Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

LENA MARIA



Tác giả: Lena Maria
Lời mở đầu

1. “Dù Thế Nào, Nó Vẫn Cần Một Mái Ấm Gia Đình”
2. Ngón Chân Cái Của Tôi Ôm Lấy Bình Sữa
3. Giúp Đỡ Mà Không Cản Trở
4. Phần Chân Giả và Một Chiếc Que Rất Giá Trị
5. Đường Đến Trường
6. “An Ninh Hơn Hết”
7. Như Cá Dưới Nước
8. Hướng Về Thế Vận Hội Seoul
9. Với Những Bài Ca Và Đàn Điện Tử
10. Không Phải Là Lena Johansson Cụt Tay
11. Với Mục Tiêu Trong Tầm Nhìn - Nhưng Tại Sao?
12. Điều Tôi Học Được Tại Ấn Độ
13. Sayonara - Nước Nhật Trong Lòng Tôi
14. Chúng Tôi Chỉ Là Bạn
15. Ngài Đã Thấy Tôi Trước Khi Tôi Sinh Ra

Lời Mở Đầu

Khi tôi gặp một người mới quen, họ thường đưa tay ra để chào và bắt tay tôi nhưng chỉ nhận lại được một tiếng chào mà thôi. Vài người mau chóng lấy lại được bình tĩnh, rút tay lại và chào tôi bằng một nụ cười hoặc ôm siết lấy tôi một cái. Một số khác trở nên ngượng ngùng quá đỗi và không biết làm thế nào để thoát khỏi tình huống vô cùng lúng túng đó.

Nhiều năm sau, thỉnh thoảng những người như vậy đến hỏi tôi có còn nhớ hoàn cảnh lúng túng khi tôi gặp họ lần đầu tiên đó không, bởi vì họ đã không chào tôi đúng cách. May mắn thay, tôi không luôn nhớ những trường hợp như vậy. Tôi không thể bắt tay mọi người bởi vì tôi không có cánh tay nào cả.

Người ta phản ứng bằng nhiều cách rất khác nhau đối với tôi và khuyết tật của tôi. Vài năm trước đây một bà đã đến gặp tôi để cho tôi ít tiền bởi vì bà cảm thấy thương hại cho tôi.

Khi tôi còn là một đứa bé và cùng đi ăn với cha mẹ tôi trong một nhà hàng, thói quen ăn uống của tôi gây nhiều chú ý cho đám trẻ ở một bàn kế cận đến nỗi chúng rút tay ra khỏi tay áo thun của chúng, đưa chân lên bàn và thử ăn giống như cách tôi ăn. Tôi nghĩ phản ứng của chúng thật hay, mặc dù đã làm cho bố mẹ chúng nó cảm thấy lúng túng.

Thật là lợi điểm khi không có cánh tay và bàn tay vì sẽ chẳng bao giờ làm mất nhẫn hoặc găng tay. Một lần nọ, khi tôi còn nhỏ và chơi đùa ở nhà một người bạn học, cha tôi đến đón tôi. Tôi đội mũ mặc áo và mang giầy trong khi mẹ của bạn tôi phải chạy vòng quanh tìm kiếm găng tay để mang cho tôi.
Cha tôi nói: “Ô cháu nó không cần đâu.”

Người mẹ kia nói: “Nhưng bên ngoài lạnh quá, cháu hẳn phải cần găng tay chứ.”
Tuy nhiên, cuối cùng thì bà ta cũng nhận ra ngay rằng tôi không cần găng tay...
Và khi lên lớp Sáu, tôi có người giúp đỡ rất tốt bụng, cô mua cho tôi một món quà Giáng Sinh. Ngày trước lễ Giáng Sinh cô ấy mới sực nhớ ra sai lầm của mình: cô đã mua cho tôi một chiếc nhẫn!... Cô bèn phải vội chạy trở lại tiệm và mua cho tôi một chiếc vòng đeo cổ thay vào đó.
Một trường hợp khác, tôi nhớ rằng mình mang một chiếc lắc trên cổ chân phải. Lúc bấy giờ, mang một chiếc lắc như vậy thật là khác thường, một bạn học đến và hỏi tôi tại sao tôi lại đeo lắc quanh cổ chân như vậy mà không đeo trên tay.

Tôi nói: “Nếu đeo như vậy thật khó cho tôi...” và hai má cô ta đỏ lên dần.
Những chuyện như vậy thường làm tôi buồn cười. Ít nhiều thì tôi cũng thật sự thích thú khi thấy người khác mắc lỗi ngớ ngẩn như vậy.
Không phải vì tôi muốn họ phải cảm thấy lúng túng, nhưng bởi vì nó bày tỏ rằng họ đã không chú ý, hay không nghĩ gì về sự kiện tôi là kẻ khuyết tật. Thật tuyệt diệu khi những người đã quen biết tôi một khoảng thời gian rồi thì xem tôi và sự khuyết tật của tôi theo cùng một cách như tôi suy nghĩ. Thường thì họ quên mất khuyết tật của tôi.

Trong sách này tôi muốn thuật với bạn một ít về chính mình tôi và những điều đã góp phần cho sự hiện hữu và con người của tôi ngày nay. Trong khi viết những dòng chữ này thì chẳng bao lâu nữa tôi sẽ được ba mươi tuổi, nhưng tôi đã kinh nghiệm thật nhiều điều sung sướng - và thật nhiều điều mà có lẽ không ai có thể tưởng tượng được khi tôi mới chào đời.
Lẽ tự nhiên sự khuyết tật của tôi đã chi phối tôi nhiều mặt, nhưng tôi cũng chịu ảnh hưởng thật nhiều bởi âm nhạc và việc ca hát cũng như tất cả mọi điều đã đến với đời sống tôi qua âm nhạc và sự nghiệp ca hát đó. Tôi cũng chịu ảnh hưởng bởi những thành công của mình trong việc bơi lội, chịu ảnh hưởng của gia đình và bạn hữu, và của đức tin của tôi nơi Đức Chúa Trời. Đây là những điều mà tôi muốn nói với các bạn trong sách này.

Viết sách thật là một kinh nghiệm mới mẻ đối với tôi, tôi chưa từng tập làm điều này nếu không có sự giúp đỡ của Inger Lundin. Tôi muốn dùng cơ hội này để gởi đến cô ấy một lời cảm ơn nồng nhiệt!

Tôi sẽ quá khoe khoang khi gọi câu chuyện của tôi là “Hồi Ký” cho dù có lẽ nó cũng không sai. Nhưng nó thật sự chỉ là một vài ghi chú và suy nghĩ về cuộc đời mà tôi đã sống qua.
Chúng là những lời ghi chú viết bằng chân (Footnotes) của tôi.
Lena Maria Klingvall


“DÙ THẾ NÀO, NÓ VẪN CẦN MỘT MÁI ẤM GIA ĐÌNH”

Không ai nói gì cả.
Ngay sau khi tôi vừa được sinh ra, bà mụ ôm lấy tôi xoay qua hướng khác, đặt tôi vào trong một chiếc khăn và mang tôi vào một phòng kế cận. Mọi sự diễn ra thật nhanh. Phòng sinh đông chật những người. Dĩ nhiên, có mẹ tôi, bà mụ và cha tôi bên cạnh mẹ và lúc ấy có đông đảo các bác sĩ, y tá đang làm những công việc thường nhật của họ quanh đó. Nhưng mọi sự đã diễn ra hết sức mau chóng, tất cả những người đến thăm đều được hướng dẫn ra ngoài, cha tôi cũng được bảo phải ra ngồi tại phòng đợi và mẹ tôi được ở một mình. Không ai nói điều gì cả.
Hôm đó là 28 tháng 9, lúc 8 giờ sáng, và tôi mới vừa được thấy ánh sáng ban ngày.

Không ai nghĩ rằng tôi không giống những trẻ khác. Không ai có thể tưởng tượng rằng tôi bị “dị dạng”. Việc mang thai bình thường trong mọi sự như điều người ta có thể nghĩ đến. Dĩ nhiên mọi sự này đã diễn ra trước khi công cụ siêu âm chẩn đoán bào thai trở thành thông dụng trong việc chăm sóc sản phụ trước khi sinh, cho nên không hề có điều bất thường nào được phát hiện trước cả.

Việc sinh nở thật khó khăn cho mẹ tôi là bà Anna. Khi nước trong bào thai vỡ ra vào chiều 26 tháng Chín, mẹ tôi đã đến phòng hộ sinh bệnh viện Jưnkưping. Cha tôi là Rolf chỉ mới vừa được phục viên sau một tháng thi hành nghĩa vụ quân sự tại Uddevalla. Mẹ tôi cảm thấy nhẹ nhỏm và vui mừng khi biết cha tôi đã về bởi vì việc sinh nở rất khó nhọc. Một đêm, một ngày, rồi một đêm nữa đểø rồi sau ba mươi bốn tiếng đồng hồ cực nhọc thì tôi mới sinh ra.

Mình tôi dài 48; cm nhưng chỉ nặng có 2,4; kg. Ở chỗ mà đáng ra phải có hai cánh tay thì không có gì cả. Cánh vai của tôi kết thúc bằng hai mẩu tay cụt nhỏ xíu. Chân phải của tôi xem ra rất bình thường, nhưng chân trái chỉ độ nửa kích thước chân phải mà thôi. Bàn Chân trái của tôi nhô ra dường như thẳng đứng và nằm dọc theo chân tôi. Hơn nữa, khi mới sinh, mặt tôi tái mét. Có thể cũng có những thương tật nào bên trong chăng? Tôi sẽ chết hay là sẽ sống còn? Ban Giám Đốc Bệnh Viện không rõ. Đây là lý do khiến họ phải đem tôi sang một phòng khác.

Khởi đầu cha mẹ tôi chẳng hiểu gì cả. Bởi vì tôi là con đầu lòng cho nên họ không có kinh nghiệm nào về điều thường diễn ra sau khi sinh, mặc dù ở tại bệnh viện Jưnkưping hay bất cứ nơi nào khác. Cho nên việc đem tôi sang một phòng khác và cha tôi được mời ra phòng đợi là những điều họ nghĩ là bình thường.

Sau một vài giờ, bác sĩ đến giải thích về trường hợp tật nguyền của tôi, ban đầu cho cha tôi trong phòng đợi và rồi sau đó cho mẹ tôi. Bác sĩ cho họ biết điều đã xảy ra và cố gắng làm điều đó một cách hết sức êm dịu, tự nhiên. Ông cho họ uống thuốc an thần. Bác sĩ không thể bảo đảm việc tôi có thể sống còn cho đến khi nào họ kiểm tra xong những bộ phận bên trong có bị tổn thương hay không. Họ cho biết rằng nếu tôi sống thì có khả năng họ phải đưa một đứa khuyết tật nặng nề như vậy vào viện từ thiện.
Cha mẹ tôi đang phải thực hiện một quyết định khó khăn.

Bác sĩ nói rằng: “Ông bà sẽ phải cân nhắc việc chăm sóc cho cháu bé này, nếu ông bà phải tự mình làm điều đó thì ít nhất phải là 20 năm trường ròng rã.”
Mẹ tôi đã quá mệt mỏi sau khi sinh tôi ra và trí óc không được minh mẫn lắm bởi vì bà đã được cho uống chi đó, chẳng hạn như một viên thuốc trấn thống, đến nỗi lúc đầu bà không hiểu gì hơn là đã có một điều gì đó bất ổn. Mẹ tôi đã không hiểu rõ được sự việc cho đến khi cha tôi đến và giải thích lại một lần nữa cho bà. Nhưng cả hai người vẫn chưa được trông thấy tôi.
Ba ngày tiếp sau đó trở nên vô cùng nặng nề đối với họ. Điều đáng ra phải là một thông điệp vui mừng cho những người bà con thân thuộc nay đã trở thành một tin tức buồn bã. Cha tôi điện thoại cho những người thân thích của chúng tôi. Ông bà ngoại của tôi và dì của tôi là Brita đã đến bệnh viện ngồi bên giường của mẹ tôi khóc lóc. Tôi có sống được không? Cuộc đời của tôi rồi sẽ thế nào? Hình trạng của tôi thật sự ra sao? Và Đức Chúa Trời có ý gì khi để cho mọi việc diễn ra như thế? Cha mẹ tôi đều là những Cơđốc nhân, là những thành viên tích cực trong một hội thánh địa phương, họ có đức tin mạnh mẽ trong Chúa, nhưng lúc này có rất nhiều tư tưởng thoáng qua tâm trí của họ. Khi cha tôi từ bệnh viện trở về nhà lần đầu tiên sau khi tôi sinh ra, ông quì gối xuống bên giường và cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Tôi biết ông có hàng loạt những thắc mắc phải hỏi Chúa, và ông đã thưa với Chúa rằng bây giờ Ngài hẳn phải chăm lo về tương lai sắp đến.

Cha mẹ tôi cố gắng an ủi lẫn nhau. Không lâu sau đó mẹ tôi phải bắt đầu vắt sữa của bà cho tôi. Tôi được nuôi bằng thứ sữa này trong khu vực riêng nơi tôi ở, và điều này đã là một bước tiến triển. Tôi có thể giữ được thức ăn và bộ máy bên trong đã hoạt động.

Cuối cùng, ba ngày sau ba mẹ tôi đã được cho phép nhìn thấy tôi. Mẹ tôi, vẫn còn yếu ớt sau khi sinh nở, đã được đẩy trong một xe lăn tay đưa đến khu vực tôi đang nằm. Họ có vẻ hơi nôn nóng. Từ những lời mô tả của bác sĩ về tình trạng tật nguyền của tôi, họ không biết phải trông đợi điều gì đây.
Họ đã nhìn thấy tôi xuyên qua khung kính trong. Ở đó, đang nằm trong một cái nôi là Lena Johansson, 2,4 kg, đang chu miệng mút và trông có vẻ khỏe mạnh như bất cứ em bé nào. Họ cảm thấy rằng tôi có vẻ dễ thương, tốt đẹp hơn điều họ đã được cho biết trước rất nhiều!

Tôi không biết rõ, nhưng nghĩ rằng chính lúc đó là lúc cha mẹ của tôi đã quyết định họ sẽ tự lo việc chăm sóc và nuôi dạy tôi lớn lên. Đó không phải là điều gì được chấp nhận một cách tự nhiên. Nhiều người đã nói về viện từ thiện, và cả cha mẹ tôi đều nhận thức rõ rằng một đứa khuyết tật nặng nề như tôi sẽ đồng nghĩa với vô số công việc phải làm.
Tôi nghĩ chính phán đoán của cha tôi đã khiến cho quyết định nầy được xác lập:
“Có tay hay là không tay, dù thế nào nó cũng vẫn cần một mái ấm gia đình.”

NGÓN CHÂN CÁI CỦA TÔI ÔM LẤY BÌNH SỮA
Tại sao tôi lại sinh ra như thế?
Nhiều người tin rằng tôi đã bị tổn thương bởi vì thuốc thalidomide, là thuốc an thần có những hiệu ứng phụ khiến cho một bào thai không phát triển một cách bình thường, kết quả là không hình thành được cánh tay và chân. Nhưng đây không phải là nguyên nhân cho trường hợp của tôi. Khi mẹ tôi mang thai tôi, loại thuốc đặc biệt nầy đã bị cấm. Tất cả những lời tranh luận trên báo chí và truyền hình đã khiến cho mẹ tôi cẩn thận phòng ngừa nên bà đã không dùng bất cứ loại thuốc nào trong thời gian mang thai. Trải qua một thời gian dài y giới hoàn toàn lúng túng, nhưng đến nay họ tin rằng tôi là một trong cơ may rất hiếm hoi của những người bị sinh ra cho dù tôi thật sự “không nên sinh ra.” Khi một bào thai bắt đầu phát triển một cách sai lầm, cơ thể của người mẹ thông thường sẽ đào thải nó. Tuy nhiên trong một số các trường hợp rất hiếm, hệ thống đào thải tự nhiên của thân thể đã không hoạt động, và việc mang thai cứ tiếp diễn để đến chỗ hoàn tất. Đó là lý do mà tôi đã sinh ra.

Hàng loạt những cuộc điều tra đã được thực hiện tại bệnh viện. Nhưng sau hai tuần lễ tôi đã được cho phép về nhà. Mẹ tôi có ý tưởng là tôi mang một bản tánh vui vẻ từ lúc ban đầu, điều này có lẽ đúng. Tại sao tôi lại không hạnh phúc? Tôi khó có thể biết rằng mình thiếu thốn những phần cơ thể nào đó, và tôi đã không bị tổn thương bất cứ chỗ nào. Tôi đã học tập nhanh hơn hầu hết mọi người để lăn tròn từ ngửa qua sấp ở trong giường bởi vì tôi không bị những cánh tay cản trở. Rồi tôi nằm sấp trên bụng mình tò mò nhấc đầu lên nhìn xung quanh xuyên qua thành nôi. Các bắp thịt cổ của tôi là một điều gì đó thật đáng kể.

Dĩ nhiên tôi đã sử dụng chân của mình thật nhiều. Nếu bạn quan sát một em bé trong một khoảng thời gian, bạn sẽ khám phá rằng nó nắm giữ đồ vật bằng cả tay lẫn chân. Khi những trẻ khác phải học sử dụng tay của chúng càng ngày càng thêm, thì tôi bắt đầu phát triển những công việc của bàn chân. Sau năm tuần lễ tôi đã bắt đầu chơi với thú nhồi bông bằng bàn chân của mình, và tôi cũng đã có thể mút ngón chân cái của tôi bất cứ khi nào tôi muốn làm điều đó. Sau một thời gian, mẹ tôi khám phá ra rằng nếu có một dải băng cao su quanh bình sữa và được gắn dính với ngón chân cái của tôi thì tôi có thể hoàn toàn tự bú lấy bình sữa của mình. Tôi thích làm điều đó. Tôi đã phát triển và học hỏi nhiều điều mới, mặc dù có lẽ tôi không học những điều đó theo cùng một tốc độ của một đứa trẻ trung bình.

Đối với mẹ tôi, năm đầu đời của tôi thật sự là nặng nhọc. Bà là người chăm sóc tôi nhiều hơn ai hết và đã cho phép tôi làm quen với môi trường xung quanh. Cha tôi ngần ngại làm điều này và có lẽ nguyên nhân cũng rất dễ hiểu. Bất cứ nơi nào mẹ tôi đem tôi đến thì bà đều phải gặp sự dòm ngó, tò mò, những lời bình phẩm và những câu hỏi ngớ ngẩn. Khi tôi phải đem đến bệnh viện để được kiểm tra lại lần đầu tiên sau khi sinh, mẹ tôi đã yêu cầu một thời điểm để không có bất cứ các bậc cha mẹ và trẻ con nào ở đó. Bà đã được dành cho một thời điểm mà không có ai khác hiện diện. Tuy nhiên, nhân viên y tá của vùng đó đã nói chuyện lâu với mẹ tôi về tầm quan trọng khi bước vào tương lai, những lúc sẽ phải có những người mẹ khác cùng con cái của họ ở đó. Vị y tá này bảo rằng những người khác cũng cần phải thấy rằng họ không thể đòi tất cả mọi người đều phải giống nhau.

Trước khi được hướng dẫn đến cho bác sĩ khám, chúng tôi yêu cầu cô y tá phải báo cho bác sĩ biết trước những điều liên quan đến thân thể của tôi để cho ông sẽ được chuẩn bị phần nào. Nhưng khi chúng tôi mới bước vào phòng, lưng của vị bác sĩ xoay lại về phía chúng tôi và ông yêu cầu mẹ tôi cởi áo cho tôi. Rồi ông ta quay lại và có lẽ đã hoàn toàn sửng sốt!
“Chao ôi! Kinh khủng quá!”

Mẹ tôi bật khóc. Cô y tá đã quên nói trước cho bác sĩ!... Mẹ tôi thấy thật là căng thẳng khi luôn luôn phải nói với những người quen biết về tình trạng khuyết tật của tôi. Bà mong muốn một cách tuyệt vọng được cảm thấy hãnh diện về tôi, nhưng điều đó đã không luôn luôn thực hiện được. Nó chỉ thỉnh thoảng xuất hiện khi có ai đó hỏi những câu hỏi thông thường mà bất cứ bà mẹ nào cũng thật vui khi trả lời:
“Cháu có ngủ ngon hằng đêm không?”
“Cháu có ăn giỏi không?”
“Cháu có lên ký không?”
“Gần đây nhất bà để ý thấy cháu phát triển được điều gì?”
Tôi biết được nhiều trò khéo làm được bằng bàn chân phải của mình và đã dần dần học để cầm đồ vật bằng vai và cằm, nhưng đối với những người quan sát thì họ chỉ mau chóng và dễ dàng chú ý vào những gì không hoạt động mà thôi.
 
Ví dụ như vấn đề của bàn chân trái. Nó bị dị dạng nghiêm trọng và nằm sát ngay bên cạnh đùi của tôi. Bàn chân thì chỉa lên. thoạt đầu, không ai nghĩ rằng tình trạng nầy có thể cải thiện được. Tuy nhiên đã có một người thấy được điều có thể làm, đó là Lars-Gưran Ottosson, bác sĩ thực tập chịu trách nhiệm về vật lý trị liệu tại bệnh viện Jưnkưping. Thật biết ơn ông vô cùng vì tôi đã được điều chỉnh cho vừa vặn với một thanh kim loại dành cho chân trái của tôi để giúp kéo nó ra cho thẳng về vị trí bình thường.
Các bác sĩ cũng đã đến để xem họ có thể làm gì hầu giúp tôi có thể cầm nắm tốt hơn bằng cằm. Tôi đã được giải phẩu để cho một trong những xương sườn của tôi có thể di chuyển lên và ở vị trí chính xác cùng một độ cao như vai của tôi. Điều này giúp tôi có được một khả năng cầm nắm với tầm hoạt động rộng hơn dựa trên vai phải của tôi. Phẩu thuật này đã được thực hiện khi tôi chỉ mới một tuổi, nhưng nó là một phương thức vẫn còn giúp đỡ cho tôi thật nhiều.

Phải mất một khoảng thời gian trước khi tôi học được cách di chuyển qua lại. Ngay từ lúc bắt đầu, trước khi tôi học được cách để ngồi dậy, tôi đã từng lăn tròn để có thể di chuyển về phía trước. Tiếp theo đó tôi phát triển khả năng di chuyển bằng mông của tôi bằng cách tự đẩy mình tiến về phía trước với sự giúp đỡ của chân phải.
Khi tôi được khoảng 3; tuổi, tôi nhận được chiếc chân giả đầu tiên dành cho chân trái của mình, lúc này chân trái của tôi đã có đủ thời gian để biến dạng theo sự uốn nắn của thanh kim loại và một dải băng và bây giờ đã trở về vị trí bình thường rất tốt đẹp. Nhưng lần tập đi lần đầu tiên thật là hết sức khó khăn. Việc nầy đòi hỏi phải có thời gian.

Cha mẹ tôi đã có ý tưởng rằng họ có thể dùng một bộ đai nịt khi họ dạy tôi đi. Bởi vì tôi không có cánh tay nào cũng không có bàn tay nữa cho nên không có gì để họ có thể vịn. Họ đã dùng một loại yên và đai thường được dùng trong các xe đẩy trẻ em để giữ các em bé khỏi bị té. Họ cũng nối một đai bằng da thêm vào giữa hai chân tôi để cho bộ yên cương đó không thể trượt lên trên đầu tôi, và nó đã đem lại sự giúp đỡ. Lại còn một sợi dây da khác dài hơn cột vào lưng để có thể giúp họ đỡ tôi và giữ cho tôi khi tôi sắp té.

