1) “... Chúng tôi nhóm lại để bẻ bánh...” (Công-vụ 20:7).
2) “Anh em nhóm nhau lại... dự dạ yến của Chúa” (1 Cô-rin-tô 11:20).
3) “Anh em... dự tiệc của Chúa...” (1 Cô-rin-tô 10:21).
Ba câu Kinh Thánh trên đây cho chúng ta biết rằng buổi nhóm bẻ bánh là một buổi nhóm mà các tín đồ họp lại với nhau để ăn bữa tối của Chúa và dự bàn của Ngài. Buổi nhóm này chia làm hai phần: phần đầu để nhớ đến Chúa, phần sau là thờ phượng Cha.
I. NHỚ ĐẾN CHÚA
VỚI CHÍNH CHÚA LÀ TRUNG TÂM
VỚI CHÍNH CHÚA LÀ TRUNG TÂM
1) “Đoạn, Ngài lấy bánh... bẻ ra, rồi đưa cho họ, mà phán rằng: Đây là thân thể Ta vì các ngươi mà ban cho; hãy làm sự này để kỷ niệm Ta. Cũng vậy, sau bữa tối, Ngài lấy chén...” (Lu-ca 22:19-20).
Buổi nhóm bẻ bánh không vì mục đích nào khác hơn là nhớ đến Chúa, lấy sự nhớ đến Chúa làm trung tâm của buổi nhóm để Chúa vui hưởng. Mọi điều làm trong buổi nhóm dầu là hát thánh ca, cầu nguyện, đọc Kinh Thánh hay nói lời được Chúa cảm thúc đều phải lấy Chúa làm trung tâm, lời chia sẻ nên liên hệ đến thân vị và công tác của Ngài, tình yêu và những mỹ đức của Chúa, đời sống và sự chịu khổ của Ngài trên đất hoặc sự tôn trọng và vinh quang của Ngài trên trời, để mọi người có thể suy gẫm, nhận thức những điều ấy và nhớ đến chính Chúa. Trong một buổi nhóm như vậy, chúng ta nên nghĩ đến Chúa trong lòng và nhìn xem Chúa trong linh chúng ta đến nỗi chúng ta được cảm thúc về Chúa. Sau đó chúng ta có thể diễn tả sự cảm động của mình qua các bài hát, sự cầu nguyện, đọc Kinh Thánh hay lời [chia sẻ] để cảm xúc của cả buổi nhóm đều hướng về Chúa và mọi người đều nhớ đến Ngài.
A. Ăn Bữa Tối Của Chúa
Ba câu Kinh Thánh trích ở phần đầu của bài học này cho chúng ta thấy bẻ bánh tức là ăn bữa tối với Chúa và dự bàn của Ngài. Ăn bữa tối với Chúa để chúng ta nhớ Ngài, còn dự bàn của Chúa để chúng ta tương giao với nhau trong những điều Chúa đã hoàn thành cho chúng ta. Về phương diện ăn bữa tối của Chúa, chủ yếu chúng ta nên làm ba điều sau:
1. Nhớ đến Chúa
1) “Chúa Giê-su... lấy bánh, cảm tạ, rồi bẻ ra, mà phán rằng: Đây là thân thể Ta vì các ngươi mà bẻ ra. Hãy làm điều này để kỷ niệm Ta” (1 Cô-rin-tô 11:23-24).
Theo như điều Chúa đã thiết lập, khi chúng ta bẻ bánh, thì không những có một ổ bánh được chuẩn bị sẵn để cho chúng ta bẻ và ăn, mà bên cạnh ổ bánh đó còn có một chén để chúng ta nhận và uống. Bằng cách ăn bánh của Chúa và uống chén của Ngài, chúng ta ăn bữa tối của Chúa trong sự nhớ đến Chúa. Bánh và chén là những biểu hiệu. Theo như lời Chúa đã phán, bánh tượng trưng cho thân thể Ngài đã phó cho chúng ta, và chén tượng trưng cho huyết Ngài đã đổ ra vì chúng ta. Thân Ngài đã được ban cho chúng ta trên thập tự giá, huyết Ngài cũng đổ ra trên thập tự giá. Ngài đã phó chính mình cho chúng ta để truyền sự sống vào trong chúng ta hầu chúng ta có thể dự phần trong Ngài. Ngài đã đổ huyết, cứu chuộc chúng ta để tội lỗi của chúng ta được tha thứ.
