“Tình yêu là một mãnh của vô biên rơi xuống mặt đất”
“Càng khám phá tình yêu, bạn sẽ hụt hẫng nhận ra rằng mình chưa bao giờ yêu và được yêu thực sự”.
1. Yêu là gì?
Cách đây không lâu, có một anh chàng bị mắc phải một chứng bệnh quái ác, làm cho anh ta mất đi đôi chân, rồi đôi tay, rồi cả đôi mắt, vào độ tuổi sung sức nhất, và anh chỉ còn một tuần để sống. Một hôm chợt nghe thấy cô vợ trẻ của mình thút thít khóc bên cạnh. Anh liền hỏi: “Sao em khóc vậy? Đúng là anh không còn đôi chân để dạo chơi với em vào dịp cuối tuần, không còn đôi tay để ôm ấp em, và cũng chẳng còn đôi mắt để nhìn ngắm em… Nhưng anh vẫn còn có một trái tim để yêu em”. Một quả tim để yêu! Phải chăng đó là quà tặng quý giá nhất mà Thượng Đế đã ban tặng cho con người?
Các bạn thường nghe nói đến tình yêu như một điều gì đó không thể định nghĩa, là một cái gì thật mơ hồ, vô cớ như Xuân Diệu tâm sự:
“Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu...”.
… Phải chăng chính vì cái khái niệm mơ hồ đó làm cho tình yêu trở nên hấp dẫn, và là nguồn cảm hứng cho không biết bao tác phẩm thơ văn, nhạc kịch, điện ảnh? Đồng thời tình yêu cũng trở thành một đề tài mà ai cũng có thể bàn cãi và đưa ra ý kiến của riêng mình, để rồi từ đó có thể hiểu tình yêu như thế nào cũng được chăng? Phải chăng đó là lý do để ngày nay người ta, đặc biệt giới trẻ, có thể yêu cuồng sống vội, sống thử theo ý thích và ngông tưởng của mình hay không?
Thật ra có rất nhiều định nghĩa về tình yêu. Vì người ta không hẳn có cùng một cái nhìn về cùng một thực tại và cùng một quan điểm về tình yêu. Nhưng có phải vì thế mà tình yêu có thể là thế này hay thế kia không?
Các bạn đã từng xem sách danh ngôn về tình yêu chứ? Các bạn có nhận ra rằng từ tình yêu được đề cập đến trong những danh ngôn khác nhau đến dường nào, thậm chí đối nghịch?
Người ta thường lầm lẫn tình yêu với những gì được thể hiện ra bên ngoài và được gọi là tình yêu.
Thật ra tình yêu vẫn chỉ là tình yêu. Và chỉ là như thế mà thôi!
Cái nhìn của ta về một thực tại cụ thể còn hạn chế (chuyện năm ông đi xem voi) huống gì là một thực tại trừu tượng như tình yêu.
“Tình yêu không thể chứng minh nhưng lại có thể cảm nhận”. (Pascal)
Người ta thường lầm lẫn giữa tình yêu và những biểu hiện của nó.
Tình yêu không thể không diễn tả qua những biểu hiện. Nhưng những biểu hiện của tình yêu lại không nhất thiết là tình yêu.
Giả dụ bây giờ tôi hỏi các bạn hiện thời các bạn có đang yêu và đang được yêu không? Có lẽ các bạn sẽ không ngần ngại đáp: Có chứ! Và nếu tôi hỏi tiếp: Các bạn hãy chứng minh cho tôi điều đó. Có lẽ các bạn sẽ nêu ra một loạt những biểu hiện… Nhưng nếu tôi hỏi: Làm sao bạn biết những biểu hiện đó nói lên bạn đang yêu và được yêu? Có lẽ ít nhiều các bạn sẽ khựng lại.