Nói một cách khác, thật là “thử thách và lỗi lầm” luôn luôn, nhưng mỗi ngày thì sự việc lại tiến triển hơn một chút, và cuối cùng cho tới khi tôi đã có thể bước đi mà không cần ai giúp đỡ. Tôi giữ thăng bằng rất kém, cho nên tôi thường phải ngã nhào. Trong nhiều trường hợp tôi ngã dài. Cằm của tôi đã phải bị đập mạnh nhiều lần. Trong ngày lễ Giáng Sinh một năm nọ tôi đã trợt và té xuống một dãy cầu thang bám tuyết của những bậc cấp bằng đá và va cằm của mình vào đó một cách tệ hại đến nỗi tôi cần phải được đem đến phòng cấp cứu của bệnh viện để được may lại.
Nhưng sự kiện còn lại - đó là tôi đã đi được!


GIÚP ĐỠ MÀ KHÔNG CẢN TRỞ

Em trai tôi là đã được sinh ra khi tôi chỉ vừa mới hơn một tuổi. Cha mẹ tôi đã được khuyên phải cố gắng để có một em bé khác càng sớm càng tốt ngay sau khi tôi sinh ra để có thể so sánh sự phát triển của tôi với một đứa bé khác cùng gần độ tuổi. Những hiểu biết y khoa cho thấy sẽ chỉ có một nguy cơ rất nhỏ về đứa bé sau có thể cũng bị ảnh hưởng khuyết tật tương tự, và bảo đảm rằng đứa bé sau được sinh ra sẽ có đầy đủ tay và chân.

Khi tôi lên hai tuổi. Gia đình tôi mua một nông trại và chúng tôi đã trở thành “Mấy đứa nhà quê.” Nông trại được gọi là Nydala. Nó tọa lạc tại Klerebo ở Bankeryd, khoảng 9; dặm về phía bắc của Jưnkưping và là một nơi biệt lập và có vẻ đẹp thôn dã với cảnh quan đáng yêu bên một hồ nước. Chúng tôi sống trong tỉnh Västergưtland, dù vậy nơi ấy rất gần Jưnkưping. Chúng tôi lấy thơ ở tỉnh Småland, vì ranh giới chạy ngay giữa nhà tôi và hòm thư được phân chia bởi con đường chính.

Mẹ ở nhà trọn thời gian với tôi và Olle trong mười năm đầu đời của tôi. Bà đã từng có một thời gian làm công việc của một nhà vật lý trị liệu trước khi mang thai tôi. Bà đã sử dụng chuyên môn nghề nghiệp của mình thật tốt khi làm việc trọn thời gian trong vai trò một bà mẹ ở nhà.

Cha tôi là một cảnh sát viên hoạt động với những con chó. Vì ông phải làm việc di động theo ca, cho nên điều này có nghĩa là ông được ở nhà ban ngày rất nhiều. Cha và mẹ đã có thể cùng nhau chăm sóc cho cả tôi lẫn em trai tôi.
Tôi biết rằng người ta rất dễ nhìn về thời thơ ấu của mình trong cái nhìn lạc quan, tuy nhiên tôi phải nói rằng tôi thực sự đã rất hạnh phúc trong thời thơ ấu của mình.

Được lớn lên ở miền thôn dã, gần khu rừng và hồ nước là điều thật tuyệt diệu. Mùa hè, Olle và tôi dựng những túp lều trong rừng, hái trái dâu rừng và trái cơm nguội, chèo thuyền trên hồ trong chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi và câu cá nữa. Tôi có thể nhớ rõ con cá rô đầu tiên khi mình câu được. Sau đó chúng tôi nướng cá vào buổi chiều, và lần đầu tiên trong đời mình, tôi cảm thấy ăn cá rô thật ngon!
Chúng tôi thường đi xuống ven bờ hồ, và những khi không câu cá thì chúng tôi bơi lội, thả mình trôi trên một tấm đệm nổi căng đầy hơi, hoặc cố ruợt đuổi, đua với nhau bơi lội qua bên kia bờ hồ. Trong một vài mùa hè, cha mẹ cùng dựng một túp lều mà tôi rất thích được ngủ và thức dậy ở trong đó. Được thức dậy trong khi hơi nóng như ở trong lò lửa vì mặt trời mọc lên chiếu sáng xuyên qua vải lều thật là một kỷ niệm dễ thương.
Trong mùa đông đôi khi tôi cố gắng đi trượt tuyết. Nhưng trượt không được giỏi lắm, cho nên tôi thật sung sướng vì mẹ đã cột một miếng đệm vào cho mông tôi.

Ngoài những điều này ra có thật nhiều việc phải làm ở nhà, và mẹ cố gắng giữ cho bọn trẻ chúng tôi luôn có điều gì đó để vui thích trọn ngày. Ngoài việc làm một cảnh sát viên, cha tôi cũng làm một nông dân trong lúc rảnh rang. Điều ông thích nhất là ngựa. Ban đầu chúng tôi có những con ngựa để cưỡi và rồi những con ngựa chạy nước kiệu, và các con ngựa này chiếm phần lớn thì giờ của ông.
Nông trại cần được sửa sang nhiều khi chúng tôi mới đến, cho nên luôn luôn có những việc cần phải làm. Tôi thường lân la ở gần cha tôi khi ông làm việc ở nhà. Mặc dù tôi không phải là người giúp đỡ nhiều cho ông, tôi được phép đi theo để coi ngó và trò chuyện. Khi những người lớn lát nền cho tầng hầm, tôi ở đó với họ mang đinh và giữ những tấm ván và khi họ mang cỏ vào tôi được cởi trên đống cỏ chở bằng xe. Những khi cha tôi huấn luyện các con ngựa phi nước kiệu trên những lối mòn của khu rừng, tôi được ngồi trên chiếc xe kéo hai bánh. Tôi cảm thấy mình thật gần với cha.

Bởi vì chúng tôi sống có vẻ hơi cô lập trong vùng đồng quê, chúng tôi đã không có nhiều bạn cùng tuổi chơi đùa ở gần đó. Olle và tôi chơi với nhau hầu hết thì giờ, thường chúng tôi là những người bạn tốt. Tuy nhiên cũng như hầu hết những anh chị em ruột khác, đôi khi cũng hay chọc ghẹo nhau. Thỉnh thoảng Olle cũng thử lợi dụng hoàn cảnh một chút ví dụ như kéo ghế ngay khi tôi sắp ngồi xuống, hoặc xô tôi khi đang đi xuống lầu. Nhưng nó không thường làm điều đó. Tôi luôn luôn mạnh hơn nó, và nó biết rằng tôi có thể sử dụng những “kỷ năng” khác khi cần thiết - chẳng hạn như ném cát vào mắt nó khi chúng tôi chơi trong hố cát. Nó vẫn có thể nhớ “bàn chân phải lợi hại” của tôi, và luôn luôn để ý xem chừng để nó khỏi bị đá.
Vâng, tôi đã có một khởi đầu tốt đẹp trong cuộc sống, nhưng điều này không hẳn do nơi bầu không khí đồng quê và những trò chơi thích thú. Mà phần lớn là nhờ cha mẹ tôi.

Có một đứa con khuyết tật phải chăm sóc rõ ràng là một gánh nặng lớn lao. Đây là một thách thức mà đối với nhiều người có thể cảm thấy không chịu nổi. Tuy nhiên, ngay từ buổi ban đầu cha mẹ tôi đã quyết định phải cư xử với tôi như một đứa trẻ bình thường được chừng nào tốt chừng nấy. Họ xem tôi như con gái Lena của họ đã bị một điều bất lợi - chứ không xem tôi là một đứa con khuyết tật. Điều đáng chú ý là họ đã yêu tôi vì chính con người của tôi, chứ không phải vì những điều tôi đã đạt được, hoặc vì những điều tôi không làm được. Điều này đem đến cho tôi sự an toàn lớn lao.
Cũng như em tôi, tôi được khích lệ để sốt sắng hết lòng cho những nghề nghiệp mà tôi ưa thích. Kết quả là về cơ bản tôi không bao giờ nổi giận hoặc cay đắng về hoàn cảnh của mình, vì tôi đã không suy nghĩ về khuyết tật của mình như một điều gì đó mang tính tiêu cực. Tôi luôn luôn nghĩ rằng tôi giống như mọi người khác. Tôi chỉ làm mọi việc bằng một cách khác mà thôi.

Cha mẹ tôi đã dành nhiều thì giờ giúp tôi tự khám phá cách giải quyết nhiều việc khác nhau, thay vì đợi sẵn mỗi lúc tôi yêu cầu giúp đỡ. Điều này làm cho tôi kiên cường, và tôi luôn luôn muốn hình dung ra cách để làm chủ môi trường của tôi. Tuy nhiên, nếu tôi thất bại, hoặc không có đủ sức lực, họ luôn luôn hiện diện. Họ không ngăn cản tôi khám phá ra cái cảm giác thất vọng khi có điều gì đó tôi không thể làm. Bằng cách này tôi đã có cơ hội lớn để thành công, mà cũng thích nghi được với thất bại. Tôi cảm nhận sự an toàn khi biết rằng cha và mẹ luôn luôn ở gần.

Bởi vì việc giữ thăng bằng của tôi rất tồi, tôi thường bị té ngã. Một ngày mùa hạ nọ, gia đình tôi được mời đến thăm vài người bạn. Cha mẹ tôi ngồi nói chuyện trong vườn với chủ nhà trong khi Olle và tôi đang chơi với các con của họ trên bãi cỏ bên ngoài bỗng nhiên tôi té và la lên gọi mẹ. Tôi mong bà đến để đỡ tôi dậy. Nhưng mẹ tôi không muốn làm điều đó. Bà nói: “Nếu con bò lên hàng rào ở chỗ kia và dựa vào đó thì có lẽ con sẽ đứng dậy được.” Và tôi đã làm được như vậy!
Mẹ tôi đặc biệt chú ý vào việc tôi có thể tự giúp mình, bởi vì trong công việc của một nhà vật lý trị liệu bà đã thấy rõ một số gương xấu khi cha mẹ quá bảo vệ con cái của họ.
 
Trong những năm đầu đời của mình, tôi đã đến tham dự đều đặn ở một trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em tại Jonkobing nơi mà tôi có cơ hội gặp những đứa trẻ khuyết tật khác với trường hợp của tôi. Tại đó tôi không cảm thấy dễ chịu chút nào mà chỉ thấy chán ngán. Theo lối nghĩ của tôi về mọi sự, thì ở tại đó quá ít việc để làm. Nó đã không làm cho hoàn cảnh tốt hơn mấy ngoại trừ tất cả các đứa trẻ đều phải có một giấc ngủ trưa.
Thay vào đó, mẹ tôi cho tôi được đi với bà đến “giờ dành cho trẻ con” tại nhà thờ. Tôi cảm thấy tốt hơn nhiều khi được gặp những đứa trẻ bình thường, và tôi thấy được vui thích hơn khi chơi đùa với nhau và chơi các trò chơi khác, hát và đánh đàn.

Cha mẹ khích lệ tôi bằng cách khiến cho tôi học khám phá điều mới một cách vui thích. Ví dụ như tôi yêu thích việc được ngồi xem mẹ tôi khi bà làm những việc thủ công, chẳng bao lâu tôi cố gắng làm theo điều bà làm - mặc dù tôi làm hết thảy với đôi chân của mình. Tôi rất thích thêu thùa, và tôi có thể ngồi hằng giờ để hình dung ra cách làm điều đó. Tôi biết rõ cách mẹ tôi đã làm, nhưng bây giờ làm sao biến đổi một chút để tôi có thể dùng bàn chân của mình. Tôi thực sự hãnh diện về bức tranh gà mẹ gà con mà tôi đã thực hiện khi mới lên năm tuổi, và tấm trải bàn bằng mũi chữ thập nhỏ mà tôi đã làm cho nhà vật lý trị liệu của tôi hai năm sau đó.

Ở độ tuổi rất nhỏ, tôi đã thích vẽ và tô màu, nếu không có ai khuấy rối, tôi có thể vẽ liên tục hàng nhiều giờ, tôi cầm cây viết chì giữa ngón chân cái và ngón chân trỏ và vịn tờ giấy bằng chân trái. Nó vẫn là cách tôi thường làm. Cho nên tôi thuận tay phải hay nói đúng hơn “thuận chân phải.”
Việc cha mẹ tôi đối với tôi như một đứa trẻ bình thường thật tốt không chỉ cho tôi mà cũng cho Olle nữa. Bởi vì những người khác không luôn luôn có cùng một thái độ như cha mẹ tôi, đôi khi tôi được đối xử đặc biệt bởi vì khuyết tật của mình. Những người “cô”, người “chú” tốt bụng dúi vào tay cha mẹ tôi những món quà nhỏ nhân dịp sinh nhật của tôi. Dĩ nhiên tôi đã nhận những món quà này, nhưng cha mẹ luôn luôn để ý số lượng quà để có quà cho Olle cũng như vậy khi sinh nhật của nó đến.


PHẦN CHÂN GIẢ VÀ MỘT CHIẾC QUE RẤT GIÁ TRỊ
Tôi đã đi rất tốt bằng chiếc chân giả của mình.
Mỗi năm tôi phải đi đến Uppsala để vào bệnh viện thuộc khoa chỉnh hình hai hoặc ba lần để kiểm tra chân giả của tôi. Mỗi năm một lần - tùy nơi tôi lớn nhanh hay chậm - tôi phải thử một bộ chân giả mới.
Thật là một quãng đường xa từ Pankeryd để đến Uppsala, nhưng đó là bệnh viện chỉnh hình ở tại Uppsala đặc trị cho trường hợp khuyết tật của tôi. Mặc dù cuộc hành trình mất nhiều giờ, tôi luôn luôn cảm thấy những chuyến đi như vậy là những lần gia đình được đi chơi ngoài trời một cách đầm ấm. Nhưng trong một ít trường hợp khi phải lắp chân giả mới thì kém phần thoải mái dễ chịu hơn. Trước hết họ phủ trên người tôi một lớp thạch cao Paris ẩm ướt và âm ấm quanh cả chân trái và phủ luôn cho đến bụng tôi. Trên phần mặt trước của cánh chân, phần sát với da của tôi, họ đặt một thanh kim loại. Vừa khi thạch cao bắt đầu cứng, họ dùng một lưỡi dao bén để rạch phần mặt trước của thạch cao. Bằng cách này họ tạo nên một cái khuôn nhờ đó họ có thể dùng để làm chân giả vừa vặn cho tôi một cách hoàn hảo. Thật là thích thú khi được thấy họ làm những điều đó nhưng đồng thời tôi có cảm giác hơi buồn nôn.


Càng ngày tôi càng bước đi một cách 
khéo léo hơn với sự giúp đỡ của chân giả, và việc giữ thăng bằng của tôi trở nên mỗi ngày một tốt hơn. Ở nhà, tôi thích nhảy bằng một chân hơn, bởi vì mọi sự trở nên nhuần nhuyễn hơn khi nhảy bằng một chân. Tôi cũng học cả việc nhảy lên hoặc nhảy xuống thang cấp trong nhà tôi bằng cách nhảy hai bước một lúc và xứng đáng được tặng cho một biệt hiệu là “cô bé lò cò”. Nhưng khi tôi không ở nhà thì chiếc chân giả thật có giá trị vô cùng.
Khi tôi lên mười hoặc mười một tuổi một bệnh viện lớn đã được xây ở thành phố gần nơi tôi cư ngụ hơn: Kärnsjukhuset trong Skưvde là bệnh viện có khoa chỉnh hình riêng. Bởi vì nhà của chúng tôi ở tại tỉnh Västergưtland và chúng tôi cũng thuộc về chính hội đồng tỉnh đó, tôi không còn cần phải đi những chuyến đi xa đến Uppsala để làm dài hoặc thay đổi chân giả nữa.
Điều này đã có thể hoạt động tốt đẹp, nhưng càng ngày chúng tôi càng thấy rằng chân giả của tôi từ Skưvde đã không hoạt động tốt như những cái mà tôi đã có trước đó. Sức nặng của tôi không được phân bố chính xác và vì thế tôi bị phồng da khiến cho rất khó bước đi. Tôi đã đi đến đó nhiều lần với cha mẹ và cố gắng để cho họ làm lại chân giả hầu cho tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng chúng tôi không bao giờ cảm thấy rằng họ thực sự lắng nghe những lời gợi ý hoặc yêu cầu của tôi. Và chân giả không bao giờ hoạt động thật tốt cả.
Một ngày nọ, tôi đi ra bìa rừng cùng với một số người khác. Bỗng nhiên một cái gì đó gãy ở trong hông bên trái của tôi. Điều đó làm tôi bị đau kinh khủng. Và cơn đau này không giống bất cứ điều nào tôi đã từng kinh nghiệm trước đó, tôi không còn có thể đi và phải tháo chân giả ra. May mắn thay cha tôi đang ở đó. Ông khiêng tôi hai cây số về nhà.
Có lẽ chúng tôi cần phải đi đến bệnh viện nhưng cả cha mẹ tôi và tôi đã không còn tin cậy nơi bệnh viện Skưvde nữa. Tôi hoàn toàn từ chối đi đến đó và cha mẹ rất thông cảm.

Tuy nhiên cơn đau thật khủng khiếp. Tôi ngồi bất động trong ba ngày ba đêm trên một chiếc xe đẩy, bởi vì tôi không thể vào giường hoặc xuống khỏi giường mà không làm cho cơn đau gia tăng. Tôi không thể cử động được gì cho đến đêm thứ tư thì tôi mới có thể di chuyển một cách chậm chạp lên giường nhưng mỗi khi tôi di chuyển thì chân trái của tôi co giật rất mạnh và khiến cho tôi phải bị đau quá chừng. Phần duy nhất trong thân thể tôi có thể di chuyển được đó là cái đầu, và điều duy nhất mà tôi đã làm trong những ngày đó là đọc sách và cuốn Kinh Thánh thực sự là cuốn sách ưa thích của tôi trong thời gian này.

Hai năm trôi qua, tôi phải ngồi trên một chiếc xe đẩy. Cơn đau ở hông trái của tôi dần dần biến mất, nhưng tôi từ khước mang chân giả bởi vì điều đó chỉ khiến cho tôi thêm đau đớn. Tôi phải thừa nhận rằng ngồi trên xe lăn thật là phức tạp hơn, nhưng nó cũng tốt cho tôi để có thể nếm mùi cuộc sống ở trên xe đẩy là thế nào. Trong một vài trường hợp lại cũng có thể là một điều tiện lợi nữa. Bởi vì tôi không còn đứng ở trên chân của mình và như thế bây giờ tôi có thể dùng chân thay thế cánh tay một cách thường xuyên hơn. Khi tôi đi mua sắm ở một vài tiệm và chuẩn bị trả tiền, tôi không còn phải yêu cầu người thâu ngân lấy giùm tiền ra khỏi túi của tôi nữa. Tôi đã có thể đếm tiền dễ dàng bằng chân của mình. Tuy nhiên cũng có vài điều khác nữa mà tôi cần phải học, mặc dù tôi có ngồi trên xe lăn tay hay không.
Ý tưởng làm thế nào mình có thể tự thay đồ đã đến với tôi trong khoảng thời gian hai tuần lễ mùa hè ở tại nhà phục hồi chức năng ở Bräcke Ưstergård ở tại Gothenburg.

Nhiều người bạn khuyết tật của tôi đã nói về Bräcke như là một nơi kinh khủng mà họ phải đi đến đó khi bố mẹ của họ cần có một thì giờ nghỉ ngơi hay là một thời gian nghỉ hè, và nhiều người trong số đó cảm thấy thật khó thích nghi với tình trạng “bị bỏ xó.” Tuy nhiên điều này đối với tôi chỉ là vui thích mà thôi! Bởi vì cha mẹ của tôi không bao giờ làm cho tôi nghĩ rằng họ cần phải nghỉ giải lao hoặc nghỉ hè để tránh khỏi tôi. Khi tôi nghe về Bräcke và những điều một người có thể làm tại đó thì tôi rất thích thú. Một mùa xuân nọ khi tôi cùng đi với mẹ tôi đến xem một cuộc triển lãm về thị cụ của trường Bräcke tôi đã gặp một vài người trong ban quản lý và tôi rất yêu mến họ. Rồi khi mùa hè đến, tôi đã trải qua hai tuần lễ thật tốt đẹp tại đó.
Với sự giúp đỡ của một nhà vật lý trị liệu, tôi đã cố gắng tự mình mặc và thay áo quần. Áo thun thật là dễ dàng. Để mặc nó, tôi chỉ kéo nó qua khỏi đầu bằng sự giúp đỡ của chân tôi. Áo khoác thì chẳng có gì khó khăn cả. Tôi cởi nút bằng chân và rồi tôi kéo nó qua khỏi đầu cũng bằng cách tôi đã làm với áo thun. Nhưng để mặc và cởi đồ lót ra, quần và những đồ bơi là việc khó khăn hơn nhiều bởi vì bàn chân của tôi không thể chạm đến thắt lưng. Đôi khi tôi đã phải cố gắng để kéo quần lên bằng cách nghiêng người dựa trên một đồ gì đó có thể bám dính, ví dụ như cạnh bàn của tôi, nhưng áo quần của tôi không thể bám chặt được đủ. Có thể nào dùng một cái móc để làm việc này không?

Chúng tôi cố gắng bằng cách bắt vít một cái móc vào trong tường, điều này được thực hiện một cách tốt đẹp. Nhưng nan đề là tôi không thể mang một cái móc như vậy theo mình luôn luôn và rồi tôi phải bắt vít vào trong tất cả các bức tường của nhà vệ sinh và những phòng thay đồ bất cứ nơi nào tôi đi. Sáng kiến này cần phải phát huy thêm một chút nữa, và sau khi có một vài suy nghĩ, tôi khám phá ra rằng giải pháp tốt nhất có lẽ phải là một cái que đơn giản, có một cái móc đủ dài và có cán để miệng tôi có thể giữ được.
Nghĩ vậy là thực hiện ngay! Một chiếc que như thế đã được làm cho tôi và nó đã hoạt động rất tốt ngay từ khi tôi bắt đầu thử nó lần đầu. Từ đó trở đi tôi luôn luôn có cái que có móc đem theo bất cứ nơi nào tôi đi. Thỉnh thoảng tôi cũng bỏ quên nó, nhưng những khi ấy tôi đã sử dụng bất cứ điều gì có sẵn. Ngày nay tôi biết rằng một cái móc áo thay thế cho cái que đó cũng hoạt động rất hoàn hảo. Một cái giá móc áo thì vụng về hơn và đòi hỏi phải mất nhiều thì giờ hơn mới có thể thay đồ, nhưng ít nhất là nó đã giúp tôi có thể tự lo khi phải viếng thăm nhà vệ sinh một mình mà không cần ai khác giúp đỡ.

ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG
Tôi nghĩ rằng cha mẹ đã hồi hộp hơn tôi bội phần khi đến thời điểm tôi phải đến trường.
Chúng tôi đến sân trường trong một thì giờ tốt nhất. Những đứa trẻ khác cùng bước vào năm đầu tiên bậc tiểu học đã đến cùng với cha mẹ của chúng, và một lúc lâu sau thì cả sân trường đầy người. Phần lớn bọn trẻ đều nhìn tôi, dĩ nhiên hầu hết chúng đều nhìn và tự hỏi tại sao tôi như vậy. Sau một thời gian vài đứa có đủ can đảm và tiến đến để nói chuyện, hỏi han tôi. Tôi nghĩ rằng mình đã trả lời tất cả những điều gì có thể trả lời. Và khi chúng đã quen thuộc với khuyết tật của tôi, thì điều đó thành ra tự nhiên đối với chúng, và tôi cũng như bất cứ đứa nào khác trong đám bạn của chúng.
Tôi được đóng cho một cái bàn học đặc biệt, nó có độ cao như là một chiếc ghế, và ở phía trên của chiếc bàn là một giá sách, nơi mà tôi đặt những cuốn sách học của mình. Theo cách này thật dễ dàng cho tôi có thể lấy sách bằng chân của mình. Khi thầy giáo hỏi một câu hỏi,và chúng tôi phải giơ tay lên để trả lời, thì tôi đưa chân lên và quơ bàn chân - nếu tôi biết câu trả lời là....
Trước đây tôi phải có một người giúp đỡ riêng ở trong nhà trẻ. Pia Lundstrưm là tên của cô, và cô đã tiếp tục giúp đỡ tôi cho đến khi tôi lên năm. Cô thật là một sự giúp đỡ lớn lao cho tôi khi cần phải làm một số điều mà tôi không thể làm được, nhưng tôi đã cố gắng để tự lo được chừng nào tốt chừng nấy, và tôi muốn như vậy; tôi nghĩ điều đó thật vui mừng; cha mẹ tôi luôn luôn cẩn thận nhắc nhở điều này cho tất cả những người lớn có liên quan đến tôi, kể cả những người ở trường cũng như những người ở bên ngoài trường học: “Hãy để cho Lena tự làm cho nó được đến đâu tốt đến đấy, đừng giúp đỡ Lena những điều không cần thiết.”

Tôi rất thích trường học, mặc dù lẽ tự nhiên ở đó có nhiều điều mới lạ. Nếu lúc nào đó tôi có phải buồn, là bởi vì tôi cảm thấy không ai có thể làm bạn thân nhất của tôi. Trong trường tiểu học có rất nhiều bé gái có thể đi bách bộ quanh trường với bạn thân nhất của nó, nhưng tôi không bao giờ có được một người bạn thân. Đôi khi tôi về nhà khóc với mẹ và hỏi tại sao không ai muốn làm bạn thân với tôi, mẹ luôn luôn giải thích về điều bằng cách nói rằng tôi cần phải có sự giúp đỡ nhiều cho nên không có người bạn dồng trương lứa nào thực sự có thể thích nghi với điều đó. Thay vì buồn, tôi cần phải học tập để chơi với nhiều đứa trẻ khác nhau, như vậy sẽ không ai phải luôn luôn cứ phải giúp đỡ tôi những điều cần thiết. Dĩ nhiên đôi khi tôi vẫn cảm thấy buồn mặc dầu hiểu được những lý do đó, nhưng bây giờ sau tất cả mọi sự tôi có thể thấy rằng điều đóù đã khiến tôi có được rất nhiều bạn. Cũng vậy tôi đã không phải gặp nan đề trong việc tiếp xúc những người mới. Tôi trở nên không sợ hãi và không cảm thấy xấu hổ về khuyết tật của mình.

Đôi khi những nỗi thất vọng đối với cha mẹ tôi lại tệ hại hơn là đối với tôi. Một lần kia khi đang ở trong trường và sử dụng xe lăn tay, chúng tôi phải tham dự một cuộc du ngoạn của nhà trường tổ chức đi đến Liseberg, là một công viên vui chơi nổi tiếng ở Gothenburg. Mọi người đều trông đợi đến lúc được đi chơi. Tôi cũng vậy, nhưng rõ ràng vì đối với tôi thật khó khăn để phải tự lo trên chiếc xe đẩy, nên cha mẹ cũng cùng đi để có thể nâng tôi lên và khiêng xe lăn mỗi khi có cần. Hai đứa bạn của tôi đã hứa thật chắc chắn rằng chúng sẽ đẩy tôi trên xe đẩy và sẽ ở bên tôi trọn thời gian đó. Mọi sự diễn ra tốt đẹp trong thời gian khoảng hai tiếng đồng hồ đầu, nhưng bỗng nhiên hai bạn tôi ngó thấy điều gì thích thú, chúng chạy mất và hoàn toàn quên tôi.

Đối với tôi điều này chẳng có gì quan trọng, chỉ là một nan đề thực tế, tôi kêu cha tôi và xin ông đẩy tôi đến nơi có những bạn học vừa biến mất đó. Nhưng đối với cha tôi điều đó thật khó chấp nhận hơn bội phần. Mặc dù ông biết rằng các bạn của tôi chỉ vô tình và không có ý hại tôi, nhưng đối với ông thật khó chấp nhận khi phải nhìn thấy tôi bị bỏ mặc một mình trong tình thế vô vọng như vậy.
Tôi giả sử điều đó cũng xảy ra do các bạn của tôi thật sự muốn choc gheo khuyết tật của tôi - nửa đùa nửa thật vậy thôi - nhưng bởi vì tôi không bao giờ nổi giận cho nên rất khó có ai thích tiếp tục chọc ghẹo tôi. “Chân giả” là một biệt danh mà tôi đã được đặt cho ở bậc tiểu học và “Macaroony Điên” là một biệt danh khác ở bậc trung học, nhưng tôi chỉ nghĩ chúng thật buồn cười. Tôi đã không hề nổi giận, cho nên những kẻ bắt nạt chuyên nghiệp không bao giờ có được cơ hội thật sự. Như tôi đã từng nói trước đây, cha mẹ không bao giờ cố che giấu khuyết tật của tôi hoặc chính mình tôi, cho nên tôi đã quen với cách người ta nhìn ngó và hỏi han. Và tôi đã sớm học tập trong đời rằng giá trị của tôi là thực chất bên trong chứ không phải bề ngoài. Tôi không việc gì phải xấu hổ cả!
Thay vào đó tôi tập vận dụng khuyết tật của mình. Khi lớp học của tôi làm những việc lạ mà tôi không thể tham dự được, dù thế nào đi nữa thì tôi vẫn phát minh ra những phương thức để mình có thể tham dự. Tôi không muốn tiêu phí thì giờ tập thể dục bằng cách chỉ ngồi trên một chiếc ghế bên cạnh phòng học; nhưng dĩ nhiên chơi bóng rỗ hoặc bóng chuyền là điều không thể thực hiện được nếu không có cánh tay. Nó cũng đi ngược lại với luật chơi nữa! Nhưng tôi dần dần hiểu rằng mình có thể đóng vai một trọng tài, và như thế dù gì đi nữa tôi cũng có thể dự phần trong cuộc chơi.
 
Trong những lần chơi khác, thật là thoải mái khi không phải làm gì cả. Chạy quanh khu rừng nhiều giờ trong môn chạy định hướng vào những ngày hội thể thao không phải là điều mà tôi thấy hấp dẫn đặc biệt. Tôi thừa nhận rằng được ngồi ở tại điểm đến và đánh dấu tên những người nào về đích còn thú vị hơn.

Một số trò thể thao đối với tôi không phải là dễ dàng, nhưng bù lại tôi thật giỏi trong việc bơi lội. Tôi đã tham dự trường bơi lội từ khi tôi mới là một đứa trẻ và đã có thì giờ thực tập nhiều hơn tất cả. Cho nên khi tôi lên sáu tuổi và tham dự một ngày hội thể thao trong hồ bơi, bạn cùng lớp của tôi là Torbjưrn và tôi đã được chọn để thi đấu đại diện cho cả lớp. Thật là một ngày trọng đại, tôi nghĩ vậy, bởi vì Torbjưrn và tôi đã thắng năm lớp khác. Thành quả như thế mà phiếu điểm của tôi chỉ được ghi một điểm ‘2’ cho môn thể dục. Tôi nghĩ việc đó thật không công bằng chút nào!
Dù gì đi nữa, những năm ở trường học mà tôi trải qua thật là một khoảng thời gian vô tư lự. Có lẽ cha mẹ tôi mới là người phải chịu những khó khăn lớn lao từ các giới thẩm quyền, ban giám hiệu và những người có trách nhiệm khác, là những người đôi khi nghĩ rằng họ biết rõ tôi hơn cha mẹ tôi. Ví dụ như trong năm tôi lên bảy tuổi, khi tôi đã bắt đầu rất là tự lập, tự mình thay đồ và đi vệ sinh, cho nên tôi không còn cần phải có bất cứ người giúp đỡ nào khác khi đi vệ sinh hoặc thay đổi áo quần trong môn thể dục. Điều duy nhất tôi cần sự giúp đỡ đó là lấy cuốn sách bị trượt quá xa vào trong ngăn tủ hoặc kéo áo khoác lên cao khi gặp lạnh bất thường. Người trợ giúp của tôi thấy tôi đã tự lo liệu được cho chính mình một cách tốt đẹp, nghĩ rằng cô ta quá ít việc làm, cho nên bắt đầu đến giúp đỡ ở trong văn phòng nhà trường thay vì cứ ở bên tôi. Khi tôi kết thúc năm 7 tuổi, cha mẹ điện thoại cho vị hiệu trưởng giải thích trường hợp của tôi: đó là tôi không còn cần phải có người trợ giúp nữa, tôi có thể tự lo hầu hết mọi sự, và tôi đã có thể nhận những sự giúp đỡ từ một người bạn cùng lớp trong những việc nhỏ nhặt mà tôi không thể tự làm. Nhưng hãy tưởng tượng xem! Điều này hoàn toàn không được chấp thuận! Vị hiệu trưởng nghĩ rằng những trách nhiệm lớn lao như thế (lấy cuốn sách từ trong ngăn kéo hoặc giúp đỡ tôi kéo áo jacket lên) không thể nào được giao phó cho những học trò khác. Chúng tôi có nhiều buổi họp bàn luận về vấn đề này, nhưng trường học đã hoàn toàn như sắt đá, không thay đổi. Điều này có nghĩa là tôi phải giữ người trợï giúp cho năm học tám tuổi của tôi nữa mặc dù tôi nghĩ rằng mình không cần đến cô ấy. Chúng tôi gặp nhau mỗi tuần một lần và chỉ chào nhau mà thôi.
Dầu vậy, có lẽ những người ở trong văn phòng rất biết ơn về quyết định nầy, bởi vì họ được nhận sự trợ giúp hoàn toàn miễn phí trọn một năm dài.


“AN NINH HƠN HẾT”
Đức Chúa Trời đã là một phần tự nhiên từ thủa ấu thơ của tôi. Thật khó giải thích, nhưng theo cách của một đứa trẻ, tôi chỉ hiểu rằng Ngài đã hiện hữu. Cha mẹ tôi đã và vẫn là những thành viên rất tích cực của một hội thánh địa phương, đối với họ Đức Chúa Trời thật tự nhiên thực hữu như không khí họ thở vậy. Đức Chúa Trời có nghĩa là một Đấng họ có thể tin cậy ngay cả khi mọi sự diễn ra tốt đẹp lẫn khi mọi sự trở nên khó khăn tồi tệ, Ngài là một nền tảng an toàn, là một Đấng yêu thương vô điều kiện. Đương nhiên bầu không khí như thế thật hấp dẫn.

Không chỉ là một sự thánh thiện thành kính. Họ đã cầu nguyện mỗi buổi tối với Olle và tôi, và mỗi buổi tối chúng tôi đều cùng nhau hát bài thánh ca “An Ninh Hơn Hết” (cả năm câu), nhưng không bao giờ có bất cứ ràng buộc nào đòi chúng tôi phải cầu nguyện theo lối này hoặc theo lối nọ hoặc cư xử theo cách đặc biệt nào, tuy nhiên Đức Chúa Trời luôn hiện diện và là trung tâm mọi chuyện chúng tôi nói.

Cha mẹ tôi sinh hoạt với hội thánh Giao Ước ở tại Habo rất khắng khít, hội thánh Giao Ước là một trong số năm hội thánh tự do ở trong thành phố nhỏ của chúng tôi và là một trong số nhiều hội thánh của các giáo phái khác nhau trong cùng một giáo phận quanh “Giêrusalem của Småland” (Thuộc thành phố Jưnkưping). Cha tôi chịu trách nhiệm hướng dẫn thiếu niên là bọn trẻ thường xuyên đến nhà tôi và mẹ tôi là một giáo viên trường chúa nhật và bà cũng coi sóc hướng đạo sinh nữa. Sự dự phần của họ trong hội thánh đôi khi phải mất thật nhiều thì giờ, nhưng họ muốn chúng tôi được có phần trong mọi việc mà họ đang làm. Bọn trẻ chúng tôi không bao giờ xem điều này như thể hội thánh đã lấn chiếm gia đình chúng tôi chút nào.
Chúng tôi theo cha mẹ đến nhà thờ hầu như mỗi ngày trong tuần lễ và kể cả những ngày chúa nhật nữa. Họ muốn chúng tôi phải giữ yên lặng đang khi có buổi nhóm. Nhưng nếu đôi khi buổi nhóm đối với chúng tôi trở thành chán ngán, thường chúng tôi luôn luôn có thể hoặc vẽ vời hoặc xem sách hình.

Tôi đã là một thành viên trường chúa nhật trong giờ của trẻ con, và thuộc về ban hát Nhi đồng nữa. Sau đó, tôi tham gia hướng đạo, tham gia ban hát của thanh niên và nhóm thiếu niên. Tôi đã được xem, được nghe và suy nghĩ về tất cả những điều đó. Có đức tin trong Đức Chúa Trời đã đem lại cho tôi một sự an toàn lớn lao, và khi tôi lên mười hai hoặc mười ba tuổi, đức tin của tôi càng vững vàng hơn. nhiều người trong một hội thánh tự do thuật lại kinh nghiệm của họ về sự cứu rỗi, họ đã được cứu thể nào và có quyết định đi theo Chúa ra sao. Tôi không thể nói rằng tôi đã có một loại kinh nghiệm như thế. Đức tin đã luôn luôn là một phần tự nhiên của đời sống tôi.
Nhưng trong nhiều phương diện khác hội thánh đối với tôi thật sự quan trọng. Nó thật tốt đẹp đối với tôi vì tôi là một người tật nguyền, tôi được lớn lên giữa vòng những người đã chấp nhận tôi bằng con người thật của tôi và là những người đã giành một chỗ cho tôi. Tôi nghĩ rằng những người bạn cùng trương lứa với tôi lớn lên trong hội thánh Giao Ước Habo cũng đã có một kinh nghiệm hầu như tương tự như vậy. Trong hội thánh này có rất nhiều nhóm tuổi khác nhau, nhưng cấp lãnh đạo của hội thánh đã thấy được tầm quan trọng hầu bảo đảm rằng những người trẻ có thể cảm thấy rằng nó cũng chính là hội thánh của họ.

Khi ở trong lứa tuổi thiếu niên, chúng tôi đã là một nhóm bạn thân có khoảng mười lăm thiếu niên, hầu hết là con trai. Chúng tôi kết thân với nhau rất chặt chẽ. Chúng tôi thường dự phần trong nhiều hoạt động khác nhau của hội thánh. Trong ngày chúa nhật chúng tôi thường đi dự lễ thờ phượng của hội thánh. Nhiều buổi chiều chúng tôi dành thì giờ sinh hoạt với nhau trong phòng thiếu niên của hội thánh, hoặc có thể đi chơi trong thành phố, hoặc dành thì giờ đến chơi ở nhà của mỗi đứa.

Hầu hết chúng tôi được lớn lên cùng nhau, cho nên chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi hiểu biết nhau thật rõ. Đối với bọn chúng, tôi chỉ là Lena, một người bạn, là một thành viên của nhóm và hoàn toàn không phải là một người nào đó cần phải đối xử một cách đặc biệt.
Đôi khi sự chấp nhận này đã bày tỏ ra theo những cách không lường hết được.
Ví dụ như khi tôi buồn vì thấy mình không thể đi với những người bạn khác trên chuyến đi chơi bằng canô, mặc dù tôi thật sự rất muốn đi, thật khó có ai cảm thấy được rằng họ có đủ lý do để thương cảm cho tôi. “Bộ mầy không hiểu rằng mầy không thể đi với tụi tao sao!” Chúng la lên một cách căm phẩn.
Khi tôi bước sang sinh nhật thứ mười tám, đối với các bạn tôi đó là thời điểm để tôi nhận được giấy phép lái xe, “Tại sao cô ấy không tập lái xe?” Các bạn thắc mắc - và các bạn ấy không có ý nói một điều gì xấu.
Nhưng đối với tôi dĩ nhiên để có bằng lái xe, sẽ không dễ dàng như các bạn ấy. Tôi đã đệ đơn xin để được phép có một chiếc xe điều chỉnh phù hợp theo nhu cầu đặc biệt của tôi, nhưng không phải chờ đợi cho đến khi điều này được chấp thuận thì tôi mới có phép tập lái xe. Và rồi không lâu sau đó, tôi đã vượt qua được kỳ thi.

NHƯ CÁ DƯỚI NƯỚC
Quốc ca Thụy Điển đã trổi lên từ loa phóng thanh của giải vô địch thế giới tại Gothenburg - vì cớ tôi. Lúc ấy thời tiết thật là ấm áp dễ thương, và mặt trời đang chiếu rọi trên bầu trời hầu như không một gợn mây. Quanh cổ tôi đang đeo một huy chương vàng và thật nhiều cảm xúc diệu kỳ khi đeo nó. Tôi vừa mới chiến thắng cuộc bơi ngửa năm mươi mét.
Tôi thật cảm thấy không cần phải nỗ lực gì cả. Nhiều bạn của tôi đã thực tập thật siêng năng trong nhiều năm để có thể đứng chỗ mà tôi hiện đang đứng. tôi thấy khó có thể tưởng tượng nỗi mình hiện nay là thành viên trong đội tuyển quốc gia. Ai có thể nghĩ được vậy khi tôi vừa mới lên ba tuổi và bắt đầu đi theo mẹ tôi, em tôi là Olle để đi đến các hồ bơi tại Jưnkưping? Khi ấy tôi chỉ mới bắt đầu tập bơi theo phương pháp gọi là Halliwick. Phương pháp này đến từ nước Anh, và điều chính yếu của phương thức này là nó khẳng định trẻ con có thể học bơi mà không cần dùng phao nổi trợ giúp.
Cha mẹ và những người dạy bơi ở với bọn trẻ chúng tôi trong hồ bơi trọn thời gian này. Họ dạy chúng tôi không sợ nước. Stig Sjưlander, một Mục sư tại Jưnkưping là người cũng có một đứa con khuyết tật, đã nghe nói về phương pháp Halliwick. Ông bắt đầu một khóa học dành cho tất cả những trẻ con khuyết tật nào muốn học bơi. Đây là một sự thật ai cũng cần phải biết rằng di chuyển ở dưới nước là một cách tập thể dục rất tốt cho toàn cơ thể, và đối với những người khuyết tật đó là một phương pháp tốt để huấn luyện các bắp thịt nào ít được luyện tập.
 
Chúng tôi đi cả gia đình, ngoại trừ những trường hợp khi cha tôi phải đi làm. Bơi lội là một điều gì đó mà tất cả chúng tôi đều ưa thích. Chúng tôi gặp nhau một lần mỗi tuần. Khởi đầu chúng tôi chơi trò “Follow John”, trò “Ấm nước đang sôi”, và những trò chơi dưới nước khác. Mỗi người tham dự có một hoặc cả hai phụ huynh ở với họ, và đôi khi cũng có những người anh em và chị em nữa, cho nên hồ bơi thường rất đông người.
Khi vài đứa trong bọn tôi đã bắt đầu làm quen với nước sơ sơ, chúng tôi cố gắng nổi trên cánh tay của cha mẹ. Tôi đã lên năm tuổi khi cha mẹ tôi dám thả cho tôi nổi một mình. Và một năm sau đó tôi được huấn luyện nhiều hơn và đã có thể bơi. Bởi vì tôi đã học nổi khi nằm ngửa, cho nên tôi bắt đầu bơi ngửa là điều tự nhiên nhất. Khởi đầu tôi chỉ búng chân và tăng tốc độ khi búng chân, nhưng chẳng bao lâu tôi có đủ tự tin để lật úp và bắt đầu bơi sấp. Rồi sau đó chỉ có đầu tôi nổi lên khỏi mặt nước! Tôi yêu thích bơi lội ở dưới nước, nhưng đôi khi tôi nổi quá dễ dàng. Những người khác ở trong hồ bơi nói giỡn với tôi rằng tôi nổi giống như là một cái nút bấc trong khi cha tôi thì chìm giống như một cục đá.

Khi tôi lên lớp hai ở trường học và theo các bạn đến các lớp học bơi, thì tôi đã biết cách bơi rồi. Tôi được cho phép nhảy trực tiếp vào trong những hồ bơi lớn, hoàn tất các cuộc bơi hai trăm mét, và đã lãnh được một phù hiệu nhỏ để chứng tỏ thành quả của mình.
Sau đó, khi tôi tiến bộ trong việc học nhiều kỹ thuật bơi khác, thì kiểu bơi bướm là phù hợp với tôi nhất. Nó đã trở thành môn thể thao đặc biệt của tôi. Trong môn thể thao này, người ta để cho cơ thể của mình di chuyển nhấp nhô về phía trước đồng thời hoạt động chân và bàn chân để tăng tốc. Người ta cố gắng bắt chước cách bơi của một con cá heo. Tôi cũng cố gắng dùng kỹ thuật này khi thực hiện động tác bơi ngửa.
Và giờ đây tôi đang đứng với huy chương vàng giải vô địch thế giới. Ba năm trước đây, tôi đã không thể tưởng tượng nỗi rằng mình có thể bắt đầu bơi trở lại nữa.
Tôi đã thực sự tập luyện để phóng mình xuống từ nơi tấm ván phóng xuống bể bơi trong ba học kỳ. Chúng tôi đã lao mình xuống từ tấm ván ở độ cao một mét, và tôi thật thích thú. Nhưng trong học kỳ thứ tư khi mọi người bắt đầu tập lao xuống nước từ độ cao ba mét, tôi đã được khuyên là không nên tiếp tục, bởi vì nó có vẻ không tốt cho đầu tôi do tôi không có tay để rẽ nước. Điều này đưa tôi đến kết luận rằng đây là kết thúc của toàn bộ sự nghiệp bơi lội của mình.

Nhưng tôi đã tiếp tục với những trò thể thao khác. Hội thánh Giao Ước Thụy Điển tổ chức tập chơi bóng chuyền mỗi chiều thứ tư và mỗi sáng thứ bảy. Việc thực tập được diễn ra trong một nhà thể thao ở tại Habo tôi phải khó khăn lắm mới tham dự được trò thể thao này. Trong lần tập đầu tiên tôi đội banh trong vòng nửa tiếng đồng hồ mà không nghỉ gì cả, và hậu quả là hôm sau đã phải đau đầu kinh khủng. Tuy nhiên lần tập dượt đầu tiên này đã giúp tôi không sợ hãi gì khi banh lao về phía tôi, và tôi cũng không còn bị đau đầu khi đội banh nữa.
Đôi khi, đội của chúng tôi chơi bóng chuyền với các đội khác. Những trận như thế được tổ chức sắp xếp giữa các hội thánh khác nhau trong tỉnh của chúng tôi. Chúng tôi rất thích chơi banh, cho dù đội nữ của chúng tôi mau chóng bị loại khỏi vòng chiến, nhưng sau đó, chúng tôi lại còn có dịp xem những cậu con trai to lớn đến từ Tibro chơi banh.
Rồi một ngày kia tôi nhận được một cú điện thoại từ Jưnkưping. Họ sắp bắt đầu một câu lạc bộ dành cho người khuyết tật và không biết tôi có muốn tham gia trong môn bơi lội không. Tôi đã được nhiều tờ báo khác nhau đề cao cho nên nhiều người hẳn đã biết về tôi. Họ lý luận rằng có lẽ những người khuyết tật khác sẽ được khích lệ và bắt đầu tập bơi nếu họ biết tôi thực tập tại đó. Nói là làm. Đã ngừng huấn luyện gần 2 năm, bây giờ tôi lại bắt đầu.

