Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

CUỘC ÐỜI CỦA SADHU SUNDAR SINGH-2

SUNDAR NHẬN ÁO CÀ SA VÀNG
(1906-1908)



Quá khứ đã chết, tương lai của một người quyết tâm theo Chúa đang được bày tỏ. Sundar một mình yên lặng đứng trước bàn thờ của thánh đường Simla tuyên xưng đức tin. Cậu đã nhận thánh lễ báp têm trở nên một cơ đốc nhân, hội viên của một cộng đồng bé nhỏ, hẻo lánh và xa xôi. Thật ra, cậu nợ với các giáo sĩ nhiều hơn là với người đồng hương mình và quí vị ấy xem cậu như là một niềm vui chiến thắng lớn lao bởi ân sũng từ Ðức Chúa Trời, còn các cơ đốc nhân Ấn độ rất thỏa lòng nghĩ đến cậu trai trẻ mà nhiệt tâm dũng cảm theo Chúa. Trong đền thờ của Chúa, khi cậu quỳ xuống để nhận lãnh thánh lễ Báp têm, cái cô đơn của cậu thật là một điều diệu kỳ, nỗi ly cách mọi sự thuộc trần thế của cậu như một sự tán tụng cho sự hiện diện thân mật của Thượng đế.
Khi rời thánh đường, cậu lên đường trở lại Sabathu. Sundar trông giống như bất cứ một cậu con trai Ấn độ nào khác đang đi băng đường rừng, như sự cô đơn của cậu thật đặc biệt. Bây giờ, không ai có thể giúp cậu được. Sự đấu tranh một mình, sự quyết định một mình và có thể cậu còn phải chịu đựng nhiều ngày tháng cho sự xung đột nội tâm, trước khi cậu sẵn sàng trở lại thế giới hàng ngày bằng một tâm linh trong sáng.


Cậu đã tranh đấu với chính mình và tiến bước với hai chân không giày đạp gai rừng khắp đó đây. Thi Thiên 23 được đọc trong dịp lễ Báp têm cho cậu như vẫn còn vang bên tai. Cậu lắng nghe như có tiếng phán riêng cho mình: “Ta là Ðấng Chăn chiên của con... Ta sẽ dẫn dắt con! Con sẽ chẳng thiếu thốn gì ! Dầu khi con đi trong trũng bóng chết, con sẽ chẳng sợ tai họa nào. . . Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo con mọi ngày và trọn đời con.” Sundar biết rằng từ nay cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, cậu sẽ chẳng bao giờ đơn côi nữa.

Hơn một tháng cậu biệt tích khỏi các bạn như một Sadhu ( tu sĩ Ấn độ) của khu rừng tỉnh Rampur. Trong bốn lễ đó, tư tưởng của cậu quay về với những vị ẩn tu tiền bối. Cậu còn nhớ đến lời của mẹ hiền: “ biết đâu một ngày kia con cũng sẽ trở thành một Sadhu”. Có một cái gì thỏa lòng hơn khi được giao thông cùng Ðức Chúa Trời. Có chỗ nào cho cậu trong Hội Thánh người Ấn không? Hội thánh đã mất hướng đi, đã tây phương hóa, nên thật khó cho cậu hội nhập. Những bài thánh ca là những bản dịch, cách thờ phượng chỉ thích hợp với người Âu Mỹ mà thôi. Họ muốn chứng tỏ cho Ấn độ giáo và Hồi giáo biết rằng họ đã bỏ tất cả các thần mà họ thờ trước đây. Nhưng kết quả cho thấy rất nguy hiểm. Những Hội Thánh Ấn trở nên những Hội Thánh của Tây phương tại Ấn độ.


Ngày 3 tháng 10 , đúng một tháng sau ngày nhận thánh lễ báp têm, Sundar rời khỏi Sabathu. Trên đầu cậu vấn một khăn vàng và trên người cậu, mặc một bộ áo cà sa vàng của một tu sĩ Ấn độ Sadhu. Nhưng đây là một Sadhu khác biệt. Con đường mà tu sĩ này đi là con đường được kêu gọi chẳng còn đơn côi nữa và tu sĩ đó tự xác nhận:


“ Tôi không xứng đáng theo đấu chơn Chúa của tôi, nhưng giống như Ngài, tôi không cần có nhà, không có tư sản. Giống như Ngài, tôi thuộc về đường sá, chia xẻ sự đau thương với đồng hương tôi, ăn với những ai cho tôi trú ngụ và rao báo cho họ biết về tình yêu của Ðức Chúa Trời.”

Phải cần một thời gian lâu các bạn thân của vị Sadhu giảng đạo Cơ đốc mới làm quen được với tư tưởng lập dị đó. Sundar đã nhập lý tưởng tự chối chính mình của người Ấn độ, không phải cho chính mình nhưng cho người khác, và theo lý tưởng Tây Phương về giáo thuyết của tu sĩ hành khất, ông đã chọn một lý tưởng thiên thượng để phục hưng Hội Thánh Ấn độ. Áo cà sa vàng của Sadhu giúp cho Sundar thành công, được chấp nhận bước vào bất cứ nơi nào, dù rằng ông là tu sĩ áo vàng giảng Phúc âm. Khác với những người bụi đời, rách rưới dơ bẩn, Sundar với 16 tuổi rất ngay ngắn sạch sẽ, sáng suốt vặm vỡ cao lớn và nhiều trào phúng qua các câu chuyện đường rừng của cậu.

Sundar thử nghiệm đầu tiên bằng cách quay trở về làng Rampuer quê mình. Dĩ nhiên ông bị gia đình chối bỏ, nhưng rất ngạc nhiên là nhiều khán giả nghe say mê ông giảng đạo. Họ là những nhà buôn, những bác nông phu, những cậu con trai mà trước đây vài năm là bạn cùng lớp với Sundar. Ngay cả khu vực của các phụ nữ thượng lưu cũng mở cửa cho Sundar. Trong thời gian này, Sundar sống với các tín hữu Cơ đốc tại Ropur, nơi ông được cứu sống khỏi chết vì độc dược.


Họ hỏi ông về dự tính tương lai:


“ Anh định làm Sadhu như thế này bao lâu, hỡi bạn Sundar?”


“ Tôi được gả cho những chiếc áo vàng này, và theo ý muốn của Ðức Chúa Trời, tôi sẽ chẳng bao giờ ly dị với nó.”

Từ đó Sadha Sundar khởi hành hướng về miền Bắc, qua Punjab, qua đèo Bannihal, phía trên của Jammu và Kashmir trước khi bị tuyết đông ngăn chặn. Từ Kashmir ngang qua vùng đất kẻ cướp bóc của biên giới tây bắc đi tới Baluchistan và trở vào xứ sở của Hồi giáo cuồng tín ở Afganistan. Ðương đầu với một chuyến hành trình về miền giá lạnh như thế thật là một khó khăn to lớn. Sundar phải chịu nhiều gian khổ. Cái áo cà sa vàng mỏng manh không đủ sức chống lại mùa đông giá lạnh. Ông cũng không quen ngủ lạnh ngoài trời mặc dù ông đã từng chịu lạnh như thế. Chân trần không giày dép bị cắt đứt bầm tím để lại những vết chân đẫm máu trên những con đường làng mà Sundar đã qua. Con cái Chúa thời đó gọi Sundar là “ Sứ đồ đẫm máu chơn”

Ðó là chuyến truyền giáo đầu tiên nhưng đó cũng là những khổ nạn cứ tiếp tục tái diễn trong cuộc đời phục vụ Chúa của ông. Tại Doiwalla, vì chiếc áo cà sa vàng, ông được người ta tiếp đón niềm nở nhưng khi nghe ông nói về Chúa Jesus thì người ta đuổi ông ra ngoài lúc trời đang mưa. Ðêm ấy, Sundar phải ngủ trong một túp lều tranh xiêu vẹo bỏ trống mà bạn cùng ngủ đêm là một chú rắn hổ mang. Tại Jallalabad, người Hồi giáo cho ông là mật vụ định tâm chờ ông ngủ sẽ giết nhưng cuối cùng họ tìm thấy ông ở tại một làng khác và kẻ định tâm sát hại ông lại quỳ gối xin ông tha tội và khẩn nài ông rao giảng Tin lành của Chúa Jesus cho ông ta nghe.