Chính vì thế mới có sự lầm lẫn về tình yêu. Ví dụ một cái hôn có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Cái hôn có thể là biểu hiện của tình bạn, sự thông cảm chia sẻ, sự đam mê thích thú, tình yêu trao ban, sự thân mật, dấu chỉ của sự thuộc về nhau, nhưng cũng có thể là một sự chỉ điểm như cái hôn của Giuđa chẳng hạn. Cũng như quà tặng, nó có thể là dấu hiệu của tình yêu, của sự trao ban, lòng biết ơn, nhưng cũng có thể là một sự thưởng thức cảm giác, việc lấy lòng hay tệ hơn nữa là sự hối lộ, dụ dỗ...
Tôi chỉ e rằng một khi thành thật mổ xẻ cái gọi là tình yêu của mình dành cho ai đó, hay của một ai đó dành cho mình, chưa chắc ai trong chúng ta đang hiện diện tại đây, có thể khẳng định rằng mình đã thực sự yêu và được yêu thực sự, cho dù quý vị có thể nói với tôi rằng quý vị đã từng kinh qua bao nhiêu mối tình, đã từng chinh phục không biết bao nhiêu cô gái hay chàng trai, đã từng nếm được hương vị ngọt ngào của tình yêu, và thậm chí đang sống hạnh phúc trong tình yêu…
Riêng bản thân, càng đi sâu giải mã tình yêu, tôi càng chua xót nhận ra một sự thật phũ phàng là hình như người ta chưa bao giờ trao ban và đón nhận tình yêu thực sự. Có một điều gì đó giống như thể là tình yêu, nhưng lại hoàn toàn không phải là tình yêu.
Cho dù quan niệm về tình yêu có khác nhau đi chăng nữa, người ta cũng phải nhìn nhận tình yêu trái nghĩa với ích kỷ, với lợi dụng.
Nếu như ích kỷ và lợi dụng đều quy hướng mọi sự về bản thân (egoism) thì tình yêu lại hướng đến tha nhân (altruism).
Nhưng để kiểm nghiệm điều đó thì hoàn toàn không dễ chút nào, vì ta không thể chỉ dựa vào biểu hiện của nó. Vì cho đi vẫn có thể là biểu hiện của vị kỷ nếu có hậu ý vụ lợi. Và ngược lại, đón nhận cũng có thể là biểu hiện tình yêu nếu như điều đó nhằm mang lại sự hài lòng cho người mình yêu, nói lên sự quí trọng điều mà người mình yêu muốn trao tặng mình.
2. Giải mã “I love You”
Có lẽ câu nói này các bạn thường xuyên nghe thấy trên phim ảnh. Một lời tỏ tình mà những người đang yêu thích được nghe, và thường nói với nhau đặc biệt khi chưa lấy nhau và nhất là trước khi lấy nhau. Tại sao người ta dễ nói “I love you” đến thế? Bạn đã từng nói điều đó với ai chưa? Nếu đã từng nói ít ra là một lần, bạn hãy thử nhớ lại xem, bạn nói với ai, ở đâu, vào lúc nào, trong tình trạng nào và do đâu? Hãy thật với lòng mình, khi bạn nói “I love you”, bạn có đang ý thức về chủ từ (I) (Anh/em) và túc từ you/em/anh là ai, là gì hay không? Bạn có đang ý thức về khái niệm của động từ/love không, hay lúc nói điều đó, bạn đang ở trong tình trạng lâng lâng, say nồng cảm giác, mắt nhắm mắt mở, hay cả hai đều nhắm, ý thức đóng kín, lý trí đi vắng, chỉ có cảm giác tràn ngập mà thôi? Tôi có thể dám gần như chắc chắn quả quyết với bạn là những ai đã từng nói điều đó ít ra trong thời gian đang “yêu” hầu như không ý thức gì về điều mình đang nói, hoặc về động từ, hoặc về chủ từ, hoặc về túc từ, hoặc về cả ba.
Đó chỉ là cái cảm giác yêu trong một phút chốc hứng khởi, lâng lâng, mộng tưởng, chứ không phải là tình yêu trong thực tế của đời sống. Đúng ra đó là một cách nói mơ hồ nếu không muốn nói là hàm hồ. Những người suy nghĩ chín chắn ít dám nói điều đó, dù nói điều đó lại là một cái lợi, đặc biệt đối với phái nam, vì phái nữ thường rất nhạy cảm với lời tỏ tình, nhất là khi họ có ít nhiều tình cảm với người đó. Rất nhiều tay sở khanh biết tận dụng câu nói đó để dụ dỗ phái nữ.