Tôi tham dự những cuộc bơi nơi này hoặc nơi khác. Trong những nơi khác, tôi đã có lần tham dự một cuộc đua bơi lội tại Phần Lan mà tôi rất thích. Và rồi khi câu lạc bộ bơi lội của chúng tôi được mời tham dự giải quán quân Thụy Điển dành cho người khuyết tật năm 1986 mọi người đã thúc giục và tôi hỏi tôi có muốn đi dự không?
Cuộc thi đấu diễn ra ở tại Stockholm, và tôi phải bơi trong bốn trận khác nhau dành cho người khuyết tật: Trận 25m bơi bướm, 25m bơi ngửa, 25m bơi sấp và 25m bơi tự do. Trong hồ bơi có rất nhiều lằn ranh và nhiều thời gian khác nhau phải tuân giữ, đặc biệt vì thể thao dành cho người khuyết tật lúc bấy giờ được chia ra thành đông đảo những lớp người khác nhau, nhiều hơn ngày nay, và như thế cho nên nội việc theo dõi cho đúng được lằn nào và giờ nào cũng đủ là một cuộc tranh tài rồi!
Nhưng cuộc tranh tài đã diễn ra tốt đẹp. Tôi về hạng nhì trong cả môn bơi ngửa và bơi tự do, mang về cho mình hai huy chương bạc. Tôi về sau cùng trong môn bơi sấp ở lớp của tôi, nhưng bù lại trong phần bơi bướm vì tôi đã thắng và đồng thời phá kỷ lục Thụy Điển.
Tôi cũng phải ngạc nhiên như nhiều người khác! Những người lãnh đạo của đội tỉnh trố mắt nhìn tôi, và trước khi giải quán quân Thụy Điển kết thúc, tôi đã được phong tặng một địa vị xứng đáng trong đội tuyển quốc gia Thụy Điển dành cho người khuyết tật.
Chao ôi! Bây giờ tôi bổng nhiên phải xem lại việc bơi lội của mình một cách nghiêm trang, tôi phải tập luyện bốn lần một tuần thay vì chỉ có một lần. Thỉnh thoảng tôi phải dự phần trong trại huấn luyện dành cho đội tuyển quốc gia. Jan-Åke Sundbring, được nổi danh hơn dưới tên Knasen, là người huấn luyện trong hồ bơi ở tại Råslätt nơi tôi thực tập. Trước đây ông đã là huấn luyện viên cho những vận động viên bơi lội hàng đầu nhưng đã nghỉ. Bây giờ ông lo cho tôi và trở thành người huấn luyện riêng cho tôi trong vòng nhiều năm sắp đến.
Khi việc huấn luyện căng thẳng nhất, tôi phải bơi trong khoảng hai ngàn và ba ngàn mét mỗi đợt. Đôi khi tôi bơi tự một mình, đôi khi với những vận động viên khuyết tật khác, và có khi cùng bơi với những vận động viên bơi lội hàng đầu của câu lạc bộ bơi lội Jưnkưping. Một vài người cũng có thể nghĩ rằng tôi sống trong hồ bơi! Việc làm cho chân bình thường của tôi được mạnh hơn là việc rất quan trọng - càng mạnh khỏe càng tốt - và đồng thời “khám phá sự di chuyển của cá heo trong cơ thể của tôi,” tôi có ý nói khiến cho những động tác di chuyển của chân phải tôi hoạt động giống như là một đợt sóng theo nhịp từ đầu ngón chân cho đến đỉnh đầu và ngược lại. Đây là điều mang đặc điểm hữu hiệu nhất. Tôi đã tận dụng tốt đẹp khả năng cơ bắp và cảm giác của mình về nhịp điệu ngay cả khi ở trong nước. Knasan và tôi trở nên bạn thân. Ông ấy khâm phục ý chí thực tập lẫn năng lực của tôi nữa. Ngược lại tôi khâm phục vì ông có mục tiêu và biết ông ta đang nhắm vào hướng nào, và tôi cũng khâm phục cách ông luôn luôn có sự thúc bách đòi hỏi. Ông đã đặt những mục tiêu cho tôi và chia ra thành những mục tiêu nhỏ hơn, ông giúp tôi cố gắng hướng về những mục tiêu này bất cứ lúc nào, và điều này đã thúc giục tôi tiến bộ. Dù tôi được chọn đại diện cho Thụy Điển trong các giải vô địch thế giới, tuy vậy điều này đã làm tôi thất vọng. Từ lâu tôi đã mơ những giấc mơ thú vị về các quốc gia, nơi mà giải vô địch thế giới rất có thể được tổ chức, nhưng khi người ta loan báo về địa điểm được chọn thì đó là Gothenburg. Chỉ là một chuyến đi cách xa nhà một tiếng rưỡi mà thôi! Nơi đó không phải là nơi tôi muốn đi. Và bây giờ dù sao tôi cũng đang đứng đây, trên bục của giải vô địch thế giới tại Gothenburg, với ánh nắng mặt trời chiếu rọi trong đôi mắt của tôi và với bản quốc ca Thụy Điển lại vang lên trong tai tôi. Tôi cố gắng cảm xúc thế nào là được chiếm giả vô địch thế giới. Cảm xúc đó cũng không mạnh mẽ như tôi đã từng tưởng tượng, nhưng dĩ nhiên nó thật là một xúc cảm lớn lao khi được làm kẻ thắng cuộc.
Trước khi các giải vô địch thế giới kết thúc, tôi nhận được một huy chương vàng khác và một huy chương đồng.


Hướng Về Thế Vận Hội Seoul
Các vận động viên bơi lội Thụy Điển thực sự vượt trổi hơn tất cả mọi người khác trong giải vô địch quốc tế tại Gothenburg. Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã chiếm được 42; huy chương vàng.
Vào khoảng giữa các năm 1980 những vận động viên bơi lội Thụy Điển trong tư cách của một quốc gia đã thành công lớn lao, chúng tôi tổ chức các đội của mình rất tốt để địch lại những nước “lớn” như Đức, Anh và Mỹ, và đôi khi chúng tôi còn giỏi hơn cả họ nữa. Chúng tôi đã thắng thật là dễ dàng.
Lẽ tự nhiên điều đó không phải là chỉ nhờ có mình tôi mà thôi! Có khoảng năm hoặc sáu vận động viên Thụy Điển nổi bật trong nhóm của họ (và cũng có rất nhiều cấp bậc khác nhau cũng như thể loại khác nhau giữa vòng những người khuyết tật), và khi họ tranh tài ở trong các cuộc đua - có lẽ chỉ có bốn hoặc năm trong mỗi cuộc đua - điều này hiển nhiên đem lại kết quả là rất nhiều huy chương. Cặp anh em sinh đôi thành công nhất là Magdalena và Gabriella Tjernberg, giữa vòng những vận động viên bơi lội này, và họ trở nên những người bạn thân của tôi.

Dĩ nhiên những huấn luyện viên cũng như các vận động viên bơi lội đều có tầm quan trọng rất lớn, nhưng không phải ít quan trọng khi cần tìm nguồn tài trợ cho các trại huấn luyện và các cuộc đua vì nhờ đó chúng tôi mới được hỗ trợ để có thể đi.
Đây là trường hợp khi chúng tôi phải di chuyển đến cuộc tranh tài ở Nordic ở tại quần đảo Faroe. Bengt Olofsson, chủ tịch hiệp hội những vận động viên bơi lội khuyết tật, trong trường hợp này đã ký hợp đồng với bộ quốc phòng để cho phép chúng tôi bay trên một chiếc Hercules đi đến nơi tranh tài và trở về. Chúng tôi được ngồi trên những ghế tựa như những chiếc võng vậy, có đai lưng an toàn cột chặt và nhét kín lỗ tai. Tiếng ồn thật kinh khủng, nhưng chuyến bay thật là thích thú. Chuyến đi về nhà còn hấp dẫn hơn nữa trong thời tiết xấu khi không máy bay nào được phép cất cánh. Đây là chuyến bay nhồi xóc dữ nhất mà tôi từng được đi, nhưng chúng tôi đã đi an toàn, về đến nhà thật vui mừng vì không cần phải đợi thời tiết tốt hơn.
Tiện thể, tôi có một giai thoại thật buồn cười từ trại huấn luyện ở Tranås. Đã đến Linkưping để trình diễn bơi lội bây giờ chúng tôi đang lái xe về lại Tranås. Tôi vừa nhận được giấy phép lái xe và đang lái xe, với Annelie Ưsterstrưm và Marie - Louiuse Freij là những hành khách của tôi. Chúng tôi đã tạm dừng để đi vào một cửa hàng McDonald (tự thân việc này là điều cấm kỵ đối với hội viên của đội tuyển quốc gia). Khi tôi nhận ra rằng tôi để quên chìa khóa ở trong xe. Và chiếc xe đã bị khóa!
Chúng tôi gọi điện thoại cho cảnh sát, và một lúc sau họ đến để giúp chúng tôi. Nhưng thoạt đầu họ do dự khi mở cửa xe. Họ nhìn từ tôi là người không có cánh tay nào tới những người bạn đồng hành với chúng tôi là Annelie và Marie Louiuse, là những người bị thấp một cách kỳ lạ và họ nhìn ngược lại tôi một lần nữa và bảo: “Ai trong các bạn là người lái xe này?” Bởi vì xe của tôi, một chiếc Honda Prelude, bề ngoài giống như tất cả những chiếc xe bình thường khác. Tay lái ở nơi bình thường (tôi lái bằng chân phải của mình), chân ga và chân thắng được nối dài một ít để vừa cho chân trái của tôi. Công tắc bật đèn cũng như những công tắc đèn báo hiệu khác được đặt nơi dựa đầu và được điều khiển bằng những động tác của đầu tôi.
Tôi không thể nhớ rằng mình có phải xuất trình cho cảnh sát giấy phép lái xe của mình hay không, nhưng mọi sự đã diễn ra tốt đẹp, năm chiếc xe cảnh sát đến nối đuôi nhau - chỉ vì tò mò mà thôi! - để giúp chúng tôi và sau một vài lời bàn luận họ quyết định mở cửa xe ra và chúng tôi đã có thể tiếp tục cuộc hành trình trở lại trại huấn luyện.

Năm 1987, một năm sau cuộc tranh tài thế giới, giải vô địch Âu châu được diễn ra ở tại Pháp mọi sự đã thật ổn định sẵn sàng lúc bấy giờ. Tôi đoạt được bốn huy chương vàng trong bốn cuộc tranh tài khác nhau, nhưng nếu thành thật mà nói, tôi không còn nhớ hết những lần hoặc những cuộc tranh tài mà tôi đã thắng. Dĩ nhiên tôi có thể nhớ là tôi đạt được kỷ lục thế giới là nhờ môn bơi bướm!
Không phải chỉ có đội tuyển quốc gia của chúng tôi tham dự giải vô địch Châu Âu nhưng chúng tôi cũng dự phần trong nhiều cuộc tranh tài khác và cũng như trong nhiều trại huấn luyện khác. Một lần nọ tôi gặp một người Pháp là người cũng không có hai cánh tay giống như tôi. Một ngày nọ chúng tôi ngồi ngoài trời để chơi bài với một số bạn khác đến từ trại huấn luyện, dĩ nhiên người Pháp này và tôi có cách riêng của mình để giữ các con bài, tôi giữ chúng bằng chân của mình trong khi nghiên cứu một cách tỉ mỉ kỹ thuật giữ các tấm bài của anh ta. Tôi kết luận rằng thật dễ dàng hơn nhiều nếu mình có những ngón chân dài. Khác với những ngón chân của tôi vì nó giống như kích cỡ những miếng xúc xích nhỏ bé.
Nhưng bây giờ đã đến lúc gần kề với điều mà nhiều người trong chúng tôi xem như là mục tiêu quan trọng nhất của việc huấn luyện, đó là kỳ thế vận hội Olympic dành cho người khuyết tật, hoặc gọi là Paralympic Games được tổ chức ở tại Seoul-Nam Triều Tiên, tiếp theo sau thế vận hội Olympic. Đây là mục tiêu của tôi mặc dù tôi đã chuyển đến Stockholm và bắt đầu học tại nhạc viện Stockholm. Bơi lội, những cuộc tranh tài và tất cả những đợt huấn luyện của tôi đã nuốt chửng nhiều thì giờ của tôi. Tôi bắt đầu tự hỏi mình rằng tôi đang làm gì đây? Có thật nó là những gì giá trị đáng cho tôi phải dùng tất cả nỗ lực của mình chăng? Tôi chưa từng bao giờ thích thú sự huấn luyện!

Điều đã thúc đẩy tôi không phải là những thành công của tôi nhưng chính là ham muốn được đi đây đó, và tình đồng chí đồng bạn giữa vòng những vận động viên bơi lội chúng tôi trải qua những trại huấn luyện và tại các cuộc tranh tài. Có nhiều buổi chiều khi tôi nói chuyện với một người cùng phòng về mọi vấn đề ở dưới mặt trời: từ một số điều liên quan đến hoàn cảnh của những người khuyết tật cho đến những suy nghĩ của chúng tôi về cuộc đời và về Thượng Đế. Tôi khám phá ra rằng so với phần lớn những bạn của tôi tại đây, tôi thật may mắn vì có một thời thơ ấu và có cha mẹ thật tuyệt vời, họ là những người không chỉ yêu mến tôi, nhưng cũng đã chỉ cho tôi biết con đường đức tin.
Nhiều lần, tôi được yêu cầu thuật cho họ lý do tôi không bao giờ cảm thấy tức giận hoặc cay đắng về khuyết tật của mình, và đôi khi tôi chỉ có thể giúp đỡ người khác bằng việc lắng nghe mà thôi. Chính những cuộc đối thoại này khiến tôi nghĩ rằng theo đuổi sự huấn luyện thật có ý nghĩa.
Vào tháng Giêng năm 1988 khi còn mười tháng trước khi đi đến thế vận dành cho người khuyết tật tại Seoul, dù vậy tôi đã thấy quá đầy đủ cho mình. Tôi muốn dừng lại. Tôi nói với Chúa và chính mình rằng tuần sau tôi sẽ đi đến huấn luyện viên đội tuyển quốc gia để nói với ông rằng tôi muốn chấm dứt. Tuy nhiên hai ngày sau đó, tôi nhận được một cú điện thoại từ một người phụ nữ mà tôi được biết bà đã cầu nguyện cho tôi trong nhiều năm. Bà nói với tôi rằng trong khi cầu nguyện cho tôi bà cảm thấy rằng Đức Chúa Trời muốn bà gọi điện cho tôi để khích lệ tôi về việc có liên quan đến sự nghiệp bơi lội. Bà đã hoàn toàn không biết gì về mọi chương trình kế hoạch của tôi. Cú điện thoại này đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ của mình, tiếp tục việc huấn luyện và trở nên một thành viên của đội tuyển quốc gia dành cho người khuyết tật của Thụy Điển.

Buổi lễ khai mạc thế vận dành cho người khuyết tật thật sự đã là một kinh nghiệm lớn lao hơn hết cho mọi người. Hơn bảy mươi ngàn khán giả đã tràn chiếm hết chỗ khán đài, trong khi khoảng chừng bốn ngàn vận động viên khuyết tật đến từ sáu mươi quốc gia đi diễu hành vào trong vận động trường Olympic. Đội Thụy Điển bao gồm một trăm ba mươi hai người. Âm nhạc trổi lên từ những giàn loa phóng thanh, trong khi những màn hình vĩ đại đang chiếu cảnh gần của tất cả những người tham dự trong khi họ đang bước vào. Ngọn lửa Olympic đã được thắp sáng. Toàn thể nghi lễ khai mạc thật là đầy tính hội hè và đầy màu sắc. Gần như cũng vui nhộn và đầy màu sắc như lễ khai mạc của những thế vận hội thông thường - và tôi nghĩ đó là một xúc cảm lớn lao khi được cùng ở chung với quá nhiều những con người đang ca ngợi và vui mừng, tôi phải thừa nhận một điều mình đang suy nghĩ đó là “khi chúng ta đến thiên đàng có lẽ cũng sẽ giống như lễ hội hôm nay!”
Toàn thành phố Seoul cũng chịu ảnh hưởng bởi thế vận hội đang diễn ra. Trong một vài thành phố chủ nhà khác khi tổ chức thế vận hội và tranh tài cho người khuyết tật, các cuộc tranh tài có phần dường như kết thúc sau khi đã xong thế vận hội đầu tiên dành cho những người bình thường. Nhưng điều đó không giống như ở tại Seoul. Toàn thể thành phố dường như nghĩ rằng thế vận hội dành cho người khuyết tật ít nhất thì cũng quan trọng ngang bằng với thế vận hội dành cho các lực sĩ không bị khuyết tật. Thế vận hội dành cho người khuyết tật tại Seoul có biểu tượng riêng của nó là một con gấu. Những biểu ngữ và áp phích trước đã được thay thế cho những biểu ngữ và áp phích mới và khắp nơi đều có hoa và cờ xí nở rộ.
Dầu vậy họ cũng đã có một sai lầm lớn. Khi làng thế vận được xây dựng thì họ đã quên xây nó theo một cách thích hợp cho người khuyết tật. Đến những giây phút chót, những người tổ chức phải xây dựng một làng thế vận mới có chín tòa nhà cao với những căn hộ phù hợp cho người khuyết tật và chúng tôi đã được đưa đến đó.
Các cuộc tranh tài đã được xem rất là tốt và đã tràn ngập các phương tiện báo chí và truyền hình. Nhiều đám đông khán giả ở trên khán đài, không ít người đến từ nhiều hội thánh khác nhau tại Seoul. Họ chào mừng những người tham dự bằng nhiều loại cờ xí và biểu ngữ khác nhau, đôi khi họ cũng đã luyện tập những bài hát ủng hộ đến từ quốc gia mà họ quyết định cổ vũ. Mọi người đều cổ vũ cho quốc gia của họ thật rầm rộ.
Tôi đã tham dự bốn cuộc tranh tài: 25m bơi ngửa, bơi sấp, bơi tự do và bơi bướm. Môn thể thao tốt nhất của tôi là bơi bướm. Và lẽ tự nhiên tôi đầu tư vào môn thể thao nầy hơn tất cả. Tuy nhiên, buổi chiều trước khi cuộc tranh tài diễn ra, tôi được cho biết rằng không có đủ quốc gia tham dự trong môn tranh tài này bởi vì một quốc gia đã rút lui. Như thế trận tranh tài 25m bơi bướm đã phải hủy bỏ. Phóng viên của báo Aftonbladet buổi chiều là Leif-Åke Josefsson đã quan tâm đến sự kiện này và viết bài dưới đây:
Lena Maria Johanson là nạn nhân của trận tranh tài dành cho người khuyết tật phải thay đổi hôm nay... trường hợp của Lena Maria là trường hợp duy nhất trong số những trường hợp khác thuộc các cuộc tranh tài của người khuyết tật kỳ này đã bị ảnh hưởng bởi những sự xáo trộn và thay đổi. Trong môn thi đấu đặc biệt của cô đã không có đủ bốn thành viên tham dự theo qui định. Kết quả là không có cuộc tranh tài! Lena Maria phải thỏa lòng với những thể loại bơi lội khác của cô, một vài hạng năm và hạng sáu, như thế có nghĩa là không có huy chương vàng nào trong Thế Vận Hội tìm vàng kỳ này. Không biết cô có chịu bền chí chờ đợi cho đến kỳ Thế Vận tiếp theo hay chăng? Tại Barcelona năm 1992 sắp đến, khi đó có lẽ sẽ có một vận may mới tốt hơn chăng...

Phải thừa nhận rằng tôi đã thất vọng đôi chút, nhưng tôi khó có thể nghĩ rằng mình là một nạn nhân. Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc về vị trí thứ tư môn bơi ngữa, vị trí thứ năm trong môn bơi tự do và vị trí thứ sáu trong môn bơi sấp. Tôi đã quá mệt mỏi trong các đợt huấn luyện và nay tôi muốn cống hiến chính mình nhiều hơn cho âm nhạc và việc ca hát.
Tôi không hề cố gắng đợi đến Barcelona. Cuộc tranh tài Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật ở tại Seoul đã là cuộc tranh tài cuối cùng của tôi, bởi vì giống như một câu ngạn ngữ khôn ngoan đã nói rằng “người ta cần phải dừng lại đang khi mọi sự đang ở đỉnh cao.”


VỚI NHỮNG BÀI CA VÀ ĐÀN ĐIỆN TỬ
Tôi không nghĩ là có ai đó thật sự tin tưởng nơi giọng ca của mình ngay từ đầu, nhưng điều đó đã không làm tôi đặc biệt lo lắng.
Ca hát và âm nhạc đã là một phần tự nhiên của đời sống tôi từ những năm đầu đời. Tôi đã được sinh trưởng trong bầu không khí âm nhạc của những bài thánh ca Cơ đốc và những bài hát thâu băng của cha tôi thâu băng ban nhạc Oakbridgeboys. Cả cha lẫn mẹ và nhiều người trong vòng bà con của chúng tôi rất thích hát và chơi nhạc cụ, cho nên tôi không thể nào không thử làm điều đó!
Trong khi tôi vẫn còn là một cô bé rất nhỏ, tôi đã được yêu cầu hát trong những buổi nhóm họ. Tôi được đặt đứng trên một chiếc ghế để mọi người đều trông thấy, mỗi năm chúng tôi có nhiều dịp sum họp gia đình, và riêng trong ngày mừng Chúa Giáng Sinh thì có một truyền thống đặc biệt. Chúng tôi đi đến nhà một người lớn tuổi để hát một vài bài thánh ca Giáng Sinh mà chúng tôi ưa thích nhất để cho những người lớn tuổi lắng nghe. Tôi còn nhớ điều đó như một kỷ niệm rất vui vẻ.

Thêm vào đó hội thánh và trường nhạc địa phương cũng giúp phát huy lòng ham thích của tôi. Trong nhiều hội thánh tự do, ca nhạc là một phần trọng yếu trong nếp sống của hội thánh, hội thánh Giao Ước tại Habo và Tankeryd cũng không ra khỏi ngoại lệ đó. Tôi khởi đầu hát ở trong ban hát Nhi Đồng của hội thánh Giao Ước tại Bankeryd. Đó cũng là thời điểm tôi sáng tác bài nhạc đầu tiên của mình mang tựa đề: “Tôi Muốn Có Một Người Bạn”. Cha tôi viết lời để phổ theo nhạc đó và chúng tôi đã dùng nó nhiều lần trong ban hát Nhi Đồng. Bởi vì tôi có thể giữ giọng ở tuổi rất nhỏ cho nên đôi khi tôi được yêu cầu hát đơn ca. Tôi không lo lắng về điều này chút nào. Còn ngược lại nữa! Tôi rất thích đứng ở giữa một nhóm người và trở thành trung tâm của sự chú ý. Đây là một sự rèn luyện tốt cho những điều sẽ diễn ra về sau trong đời tôi. Tôi đã bắt đầu làm quen như vậy thật sớm đến nỗi tôi không hề cảm thấy bối rối về việc hát trước đám đông.
Cái đàn Organ điện là nhạc cụ tôi đã chơi trong trường nhạc địa phương. Có một chiếc đàn điện là điều thật thực tiễn nên tôi có thể đem những bài tập về nhà. Từ trường học lớp ba của tôi tiếp đến là thầy dạy nhạc của tôi Maria Erlandsson đã đến nhà tôi mỗi tuần một lần để dạy tôi. Cô thường là người hướng dẫn cho ban hát Nhi Đồng ở hội thánh. Cô để tôi ngồi ở trên một chiếc ghế đẩu hơi có phần cao hơn chiếc đàn Organ một chút để vừa tầm chân tôi.

