Vì hội-thánh là một hội chúng được Đức Chúa Trời kêu gọi ra khỏi thế gian, nên hội-thánh cần nhóm họp thường xuyên. Các buổi nhóm cung ứng, làm cho vững vàng và hoàn hảo hội chúng mà Chúa đã kêu gọi ra khỏi, để mục đích sự kêu gọi của Chúa đối với hội chúng này được thành tựu.
I. QUY ĐỊNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
ĐỐI VỚI TÍN ĐỒ
ĐỐI VỚI TÍN ĐỒ
1) “Chớ bỏ sự nhóm lại” (Hê-bơ-rơ 10:25).
Việc chúng ta nhóm lại với nhau ở đây chỉ về các buổi nhóm của Cơ-đốc-nhân. Đức Chúa Trời đã ấn định phương cách nhờ đó mỗi sinh vật trong vũ trụ có thể tồn tại. Quy định của Đức Chúa Trời chính là quy luật theo đó một chủng loại cụ thể [có thể] sống. Nếu sinh vật nào tuân theo quy luật này, nó sẽ tồn tại và được ban phước. Đối với chúng ta là người đã tin nhận Đấng Christ, Đức Chúa Trời cũng đối xử như thế. Quy định của Đức Chúa Trời đối với chúng ta trở nên quy luật để được tồn tại và phước hạnh chính là các buổi nhóm. Giống như cá cần nước, chim cần không khí, Cơ-đốc-nhân cũng rất cần những buổi nhóm. Như cá phải sống trong nước và chim phải sinh hoạt trong không trung thì Cơ-đốc-nhân phải duy trì sự sống còn và sinh hoạt thuộc linh của họ bằng những buổi nhóm.
II. MỘT ĐÒI HỎI CỦA SỰ SỐNG THUỘC LINH
1) “... chiên... có một bầy” (Giăng 10:16).
Mỗi loại sự sống đều có đặc tính riêng của nó và thường thì có rất nhiều đặc tính. Sự sống thuộc linh mà tín đồ chúng ta đã nhận lãnh là sự sống của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta cũng có nhiều đặc tính. Thí dụ: gớm ghiếc tội lỗi và phân rẽ khỏi tội lỗi là những đặc tính của sự sống này. Cũng như ao ước được đến gần Chúa và vui lòng hầu việc Ngài là các đặc tính của sự sống ấy. Một trong những đặc tính của sự sống thuộc linh chúng ta là quây quần với nhau, nhóm họp cùng nhau. Giăng 10:3 và 16 bày tỏ cho chúng ta rằng vì chúng ta đã được cứu, chúng ta là chiên của Chúa. Đặc tính sự sống của con chiên là tụ tập lại thành bầy với nhau và không thích bị cách ly khỏi những con chiên khác. Do đó Kinh Thánh nói rằng chúng ta không những là chiên của Chúa mà hơn thế nữa là bầy của Ngài (Công 20:28, 1 Phi 5:2). Để trở nên một con chiên nhận lãnh được phước hạnh của bầy, chúng ta phải nhóm họp thường xuyên với bầy. Đặc tính “sự sống chiên” thuộc linh bên trong chúng ta đòi hỏi điều này nơi chúng ta.
III. TẦM QUAN TRỌNG CÁC BUỔI NHÓM
CỦA TÍN ĐỒ
CỦA TÍN ĐỒ
1) “Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh Ta nhóm họp, thì Ta ở giữa họ”(Ma-thi-ơ 18:20).
Ở đây, Chúa đặc biệt hứa rằng bất cứ nơi nào có hai ba người trong chúng ta là những người thuộc về Ngài được nhóm lại với nhau vào trong danh Ngài, ấy là nhóm trong danh Ngài, thì có Ngài ở giữa. Khi nhóm họp trong danh Ngài, chúng ta vui hưởng sự hiện diện của Ngài một cách đặc biệt. Chính sự hiện diện của Ngài chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta sự soi sáng, ân điển, sự cung ứng và nhiều ơn phước khác. Sự nhóm họp quí báu là dường nào! Điều ấy phước hạnh biết bao! Chúng ta chỉ có thể vui hưởng ơn phước sung mãn như thế bằng cách nhóm họp với nhau mà thôi.
2) “Chính giờ đó họ đứng dậy, trở về Giê-ru-sa-lem, gặp mười một sứ đồ đương nhóm lại với những người ở với mình,... Lúc họ đương nói những việc ấy, chính Giê-su đứng giữa họ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi” (Lu-ca 24:33-36).
Lời này thuật về hai môn đồ rời thành Giê-ru-sa-lem để đi đến Em-ma-út. Dọc đường, ngay khi họ khám phá chính Chúa hiện ra với mình thì Ngài biến mất khỏi họ. Lập tức họ trở về Giê-ru-sa-lem là nơi lẽ ra họ nên lưu lại ngay từ đầu. Khi đến nơi, họ thấy các sứ đồ cùng những người ở với họ đã nhóm họp lại và Chúa hiện ra giữa vòng họ. Những người này cùng với các sứ đồ và môn đồ khác đều vui hưởng sự hiện ra của Chúa cùng kinh nghiệm ơn phước về sự hiện diện của Chúa khi Ngài lại đến giữa vòng các môn đồ lần đầu tiên sau khi Ngài sống lại. Đây cũng là một bằng chứng nói lên tầm quan trọng của các buổi nhóm.