Lẽ ra câu nói “I love You” phải được phát biểu như sau: Tôi yêu cảm giác mà anh/em mang lại cho tôi, cái cảm giác yêu và được yêu. Hay tôi mê điều mà tôi cảm thấy ngay lúc này đang diễn ra trong thân xác tôi, trong con người của tôi mà anh/em mang đến cho tôi. Hay rất mê, rất thích cái này, cái nọ nơi nơi anh/em vì nó mang lại cho tôi một khoái cảm nào đó về thể xác hay về tinh thần. Nhưng có đời nào ai lại nói như thế cho dù có nhận thức được như thế. Coi chừng việc tránh né mang lại cho tình yêu một định nghĩa nào đó, bằng cách cho rằng tình yêu là một cái gì đó không thể định nghĩa, chỉ là cái cớ để xề xoà với tiếng lương tâm của mình nhằm trấn an lương tâm, lừa bịp lương tâm mình nhằm dụ dỗ, lừa bịp ai đó.
Giải mã câu nói “I love you” là một việc làm không thể thiếu đối với những ai muốn yêu và được yêu thật sự. Vì rất có khả năng quan niệm của hai người không giống nhau và đôi khi còn trái ngược. Vì từ “love” (yêu) mà người ấy nói với bạn trong suy nghĩ của họ không hẳn đồng nghĩa mà đôi khi còn trái ngược với từ yêu mà bạn nghĩ. Mẩu đối thoại nhỏ sau đây giữa hai người tạm gọi là yêu nhau sẽ cho các ban thấy rõ điều này:
Anh: Nếu em yêu anh, em hãy để anh yêu em.
Chị: Nếu anh “yêu” em, thì đừng “yêu” em nữa!
Trong cùng một câu, nhưng từ “yêu” trong câu trước lại hoàn toàn đối lập đối với từ “yêu” trong câu sau.
Chính vì thế, sự khôn ngoan đòi hỏi trước khi đi đến quyết định cuối cùng phải thật sự hỏi mình và hỏi nhau yêu là gì, và chúng ta có yêu nhau đích thật không? Và cần phải có đủ thời gian và sáng suốt để kiểm chứng điều đó qua cách thức xử sự với nhau trong quan hệ giữa hai người, vì thông thường người con gái dễ bị choáng ngợp trước lời tỏ tình này của người con trai. Sẽ thật nguy hiểm nếu người con gái thuộc típ luỵ tình cảm và phải lòng chàng trai, trong khi chàng trai lại là một gã hào hoa chuyên tán gái. Con trai thì gần như hiếm khi cần người yêu của mình nói với mình điều đó mà đúng hơn cần thấy người yêu của mình chấp nhận tình yêu của mình (bật đèn xanh) trừ khi có sự hồ nghi, không rõ ràng.
3. Thế nào là tình yêu đích thực?
Một câu hỏi vô cùng quan trọng cho tất cả mọi người, đặc biệt đối với các bạn, những người hoặc đã từng có ít nhiều trải nghiệm về tình yêu, hoặc đang tập tễnh bước vào tình yêu, hoặc đang yêu và có thể dự định tiến xa hơn, bước vào đời sống hôn nhân mà mỗi người phải tự đặt ra cho mình và cho người mà định chọn làm bạn đời.
Ta thường nghe nói “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, tình hết đẹp khi vẹn câu thề”. Phải chăng tình yêu đích thực là một chuyện tình dở dang?
Hầu hết thơ văn lãng mạn trữ tình đều lấy cái tình dang dở làm nguồn cảm hứng. Nhưng thật ra cái tình yêu dang dở đó là cái gì?
Nếu bình tâm, ta sẽ nhận ra cái tình dở dang nói đến ở đây không phải là tình yêu đích thực mà chỉ là thứ tình tính tang, tình lãng mạn, gắn liền với cảm xúc, có tính cách nhất thời, mộng tưởng.