Tại Simla, vào mùa Xuân năm ấy, Sundar gặp được một người Mỹ tên là Samuel Stokes, giàu có theo Giáo hội Quaker và muốn hiến cuộc đời mình cho người Ấn. Thay vì nghỉ ngơi sau chuyến truyền giáo gian lao mùa đông vừa qua, Sundar cùng với Samuel Stokes làm một chuyến truyền giáo khác ngang qua Kangra Valley, ban đêm đi bộ rao giảng, ban ngày ngủ và nghỉ ngơi. Cho đến ngày bị ngã quỵ vì chứng sốt rét rừng, cả hai Sundar và Stokes tìm chỗ trú trong nhà của một điền chủ.

Ðối với Sundar, chuyến hành trình kỳ này xem như kết thúc ở đây; nhưng đối với người điền chủ đó là một sự bắt đầu của một chuyến truyền giáo cho người khác như ông. Bởi vì qua cách hành sử của Sundar, ông ta đã trở thành một tín đồ của Ðấng Christ.

Mùa hè năm đó, Sundar làm việc chung với Stokes tại bịnh viện cùi Sabathu cho đến khi bịnh dịch tràn lan khắp vùng đồng bằng vì hạn hán và thời tiết khô cháy. Họ cùng nhau đi xuống vùng cát bụi mát dịu hơn của dãy núi Hy mã lạp sơn để làm việc ban đêm và giảng đạo cho những nạn nhân nạn dịch tại những làng thuộc Punjab và Lahore.
Năm sau,1908, Samuel Stokes trở về Hoa kỳ. Trong những tháng ngắn ngủi chung sống với nhau, Stokes đã giảng giải cho Sundar về lý tưởng của giòng Franciscan , về cách truyền giáo của tu sĩ khất thực. Ông cũng xác nhận rằng trong sự phục vụ và đời sống tu hành luôn luôn có niềm vui mà chẳng nơi nào có.

BĂNG QUA DÃY NÚI HY MÃ LẠP SƠN (1908)

Sundar bẩm sinh là một người phiêu lưu mạo hiểm.


Không ai hiểu được rằng Sundar có thể chấp nhận đời sống của một Sadhu mà trốn khỏi mọi đòi hỏi của thế gian. Sundar vốn rất rụt rè với kẻ lạ nhất là với người Tây phương. Nhưng với bạn bè, Sundar ăn nói rất tự nhiên. Họ rất ngạc nhiên, trong vòng hai năm, ông đã du hành đến cả miền bắc Ấn chịu đựng với nóng, lạnh, dịch lệ, sốt rét rừng, thổ tả, một số lần đối diện với sự chết và cậu học nhiều điều về thiên nhiên, vạn vật, hoang dã cũng như con người hơn cả các giáo sư đại học đương thời. Họ có thể nghi ngờ về chuyến du hành của ông nhưng họ luôn luôn tin tưởng về bản chất chân thật của ông. Người ta phân vân không biết kinh nghiện xuất thần của ông có lẫn lộn với cuộc phiêu lưu hàng ngày không. Chỉ có một điều chắc chắn là không ai đánh giá thấp về tinh thần dâng hiến đời sống của ông cho Thượng đế, lòng nóng cháy rao truyền Phúc Âm và ao ước phục hưng Hội thánh Ấn độ.

Họ cũng nhận ra rằng tâm linh phiêu lưu của ông đã tự phóng qua bên kia bức tường Hy mã lạp sơn. Sundar thuờng về Simla Hills để nghỉ ngơi. Ðây là chân của dãy núi Hy mã lạp sơn, nơi đây ông thường đi tản bộ trước và sau ngày nhận thánh lễ báp têm. Ngày nay thay vì lưu trú tại Sabathu như mọi lần, ông lại lặn lội leo lên vùng cao nguyên Simla.


Narkanda, một ngôi làng nhỏ cao 9000 bộ hay 2,743 thước, rung vang suốt ngày tiếng chuông lừa của đoàn người lái buôn lê bước theo con đường đồi. Sundar đến đây với các nông dân. Ông Nandi đang gặt lúa bên dưới nhà gỗ dành cho khách qua đường, ngẩng lên nhìn thấy hình dáng bất động của thánh nhân. Ða số những nông dân có ít thì giờ dành cho việc thiêng liêng khi họ đang lo toan việc gặt hái. Nandi tỏ vẻ bực bội khi Sadhu Sundar bước xuống nói chuyện với họ. Thật là chẳng lịch sự tý nào khi bắt người ta ngưng việc để nghe, còn tệ hơn nữa khi họ nhận ra Sadhu này không thuộc Ấn độ giáo cũng chẳng phải Phật giáo nhưng có nhãn hiệu là Cơ đốc giáo. Người anh của Nandi đuổi thánh nhân đi và còn ném đá trúng vào phía trên khóe mắt của Sundar. Những con gặt đứng sững ghê sợ, chờ đợi Sadhu chửi một trận nên thân. Thật khó tin, họ nghe Sadhu thầm nói: “ Lạy Cha, xin tha tội cho anh ấy”. Vào khoảng xế chiều hôm ấy, người anh của Nandi té nhào xuống ruộng và đau đầu một cách thảm não. Dân làng cho đây là việc làm ảo thuật của Sadhu và rồi lấy làm ngạc nhiên thấy Sundar cầm lấy cái hái và tiếp nối làm việc.

Ðêm hôm đó, Sundar nghỉ tại nhà của Nandi và nói chuyện hàng giờ với một nhóm dân làng chăm chú nghe. và từ đó bất cứ khi nào đi ngang qua, họ đều tiếp Sadhu Sundar vui vẻ. Rồi mùa gặt kế tiếp năm sau đó, người ta kinh ngạc khi thấy phần ruộng mà Sundar đã gặt lại trúng mùa gấp bội phần hơn các ruộng lúa khác của Nandi. Ðiều này chưa hề xảy ra trước đây.

Khoảng một dặm bên kia Narkanda, ở giữa những cây thông to lớn của khu rừng già, một con đường chia đôi, ngã chánh đi về Barei, ngã kia dẫn lối về Kotgarh. Vùng này khoảng 7000 bộ hay 2,133 thước trên đồi cao, năm mươi dặm cách Simla, giữa những vườn cây ăn trái và những cánh đồng trồng bắp. Ðây là nơi Sundar dừng chân nghỉ ngơi. Cũng tại đây không xa có ông bà Giáo sĩ Beutel người Ðức đang trông coi một bịnh xá nhỏ và một trường học.


Sundar thường len lỏi qua con đường mòn dẫn ngang qua Kotgarh, xuyên qua khu rừng không người, tiếp nối bằng một vùng đất trồng trọt rồi đến Rampur, thủ phủ của tiểu bang Basshahar mà người ta có thể nhìn thấy nhà cửa chen lẫn nhau dưới sức nóng cháy của thung lũng Sutley.

Ở Rampur, người xây nhà theo lối Tây Tạng với mái nhà cong cong. Cánh đồng bên cạnh có những là cờ mang kinh cầu bay phất phới. Những con bò lông dài mang hàng hóa Tây Tạng. Những lái buôn có nhiều nét Mông cổ mặc cả giá hàng trong các phố bán hàng tạp hóa. Tại Rampur, người ta không quên những con đường phía bên kia đầy hiểm trở với núi cao, đá nhọn dẫn đến xứ Tây Tạng, một quốc gia đóng kín ở giữa Á châu. “ Tây Tạng là trách nhiệm riêng của chúng ta. Phúc âm đã đến với chúng ta, chúng ta không giữ riêng cho mình. Chúng ta phải mang nó đến Tây Tạng, dù có khó khăn hay nguy hiểm”. Ðây là lời thách thức của Sundar với Hội Thánh Ấn về những năm sau này. Riêng Sundar, ông đã đối diện với sự thách thức ấy 18 tháng sau khi làm báp têm.