3) “Vào ngày lễ Ngũ-tuần, tất cả môn đồ nhóm lại một chỗ... hết thảy đều được đầy dẫy Thánh Linh” (Công-vụ 2:1-4).
Sau khi thăng thiên, Chúa Giê-su đã sai Thánh Linh đến. Thánh Linh tuôn đổ trên các môn đồ khi họ đang nhóm họp với nhau và họ được đầy dẫy Thánh Linh ở bên ngoài. Sự tuôn đổ Thánh Linh vào ngày lễ Ngũ-tuần không đến trên các môn đồ riêng lẻ nhưng đến trên các môn đồ nhóm họp chung với nhau. Bất cứ ai không tham dự buổi nhóm đó đều bị mất một ơn phước trước đây chưa từng có được đổ xuống từ trời. Một lần nữa, điều này cho thấy tầm quan trọng của các buổi nhóm.
4) “Cũng hãy nghĩ đến nhau để giục giã về tình thương yêu và việc lành, chớ bỏ sự nhóm lại... nhưng phải khuyên lơn lẫn nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy [tức ngày Chúa đến] hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy”(Hê-bơ-rơ 10:24-25).
Những gì đề cập đến ở đây cho chúng ta biết rằng các buổi nhóm có thể khiến chúng ta quan tâm đến nhau để giục giã về tình yêu thương và khuyên lơn lẫn nhau về việc lành. Điều này giúp chúng ta có một sự tương giao thuộc linh với các thánh đồ và nhận được sự sống cung ứng qua họ. Như vậy, chúng ta không nên bỏ qua các buổi nhóm và càng nhóm nhiều hơn khi thấy ngày Chúa trở lại đã gần. Sự sống Cơ-đốc của chúng ta không giống như sự sống loài bướm là loài sống riêng lẻ. Sự sống của chúng ta giống như sự sống của loài chiên, đòi hỏi chúng ta phải quây quần lại với nhau thành bầy và sống một đời sống nhóm họp. Do đó, chúng ta cần phải nhóm họp, và các buổi nhóm rất thiết yếu đối với chúng ta.
IV. CÁC LOẠI BUỔI NHÓM KHÁC NHAU
CỦA TÍN ĐỒ
CỦA TÍN ĐỒ
A. Buổi Nhóm Bẻ Bánh
1) “Ngày thứ nhất trong tuần lễ, chúng tôi nhóm lại để bẻ bánh...” (Công-vụ 20:7).
Bẻ bánh là ăn bữa tối của Chúa, nhớ đến Chúa đã chết vì chúng ta (1 Cô-rin-tô 11:20, 23-25). Đây phải là loại buổi nhóm thường xuyên đầu tiên của chúng ta tức những người đã được cứu chuộc bởi sự chết của Chúa. Xin xem hai bài học sau để rõ chi tiết.
B. Buổi Nhóm Cầu Nguyện
1) “Nếu hai người trong các ngươi đồng tâm hiệp ý ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha Ta ở trên trời sẽ làm việc ấy cho họ. Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh Ta nhóm họp...” (Ma-thi-ơ 18:19-20).
Ở đây Chúa đang nói đến sự cầu nguyện của một buổi nhóm. Loại cầu nguyện này có quyền năng hơn sự cầu nguyện cá nhân, có thể buộc trên đất những điều gì đã bị buộc trên trời và mở trên đất những gì đã được mở trên trời (Ma-thi-ơ 18:18).
2) “Hết thảy những người ấy, với mấy người đờn bà... đều đồng lòng hiệp ý, cứ bền đỗ mà cầu nguyện luôn” (Công-vụ 1:14).
Ở đây sự cầu nguyện trong một buổi nhóm lại được đề cập. Đây chính là sự cầu nguyện đã mang lại ơn phước về sự đổ ra của Thánh Linh trong ngày lễ Ngũ-tuần.
3) “Họ nghe vậy, thì đồng lòng hiệp ý cất tiếng lên cầu Đức Chúa Trời rằng... Khi đã cầu nguyện rồi, thì nơi nhóm lại rúng động; ai nấy đều được đầy dẫy Thánh Linh, giảng đạo Đức Chúa Trời cách dạn dĩ” (Công-vụ 4:24-31).
Lời Chúa ở đây nói đến những ngày khi các môn đồ bị bắt bớ, họ đã nhóm lại với nhau, đồng lòng hiệp ý mà cầu nguyện. Loại cầu nguyện này khiến họ được đầy dẫy Thánh Linh bên ngoài và rao giảng lời Chúa cách dạn dĩ.
4) “Hội-thánh thiết tha cầu nguyện Đức Chúa Trời cho người” (Công-vụ 12:5);“nhà Ma-ri,... là nơi có nhiều người nhóm lại cầu nguyện” (Công-vụ 12:12).
