Phong cưới vợ
diện “nhà mặt phố, bố làm to, khỏi lo mười năm phấn đấu”, bạn bè bảo Phong “ấm
thân”, mẹ Phong ở quê cũng không giấu được tự hào với láng giềng vì có con dâu
người Sài Gòn, nhưng chưa chắc...
“Va đập” lối sống
Phong cũng lường trước
sẽ rất khó khăn nếu làm phận “chó chui gầm chạn”, nên nhất quyết đòi ở riêng
sau khi cưới. Vợ hắn bảo, nhà rộng không ở, ra ngoài sống kiếp ở trọ sao? “Anh
chỉ xin em một điều duy nhất, cách gì thì cách, anh với em nhất quyết phải ở
riêng, còn lại, anh chiều em tất”. Vậy là Phong được toại nguyện, lại còn được
nhà vợ ứng tiền cho mượn để mua một căn nhà nhỏ.
Mới cưới được vài
tháng, gặp bạn bè thân hữu, Phong nốc rượu ừng ực rồi kể: “Vợ kiểu gì lại nói
với chồng “anh là đồ nhà quê, hết sống nổi với anh. Tôi đã sai lầm khi lấy
anh”. Chịu được không?”. Bạn bè ngơ ngác, cố khuyên: “Vợ xúc phạm chồng ấy à?
Bình thường thôi, ông phải làm quen với việc đó mới giữ được gia đình. Tụi tui
bị hoài chứ gì”. Phong lắc đầu: “Không phải mình không biết nhịn, nhưng không
đủ
sức nhịn”.
Kể ra, toàn chuyện
vặt. Vụ nghe buồn cười nhất là những đêm đầu tiên, vợ ngửi mùi chồng, hỏi:
“Người anh có mùi gì tanh tanh thế nhỉ?”. “Anh tắm rồi mà”. “Anh tắm không kỹ,
ra tắm lại đi”. “Em vừa phải thôi, em tưởng mình là gì mà dám nói người khác
tanh?”. Vậy là giận nhau. Vụ tắm táp chưa giải quyết xong lại đến vụ đánh răng.
Nào là phải đánh răng ngay sau bữa ăn, đánh răng trước khi ngủ và lại cả đánh
răng khi ngủ dậy. Phong nhựa giọng: “Tôi hỏi các ông, đánh gì mà đánh lắm thế?
Chỉ việc đánh răng là thấy hết ngày”. Lý luận kiểu "tỉnh lẻ" của
Phong là vậy nên những đêm chè chén, kết hợp thêm mùi bia rượu mà lại không
chịu đánh răng, Phong bị đạp xuống giường liên tục.
“Trời không chịu đất
thì đất chịu trời”, cuối cùng rồi Phong cũng phải phấn đấu… đánh răng đều hơn,
tắm táp đúng “chế độ thành phố”. Thế nhưng, lại phát sinh cái vụ thói quen ăn uống.
Lãnh lương, Phong hí hửng dắt vợ vô nhà hàng sang. Chưa kịp thưởng thức hết món
đầu tiên, vợ đã cạnh khóe: “Trong cuốn sách Những thói xấu của người Việt, thói
xấu đầu tiên mà người ngoại quốc dễ thấy nhất là nhai không ngậm miệng đó anh”.
Phong nổi điên ngay lập tức: “Sách đó có dạy, người Việt có thói xấu là thiếu
tế nhị, phê phán người khác chỗ đông người không?”. Vậy là kết thúc bữa ăn.
Sau này, Phong còn
được vợ tập huấn nhiều “kỹ năng sống” khác như: không được vừa nhai vừa nói,
không nhúng đũa vào tô canh, không được hướng vá múc canh về phía có người ngồi
vì như thế sẽ ngầm ám chỉ người ấy phàm ăn, không được chạm trước vào món mới
mà phải nhường cho người lớn… Việc kính thưa các loại “không được”, khiến Phong
như đứa trẻ lên ba, phải tập tành đủ mọi thứ. Có lúc, Phong hỏi vợ: “Em đơn
giản hơn một chút được không? Sao cứ phải làm khổ nhau vậy?”. Vợ anh ráo hoảnh:
“Cái gì văn minh thì phải học. Anh cứ tự hào về hương đồng cỏ nội thì mãi cũng
chẳng khá được đâu”. Phong nghe mà như nhai phải… sạn.
Được cái, người quê có
cái vốn lớn là sự chịu đựng bền bỉ, rồi Phong cũng nhanh chóng lướt qua những
“va đập” về văn hóa “người quê, kẻ phố” ấy. Khi cuộc hôn nhân trúc trắc của
Phong qua được ba năm, cũng đã có đứa con trai kháu khỉnh hai tuổi, thì lại phát
sinh rắc rối, nghiêm trọng đến mức gặp lại bạn bè, Phong không cần nốc rượu cho
say như những lần trước, đã thổ lộ: “Hết rồi”, và không kể gì thêm! Nhiều năm
chơi với nhau, chưa bao giờ thấy Phong như vậy. Rượu tàn, hắn mới chịu nhả ra
vài câu: “Sau này em sẽ khuyên con trai em đừng lấy vợ thành phố. Lấy vợ thành
phố chỉ có khổ, họ quen ăn sung mặc sướng, nên không được rèn sự chịu đựng, gặp
một chút khó khăn là thấy như trời sập, kiểu “công chúa phải gai mùng tơi”.