Nhiều giáo sĩ đã cố gắng xây dựng Hội thánh tại Tây Tạng từ thế kỷ 18. Mọi sự cố gắng đều thất bại. Sáu triệu người dân trên cao nguyên Tây Tạng sinh sống trong dơ bẩn, sợ hãi và thoái hóa. Bậc cầm quyền của xứ sở này là những Larma, là những Thượng Tọa về tôn giáo. Những vị này biết rằng sự du lịch, thương mại với ngoại quốc từ Ấn độ hay từ tây phương, sự giáo dục và đặc biệt là Cơ đốc giáo sẽ phá hũy quyền lực của họ. Chính quyền Tây Tạng cai trị dân họ bằng sự mê tín dị đoan và sự ngu dốt của người dân. Chính danh họ là Phật giáo nhưng đa số là thờ lạy ma quỷ, cuồng tín và độc ác. Bất cứ ai xâm nhập vào Tây Tạng coi như là tự liều lĩnh. Hễ ai cố gắng vượt bức tường chắn Hy mã lạp sơn để giảng Phúc Âm tại vùng đất cấm này phải ngầm hiểu rằng đây không phải là một sự liều lĩnh mà là một sự chết chắc chắn.
Sundar nhận sự liều lĩnh này không phải một lần mà nhiều lần, năm này qua năm khác, với tất cả sự hung dữ thù địch của các Larma và dân chúng cùng trăm điều rủi ro vì sự hiểm trở của dãy núi Hy mã lạp sơn dựng đứng và băng đá quanh năm.


Mùa hè 1908, một thử thách đầu tiên khi Sundar tròn 19 tuổi. Sundar đi vào Lesser Tibet, một cao nguyên bên kia Rampur và Sutleg Valley. Có hai giáo sĩ người Moravian là Kunick và Marx tiếp đón và giúp đỡ Sundar tại Poo, một thành phố vùng biên giới và dạy Sundar ít câu nói tiếng Tây Tạng và cho mượn Tarnyed Ali làm thông dịch viên. Sundar thật kinh hoàng trước tình trạng sinh sống của dân chúng tại đây. Nhà cửa tối om, không thoáng khí, dơ dáy bẩn thiểu giống như thân thể của họ. Người Tây Tạng lấy làm sửng sốt và khó chịu khi thấy Sundar tắm nơi dòng nước đá lạnh và đuổi ông ra khỏi làng bởi vì theo họ “ thánh nhân” thì không bao giờ tắm. Thực phẩm duy nhất mà Sundar có thể có là lúa mạch ran khô cứng ngắt, ngay cả mấy con la cũng không muốn đụng tới. Trà của Tây Tạng thường trộn với muối và một viên bơ đã hôi hám khó cho người ta uống lắm. “ Lá cờ kinh cầu” ( lá cờ mang kinh cầu nguyện) bay phất phới khắp nơi. Người nông dân luôn luôn mang trong người” bánh xe kinh cầu” với những lời lẽ huyền bí khó có ai hiểu được như : “ om-mane padme hum...” Lời rao báo Phúc âm về Chúa Jesus của Sundar làm dân chúng kể cả các Larma tức giận ngay. Cùng với thông ngôn, hai thầy trò nặng nề lê bước từ làng này đến làng khác như kẻ vô gia cư không nhà ở và bị xua đuổi. Chỉ có tại Tashigang, một làng nhỏ nhưng kiên cố, Larma trưởng cai trị một đoàn gồm 400 Larma niềm nở tiếp đón hai thầy trò và cho họ được tự do giảng tại tu viện. Dầu vậy sau đó sự hung dữ thù nghịch càng lên cao hơn nên họ mau trở về qua những đèo hiểm hóc trước mùa đông và rùng mình dường như rằng chẳng bao giờ nên có ý nghĩ đến việc quay trở lại vùng này.

Cuối cùng, Sundar đã nhọc nhằn trở về lại Kotgarh trước khi dự định làm những chuyến truyền giáo khác vào những năm tới khi đường đèo các ngã vào Tây Tạng mở cửa trở lại. Ðây là chuyến truyền giáo bị ghét bỏ đầu tiên vào khoảng giữa năm 1908 –1929. Chẳng có chuyến đi nào mà không có nỗi nguy hiểm và trên hết mọi điều là sự chết.

RỜI KHỎI AN TOÀN ( 1909 – 1911)

“Tôi muốn đi thăm Palestine hơn nơi nào hết trên thế giới” Sundar tâm tình với bạn hữu mình. Năm 1908, Sundar đến Bombay nhưng chính quyền đã từ chối cấp thông hành làm ông thất vọng. Ông trở về với những làng mạc miền Bắc Ấn. Ngồi trên xe lửa, ông trầm ngâm suy tưởng về Chúa Jesus, một người đông phương như ông và về Tin lành đầu tiên được ban bố tại Ấn độ mà nhiều người vẫn tưởng do các giáo sĩ Tây phương mang đến nhưng thực ra do một sứ đồ Sy ri.

Ông thường nói với các giáo sĩ Tây phương rằng; “ chúng ta cung ứng đạo Cứu Rỗi trong một cái ly Tây phương nên bị người Ấn độ từ chối. Nếu chúng ta cung cấp nước sống trong một cái chém Ðông phương, có lẽ dân chúng sẽ dễ dàng nhận biết và vui vẻ chấp nhận hơn”. Bởi vậy, Sundar ăn mặc như một nhà tu Ấn độ đi giảng đạo Cơ đốc và khuyến khích Hội Thánh địa phương thờ phượng Chúa theo lối sống của người dân địa phương.

Sau vài năm học tại St, John’s Divinity College tại Lahore, Sundar được Gáo Hội Trung Ương Ấn độ cấp phát chứng chỉ giảng đạo tại thủ đô Ấn độ. Ông mong ước được lưu hành khắp nơi trong nước và Tây Tạng và bày tỏ ý nguyện này với Giám mục Lefroy. Nguyện ước này chẳng bao giờ được đáp ứng nếu ông không chịu thụ phong bởi Giáo hội. Vị Giám mục bảo ông rằng: “ Bạn Sundar thân yêu, nến bạn chịu thụ phong tại Giáo hội chúng tôi, bạn không thể du hành khắp nơi trong xứ. Bạn sẽ có một Hội Thánh hay có thể một số Hội thánh để chăm sóc. Bạn chắc chắn phải lưu lại tại một giáo khu mà bạn được thụ phong. Bạn sẽ không được giảng tạo Bombay hay Masik hoặc Calcuta hay Maners mà không có giấy phép của Giám mục ở đó.”


“ Còn ở Tây Tạng thì sao ?” Sundar thắc mắc


“ Tây Tạng không thuộc ai cả nhưng bạn không được rời giáo khu bốn hay năm tháng tại một nơi khí hậu nóng bức như Tây Tạng để mất luôn chính bạn nữa”.
Sundar trả lại chứng chỉ giảng đạo và sẽ không bao giờ có thể thụ phong vì ông chỉ muốn làm một tác viên, một Sadhu đi đó đây, một truyền giáo tự do, đặc biệt cho Tây Tạng. Trong thời gian tại Ðại học, Sundar rất cảm mến các Mục sư địa phương, đồng thời cũng xác nhận rằng Cơ đốc giáo được tổ chức theo Tây Phương hoàn toàn không phù hợp với Ấn độ. Bất cứ nơi nào Sundar đến đều nhận được sự vui mừng và tình đoàn kết thân hữu. Và mười năm sau, ông cũng được ân cần tiếp đón trên toàn thế giới như là một cung hiến, một đóng góp duy nhất cho sự sống của Giáo Hội dù rằng ông đã tự chọn theo thiên chức của một Sadhu vì rằng chỉ có con đường này ông mới phục vụ hữu hiệu cho đất nước mà ông yêu mến.

Ðặc biệt trong thời gian này, ông có một ảnh hưởng lớn đối với các sinh viên thần học người Ấn độ và làm quen với những người bạn mới. Một trong những người bạn quan trọng nhất là Susil Rudra là Viện Trưởng của trường Cao Ðẳng St. Stephen tại Delhi và một người nổi tiếng trên thế giớ lúc bấy giờ là C.F. Andrew. Trong những chuyến đi, Sundar thường ghé qua Delhi và xem trường St. Stephen như nhà của mình. Ông không lớn tuổi hơn các bạn sinh viên khác bao nhiêu vì bấy giờ ông chỉ mới 25 tuổi. Nhưng với những câu chuyện kỳ diệu từ Tây Tạng và vùng biên giới tây bắc ông đã làm cho họ xúc động thích thú. Ảnh hưởng của ông đối với nhóm sinh viên Ấn độ thật sâu đậm và rộng lớn.