Tôi chỉ yêu cái con người của em/anh lúc này đây, lúc mà tôi cảm thấy nó như thế, hay tôi yêu cái hình ảnh mà tôi tự nghĩ ra, mơ ước về em/anh, chứ không nhất thiết là con người của em/anh như chính em/anh là.
Cái đẹp ở đây là cái đẹp của khoái cảm, do hai người chưa hiện nguyên hình mà còn lung linh huyền ảo như được che khuất bởi một tấm màn. Cái đẹp ở đây được tạo nên bởi bóng tối của màn đêm, không hẳn do trời tối hay do bóng tối mà do con mắt lý trí của mình đóng kín hay mù quáng. Bởi thế người ta mới bảo khi đèn tắt thì mọi phụ nữ đều là hoa hậu, hay ít ra cho dù xấu xí cũng nên đẹp phần nào. Như thế ta hiểu nó đẹp là vì con mắt lý trí của ta nhắm nghiền.
Và khi nói thế, người ta muốn nói rằng hôn nhân là mồ chôn của tình yêu.
Thật ra không phải hôn nhân đào mồ chôn tình yêu, mà là người ta chưa bao giờ thực sự yêu đúng nghĩa trọn vẹn trước hôn nhân. Và chính hôn nhân sẽ đào mồ chôn một tình yêu non kém, thiếu tháng, ảo tưởng để sản sinh một tình yêu đích thực nếu có. Hôn nhân là thước đo tình yêu, là lửa thử vàng-là tình yêu. Chính hôn nhân sẽ xác định cho ta thấy tình yêu trước đó là vàng thật hay vàng giả. Vì chỉ khi thực sự sống chung với nhau trong đời sống hôn nhân, lúc ấy xung đột mới xảy ra, và việc tiếp tục sống với nhau dù có những xung đột mới là biểu hiện của tình yêu đích thực. Như thế phải nói rằng xung đột không phải là biểu hiện của việc không có tình yêu, mà đúng hơn là để thử tình yêu, là cơ hội để tình yêu đích thực được biểu lộ.
Hơn nữa, khi lập gia đình, dần dà hai người sẽ không còn hút nhau như trước vì chẳng còn tấm màn che nào giữa hai người tạo nên sự hấp dẫn, không còn sự đeo đuổi săn đón như trước nữa, và cũng chẳng còn phải nén mình che giấu những khiếm khuyết, cũng chẳng còn háo hức mong chờ gặp gỡ. Cả hai giờ đây hiện nguyên hình với những điều hay điều dở, nhưng thường là điều dở mà trước đây người ta che giấu và nguỵ trang. Sự hấp dẫn trước đây là do ít nhiều còn che đậy, còn bí hiểm để khám phá. Còn giờ đây mọi sự đã được phơi bày một cách trần trụi, hoặc do những cơn đói chưa được thoả mãn hoàn toàn. Sự no thoả thường đưa đến cảm giác chán chường.
Thật vậy, chỉ trong đời sống hôn nhân tình yêu mới được kiểm chứng thực sự, vì trong sự chung sống thực sự người ta mới có cơ hội và điều kiện thể hiện toàn vẹn con người của mình. Khi ta biết rõ về con người sống chung với mình là như thế đó mà ta vẫn tiếp tục yêu thì đó mới là tình yêu đích thực.
Vì thế mọi mơ tưởng về các mối tình trong quá khứ thật ra chỉ là một thứ tình yêu ảo tưởng, chứ không phải là tình yêu đích thực. Vì đó là ta yêu cái hình ảnh mà ta tự tạo nên nơi người ấy, chứ không phải yêu bản thân con người ấy. Hay ta yêu cái ảo giác về con người ấy, yêu cái cảm giác thích thú mà người ấy mang lại cho mình trong một thời điểm nào đó.
Tình yêu đích thực là yêu bản thân con người ấy với những gì bạn đã biết về quá khứ, hiện tại và ngay cả với những gì bạn chưa biết thuộc về tương lai, nghĩa là chấp nhận người ấy như chính họ là trong bản thể của họ chứ không phải theo bạn tưởng tượng, nhận thấy hay suy đoán.