Việc nhà, việc chăm sóc con cái đều thuê người làm, nên chẳng có chất làm vợ,
làm mẹ gì cả…”.
Có vẻ chuyện của Phong
“hết” thật. Vừa rồi giận vợ, hắn ôm con về quê, tuyên bố: “Vợ phải về quê xin
lỗi thì may ra mới có thể cứu vãn”!
Lùi để gặp
Với cách nghĩ của
Phong, chẳng lẽ cứ lấy “tiểu thư” là “thảm họa”? Không thể vơ đũa cả nắm, nhưng
có một thực tế, người phụ nữ lớn lên trong gia đình đầy đủ về vật chất dễ có
những đặc điểm mà đàn ông rất… ngại khi lấy làm vợ.
Các “tiểu thư” thường
có quán tính “mình được người khác phục vụ” nên khó rèn luyện được phẩm chất hy
sinh vì người khác. “Cô chủ” cũng có điều kiện học cao, năng động và dĩ nhiên
hình thành thói quen tự chủ, mình không cần cậy nhờ ai và cũng thấy phiền khi
người khác cậy nhờ mình. Với những yếu tố đó, cái tôi của họ dễ được bồi đắp
cao ngất.
Hầu như ai cũng biết,
trong hôn nhân, nếu người vợ không biết nhường nhịn, không quen hy sinh, thì
thật khó duy trì quan hệ vợ chồng. Ở những đôi vợ chồng hạnh phúc, người ta
thường thấy người vợ hy sinh tận tụy vì chồng con và người chồng ghi nhận sâu
sắc sự hy sinh của vợ để sống có trách nhiệm hơn, bù đắp nhiều hơn cho vợ, chứ
khó tìm được một đôi vợ chồng hạnh phúc kiểu “quyền lợi và nghĩa vụ như nhau,
đảm bảo tối thượng tự do cá nhân, mỗi người tự lo cho mình”. Đó là chưa kể,
thiên chức làm mẹ khiến người vợ phải chấp nhận sự thiệt thòi về mình trong
mang nặng đẻ đau và nuôi dạy con cái.
Một “tiểu thư” cũng ít
gặp khó khăn trong cuộc sống, nên sức chịu đựng không bền bỉ. Khi lập gia đình
riêng với người chồng có gia cảnh khó khăn, chiếc “mặt nạ tình yêu” mơ mộng rơi
xuống, hiển hiện trước mắt là đủ mọi khó khăn về mặt kinh tế, về việc thiết lập
các mối quan hệ trong gia đình, nuôi dạy con cái… khiến nàng vốn chưa có “sức
đề kháng với cái khổ”, dễ thấy trước mắt mình là “địa ngục” và nhanh chóng kết
luận mình “lấy nhầm người”.
Ngoài ra, vợ “tiểu
thư” và chồng quê còn khó hòa hợp trong văn hóa, lối sống, như trường hợp của
Phong. Cách sống “hồn nhiên” của người quê dễ chỏi với cách sống cầu kỳ của
người giàu có ở phố.
Bạn bè hỏi Phong, anh
không lường trước được sự khác biệt khó san bằng khi lấy cô “tiểu thư” làm vợ
sao? Phong chua chát: “Cứ nghĩ lấy nhau về sẽ tự điều chỉnh từ từ, đâu ngờ mọi
thứ khó khăn đến như vậy. Mình nghĩ kỹ rồi, phải chia tay thôi, vợ có cái tôi
cao ngất, mà mình cũng chẳng việc gì phải đánh mất bản thân, thì đành chịu
thôi”.
Nga - một bạn học của
Phong - dẫn ra trường hợp tương tự như vợ chồng Phong nhưng vẫn hạnh phúc:
“Tuấn là dân tỉnh lẻ, nhà rất nghèo, lấy Trầm, cũng là “tiểu thư” một đại gia
ngành gỗ. Tuấn thừa nhận, lấy vợ không môn đăng hộ đối thì phải nỗ lực gấp
nhiều lần so với trường hợp bình thường. Anh thay đổi cách sống rất nhiều, lại
phải phấn đấu trong sự nghiệp để chứng tỏ được rằng, mình là con nhà nghèo
nhưng vẫn có thể tự làm giàu. Đến giờ, Trầm vẫn là người vợ đỏng đảnh, hay nũng
nịu và bắt chồng chiều chuộng, nhưng được cái là Trầm biết tôn trọng chồng, cư
xử tế nhị, không bao giờ phát ngôn kiểu “anh là đồ nhà quê”. Cô cũng không vội
bắt chồng phải ngay lập tức “biến” từ anh chàng quê thành người thành thị, mà
kiên nhẫn giúp chồng làm quen dần với kiểu sống thành thị”.
Phong nghe chuyện, lắc
đầu, bảo: “Với cách này thì cả hai phải cùng trổ bớt cái tôi của mình. Nếu chỉ
mình tôi chịu làm mà vợ tôi vẫn khư khư giữ nguyên thì càng… chênh hơn”. Hóa
ra, trong hôn nhân, điều cơ bản mà mọi người cần lưu ý: dành thời gian để chọn
một người vợ hợp với mình sẽ thiết thực hơn nhiều so với việc cứ cưới đại về
rồi bắt đầu dành thời gian để điều chỉnh nhau.
Trần Văn