Vào ngày Phi-e-rơ bị giam trong ngục, hội-thánh đã cầu nguyện khẩn thiết cho ông, và một số đáng kể con cái Chúa đã nhóm lại tại nhà của một chị em để cầu nguyện cho ông cách đặc biệt. Lời cầu nguyện ấy đã làm Đức Chúa Trời thực hiện một phép lạ lớn mà giải cứu Phi-e-rơ ra khỏi ngục.
C. Buổi Nhóm Vận Dụng Các Ân Tứ Thuộc Linh
Và Gây Dựng Lẫn Nhau
Và Gây Dựng Lẫn Nhau
1) “Khi nhóm lại, thì mỗi người trong anh em, ai có hoặc thi ca, hoặc sự dạy dỗ, hoặc sự khải thị, hoặc tiếng lạ, hoặc thông dịch: hãy làm mọi sự cho được gây dựng” (1 Cô-rin-tô 14:26).
Buổi nhóm được đề cập đến ở đây là buổi nhóm để vận dụng các ân tứ thuộc linh và gây dựng lẫn nhau. Trong loại nhóm họp này, không có một người đặc biệt nào làm một việc gì đặc biệt, nhưng mọi người đều vận dụng những ân tứ thuộc linh: người thì có thi thiên, người có sự dạy dỗ, người có khải thị... Người làm điều này, kẻ làm điều kia... Mỗi người đều có thể góp phần vào mục đích xây dựng và gây dựng nhau.
D. Buổi Nhóm Đọc Lời Chúa
1) “... họ... nhóm họp hội chúng, và trao thơ [do các sứ đồ và trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem viết] cho. Khi đọc thơ rồi, thì chúng đều vui mừng vì được yên ủi”(Công-vụ 15:30-31).
Ở đây nói rằng, khi Phao-lô và các bạn đồng hành của ông đến thành An-ti-ốt, họ họp các thánh đồ lại để đọc thơ do các sứ đồ và các trưởng lão tại Giê-ru-sa-lem viết dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh. Vì vậy, thỉnh thoảng chúng ta cũng cần nhóm lại cùng nhau để đọc lời Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh.
E. Nhóm Họp Để Nghe Các Sứ Điệp
1) “Chúng tôi nhóm lại... Phao-lô giảng luận cho chúng, vì sắp đi ngày mai”(Công-vụ 20:7).
Vào ngày đó, các tín đồ ở Trô-ách nhóm lại với nhau để nghe Phao-lô giảng dạy về các điều thuộc linh của Đức Chúa Trời hầu cho ai nấy được gây dựng và vững lập. Vậy, thỉnh thoảng chúng ta cũng phải nhóm lại để nghe những sứ điệp thuộc linh được giảng ra bởi Chúa qua những người cung ứng lời [Chúa] để chúng ta cũng được gây dựng và vững lập.
V. CÁCH THỨC NHÓM HỌP
1) “Vì nơi nào... nhơn danh Ta nhóm họp, thì Ta ở giữa họ” (Ma-thi-ơ 18:20).
Điều quan trọng nhất trong sự nhóm họp của các tín đồ là nhóm lại vào trong danh Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta phải nhóm lại trong danh Chúa. Vì chúng ta thuộc về Chúa và được cứu rỗi bởi danh Ngài, nên chúng ta chỉ nên tụ họp lại vào trong danh Ngài và nhóm họp trong danh ấy. Chúng ta không được nhóm họp lại trong bất cứ danh nào khác hoặc danh của một cá nhân, của một tổ chức đoàn thể, của một hội truyền giáo, hay của một giáo phái.
2) “Và [1] hằng ngày họ [2] tiếp tục kiên trì [3] hiệp ý [4] [nhóm] trong đền thờ và bẻ bánh [5] từ nhà này qua nhà kia.” (Công-vụ 2:46, nguyên văn).
Câu Kinh Thánh này bày tỏ cho chúng ta biết rằng chúng ta nên: thứ nhất, nhóm họp hằng ngày; thứ hai, nhóm họp kiên trì và liên tục; thứ ba, nhóm họp trong sự đồng lòng hiệp ý; thứ tư, nhóm họp tại một nơi rộng lớn (đền thờ), và thứ năm, nhóm họp từ nhà này qua nhà kia, tức là nhóm họp tại mỗi gia đình.
3) “Cả hội-thánh nhóm lại” (1 Cô-rin-tô 14:23a).
Một mặt, hội-thánh nên nhóm họp thường xuyên tại nhà các tín đồ. Mặt khác, thỉnh thoảng cả hội-thánh cũng cần nhóm họp với nhau tại một địa điểm. Các buổi nhóm riêng thường xuyên tại nhà và các buổi nhóm chung tại một địa điểm được tổ chức theo nhu cầu, cả hai đều có ích lợi và hương vị riêng. Như vậy, hội-thánh phải thường xuyên có những buổi nhóm chia ra tại nhà và cũng nên nhóm họp chung tại một chỗ khi có nhu cầu.
Witness Lee