"Ngươi chớ ham muốn nhà kẻ lân cận ngươi,
cũng đừng ham muốn vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa,
hay là điều chi thuộc về kẻ lân cận ngươi."
(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17)
cũng đừng ham muốn vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa,
hay là điều chi thuộc về kẻ lân cận ngươi."
(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17)
"Ngươi chớ ham muốn vợ của kẻ lân cận mình;
chớ ham muốn nhà của người, hoặc ruộng, tôi trai tớ gái, bò, lừa,
hay là điều chi thuộc về kẻ lân cận ngươi."
(Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21)
Dẫn Nhậpchớ ham muốn nhà của người, hoặc ruộng, tôi trai tớ gái, bò, lừa,
hay là điều chi thuộc về kẻ lân cận ngươi."
(Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21)
Điều răn thứ mười được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17 và Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21. Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17 không đề cập đến "ruộng" nhưng Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21 thì có chữ "ruộng" và chữ "vợ" được đặt ở đầu câu. Chúng ta tin "Cả Thánh Kinh đều là bởi Thiên Chúa hà hơi" (II Ti-mô-thê 3:16), nghĩa là từng chữ trong Thánh Kinh đều là do Đức Thánh Linh thần cảm các tôi tớ của Chúa viết ra; như vậy, không thể có sự sai lầm hoặc mâu thuẫn trong Thánh Kinh. Vậy, chúng ta phải hiểu như thế nào khi gặp những chi tiết khác nhau thuộc hai hay nhiều phân đoạn trong Thánh Kinh khi chúng cùng đề cập đến một sự kiện?
Cách hiểu thứ nhất là: Chúa cho phép có nhiều nhân chứng cùng ghi lại một sự kiện dưới những hướng nhìn khác nhau để bổ sung lẫn nhau, đem lại cho chúng ta một bản tường thuật đầy đủ các chi tiết. Điều này tương tự như bốn họa sĩ cùng lúc vẽ một ngọn núi từ bốn hướng khác nhau. Bốn bức tranh cùng diễn tả một ngọn núi nhưng chắc chắn là các chi tiết hoàn toàn khác nhau. Một thí dụ khác, bốn phóng viên cùng tham dự một vụ xử án sẽ viết bốn bài tường trình có những điểm khác nhau. Tương tự như vậy, bốn sách Tin Lành ghi chép về Đức Chúa Jesus Christ cho chúng ta có cái nhìn chi tiết về những lời Chúa phán và những việc Chúa làm.
Cách hiểu thứ nhì là: Có những lỗi trong việc sao chép Thánh Kinh. Ngày nay, chúng ta không còn nguyên bản của Thánh Kinh mà chỉ có các bản chép tay sao chép lại từ các nguyên bản và lẫn nhau. Trong tiến trình sao chép, dù các thư ký rất là cẩn thận nhưng vẫn có thể xảy ra các lỗi. Những lỗi này không làm mất đi sự chân thật của Lời Chúa. Với phương pháp phân tích và đối chiếu các nhà giải kinh có thể nhận biết và sửa chữa những lỗi xảy ra trong việc sao chép.
Cách hiểu thứ ba là: Lời Chúa phán được ghi chép cách trung thực lần thứ nhất trong Thánh Kinh. Về sau, khi được các tôi tớ của Chúa trích dẫn thì có sự khác biệt về từ ngữ so với nguyên văn nhưng không hề có sự khác biệt về ý; như khi chính Đức Chúa Jesus Christ và các sứ đồ trích dẫn Cựu Ước. Những sự khác biệt đó nhằm diễn giải nội dung của nguyên văn và cũng được thần cảm bởi Đức Thánh Linh, cho nên, cũng là Lời Chúa.
Mười Điều Răn được Đức Chúa Trời ghi chép trên hai bảng đá đã được Môi-se chép lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17, nhưng gần 40 năm sau đó, khi Môi-se ứng khẩu lập lại trước mặt dân I-sơ-ra-ên và ghi lại trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21 thì các từ ngữ có khác một chút trong các điều răn thứ tư, thứ năm, và thứ mười. Với cách hiểu thứ ba được đưa ra trên đây, chúng ta nhận thấy, trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:6-21, Môi-setrích dẫn Mười Điều Răn và thêm lời diễn giảitrong các điều răn thứ tư, thứ năm, và thứ mười. Tương tự như vậy khi Đức Chúa Jesus Christ và các sứ đồ trích dẫn Cựu Ước.
