Câu chuyện của Abdul Saleeb và điều anh đã khám
phá về Hồi Giáo và Cơ đốc giáo
Tên tôi là “Abdul Saleeb.” Tôi sinh ra và lớn lên tại một đất nước Hồi Giáo ở Trung Đông. Mặc dù sống trong một xã hội Hồi giáo rất bảo thủ, tôi lớn lên trong một gia đình Hồi giáo khá tự do. Hơn nữa, sự dạy dỗ về Hồi giáo tôi nhận được đặc biệt còn do mẹ tôi nghiêm túc tham gia vào phái Hồi giáo Sufism. Do đó, tôi có thể thành thật tuyên bố là tôi có kinh nghiệm trực tiếp về mọi khía cạnh của những phong trào Hồi giáo hiện đại. Cá nhân tôi không nghĩ mình là người thật sùng đạo. Thậm chí có lúc tôi đã đến với tư duy của chủ nghĩa Mác-xít vì nghĩ rằng những điều đó có thể cung cấp những giải pháp thật sự cho những vấn nạn xã hội tại đất nước tôi. Tuy nhiên, qua suốt thời gian đó tôi chưa bao giờ nghi ngờ những nền tảng trong niềm tin tôn giáo của mình.
Tôi nghĩ về Hồi giáo như một niềm tin có những lý tưởng cao cả đến mức tôi không coi mình xứng đáng mang danh người Hồi giáo, nhưng tôi thành tâm tin rằng Hồi giáo là tôn giáo cuối cùng và hoàn hảo nhất của Thượng Đế cho toàn bộ nhân loại, dựa trên mạc khải cuối cùng của Chúa Trời, là Kinh Cô-ran, và tiên tri Mu-ha-mét, dấu niêm phong của Chúa Trời cho giới tiên tri. Quan điểm của tôi về các tôn giáo khác (đặc biệt là Do Thái giáo và Cơ đốc giáo) là mặc dù tất cả đều căn bản giống nhau vì đều do một Chúa Trời mạc khải, những tôn giáo này thấp hơn Hồi giáo vì tất cả đều có sứ điệp nguyên thủy của các tiên tri sáng lập bóp méo ở mức độ khác nhau, điều mà chúng tôi, là những người Hồi giáo, không làm.
Những quan điểm về tôn giáo của tôi đã bị thách thức nghiêm trọng khi tôi từ giã đất nước của mình do những rối loạn xã hội của nó và chuyển đến Châu Âu để tiếp tục học tập. Nhờ sự xếp đặt của Chúa Trời và vì những hoàn cảnh khác nhau, cuối cùng tôi nhập học vào một Trường Cơ Đốc Quốc Tế.
Một câu hỏi mà có lần tôi hỏi người giáo viên của mình đã làm cách mạng thế giới quan của tôi. Tôi hỏi: “Tại sao lời Thượng Đế của các thầy nói một đằng còn lời Thượng Đế của chúng em lại nói một điều khác?” Người giáo viên của tôi, không hề biết nhiều về Hồi giáo, đã nhẹ nhàng hỏi lại: “Làm sao mà em biết rằng Cô-ran là lời của Thượng Đế?” Câu trả lời đó khiến tôi lùi lại. Tôi đã sống trong một thế giới mà tại đó mọi người đều đơn giản công nhận rằng Cô-ran là lời không bị xuyên tạc của Thượng Đế cho tiên tri Mu-ha-mét và không có ai đặt câu hỏi về giả định đó bao giờ. Cuộc đối đầu ngắn ngủi đó đã buộc tôi phải bắt đầu bước vào một hành trình, kéo những người bạn Cơ đốc của tôi vào hàng giờ thảo luận chân thành và tranh luận về tính chân lý của niềm tin Cơ đốc.
Cơ đốc giáo và Hồi giáo
Cũng giống như hầu hết người Hồi giáo khác, phản ứng đầu tiên của tôi trước những tuyên bố của Cơ đốc giáo về Jêsus Christ là hoàn toàn bị sốc. Những tuyên bố đó không chỉ có vẻ giống một lời phạm thượng rõ ràng mà còn khá vô nghĩa. Làm sao mà một sinh vật có lý trí nào lại có thể tin vào những điều như vậy về một vị tiên tri đáng tôn trọng của Chúa Trời? Bất chấp những khác biệt thần học căn bản với những người bạn, có một điều gì đó trong cuộc sống và đức tin của họ khiến tôi vô cùng ấn tượng. Trong mối quan hệ của họ với Thượng Đế và với người khác có sự chân thật mà tôi chưa từng gặp. Do đó, tôi thường nói với họ rằng tôi không muốn phủ nhận đức tin của họ nhưng tôi chỉ muốn tìm thấy một sự thỏa hiệp nào đó, để tôi có thể giữ lấy chân lý của Hồi giáo và họ có thể tiếp tục giữ lấy đức tin của họ.
