Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 5)


Viên đá thứ năm để xây dựng một hôn nhân bền lâu là lòng cam kết. Chữ ”cam kết” có nhiều ý nghĩa. Trước hết, cam kết là quyết tâm giữ vẹn lời hứa nguyện ban đầu, dù cho hoàn cảnh thay đổi và đời sống gặp nhiều khó khăn. Cam kết cũng có nghĩa là kiên trì chịu đựng, cố gắng vượt lên trên mọi khó khăn và thách thức trong đời sống để tiếp tục đi trọn con đường mình đã chọn. Cam kết cũng là dấn thân, sẵn sàng hy sinh chịu khổ để đeo đuổi mục tiêu cho đến cuối cùng. Trong hôn nhân, cam kết có nghĩa là dù hoàn cảnh thế nào đi nữa, vợ chồng quyết tâm giữ vẹn lời hứa, sống với nhau cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Một khi lấy cam kết làm nền tảng cho hôn nhân, vợ chồng sẽ có thể giúp nhau vượt qua mọi khó khăn, dị biệt để sống với nhau trọn đời.

Ngày nay lòng cam kết trong hôn nhân là điều bị coi nhẹ hơn cả. Ngày xưa các cụ ít khi nào nói đến hai chữ ly dị nhưng ngày nay ly dị là chuyện thường. Nhiều cặp vợ chồng, nhất là những vợ chồng trẻ, quan niệm rằng nếu hạnh phúc thì sống với nhau lâu dài còn không thì chia tay, mỗi người một ngả. Có người còn cho rằng bỏ nhau là thật sự yêu thương nhau và làm ơn cho nhau. Những người này nói rằng thà chia tay nhau tốt hơn là tiếp tục ràng buộc để làm khổ nhau nhiều hơn.
Ngày nay có những người lập gia đình nhưng không làm hôn thú để nếu phải đi đến ly dị sẽ đỡ rắc rối về mặt pháp lý và đỡ tốn kém. Chúng ta cũng thấy biết bao nhiêu văn phòng luật sư quảng cáo rằng họ sẽ giúp thân chủ lo việc ly dị mau chóng và ít tốn kém. Có khi người ta còn chỉ dẫn cho vợ chồng cách tự lo việc ly dị, không cần đến luật sư nữa. Không những thế, người ta cũng có những tấm thiệp in sẵn thật đẹp, như thiệp sinh nhật hay đám cưới, để chúng ta có thể mua khi cần báo tin vợ chồng mình đã ly dị.
Tất cả những điều đó cho thấy ly dị ngày nay không còn là chuyện nghiêm trọng nhưng chỉ là một sự lựa chọn bình thường của đời sống. Có lẽ trong cộng đồng người Việt chúng ta vợ chồng không để bỏ nhau nhiều như người Âu Mỹ, nhưng so với những thập niên trước, số những cặp vợ chồng ly dị nhau cũng rất cao. Không những thế, chúng ta có thể nói rằng 90% tất cả các cặp vợ chồng đều ít nhất có một lần nghĩ đến ly dị. Có vợ chồng chỉ thoáng nghĩ đến ly dị khi phiền giận nhau, có người thật sự muốn ly dị nhưng vì gia đình hai bên hoặc sợ dư luận nên đã không dám quyết định.

Nếu vợ chồng yêu thương nhau, tin cậy nhau, thành thật với nhau, nhưng thiếu lòng cam kết, khi gặp khó khăn hay có điều bất đồng ý kiến cũng vẫn muốn bỏ cuộc và nghĩ đến ly dị. Có những cặp vợ chồng cứ mỗi khi giận nhau thì dọa đưa nhau ra tòa ly dị. Nhiều khi dọa bằng lời nói không chưa đủ, còn đem giấy hôn thú ra xé trước mặt nhau. Có người chỉ xé làm hai hay làm tư thôi, để khi vợ chồng làm hòa có thể dán lại dễ dàng. Thật ra, có người làm như thế vì thấy mình đã cố gắng nhịn nhục hết sức mà gia đình vẫn không yên vui, người vợ người chồng của mình vẫn không thay đổi, do đó họ nghĩ rằng chỉ có ly dị là giải quyết tất cả. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ly dị không phải là phương cách để giải quyết những bất hòa giữa vợ chồng. Khi ly dị là chúng ta chạy trốn nan đề chứ không giải quyết nan đề. Không những thế, ly dị sẽ đem lại cho vợ chồng và con cái nhiều tổn thương trong đời sống, những tổn thương đó không bao giờ có thể bôi xóa được.