Thí dụ: Ê-sai 40:3 chép: "Có tiếng kêu rằng: Hãy mở đường trong đồng vắng cho Đức Giê-hô-va; hãy ban bằng đường cái trong đất hoang cho Thiên Chúa chúng ta!" Nhưng khi Sứ Đồ Ma-thi-ơ trích dẫn và ghi lại trong Ma-thi-ơ 3:3 thì các từ ngữ có hơi khác một chút nhưng ý nghĩa thì không thay đổi: "Ấy là về Giăng Báp-tít mà đấng tiên tri Ê-sai đã báo trước rằng: Có tiếng kêu trong đồng vắng: Hãy dọn đường Chúa, Ban bằng các nẻo Ngài". Cả Ê-sai 40:3 và Ma-thi-ơ 3:3 đều là Lời của Đức Chúa Trời.
Nói cách khác, lần thứ nhất Lời của Đức Chúa Trời được ghi chép cách trung thực trong Thánh Kinh, sau đó, Đức Thánh Linh thần cảm các tôi tớ Chúa nhắc lại và thêm lời diễn giải để làm cho lời đó được dễ hiểu hơn; những lần nhắc lại và diễn giải đó vẫn là Lời của Đức Chúa Trời. Vì thế, lời nguyên thỉ trong Cựu Ước hay là lời được trích dẫn trong Tân Ước cũng đều là Lời của Đức Chúa Trời phán dạy về cùng một sự việc với các từ ngữ khác nhau.
Chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi điều răn thứ mười như được ghi chép trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21 là câu có thêm chi tiết so với Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17.
Sự Ham Muốn
Điều răn thứ mười bắt đầu bằng mệnh đề: "Ngươi chớ ham muốn!" (Bản Truyền Thống dịch là "Ngươi chớ tham" là dịch theo lối diễn ý). Chữ "ham muốn" trong nguyên ngữ của Thánh Kinh là "châmad," H2530, /khaw-mad'/, là một động từ gốc, có nghĩa là: ưa thích, vui vẻ trong những những sự xinh đẹp, dễ yêu, tôn quý. Nếu dịch cho chính xác sang tiếng Việt thì có thể dịch là "ưa thích," "ham muốn" hoặc "khao khát." Ham muốn hoặc khao khát tự mình nó không sai vì Thiên Chúa dựng nên chúng ta với bản tính biết ham muốn. Thi Thiên 19:9, 10 ghi rằng: "Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch, hằng còn đến đời đời; các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình cả. Các điều ấy đáng chuộng hơn vàng, thật hơn vàng ròng; lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong;" từ ngữ "đáng chuộng" trong nguyên ngữ của Thánh Kinh chính là động từ "châmad" thể thụ động, có thể dịch là: "đáng ưa chuộng," "đáng ham muốn," "đáng khao khát." Nếu chúng ta không có bản tính ham muốn thì chúng ta sẽ không biết ham muốn Chúa và Lời Chúa, không biết ham muốn những sự công bình và thánh sạch, không biết ham muốn nếp sống phước hạnh và đẹp lòng Chúa.
Điều răn thứ mười không cấm chúng ta ham muốn nhưng cấm chúng ta ham muốn những gì thuộc về người khác. Điều răn thứ mười không nhắc lại sự cấm ngoại tình và cấm trộm cắp trong điều răn thứ bảy và thứ tám nhưng cấm chúng ta hình thành những ý tưởng ham muốn sai trái dẫn đến tội ngoại tình, tội trộm cắp và đủ các thứ tội khác.
Hậu Quả của Sự Ham Muốn Sai Trái
Sự ham muốn mà thiếu lòng kính sợ Chúa sẽ biến thành lòng tham và khiến cho chúng ta vi phạm các điều răn của khác của Chúa. Chúng ta hãy xét đến sự ham muốn sai trái của bà Ê-va. Sáng Thế Ký 2:15-17 chép như sau:
15 Giê-hô-va Thiên Chúa đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn.
16 Rồi, Giê-hô-va Thiên Chúa phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn;
17 nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.
Sáng Thế Ký 3:1-8 chép như sau:
1 Vả, trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Thiên Chúa đã làm nên, có con rắn là giống quỷ quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng: Mà chi! Thiên Chúa há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?