Khi nhìn thấy hay nhận bánh mà mình bẻ, chúng ta nên nghĩ đến thế nào Chúa đã trở nên xác thịt vì chúng ta, thế nào Chúa đã chết cho chúng ta trong xác thịt, và thế nào thân thể Ngài đã vỡ ra và đã được ban cho chúng ta để chúng ta có sự sống của Ngài. Trong Kinh Thánh, bánh hàm ý chỉ về sự sống, Chúa nói rằng Ngài là bánh sự sống, ban sự sống cho thế gian (Giăng 6:33-35). Khi nào bánh được đề cập đến, chúng ta phải nghĩ đến sự sống. Thân thể của Chúa đã vỡ ra để ban cho chúng ta như bánh có nghĩa là Ngài đã ban chính thân thể Ngài cho chúng ta để chúng ta có thể có được sự sống của Ngài. Chúng ta có phần trong sự sống của Ngài khi chúng ta nhận lấy thân đã vỡ ra của Ngài. Tất cả điều này được tượng trưng bằng sự bẻ bánh và bằng chính bánh mà chúng ta bẻ.
2) “Cũng một thể ấy, sau bữa tối Ngài lấy chén, mà phán rằng: Chén nầy là giao ước mới trong huyết Ta. Hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để kỷ niệm Ta” (1 Cô-rin-tô 11:25).
Trong buổi nhóm bẻ bánh, khi nhìn thấy bánh hay nhận bánh mình bẻ, thậm chí khi chúng ta nhìn thấy chén hay nhận lấy chén mình uống, chúng ta nên suy gẫm về Chúa và những gì Ngài đã làm cho mình. Chén này tượng trưng cho giao ước mới mà Chúa đã ban cho chúng ta bởi sự đổ huyết của Ngài. Bất cứ khi nào nhìn thấy chén hay nhận chén để uống, chúng ta nên nghĩ đến việc Chúa đã có phần vào thịt và huyết vì chúng ta (Hê-bơ-rơ 2:14), thể nào Ngài đã không những ban thân thể Ngài cho chúng ta để chúng ta có được sự sống của Ngài, mà còn đổ huyết ra cho chúng ta để chúng ta có được ơn phước cao trọng nhất, đó là được giải cứu khỏi tội lỗi, có được chính Đức Chúa Trời và mọi sự của Đức Chúa Trời. Qua biểu hiệu này, chúng ta nên nghĩ đến việc Chúa mang lấy tội lỗi của chúng ta, Ngài đã trở nên tội lỗi vì chúng ta, và bị phán xét và rủa sả vì chúng ta, đổ huyết Ngài ra thành chén ơn phước, phần hưởng phước hạnh đời đời của chúng ta. Chúng ta nên suy gẫm thể nào chúng ta được cứu chuộc, tha thứ, thánh hóa, xưng công chính, được giải hòa và được Đức Chúa Trời chấp nhận bởi huyết Chúa, thể nào huyết rửa sạch chúng ta khỏi tội và tẩy rửa lương tâm của mình để chúng ta có thể dạn dĩ đến với Đức Chúa Trời, thể nào huyết nói những điều tốt hơn trước mặt Đức Chúa Trời, và huyết chống lại những sự tấn công của các ác linh cho chúng ta để chúng ta có thể đắc thắng Ma Quỉ là kẻ kiện cáo mình.