Tuy vậy, tôi không nghi ngờ rằng niềm tin của họ về Chúa Jêsus là dựa trên những tuyên bố mà tiên tri Jêsus chưa bao giờ thực sự tuyên bố về mình. Sự khó hiểu của tôi đối với niềm tin Cơ đốc thường là ở những điểm đã phân chia Hồi giáo khỏi Cơ đốc giáo về mặt lịch sử.
Tôi không hề chấp nhận rằng Kinh thánh, đặc biệt là các tài liệu Tân Ứơc, là đáng tin cậy khi đề cập đến những lời của Đấng Christ. Bất kỳ điều gì trong Kinh thánh mâu thuẫn với Cô-ran đều nghiễm nhiên bị khước từ như là một sự dạy dỗ sai lạc trong Kinh thánh.
Hành trình tâm linh của tôi diễn ra trong vài tháng. Có lúc tôi tìm thấy sự an ủi trong Cô-ran, nhưng tôi đối diện với nhiều câu hỏi trong cuốn sách đó hơn là lời giải đáp. Ví dụ, giọng điệu bạo lực của nhiều đoạn kinh Cô-ran (đặc biệt chống lại những người vô tín nhưng còn chống lại người Do thái và người Cơ đốc) bắt đầu quấy rầy tôi, khi so sánh với sự nhấn mạnh về tình yêu thương trong Tân Ứơc. Một đoạn cụ thể khiến tôi phiền lòng, nhất là trong ánh sáng của tình bạn tốt đẹp với nhiều Cơ đốc nhân, là ở trong kinh Sura 5:51.
“Này, hỡi ngươi là kẻ tin! Đừng coi người Do Thái và người Cơ đốc là bạn bè hoặc người bảo vệ ngươi; chúng chỉ là bạn bè và người bảo vệ của nhau mà thôi. Và kẻ nào trong các ngươi mà đến với chúng (để kết bạn) thì là người của chúng. Thượng Đế chắc chắn không dẫn dắt một dân không không bình.”
Tuy nhiên, phần phiền toái nhất trong Kinh Côran có liên quan đến tính cách của chính tiên tri Mu-ha-mét. Theo Sura 33:37, Thượng Đế chấp thuận ước muốn của Mu-ha-mét cưới người vợ đã ly dị của chính con ghẻ của ông ta: “để cho (trong tương lai) sẽ không có sự khó khăn nào cho những tín đồ trong (vấn đề) hôn nhân cùng với vợ của những con trai nuôi của mình, khi những người con trai này đã phá bỏ (thủ tục) (hôn nhân) cần thiết với họ. Và mạng lệnh của Thượng Đế phải được hoàn thành.”
Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên tôi gặp câu đó khi nghiên cứu Cô-ran. Tôi bắt đầu khóc vì hối tiếc và xấu hổ. Cả đời tôi người ta đã nói với tôi rằng Mu-ha-mét là một tấm gương đạo đức hoàn hảo và lý tưởng nhất cho nhân loại, vậy mà Côran có khá nhiều những ví dụ về những “mạc khải” chỉ nhằm phục vụ cho chính vị tiên tri này đến vậy!
Cơ đốc giáo hay Hồi giáo
Lập tức tôi viết một lá thứ cho mẹ ở quê trình bày một số câu hỏi mà tôi đã gặp phải này. Hồi âm mà tôi nhận được cho lá thư của tôi từ một trong những người lãnh đạo tôn giáo nổi bật nhất tại nước tôi là tôi cần phải tiếp tục việc học tập của mình và đừng tập trung quá nhiều vào tôn giáo. Mặt khác, khi sự hiểu biết của tôi về Kinh thánh tăng lên, nhiều câu hỏi của tôi bắt đầu có lời đáp. Mặc dù là một người Hồi giáo, tôi đã đi đến niềm tin rằng sự đóng đinh của Đấng Christ là một sự kiện lịch sử không thể chối cãi mà không có một con người trung thực nào khi làm việc với những bằng chứng của lịch sử có thể phủ nhận.