2 Người nữ đáp rằng: Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn,
3 song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Thiên Chúa có phán rằng: Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá-động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng.
4 Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu;
5 nhưng Thiên Chúa biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Thiên Chúa, biết điều thiện và điều ác.
6 Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa.
7 Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lỏa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.
8 Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Thiên Chúa đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Thiên Chúa.
Điều trước hết chúng ta nhận thức qua câu chuyện kể trên, đó là: bà Ê-va đã không vâng lời Chúa, làm điều Chúa cấm làm. (Ở đây chúng ta sẽ không bàn đến ý nghĩa của cây biết điều thiện và điều ác. Quý bạn đọc có thể nghe ba bài giảng về cây biết điều thiện và điều ác tại đây:http://timhieutinlanh.net/node/622). Mỗi một lần không vâng lời Chúa có thể khiến cho chúng ta phạm nhiều tội khác nhau. Trong cùng một hành động bẻ trái của cây biết điều thiện và điều ác để ăn và đưa cho chồng ăn, bà Ê-va đã phạm các tội sau đây:
1. Ham muốn một điều không thuộc về mình (vi phạm điều răn thứ mười).
2. Thay thế địa vị của Thiên Chúa trong lòng mình bằng sự ham muốn, biến lòng ham muốn thành một thần khác, vâng theo sự ham muốn hơn là vâng theo Thiên Chúa (vi phạm điều răn thứ nhất).
3. Thờ lạy thần tượng (vi phạm điều răn thứ nhì) vì Thánh Kinh gọi những sự ham muốn sai trái là tham lam và gọi tham lam tức là thờ thần tượng (Ê-phêsô 5:5; Cô-lô-se 3:5).
4. Không tôn kính cha mẹ (vi phạm điều răn thứ năm). Lu-ca 3:38 cho chúng ta biết "A-đam con Đức Chúa Trời," cho nên, bà Ê-va vừa phạm tội không tôn kính Thiên Chúa vừa phạm tội không tôn kính cha mẹ.
5. Trộm cắp (vi phạm điều răn thứ tám).
6. Giết người, giết chính bà và giết chồng bà là A-đam (vi phạm điều răn thứ sáu).
7. Cám dỗ và khiến cho người khác phạm tội (Lu-ca 17:1).
Lòng ham muốn sai trái của bà Ê-va đã dẫn đến hậu quả là sự đau khổ và sự chết cho toàn thể loài người.
Ý Nghĩa của Điều Răn Thứ Mười
Điều răn thứ mười dạy cho chúng ta biết nguồn gốc của mọi tội lỗi phát sinh từ những sự ham muốn bất chính trong lòng của chúng ta. Khoảng 4,300 năm trước, Thiên Chúa đã phán về tấm lòng của loài người như sau:"Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn" (Sáng Thế Ký 6:5). Khoảng 2,600 năm trước, Thiên Chúa lại phán: "Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được" (Giê-rê-mi 17:9)? Khoảng 2,000 năm trước, Đức Chúa Jesus Christ phán: "Vì thật là tự trong, tự lòng người mà ra những ác tưởng, sự dâm dục, trộm cướp, giết người, tà dâm, tham lam, hung ác, gian dối, hoang đàng, con mắt ganh đố, lộng ngôn, kiêu ngạo, điên cuồng. Hết thảy những điều xấu ấy ra từ trong lòng thì làm cho dơ dáy người" (Mác 7:21-23). Chúng ta để ý đến sự kiện Đức Chúa Jesus đặt từ ngữ "những ác tưởng," tức là những tư tưởng ác, những ý nghĩ tội lỗi đứng đầu các hành vi tội lỗi, bởi vì, từ các ác tưởng mà sinh ra các việc ác. Gia-cơ 1:14, 15 giải thích tiến trình dẫn đến sự phạm tội và hậu quả của sự phạm tội như sau:
"Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết."
Tư dục là những ham muốn sai trái, nghịch lại điều răn và luật pháp của Thiên Chúa. Điều răn thứ mười nêu lên sáu phương diện mà chúng ta có thể ham muốn bất chính dẫn đến sự phạm tội.