Trong Kinh Thánh, bánh nói đến sự sống và chén đề cập đến “phần hưởng” như trong Thi-thiên 16:5 có nói “Đức Chúa Trời là phần hưởng và là cái chén của tôi”. Chúng ta vốn tội lỗi và độc ác, và phần chúng ta đáng phải nhận là chén thạnh nộ của Đức Chúa Trời, có nghĩa là đi đến hồ lửa để chịu đựng sự thống khổ của sự diệt vong đời đời (Khải-thị 14:10; 21:8). Dầu vậy, Đức Chúa Trời đã khiến Chúa Giê-su uống chén thạnh nộ ấy cho chúng ta trên cây gỗ (Giăng 18:11). Ngài đã nhận lấy hình phạt công chính từ Đức Chúa Trời thay cho chúng ta, và đã nếm trọn nỗi thống khổ của sự diệt vong đời đời ở trong hồ lửa. Ngài đã đổ huyết Ngài để cứu chuộc chúng ta trọn vẹn khỏi tội lỗi, và đã lập một giao ước mới với chúng ta, ban cho chúng ta chén cứu rỗi (Thi-thiên 116:13) và chén ấy đã trở nên chén ơn phước (Thi-thiên 23:5). Trong chén cứu rỗi phước hạnh này chính là Đức Chúa Trời và mọi điều Ngài có đều đã trở thành phần hưởng của chúng ta, phần hưởng phước hạnh đời đời của chúng ta và phần hưởng của chén chúng ta.
2. Vui Hưởng Chúa
1) “Giê-su lấy bánh... bẻ ra, rồi đưa cho môn đồ mà phán rằng: Hãy lấy ăn đi”(Ma-thi-ơ 26:26); “Đây là thân thể Ta vì các ngươi mà ban cho; hãy làm sự nầy để kỷ niệm Ta” (Lu-ca 22:19); “Ngài lại lấy chén... đưa cho họ mà phán rằng: hết thảy hãy uống đi; vì đây là huyết Ta, tức là huyết của giao ước...” (Ma-thi-ơ 26:27-28); “... tức là huyết vì các ngươi mà đổ ra” (Lu-ca 22:20); “... hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để kỷ niệm Ta” (1 Cô-rin-tô 11:24-25).
Mặc dù trọng tâm của sự bẻ bánh là để nhớ Chúa nhưng sự nhớ này không chỉ đơn thuần là suy gẫm đến Chúa cùng mọi sự Ngài đã làm cho chúng ta, nhưng hơn nữa là để vui hưởng Chúa cùng những gì Ngài đã hoàn thành cho chúng ta. Chúa đã phán rằng ăn bánh và uống chén của Ngài tức là nhớ đến Ngài. Bánh và chén tượng trưng cho thân và huyết của Ngài. Như vậy, ăn bánh và uống chén của Chúa tức là ăn thân và uống huyết của Ngài. Thân và huyết Chúa là chính Ngài đã được ban cho chúng ta, và là phương tiện mà nhờ đó Ngài hoàn thành mọi sự cho chúng ta. Hơn nữa, ăn và uống không chỉ là nhận lấy mà còn là thưởng thức. Khi ăn thân Chúa và uống huyết Ngài, chúng ta không chỉ nhận mà còn vui hưởng chính Chúa cùng mọi điều Ngài đã hoàn thành cho chúng ta qua việc ban thân Ngài và đổ huyết Ngài cho chúng ta. Nhận lãnh và vui hưởng Chúa theo cách ấy chính là nhớ Chúa. Khi chúng ta ăn, uống và vui hưởng Chúa như vậy là thật sự nhớ Ngài. Đây là ý nghĩa sâu xa của việc ăn bữa tối của Chúa.
Việc chúng ta ăn, uống, vui hưởng Chúa trong bữa ăn tối của Ngài cũng chính là sự tuyên bố và lời chứng của chúng ta. Chúng ta tuyên bố rằng mình đã được liên kết và hòa lẫn với Chúa, giống như bánh hòa lẫn trong chúng ta sau khi chúng ta ăn vào thân thể mình. Lời chứng của chúng ta là chúng ta sống bằng cách ăn, uống, vui hưởng Chúa, nhận lấy Ngài làm sự sống của mình mỗi ngày. Khi bẻ bánh ăn và uống Chúa, chúng ta tuyên bố rằng: qua việc Chúa ban cho thân và huyết mà Ngài đã vào trong chúng ta để được liên kết với chúng ta. Chúng ta cũng làm chứng rằng: nhờ nhận lấy thân thể Chúa ban cho và huyết Chúa đổ ra mà chúng ta đã có phần trong Chúa và trong mọi sự Ngài đã hoàn thành cho mình, chúng ta đã liên kết với Ngài, sống bởi Ngài là sự sống và nguồn cung ứng sự sống cho mình. Đây chính là sự tuyên bố và lời chứng của chúng ta khi bẻ bánh.