Nhiều người lãnh đạo của cộng đồng Cơ đốc giáo sau này đều xuất thân từ nhóm sinh viên Cao Ðẳng St. Stephen. Hễ khi nào có dịp nghỉ hè, họ thích kéo nhau lên vùng Kotgarh để sống chung với người bạn trẻ Sundar. Thỉnh thoảng Susil Rudra viết thư cho Sundar báo nhiều tin tức rất đặc biệt về nhóm sinh viên đã kết ước với nhau, chẳng hạn như:


“ Samuel đã bỏ việc trong chính phủ và dâng mình hầu việc Chúa.”


“ Amrit Singh đến Kotgarh hôm qua mang một người thượng trên lưng. Anh đã tìm thấy người đó nằm trên đường rừng vừa đi cỡ hai dặm, đang rên rỉ vì bịnh dịch. Dĩ nhiên những kỳ công lao lực đó do sự cố gắng làm cho được nhưng cũng bởi can đảm mà dù có nặng cũng lao lực đó thành nhẹ”.


“ Theofilus đã thức trọn ba đêm ngồi bên khu của những người quét đường, chăm sóc một người phu bị dịch tả. Và anh có biết không, Theofilus thường nghĩ về những người bần cùng như những người phu quét đường bên lề xã hội này”.

Những tên tuổi có thể bị thay đổi nhưng những việc xảy ra và nhiều việc khác nữa như thế đều là chuyện thật. Ảnh hưởng bên sau của những câu chuyện này là làm cho chàng thanh niên trẻ tuổi áo vàng vừa mới trở lại quyết định một chuyến du hành mùa hè từ Kalka đến Tây Tạng lần nữa.

MAHARISHI TẠI KAILAS ( 1912)

Năm 1912,sau khi ông hoàn trả chứng chỉ truyền đạo cho Giáo hội, có vài việc đặc biệt xảy ra. Sundar định vào Tây Tạng bằng một con đường chẳng quen thuộc ngang qua vùng Kailas danh tiếng phía bắc của Garwal, xem như núi Olympus của Ấn độ. Nơi đây tất cả đều vắng vẻ tịch mịch. Ngang qua cao nguyên này, những băng cướp giựt thường chờ sẵn để cướp các đoàn hành hương và những đoàn người Tây Tạng đi buôn từ phố chợ Gianame. Cũng tại đây, người ta thuật lại rằng có thánh nhân đã từ bỏ thế gian để trầm tư và cầu nguyện. Sundar hy vọng ít ra cũng gặp được một vài người trong bọn họ đang khi đi ngang qua đó để vào Tây Tạng.

Vẻ đẹp của thiên nhiên làm rung động tâm hồn ông, nhưng dù là tay leo núi vậm vỡ dẻo dai, thời tiết khắc nghiệt và con đường đèo dốc có thể đánh ngã ông cách dễ dàng. Cuối cùng mệt mỏi vì leo trèo, lê thê gót chân trên mỏm đá lởm chởm và vách đứng cheo leo, mắt không còn thấy xa vì tuyết trắng che phủ chói mắt, ông bị ngã nhào, rớt té và bất tỉnh bao lâu không rõ. Nhưng khi mở mắt ra, Sundar kinh hoàng thấy trước mắt một sinh vật tóc tai bù rối, mặt mày nhăn nheo với bộ áo lông làm bằng da thú màu nâu che thân như một con dã thú. Chỉ khi nghe tiếng nói thì Sundar mới nhận ra là một ông già đặc biệt chưa từng thấy. Sundar còn quá yếu vì lạnh không đủ sức để bò tới trong khi sinh vật đáng tởm đó tiếp tục xông tới gần và cho ông một ít lá cây và ra dấu bảo ăn. Sundar e dè nhai thử, một luồng máu ấm chạy suốt cơ thể lạnh buốt giúp cho ông có sức ngồi dậy và đưa mắt nhìn quanh. Bỗng nhiên sinh vật đó nói làm cho Sundar rất ngỡ ngàng:


“ Chúng ta hãy cầu nguyện”


Sundar quỳ xuống bên cạnh vị ẩn tu này, lắng nghe lời cầu nguyện kỳ diệu và được kết luận bằng câu nhân danh Jesus. Sundar vô cùng kinh ngạc vì tình cờ không phải chỉ tìm thấy cái hang của thánh nhân mà còn thật sự khám phá vị ẩn tu đó là một Cơ đốc nhân. Sundar ở lại nhiều ngày trong hang với vị thánh nhân này và khám phá nhiều điều mới lạ qua đời sống ẩn dật và kinh nghiệm xuất thần của ông ta. Nhưng khải tượng được ông ta kể lại xác chứng cho Sundar như đọc đoạn sách Khải Huyền. Thật ra vị thánh nhân này từ chối nhắc lại cuộc sống lạ lùng nhưng một số câu chuyện được người ta kể lại đã được công bố về sau mà không được Sundar xác nhận.

Người ta biết đến vi thánh nhân này qua các truyền thuyết về ông như các vị “Maharishi”. Họ kể rằng ông đã sống tại vùng cao nguyên Kailas này đã được khoảng ba thế kỷ. Ông sinh ra vào thế kỷ 17 tại Alexandria, Ai cập trong một gia đình theo Hồi giáo rất nghiêm khắc. Ðể tìm kiếm sự bình an, ông vào tu viện Dervish nhưng càng học kinh Coran bao nhiêu ông càng không được thỏa mãn với tôn giáo của Mahommed bấy nhiêu. Cuối cùng ông tìm thấy một thánh nhân tên là Yemaus, cháu của thánh St. Francis Xavier, đến từ Ấn độ và đang giảng đạo tại Ai Cập. Nhờ đó ông chấp nhận vào Cơ đốc giáo. Những lời phúc âm trước đây đã từng thách thức Sundar nay được thánh nhân này nhắc lại như : Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng , hãy đến cùng ta” và “ Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài... ”Ông đã đi theo truyền giáo nhưng sau đó từ giã thầy rồi đi về hướng đông. Nhận thấy Ấn độ đầy dẫy tội lỗi và đau thương, khoảng ba trăm năm trước ông đã tìm nơi ẩn dật này trên cao nguyên Kailas và sống cho đến ngày nay.



Ðể chứng minh cho câu chuyện khó tin này, nhà ẩn tu vào trong xó góc của hang trọ kéo ra quyển Kinh Thánh cuộn tròn viết bằng chữ Hy lạp cổ xưa và xác nhận rằng thánh Francis Xavier, một nhà truyền giáo trứ danh của thế kỷ 16 đã từng là chủ nhân của nó trước đây.

Câu chuyện như thế được Sundar kể lại sau chuyến đi về từ Tây Tạng. Sundar xác nhận đã có hai lần thăm Maharish nhưng không có ai khác để nhận ra hang trọ của thánh nhân nằm ở đâu. Mặt khác, có một kỹ sư Hoa kỳ và một giáo sĩ Tin lành xác nhận đã có gặp những vị ẩn tu như ông ta trên dãy núi Kailas, đồng thời những lái buôn người Tây Tạng nói rằng các dân làng của họ cũng nhắc đến các Maharishi này.

