Đối với chúng ta là những người được cứu, dâng mình là đáp ứng tích cực đối với sự cứu rỗi của Chúa. Vì vui hưởng sự cứu rỗi lớn lao và ban không của Chúa, tự phát chúng ta ao ước đền đáp cho Ngài. Khi dâng mình, chúng ta để cho Chúa chiếm hữu chính chúng ta như một sự đền đáp của chúng ta đối với Ngài.
I. NỀN TẢNG CỦA SỰ DÂNG MÌNH
1) “Anh em chẳng thuộc về chính mình... vì anh em đã được mua bằng giácao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình mà tôn vinh Đức Chúa Trời” (1 Cô-rin-tô 6:19-20).
Nền tảng của sự dâng mình là Ngài đã mua chúng ta bằng giá của huyết Ngài (Khải 5:9), chúng ta trở nên những nô lệ đã được Chúa mua về. Là những người tin nơi Chúa và được Chúa chuộc mua, chúng ta đều là những nô lệ được chuộc mua của Ngài. Chúng ta không thuộc về mình mà thuộc về Chúa. Không phải chúng ta, mà Chúa mới là Đấng có quyền trên đời sống chúng ta.
2) “Vì nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết là chết cho Chúa. Vậy nên, chúng ta hoặc sống hoặc chết đều thuộc về Chúa cả” (Rô-ma 14:8).
Vì đã được Chúa chuộc và mua nên dẫu sống hay chết chúng ta đều thuộc về Ngài. Trên nền tảng đó, chúng ta dâng mình để Chúa sử dụng.
II. ĐỘNG CƠ CỦA SỰ DÂNG MÌNH
1) “Vì tình thương yêu của Đấng Christ khích lệ chúng tôi, bởi chúng tôi xét rằng nếu có một Người chết vì mọi người, thì mọi người đều chết. Lại Người ấy đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không còn vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã thay họ chịu chết và sống lại” (2 Cô-rin-tô 5:14-15).
Chúng ta dâng mình cho Chúa vì tình yêu của Ngài giới hạn chúng ta và thúc ép chúng ta. Tình yêu của Ngài ép buộc chúng ta đến nỗi chúng ta không thể không dâng mình cho Ngài. Vì Ngài đã chết cho chúng ta, nên chúng ta đều đã chết, chúng ta không cần chết nữa. Hơn nữa, Ngài đã chết để chúng ta có được sự sống của Ngài hầu sống cho Ngài. Tình yêu ấy thúc ép chúng ta, ép buộc chúng ta yêu Ngài và dâng mình cho Ngài. Sự dâng mình này là lòng biết ơn và sự đền đáp của chúng ta trước tình yêu lớn của Chúa. Ngài đã mua chúng ta bằng huyết báu, khiến chúng ta trở nên nô lệ mà Ngài đã mua về. Đó là nền tảng dựa trên đó chúng ta dâng mình. Vì yêu chúng ta, Ngài đã chết cho chúng ta, tình yêu này là động cơ khiến chúng ta dâng mình cho Ngài.
III. Ý NGHĨA CỦA SỰ DÂNG MÌNH
1) “Vậy, anh em ơi, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời mà nài khuyên anh em hãy dâng thân thể của anh em làm sinh tế sống... ấy là sự phụng sự thuộc linh của anh em” (Rô-ma 12:1).
Không như dân chúng trong Cựu Ước đã dâng cho Ngài những sinh tế chết, khi dâng mình cho Chúa, chúng ta dâng cho Ngài một sinh tế sống. Là một sinh tế sống được dâng lên, chúng ta thánh khiết, nghĩa là chúng ta biệt riêng mình ra cho Chúa để Ngài sử dụng, và như thế chúng ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời, chúng ta làm thỏa mãn nỗi ước ao của lòng Ngài.
2) “Hãy truyền lệnh nầy cho dân Y-sơ-ra-ên mà rằng: Các ngươi phải lo dâng cho Ta trong kỳ định lễ vật và thực vật của Ta, cùng các của lễ dùng lửa dâng lên có mùi thơm cho Ta... Mỗi ngày, hai con chiên con đực giáp năm, không tì vít, làm của lễ thiêu hằng hiến” (Dân-số Ký 28:2-3).
Trong Cựu Ước, Đức Chúa Trời đòi hỏi dân Ngài hằng ngày dâng của lễ thiêu làm thực phẩm cho Ngài để làm thỏa lòng Ngài. Điều này tượng trưng cho việc những ai thuộc về Chúa trong Tân Ước nên dâng mình như một của lễ thiêu hằng ngày cho Chúa thỏa lòng. Điểm khác biệt ở đây là trong Cựu Ước, người ta dâng các sinh tế chết, trong khi chúng ta dâng sinh tế sống. Dầu tính chất khác nhau nhưng ý nghĩa vẫn là một, vì các sinh tế là thực phẩm của Đức Chúa Trời để làm cho Ngài thỏa lòng. Dâng mình cho Chúa là trở nên một sinh tế để Ngài thỏa lòng. Điều quan trọng không phải là chúng ta làm gì cho Chúa mà là chúng ta làm cho Ngài thỏa lòng. Đây là ý nghĩa đích thực của sự dâng mình cho Chúa.
