỳ lạ" tìm đến tôi, ông có tên là Abbé Pierre. Ông đến bệnh viện cùi ở Vellore, Ấn Độ, mặc bộ đồ tu đơn điệu của mấy vị linh mục và mang trên vai của ông một tấm chăn cùng một cái túi chứa đựng tất cả những gì thuộc sở hữu của ông. Tôi mời ông ở lại nhà tôi nghỉ đêm, và ông kể cho tôi nghe câu chuyện của mình. 


img_sm7.jpg
Với tư cách là một tu sĩ Công giáo ông được chỉ định phục vụ cho những người ăn xin ở Pa-ri sau thế chiến thứ II. Vào thời đó, người ăn xin ở trong thành phố không còn chốn nương thân và vào mùa đông nhiều người trong số họ bị chết cóng vì giá lạnh ngoài đường phố. Abbé bắt đầu công việc phục vụ bằng cách kêu gọi sự chú ý của cộng đồng về hoàn cảnh khó khăn của người ăn xin, nhưng không thành công. Ông đi đến quyết định rằng điều giá trị duy nhất có thể làm là chỉ dẫn họ tự thân vận động, tự thay đổi hoàn cảnh của chính mình. Trước nhất, ông dạy họ tự phục vụ đời sống một cách tốt đẹp và có kết quả hơn. Thay vì đơn độc lang thang thu lượm ve chai và đồ quăng bỏ, họ được tổ chức thành từng nhóm để sục tìm khắp thành phố. Tiếp theo, ông hướng dẫn họ xây dựng một nhà kho bằng gạch bỏ đi và bắt đầu lập nghiệp bằng cách chọn lọc số lượng chai khổng lồ từ các khách sạn và các công ty. Cuối cùng Abbé Pierre thúc đẩy mỗi người ăn xin phải có trách nhiệm giúp đỡ một người ăn xin khác nghèo nàn, bi đát hơn mình. Kết quả, dự án bắt đầu thành công. Một tổ chức gọi là Emmaus được thành lập để duy trì công việc của Abbé Pierre, với các chi nhánh ở các nước khác.


Bây giờ, ông ta nói với tôi, sau nhiều năm thực hiện công tác này ở thành phố Pa-ri,  không còn có người ăn xin nào nữa. Rồi Abbé Pierre nhận thấy rằng tổ chức của ông đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng: "Tôi phải tìm ai đó cho người ăn xin của tôi giúp đỡ!?". Ông quả quyết như thế và bắt đầu đi tìm ở những nơi khác trên thế giới. Trong cuộc hành trình theo kế hoạch ông đến bệnh viện cùi ở Vellore. Ông kết luận bằng cách mô tả tình trạng "khó xử" ông đang gặp phải. "Nếu tôi không tìm thấy những người tồi tệ hơn "những người ăn xin của tôi", phong trào mà tôi cổ vũ có thể đi đến chỗ "tự mãn". Nó có thể trở thành một tổ chức "hùng mạnh, giàu có", và toàn bộ tác động ý thức tâm linh bị mất đi. Nó không còn có ai để phục vụ". Khi chúng tôi đi bộ tới ký túc xá của các sinh viên y khoa thực tập trong bệnh viện để ăn trưa, tâm trí tôi cứ lẩn quẩn với lời kêu gọi tha thiết của Abbé Pierre: "Ai đó hãy để cho người ăn xin của tôi giúp đỡ!?"


Chúng tôi có truyền thống trong các sinh viên y khoa tại Vellore khi dự bữa ăn trưa với các quan khách được mời. Khách mời luôn được lưu ý như lời cảnh báo trước về truyền thống này. Quan khách đến sẽ đứng lên nói vài lời giới thiệu: họ là ai và vì sao họ đến thăm bệnh viện? Giống như sinh viên ở khắp mọi nơi, sinh viên của chúng tôi vui tính và "ngỗ nghịch". Quy định bất thành văn: Khách được phát biểu không quá ba phút. Nếu bất kỳ vị khách nào phát biểu quá ba phút (hay là phát biểu nhàm chán trước khi ba phút đến) các sinh viên sẽ dậm chân và có thể khiến cho vị khách đó phải ngồi xuống. 


