Những bà vợ
kỳ vọng vào hôn nhân lãng mạn, sau đám cưới sẽ cảm giác như mình “bị lừa”.
Nhiều người vợ còn “phát điên” khi đối diện với nỗi lo lắng tiền bạc, với đống
bát rếch, với tiếng con khóc mè nheo...
Từ khi mới gặp nhau, Ngọc Quyên và Đức Minh đã choáng ngợp trong
tiếng sét ái tình. Những kỷ niệm lãng mạn chật ứ trong gia tài tình yêu của hai
người. Đây là chiếc khăn len màu xanh mà Quyên đã hì hụi thức đêm cả tuần để
kịp tặng chàng vào ngày Valentine, vỏ hộp ô mai mà chàng đã lặn lội từ đầu
thành phố đến cuối thành phố tặng nàng giữa đêm.
Nàng yêu hoa nên chàng đã dậy từ 4h sáng để cùng nàng lang thang
lên chợ hoa Quảng Bá rồi lên Hồ Tây để chụp hoa sen. Chàng thích bóng đá nên
đến kỳ World Cup, nàng thức đêm cùng chàng hò hét, xen giữa những hiệp nghỉ là
bát mì tôm ấm nóng, sực mùi hạnh phúc. Cả những clip ghi hình chàng vừa đàn vừa
hát tặng nàng… Chàng và nàng hứa hẹn với nhau khi về chung sống, hàng tuần sẽ
cùng nhau đi ăn, xem phim, duy trì một cuộc sống tràn đầy lãng mạn và yêu
thương.
Nhưng phép màu đã không xảy ra. Mới cưới nhau về được hơn 1 năm,
Ngọc Quyên đã sốc vì người chồng lúc nào cũng về nhà khi thành phố lên đèn,
miệng sặc mùi bia, vừa đi vừa cởi giày, quần áo quẳng lung tung, rồi đặt phịch
tấm thân mệt mỏi lên ghế sôpha, ôm lấy cái điều khiển ti vi. Mỗi lần Quyên rủ
chồng ra ngòai xem phim thì anh lại phẩy tay: “Ti vi gần 70 kênh, em muốn xem
phim gì chả được”.
Ngày Valentine, ngày mùng 8.3, Minh chỉ “dúi” vào tay vợ một bông
hoa hồng đút trong túi bóng kính cho qua chuyện. “Tôi thấy mình như đồ vật
trong nhà, anh ấy cưới xong rồi dẹp vào một xó vậy” – Quyên phẫn uất.
Còn Minh không thể hiểu nổi tại sao, cô gái dịu dàng, ngọt ngào
ngày nào biến thành một “mụ” lắm lời, hay đòi hỏi, hờn dỗi. “Cô ấy đòi tôi về
nhà sớm, tôi về sớm thì cô ấy lại bảo “dính lấy cái ti vi, chẳng được tích sự
gì”. Lo cơm áo còn mướt mồ hôi, mệt rũ, làm sao mà lãng mạn, bay bổng mãi được”
- Minh càu nhàu.
vì tình yêu
“Hôn nhân không phải cái nôi nuôi dưỡng tình yêu. Mục đích của
hôn nhân là thực hiện các nghĩa vụ của con người. Đời sống gia đình là một quá
trình lao động vất vả chứ không lãng mạn như tình yêu. Vì thế có một tình yêu
lớn chưa chắc bạn đã có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền vững” (Willard F
Harley – chuyên gia tâm lý Mỹ)
Giống như Ngọc Quyên, những bà vợ kỳ vọng vào hôn nhân lãng mạn,
sau đám cưới sẽ cảm giác như mình “bị lừa”. Nhiều người vợ còn “phát điên” khi
đối diện với nỗi lo lắng tiền bạc, với đống bát rếch, với tiếng con khóc mè
nheo hay đám tã lót bẩn thỉu.
Ngay cả những người đàn ông luôn hy vọng vợ mình sẽ mãi “xinh
đẹp và dịu dàng” cũng sẽ “ngã bổ chửng” khi đến ngày gặp “bà bổi” quần áo xộc
xệch, đầu óc rối bù và bốc mùi “khó tả” khi mùi sữa và nước đái trẻ quyện vào
nhau. Và bỗng nhiên, họ lắm lời, chua ngoa, hay đòi hỏi một cách vô lối. Đó là
bởi vì đàn ông có thể trốn việc nhà trong các quán nhậu. Đàn bà chỉ có thể trốn
sự mệt mỏi vào lời cay độc.
Năm 1999, Cindy Heizen (trường ĐH Kornella, Mỹ) đã giáng một “cú
đấm” choáng váng vào chủ nghĩa lãng mạn. Sau khi tiến hành nghiên cứu khoảng
5000 người với 37 nền văn hóa khác nhau C.Heizen tuyên bố: "tình yêu vĩnh
cửu" chỉ có niên hạn sử dụng trong vòng 18-30 tháng. Theo quan điểm sinh
hoá, khi yêu, cơ thể con người sẽ tiết ra một chất hoá học, có khả năng khiến
người ta rạo rực, phấn chấn, si mê. “Chất” khiến người ta “hâm hâm” chỉ tồn tại
không quá 30 tháng.
Nhưng Cindy cũng lạc quan chỉ ra rằng, "hoá chất tình
yêu" không mất đi mà chuyển sang một dạng kết dính khác giống như chất an
thần, đem lại cho các cặp vợ chồng cảm giác hoà hợp, bình an. Điều này được xây
dựng bởi những hành động chăm sóc, yêu thương và chia sẻ khi các cặp vợ chồng
chung sống bên nhau. Càng quan tâm, chăm sóc nhau, chất kết dính càng bền chặt.
Hôn nhân hạnh phúc là một cuộc maraton vì tình yêu suốt cả đời.
Viet Bao