Phải chăng Thượng Đế không muốn con người hạnh phúc?
Có một điều quan trọng cần quan sát ở đây mặc dù có nhiều dấu hiệu của Đức Chúa Trời trong thiên nhiên, chúng ta cũng chẳng bao giờ có thể biết được một cách chắc chắn từ thiên nhiên rằng Ngài hiện hữu hay Ngài trông như thế nào. Câu hỏi được đặt ra từ hàng thế kỷ trước: “Há có thể hiểu biết được sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, và thấu rõ Đấng Toàn Năng sao?”( Gióp G 11:7). Câu trả lời là không! Nếu Đức Chúa Trời không bày tỏ chính Ngài, chúng ta cũng quờ quạng trong sự mập mờ và phỏng đoán mà thôi.
Rõ ràng ngày hôm nay trong vòng những người tin vào Đức Chúa Trời có rất nhiều ý tưởng xa lạ về Đức Chúa Trời.
Chẳng hạn như một vài người tin rằng Thượng Đế không muốn con người được hạnh phúc. Người ta xem Ngài như người trên ban công thiên đàng tìm kiếm bất cứ ai có vẻ như đang tận hưởng cuộc đời thì truyền lệnh phải chấm dứt.
Một số người khác nghĩ về Thượng Đế như một người cha rất giàu tình cảm ở trên trời, vừa vuốt râu vừa nói: “Con cái bao giờ cũng là con cái!” Bất kể bạn đã làm gì đi nữa thì cuối cùng cũng chẳng sao. Thượng Đế đối với tất cả mọi người như nhau.
Nhiều người khác lại nghĩ về Ngài như một trái banh lửa khổng lồ và chúng ta như những tia lửa nhỏ dần dần cũng sẽ bị hút trở lại phía trái banh khổng lồ đó. Còn có những người, như Einstein, nghĩ Đức Chúa Trời như một sức mạnh hay trí lực vô ngã (impersonal mind).
Đối với các nhà duy thần (deist), Đức Chúa Trời tạo dựng nên thế giới nhưng chưa bao giờ xâm nhập vào nó. Ngài lên dây cót cho đồng hồ rồi để nó chết mà không lên dây lại.
Tuy nhiên, đối với những người hữu thần (theist), Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo và Đấng điều hành; Ngài có liên hệ cách cá nhân với công trình sáng tạo của Ngài trong khi bày tỏ chính Ngài.
Herbert Spencer, một trong những người truyền bá thuyết bất khả tri một thế kỷ trước đây, đã nhận xét rất chính xác rằng chẳng bao giờ có ai thấy một con chim bay ra được ngoài từng không gian. Do đó, ông dùng loại suy để kết luận rằng con người hữu hạn cũng không thế nào xâm nhập vào cõi vô hạn được. Ngay khi Đức Chúa Trời có hiện diện đi nữa thì chúng ta cũng không bao giờ biết Ngài một cách cá nhân hay biết bất cứ điều gì về sự hiện hữu của Ngài.
Spencer đã đúng khi quan sát loài chim không bao giờ bay ra khỏi không gian. Sự quan sát của ông đúng nhưng kết luận của ông bỏ sót một khả năng lựa chọn quan trọng: Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa vô hạn, có thể xâm nhập vào sự hữu hạn của chúng ta - Đấng vô hạn đã bước vào cõi hữu hạn, do đó việc liên hệ với chúng ta là điều Ngài rất thích làm. Dĩ nhiên, đây là điều Chúa đã làm.
Đức Chúa Trời đã bước vào cõi hữu hạn
Như tác giả sách Hê-bơ-rơ đã viết: “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập nên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian” (Hê-bơ-rơ 1:1-2).
Qua suốt lịch sử, Đức Chúa Trời đã chủ động trong việc tương giao với loài người. Sự mạc khải trọn vẹn nhất của Ngài là việc Ngài bước vào lịch sử nhân loại qua con người của Đức Chúa Giê-xu Christ. Ngay điểm này, về khía cạnh nhân cách của con người, chúng ta có thể hiểu được Ngài vì Ngài đã từng sống với chúng ta.
Nếu bạn muốn biểu lộ tình thương của bạn cho một bầy kiến thì làm sao bạn có thể làm điều đó một cách hữu hiệu nhất? Cách rõ ràng tốt nhất là bạn trở thành một con kiến. Chỉ với cách này sự hiện hữu và hình dáng của bạn mới có thể tương giao một cách đầy đủ và hữu hiệu. Đây chính là điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta để chúng ta có thể nhận biết Ngài một cách rõ ràng. J. B. Philips đã nói rất thích hợp: “Chúng ta là một hành tinh được viếng thăm”. Câu trả lời hay nhất và rõ ràng nhất để chúng ta biết tại sao có một Đức Chúa Trời, ấy là Ngài đã viếng thăm chúng ta. Những dấu hiệu khác chúng ta bàn đến chỉ là những đầu mối và gợi ý mà thôi. Điều xác nhận cách thuyết phục là sự giáng sinh, sự chết và phục sinh của Chúa Giê-xu Christ.
Những đời sống được thay đổi
Những bằng chứng khác về sự hiện hữu hiển nhiên của Đức Chúa Trời là sự hiện hữu rõ ràng của Ngài trong cuộc sống của những người đàn ông và đàn bà ngày hôm nay. Nơi nào người ta chịu tin nhận và nhờ cậy Đức Chúa Giê-xu Christ, thì con người được biến cải sâu xa và cuối cùng cả cộng đồng xã hội ấy cũng được thay đổi. Một trong những ví dụ rất cảm động về sự kiện đó đã do Ernest Gordon, một tù binh trong chiến tranh sau trở nên giáo sĩ của trường đại học Princeton, kể lại. Trong cuốn sách Ngang Qua Thung Lũng Sông Kwai (Through the Valley of Kwai) ông đã thuật lại các tù binh trong thế chiến thứ hai bị người Nhật Bản giam tại Mã Lai hầu như bị biến thành thú vật như thế nào. Họ lấy cắp thức ăn của những người khác cũng đang chết đói như họ. Nhưng rồi trong cơn tuyệt vọng của mình, các tù nhân quyết định rằng đọc Tân Ước sẽ là điều tốt cho họ.
Vì Gordon đã tốt nghiệp đại học, nên họ nhờ ông hướng dẫn việc đó. Ông vốn là người theo chủ nghĩa hoài nghi, và những người yêu cầu ông hướng dẫn cũng là những người chưa tin Chúa. Nhờ nhận lời mời, ông và nhiều người khác đã tiếp nhận Đấng Christ, và làm quen với Ngài trong toàn thể vẻ đẹp và quyền năng của Ngài từ những lời lẽ rõ ràng đơn sơ của Tân Ước. Làm thế nào một nhóm người ăn cắp và cấu xé nhau như thế lại được biến đổi thành một cộng đồng đầy yêu thương là câu chuyên đầy cảm động và quyền năng, chứng tỏ rõ ràng sự thực hữu của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giê-xu Christ. Nhiều người khác trong xã hội hiện nay, trong những điều kiện ít bi thảm hơn cũng đã kinh nghiệm những thực tế như vậy.
Do đó, cả trong công trình sáng tạo, lịch sử, và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày đều chứng tỏ rằng có một Đức Chúa Trời, và người ta có thể căn cứ vào kinh nghiệm bản thân để biết được Ngài.