Khi tôi học ở trung học đệ nhất cấp và muốn tiếp tục có những bài tập nhạc tại đó, trường học đã chỉ định một người làm cho tôi một bộ hai chiếc ghế đẩu như phần hỗ trợ cho chiếc ghế học nhạc bình thường, hầu cho chân của tôi có thể chạm đến các phím ở độ cao tương xứng. Lẽ tự nhiên tôi không thể nào sử dụng những bàn đạp ở dưới chân, nhưng tôi thật vui thích học đánh những bài thánh ca xưa và nổi tiếng.
Trong năm lớp 9, tôi bắt đầu nhận những bài tập âm nhạc ở tại trường nhạc tại Jưnkưping. Tôi không đặc biệt hát hay, và như tôi đã nói trước đây, không ai tin nơi giọng ca của tôi cả. Nhưng tôi nghĩ âm nhạc thật là đáng quý chuộng!
Đã đến lúc tôi phải chọn lựa ngành nào trong bậc đệ nhị cấp mà mình muốn theo đuổi. Tôi cứ nghĩ tới nghĩ lui: Phiếu điểm của tôi không phải là xuất sắc - có lẽ tôi chỉ ở mức độ trung bình - và tôi đã không thực sự thích chọn những môn học mà phải học bằng cách gạo bài, ngay cả nếu “ngược lại với mọi sự trông đợi” tôi có thể được chấp nhận ở đó. Giấc mơ của tôi là được huấn luyện để trở nên một thư ký, nhân viên văn phòng, nhưng khi nghe rằng có một ngành xã hội hai năm có kết hợp dạy âm nhạc, thì tôi rất thích.
Tuy nhiên chỉ có một nan đề: đó là ngoài tôi ra có nhiều người cũng muốn được chấp thuận đến đó! Điểm của tôi không đủ tốt. Không có gì hy vọng!
Tuy nhiên ngược lại với mọi dự tính, tôi đã được chấp nhận. Đây là sự may mắn của tôi, tôi được tặng một trong những chỗ còn thừa sau khi đã trình diễn những khả năng âm nhạc của mình trong kỳ thi sơ khảo. Tôi nghĩ rằng mình được chấp nhận chủ yếu vì tôi là người khuyết tật, bởi vì tôi không phải là một ngôi sao hát hay trong môn hát hoặc sử dụng nhạc cụ giỏi ở thời điểm đó.

Là một học viên ngành nhạc của trường Per Brahe, tôi khám phá thấy việc học rất lôi cuốn và thích thú vô cùng khi tôi được hai năm học tại đó. Hai năm học tốt nhất của tôi không có một điều e ngại nào! Chúng tôi học các môn âm nhạc trong một nhạc viện được xây dựng đặc biệt để dạy nhạc, là nơi chúng tôi sử dụng phần lớn thời gian mỗi 24; tiếng đồng hồ của mình! Mặc dù bài tập thường bắt đầu từ lúc 8;g sáng, các học sinh thường ở trong nhạc viện này cho đến 9g đêm vì đó là giờ còi hiệu canh chừng kẻ trộm đêm được bật lên. Vì thế cho nên mọi người lúc ấy đều phải rời phòng nhạc.
Mỗi năm một lần chúng tôi thực hiện một tuần âm nhạc“Câu Chuyện Phía Tây”, và đây cũng là điều khó tin nữa. Tôi được ở trong ban nhạc và chơi đàn điện. Chúng tôi cũng thực hiện hai chuyến đi của nhà trường đến Luân Đôn, nơi có dịp xem các buổi trình diễn của những nhạc cụ “thật”.
Cùng lúc tôi cũng cố gắng hướng dẫn ban hát thanh niên ở nhà - trong hội thánh Giao Ước tại Habo. Sau những năm tôi ở trong ban hát Nhi đồng, bây giờ tôi phải lên ban hát thanh niên, và chẳng bao lâu tôi được hỏi có muốn lãnh đạo ban hát đó không. Lẽ tự nhiên tôi không thể hướng dẫn ban hát bằng những cánh tay mà mình không có, nhưng không cần phải có những cánh tay mới làm nên được một ban hợp ca, mà điều gì đã được học trong những giờ thực tập. Cho nên khi ban hát trình diễn tôi chỉ đứng trước mặt họ và hướng dẫn bằng lời ca của tôi và ra dấu bằng đầu, miệng và mắt những điều ban hát phải làm theo.

Ban hát đã tập luyện thật tốt và chúng tôi được các hội thánh khác yêu cầu đi đến đó để tổ chức hòa nhạc. Thông qua những mối tiếp xúc này tôi cũng bắt đầu tự trình diễn một mình và tổ chức những buổi hòa nhạc riêng của tôi trong các hội thánh thuộc tỉnh Västergưtland và Småland.
Hai năm đó trôi qua thật nhanh nhưng tôi đã có cơ hội để học năm thứ ba trong trường nhạc. Như vậy, tôi đã rất muốn cống hiến thì giờ của mình cho âm nhạc trong tương lai, nhưng tôi phải làm gì khi thời gian tại trường học của tôi đã kết thúc? Nhiều bạn học của tôi đã nghĩ đến việc nộp đơn vào những trường đại học âm nhạc khác. Đây là điều mà tôi cũng đã quyết định làm.
Tôi đã định nộp đơn vào nhạc viện tại Stockholm, nhưng trước khi làm điều này thì thầy dạy nhạc của tôi là Lassebersson và tôi đã đến Stockholm để gặp vị lãnh đạo của khóa nhạc dạy riêng cho nhạc sĩ mà tôi mong muốn ghi danh. Tôi cần phải làm quen một số điều trong khóa học, nhưng trường nhạc cũng cần biết một số điều về tôi. Chúng tôi nói chuyện về nhiều phần khác nhau của khóa học và làm sao cho những điều này có thể hoạt động được. Giới lãnh đạo của nhà trường thấy không có nan đề gì với khuyết tật của tôi và khích lệ tôi nộp đơn.
Trải qua những bài kiểm tra mở đầu, mỗi người trong bọn tôi có mười lăm phút để phô diễn khả năng âm nhạc của mình. Trong số những điều khác nhau tôi đã làm khi thực hiện bài tập này, một điều tôi có thể nhớ rõ nhất là bài hát khôi hài cực kỳ mà tôi đã hát gọi là bài “Tôi Quá Xấu Xí” đồng thời tự đàn phụ họa bằng đàn điện tử. Không lâu sau đó tôi nhận được tin rằng mình đã được chọn trở thành một trong bốn sinh viên được học khóa học nhạc sĩ cá nhân. Tôi chắc chắn rằng “Tôi Quá Xấu Xí” đã dự một phần quan trọng trong kết quả này!


KHÔNG PHẢI LÀ LENA JOHANSSON CỤT TAY
Lena Johansson, Lena Johansson, Lena Johansson, Lena Johansson, Lena Johansson, Lena Johansson.
Tôi đã không cần phải tra trong cuốn niên giám điện thoại mới biết rằng có rất nhiều người ở tại Stockholm mang cùng tên giống như tôi.
Tôi không muốn phải trở thành “Lena Johansson cụt tay” chút nào, cho nên tôi đã phải nghĩ một điều gì đó trước khi đến Stockholm. Trong tỉnh Halsingland tôi có ba người bà con đều mang tên đôi, mà tôi nghĩ rằng nghe có vẻ rất hay. Bởi vì tôi có hai tên vừa là Lena và vừa là Maria, cho nên tôi quyết định dùng cả hai tên như là tên riêng của mình, thế nên kể từ khóa mùa thu khi đến Stockholm, người ta bắt đầu biết tôi mang tên là Lena Maria.

Chuyển từ nhà đến một thành phố hoàn toàn mới đầy người lạ có lẽ không dễ dàng cho bất cứ ai. Tôi nghĩ đây là điều thật thích thú và vui mừng, nhưng đồng thời tôi cũng thấy có một ít khó khăn. Chúng tôi là ba người bạn cùng lớp đến từ Jưnkưping đã được chấp nhận vào học tại nhạc viện, và chúng tôi mỗi đứa đều được chia cho một phòng trên cùng một tầng lầu ở đường gọi là Tegnérgatan. Thật được an ủi vì không phải đến Stockholm hoàn toàn một mình lẻ loi, mà mọi sự còn tốt hơn nữa vì được làm láng giềng với hai người bạn của tôi.
Đây là lần đầu tiên tôi hoàn toàn phải tự một mình quản lý, ở nhà tôi luôn luôn phải có mẹ giúp hầu như mọi sự, nhưng bây giờ tôi phải tự làm mọi việc như lau chùi rửa dọn, ủi đồ, nấu ăn, rửa chén và mọi sự khác mà người ta phải làm trong nhà. Tôi không biết mình có thể quản lý được tất cả không, cho nên trong sáu tháng đầu, tôi có người giúp việc đến một tuần một lần để làm những việc chủ yếu là lau dọn và ủi đồ. Sắp xếp như vậy kể là tốt đẹp, nhưng khi thực tế diễn ra cứ mỗi lần khoảng ba tuần lễ thì tôi lại phải huấn luyện cho một người giúp việc mới, tôi bắt đầu cảm thấy mệt về điều đó. Tôi thấy sẽ dễ dàng hơn cho mình nếu tôi tự làm tất cả và không còn tùy thuộc vào những giờ có người giúp việc nữa. Mọi sự rất tốt, mặc dù có lúc tôi thấy rằng thật bất tiện bởi vì mất nhiều thì giờ quá.
 
Ngay từ khi bắt đầu, tôi đã rất thích thú vì được học tại nhạc viện. Phân viện dành cho các nhạc sĩ riêng lẻ nơi mà tôi đang học đã dành cho tôi nhiều tự do để tự sắp đặt thời khóa biểu cho mình. Họ cũng cho phép tôi chọn thầy dạy hát nào mà tôi mong muốn. Tôi chọn ca sĩ Lena Ericsson là người thỉnh thoảng nhận dạy sinh viên và một người cũng là thành viên hội đồng tuyển chọn của nhà trường. Chúng tôi gặp nhau rất thường xuyên tại nhà của cô và tôi có thì giờ học rất nhiều điều trong vòng bốn năm cô dạy tôi. Ngay từ những phút bắt đầu cô dạy tôi rằng cô không ý định quan tâm đặc biệt về tình trạng tật nguyền của tôi. Cô nói: “Tùy em muốn cho tôi biết rằng em có thể làm gì hoặc không làm gì” và điều này hoàn toàn thật phù hợp với tôi.
Cô đã nỗ lực rất nhiều để giúp tôi thật sự dùng được cử điệu thân thể của mình khi hát, để giúp tôi hát với tất cả những gì tôi đã thu nhận được, và để dám hát và truyền đạt điều tôi muốn truyền đạt. Cô nói “mỗi giọng ca là một xúc cảm”
Khởi đầu có lẽ cô nghĩ rằng tôi hơi khép kín, nhưng tôi cố gắng thâu thập càng nhiều càng tốt những điều cô dạy cho tôi, bởi vì tôi thật sự muốn phát huy giọng ca của mình hầu có thể cảm động người khác. Tôi muốn truyền đạt đức tin của tôi thông qua những bài hát của tôi, và một cách để tôi có thể làm điều này là tiếp tục tổ chức những buổi hòa nhạc trong nhiều hội thánh khác nhau. Tôi đã gặp một nhạc sĩ dương cầm Hans-Inge Magnusson, với người này tôi đã bắt đầu trình diễn ở nhiều nơi khác nhau tại Thụy Điển.
Lẽ đương nhiên tôi cũng muốn truyền đạt đức tin của tôi ở tại nhạc viện nữa. Tôi thường gặp Hans-Inge và những bạn sinh viên khác để trao đổi những suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống và về Thượng Đế. Điều này thật thu hút và thích thú, nhưng tôi là kẻ được trưởng dưỡng trong một vùng gần “Giêrusalem của Småland” (Jưnkưping) mau chóng nhận thấy rằng tôi chưa từng suy nghĩ cặn kẽ vì sao mình đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời hoặc tại sao tôi có cảm nghĩ theo cách mà tôi thường có về mọi điều khác. Đây là lúc mà tôi bị thúc ép phải biện minh cho những lý lẽ của ý kiến mình, tôi để ý rằng mình đã thừa hưởng một phần lớn những suy nghĩ theo khuôn mẫu và những lý tưởng từ nơi cha mẹ tôi mà không có sự phản ánh sâu sắc nào. Tôi không có một nền tảng thật sự của riêng mình để đứng vững trên đó.

Về sau, tôi nghĩ đây là một kinh nghiệm hữu ích và cần thiết vô cùng, nhưng tại lúc đó thật là một thời điểm thất vọng ngỡ ngàng, tôi thắc mắc, suy nghĩ, cầu nguyện với Đức Chúa Trời, và tôi đã đọc Thánh Kinh.
Lần hồi đức tin của tôi đã có thể đứng trên đôi chân riêng của nó, và điều này làm cho đức tin càng mạnh mẽ hơn. Tôi cũng kinh nghiệm rằng Đức Chúa Trời ở gần và luôn luôn giúp đỡ bằng chứng là những phép lạ nhỏ trong đời sống mỗi ngày của tôi. Tôi biết rằng một số người có lẽ sẽ lý luận rằng còn có nhiều lối giải thích khác cho những phép lạ thuộc loại này, nhưng đối với tôi chúng là những dấu hiệu đầy ý nghĩa về sự chăm sóc của Đức Chúa Trời và nói lên rằng Ngài rất gần với tôi. Điều này khiến tôi cảm thấy vững tâm hơn khi muốn ca hát để hướng dẫn những người khác đến với Ngài.
Đây là lý do mọi sự đã kết hợp lại thật chính xác khi Lena Ericsson hỏi tôi có muốn đi với cô và hát một bài tại công viên giải trí Rona Lund ở Stockholm không. Cô ấy phải trình diễn một buổi tối ở đó và muốn tôi cùng góp phần một bài hát. Tôi nghĩ điều này sẽ rất vui và chọn một trong những bài hay của Duke Ellington có tên là “Thiên đàng”.
Hôm ấy là một buổi chiều mùa xuân ấm áp. Vừa mới chập tối, nhưng Grưna Lund dĩ nhiên đã được thắp sáng bằng những ngọn đèn và bằng những đèn rọi. Tại đó thật là đông người - có lẽ vì trong tối đặc biệt này không phải mua vé vào cửa- nhưng điều này không làm cho tôi sợ. Tôi đã hát bài hát nhỏ bé của mình, nhưng trên đường về chỗ ngồi, tôi được Magnus Härenstam là người hướng dẫn nghi thức, chận và hướng dẫn tôi lên bục trở lại! Tại đó có Bosse Parnevik.

Tôi mau chóng hiểu lý do đằng sau mọi sự. “Sällskapet Stallbrưderna” là một hiệp hội dành cho những người biểu diễn văn nghệ, tôi đã được hiệp hội nầy chọn lựa để nhận học bổng của họ mang tên là Bosse Parnevik. Tôi được tặng hoa và một tấm séc mười ngàn kronor Thụy Điển để giúp tôi tiếp tục học âm nhạc. Dĩ nhiên Lena Ericsson đã biết về học bổng nầy. Gợi ý của cô về việc tôi sẽ hát chỉ là một lý cớ để tôi đến đó mà không hay biết trước gì cả. Và tôi đã không thể tưởng tượng ra điều này! Đây thật là một ngạc nhiên lớn và là một khích lệ lớn lao vô cùng.
Các báo Buổi Chiều cũng ghi nhanh về học bổng này. Điều này dẫn đến điều kia liên tiếp. Báo Aftonbladet đăng tải một bài viết trong đó họ viết về đời sống của tôi tại Stockholm, về sự nghiệp bơi lội của tôi và về việc luyện tập cho thế vận hội những người khuyết tật, và đồng thời họ cho đăng tải một bức ảnh rất lớn đăng giữa tờ báo hình tôi ngồi trên xe riêng của mình với chân tôi đang cầm bánh lái.
Đến lượt điều này dẫn đến hai nhân viên đài truyền hình ở tại Umể: Henrik Burman và Sven - Erik Frick, bắt đầu thấy quan tâm đến tôi. Họ vừa mới bắt đầu tiến trình hoạch định một vài chương trình tư liệu, và khi đọc về tôi, họ điện thoại và mong muốn tôi hợp tác, thuật lại cho họ biết về cuộc đời của tôi tại Stockholm, tôi đã đồng ý ngay lập tức, bởi vì điều này có vẻ thích thú không ngờ.
Cho đến thời điểm này, tôi đã thực sự chuyển đến một căn hộ riêng của tôi. Khi vừa đến Stockholm tôi đã nộp đơn đúng lúc để xin một căn hộ và đã gia nhập vào một chuỗi dài những người xin như vậy, nhưng tôi cũng đã yêu cầu rằng đơn xin của tôi được phép không phải xếp hàng theo thứ tự, vì những người khuyết tật thường được cho phép làm như thế. Một vài người cho tôi biết rằng điều đó sẽ không được thực hiện tại Stockholm trừ khi tôi thường trú tại đó, và một số khác nói rằng việc xin một căn hộ tại trung tâm thành phố là điều không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, ngay trước lễ Giáng sinh, trước khi học kỳ thứ nhất của tôi chấm dứt, tôi được báo cho biết rằng không phải xếp hàng theo thứ tự, và sau đó cho biết tôi được cho một căn hộ. Một phòng rưỡi và một nhà bếp trong một căn nhà cũ nhưng mới được tân trang lại ở đường Kungsholmen - với một siêu thị và một trạm xe dưới tầng hầm ở cùng trong khu nhà đó và chỉ đi bộ năm phút thì đến được trạm xe trung tâm.
Có phải đây là số mệnh, là một sự may mắn - hay là Đức Chúa Trời? Dù gì đi nữa, tôi luôn luôn được một sự sắp xếp toàn hảo.
Căn hộ không được trang bị đặc biệt theo nhu cầu người khuyết tật, nhưng tôi không nghĩ rằng mình cần căn hộ như thế chút nào. Nếu một người có trở ngại khác trong nhu cầu đi lại thì điều này đôi khi cần thiết, nhưng tôi thích có một căn hộ bình thường hơn, tôi muốn và tôi vẫn muốn thích ứng chính mình với những nhu cầu của người khác chừng nào tốt chừng nấy hơn là để ngược lại người khác phải làm vậy cho tôi. Trong nhà bếp, tôi chỉ cần một chiếc ghế đẩu gắn bánh xe, nó hơi cao hơn bồn rửa chén một chút để giúp tôi có thể nấu nướng và rửa chén.
Tại căn hộ này Sven-Erik và Henrik gặp tôi lần đầu tiên. Tôi đã đãi họ một cái bánh nướng bông gòn mà tôi đã tự nướng (sau đó tôi hiểu rằng đã gây cho họ một ấn tượng rất lớn). Chúng tôi đã có quan hệ rất tốt với nhau.
Trải qua vài tuần lễ sau đó họ đi theo tôi bất cứ nơi nào tôi đi và theo dõi tất cả những gì tôi làm, phải chăng đã có việc huấn luyện Olympic dành cho người khuyết tật, thực tập ca hát và sử dụng nhạc cụ tại Nhạc Viện, pha trà, đi thăm cha mẹ của tôi, đi cùng trên chuyến xe do tôi lái, mua sữa, hoặc nấu nướng thức ăn. Tôi để ý rằng họ rất quen việc làm cho người ta cảm thấy thoải mái trước ống kính camera, cho nên trọn thì giờ quay phim đã diễn ra rất tốt.

Nói về chính mình và những ý kiến của mình về đời sống trong tư cách một người tật nguyền đối với tôi là thật là điều khó khăn. Ngày nay tôi đã quen với việc phát biểu trước công chúng về hầu hết những điều có liên quan đến đời sống của mình, nhưng khi ấy chỉ mới là lần đầu tiên, nên thật khó cho tôi khi phải nói lên chính con người của mình.
Dầu vậy, chương trình đã diễn ra rất tốt đẹp. Tôi nghĩ vậy, và dĩ nhiên nhiều người khác cũng nghĩ vậy khi họ bật TV xem chương trình Mục Tiêu Trong Tầm Nhìn khi nó được phát hình vào một buổi chiều mùa thu năm 1988. Nhiều người đã tiếp xúc với tôi - qua thư từ và nhiều cách khác - và thỉnh thoảng vẫn còn có người đến gặp tôi để nói về chương trình truyền hình này.
Chương trình truyền hình này cũng được xem là tốt đến nỗi được bình chọn làm tiêu biểu cho chương trình Thụy Điển trong một đại hội truyền hình Cơđốc, gọi là Kristoval tại Hòa Lan trong năm sau đó. Chương trình Mục Tiêu Trong Tầm Nhìn đã thu phục được cảm tình của những người thương tật cũng như cộng đồng dân chúng và đã được chọn là chương trình hay nhất. Những lý do được nêu như sau:

Đây là một chân dung đầy sức sống và hóm hỉnh của một người phụ nữ khuyết tật đã quyết định sống một cuộc sống tự lập. Thông qua khả năng xem người phụ nữ tuyệt diệu này như một người bình thường, nhà sản xuất đã tránh được sự hạ mình, sự phóng đại và tánh đa cảm. Chúng truyền thông một sứ điệp hy vọng đến những người khuyết tật và người thân của họ khi phát biểu nhiều nan đề thuộc về lĩnh vực thể lý, tâm lý, xã hội và kinh tế mà Lena Maria đã phải đối diện trong cuộc sống thường nhật của cô. Tư liệu này nói lên hy vọng và đức tin đáng được truyền tụng rộng rãi.
Nhiều quốc gia muốn mua cuốn phim này. Tôi đã trở nên Lena Maria đối với nhiều dân tộc hơn là tôi có thể tưởng. Mọi việc thật đã bắt đầu trở nên mỗi lúc một lớn lao hơn như một quả cầu tuyết.


VỚI MỤC TIÊU TRONG TẦM NHÌN -NHƯNG TẠI SAO?
Mục Tiêu Trong Tầm Nhìn đã có ý nghĩa hơn là điều tôi có thể tưởng. Từ khi tôi sinh ra, mẹ tôi đã có một bảo đảm chắc chắn rằng điều gì đó đặc biệt sẽ xảy đến với tôi khi tôi bước vào những năm hai mươi tuổi trở đi.
Bây giờ nhìn lại tôi tin rằng nó là chương trình truyền hình, bởi vì nó dẫn đến nhiều điều bất ngờ diễn ra những năm sau đó.
Tôi được nhiều đáp ứng đến từ khán giả truyền hình. Có những người chỉ viết thư để cho tôi biết họ khâm phục tôi thế nào và v.v..., nhưng những lá thư người ta thuật lại cho tôi họ được khích lệ và giúp đỡ thế nào nhờ chương trình truyền hình đã làm cho tôi còn hạnh phúc hơn nữa.
Việc quảng cáo khiến tôi nhận được càng nhiều yêu cầu hơn nữa về các buổi hòa nhạc. Nói với mọi người về Chúa Giêxu thông qua việc ca hát của mình là điều tôi thật muốn làm, cho nên lẽ tự nhiên tôi rất thích được nhận thêm nhiều cơ hội hơn nữa để ca hát.