Trong hôn nhân, vợ và chồng kết hợp làm một. Sự kết hợp này không chỉ về phương diện thể xác nhưng cả trong tinh thần, tình cảm và nhiều phương diện khác. Vợ và chồng không chỉ sống chung với nhau nhưng là cùng chia xẻ với nhau một cuộc đời. Vì thế nếu tách rời nhau, cả hai đều bị sứt mẻ và tổn thương nhiều. Thánh Kinh dạy: ”Vợ chồng không phải là hai nữa nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hợp” (Ma-thi-ơ 19:6). Sự kết hợp giữa vợ chồng là một huyền nhiệm. Vì sự gắn bó nhiệm mầu và đặc biệt đó, khi hôn nhân chấm dứt hay đổ vỡ, nó sẽ để lại những vết hằn, những đau đớn sâu đậm trong chúng ta. Những người ly dị rồi lập gia đình lại cũng thường có khuynh hướng ly dị lần thứ hai, thứ ba, vì thiếu lòng cam kết trọn đời với người phối ngẫu.
Đặc tính chung của con người là mau quên và hay thay đổi. Khi hai người mới yêu nhau, thường thề non hẹn biển, nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ bỏ nhau và cũng không sống được nếu không lấy được nhau. Thế nhưng, sau khi sống với nhau một thời gian, thấy người bạn đời không có những ưu điểm như mình mong muốn, không đem lại những điều mình trông mong, hoặc thấy người đó có nhiều điều không thích hợp, chúng ta liền quên đi lời hứa nguyện. Có người lúc đó bắt đầu cảm thấy ân hận, hối tiếc và muốn thay vợ đổi chồng.
Theo Lời Chúa dạy, có hai điều chúng ta cần ghi nhớ để suy nghĩ cẩn thận trước khi bước vào hôn nhân.
(1) Hôn nhân là một quyết định nghiêm trọng, là quyết định cho cả cuộc đời
Khi đã lập gia đình với một người nào, chúng ta phải ràng buộc với người đó suốt đời. Kinh Thánh dạy: ”Chồng còn sống bao lâu thì vợ phải buộc chặt với chồng bấy lâu” (I Cô-rinh-tô 7:39). Có người nói, hôn nhân là con đường một chiều, khi đã bước vào con đường đó, chúng ta phải tiếp tục đi cho đến cuối cùng chứ không thể quay trở lại hay bước ra ngoài.
(2) Chúa không cho phép vợ chồng ly dị
Vợ chồng nào bỏ nhau không phải vì lý do ngoại tình, thì phạm tội tà dâm và tội ngoại tình. Chúa Cứu Thế phán: ”Vợ chồng không phải là hai nữa nhưng là một mà thôi. Vậy loài người không nên phân rẽ những người mà Đức Chúa Trời đã kết hợp... Nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm; và hễ ai cưới người bị để thì phạm tội ngoại tình” (Ma-thi-ơ 19:6,9).
Chữ cam kết trong hôn nhân còn có nghĩa là dù gì đi nữa, chúng ta cũng kiên nhẫn chịu đựng và bằng lòng chấp nhận người mình đã kết ước làm vợ chồng. Khi mới yêu nhau, chúng ta thường chỉ thấy cái hay cái đẹp của nhau. Nhưng sau khi chung sống một thời gian, chúng ta sẽ bắt đầu thấy những điều không đẹp và không hay của nhau. Đây là một thực tế không ai có thể tránh được, kể cả những người quen nhau lâu, yêu nhau nhiều và tìm hiểu nhau thật cặn kẽ.