Tình yêu đích thực không được diễn tả bằng: “Tôi yêu bạn vì...” (tình yêu vụ lợi) hay “Tôi yêu bạn nếu...” (tình yêu có điều kiện) mà là “Tôi yêu bạn vì chính bạn” hay “Tôi yêu bạn dù...” (tình yêu vô điều kiện, tình yêu vị tha, tình yêu hiến dâng).
“Không có tình yêu nào lớn hơn trao ban chính mạng sống mình vì người mình yêu” (Đức Giêsu theo Phúc Âm của Thánh Gioan).
Nhưng ta phải hiểu ở đây, trao ban mạng sống mình vì người mình yêu, vì họ dễ thương, vì họ đáng yêu, vì họ cuốn hút ta, hay vì lòng mình đang cao hứng yêu vì cũng có khối chàng đang yêu có thể liều mình cứu người mình yêu. Trao ban mạng sống cho người mình yêu, khi họ chẳng còn đáng yêu, mà thậm chí đáng ghét, khi họ chẳng mang lại cho mình một cảm giác dễ chịu thích thú nào mà chỉ là buồn giận, khi họ xử tệ với mình, thậm chí hắt hủi, phản bội mình…
“Tình yêu đích thực không có thể biến đổi hay biến mất, bởi vì tình yêu đích thực được xây dựng trên sự vị tha, chứ không phải dựa trên sự gắn bó và ham muốn” (Dalai-Lama).
“Yêu là cho đi chính mình” (Thérèse de Lisieux).
“Việc cảm thấy trách nhiệm càng nhiều cho thấy tình yêu thực sự càng lớn” (Đức Gioan Phaolô II).
Tình yêu đích thực là một chọn lựa có trách nhiệm, là một quyết định chủ động, sáng suốt chứ không phải chỉ là tình trạng phải lòng bị động.
Tình yêu lãng mạn ít nhiều mang màu sắc ích kỷ luôn muốn chiếm lấy, giành lấy, sở hữu, và có thể dẫn đến những hành động mù quáng, trả thù tình, hạ sát tình địch, tự tử và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, làm tiêu hao năng lực thể xác và tinh thần, làm cho chủ thể luôn ở trong tình trạng lệ thuộc. Trong khi tình yêu dâng hiến là sự trao ban, là nhắm đến hạnh phúc của người mình yêu, giúp cho người ấy được lớn lên, luôn tôn trọng chọn lựa của người ấy, ngay cả chọn lựa chia tay với mình.Tình yêu đích thực là tình yêu mà trong đó cả hai người cùng nhìn về một hướng (St-Exupery), cùng chia sẻ một lý tưởng sống cao đẹp làm nên ý nghĩa của cuộc đời mình, và giúp nhau đạt đến cùng đích của đời sống. Trong khi tình yêu lãng mạn là tình yêu khép kín, mà trong đó hai người chỉ nhìn nhau, tìm kiếm sự thỏa thích nơi nhau, chiếm hữu hay hưởng thụ lẫn nhau cho đến khi hụt hẫng nhận ra bản thân mình và đối tượng không phải là thần thánh, mà chỉ là những hữu thế tương đối, đầy giới hạn không thể thoả mãn khao khát tuyệt đối của nhau.
Tình yêu đích thực mang đến cho người mình yêu sự tự do, làm cho người ấy được lớn lên và chắp cánh bay cao trong khi tình yêu vị kỷ giam cầm người mình yêu, biến người ấy thành kẻ nô lệ.
Tình yêu đích thực thể hiện qua việc cho đi mà không nghĩ đến việc nhận lại, trao ban chính mình một cách không tính toán. Trong khi tình yêu vị kỷ lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình, có cho đi cũng chỉ là để được nhận lại, và có khi để nhận lại nhiều hơn.