Đang trong mùa xuân này tôi có nhiều hợp đồng đến nỗi nhạc sĩ piano của tôi Hans-Inge, đã không luôn luôn có đủ thì giờ để cùng đi với tôi. Sara Fält, một người bạn ở trung học đệ II cấp đôi khi thay thế vào chỗ đó để hòa nhạc cho tôi, nhưng chẳng bao lâu tôi bắt đầu cùng làm việc với một nhạc sĩ dương cầm khác là Anders Wihk, trên một căn bản đều đặn hơn. Tôi đã gặp anh ấy trong khoảng thời gian đang hướng dẫn một ca đoàn thanh niên ở tại Stockholm, lúc ấy anh vừa mới từ Mỹ Quốc trở về sau khi hoàn tất năm năm học tại đại học Berkeley về âm nhạc. Enders có lẽ đã không hoàn toàn đồng cảm với lòng ham thích âm nhạc như tôi, nhưng anh đã chia sẻ mong ước của tôi muốn dùng âm nhạc để làm vinh hiển danh Chúa.
Và rồi tôi được dịp diện khiến với nữ hoàng Silvia của Thụy Điển! Vào mùa xuân năm 19;89; nữ hoàng chuẩn bị đến thăm một hội nghị về người khuyết tật tại Mỹ Quốc. Một trong các lý do khiến bà phải đi đến đó là vì muốn giới thiệu một cuốn sách về các môn thể thao dành cho người khuyết tật mà chính nữ hoàng đã khởi xướng và bà cũng đã viết lời giới thiệu mở đầu cho cuốn sách. Một vài người tại cung điện đã xem cuốn phim của Burman và Frick nói về tôi và muốn đem cuốn phim đó với họ để trình chiếu tại hội nghị. Họ nghĩ rằng tôi là một gương mẫu tốt đẹp về người lực khuyết tật, vì vậy một bản phim rút ngắn đã được thực hiện.

Khi hoàng hậu từ Mỹ Quốc trở về bà muốn gặp tôi, và như thế tôi được cho phép một cuộc diện kiến, tôi cảm thấy đây là một vinh dự thật sự khi được gặp bà cách riêng tư, mặc dù dĩ nhiên tôi không được hoàn toàn ở riêng với bà. Hai người làm phim, Henrik Burnan và Sven - Erik Frick, cũng có ở đó và cùng với Gert Engstrưm là người đã đi Mỹ với hoàng hậu, và một người phụ nữ giúp việc. Chúng tôi được dành nửa tiếng đồng hồ để nói chuyện với hoàng hậu. Nhưng thật vui vì chúng tôi đã tiếp tục nói chuyện lâu hơn một ít.

Hoàng hậu Silvia hỏi nhiều việc về đời sống của tôi và những giấc mơ cũng như hy vọng tôi muốn có trong tương lai. Sau đó thì cuộc diện kiến kết thúc và một vài tấm hình được chụp do những phóng viên nhà báo, rồi chúng tôi chào từ biệt. Hoàng hậu ở lại để tiếp tục cuộc hẹn sau đó của bà hơi trễ một chút.
Khi đi ra sân sau của cung điện, chúng tôi nhận thấy trời đang mưa. Tôi chỉ mới chạy một vài bước về hướng xe của mình trước khi bị trượt và ngã đập đầu xuống đất. Thỉnh thoảng tôi cũng bị té ngửa và hầu như không sao cả, nhưng lần này mọi sự dường như quay cuồng khi tôi cố gắng ngồi dậy.
Gert Engstrưm lo lắng và muốn điện thoại gọi xe cứu thương ngay lập tức, nhưng tôi nghĩ điều này hoàn toàn không cần thiết. Dầu vậy một lúc lâu sau buộc lòng tôi phải chịu thua bởi vì tôi hoàn toàn không thể ngồi dậy được và chân trái của tôi đã bắt đầu đau vô cùng.
Chân giả gần như bị rời ra hẳn khi tôi bị té, và đồng thời chân tôi đã bị trặc - đó là lý do tại sao nó đau nhiều như thế. Xe cứu thương đã đến và họ đem tôi vào bệnh viện với một tốc độ nhanh như chớp. Mặc dầu chân vẫn còn bị đau, tôi thấy được đi trên xe cứu thương tại Stockholm là một kinh nghiệm thật đặc biệt, xe chạy nhanh, vì trọn cuộc hành trình tất cả những xe khác đều phải nhường đường cho chúng tôi.

Sau khi đến bệnh viện tôi phải ngồi và chờ một lúc lâu, nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến tôi. Tôi ngồi và hát nho nhỏ cho mình đủ nghe và thưa với Chúa cũng như kêu xin Ngài giúp đỡ. Tôi đã hẹn một buổi hòa nhạc trong cuối tuần đến và không muốn hủy bỏ nó cho nên tôi thưa “Chúa ôi bây giờ Ngài sẽ phải lo liệu để con có thể mạnh khỏe để đi đến đó.”
Sau khi chờ ba tiếng đồng hồ, tôi được cho phép đến cho một bác sĩ khám, được kiểm tra và chụp quang tuyến X. Trên phim họ có thể thấy ba vết nứt nơi chân trái của tôi, cho nên không lạ gì nó đã gây cho tôi đau đớn. Bác sĩ cho tôi một ít thuốc trị đau nhức và một người bạn lái xe chở tôi về nhà, tôi uống một viên và đi ngủ.

Sáng hôm sau, khi thức dậy, tôi khám phá thấy mình ngạc nhiên vì tất cả những cơn đau nhức đã biến mất. Dĩ nhiên nó vẫn còn đau khi tôi cố gắng di chuyển chân, nhưng cơn đau nhức liên tục đã biến mất, và điều này làm cho tôi phấn khởi vô cùng.
“Điều này thật tốt Chúa ôi! Xin cứ tiếp tục như thế!” Tôi suy nghĩ và đi đến một trung tâm nơi họ có những phương tiện giúp đỡ cho người khuyết tật. Thật không thể lúc nào cũng cứ nhảy lò cò một chân, cho nên tôi thật vui khi họ cho tôi mượn một chiếc xe đẩy. Nhưng tôi còn vui sướng hơn nữa khi tôi trở về nhà và thấy 20 đóa hoa tulip vàng treo ở cửa ra vào. Chúng đến từ hoàng hậu với lời chúc mừng mong tôi “Chóng Bình Phục”. Không phải ngày nào người ta cũng nhận được hoa từ hoàng hậu Silvia...
Tuy nhiên vài ngày sau đó tôi phải có bài tập hát tại nhà thầy giáo Lena Ericsson. Việc này là một nan đề nhỏ, bởi vì căn hộ của bà ở tầng ba và không hề có thang máy. Tôi biết rằng mình không thể nhảy lò cò lên tất cả các bậc cấp, bởi vì sau đó tôi không thể đủ sức hát, nhưng có lẽ chỗ sưng phồng đã xẹp bớt đủ để giúp đỡ tôi một chút nào chăng? Tôi cố gắng rón rén đi bằng chân giả. Thật ngạc nhiên vô cùng nó có thể hoạt động! Và sau khi quen thuộc được với bài tập hát, tôi quyết định rằng mình cũng có thể đến buổi hòa nhạc nữa. Và sự thật đã diễn ra như thế!


Một tuần sau tôi nhận được một cú điện thoại từ Gert Engstrom cho tôi biết rằng Hoàng Hậu Silvia muốn tặng tôi một học bổng từ quỹ kỷ niệm đám cưới của Đức Vua và Hoàng Hậu để tôi có thể tiếp tục việc học nhạc. Tôi được trao tặng mười ngàn kronor mà tôi dùng trang trải chuyến đi Mỹ để nghiên cứu “Phúc Âm Đen” tại một hội nghị Phúc Âm quan trọng ở đó.
Thật là một kinh nghiệm lớn lao vô cùng khi là một giọng ca trong ban hát khổng lồ gồm hai ngàn năm trăm người (trong đó chỉ có năm người da trắng) với thật nhiều ca trưởng. Quanh tôi toàn là những phụ nữ da đen khỏe mạnh, hát đến nỗi mặt đất cũng phải rúng động. Đó là nơi tôi được học biết hát theo kiểu Phúc Âm thật sự như thế nào!
Trở về lại Thụy Điển tôi tiếp tục làm việc với những âm giai và bài tập hát của mình, và đồng thời Anders và tôi có hàng loạt những buổi hòa nhạc. Việc đó diễn ra trọn thời gian này.
Vào mùa xuân 1991 mọi việc trở nên càng tất bật hơn nữa. Khi một phiên bản phim ngắn của chương trình Mục Tiêu Trong Tầm Nhìn đã được cho phát hình tại Nhật Bản. Đó là trong giờ đầu tiên của chương trình Trạm Tin Tức nổi tiếng trên đài truyền hình Asahi, một trong những băng tầng truyền hình lớn nhất tại Nhật Bản.
Thật nhiều phản ứng đến từ khán giả Nhật Bản. Có lẽ lý do chính của điều này là họ vốn có một thái độ hoàn toàn khác đối với người khuyết tật. Đại đa số dân Nhật nghĩ về những người khuyết tật như là các công dân thứ yếu. Qua chương trình truyền hình này họ đã nhận được một bức tranh hoàn toàn khác hẳn.

Nhà sản xuất là một phụ nữ tên là Kaori Asamoto đã quyết định gởi một đội người Nhật đến Thụy Điển để thực hiện chương trình riêng của họ nói về tôi. Đội làm phim của họ đã ở cùng tôi tại Stockholm trong một tuần, và họ có thì giờ đi với tôi đến thật nhiều nơi. Họ cùng đi với tôi đến buổi hòa nhạc của tôi. Nhưng họ cũng quay phim tôi ở nhà để cho thấy cách tôi thích nghi với mỗi ngày đời thường thể nào.
Chương trình này đã được phát đi một buổi chiều thứ sáu, và có thật nhiều người Nhật xem. Thứ sáu tiếp theo đó tôi đã ở tại Trạm Tin Tức trong phòng quay phim để được phỏng vấn và để hát trong chương trình của họ trực tiếp phát sóng. Tôi thấy tất cả việc nầy thật là thích thú, nó đặc biệt nói lên rằng có một triễn vọng giúp tôi có thể tiếp tục sự nghiệp âm nhạc của mình ngay cả sau khi đã hoàn tất đại học.
Mùa hạ năm 1991 khi tốt nghiệp NhạcViện tại Stockholm, tôi hoàn toàn thích thú với ý nghĩ được tham gia vào sự nghiệp ca hát trong vài năm sắp đến và tôi thật cảm tạ rằng mình có thể làm điều này trọn thời gian. Tôi yêu thích ca hát. Vào mùa thu, tôi trở lại Mỹ một lần nữa. Nhạc sĩ dương cầm của tôi là Anders và tôi đã được mời đến trình tấu thánh ca tại nhiều hội thánh khác nhau tại Mỹ trong gần hai tháng. Ở những nơi khác, chúng tôi được yêu cầu dự phần trong một chương trình phát sóng trực tiếp một buổi lễ tại thánh đường Crystal tại Los Angeles.
Chuyến du hành này thật bận rộn. Trong vòng năm mươi bốn ngày, chúng tôi đã thực hiện năm mươi sáu lần trình tấu khác nhau, trong số đó ba mươi lần là hòa nhạc hoàn toàn. Điều này thật là quá nhiều. Khi trở về nhà tôi cảm thấy không được khỏe. Tôi được ở nhà với cha mẹ trong mùa Giáng sinh, nhưng tôi dành hầu hết thì giờ này để ngủ.

Thể trạng của tôi có lẽ vẫn ở trong điều kiện tốt, nhưng tinh thần tôi thì không được vậy. Tôi không còn muốn làm gì cả. Tôi mất hết cả ao ước của mình về mọi sự. Tôi cũng không thèm ăn uống gì nữa. Tôi không muốn gặp bất cứ người nào. Tôi cũng không còn sức lực để cầu nguyện. Điều duy nhất tôi muốn là ngủ.
Trong chuyến đi Mỹ của chúng tôi, tôi đã mua cho mình một cuốn Kinh Thánh tiếng Anh. Nội dung cuốn Kinh Thánh đã được phân chia ra thành các sách theo thường lệ, các thư tín và phân đoạn, nhưng bản này cũng được chia theo lịch ngày nữa. Ý tưởng này muốn người ta sẽ đọc mỗi ngày một ít và như thế sẽ đọc hết Kinh Thánh trong một năm. Mặc dù thật rã rời, tôi đã cầm cuốn sách đó và bắt đầu đọc. Hoàn toàn không có gì mới với tôi, vẫn là những câu chuyện sáng tạo trong những cuốn Kinh Thánh khác mà tôi đã đọc nhiều lần, cũng là tình cảnh nô lệ tại Ai cập, cũng vậy, cũng vậy...
Tuy nhiên, sau một vài ngày nghỉ ngơi, tôi để ý thấy lần hồi niềm vui cũ và lòng nhiệt thành với cuộc sống bắt đầu trở lại và tôi nghĩ rằng mình đặc biệt cảm thấy khỏe, đó là lúc tôi được đọc cuốn Kinh Thánh tiếng Anh.
Không lâu sau đó tôi thấy khỏe hơn nhiều, nhưng bây giờ tôi phải ngồi xuống và suy nghĩ mọi sự một cách thích đáng. Trải qua những năm gần đây toàn bộ đời sống tôi đã được dẫn vào hai chữ “nếu” và “thì.” Khi cuộc sống đã diễn ra trong khoảng thời gian được huấn luyện bơi lội, tôi đã suy nghĩ “nếu khi nào tôi được cho phép cống hiến chính mình cho việc ca hát một cách thích đáng - thì lúc ấy mọi sự sẽ trở thành dễ chịu hơn.” Và rồi sau đó khi được ở ngay trung tâm của sự nghiệp học hỏi âm nhạc của mình, tôi đã nghĩ: “Nếu khi nào tôi hoàn tất đại học và được cho phép ca hát trọn thời gian - thì lúc ấy toàn bộ cuộc sống của tôi sẽ trở thành tốt đẹp hơn.”
Bây giờ tôi đã là một ca sĩ trọn thời gian, nhưng lại tôi đã lại va đầu vào tường một lần nữa y như vậy.

Đồng thời tôi suy nghĩ về động cơ của mình và những sự thôi thúc của Chúa.
Cha mẹ tôi đã luôn luôn khích lệ tôi theo đuổi điều lòng mình ao ước. Thực hiện điều gì thật sự thâm sâu trong lòng tôi. Trọn đời tôi, ao ước của tôi đó là được làm điều mà Chúa muốn tôi làm. Tôi biết rằng chỉ khi ấy mọi sự mới trở thành tốt nhất.
Nhưng bây giờ tôi bắt đầu thắc mắc phải chăng mình vẫn còn đi theo ý muốn của lòng mình. Có lẽ tôi chỉ ca hát bởi vì bây giờ mọi người đều muốn tôi hát? Tôi không còn vui thích trình diễn và tổ chức những buổi hòa nhạc nữa. Điều duy nhất tôi muốn làm và điều duy nhất tôi có thể làm lúc đó là lắng nghe hữu thể sâu thẳm trong lòng tôi một lần nữa.
Tôi đã không đột ngột ngưng việc ca hát. Ít nhất không phải vì áp lực vẫn tiếp diễn từ Nhật Bản và không do điều tôi đã hứa thực hiện một chuyến du hành dài trong mùa xuân năm 1992. Nhưng tôi mau chóng nhận ra rõ là mình cần phải có một thời gian tạm nghỉ để suy gẫm sâu xa điều tôi muốn làm trong đời tôi từ nay trở đi. Tôi quyết định vào Trường Kinh Thánh.
Đó là nguyên do khiến tôi đến Ấn Độ!


ĐIỀU TÔI HỌC ĐƯỢC TẠI ẤN ĐỘ
Tôi bị thức giấc bởi vì đầu đang đau. Hẳn đó phải là một vết muỗi cắn khác. Gian phòng thật tối và lạnh, tôi cảm thấy mình bị đau và mệt kinh khủng, nhưng lại không thể ngủ tiếp. Mọi sự đều yên lặng ngoại trừ tiếng thở đều đều của hai cô gái ở cùng phòng tôi.
Một con muỗi vo ve bay đến nhưng lại biến mất một lần nữa đang khi tôi nằm đó suy nghĩ.
Nếu tôi biết trước mọi sự sẽ diễn ra như thế này tại Ấn Độ thì tôi không biết mình có đi đến đây hay không. Mọi sự đều khác lạ và còn dơ bẩn nữa. Hai ngày trước đây tôi cố gắng xức lên mình một ít dầu thơm, nhưng năm phút sau đó không còn nghe được mùi thơm nữa. Bây giờ thì tôi đã làm quen được với tất cả mùi lai. Nhưng nhớ lại khi máy bay hạ cánh và chúng tôi mới bước ra khỏi cửa thì được chào đón bằng một thứ mùi hôi không thể tả được.

Bây giờ tôi đang nằm đây thao thức thật sớm trong buổi sáng đầu tiên của năm mới. Tưởng tượng rằng bắt đầu một năm mới theo kiểu này: trong một túi ngủ cách xa nhà sáu ngàn năm trăm Km! Tôi hoàn toàn cảm thấy miệng mồm khô khốc vì đã bị viêm xoan. Và đồng thời dường như toàn bộ cơ thể tôi đều bị đau nhức. Tôi không nghĩ chỉ vì những vết muỗi cắn mà thôi. Cằm tôi đã phát ra một chứng chàm dị ứng và ở trên má cũng vậy là điều tôi chưa từng bị trước đây, và tôi trông thật xấu xí. Bây giờ tôi đã nằm đây hơn ba ngày đêm rồi, trừ những lúc tôi phải chạy vào nhà vệ sinh bởi vì tiêu chảy...
Vậy là tôi đã có mặt tại Karnal.
Sau ba tháng học tại một Trường Kinh Thánh quốc tế ở Amsterdam cùng với bốn muơi sinh viên khác đến từ nhiều quốc gia, tất cả chúng tôi đã đến Ấn độ để thực hành điều mình đã học. Năm người bạn học cùng lớp và tôi đã đến Karnal, một cuộc hành trình kéo dài vài tiếng đồng hồ bằng xe buýt đi về hướng Bắc Tân Delhi để cùng hợp tác làm việc với Mục sư Lal và hội thánh nhỏ bé của ông. Chúng tôi cùng chung sống tại đây với Mục sư và gia đình ông trong một căn nhà nhỏ bé và phụ giúp các buổi lễ. Chúng được tổ chức trong nhà xe của ông mà nay được dùng làm nhà thờ.
Chúng tôi là ba cô gái cùng ở chung trong một phòng chỉ đủ chỗ cho mấy cái giường của chúng tôi, ngoài ra không còn cái gì khác. Đâu đâu cũng thấy đông người. Bất cứ chỗ nào trong nhà này người ta cũng có thể đâm sầm vào một người khác. Trên hết mọi sự đó, người sống trong làng này đã nghe về những người ngoại quốc đến thăm viếng cho nên nhiều người đã đến thăm chúng tôi. Tôi là một kẻ sống một mình trong tám mươi mét vuông tại Stockholm và đã có thể tùy ý sử dụng thì giờ của mình, cảm thấy rất khó làm quen với mọi sự.
Ví dụ như tôi muốn đi ra đường tự một mình, nhưng điều này không thể thực hiện được, bởi vì nó được xem là nguy hiểm. Đặc biệt đối với phụ nữ. Nếu ai đó cần phải đi đến bưu điện hay ngân hàng, phải có một người nào khác luôn luôn đi kèm, và đôi khi việc này phải mất cả nửa ngày. Do đó chúng tôi cần phải hoạch định một cách chi tiết hầu như mỗi ngày và học cách điều chỉnh thành sáu ý mạnh mẽ khác.
Là một người phụ nữ tại Ấn Độ không giống như lúc ở nhà. Ở đây Chúng tôi được đối xử hoàn toàn khác, và tất cả chúng tôi là con gái đều bị buộc phải suy nghĩ trước và cân nhắc những hành vi của mình. Chúng tôi phải luôn nhắc mình không bao giờ được nhìn vào mắt một người đàn ông. Bởi vì điều này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Tuy nhiên hoàn cảnh của một người khuyết tật như tôi có lẽ là khó khăn hơn hết. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi, tôi đã phải nghĩ rằng mình là kẻ khuyết tật. Ở nhà tôi thường tự lo hết thảy mọi sự. Tôi luôn luôn sống như mọi người khác và hiếm khi nào nghĩ rằng thiếu tay là một trở ngại lớn lao. Lẽ đương nhiên tôi làm mọi việc theo một cách khác, nhưng khuyết tật của tôi hầu như không hề giới hạn tôi làm điều mình muốn làm.

Tại Ấn Độ có rất nhiều điều tôi không thể làm. Lúc nào tôi cũng bị thúc bách phải yêu cầu người khác giúp đỡ, và đây là điều mà tôi chưa từng bị buộc phải làm - ít nhất là cho đến thời điểm này. Tôi có cảm tưởng như thể mình đang được chăm sóc đi ngược lại ý muốn của mình. Thật khó khi tự mình không thể giúp đỡ ngay cả trong việc nấu nướng hay rửa chén. Tôi không thể tự mình tắm sen, và đi nhà vệ sinh vẫn thường là một vấn đề nan giải.
Dù vậy tôi thấy dường như Chúa vẫn đang ở với tôi. Nhờ đó mà được nhiều điều thuận lợi, chẳng hạn như toán chúng tôi là toán duy nhất luôn luôn được có nhà vệ sinh theo kiểu phương tây ở bất cứ nơi nào chúng tôi đến, và tôi thật cảm tạ ơn Chúa về điều này. Nhưng dĩ nhiên các nhà vệ sinh không nhất thiết luôn luôn dội nước khi chúng tôi cần, và dương nhiên điều nầy có thể gây ra nhiều nan đề. Đổ đầy nước cho đến vành sô bằng thiếc rồi đổ nó vào trong cầu là một việc quá nặng nhọc đối với tôi, cho nên trong những trường hợp như thế tôi luôn luôn phải xin người khác giúp đỡ.
Nhưng trong một trường hợp khi tôi là một nạn nhân của chứng đau bụng và phải đi nhà vệ sinh không biết bao nhiêu lần, thì tôi thật sự không muốn mở cửa phòng cho bất cứ ai, bởi vì mùi tỏa ra từ nơi đó chắc chắn không dễ chịu chút nào. Tôi đứng đó, nôn nóng suy nghĩ không biết làm thế nào có thể giải quyết được nan đề mà không phải nhờ ai giúp đỡ. Lúc ấy tôi bắt đầu suy nghĩ về những câu chuyện lớn lao lạ lùng mà những nhà truyền giáo đã thuật lại cho chúng tôi trong thời ấu thơ, về cách họ đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời trong những trường hợp khẩn cấp và đã thấy nhiều việc diễn ra. Được rồi, trường hợp của tôi rõ ràng là một thứ trường hợp khẩn cấp!
Vậy nên trước khi tôi có đủ thì giờ để hiểu rõ thật sự điều mình đang làm, tôi nói lớn bằng một giọng quả quyết:
“Nhân danh Chúa Giêxu, hãy hoạt động!”
Tôi kéo chốt nước-và bỗng nhiên nó dội nước như chưa từng bị trở ngại. Tôi không tin vào mắt của mình nữa!
Điều đó đã trở thành một việc mà những người khác trong nhà cũng đã làm khi đến viếng nhà vệ sinh nữa, và cho dù nó không luôn luôn hoạt động như vậy, thì khi nó hoạt động được cũng đã đem lại niềm vui.
Tôi cũng tin rằng chính nhờ những tình tiết như vậy đã giúp đỡ tôi thích nghi được với mấy tháng ở tại Ấn độ.
Sự kiện sau đây cũng là một ví dụ khác tương tự:
Điều này đã diễn ra sau khi chúng tôi vừa mới đến Ấn Độ, tôi phải rời lớp trong vòng một tuần lễ bởi vì đã hứa bay đến Nhật để hát trong một trường hợp do Liên Hiệp Quốc sắp xếp. Sau đó, tôi đã về lại Bombay nơi các bạn học của tôi đang ở, nhưng có điều gì đó sai lầm đã diễn ra. Chúng tôi hạ cánh vào lúc nửa đêm, và phi trường đông nghẹt những người.
Tôi cố gắng hỏi người đàn ông Ấn độ đang giúp tôi khiêng hành lý xem thử điều gì đã diễn ra, nhưng anh ta không hiểu điều tôi nói. Tôi chỉ hiểu dường như mình sẽ không thể rời phi trường. Dần dần tôi hiểu ra được rằng tất cả những dịch vụ xe buýt và taxi đã ngừng hoạt động và như thế tôi không thể rời phi trường.