HỘI TRUYỀN GIÁO SANNYASI

Trong chuyến truyền giáo tại Benares cho những người hành hương tìm sự xá tội bằng cách tắm tại dòng sông thánh Ganges, Sundar tin chắc rằng có nhiều người chú tâm nghe dù đôi khi gặp ngăn trở bằng bạo lực. Nhân dịp này, có vài người nói rằng họ không đủ lời lẽ để đối đáp cùng ông nhưng trên mạn ngược bên bờ sông có một Sannyasi, một thánh nhân như ông thừa sức để biện luận. Ông tò mò tìm đến. Khi đã gặp nhau rồi, thánh nhân đó trước hết lấy ngón tay che miệng Sundar rồi sau đó để trong miệng mình ngụ ý nói rằng lời nói của hai người như nhau. Mấy người đi theo hết sức ngỡ ngàng. Thánh nhân Sannyasi rao truyền về Chúa Jesus như Sundar đã nói với họ một giờ trước đây. Sundar nghỉ lại một đêm với thánh nhân Sannyasi trong cái chòi tồi tệ bên bờ sông và khám phá ra rằng không phải chỉ có một mình ông mặc áo cà sa đi giảng đạo Chúa tại Ấn độ mà Ðức Chúa Trời đã dùng đời sống của những thánh nhân như Sannyasi rao truyền danh Chúa.

Trên toàn quốc có nhiều thánh nhân như Sannyasi, làm môn đồ của Chúa Jesus một cách kín đáo. Họ xác nhận chính thánh Thô-ma (sứ đồ của Chúa Jesus) vào thế kỷ thứ nhất đã xây dựng đời sống đức tin cho họ và ở rải rác khắp nơi có khoảng giữa 20,000 và 40,000 môn đệ.

Sundar cũng có dự các thánh lễ với họ tại một nơi mà bên ngoài xem như là một miếu thờ Ấn độ giáo. Bên trong các nghi lễ Cơ đốc như báp têm, tiệc thánh, thánh ca bằng các bài thơ Ấn độ và thờ phượng thì hoàn toàn theo lối Ðông Phương. Ðặc biệt khi cầu nguyện, họ nằm mọp xuống trên sàn nhà trước nơi thánh, nơi mà Ấn độ giáo thường để tượng thần.

Sundar cố gắng thuyết phục họ nên tuyên bố công khai họ là Cơ đốc nhân. Họ đoan chắc với ông rằng họ đã từng làm việc cách hữu hiệu hơn khi họ là môn đồ bí mật, được người ta chấp nhận như là các Sadhu bình thường nhưng lôi kéo tâm hồn người ta đến với đức tin thật trong tư thế sẵn sàng chờ ngày khi tình thế cho phép môn đệ có thể lộ diện công khai.

Nhiều người khác, ngoài Sundar, cũng có gặp hội truyền giáo Sannyasi. William Carrey, nhà truyền giáo vĩ đại nhất hậu bán thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 đầu tiên xây dựng công việc truyền giáo Tin lành tại Bengal có xác nhận cũng có gặp hội truyền giáo Sannyasi.

SUNDAR SINGH CHẾT ? (1912)

Sáu người trong số bạn bè của Sundar nhận được điện tín cùng một ngày, phát xuất cùng một nguồn và người ký tên là Smith: “ Sundar đã ngủ yên trong Chúa!”

Lời lẽ này làm cho mọi người tin rằng Sundar Singh đã chết. Sau khi tìm hiểu các thánh nhân ẩn tu Maharishi và khám phá về những bí mật của hội truyền giáo Sannyasi, Sundar tìm đến Canon Sandys thuộc Calcutta, để mong được đi British Columbia. Có một kế hoạch gửi người Cơ đốc Ấn độ đến rao giảng cho 4,000 người Sikh đang sống bằng nghề gỗ tại đây. Ai có thể tốt hơn Sundar Singh, là một người Sikh đã từng đương đầu với những điều kiện gian lao khó khăn nhất? Dầu vậy chính phủ Canada cuối cùng từ chối cấp chiếu khán nhập cư và một lần nữa Sundar lại phải trở về Ấn độ.


Trên chuyến hành trình từ Calcutta về Bombay, Sundar nhớ lại lần trước cũng bị bác đơn xin đi Palestine và khi ông rời Bombay hướng về miền Bắc lòng ông tràn đầy ước mơ và ôm ấp giấc mơ ấy. Tại trường Cao đẳng St John ở Lahore, ông đã đọc đi đọc lại cuốn sách: “ Noi gương theo Ðấng Christ” của Kempis . Ðời sống của ông không phải là không thể giống Chúa. Con cáo và con chó rừng đều có hang để ở, nhưng Sundar giống như Chúa Jesus chẳng có chỗ mà gối đầu. Ông dứt khoát từ chối mang theo tiền, vì chính Chúa Jesus cũng bảo các sứ đồ Ngài làm như vậy. Sự bị chối bỏ, sự khổ nạn, sự đi lại rày đây mai đó phản ảnh chức vụ của Chúa Jesus tại Palestine. Lòng mong ước sâu đậm nhất của ông là cùng đồng chịu đau thương, thống khổ với Chúa Jesus Christ. Ý nghĩ này chiếm hữu ông cho đến nỗi những bạn thân của ông biết rằng ông rất thỏa lòng tử đạo vì Chúa. Một vài người còn tìm thấy nỗi buồn của ông khi ông đã trải qua tuổi ba mươi và bị bắt buộc phải sống lâu hơn Chúa của mình.

Khi Sundar đến gần Hardwar, một thành phố thánh của Ấn độ giáo gần Dehra Dun, Sadhu hợp với một người Anh cũng như ông đi về miền Bắc. Người ngoại quốc này cho biết mình là một y sĩ và bảo Sundar rằng ông đang trên con đường tiến đến tham gia vào giáo lệnh của tu viện Công giáo La Mã tại vùng Tây bắc. Cấp bằng y sĩ của ông có thể chẳng liên hệ với ngành thuốc. Một vài người sau này gặp lại ông, nhận biết ông là một thầy tu. Trong khi họ cùng đi đường, Sundar tiết lộ chương trình của mình.

Sundar nghĩ rằng như Thầy của mình, trước khi đi vào chức vụ phải kiêng ăn. Sự thiếu xót này, ông muốn bù đắp lại, mà cũng chẳng phải sự bắt buộc mù quáng về câu chuyện Chúa Jesus, nhưng để làm sống lại phần tâm linh và để tăng thêm sức lực cho ý thức về sự hiệp một của Ðức Chúa Trời. Người bạn đồng hành cố gắng thuyết phục ông đừng theo đuổi ý tưởng đó. Thật hiển nhiên rằng từ nhiều năm nay Sundar Singh đã tiêu hao quá nhiều sức lực và chẳng còn sức nào để chịu đựng nổi sự kiêng ăn bốn mươi ngày đêm như Chúa Jesus. Sundar từ chối nghe theo lời bàn và khi họ phân rẽ nhau, Sundar đi vào khu rừng rậm trải ra giữa Hardwar và Dehra Dun.

Sau đó vị “ y sĩ “ đó, người bạn đường, gửi sáu điện tín yêu cầu trưởng ty Bưu điện gần đó chuyển đi.


Họ công bố Sundar đã chết.


Ðược tin này các bạn của ông đều bàng hoàng. Những lời cáo phó xuất hiện trên các báo chí. Người ta bắt đầu lạc quyên lập quỹ cho việc kỷ niệm tại hai nơi Simla và Calcutta. Các buổi lễ tưởng niệm đã được tổ chức. Quốc gia Ấn như mất đi một người con thân yêu. Thư từ điện tín, điện thoại những lời thăm dò bủa ra tại Bưu điện nhưng thật ra chẳng tìm đâu được câu trả lời thỏa đáng. Mọi sự bàn tán cũng chỉ căn cứ vào mấy bức điện tín gởi từ Bưu điện do một người mặc áo choàng đen thanh nhã kia. Còn quá sớm để Sundar đến được Tây tạng và trong mọi trường hợp, các bạn bè đều biết chuyến hành trình của ông bắt đầu vào mùa hè. Nếu Sundar còn sống, ông có thể bày tỏ để các bạn bè đừng sốt ruột và ngăn ngừa báo chí ồn ào.

Ðột nhiên tin tức bay đến Dehra Dun.


Một vài nông dân, dọn đường ngang qua rừng để đốn tre tình cờ gặp được một người đàn ông nằm chết trên một con đường nhỏ. Họ làm một ổ rơm với các thanh tre làm cáng khiêng Sundar về một giáo khu Tin lành thuộc Annfield. Chẳng ai nhận ra con người có thân xác gầy còm tiều tụy đó cho đến khi tìm thấy cuốn Kinh Thánh Tân Ước có ghi tên Sundar Singh nằm trong túi áo cà sa vàng đã bạc màu.