Là con người, chúng ta ai cũng có ưu và khuyết điểm, và thường chỉ khi nào sống chung dưới một mái nhà, hết ngày này sang ngày khác, chúng ta mới khám phá ra những khuyết điểm đó. Ví dụ, có sống chung chúng ta mới thấy chồng hay vợ mình là người nóng tính, khó chịu, hay giận hoặc là nói nhiều, nói to, ích kỷ, tính toán, lười biếng, v.v... Có người thì khi còn trẻ dễ dãi nhưng càng lớn tuổi càng khó tính, không thể nào chiều được.
Nhiều cặp vợ chồng khi mới lấy nhau cả hai đều khoẻ mạnh nhưng sau đó người vợ hay người chồng cứ đau ốm luôn nên người kia đâm ra chán nản. Có người thì những năm đầu thành công, khá giả nhưng sau đó làm ăn thất bại và trở nên nghèo thiếu. Có người thì thương yêu nhau và có nhiều ước mơ cho gia đình của mình, nhưng sau năm bảy năm chung sống không có con nên sinh ra thất vọng, buồn nhau chán nhau và muốn bỏ nhau để lấy người khác. Trong những trường hợp đó, nếu quyết tâm giữ vẹn lời hứa nguyện với Chúa và với nhau, Chúa sẽ giúp chúng ta chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận nhau và giúp nhau sống vượt lên trên tất cả, để vợ chồng vẫn yêu thương nhau và gắn bó với nhau cho đến cuối cùng.
Chúng ta đều biết câu ”Muốn là được.” Nếu chúng ta quyết chí cam kết giữ vững hôn nhân của mình cho đến trọn cuộc đời, Chúa sẽ giúp chúng ta và không điều gì có thể phân rẽ chúng ta. Nhiều người khi bần hàn khó khăn cam kết sống đời với nhau nhưng đến khi thịnh vượng, khá giả thì thay đổi. Cũng có người khi ở Việt Nam thì thấy việc vợ chồng ở đời với nhau là chuyện dễ dàng nhưng khi đến xứ tự do thì thấy đây là chuyện cần phải xét lại. Có người còn nghĩ rằng sống suốt cả đời với một người là một thiệt thòi lớn lao.
Có những bà vợ, chồng đi học tập bao nhiêu năm cũng chờ đợi được, bao nhiêu cám dỗ cũng không lay chuyển, nhưng khi đến Mỹ, với đời sống mới nhiều tự do, nhiều cơ hội bay nhảy thì bắt đầu thay đổi, không muốn sống với người bạn đời ngày trước nữa. Có hai vợ chồng kia, suốt những năm xa nhau thư từ liên lạc với bao nhiêu thương nhớ. Cả hai đều trông chờ ngày đoàn tụ và nghĩ rằng khi đoàn tụ rồi sẽ không còn mơ ước gì nữa. Nhưng khi gặp lại nhau, hai người mới khám phá ra rằng sau những năm tháng kham khổ chồng chất, cả hai vợ chồng đều đã thay đổi quá nhiều. Và vì hoàn cảnh mới của xã hội, vì lối sống mới, hai người không chấp nhận nhau nữa nên cuối cùng đã đưa nhau ra tòa ly dị. Thật là điều đáng tiếc.
Nhiều khi sau một thời gian chung sống, chúng ta mới thấy vợ và chồng có những thói quen và sở thích khác nhau. Chẳng hạn như người này thích nghe nhạc, người kia thích yên lặng. Người thì việc gì cũng từ từ mới làm, có khi để cả tháng vẫn chưa nhúc nhích, người thì chưa nói đã làm hoặc nói là phải làm ngay. Có khi người chồng thích thức khuya làm việc, người vợ không thể thức khuya nhưng phải dậy sớm mới làm việc được, v.v... Dù vợ chồng yêu thương nhau nhiều, những khác biệt đó cũng có thể đưa đến xung đột hoặc bất đồng ý kiến. Nếu hai người xây dựng gia đình trên sự cam kết, khi gặp những khác biệt đó sẽ không thất vọng nhưng bằng lòng chấp nhận nhau và cố gắng dung hòa thế nào để đời sống chung vẫn vui vẻ và hạnh phúc.