3. Bày Tỏ Sự Chết Của Chúa
1) “Ấy vậy, hễ lần nào anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao giảng sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (1 Cô-rin-tô 11:26).
Chữ “rao giảng” trong câu Kinh Thánh trên có nghĩa là bày tỏ, trình bày. Mỗi khi ăn bánh và uống chén của Chúa, chúng ta vừa nhớ Chúa vừa trình bày sự chết của Ngài. Chúng ta nhớ Chúa, chớ không phải nhớ cái chết của Ngài. Nhưng đang khi nhớ đến Chúa, chúng ta trình bày sự chết của Ngài cho mình, cho các thiên sứ và mọi vật cùng thấy. Khi nhớ Chúa, bánh và chén được trưng bày riêng biệt trên bàn. Bánh tượng trưng cho thân Chúa, và chén tượng trưng cho huyết Ngài. Vì việc tách rời thân và huyết tượng trưng cho sự chết, bởi đó sự chết được bày tỏ. Đó là cách chúng ta trình bày sự chết của Chúa khi bẻ bánh để nhớ Ngài.
Lời Chúa được trích dẫn trên đây nói rằng chúng ta nên nhớ đến Chúa và trình bày sự chết của Chúa cho đến lúc Ngài đến. Điều này nghĩa là khi chúng ta bẻ bánh để nhớ Chúa và bày tỏ sự chết của Ngài, chúng ta cũng đồng thời chờ Chúa đến nữa. Điều này cho thấy chúng ta nên bày tỏ sự chết của Chúa và như vậy là nhớ Ngài trong linh và trong bầu không khí chờ đợi sự hiện đến của Ngài.
B. Dự Bàn Của Chúa
1) “Cái chén hạnh phước mà chúng ta chúc phước, há chẳng phải là tương giao với huyết của Đấng Christ sao? Cái bánh mà chúng ta bẻ, há chẳng phải là tương thông với thân thể của Đấng Christ sao? Bởi chưng chúng ta tuy nhiều, mà là một ổ bánh, một thân thể, vì chúng ta thảy đều có phần trong cùng một ổ bánh đó” (1 Cô-rin-tô 10:16-17).
1 Cô-rin-tô 11:23-25 cho thấy điều quan trọng của việc dự bữa tối của Chúa là nhớ đến Ngài trong khi 1 Cô-rin-tô 10:16-17 và 21 lại nói rằng trọng tâm của việc dự bàn của Chúa chính là sự tương giao với các thánh đồ.
Trong buổi nhóm bẻ bánh, chúng ta cùng ăn một bánh, tượng trưng cho thân của Đấng Christ, và uống một chén tượng trưng cho huyết của Đấng Christ. Việc ăn và dự phần cùng một ổ bánh hay uống và chia sẻ cùng một chén hàm ý chỉ về mối tương giao hỗ tương. Chúng ta có sự tương giao này nhờ thân và huyết Chúa. Vì vậy, sự tương giao này trở nên sự tương giao của huyết và thân Đấng Christ. Bằng cách ấy, khi ăn và uống với nhau, chia sẻ bánh và chén của Chúa, chúng ta “dự bàn của Chúa” (1 Côr. 10:21). Tại bàn này, chúng ta chia sẻ thân và huyết Chúa với tất cả các thánh đồ và có sự tương giao với nhau. Huyết của Đấng Christ mà chúng ta cùng vui hưởng với nhau sẽ cất bỏ mọi sự ngăn cách giữa vòng các thánh đồ. Bánh mà chúng ta chia sẻ tượng trưng cho thân thể riêng của Chúa, vào trong chúng ta và làm chúng ta trở nên một ổ bánh, chỉ về Thân Thể tập thể của Chúa. Về phương diện ăn bữa tối của Chúa, bánh chỉ về thân thể riêng của Chúa mà Ngài đã ban cho chúng ta trên cây gỗ. Còn về phương diện dự bàn của Chúa, bánh chỉ về Thân Thể tập thể của Chúa mà Ngài đã cấu thành gồm tất cả các thánh đồ đã được tái sinh nhờ sự sống lại của Ngài từ người chết. Thân thể trước của Chúa là thân thể vật lý đã được phó cho sự chết vì chúng ta, Thân Thể