Tình yêu đích thực thể hiện qua việc đón nhận, chấp nhận người mình yêu như chính họ là, với sự tôn trọng, khoan dung tha thứ, cảm thông sâu xa. Trong khi tình yêu vị kỷ lại muốn biến người mình yêu chiều theo ý muốn và sở thích của mình, áp đặt trên người ấy ý muốn độc đoán ích kỷ của mình.
Tình yêu đích thực luôn hiện hữu nhưng tiếc rằng nó không phải là điều bạn thường nghe, thường thấy trong cuộc sống hằng ngày hay trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng là điều rất âm thầm lặng lẽ, thậm chí bị quên lãng, vùi giập.
Tình yêu đích thực không tự nhiên và hấp dẫn như một món ăn khoái khẩu. Nó không hẳn đồng nghĩa với sự thích thú đam mê. Nghĩa là đối tượng mà bạn yêu không hẳn hợp với sở thích, ý muốn của bạn, không hẳn mang lại khoái cảm, hay làm cho bạn vui lòng.
Những gì mà bạn và tôi thường nghe nói đến, được nuôi dưỡng một cách vô thức thường xuất phát từ thi ca, tiểu thuyết, phim ảnh cổ xuý cho một tình yêu lãng mạn, nặng cảm giác và xác thịt.
Tình yêu đích thực vẫn mang tính lãng mạn, cảm giác và xác thịt nhưng không phải chỉ là thế mà đúng hơn là sự trao ban, chấp nhận, không thể tách rời với trách nhiệm, với sự quên mình, hy sinh. Tình yêu này sâu sắc hơn, thực hơn và mãnh liệt hơn nhiều.
Nếu như sự mãnh liệt của tình yêu lãng mạn phát xuất từ sự cuốn hút đam mê của hai con người được tạo nên nhờ những khoái cảm, mà hai người tạo ra cho nhau đến độ cảm thấy như không thể thiếu nhau như ta vẫn thường nghe nói “anh/em không thể sống thiếu em/anh” (người ta yêu nhau vì người ta cần nhau, vì lệ thuộc, vì nô lệ), thì sự mãnh liệt của tình yêu dâng hiến nằm ở sự bỏ mình, sẵn sàng hy sinh, thậm chí ngay cả mạng sống mình cho người khác. “Không phải vì cần nhau, không thể thiếu nhau mà người ta yêu nhau nhưng chính vì yêu nhau mà người ta cần nhau”.
Trong tình yêu lãng mạn người ta vẫn có thể chết vì người mình yêu như trường hợp mối tình Romeo Juliette, nhưng người ta chết vì mất người yêu, vì không thể sống thiếu người yêu, hay thất vọng vì bị phụ tình. Trong trường hợp đó, người ta không có chọn lựa, không tự do thực sự nhưng bị đam mê lôi kéo, người ta không thực sự ý thức về điều mình làm. Còn trong tình yêu dâng hiến, người ta chọn lựa một cách hoàn toàn ý thức, chết để cho người mình yêu được sống.
Tóm lại tình yêu đích thực có những nét đặc trưng sau:
- Cùng nhau nhìn về một hướng.
- Đón nhận trách nhiệm về người mình yêu.
- Cho đi chính mình một cách vô điều kiện.
- Chấp nhận người yêu như chính họ là.
- Cảm thông, tha thứ luôn mãi.
- Phục vụ âm thầm, quên cả bản thân.
- Hy sinh mọi sự, ngay cả mạng sống.
- Mang lại hạnh phúc cho người mình yêu.
- Chắp cánh cho người mình yêu.
Thơ: Tìm một định nghĩa cho tình yêu
Yêu phải chăng là đôi lần gặp gỡ
Rồi một ngày một tháng phải trăn trở?
Không!
Phải đời đời mới đủ để yêu đương,
Để diễn tả ngôn ngữ của tình thương.
Yêu phải chăng là những lúc mặn mà
Rồi chia tay nhau mỗi người mỗi ngả?
Không!
Yêu là bên nhau mãi mãi,
Là cùng nhau đấu tranh cho lẽ phải.
Yêu phải chăng chăng là nhìn nhau thoả thích
Là xôn xao khi con tim kích thích?
Không!