Tính cách của chính Đấng Christ, ví dụ như được thể hiện trong bài giảng tuyệt vời của Ngài trên núi, dần dà tạo ấn tượng hết sức mạnh mẽ trên tôi. Nhưng đối với tôi yếu tố ấn tượng nhất về Đấng Christ là rất nhiều những lời tiên tri Cựu Ứơc về sự đến của Đấng Mê-si. Một số những lời tiên tri này rất cụ thể và đã được ứng nghiệm trong cuộc đời của Chúa Jêsus ở mức độ chi tiết đến mức khiến tôi kinh ngạc khi thấy Đức Chúa Trời đã dùng hàng trăm năm trong lịch sử Do Thái để chuẩn bị cho sự đến của Đấng Mê-si; những lời tiên tri từ tổ phụ của Đấng Mê-si, tính cách và địa điểm Ngài ra đời, cuộc đời và chức vụ của Ngài, đến những hoàn cảnh xung quanh cái chết của Ngài trên thập tự giá. Tôi đã bị Đấng Christ cuốn hút nhưng tôi vẫn không thể khước từ truyền thống và quá khứ của chính mình. Trở thành Cơ đốc nhân có vẻ như là một sự phản bội rõ ràng chống lại gia đình và di sản Hồi giáo của tôi. Cuộc sống tôi trở nên căng thẳng đến mức tôi cảm thấy mình bị xé đôi do sự rằng co giữa hai niềm tin này.
Tuy nhiên tôi vẫn không thể tiếp nhận một điều gì khác hơn ngoài việc Chúa Jêsus là một con người. Bởi vì Ngài không bao giờ nói tỏ tường rằng: “Ta là Thượng Đế và ngươi phải thờ phượng Ta”, sự tuyên bố của các Cơ đốc nhân về Chúa Jêsus dựa trên sự phỏng đoán và các sách Phúc âm không đáng tin cậy về lịch sử. Chắc chắn là những tuyên bố kỳ lạ về Chúa Jêsus là do những Cơ đốc nhân về sau nghĩ ra rồi đặt vào miệng của Chúa Jêsus.
Một người Hồi Giáo cải đạo
Trong giữa tất cả những băn khoăn tư tưởng này, một buổi sáng tôi tỉnh dậy và bất ngờ choáng váng trước ý nghĩa của câu Kinh thánh do tiên tri Ê-sai viết trong chương chín. Tôi đã đọc câu này vài tuần trước buổi sáng hôm đó, nhưng tôi chưa hiểu ý nghĩa của nó. Trong Ê-sai 7:14 có chép:
"Vậy nên, chính Chúa sẽ ban một điềm cho các ngươi: nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên."
Và sau đó Ê-sai tiếp tục viết trong chương 9:
“[...] nhưng trong kỳ sau Ngài (Đức Chúa Trời) đã làm cho đất gần mé biển, tức là nơi bên kia sông Giô-đanh, trong xứ Ga-li-lê của dân ngoại, được vinh hiển. Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết. [...] Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an. Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài [...] từ nay cho đến đời đời.”
Tôi không thể tin nổi điều đó! Sự kiện Đấng Mê-si không chỉ là một tiên tri nhưng còn chính là Đức Chúa Trời Toàn Năng như vậy là một sự thật đã được tiên tri 700 năm trước Đấng Christ trong Kinh Cựu Ứơc, và đó không phải là một điều gì đó do các Cơ đốc nhân dựng lên sau nhiều năm hoặc nhiều thế kỷ sau Đấng Christ! Đây là lời hứa của chính Đức Chúa Trời rằng Ngài sẽ đến trong xác thịt (Ê-ma-nu-ên – Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta) và sẽ thiết lập một vương quốc sẽ tồn tại muôn đời.
Ngày hôm sau, 20 Tháng Giêng, 1985, tôi đã đặt lòng tin tưởng vào Đấng Christ. Tôi khóc không kìm lại được khi cầu nguyện và đến với Đấng Christ trong đức tin. Tôi chẳng biết tại sao, và mặc dù tôi chưa bao giờ bị mặc cảm tội lỗi, tôi cảm nhận một cảm giác bình an và nhẹ nhàng khỏi gánh nặng tội lỗi. Một sự thỏa mãn hơn là cảm giác được an nghỉ khi cuối cùng đã tìm ra lẽ thật về Đức Chúa Trời và sự bày tỏ của Ngài cho loài người trong Đức Chúa Jêsus Christ. Một cuốn sách đã giúp tôi (và một số người bạn Hồi giáo khác của tôi cũng đã trở thành Cơ đốc nhân khoảng cùng thời với tôi) thật nhiều cho những câu hỏi của tôi về thần tính của Đấng Christ và độ tin cậy của các tài liệu Tân Ứơc là cuốn sách của Josh McDowell “Bằng chứng đòi hỏi phán quyết”. Tôi khuyên bạn rất nên đọc cuốn ấy.
Không lâu sau khi cải đạo, tôi quyết định dâng toàn bộ đời sống mình để rao truyền Tin Lành của Đấng Christ giữa những người Hồi giáo và đặc biệt là những người ở đất nước tôi. Sau này tôi đến Mỹ và nhận bằng đại học và bằng sau đại học về Nghiên Cứu Kinh Thánh và Thần Học. Tôi còn là đồng tác giả của một cuốn sách có tên Trả lời cho Hồi giáo: Đạo Hồi trong ánh sáng của Thập tự giá.
Abdul Saleeb, Tháng Ramadan of 1996.