sau là Thân Thể huyền nhiệm thuộc linh được cấu tạo bằng tất cả các thánh đồ trong sự sống lại của Ngài. Vì thế, mỗi lần bẻ bánh, một mặt chúng ta nhớ Chúa và vui hưởng Ngài bằng cách nhận lấy thân thể mà Ngài đã ban cho chúng ta trên thập tự giá, mặt khác chúng ta vui hưởng Thân Thể huyền nhiệm thuộc linh mà Ngài đã sinh ra qua việc Ngài sống lại từ người chết, chúng ta cùng tương giao với các thánh đồ trong Thân Thể huyền nhiệm thuộc linh này và làm chứng sự “hiệp một” của Thân Thể huyền nhiệm này. Không những chúng ta có mối quan hệ với Chúa mà còn có mối quan hệ với các thánh đồ.
II. THỜ PHƯỢNG CHA — CHA LÀ TRUNG TÂM
Buổi nhóm bẻ bánh là buổi nhóm để các tín đồ thờ phượng. Theo tiến trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, trước hết chúng ta tiếp nhận Chúa và rồi được đem đến gần Cha. Như vậy, trong buổi nhóm thờ phượng này, chúng ta trước hết nhớ đến Chúa và sau đó là thờ phượng Cha. Trọng tâm của phần nhớ đến Chúa là nhớ Chúa, còn trọng tâm của phần thờ phượng Cha là thờ phượng Cha. Tất cả mọi lời cầu nguyện, thánh ca và lời Kinh Thánh đều nên hướng thẳng về Cha.
1) “Giê-su lấy bánh chúc tạ, bẻ ra, rồi đưa cho môn đồ mà phán rằng: Hãy lấy ăn đi, đây là thân thể Ta. Ngài lại lấy chén... đưa cho họ mà phán rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì đây là huyết Ta, tức là huyết của giao ước... Khi đã hát thi ca rồi, Giê-su và môn đồ bèn đi ra đến núi Ô-li-ve” (Ma-thi-ơ 26:26-30).
Trong ngày đó, sau khi Chúa Giê-su bẻ bánh và hát một thi ca với các môn đồ, Ngài dẫn họ đến núi Ô-li-ve để gặp Cha. Một nguyên tắc được ngụ ý và thiết lập ở đây là: Sau khi bẻ bánh để nhớ Chúa, chúng ta cần được Ngài dẫn dắt đến chỗ cùng nhau thờ phượng Cha.
2) “Tôi [tức Đấng Christ phục sinh] sẽ truyền danh Chúa [tức danh Đức Chúa Trời] cho anh em tôi, hát thi ca ngợi khen Chúa ở giữa hội [tức buổi nhóm với các môn đồ sau khi sống lại]” (Hê-bơ-rơ 2:12).
Câu Kinh Thánh này đề cập đến điều Chúa đã làm khi Ngài hiện ra và nhóm họp với các môn đồ sau khi Ngài sống lại. Ngài xem họ như anh em và công bố danh Cha cho họ. Ngài cũng xem họ là hội-thánh và hát thánh ca để ngợi khen Cha giữa vòng họ. Dầu Chúa là Con Độc Sinh của Đức Chúa Trời, nhờ sự chết và sống lại của Ngài, Ngài đã tái sinh chúng ta là những người đã tin Ngài (1 Phi 1:3), để nhờ đó chúng ta trở nên nhiều con của Đức Chúa Trời. Ngài đã trở nên Con trưởng của Đức Chúa Trời (Rô 8:29) dẫn dắt chúng ta là nhiều con đi với Ngài đến cùng Cha. Sau khi sống lại, Ngài đến với các môn đồ (Giăng 20:19-29), và công bố danh Cha với các anh em Ngài. Như vậy trong địa vị là Con trưởng của Đức Chúa Trời, Ngài dẫn dắt nhiều em Ngài, tức nhiều người con của Đức Chúa Trời, cùng hát ngợi khen Cha tức là cùng nhau thờ phượng Cha. Theo sự kiện này, sau khi bẻ bánh để nhớ Chúa, chúng ta cần được Chúa dẫn dắt để thờ phượng Cha. Trong phần này của buổi nhóm, Cha là trung tâm và như đã được nói đến trong Thánh Ca 52, tất cả mọi lời chúng ta hát ngợi khen Cha là do Chúa ở trong chúng ta dẫn dắt mình hát ngợi khen Cha.