Yêu là cùng nhau hướng về cùng đích,
Là trọn cuộc đời cử hành bí tích.
Yêu phải chăng là tay trong tay ta siết,
Giã từ nhau trong ngẩn ngơ nuối tiếc?
Không!
Yêu là tim với tim ta biết,
Dù thời gian không gian có câm điếc.
Gật đầu thôi cũng đủ để hiểu nhau,
Mỉm cười thôi cũng đủ ấm long nhau.
(Sáng tác năm 1986 - Trương Đình Giai)
4. Đâu là những ngộ nhận thường xuyên về tình yêu?
* Tình yêu phải chăng chỉ là sự phải lòng, một thứ tình cảm lãng mạn, hay quan hệ tình dục thuần tuý?
* Tình yêu phải chăng là chuyện tìm kiếm cảm xúc, hưởng thụ cảm giác, là một nổi đam mê, mê một thứ gì đó nơi người mình yêu?
* Tình yêu phải chăng là sự chiếm hữu, chiếm đoạt, tiêu huỷ lẫn nhau?
* Tình yêu phải chăng chỉ là bản năng tự nhiên, là vốn trời cho, có sẵn để xài hay đúng hơn là một nghệ thuật phải học và trau dồi suốt cả đời?
* Tình yêu phải chăng là sự mù quáng về chính mình và về người yêu của mình hay không?
* Tình yêu phải chăng là một sự trao đổi sòng phẳng và cân xứng?
* Tình yêu có thể giải quyết mọi sự trong đời sống hôn nhân gia đình hay không?
* Tình yêu có thể biến đổi kẻ khác không?
* Tình yêu trong đời sống hôn nhân phải chăng chỉ là tiếp nối của tình yêu trong thời gian tìm hiểu? Tình yêu của các bạn có thực sự tự do hay đang bị điều kiện hoá bởi xã hội, và nô lệ cho bản năng và những đam mê của chính mình?
* Hôn nhân phải chăng là một phép màu của tình yêu và hạnh phúc đón nhận từ người bạn đời của mình
Thông thường tuổi trẻ do sinh lực tràn đầy nhựa sống sung mãn như bông hoa mới nở nhạy cảm trước sự mơn trớn của ánh sáng, không khí, tình yêu nơi họ có khuynh hướng bộc phát, tự nhiên, cảm tính, rạo rực, nhất là bị ảnh hưởng bởi sách báo, phim ảnh cổ xuý một thứ tình yêu cuồng vội, lãng mạn, nặng tính xác thịt qua những nhân vật được diễn suất một cách hấp dẫn tài tình bởi những diển viên mà họ hâm mộ đến mức đồng hoá. Tình yêu bị giảm thiểu, giản lược, đồng hoá với một thứ tình cảm lãng mạn, và/ hay quan hệ thuần tuý tình dục, xác thịt đến mức độ biến nó thành định nghĩa quy điển của tình yêu, quy chiếu cho mọi cách ứng xử của họ trong những quan hệ tình yêu và từ đó dẫn đến một thứ ngô nhận vô cùng nguy hiểm thậm chí chết người: sống như thế đó mới thức sự là yêu, là sống thực với tình yêu. Chính vì thế không lấy gì làm lạ, khi có biết bao thanh thiếu niên rơi vào con điều lầm lạc, sa đoạ, ngõ cụt thất vọng vì bị vỡ mộng và thậm chí tìm đến cái chết. Sự ảnh hướng này nguy hiểm ở chỗ là không phải lúc nào nó cũng chấm dứt với tuổi trẻ, nhưng vẫn tiếp tục tác động âm ỉ ngay cả khi họ đạt đến tuổi trưởng thành, lúc họ chọn bạn đời và thậm chí cả sau khi đã lập gia đình.