1. Phương diện thứ nhất: Ham muốn chồng hoặc vợ của người khác. Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rằng mệnh lệnh"Ngươi chớ ham muốn vợ của kẻ lân cận mình"không có nghĩa điều răn thứ mười chỉ dành riêng cho đàn ông. Toàn bộ Mười Điều Răn được Thiên Chúa phán truyền cho mọi dân tộc qua dân tộc I-sơ-ra-ên và lúc bất giờ, những người đàn ông là gia trưởng của mỗi nhà, đại diện cho gia đình của mình (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:15), trực tiếp nghe nhận các điều răn của Thiên Chúa. Vì thế, điều răn thứ mười cũng như chín điều răn trước đó là dành chung cho tất cả mọi người. Khi điều răn thứ mười áp dụng cho một người đàn ông thì là: "Ngươi chớ ham muốn vợ của kẻ lân cận mình," còn khi áp dụng cho một người đàn bà thì là:"Ngươi chớ ham muốn chồng của kẻ lân cận mình." Thật ra, đối với một xã hội sa lầy trong tội đồng tính luyến ái thì một người đàn bà vẫn có thể phạm tội ham muốn chồng của người khác và một người đàn ông cũng có thể phạm tội ham muốn vợ của người khác.
Nền tảng của điều răn thứ mười là Thiên Chúa nghiêm cấm chúng ta có lòng ham muốn sai trái bất cứ những gì không thuộc về chúng ta, và Ngài nêu lên một số chi tiết điển hình, như ham muốn: vợ, nhà, ruộng, tôi trai tớ gái, bò, lừa... của người lân cận. Nếu có ai cho rằng điều răn thứ mười không cấm việc đàn bà ham muốn chồng của người khác thì họ đã không hiểu mệnh đề cuối cùng của điều răn này: "hay là điều chi thuộc về kẻ lân cận ngươi." Từ ngữ "điều chi" bao gồm tất cả những gì đã được liệt kê trước đó và tất cả những gì không được liệt kê; nghĩa là: hễ người nào, vật nào, việc nào, sự nào thuộc về của người khác thì chúng ta không được ham muốn.
Sự ham muốn chồng hay vợ của người khác không nhất thiết có liên quan đến tình dục hay sắc đẹp. Chúng ta có thể ham muốn một người vì cá tính, vì học thức, vì địa vị hoặc vì nếp sống đạo của người ấy. Chúng ta cũng cần phân biệt sự quý mến hoặc tôn kính với sự ham muốn bất chính. Sự ham muốn bất chính là ý muốn chiếm đoạt chồng hay vợ của người khác về cho chính mình trong khi sự quý mến hoặc tôn kính phát xuất từ tình yêu chân thật trong Chúa.
2. Phương diện thứ nhì: Ham muốn gia đình của người khác. Từ ngữ "nhà" được dùng trong điều răn thứ mười có nghĩa hẹp là nơi cư trú nhưng có nghĩa rộng là gia đình. Vì thế, chẳng những chúng ta không được ham muốn nhà ở của người khác mà chúng ta cũng không được ham muốn những gì thuộc về gia đình của người khác. Những gì thuộc về một gia đình bao gồm cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, nhà ở và mọi vật dụng trong gia đình.
3. Phương diện thứ ba: Ham muốn phương tiện sinh sống của người khác.Trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17 không đề cập đến "ruộng" nhưng gần 40 năm sau, khi Môi-se lập lại điều răn thứ mười và ghi chép trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21 thì ông đã thêm từ ngữ "ruộng." Như trên đã giải thích, không phải Môi-se tự ý thêm vào Lời của Chúa nhưng ông trích dẫn Lời Chúa và diễn giải theo sự thần cảm của Đức Thánh Linh, vì thế, Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:21 cũng là Lời Chúa. Khi Thiên Chúa phán truyền Mười Điều Răn trên núi Si-na-i thì dân I-sơ-ra-ên mới bắt đầu hành trình vào đất hứa Ca-na-an; khi đó, chưa người nào sở hữu ruộng đất. Gần 40 năm sau, dân I-sơ-ra-ên chuẩn bị tiến vào đất hứa và sẽ được phân chia đất ruộng, cho nên, Đức Thánh Linh đã thần cảm cho Môi-se thêm danh từ "ruộng" vào điều răn thứ mười để giúp dân I-sơ-ra-ên hiểu rõ sự Thiên Chúa ngăn cấm. Vì ruộng đất là nền tảng cho việc chăn nuôi và trồng trọt, đem lại sự sống cho loài người, cho nên, danh từ "ruộng" trong điều răn thứ mười tiêu biểu cho tất cả những gì liên quan đến nghề nghiệp và phương tiện sinh sống.