III. NGƯỜI BẺ BÁNH
1) “Giê-su lấy bánh... rồi đưa cho môn đồ...” (Ma-thi-ơ 26:26).
Khi thiết lập việc bẻ bánh, Chúa ban bánh và chén cho các môn đồ, tức là cho những người đã tin vào Ngài, có sự sống của Ngài và thuộc về Ngài. Dĩ nhiên chỉ có những người có một mối quan hệ như vậy với Chúa và biết Chúa là Đấng Cứu Rỗi cho cá nhân mình mới có thể nhớ Chúa bằng cách dự bánh và uống chén của Ngài và có thể bày tỏ sự chết của Chúa bằng bánh và chén của Ngài.
2) “Phàm những người tin đều... bẻ bánh” (Công-vụ 2:44-46).
Những người bẻ bánh phải là “những người tin” tức những người tin và nhận sự cứu rỗi của Chúa, có sự sống của Ngài và thuộc về Ngài. Chỉ có những người tin như vậy mới có thể bẻ bánh. Vì vậy, chỉ những người được cứu, được liên kết với Chúa, không sống trong tội lỗi mới đủ tư cách ăn bánh, uống chén của Chúa. Ngoài ra, không ai được dự phần trong bánh và chén của Chúa.
IV. THỜI ĐIỂM BẺ BÁNH
1) “Họ đều cứ bền lòng trong... sự bẻ bánh” (Công-vụ 2:42).
Ở đây nói rằng những tín đồ đầu tiên tiếp tục bẻ bánh cách kiên trì. Điều này có nghĩa là họ tiếp tục bẻ bánh mọi lúc không gián đoạn. Chúng ta nên theo khuôn mẫu này.
2) “Hằng ngày... bẻ bánh” (Công-vụ 2:46).
Những tín đồ đầu tiên tiếp tục bẻ bánh đến nỗi họ bẻ bánh hằng ngày. Lúc đó vì nhiệt thành đối với Chúa và yêu Ngài sâu đậm, họ tự phát bẻ bánh hằng ngày. Điều này cũng dạy dỗ rằng, nếu có thể được, bẻ bánh để nhớ Ngài càng thường xuyên càng tốt.
3) “Ngày thứ nhất trong tuần lễ, chúng tôi nhóm lại để bẻ bánh” (Công-vụ 20:7).
Ban đầu, các tín đồ đầu tiên bẻ bánh hằng ngày. Sau đó, họ dần dần có thói quen làm điều đó mỗi tuần một lần vào ngày thứ nhất. Ngày thứ nhất trong tuần lễ, tức Chúa Nhật, ngày Chúa sống lại, và là ngày bắt đầu một tuần lễ mới, mang ý nghĩa rằng những sự cũ đã qua và sự sống mới bắt đầu. Vì vậy bẻ bánh để nhớ Chúa vào ngày này là điều thích hợp nhất. Hơn nữa, mặc dầu chúng ta bày tỏ sự chết của Chúa khi bẻ bánh, chúng ta thật sự nhớ Chúa trong sự sống lại của Ngài.
4) “Dự Dạ-yến của Chúa” (1 Cô-rin-tô 11:20).