Tuy nhiên một viên phi công giúp tôi đi lên một phòng đợi khởi hành, nơi mà tôi được phép ở lại qua đêm. Nhiều lần các lính gác đã đến và đuổi mọi người khác, nhưng tôi vẫn được cho phép ngồi tại đó.
Vào khoảng gần năm giờ sáng, tôi hỏi một người lính gác xem mình có thể xin một chiếc taxi hay không, nhưng câu trả lời của anh ta chỉ là: “Nguy hiểm, nguy hiểm!”
Và sau đó khi tôi hỏi anh lại lần nữa anh nói:
“Vẫn còn nguy hiểm!”
Khi trời vừa rạng sáng anh ta kêu tôi đi theo anh, anh bảo rằng mặc dù hiện nay vẫn còn nguy hiểm, nhưng đây có lẽ là lúc tốt nhất để đi. Tôi được cho phép đi ra qua một cánh cửa sau nơi có một chiếc taxi đang đợi. Người tài xế taxi đòi gấp đôi giá tiền xe bình thường, và phải trả trước một phân nửa. Tôi chỉ muốn đi, cho nên tôi đã đưa anh ta số tiền anh muốn, và anh lái xe ra khỏi đó với một tốc độ điên cuồng chạy vào trong thành phố.
Thật là kinh hoàng khi thấy mọi đường phố đều vắng lặng. Tại nơi cách đây hai tuần lễ trước đường phố đông đen những người sống tại đó, mà nay thì trống trải. Càng gần đến thành phố, người lái xe càng trở nên cẩn thận hơn, tại mỗi đường băng ngang anh đều dừng lại và nhìn xem hết sức cẩn thận trước khi nhấn ga chạy cho tới khi anh đến được khu nhà kế tiếp.
Một viên cảnh sát muốn đi nhờ đã được cho phép lên xe. Trong khi người tài xế lái xe xa hơn. Tại sao không có ai ở tại đó? Tại sao nó trở nên nguy hiểm? Tại sao đi đến nơi của tôi lại quá xa như vậy? Tôi trở nên càng lúc càng thêm sợ hãi. Tôi không nghĩ rằng có bao giờ mình từng cầu nguyện mãnh liệt như thế với Chúa, dù trước hay sau biến cố này cũng chưa hề có vậy.
Cuối cùng, Khi chúng tôi dừng lại trước căn nhà trọ thanh niên nơi mà các bạn học của tôi đang ở, tôi đi ra khỏi taxi đứng trên chân run rẩy và bước vào. Tôi được cho biết rằng đã trải qua bốn ngày giới nghiêm tại Bombay bởi vì đã có cuộc chiến giữa những người Hồi Giáo và Ấn độ giáo cho nên chuyến xe taxi vừa rồi của tôi có thể đã kết thúc một cách tồi tệ. Tôi cảm thấy nhẹ nhỏm khi đến nơi và thật cảm tạ ơn Chúa về sự bảo vệ của Ngài trong tất cả mọi sự đó.
Mặc dù thời gian ở tại Ấn Độ là khoảng thời gian khó khăn nhất mà tôi đã trải qua, nó hình thành trong con người tôi và cách suy nghĩ của tôi rất nhiều điều. Đức tin của tôi trở nên sâu nhiệm hơn, và tôi học biết quí mọi sự mà trước kia tôi chưa từng thật sự quí trọng. Lòng ao ước của tôi về âm nhạc lại đến, và tôi cảm nhận được một động cơ để bắt đầu ca hát nhiệt thành trở lại.


SAYONARA - NƯỚC NHẬT TRONG LÒNG TÔI
Nước Nhật sẽ luôn luôn chiếm một vị trí lớn lao trong lòng tôi.
Khi tôi đến thăm Nhật Bản lần đầu tiên sau khi hai cuốn phim của tôi được trình chiếu, và sau khi tôi được phỏng vấn trên truyền hình, tôi đã không thể tưởng tượng được nước Nhật tác động trên tôi nhiều đến mức nào. Tôi chỉ muốn được phỏng vấn và thích hát trên một chương trình truyền hình trực tiếp.
Trong cả hai bản tường thuật trên truyền hình trước đây, vì những lý do rất dễ hiểu, mọi điều tôi nói về đức tin của tôi và về Thượng Đế đã bị xóa trước khi cho truyền hình. Xét thấy rằng đã có quá nhiều tôn giáo tại Nhật Bản, cho nên nói một cách tổng quát trong các chương trình của họ, chính sách truyền hình phải tuân thủ nguyên tắc không bao giờ trình chiếu những triết lý của người ta về đời sống. Nhưng bây giờ khi người giới thiệu của chương trình Trạm Tin Tức đã hỏi tôi tại sao tôi có vẻ quá hạnh phúc và có sức mạnh để làm nhiều việc như vậy, tôi không thể nào không nói với ông ta về đức tin của tôi.

Bây giờ mọi người phải biết rằng tôi là một Cơđốc nhân, và ngay lập tức những đại diện của nhiều hội thánh bắt đầu tiếp xúc với tôi và yêu cầu tôi đến hát cho họ. Một người trong số đó là Alf Idland, một tu sĩ Na Uy làm việc tại Kobe đã sống ở Nhật gần hai mươi năm. Ông đã sắp xếp một chuyến đi khoảng hai tuần lễ cho Anders và tôi vào tháng năm 1992. Ông đã trở thành người quản lý của tôi.
Các hội thánh ở nhiều nơi đều ủng hộ cho các buổi hòa nhạc, nhưng không phải mọi người đều tin tưởng như Alf về sự ham thích ưa chuộng dành cho ca sĩ Thụy Điển này. Bởi vì ngoài mọi chuyện nêu trên tôi vẫn còn khá xa lạ đối với họ. Trong thành phố Mishima, khi một nhà truyền giáo Thụy Điển tên là Bo Dellming thuê được một hội trường hòa nhạc lớn nhất cho buổi hòa nhạc của chúng tôi, là nơi có thể chứa được khoảng một ngàn hai trăm người thì hội thánh của ông đã không thể hỗ trợ cho công việc liều lĩnh này, cho nên ông đã phải mạo hiểm tự mình thuê hội trường đó. Tuy nhiên ông đã không phải lo lắng lâu, bởi vì chúng tôi đã có quá nhiều người đến dự trong buổi chiều hôm ấy, đến nỗi chúng tôi phải trình diễn một xuất phụ trội ngay trong cùng buổi chiều đó.

Thật là kỳ diệu! Tất cả các buổi hòa nhạc đều được bán vé, và trong nhiều trường hợp quá nhiều khách đến nỗi chỉ còn chỗ đứng. Nhiều tiếng đồng hồ trước khi diễn, khách dự xếp hàng dài bên ngoài sảnh đường của buổi hòa nhạc. Những người mà chúng tôi chưa từng biết đã đến gặp để xin chụp hình. Anders và tôi hoàn toàn ngạc nhiên sửng sốt, nhưng dần dà tôi bắt đầu hiểu tác động của những chương trình truyền hình là thế nào.
Người Nhật thích lối hát của tôi và cách diễn xuất đôi khi có âm điệu hơi buồn mà tôi đã trình bày, nhưng điều này không phải là lý do duy nhất khiến họ đến các buổi hòa nhạc.
Qua những chương trình truyền hình, nhiều người Nhật đã được cống hiến hình ảnh một con người khuyết tật thật khác biệt với hình ảnh mà trên một phương diện khác họ đã quen thuộc. Đoạn trích sau đây là tiêu biểu cho điều này. Nó được trích từ tờ nhật báo Yomiuri tại Nhật khi một phóng viên truyền hình bình luận về một trong những phim nói đến tôi.
Ngày 19 tháng 6 trong chương trình Trạm Tin Tức buổi chiều, chúng tôi đã xem một phim video về Lena Maria người Thụy Điển là người đang học ở tại nhạc viện để trở thành một ca sĩ... phim video này thật sự đã nói lên rằng giá trị của một con người chính là ở trong linh hồn của người đó.
Và rồi phóng viên đó cho thấy một vài ví dụ khác tương tự:
Trong một cửa hiệu tại Hawaii có một cô gái được người ta hỏi đường đi. Cô gái này bị tàn tật vì thuốc Thalidomide, nhưng cô đã chỉ đường bằng những bàn tay nhỏ của mình. Trong một cửa hiệu khác, có một thanh niên bị câm, nhưng một dấu hiệu đã được chuẩn bị trước ở đó yêu cầu người ta bỏ tiền vào quầy thu ngân.

Nếu chúng ta cư xử theo cách thông thường và giúp đỡ những người này, thì họ cũng sẽ có khả năng làm việc trong điều kiện họ có thể làm được. Chúng ta biết rằng ngay cả những người không bị tàn tật cũng có một số điều làm được tốt hơn những điều khác. Tôi đã khám phá ra rằng những người nước ngoài nhận ra những điều này và cảm thấy thật tuyệt diệu, trong khi đó tôi để ý thấy chúng ta là người Nhật không có nhiều sự đồng cảm như thế.
Thật vậy, tôi nghĩ rằng có lẽ họ cũng có sự cảm thông, nhưng ở tại Nhật người ta cho rằng có một đứa con khuyết tật là một sự xấu hổ lớn. Sự xấu hổ nầy lớn đến nỗi cha mẹ phải giấu đứa con khuyết tật mình hoặc là bỏ nó đi, và là anh em, hoặc chị em của một người khuyết tật cũng có thể gặp khó khăn khi họ muốn lập gia đình. Có ít người khuyết tật được đi đến trường. Hầu hết sống trong những viện từ thiện và bận rộn trong việc nấu nướng, may vá, hoặc sản xuất nhiều thứ khác để có thể bán. Đi vào đại học và sống một cuộc sống tự lập giống như tôi, một người khuyết tật, là một điều gì đó thật vĩ đại trong cái nhìn của người Nhật.
Người Nhật được trưởng dưỡng để thành công. Điều này là sự thật kể từ khi họ còn nhỏ, và phải học cách làm sao đối phó được với hoàn cảnh tranh đua tại trường học, cho đến khi họ lớn khôn và phải thành công trong công việc. Điều này cũng đúng với nước Nhật trên bình diện của một quốc gia. Người ta tỏ ra có hiệu quả lạ thường trong việc theo đuổi bí quyết thành công. Họ có thể du lịch quanh thế giới để có thể ghi nhận được những mánh khóe và những ý tưởng về việc làm thế nào trở nên hữu hiệu và thành công hơn. Họ thường thành công trong những điều họ theo đuổi, và nhiều sản phẩm của người Nhật đã đạt được đỉnh cao trong thị trường quốc tế.
Điều này có lẽ ẩn tàng một lời giải thích nào đó có liên quan đến lý do người Nhật đối với tôi rất quyến rũ - và vẫn còn tiếp tục quyến rũ, bởi vì trong ánh mắt của họ tôi là người thành công. Tôi đang sống một cuộc sống hầu như bất khả thi đối với một người khuyết tật nặng nề. Người Nhật muốn biết điều gì tiềm ẩn đằng sau sự thành công của tôi. Những câu hỏi này cứ được lập đi lập lại luôn luôn mỗi khi tôi được những nhà báo phỏng vấn hoặc khi tôi gặp một người bình thường trên đường phố.

Không phải chỉ nhờ chuyến đi du lịch mà chúng tôi biết được sự hâm mộ này thật lớn lao. Một công ty ghi âm của người Nhật cũng bày tỏ sự hâm mộ của họ ngay từ đầu. Họ bảo đảm rằng đĩa CD mà Anders và tôi đã ghi âm bằng Anh Ngữ đã được in sang với bao bì bên ngoài bằng tiếng Nhật, và chẳng bao lâu công ty này muốn chúng tôi thực hiện ghi âm một phiên bản mới.
Khi thực hiện đĩa CD đầu tiên, Anders và tôi có một ngân quỹ thật nhỏ bé, nhưng lần thực hiện thứ hai này thực sự trở thành một sản phẩm lớn lao. Vào khoảng 60; nhạc sĩ dự phần với đàn violon, các nhạc cụ bằng hơi, các nhạc cụ gõ, guitar, bass, đàn thụ cầm và thật nhiều loại nhạc cụ và âm hưởng khác, Anders và tôi cũng đến tận Hollywood và ghi âm một vài bài hát cùng với nhạc sĩ Tây Ban Cầm Larry Carlton, và nhạc sĩ dùng dụng cụ gõ tên là Alex Acuna. Tôi cũng sáng tác nhiều bài hát hoặc cùng sáng tác với Anders, bởi vì sản phẩm âm nhạc này có tựa đề là Đời Sống Tôi.

Và rồi Đời Sống Tôi trở thành một cuốn sách. Nó được viết bởi một tác giả người Nhật sống tại Thụy Điển để phỏng vấn tôi trong vòng một tuần qua một phóng viên. Nhưng như thế cũng chưa đủ, hai cuốn sách khác cũng đã được viết. Một viết về cha mẹ tôi và quan điểm của họ đối với người khuyết tật, và cũng có một sách của trường học dành cho các trẻ em bậc tiểu học. Tại Nhật Bản, trẻ con được giao cho một cuốn sách như bài thực tập để chúng đọc trong những ngày nghỉ mùa hè. Đó là cuốn sách mà chúng phải viết luận văn, và sách của tôi được chọn giữa vòng nhiều quận có trường học ở Nhật với mục tiêu này. Thêm vào đó, một cuốn sách nhỏ bỏ túi đã được xuất bản bằng tiếng Anh và được dùng trong giờ dạy tiếng Anh ở các trường học.
Thỉnh thoảng tôi lôi ra được tất cả những cuốn sách này với những tranh bìa đủ màu về tôi và gia đình tôi, nhưng được viết với những tính cách mà tôi không hiểu một chút nào cả, và vì trang trước của họ được đặt ở nơi mặt lưng cho nên thường rất đáng chú ý.

Trong thời gian viết sách tôi đã thực hiện sáu chuyến du lịch khác nhau tại Nhật Bản. Tôi đã thực hiện cả những chuyến đi dài ngày và ngắn ngày. Thỉnh thoảng cùng đi với Anders, trong những trường hợp khác đi chung với ba người, hoặc với một dàn nhạc giao hưởng. Thường có nhiều cuộc sắp xếp vĩ đại với nhiều người tham dự. Trong một chuyến du lịch năm 1995, khi tôi cùng hát với bộ ba nhạc Jazz của Anders Wihk, chúng tôi có 40 người cùng đi để lo về âm thanh, ánh sáng và sân khấu, nhà làm phim Sven - Eric Frick và Henrik Burman khi ở Nhật trong chuyến đi nầy nói rằng chuyến đi thật vĩ đại như The Rock Train.

Nhưng trong chuyến đi này có vài điều rất buồn đã xảy ra. Alf Idland, người quản lý của chúng tôi bị đau ung thư. Bởi vì ông biết rằng ông sẽ không thể thích ứng với vai trò làm người quản lý, ông đã phải chuyển giao trách nhiệm cho những người khác ngay trong giai đoạn đầu và thỉnh thoảng chỉ đến thăm chúng tôi mà thôi. Dù sao, ông có vẻ rất khỏe, tưởng chừng như đã có thể thắng hơn bệnh tật của mình.
Tuy nhiên, mọi sự đã không như vậy. Bệnh tật đã lấn lướt được ông và ông chết trong giấc ngủ ngay tại đỉnh cao của chuyến đi. Đây là một tin rất buồn. Chúng tôi đã hủy bỏ buổi hòa nhạc trong hai ngày để có thể dự lễ tang của ông. Thật khó nghĩ khi phải chịu mất Alf, trong cương vị là một người bạn và là người quản đốc của chúng tôi.

Rồi những chuyến đi trong tương lai của chúng tôi sẽ ra thể nào? Điều này có vẻ vô định trong một khoảng thời gian. Nhưng khi chúng tôi hỏi bạn chúng tôi là Katsutada Sugitani, thì chẳng bao lâu sau đó chúng tôi được trả lời một cách tích cực. Anh đã thường xuyên làm cố vấn cho Alf Idland, và nhờ đó có sự thành thạo tương đương trong những công việc đã diễn ra. Anh tiếp quản công việc quản lý và đã giúp đỡ chúng tôi thật nhiều kể từ khi ấy.
Sự quan tâm của người ta đối với tôi có vẻ lâu bền. Nhận được sự chú ý thật thú vị, nhưng đồng thời nó cũng có nhiều đòi hỏi. Lúc nào tôi cũng được người ta chú ý, cho nên tôi phải suy nghĩ cẩn thận về điều mình làm và cách tôi trình diễn. Dường như tôi phải ở trước công chúng cả ngày đôi khi cả đêm nữa. Bên cạnh đó, khó có thể thật sự làm quen hoặc hiểu biết được người nào một cách sâu xa.

Đôi khi tôi đã thật sự suy nghĩ về việc chuyển đến “xứ sở mặt trời”, nhưng tôi không nghĩ nó có thể hoạt động lâu dài. Tuy nhiên, nước Nhật đã là một nơi đặc biệt trong trái tim tôi. Tôi tin rằng mình đã có thể cống hiến cho nhiều người một thái độ mới về người khuyết tật, và có lẽ tôi cũng đã có thể đem lại cho họ một sự hiểu biết về đức tin Cơ đốc là thế nào. Đồng thời tôi đã được học thật nhiều điều, và gặp nhiều người thật đáng chú ý, cũng đã có nhiều kinh nghiệm lý thú.
Hoàn toàn có thể nói niềm vui lớn lao nhất và kinh nghiệm lạ lùng nhất mà tôi có ấy là tôi đã thực thụ làm việc cho truyền hình - cùng với ông già Noel Santa Claus ở Thụy Điển!
Sau trận động đất lớn tại Kobe thì chương trình TV băng tầng Asahi được tiếp cận, muốn tôi dự phần trong một chương trình sẽ được phát sóng trong lễ Giáng Sinh. Một chuyến đi nọ, tôi cùng đi với đội truyền hình để thăm một vài sắc dân sống tại phần đất của Kobe, là những người bị thiệt hại nặng nề nhất. Tôi đã đến thăm một hội thánh trong túp lều tạm thời đã được dựng lên bằng những ống các tông rất lớn. Tôi đã được phỏng vấn và yêu cầu hát với đám trẻ tại đó cho một chương trình truyền hình đặc biệt Giáng Sinh năm 1995.

Nhưng trẻ em Kobe cũng còn những cơ hội khác để tiếp xúc với Thụy Điển. Đang trong niên học, một lớp học Thụy Điển đã thực hiện nhiều tranh vẽ và đã gởi đến các trẻ em tại Kobe. Đây là lý do vì sao hoa hậu Thụy Điển cùng với giám đốc của “Tomteland” (là vùng đất của ông già Noel) Thụy Điển đến Kobe để trao tặng các bức vẽ.
Ngày 22 tháng 12, tôi đi đến “Tomteland” bên ngoài Mora trong tỉnh Dalarna (Darlicarlia) để dự phần trong một màn diễn xuất truyền hình với kỹ thuật tiên tiến. Trong chương trình này, một trong những chương trình phổ biến nhất tại Nhật Bản là chương trình truyền hình trực tiếp, tôi phải nói cho trẻ con Nhật về nơi tôi đang đến thăm, và diễn ra cùng lúc một phụ nữ trong phòng thâu hình của truyền hình Nhật Bản thông dịch cho tôi.
Phần tiếp theo của chương trình họ trình chiếu một bản tường thuật về chuyến viếng thăm của tôi đến Kobe và trao tặng những bức vẽ. Nhưng sau đó diễn đến phần hết sức hấp dẫn. Tôi đã hát thánh ca Đêm Yên Lặng đứng ở ngoài trời dưới mưa tuyết trong rừng Darlicarlia đồng thời tôi (hay nói đúng hơn giọng hát của tôi được truyền thông qua vệ tinh) được đệm nhạc bởi một nhạc sĩ dương cầm đang ngồi ở tại Kobe.
Bởi vì phải mất thời gian cho âm thanh có thể truyền giữa Á châu và Âu châu, tuy có những tiến bộ khoa học đã thực hiện được, tôi vẫn không thể lắng nghe tiếng đàn piano phụ họa cho nên người nhạc sĩ dương cầm phải phụ họa với giọng ca của tôi mà thôi. Chúng tôi chưa từng có thì giờ để tập dượt với nhau cho nên pha trình diễn có một vài chi tiết nhỏ bất ổn thôi. Tất cả đều phải thực hiện trên màn truyền hình trực tiếp.
Mọi việc diễn ra thật xuất sắc, nhưng trước đó tôi chưa từng làm và sau đó cũng không còn dự phần lần nào giống như vậy nữa.


CHÚNG TÔI CHỈ MỚI LÀ BẠN
Một người khuyết tật như tôi có thể có một mối liên hệ thân mật được không? Nếu một người phải lập gia đình, người đó có bị buộc không được kết hôn với một người nào khuyết tật như trường hợp khuyết tật của tôi không? Ngoài ra có người nam nào quan tâm không?
Dường như có nhiều người lưu tâm về điều này và hỏi tôi có muốn kết hôn và bắt đầu một gia đình không? Cũng như trong nhiều vấn đề khác, tôi không suy nghĩ nhiều. Tôi sẵn lòng phó thác điều đó cho Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài vẫn đang xếp đặt nhiều điều khác trong cuộc đời tôi.
Lẽ tự nhiên đã có những lúc tôi mơ ước nhiều về một chàng trai. Cô gái nào lại không có điều đó trong lứa tuổi mười chín đôi mươi? Nhiều lần tôi đã cảm mến một người và nghĩ rằng bây giờ chắc hẳn phải là người của đời tôi, nhưng mọi sự đã không tiếp diễn như vậy.
Và rồi tôi gặp Bjưrn.
Chúng tôi quen biết nhau qua ban hợp ca Phúc Âm gọi là Tiếng Chúa tại Nhạc Viện. Tôi là một trong những người cùng thành lập ban hợp ca, và khi chúng tôi có buổi hòa nhạc đầu tiên thì nhiều người muốn gia nhập với chúng tôi. Bjưrn Klingvall đang học để ra giáo sư âm nhạc và sử dụng nhạc cụ chính là đàn Viola, anh muốn gia nhập để hát giọng nam cao với chúng tôi. Ngay sau đó chúng tôi khám phá ra rằng chúng tôi có rất nhiều điểm chung.