Vào ngày ông Pierre đến thăm viếng, ông đứng lên và tôi giới thiệu ông với các sinh viên. Tôi có thể nhận thấy các sinh viên Ấn Độ nhìn ông với cặp mắt hơi chế nhạo. Một người đàn ông nhỏ bé với cái sống mũi to tướng và hoàn toàn không có gì hấp dẫn lôi cuốn, lại mặc một bộ đồ đặc thù cũ kỷ. 



Ông Pierre bắt đầu nói tiếng Pháp. Một nhân viên bệnh viện tên là Heinz và tôi cố gắng thông dịch những gì ông nói. Không ai trong chúng tôi nói giỏi tiếng Pháp, vì trong vùng không nói thứ tiếng đó, do đó chúng tôi chỉ "quờ quạng" câu này, câu kia rồi tóm lược lại. Abbé Pierre bắt đầu từ từ rồi chẳng bao lâu ông nói nhanh lên. Như một cái máy thu thanh cho chạy nhanh, với câu này đè lên câu kia, có lắm lúc quơ tay múa chân ra điệu bộ diễn đạt ý tưởng. Tôi rất băn khoăn, bị bối rối vì ông mô tả hoàn cảnh lịch sử của phong trào Emmaus. Có thể chẳng bao lâu các sinh viên sẽ cắt ngang cái người đàn ông vĩ đại và khiêm nhường này. Còn khó hơn nữa, tôi thật khổ sở để thông dịch mấy câu nói nhanh như "lửa cháy" của ông. Ông nói ông vừa thăm viếng trụ sở Liên Hiệp Quốc, nơi ông nghe các chức sắc "thao tác" những lời mỹ miều, văn vẻ để "khiêu khích" các quốc gia khác. Ông Pierre nói: Bạn không cần ngôn ngữ để bày tỏ tình yêu, ngôn ngữ của tình yêu là những gì bạn làm. Rồi ông tiếp tục, càng nói càng nhanh hơn. Heinz và tôi chỉ biết nhìn nhau nhún vai chịu thua một cách bất lực. 


Ba phút trôi qua, tôi lùi lại một bước và cố nhìn chung quanh phòng. Không có ai di chuyển. Các sinh viên Ấn Độ nhìn ông Pierre chòng chọc với những đôi mắt đen lung, rồi khuôn mặt của họ tỏ vẻ say mê. Ông đi qua đi lại, và không có ai ngắt ngang ông. Sau hai mươi phút, ông Pierre ngồi xuống. Và lập tức các sinh viên cùng vỗ tay, sự tung hô tán thưởng lớn nhất mà tôi từng được nghe tôi tại hội trường đó. 




Hoàn toàn xúc động, tôi vội hỏi vài sinh viên. "Làm sao bạn hiểu được những gì ông ấy nói khi không ai ở đây nói tiếng Pháp."


Một sinh viên trả lời tôi: "Chúng tôi không cần ngôn ngữ nữa. Chúng tôi cảm thấy sự hiện diện của Chúa và nhận biết sứ điệp của tình yêu thương."


Abbé Pierre đã học được kỷ luật của phục vụ "trung tín" để xác định "sức khỏe" của đời sống. Ông đã đến Ấn Độ và tìm thấy những người bệnh cùi để hoàn tất sứ mạng khẩn cấp: là tìm ai đó tồi tệ hơn những người ăn xin trong tổ chức của ông để giúp đỡ. Và ông đã tìm thấy được họ, ông đã được tràn ngập với tình yêu thương và sự thỏa nguyện. Ông trở về với những người ăn xin ở Pháp. Và họ cùng với tổ chức Emmaus thành lập một phòng khám bệnh ở Vellore. Họ đã tìm thấy người cần sự giúp đỡ để cho động cơ thuộc linh trong đời sống của họ tiếp tục phát huy. Phong trào Emmaus vì thế phát triển mạnh mẽ như một phần phục vụ của "cơ thể Đấng Christ". 




Anh Châu - TNPA