Vì việc bẻ bánh là ăn bữa tối của Chúa, tốt hơn hết chúng ta nên thực hiện vào buổi tối. Hơn nữa, vào buổi tối, sau khi làm xong mọi công việc và cất bỏ mọi gánh nặng, lòng chúng ta nhẹ nhàng và linh được tươi mới. Đó là thời điểm thích hợp để nhớ Chúa, không còn gì lo lắng, dễ dàng cảm nhận được sự hiện diện của Ngài. Tuy vậy, điều này không phải là vấn đề bắt buộc. Nếu chúng ta gặp khó khăn hay bất tiện trong việc thực hiện bẻ bánh vào buổi tối, chúng ta có thể cân nhắc hoàn cảnh và đổi qua buổi sáng hay buổi chiều.
V. ĐỊA ĐIỂM BẺ BÁNH
1) “Bẻ bánh từ nhà này sang nhà khác” (Công-vụ 2:46, nguyên văn).
Các tín đồ đầu tiên dự bẻ bánh tại mọi nhà, từ nhà người này sang nhà người kia. Rõ ràng nơi bẻ bánh là nhà của họ.
2) “Vậy, khi anh em nhóm nhau lại... dự Dạ-yến của Chúa” (1 Cô-rin-tô 11:20).
Theo lời này, các tín đồ đầu tiên cũng nhóm tại một chỗ để ăn bữa tối của Chúa. Điều này chắc đã diễn ra tại một chỗ rộng lớn hơn. Khi chúng ta nhóm lại để bẻ bánh tại nhà, buổi nhóm nhỏ sẽ đem lại hương vị ngọt ngào và thân mật. Khi nhóm chung tại một phòng nhóm lớn, chúng ta sẽ có một buổi nhóm phong phú và không khí buổi nhóm được nâng cao. Các tín đồ có thể bẻ bánh tại các nhà riêng hoặc tại cùng một địa điểm, điều này do hội-thánh quyết định tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh.
VI. SAU KHI BẺ BÁNH
1) “Ấy vậy, hễ lần nào anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao giảng sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (1 Cô-rin-tô 11:26).
Những người bẻ bánh để nhớ Chúa là những người khao khát Chúa, trông đợi Ngài đến và yêu mến sự hiện ra của Ngài (1 Tim. 4:8). Vậy nên, sau khi bẻ bánh, chúng ta nên sống một cuộc đời trông đợi sự hiện ra của Ngài.
2) “Anh em chẳng có thể uống chén của Chúa, lại cũng uống chén của các quỉ; chẳng có thể dự tiệc của Chúa, lại cũng dự tiệc của các quỉ” (1 Cô-rin-tô 10:21).
Ở đây cho thấy nếu chúng ta dự bàn của Chúa thì không thể dự bàn của các quỉ, và nếu chúng ta uống chén của Chúa thì không thể uống chén của các quỉ. Theo mạch văn trước câu này, bàn và chén của các quỉ là các của cúng hình tượng. Như thế, sau khi bẻ bánh, chúng ta không thể ăn của cúng hình tượng.
3) “Vậy nên, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, cũng đừng dùng men của sự hiểm độc, gian ác, nhưng hãy dùng bánh không men của sự thành thật, chơn chánh” (1 Cô-rin-tô 5:8).
Ở đây men liên hệ đến mọi điều độc ác và mọi điều làm hư hoại con người. Trong Cựu Ước ngay sau khi giữ lễ Vượt-qua, dân Y-sơ-ra-ên dự tiệc bánh không men, cất bỏ tất cả men khỏi đời sống họ (Phục 16:1-4). Việc bẻ bánh trong Tân Ước thay thế cho lễ Vượt-qua trong Cựu Ước. Như vậy, sau khi bẻ bánh, chúng ta nên dự tiệc bánh không men như người Y-sơ-ra-ên đã làm, loại bỏ tất cả những điều độc ác và những gì bại hoại khỏi đời sống chúng ta. Chúng ta chỉ có thể sống một đời sống thánh khiết thoát mọi tội lỗi bởi sự sống thánh khiết và vô tội của Chúa, là bánh không men của sự chân thành và lẽ thật để trở nên những người thật sự giữ tiệc bánh không men.
Witness Lee