Nhiều ngày qua Sundar được chăm sóc và sức khỏe trở lại bình phục, có thể nói năng và cho biết việc đã xảy ra làm sao. Bansi, cậu con trai của Mục sư Dharamjit, chăm chú nghe và lấy tin thông báo cho mọi người.

Sundar kể lại ông tìm được một nơi thuận tiện và ông biết rằng mình có thể sẽ không đếm được bao nhiêu ngày, nên ông đã dùng bốn mươi viên sỏi để cứ mỗi buổi sáng ném đi một viên. Thoạt tiên, trầm tư thật dễ dàng, rồi những ngày trôi qua, sự yếu sức bao phủ làm mờ tâm trí. Các cảm giác về sinh lý không còn nhạy bén nữa, trong khi tri thức thuộc linh hoạt động mạnh mẽ, một cảm giác bình an và phước hạnh tuyệt diệu xâm chiếm tâm hồn ông. Tuy nhiên cơ quan thính giác của ông bị ảnh hưởng mà mắt ông lại sáng hơn. Những thú rừng đến đánh mùi hôi người ông ngay cả một con báo cũng đến ngồi nghỉ bên cạnh chỗ nằm của Sundar mà chẳng làm hại chút gì. Ông trở nên quá yếu không còn sức để ném các viên sỏi qua một bên. Rồi một ngày, tất cả đều tối tăm.

Không ai biết Sundar đã kiêng ăn trong bao nhiêu ngày. Ngay cả chính ông cũng không nhớ nữa. Các bác nông phu đã không quan tâm nhận diện bao nhiêu hòn sỏi còn lại khi bắt gặp ông nằm ngất xỉu. Chắn chắn không được bốn mươi ngày. Có thể ngắn hơn, tuy nhiên Sundar Singh luôn luôn xác nhận sự hoàn toàn cô lập và sự thấm thấu vào Thần Linh của Ðức Chúa Trời. Tất cả làm sáng tỏ bao nhiêu nghi ngờ và đem lại cho ông một năng lực mới trọn đời.

Sundar chỉ mới hai mươi bốn tuổi, còn trẻ để quay về để được ca tụng và nhận mọi phúc lợi do thế giới Tây phương hay Ấn độ đem tới. Nhưng Sundar không thay đổi con người tu sĩ đơn giản hành khất, khiêm nhường và khôn ngoan để biết rằng sự kiêng ăn có thể đã đạt được vài mục đích mà Sundar đã định tâm tìm kiếm.

Ông bình phục nhanh chóng vì ông có một thể chất đặc biệt. Trước tháng Ba, ông đã dự tính một chuyến hành trình hằng năm qua Tây tạng.

Khác với mọi lần, năm nay có nhiều chuyện lạ khác làm cho các bạn bè ông bối rối. Từ ngày ông băng qua những dãy núi, có nhiều điều đáng lo xảy ra. Dân làng từ chối tiếp đón Sundar. Ông như bị chìm trong sông băng giá chảy xiết. Thực phẩm thì khan hiếm. Ông bị ném đá và bị đối xử tồi tệ. Các đạo sư Larma và những thầy tư tế để cho dân chúng được tự do khủng bố. Ðiều này chứng minh rằng câu nói: “ rao giảng Phúc âm ở Tây tạng đồng nghĩa với sự chết” càng trở nên rõ ràng hơn . Tuy nhiên sự chết đối với ông không phải là mối kinh hãi vì ông đã nhiều lần sắp chết và thoát chết.
Cuộc hành trình thảm khốc lên đến cực điểm tại thành phố có tên là Razar, một vùng hỗn độn với những căn nhà tồi tàn dơ bẩn và một tu viện có tường cao, kiên cố ngự trị. Sundar khởi sự rao giảng tại khu chợ trời, tối đến ngủ tại một Serai công cộng, một khu đất không có mái che, nơi dành cho các lái buôn và gia súc cùng trọ với nhau qua đêm cho ấm. Tin tức về sự giảng đạo của Sundar đầu tiên lôi kéo đám đông chú ý nhưng sau một thời gian ngắn tin đó đến tận Larma Trưởng khiến vị đạo sư này giận dữ vừa sợ hãi lẫn lộn.

Vào một buổi sáng, người lính của tu viện chạy đến đám đông, túm lấy Sundar kéo ông đến một phiên tòa. Larma ngồi trong một phòng rộng lớn, các thầy tu mê tín khác vây quanh. Có nhiều mặt nạ hình quỷ thần treo trên tường nhìn xuống. Sundar biết vụ án chỉ có một kết thúc. Hung ác là cái nhãn hiệu của người Tây Tạng, bằng mọi cách, mọi giá phải áp đảo cho đối phương sợ, các thể thức hành hình đều được minh họa rõ tinh thần tôn giáo của họ.

Vụ xử án trở thành vụ hành quyết bằng một trong hai cách: Tử tội bị quấn chặt trong một mảnh da thú tươi và ướt rồi cho đem phơi nắng. Sức nóng của mặt trời làm co rút tấm da và siết chết người bên trong một cách đau đớn chậm rãi . Cách thứ hai là tử tội bị ném vào một cái giếng sâu không nước đã có sẳn một số xác người dưới đáy bị ném xuống trước đây. Tự nhiên kẻ bị ném xuống giếng sẽ chết vì đói khát và nhiễm độc.

Sundar bi họ lôi đến một cái giếng, nắp giếng được mở ra. Sau khi bị đám đông cho nhiều trận đòn: họ đánh đấm cho đến khi rớt xuống giếng sâu. Rồi tiếng chìa khóa trong ổ khóa nghe kót két và nắp giếng đóng kín lại. Mùi hôi thúi tại nơi ghê tởm này làm Sundar buồn nôn. Nơi đây chất chứa xương thịt của những người đã chết hay vừa chết đang tan rữa ra. Sundar cầu nguyện một cách tuyệt vọng cho một sự giải cứu.

Sự giải cứu sẽ đến như thế nào, ông không có ý kiến. Một cánh tay bị gãy, vả lại cũng chẳng có cách nào để leo lên miệng giếng. Dù có thể trèo lên được, ông cũng không thể ra khỏi miệng giếng được vì chính Larma Trưởng đã lấy chiếc chìa khóa cất dấu kỹ ở đai nịt kêu leng keng dưới áo của ông.

Giờ trôi qua và ngày qua ngày. Ðã ba ngày ba đêm trôi qua trong nơi tối om hôi hám không khí không chịu nổi ngột ngạt nặng mùi tử khí. Thình lình có tiếng động trên miệng giếng. Tiếng chìa khóa trong ổ khóa và nắp giếng được mở ra nghe cọt kẹt vì bản lề bị ten rỉ lâu rồi. Chốc lát sau, một sợi giây thòng xuống chạm vào mặt Sundar. Ở đầu giây có một cái vòng. Ông xỏ hai chân vào tròng, choàng mình vào, nắm chặc lấy sợi dây và nhận biết được kéo lên một cách chậm rãi. Lên đến trên, ông ngã lăn ra trên đất và hít thở khí trời trong lành của đêm hôm thanh tịnh. Nhưng khi ông nhìn quanh, ông chẳng thấy người giải cứu mình đâu cả.

Sundar, người tu sĩ áo cà sa vàng đau đớn vì các vết thương chậm chạp bò đến Serai công cộng không mái che để ráng nghỉ qua đêm. Trời vừa sáng, ông tìm cách tắm gội cho hết mùi hôi hám dính vào áo, rồi trở lại khu chợ trời giảng đạo.

Một tiếng đồng hồ sau, một số thầy tu hung hăng kéo đến tràn vào khu chợ nhỏ xíu đó, bắt Sundar một lần nữa, xô đẩy ông qua đám dân bối rối hoang mang tiến thẳng về tu viện. Sundar lại đứng trong phòng lạnh ngắt như lần rồi trong khi Larma trưởng cứ chất vấn đi đi lại lại. Ai đã giúp ông trốn thoát? Người giúp là đàn ông hay đàn bà? Làm sao họ lấy được chìa khóa? Dĩ nhiên câu hỏi chính là : Làm sao chúng lấy được cái chìa khóa và nó bây giờ đâu rồi? Chỉ có một cái chìa khóa duy nhất cho cái giếng mà Larma trưởng giữ mà thôi. Larma trưởng kéo vạt áo lên, đứng thẳng dậy và lôi chùm chìa khóa đeo bên hông của ông.