4. Phương diện thứ tư: Ham muốn nhân lực của người khác. Danh từ "tôi trai tớ gái" có thể dùng để chỉ những nô lệ được chủ bỏ tiền ra mua về (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:44) mà cũng có thể dùng để chỉ những người được thuê mướn làm việc (I Các Vua 5:6). Vì thế, điều răn thứ mười cấm chúng ta ham muốn nhân lực của người khác.
5. Phương diện thứ năm: Ham muốn tài sản của người khác. Bò và lừa tiêu biểu cho tài sản, vật lực, cho nên, điều răn thứ mười cấm chúng ta ham muốn tài sản, vật lực của người khác chứ không chỉ riêng bò và lừa.
6. Phương diện thứ sáu: Ham muốn bất cứ điều chi thuộc về người khác. Năm phương diện được liệt kê trên đây là những điều cụ thể mà chúng ta đối diện thường ngày trong cuộc sống, được Thiên Chúa nêu ra để làm thí dụ. Điều răn thứ mười không giới hạn sự ham muốn bất chính những điều thuộc về người khác trong năm phương diện đó, mà bao gồm tất cả những gì thuộc về người khác. Nói cách khác, điều răn thứ mười có thể được rút gọn như sau: "Ngươi chớ ham muốn điều chi thuộc về kẻ lân cận ngươi."
Phương Cách Đắc Thắng Lòng Ham Muốn Bất Chính
Chúng ta không thể dùng sức riêng để chiến thắng lòng ham muốn bất chính. Thánh Kinh dạy rằng chúng ta phải nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời để đánh đổ mọi lý luận, mọi sự tự cao nghịch lại lẽ thật của Lời Chúa và nhờ đó mà khiến cho các ý tưởng của mình vâng phục Đấng Christ như những kẻ nô lệ vâng phục chủ:
"Vì chúng tôi dầu sống trong xác thịt, chớ chẳng tranh chiến theo xác thịt. Vả, những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, bèn là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy: nhờ khí giới đó chúng tôi đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch cùng sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ"(II Cô-rinh-tô 10:3-5)
Chỉ khi nào trong chúng ta không còn những lý luận nghịch lại Lời Chúa, không còn dựa vào sự khôn ngoan tri thức của thế gian, và hoàn toàn để cho Đấng Christ làm chủ mọi suy tưởng của chúng ta thì chúng ta mới có thể thực hành được lời Chúa dạy trong Phi-líp 4:8:
"Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến."
Kết Luận
Lòng ham muốn sai trái khiến cho chúng ta không thỏa lòng trong cuộc sống, nó khiến cho chúng ta không biết hưởng thụ những gì Chúa đã ban cho chúng ta mà cứ miệt mài theo đuổi những gì thuộc về người khác. Lòng ham muốn sai trái khiến cho chúng ta không thỏa lòng về người khác, nó khiến cho chúng ta đầy lòng ganh tỵ với những người chung quanh khi họ sở hữu những điều mà chúng ta ham muốn. Trên hết, lòng ham muốn sai trái khiến cho chúng ta không thỏa lòng với Chúa, nó khiến cho chúng ta không biết cảm tạ những điều Chúa đã ban cho chúng ta và oán trách Chúa những gì chúng ta ham muốn mà không có được.
Bí quyết để chúng ta thắng được lòng ham muốn sai trái là sự vững tin vào Lời Chúa, nương cậy nơi sức toàn năng của Ngài, và thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ của đời sống mà Chúa cho phép xảy ra cho chúng ta. Câu chuyện của ông Gióp được ghi lại trong sách Gióp là bài học tuyệt vời cho chúng ta về đức tin nơi Chúa và thái độ sống Đạo. Chúng ta hãy ghi nhớ những lời sau đây:
"Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn"(I Ti-mô-thê 6:6-10).
"Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Ngài phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu"(Hê-bơ-rơ 13:5).
Nguyện ân điển và bình an từ Thiên Chúa Hằng Sống bao phủ chúng ta trong mọi nơi, mọi lúc. A-men!
Huỳnh Christian Timothy