IV. MỤC ĐÍCH CỦA SỰ DÂNG MÌNH
1) “... không còn vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì Đấng đã thay họ chịu chết và sống lại” (2 Cô-rin-tô 5:15).
Sống vì Chúa là mục đích của sự dâng mình cho Ngài. Sống vì Chúa cao cả hơn sống cho Ngài. Khi chúng ta sống cho Ngài, Chúa và chúng ta vẫn có thể là hai, nhưng khi chúng ta sống vì Ngài, chúng ta phải làm một với Ngài. Khi sống vì Ngài, chúng ta không những nhận Ngài làm sự sống của mình mà còn nhận Ngài làm chính con người mình. Trong mọi sinh hoạt và hành động, chúng ta nên hợp tác với Ngài và để chính Ngài sống qua chúng ta.
2) “Dâng thân thể của anh em làm sinh tế sống” (Rô-ma 12:1).
Như chúng tôi đã đề cập, khi dâng mình cho Chúa, chúng ta trình dâng chính mình cho Chúa như một sinh tế sống để thỏa mãn lòng mong ước của Ngài. Đây là mục tiêu đầy ý nghĩa của việc chúng ta dâng mình cho Chúa.
3) “Dâng thân thể của anh em... ấy là sự phụng sự thuộc linh [nguyên văn là hợp lý] của anh em” (Rô-ma 12:1).
Dâng chính mình như một sinh tế sống cho Chúa là sự phục vụ hợp lý nhất. Sự phục vụ này không tùy thuộc vào việc chúng ta làm gì cho Chúa mà là chúng ta làm cho Chúa thỏa lòng. Đây cũng là một mục đích của việc chúng ta dâng mình cho Chúa.
4) “Vì chúng ta là công tác của Ngài, được dựng nên trong Christ Giê-su để làm việc lành, mà Đức Chúa Trời trước kia đã dự bị cho chúng ta noi theo” (Ê-phê-sô 2:10).
Tín đồ chúng ta là những người được Đức Chúa Trời lựa chọn và cứu chuộc, là kiệt tác của Ngài được tạo dựng trong Christ Giê-su vì các công việc tốt lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn để chúng ta bước đi. Điều này đòi hỏi sự thỏa thuận của chúng ta và đòi hỏi chúng ta dâng mình cho Ngài để Ngài có thể hành động trên chúng ta hầu hoàn thành những công việc tốt lành của Ngài. Điều này nên là một mục đích khác nữa mà vì đó chúng ta dâng mình cho Chúa.
5) “Vì anh em đã được mua bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình mà tôn vinh Đức Chúa Trời” (1 Cô-rin-tô 6:20).
Mục đích sau cùng của việc chúng ta dâng mình cho Chúa là để tôn vinh Đức Chúa Trời, nghĩa là để cho Đức Chúa Trời sống bày tỏ qua chúng ta và được biểu lộ qua chúng ta như một biểu hiện của vinh quang Ngài.
V. KẾT QUẢ CỦA SỰ DÂNG MÌNH
1) “Tôi mọi của Đấng Christ... được mua bằng giá cao” (1 Cô-rin-tô 7:22-23).
Kết quả đầu tiên của việc chúng ta dâng mình cho Chúa là về mặt thực tiễn chúng ta trở nên các nô lệ được Chúa mua, đầu phục uy quyền của Ngài trong mọi sự.
2) “Vì chúng ta là công tác của Ngài, được dựng nên trong Christ Giê-su để làm việc lành” (Ê-phê-sô 2:10).
Chúng ta là kiệt tác ở dưới sự nắn đúc của Ngài như chiếc bình bằng đất sét được nhào nặn trong tay người thợ gốm (so sánh Ê-sai 64:8). Một kết quả khác của việc chúng ta dâng mình cho Chúa là chúng ta thỏa thuận để Chúa tự do nhào nặn chúng ta.
3) “Hãy dâng chính mình cho Đức Chúa Trời... và chi thể mình cho Ngài để làm khí giới của sự công nghĩa. Vì tội lỗi không chủ trị anh em được đâu” (Rô 6:13-14); “Hãy dâng chi thể mình làm tôi mọi cho sự công nghĩa [hay nô lệ cho sự công chính] để làm nên sự nên thánh” (Rô-ma 6:19).
Khi chúng ta dâng chính mình và các chi thể mình cho Chúa, thì sẽ có một kết quả khác là các chi thể của chúng ta trở nên khí giới và là nô lệ của sự công chính để chúng ta được tự do khỏi tội lỗi, không còn bị tội lỗi chủ trị mà đạt đến sự thánh hóa.
4) “Thầy tế lễ đem hết mọi phần xông nơi bàn thờ; ấy là của lễ thiêu, tức một của lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đức Giê-hô-va” (Lê-vi Ký 1:9).
Kết quả của việc dâng một của lễ thiêu trong Cựu Ước ấy là của lễ ấy thành ra tro trước mặt loài người, và trở nên hương thơm ngọt ngào cho Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta dâng mình như một của lễ thiêu sống động cho Chúa, và nếu chúng ta thật sự trung tín vì Ngài, chúng ta sẽ như tro trước mặt loài người và là hương thơm làm Đức Chúa Trời vui thích.
Witness Lee