“ Chỉ có một chìa khóa duy nhất cho cái giếng mà thôi. Nó phải ở đây. Ai ăn cắp để thả anh? làm cách nào ?”


Larma có dáng người Mông cổ bỗng nhiên có vẻ bí hiểm. Ông ta trở nên hung dữ đối với các thầy tu đang đứng chờ nhưng trong lòng ông sợ sệt.


“ Kéo người này đi đi... Kéo nó ra xa khỏi thành phố... Thả nó đi...và đừng bao giờ cho nó bén mảng tới Raza nữa!”


Chiếc chìa khóa của cái giếng vẫn còn nằm y nguyên trong chùm chìa khóa của ông.

THÀNH TRÌ PHẬT GIÁO ( 1914-1918)

Tây tạng không phải là quốc gia duy nhất nguy hiểm và cấm giảng Phúc Âm. Sundar Singh, một con người mạo hiểm, đã tìm kiếm khắp nơi. Tờ tường trình về một bộ lạc không hiếu khách, một biên giới ngăn chận hay một nước mà đạo cứu rỗi của Chúa Giê su Christ chưa được rao giảng đối với ông là một thách thức không thể lẩn tránh được. Sundar tin tưởng rằng Ðức Chúa Trời sai phái ông tới những chỗ không ai có thể đến gần được, nơi mà các nhà truyền bá Phúc âm khó xâm nhập vào được. Chính Chúa sẽ chăm sóc ông. Ý thức được điều này, có nghĩa là Ðức Chúa Trời sẽ cho ông sự can đảm, khả năng chịu đựng và lòng bình an. Ðiều đó không có nghĩa là ông sẽ tránh khỏi khó khăn ngay cả sự chết nữa.


Ông thường bảo: “Chúa Jesus phán cùng chúng ta rằng môn đồ thì không hơn Thầy, sứ giả không thể hơn người sai mình" ( Giăng 13:16) Khi chúng ta từ giã cõi đời này, chúng ta không còn cơ hội thứ hai mang thập tự giá của Ngài. Vì vậy, chúng ta hãy mang nó với tất cả tấm lòng vui mừng ngay bây giờ ”.

Ông thường đối diện với sự chết. Những dấu chân hiên ngang của ông qua các vùng rừng rú trong các hang động và tại các túp lều bỏ hoang nơi ông làm bạn với các thú rừng. Thiên tai đe dọa, tuyết giá,băng trụt của Hy mã lạp sơn có thể cầm chân ông lại tại Tây tạng. Sundar bình thản cho biết rằng ông chẳng bao giờ sợ sệt khi các điều này xảy đến.

“ Thật dễ chết cho Chúa. Nhưng rất khó sống cho Ngài” Ông tâm sự với bạn bè.


Thật ra sự chết khó mà chiếm hữu ông cách dễ dàng trong đời sống lúc bấy giờ trừ khi nó đến bất ngờ. Sundar cao 1.83m ( 6 feet) với vóc dáng phương phi. Sự lưu hành trường kỳ của ông vào đủ các loại thời tiết đã làm cho thể xác ông cứng cáp hơn và ánh sáng rạng rỡ sâu thẳm trong đáy mắt màu nâu của ông như ngọn lửa không bao giờ tàn, ngụt cháy trong tâm linh. Ông cậy dựa rất ít vào thực phẩm và thuốc men vì ông đã từng học được những huyền bí của rừng rú của những người đã từng sống trong đó mà chẳng cần đến những xa hoa. Sức chịu đựng của ông thật kinh khủng. Ông được hướng dẫn bởi sự đam mê ấy cho việc phục vụ Chúa của ông. Thật khó có thể tưởng tượng nổi nếu không phải là Sundar Singh thì chẳng ai có thể sống được như vậy. Tuy nhiên chẳng có sự náo nhiệt, cũng không có sự vẻ vang nào về ông. Sự can đảm, sức mạnh của ông được dùng trong thế cân bằng với những lúc trời quang mây tạnh.

Sự thanh tịnh của tâm hồn ông, hay vui cười và đặc biệt thường đáp ứng lúc cần vui với những người chung quanh. Tình trạng tiến hay thối của ông cũng phát xuất từ bản tánh tự nhiên và qua lối sống hằng ngày. Tất cả điều đó làm cho nhiều người kết luận rằng: “ Sundar có nhiều điều giống Chúa Jesus hơn bất cứ một người nào mà chúng ta từng quen biết”. Họ khám phá rằng sự mầu nhiệm nằm phía sau những đặc tính ưu tú này là những điều đến từ Chúa Jesus san sẻ qua ông. Giống như chủ của mình, ông biết về giá trị, nhu cầu thiết yếu về sự lặng thinh và trầm tư.

Rời Kotgarh, ông lên vùng cao nguyên và bặt tăm đôi ngày. Khi nào ở chung với các bạn tại những nơi bận rộn, ông thường lén đi riêng ra xa một lúc, không để ai quan tâm đến mình. Ông ít khi trầm tư trọn cả ngày vì là một người lưu hành đó đây không cho phép ông có những thói quen thường xuyên. Dầu vậy, ngay trong khi một mình đi bộ là lúc ông có cơ hội để trầm tư tĩnh nguyện.

Ông hay có thói quen dậy sớm đọc một chương trong Kinh Thánh. Sundar ít khi tỏ ra một cách công khai đời sống tin kính của mình, dù rằng các bài thuyết giảng của ông là kết quả của sự trầm tư và cầu nguyện. Sundar là một con người luôn luôn cởi mở với tất cả bạn bè.

“Dậy sớm, tôi khởi sự đọc một chương trong Thánh Kinh. Tôi ghi chú vào tâm trí những câu gợi ý”. Sundar giải thích cho bạn về phương cách trầm tư của mình. “ Rồi khi tôi lặng lẽ đọc trọn chương, tôi trở lại từng câu và suy gẫm lời Chúa, từng câu một. Sau khi rút tỉa hết mọi điều mà Chúa muốn truyền cho tôi qua những câu Kinh Thánh này, lúc bấy giờ tôi dùng chừng mười lăm phút “ tập trung tư tưởng” cho lời cầu nguyện”.

“ Tôi không có một tư thế đặc biệt nào cho sự cầu nguyện. Tôi có thể ngồi, hoặc quỳ hay đứng. Tôi không dùng lời nói. Tôi chỉ nghĩ về những điều mà tôi vừa đọc, về những điều tôi đã làm, về những điều tôi định làm, về những người tôi biết, về chính tôi và về Chúa Jesus. Những tưởng nghĩ đó là lời cầu nguyện của tôi”.

Giữa Ấn độ và Tây tạng là những chỏm núi cao ngất của dãy Hy mã lạp sơn, từ cao nguyên Simla trải dài cả trăm dặm đến Assam, có những đồi và thung lũng thuộc những tiểu quốc Garhwal, Bhutan, Nepal và Sikkim. Trong vùng những biên giới đó, có những cảnh trí tuyệt diệu nhất thế giới. Những thung lũng phì nhiêu lượn xoắn vòng: bên dưới bờ rừng cao nguyên, trên cao là những chỏm núi nhọn hoắt của dãy núi cao nhất thế giới. Qua những cánh rừng và dọc theo những sườn đồi quanh năm tuyết phủ, đó là con đường mòn chật hẹp và nguy hiểm dẫn đến Tây tạng. Sadhu Sundar dùng con đường mòn này làm con đường thay đổi dẫn từ Kotgarh, vì ông đã trở nên một nhân vật có tiếng tăm trên những con đường biên giới. Nhiều người Tây tạng cũng đã muốn ngăn chặn ông vĩnh viễn ở ngoài quốc gia họ bất cứ khi nào họ có thể làm được. Cả hai con đường dẫn đến Tây tạng và những chuyến đi đặc biệt, Sundar đi giảng đạo ngang qua những thành trì kiên cố của Phật giáo.