Trong đời sống vợ chồng, chấp nhận nhau là điều rất cần thiết. Chúng ta không chỉ chấp nhận ưu điểm nhưng cũng chấp nhận khuyết điểm của nhau. Khi chấp nhận chúng ta sẽ không bực bội, thất vọng, không tìm cách thay đổi người bạn đời của mình, cũng không chê cười hay khinh khi người đó. Có một bà vợ kia, khi thấy chồng không thể làm những việc cần thiết để chăm sóc và sửa chữa nhà cửa thì xem thường chồng. Bà nói xa nói gần, khen người khác trước mặt chồng và than là mình kém may mắn. Phản ứng của bà vợ này đã không giúp ông chồng trở nên giỏi hơn hay siêng năng hơn, nhưng trái lại càng khiến ông bực bội. Dần dần ông không làm gì cả và tình trạng trong gia đình càng tệ hơn trước nữa.
Vợ chồng cần phải cam kết với nhau, trước sau như một, chấp nhận ưu điểm cũng như khuyết điểm của nhau. Nếu thấy vợ hay chồng mình có những tật xấu hay thói xấu nào đó, chúng ta không nên chê hay sửa một cách thiếu tế nhị. Trái lại, nên dùng lời lẽ dịu dàng và khôn ngoan nhắc nhở, đồng thời âm thầm cầu nguyện cho người đó. Chúa sẽ đoái nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa Thánh Linh sẽ làm việc trong lòng người đó, sẽ thay đổi và khiến người đó trở nên tốt đẹp hơn.
Để có thể sống với nhau suốt đời, chúng ta không những cần chấp nhận nhau nhưng cũng phải thỏa lòng với người mà mình đã kết hợp. Nếu không thỏa lòng về người vợ hay người chồng của mình, chúng ta sẽ cảm thấy hối tiếc, ân hận hay mơ ước và so sánh với người khác. Sự không thỏa lòng sẽ như những con mối nhỏ đục khoét hôn nhân của chúng ta, có thể đưa đến rạn nứt và đổ vỡ. Thánh Kinh dạy: ”Sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn” (I Ti-mô-thê 1:6). Nguyên tắc này không những đúng trong phương diện vật chất nhưng cũng thật đúng trong phương diện tình cảm. Khi vợ chồng yêu thương nhau, chấp nhận nhau và thỏa lòng sống với nhau, chúng ta không mơ ước điều gì khác nhưng sẽ hết lòng mang hạnh phúc đến cho nhau. Nếu gặp cám dỗ hay hoạn nạn, chúng ta sẽ có thể giúp nhau vượt qua tất cả để giữ lòng chung thủy với nhau đến cuối cuộc đời.
Lòng cam kết trong hôn nhân không những có nghĩa là quyết tâm chịu đựng mọi khó khăn gian khổ để đi chung đường với nhau trọn cuộc đời, nhưng cũng có nghĩa là cam kết tận dụng mọi thì giờ, khả năng và cơ hội để gây dựng cho hôn nhân của mình được tốt đẹp. Một người có lòng cam kết đối với người phối ngẫu không những không bao giờ nghĩ đến chuyện để bỏ nhau, nhưng cũng không xem điều gì hay người nào khác quan trọng hơn người bạn đời của mình. Chúng ta không nên xem công việc hay bạn bè quan trọng hơn vợ hay chồng mình, cũng không thể xem con cái hay cha mẹ quan trọng hơn người phối ngẫu. Đừng bao giờ vì con cái, cha mẹ hay bất cứ một người nào mà nói hay làm những điều gây tổn thương và đau buồn cho vợ hay chồng mình. Đó là người có lòng cam kết. Sự cam kết đó là một viên đá quan trọng giữ cho gia đình chúng ta được hạnh phúc.
Minh Nguyên