Thỉnh thoảng chúng tôi bắt đầu gặp gỡ, ăn trưa với nhau và nói chuyện về bất cứ điều gì mật thiết liên quan với tấm lòng chúng tôi lúc ấy. Bjưrn trở thành một loại bạn hữu mà tôi có thể nói đủ mọi thứ chuyện. Một người anh em thật! Tôi nghĩ rằng anh cảm thấy rằng anh cũng có thể nói về hàng loạt nhiều vấn đề với tôi, bởi vì khi anh có những nan đề về bạn gái thì anh đến nói với tôi.
Điều này có lẽ giống như một khuôn mẫu nào đó, nhưng chúng tôi vẫn chỉ là bạn, và đối với tôi điều này hết sức tự nhiên. Có quá nhiều điều cho thấy rằng chúng tôi không thể trở thành một cặp tình nhân. Tôi hiểu rằng đối với Bjưrn các thiếu nữ phải có ngoại diện như thế nào là điều vô cùng quan trọng. Còn đối với tôi thì điều quan trọng ở chỗ: một người mà cuối cùng tôi sẽ chia sẻ cả cuộc đời của mình cũng nhất thiết phải chia sẻ đức tin của tôi nữa. Bên cạnh đó giữa chúng tôi chưa hề có tình yêu nam nữ, ít nhất là đối với nhau.
Mặc dầu Bjưrn không xem anh ta là một người Cơ đốc, chúng tôi vẫn nói chuyện rất nhiều về Thượng Đế. Điều này thật tự nhiên bởi vì anh cũng là thành viên của ban hợp ca, nhưng sau một thời gian thì anh đã từ bỏ. Anh nghĩ rằng thật khó chịu khi mọi người đều nói chuyện về đức tin của họ và Chúa Giêxu, và thật căng thẳng đối với anh khi hát về những điều mà anh không rõ mình có tin tưởng không.
Tôi cảm thấy không vui về phúc lợi của anh cho nên tôi cầu nguyện cho anh, bởi vì tôi biết rằng anh đang trải qua một thời kỳ cố chấp, nhưng chúng tôi không còn gặp nhau thường xuyên nữa. Một khoảng thời gian giữa những sự bận rộn khác, tôi có một chuyến đi đến Hoa Kỳ, chúng tôi mất liên lạc với nhau, nhưng tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện cho anh.

Khi trở lại Thụy Điển, tôi đi đến ban hợp ca Lời Chúa để thực tập, và tại đó thật ngạc nhiên vô cùng, tôi gặp được Bjưrn. Anh thuật lại cho tôi biết rằng một ngày kia anh thức dậy và suy nghĩ rằng đằng sau tất cả mọi sự phải có một Đức Chúa Trời, và mọi điều về Chúa Giêxu có lẽ đúng. Bây giờ anh cảm thấy rằng anh có thể hát những bài Thánh ca Phúc Âm và thật sự hát một cách có ý nghĩa. Đó là lý do anh bắt đầu hát trở lại trong ban hợp ca.
Trải qua mùa xuân đó, chúng tôi tiếp tục gặp nhau nhiều hơn, thường xuyên hơn. chúng tôi thử xem cùng chạy trên chiếc mô tô có cảm giác như thế nào, chúng tôi cùng nghe nhạc với nhau, nói chuyện, chúng tôi đến các buổi hòa nhạc và cùng dự rất nhiều điều khác. Mùa hạ sang, chúng tôi lại cùng đi nghĩ hè với nhau trên một chiếc xe gắn máy.
Chúng tôi giống như những người bạn tốt của nhau, nhưng chúng tôi vẫn không có một suy nghĩ nào về việc “sống chung”. Nếu cưới Bjưrn điều đó tựa như có một mối liên hệ với một người anh ruột của mình vậy! Trong khi người khác hỏi chúng tôi, có phải chúng tôi là một cặp tình nhân không? Chúng tôi chỉ cười, tôi đã có một người bạn tuyệt vời và điều này cũng đã đủ.

Tuy nhiên nhiều tháng trôi qua và dần dần có một câu hỏi bắt đầu khuấy động ở trong tôi? Cuộc sống chung cùng với Bjưrn sẽ như thế nào?
“Không đâu, nó sẽ không tốt đâu” tôi tự trả lời cho mình.
Câu hỏi đó cứ tiếp tục đến với tâm trí tôi, nhưng tôi biết câu trả lời luôn luôn thật là cứng nhắc mỗi lần như vậy. Dĩ nhiên điều tuyệt diệu là anh đã là một tín hữu, nhưng anh ta không phải là mẫu người mà tôi đã mơ được kết hôn. Ngoài ra tôi có thể thấy nhiều điều khác, có nghĩa là một mối liên hệ giữa chúng tôi không thể thực hiện được. Ví dụ như bất cứ lúc nào anh ấy cũng phải sẵn sàng để giúp đỡ tôi mà không cần tôi phải yêu cầu, là điều trên một phương diện không thể có được.
Và rồi phép lạ đã diễn ra. Bjưrn bắt đầu thay đổi.
Điều đó khởi đầu vào một buổi chiều nọ khi tôi trở về nhà sau một chuyến đi. Đó là lúc anh đãi với tôi bằng cách đưa tôi đi ăn chiều. Anh chưa từng làm điều này bao giờ. Và buổi sáng hôm sau anh đã đến căn hộ của tôi lo bữa ăn sáng, rồi anh dọn rửa...
Điều này tựa như mọi lần khác, khi tôi thưa với Chúa về những điều không thể diễn ra được, Bjưrn đã bắt đầu thay đổi trong lãnh vực này. Điều này thật đáng chú ý. Đồng thời tôi bắt đầu suy nghĩ một cách nghiêm trang, tôi có thể yêu Bjưrn trọn đời không? Có thể nhận Bjưrn làm chồng suốt đời không? Thật ra, đây là điều người ta không bao giờ có thể thật sự biết được, có phải vậy không? Nhưng sau một thời gian, tôi biết rằng nếu khi nào Bjưrn cầu hôn tôi, câu trả lời của tôi sẽ là đồng ý.

Tôi chưa từng nghĩ là sự khuyết tật của tôi là một điều gì cản trở trong bất cứ phương diện nào, ngoại trừ khi nó phải đối diện với vấn đề này. Tôi cảm thấy mình không thể bước bước đầu tiên nào hết khi nói về khả năng chung sống với nhau trong tương lai. Tôi biết rằng lập gia đình với một người khuyết tật thực sự là một thách thức, và hơn hết, công việc làm đặc biệt của tôi đã hoàn toàn không khiến cho sự việc dễ chịu hơn. Trong mọi sự đó, ít nhất tôi muốn Bjưrn phải cảm thấy dễ chịu. Tôi muốn sự chọn lựa là của anh, nếu anh phải chọn tôi, thì điều đó phải đến tự nơi anh mà thôi.
Nhưng bây giờ tôi thật sự đã yêu anh ấy. Tôi phải đi đến Nhật trong một chuyến đi khác khi Bjưrn nêu ra vấn đề mà tôi muốn đề cập hơn hết. Ồ vâng, anh cũng đã suy nghĩ về chúng tôi và mối liên hệ của chúng tôi, anh nói với tôi và chúng tôi cùng nhau quyết định suy nghĩ toàn bộ vấn đề kỹ lưỡng hơn trong khi chúng tôi ở mỗi người mỗi nơi - anh ấy ở Thụy Điển và tôi ở Nhật. Chúng tôi quyết định rằng nếu cả hai cảm thấy muốn tiếp tục mối liên hệ thì chúng tôi sẽ phải hứa hôn vào đúng thời điểm lễ Giáng Sinh.
Về phần tôi, tôi cảm thấy đây là một kết luận cuối cùng. Tôi mong muốn một sự đồng ý trọn tấm lòng từ Bjưrn nếu anh phải chọn tôi. Chuyến đi ba tuần tại Nhật dường như dài vô tận. Tôi đã biết rõ điều tôi muốn, cho nên lòng đầy cảm xúc, tôi bị chao đảo vô cùng giữa hy vọng và tuyệt vọng. Anders, nhạc sĩ dương cầm tội nghiệp của tôi đã dành để thì giờ góp ý kiến khải đạo trước cho tôi trong khoảng thời gian giữa các buổi hòa nhạc.
Đối với Bjưrn điều đó cũng không phải dễ dàng. Anh thực sự đã là bạn của tôi nhưng anh có thể nghĩ về tôi như là người phụ nữ hoặc người vợ trong đời anh không? Lại nữa, anh có sẵn sàng sống với sự khuyết tật của tôi không? Cuối cùng mấy tuần ở Nhật cũng phải trôi qua. Chỉ còn một tuần nữa trước lễ Giáng Sinh và tôi đáp phi cơ về phi trường Arlanda đang khi Bjưrn đứng chờ đợi ở tại đó.

Tôi đã nhận được một cái ôm chầm mừng rỡ, nhưng tôi thật nôn nóng trước khi được nghe quyết định mà anh đã chọn lựa. Anh có yêu tôi hay không? Điều này còn tệ hại hơn khi bạn bứt những cánh hoa của một đóa hoa cúc!
Tôi hỏi anh về điều đó trong xe khi chúng tôi rời phi trường. Vâng, anh cũng muốn thế! Anh đã quyết định chia sẻ trọn đời với tôi và đối với cả hai chúng tôi, điều này dường như cũng là một điều gì đó mà Chúa ưng thuận.
Hai ngày trước lễ Giáng Sinh chúng tôi đã hứa hôn tại một khách sạn nhỏ tuyệt vời bên ngoài Vadstena. Có lẽ bạn nghĩ rằng điều này thật không thể tưởng tượng được, nhưng tôi đã nhận nụ hôn đầu tiên của mình đồng thời khi chúng tôi trao đổi nhẫn. Trọn buổi chiều tối thật là tuyệt vời, và trên đường đi tới khách sạn đó chúng tôi đã trải qua một buổi hoàng hôn lạ lùng. Điều đó dường như là hình ảnh Đức Chúa Trời đang mỉm cười về chúng tôi.
Lễ đính hôn của chúng tôi không có thời gian thử thách. Chúng tôi đã có quyết định của mình. Vì vậy mấy tháng mùa xuân sau đó trôi qua rất nhanh bởi vì chúng tôi đã phải chuẩn bị cho lễ cưới và mọi sự sau lễ cưới của mình.
Bởi vì cả hai chúng tôi đều quen biết rất nhiều người nhưng không có nhiều bạn thân, chúng tôi do dự một ít về việc có nên tổ chức một lễ cưới lớn hay nhỏ. Chúng tôi chọn tổ chức một lễ cưới lớn, nhưng đồng thời cả hai chọn từ chối hầu hết những phương tiện truyền thông đại chúng đang chờ đợi để xem lễ cưới của chúng tôi. Mặc dù tôi là một người nổi tiếng, chúng tôi không muốn ngày cưới của chúng tôi chủ yếu lại là một cuốn phim truyền hình.

Và như thế ngày 1 tháng 7 năm 1995, chúng tôi kết hôn tại nhà thờ Gustav Wasa ở Stockholm với hơn 800 khách mời hiện diện làm chứng. Khi còn trẻ, tôi mơ lễ cưới của tôi cũng sẽ là một buổi hòa nhạc - và điều này đã thực sự diễn ra. Chúng tôi được biết ban nhạc Lời Chúa sẽ hát bài Thánh ca Messiah của Handel như một lời chào kết thúc nhưng thêm vào đó Marina Johansson, là bạn thân của chúng tôi cũng là người tổ chức lễ cưới đã sắp đặt nhiều phần âm nhạc bất ngờ trong một buổi hòa nhạc kéo dài khoảng nửa tiếng.
Ngày sau đó, chúng tôi bắt đầu tuần trăng mật của mình đi bằng xe mô tô xuyên qua Châu Âu. Khi về lại nhà thì chúng tôi đã để lại đằng sau 7;.00;0; km.
Tôi đã có một người chồng rất tốt, một người đã từng là bạn rất thân của tôi từ bấy lâu nay. Anh là một người tốt nhất mà tôi được biết, anh có một tấm lòng ấm cúng và tuyệt diệu, tôi thật hạnh phúc từ khi ấy, và vẫn còn hạnh phúc, hãnh diện và cảm tạ vì đã có Bjưrn giữa vòng nhiều người khác.
Điều này không có nghĩa là mọi sự từ đó trở đi được toàn là hạnh phúc dễ chịu như trong chuyện thần tiên. Một số ảo ảnh đã hoàn toàn biến mất. Ví dụ như chúng tôi nghĩ rằng mình biết lẫn nhau rất đầy đủ trước khi chúng tôi kết hôn. Nói một cách khác, chúng tôi thật sự là bạn rất thân, nhưng tôi khám phá rằng tôi vẫn còn mang theo mình tận đáy lòng những điều mà tôi chưa từng chia sẻ với ai.

Lẽ tự nhiên, chúng tôi đã phải trải qua những điều tương tự như hầu hết những cặp mới cưới, nhưng sống với một người khuyết tật đôi khi còn khó khăn hơn sau khi một người đã kết hôn, nó có thể liên quan đến cả những điều nhỏ nhặt lẫn những điều lớn lao: từ việc hiểu tôi cần được giúp đỡ nhiều hoặc không cần thế nào, nhằm giúp cho hôn nhân được diễn ra một cách tốt nhất, cho đến việc hiểu cách một người có thể bày tỏ sự êm dịu tế nhị đối với người khác ra sao. Ngồi bên nhau “chân trong tay” là một ví dụ của điều có vẻ tự nhiên đối với tôi, nhưng không thấy tự nhiên đối với Bjưrn chút nào.
May mắn thay, chúng tôi luôn luôn có thể tìm thấy một giải pháp bằng cách nói chuyện với nhau. Chúng tôi không bao giờ tiếp tục che giấu những nan đề của mình, và chúng tôi đã học để chạy đến với Chúa càng thường xuyên hơn trước nữa.

NGÀI ĐÃ THẤY TÔI TRƯỚC KHI TÔI SINH RA
Cảm ơn vì bạn đã có mặt trên đời nầy… nhưng tôi nghĩ rằng nếu bạn là một người tầm thường, thì hẳn bạn đang phải ngồi trên một chiếc xe đẩy trong viện từ thiện .
Niềm say mê cuộc sống mà bạn có thật đặc biệt! Được biết nhiều điều bạn có thể làm được cũng là điều thật diệu kỳ. Nhưng làm thế nào bạn có thể tự mình mặc quần lấy và làm sao bạn có thể cài tất cả các nút của bạn… tôi chắc rằng bạn phải có ai đó giúp bạn những việc này chứ .
Tôi nhận được nhiều lá thư, từ những người ở Nhật lẫn những người ở Thụy Điển nữa. Thường thì họ ngạc nhiên vì sao tôi luôn luôn có một cái nhìn tích cực về cuộc sống như vậy, và làm thế nào tôi đã thành công trong nhiều việc mặc dù có nhiều điều bất lợi cản trở tôi.
Đây là một câu hỏi khó, nhưng tôi nghĩ mình có thể thấy ít nhất ba lý do khác nhau. Trước hết, điều này thật đơn giản, phải chăng khi sinh ra chúng ta đều khác nhau. Tôi được hạnh phúc và tò mò về cuộc sống ngay từ lúc khởi đầu, nhân cách của tôi là điều đã khiến tôi có thể nhìn vào những tiềm năng thay vì những khó khăn. Tôi không làm cho mọi sự trở nên càng khó khăn hơn chính bản chất của chúng, tôi suy nghĩ cách tích cực về chính mình. Tôi dám tự giúp mình thực hiện những điều tôi thấy. Tôi dám thắc mắc, dám hỏi.

Tôi bướng bỉnh. Hay có thể nói là cương quyết. Khuyết tật của tôi đã giúp thêm cho tính cứng đầu này theo một hướng có ích. Tôi nghĩ rằng nếu mình có một thân thể bình thường, sự cứng đầu và suy nghĩ tích cực của tôi sẽ khiến tôi tự cao tự kỷ và kết quả sẽ tự thúc giục tôi tiến bước trong cuộc sống. Thay vào đó, tình trạng khuyết tật của tôi đã giúp tôi không xem mọi việc là tất nhiên hoặc coi thường để rồi bỏ uổng phí những điều mình có.
Lý do thứ nhì là cha mẹ tôi. Tinh thần yên nghỉ của họ về tôi và tình trạng khuyết tật của tôi là điều quan trọng vô cùng. Họ đã đem lại cho tôi một nền tảng an toàn vô cùng. Họ đã giúp tôi thành công, và cũng giúp tôi chấp nhận thất bại nữa. Họ là chỗ dựa cho tôi lớn lên, nhưng họ không bao giờ khiến cho khuyết tật của tôi trở thành quan trọng hơn chính con người của tôi. Dĩ nhiên họ thường phải nói cho người khác biết về sự thiếu khả năng di chuyển của tôi và những điều khác nữa, nhưng họ không để cho những cuộc đối thoại như vậy diễn ra khi có mặt tôi.
Tôi nghĩ điều thứ ba là điều quan trọng nhất nói lên lý do tại sao tôi luôn luôn có một cái nhìn về đời sống vui vẻ hạnh phúc như vậy, không nghi ngờ gì cả điều đó chính là nhờ nơi Chúa. Đức tin đã trở thành một phần tự nhiên của đời sống tôi tự bao giờ tôi không thể nhớ, và là một Cơđốc nhân, tôi biết rằng tôi có giá trị cho dù tôi là ai và bề ngoài của tôi thế nào.
Tôi thường nghĩ về một vài câu Thánh Kinh trong Thi Tv 139:1-24
“Vì chính Chúa nắn nên tâm thần tôi, Ngài dệt thành tôi trong lòng mẹ tôi .
Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng. Công việc Chúa thật lạ lùng, lòng tôi biết rõ lắm. Khi tôi được dựng nên trong nơi kín, chịu nắn nên cách xảo tại nơi thấp của đất, thì các xương cốt tôi không giấu được Chúa. Mắt Chúa đã thấy thể chất vô hình của tôi; số các ngày định cho tôi, đã biên vào sổ của Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy .”
Đức Chúa Trời có ở cùng tôi ở giai đoạn phôi thai không? Ngài có nghĩ về tôi trước khi tôi được sinh ra không? Vâng, tôi tin điều này có và tôi cũng tin rằng đối với Chúa không phải ngoại diện và hình dáng của tôi là phần quan trọng nhất. Phần quan trọng nhất trên hết mọi sự là mối liên hệ của tôi với Ngài. Và tôi biết rằng Ngài yêu tôi.

Dĩ nhiên tôi đã tự hỏi rất nhiều lần tại sao lại phải có quá nhiều đau khổ và nan đề, bệnh hoạn và tàn tật, đã nhiều lần tôi vẫn thường suy nghĩ làm thế nào Đức Chúa Trời có thể cho phép những điều như vậy xảy ra. Không phải tôi đã có những giải pháp dễ dàng nào, nhưng có lẽ tôi được như vậy bởi vì tôi đoan chắc rằng những điều làm tổn thương chúng ta sẽ hình thành nhân cách của chúng ta, có lẽ bóng tối tăm phải tồn tại để có thể tăng cường sự tốt đẹp cho ánh sáng.
Không có con người nào trải qua cuộc sống mà không có những nan đề, nhưng tôi tin rằng sự phong phú của một người trên hết là nhờ họ phải trải qua những kinh nghiệm khó khăn. Tôi để ý khi gặp một người mà mình khâm phục. Đó là do cách họ thích ứng với những khó khăn trong đời sống đã làm cho họ đáng khâm phục như vậy.
Một người mà tôi rất ngưỡng mộ đó là Aiako Miura*, một tác giả người Nhật sống ở tại Hokkaido, một đảo thuộc về miền bắc Nhật Bản. Xuyên suốt đời sống của bà, bà đã phải chịu khổ vì nhiều bệnh tật mà phải nói là hầu như quá nhiều đối với bà. Nhưng trong một cách nào đó hoặc là theo một cái nhìn khác, bà đã luôn luôn có thể vượt qua được những khó khăn và chính những khó khăn này đã đem lại sức mạnh cho bà. Tại Nhật Bản, ngày nay bà là một tác giả Cơđốc vĩ đại, và các sách của bà có ý nghĩa thật lớn lao đối với mọi người. Bà đã viết hơn bảy mươi cuốn sách trong suốt đời mình, hơn ba mươi triệu ấn bản đã được bán, và nhiều sách của bà đã được phiên dịch qua những ngôn ngữ khác.

Bà cứ tiếp tục viết, mặc dù hiện nay đã lớn tuổi và phải chịu đựng bệnh parkinson và cả ung thư nữa. Tôi gặp hai vợ chồng bà trong một chuyến viếng thăm Nhật Bản và lần gặp gỡ này vừa thật hứng thú và có nhiều sự dạy dỗ. Sự khích lệ của họ, niềm vui và sự nồng ấm của họ đã tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ cho tôi.
Khi so sánh với những con người như thế, tôi không nghĩ rằng mình đã trải qua một thời gian khó khăn đặc biệt nào trong cuộc sống. Chúa đã ban cho tôi sức mạnh để thích nghi với những gì gọi là đau khổ và chịu đựng mà tôi đã phải từng trải, và tôi chỉ vui mừng nếu đời sống của tôi - với tất cả những sự thăng trầm của nó - có thể nói lên một điều gì đó cho người khác.
Dĩ nhiên đôi khi tôi cũng mong rằng Đức Chúa Trời có thể chữa lành cho tôi. Khi còn trẻ tôi không bao giờ nghĩ điều này, nhưng ngày nay thỉnh thoảng tôi có ao ước đó. Tôi cảm thấy rằng thân thể của tôi mỗi ngày càng có vẻ cứng hơn, và hông của tôi dễ dàng bị đau khi phải chất lên nó quá nhiều gánh nặng. Sẽ thực tế hơn nếu tôi có những cánh tay, nó sẽ làm mọi sự dễ dàng hơn và điều đó phải là phép lạ.
Nhưng tôi cho rằng được đặc ân Chúa hiện diện với mình đã là một phép lạ rồi dù rằng tôi mang hình trạng như hiện nay. Tôi đồng ý với Joni Eareckson Tada, một phụ nữ Mỹ bị liệt vì tai nạn khi phóng xuống hồ bơi, là người tôi được nghe về sự khuyết tật và đức tin của bà qua một câu nói như sau: “Nếu Đức Chúa Trời phải hành động và chữa lành cho tôi thì tôi sẽ rất vui mừng. Nhưng để có thể sống hạnh phúc vui mừng ngay ở giữa hoàn cảnh khó khăn, thì điều này lại càng bày tỏ Đức Chúa Trời là một Đấng vĩ đại hơn nữa.”
Có lẽ một vài người nghĩ rằng đức tin của tôi thật ngây ngô. Nhưng tôi đã thấy nhiều lần Đức Chúa Trời ở với tôi ngay trong những hoàn cảnh lớn lao lẫn trong những việc nhỏ nhặt. Điều này đem lại cho tôi niềm vui và năng lực. Đó là lý do vì sao tôi có thể tiếp tục nhìn về tương lai một cách tích cực, cho dù tôi không biết nhiều về những gì sắp xảy đến. Tôi vui mừng vì được sống và được làm một ca sĩ. Tôi có một người chồng, có gia đình và bạn hữu là những người có thể giúp đỡ tôi khi cuộc sống trở nên khó khăn. Nhưng trên hết mọi sự tôi có Chúa. Ngài yêu tôi và tôi biết rằng không gì có thể cướp đi khỏi tôi tình yêu này.
 
Khi tham dự thế vận hội dành cho người khuyết tật tại Seoul Hàn Quốc, tôi đã viết một bài ca nói lên cảm xúc khi phải đi một mình. Tôi cũng muốn chia sẻ lời bài ca đó với bạn:
Tận trong lòng tôi, có thể nghe Chúa đang thì thầm gọi tên .
Như làn gió lặng lẽ thì thầm
Ngài đang ở đây và tôi đang yên nghỉ trong cánh tay Ngài ,
Chúa đang nói với tôi rằng Ngài yêu tôi ,
Và Ngài muốn tôi là bạn thân nhất của Ngài .
Chỉ cần suy nghĩ rằng
Bất cứ nơi nào tôi đi, Ngài luôn luôn ở đó, Ngài quan tâm đến những gì sâu thẳm nhất trong tôi ,
luôn dành thì giờ hỏi thăm tôi .
Ngài biết hết mọi sự mà tôi không thể hiểu được
Chúa biết rõ mọi tội lỗi tôi, dầu vậy Ngài vẫn yêu tôi ,
Ngài yêu tôi, Ngài vẫn yêu tôi .
* Aiako Miura qua đời tháng Mười 1999.