Biết bao nhiêu chuyện có thể kể lại về những cuộc hành trình thách thức với sự chết.
Tại Kantzi, khi đang rao giảng tại chợ trời, Sadhu Sundar bị đám đông giận dữ tấn công tới tấp, đánh cho đến bất tỉnh mới thôi. Họ nhặt thân xác mềm nhũn của ông rồi bó tròn với cái mềm. Số người tụ tập ở chợ trời mỗi lúc một đông hơn la ó ồn ào. Tất cả chen lấn muốn nhìn cho được mặt của thánh nhân áo vàng, người đã bạo gan xâm nhập vào xứ họ mà giảng Tin lành, một thứ đạo ngoại quốc. Cuối cùng họ léo nạn nhân ra khỏi thành. Họ kéo xác ông vào rừng. Những người Mông cổ mập lùn đứng nhìn đám người hành quyết Sundar. Chẳng còn lối trốn thoát nào cả. Họ vấn tròn và cột chặt cái mềm một lần nữa như liệm xác cho ông. Ðoàn dân mong cho có đỉa, bò cạp, rắn chui vào cái thân xác bầm dập trong cái mềm đó để hút máu hay cắn rứt cho chết. Chắc chắn có những con báo đang lang thang tìm mồi đêm nay...

Sadhu Sundar buông xuôi, dần dần hồi tỉnh, chẳng biết mình đang ở đâu. Các vết thương đau nhức, miệng khô khan. Ông tìm cách duỗi thẳng chân tay nhưng không cọ quậy được. Trên những cành cây cao, ông thấy những chùm trái cây chín ngon ngọt treo lửng lơ, chờ bàn tay đến hái. Ông giựt mình thấy đau nhức trên chân vì có con bò cạp bò qua. Không xa, có tiếng gầm của con báo rừng. Ông tưởng nhớ lại những khuông mặt hung dữ của đoàn dân và các thầy tu khi thấy con người mặc áo cà sa vàng mà giảng Phúc âm của Chúa Jesus. Sundar bất tỉnh trở lại.

Lúc sau, ông tỉnh lại ông nhận biết có người đang rửa mặt cho mình. ông duỗi thẳng tay và cảm thấy được thong thả. Những trái cây treo lơ lửng trên cành mấy giờ trước đó thật kỳ diệu thay đang ở trong tay ông từ lúc nào. Các vết thương đã được băng bó. Tiếng gầm của thú rừng văng vẳng đàng xa, chung quanh đó đây trong rừng, ông nghe có tiếng giao động. Trong bóng tối mập mờ, thật là khó khăn nhận diện được hai người đang đứng gần ông. Họ là những cái bóng không hơn không kém, khi họ đưa ông qua nơi an toàn bên kia bờ rừng. Chắc họ là những thiên sứ! Thật vậy, ông vẫn nghĩ thế, họ như được Ðức Chúa Trời sai đến. Chắc họ đã giãi phóng cho ông một cách kỳ diệu. Nhưng ông biết họ là ai vì họ đã nói nhỏ vào tai ông trước khi từ giả. “ Chúng tôi là những tín đồ bí mật, hội viên của Hội truyền giáo Sannyasi ”.

Dạo nọ tại Srinagar thuộc Garhwal, một nhóm thanh niên trẻ tuổi hung hăng khủng bố ông bằng cách đưa một học giả Ấn độ đến để đối chất Sundar về giáo lý vừa được rao giảng. Chính học giả này lại gia nhập vào Hội Truyền Giáo ấy và xác nhận cũng sẵn sàng đứng chung với Sundar để rao giảng Phúc âm cho mọi người muốn nghe.
“ Ðã có nhiều người như chúng tôi, Thầy biết không, Sadhufi ( Thầy thân mến), vị học giả xác nhận. Họ là những tín đồ bí mật, hội viên của Hội Truyền giáo Sannyasi mà Thầy đã từng gặp ở Benares, lúc dọn đường cho Chúa.”

Họ chuyện trò với nhau và cùng tâm tình với những người có cảm tình cho đến trăng lên. Hội truyền giáo Sannyasi cũng cứu sống Sundar tại Gurkka thủ đô Nepal, nơi Phật giáo có một lực lượng hùng hậu trên những dãy đồi núi và thung lũng lố nhố những đền miếu, có một vài nơi thờ phượng rất thiêng liêng và có vài nơi khác có tiếng là thờ quỷ, thoái hóa như bên Tây tạng.


Các ngọn Everest và Kanchinjunga vượt lên trên không trung cao hơn cả thành phố Ghum nho nhỏ. Ðây là một nơi Sundar đã rời người bạn Tây tạng Tharchin để tiến vào vùng đất cấm: làng Ibom.

Sau khi đến đây vài ngày, nhiều khốn đốn đã xảy ra không thể nào ngờ được. Ðầu tiên, Sundar bị bắt bỏ vào tù, nhưng chính là kinh nghiệm đem lại cho ông tràn đầy niềm tin vui mừng- vui mừng vì chịu khổ vì Chúa Jesus. Trên cuốn Tân Ước, chữ Urdu , ông viết: “ Sự hiện diện của Ðấng Christ đã biến đổi cảnh lao tù của tôi thành ra nơi thiên đàng phước hạnh. Có cái gì giống thiên đàng bằng chính nó!” Sundar vui mừng đến nỗi ông ca hát và rao giảng thâu đêm qua cửa sổ nhỏ xiú của cái phòng giam đầy bọ chét. Ðám đông trong khu chợ trời miễn cưỡng lắng nghe. Lời ông theo sát họ khi họ đi ngang qua phòng giam. Biến cố này xảy ra làm cho nhà cầm quyền bối rối. Quan Tòa triệu tập lính gác cấp tốc. Họ đột nhiên vào phòng giam lôi Sundar ra, kéo đến sân tòa án. Họ ném Sundar trên tấm ván nhám sì rồi bắt đầu cột chặt ông vào tấm ván đó, cũng cách xử giống như xử các tù nhân Tây Phương bị cột vào các đòn cây. Cánh tay ông bị kéo thẳng lên trên đầu và người ta cột thật chặc các bàn tay vào tấm gỗ rồi đưa về lại chỗ cũ. Một trong những người lính mở cửa trại tù và ném cái khung gỗ có Sundar bị cột tay chân ra giữa chợ. Trời nắng như thiêu đốt. Tội nhân phải chịu sức nóng mặt trời, đói khát, đau nhức vì những vết thương trên người.

Ðám đông vừa la hét như điên loạn vừa đấm đá vào thân xác ông đang nửa sống nửa chết đang bị cột chặc vào khuôn gỗ. Họ yên lặng khi Sundar bắt đầu hát khen ngợi Chúa Jesus. Những thầy tu và lính gác say máu độc ác ném cả đỉa- loại đỉa hút máu người và súc vật- trên thân xác nằm sải dài của tù nhân. Người ta yên lặng ngắm nhìn những con đỉa bò vào thân trần trụi của Sundar hút máu, rứt rỉa dưới làn da thịt đang run rẩy. Chân tay và thân thể bể gãy khắp nơi sưng lên và máu me tràn ra dưới ánh mặt trời.

Sundar không ngừng ca hát và rao giảng về hạnh phước theo Chúa. Ðoàn dân lắng nghe với vẻ hoài nghi. Ông lại bất tỉnh khi bị họ kéo xốc xếch vào rừng bên kia thành phố ném vào đống rác phế thải cho chết.

Ðêm hôm ấy, từ trong số năm bảy nhà, có những cái bóng di chuyển trong đêm trăng mờ. Những nguời nam nữ kéo đến cứu, mở ông ra khỏi khuông gỗ, băng bó các vết thương và đưa ông đến chỗ an toàn. Một lần nữa, Sundar kể lại cho Tharchin khi lảo đảo đi vào Ghum. Những người cứu mạng ông lại là những Cơ đốc nhân thuộc Hội truyền giáo Sannyasi. (còn tiếp)

Tác giả : Cyril J. Davey
Soạn dịch: cố Mục sư Trần Như Biên