Một ngộ nhận khác là lẫn lộn giữa sự phải lòng (theo nghĩa đam mê, hấp lực, thụ động) với tình yêu (như một chọn lựa bao hàm tự do và trách nhiệm của chủ thể). Tình yêu bình thường khởi đi từ sự phải lòng nhưng sự phải lòng thôi chưa đủ để được gọi là tình yêu. Và cũng đừng lẫn lộn giữa tình yêu và tình cảm. Tình yêu bao gồm cả tình cảm, nhưng tình cảm không bao hàm tình yêu. “Sự thu hút là cốt lõi của tình yêu và theo một nghĩa nào đó thực sự là tình yêu. Nhưng tình yêu không chỉ là sự thu hút” (JP II). Hoặc “thay vì mong mỏi điều tốt cho người yêu thì lại là mong mỏi người yêu như thể một điều tốt”. Điều này cũng tác động nguy hiểm không kém đến việc chọn bạn đời, và đến đời sống hôn nhân của họ sau này. Khi chọn bạn đời mà chỉ dựa trên sự phải lòng thì nguy cơ đổ vỡ sẽ xảy đến khi họ nhận ra sự phải lòng biến mất mà thay vào đó là sự mất lòng, hụt hẫng vì đối tượng giờ đây hiện rõ nguyên hình, không còn mặt nạ nào cả, không còn sự hấp dẫn lôi cuốn bí ẩn như thuở ban đầu, khi giữa họ còn ít nhiều khoảng cách màn chắn. Các bạn từng nghe, đọc và chứng kiến biết bao cuộc tình sét đánh, say đắm lúc đầu nhưng lại mau chóng kết thúc, chưa nói đến những hệ luỵ sau đó trên trường tình ái của biết nhiêu minh tinh, diễn viên, ca sĩ…
Một ngộ nhận khác là nghĩ rằng tình yêu là hưởng thụ cảm giác, là giảm thiểu tình yêu thành một nổi đam mê, mê một thứ gì đó nơi người mình yêu, tìm kiếm cảm xúc nơi người mình yêu.
Rất thường yêu một ai đó là yêu cái cảm giác mà người ấy mang lại cho mình chứ không phải yêu chính con người đó. Như thế yêu một người nào đó cũng chẳng khác nào yêu thích một đoá hoa, ta nuôi dưỡng nó, chăm sóc cho nó không phải vì chính nó và vì chính mình, để thụ hưởng cảm giác dễ chịu nó mang lại cho ta qua thị giác và khứu giác. Và nó chỉ có giá trị bao lâu nó còn có khả năng mang lại cho ta cảm giác dễ chịu đó mà thôi. Nhưng khi nó trở nên tàn úa, hết sắc, hết hương, chưa nói đến chuyện hôi thối, ta không chút thương tiếc ném nó vào sọt rác. Nghĩa là yêu cái cảm giác khi yêu hay cái cảm giác được yêu. Và khi cái cảm giác ấy biến mất, thì cũng là lúc tình yêu cũng tan biến luôn. Bởi kinh nghiệm cho ta thấy cảm giác không có thực nghĩa là lúc thế này lúc thế khác và không thể kéo dài lâu. Cho nên tình yêu theo cảm giác sẽ chết rất mau, khi cảm giác không còn hay thay đổi.
Cảm xúc là đòn bẩy nhưng cũng là cạm bẫy của tình yêu. Chính cảm xúc là điều làm cho bạn thưởng thức được sự ngọt ngào của tình yêu, thì cũng với cảm xúc bạn sẽ nếm mùi đắng cay của tình yêu. Cảm xúc là kẻ thù nguy hiểm nhất huỷ hoại tình yêu. Kích thích cảm xúc để thoả mãn nó sẽ là cái cớ để làm cho nó lên ngôi. Và từ khi nó lên ngôi, bạn sẽ trở thành nô lệ đáng thương của nó. Nó sẽ cho phép mình có quyền quyết định hạnh phúc và bất hạnh của bạn dựa vào việc có thể đáp ứng được thoả mãn của nó hay không. Và khi không đạt được thoả mãn mà nó yêu cầu, nó sẽ tạo ra nơi bạn một sự hụt hẫng, tương ứng với cái cảm giác thoả mãn mà nó tạo nên cho bạn trước đây. Chạy theo việc tìm kiếm thoả mãn cảm xúc dẫn đến một sự huỷ hoại tâm hồn và thể xác. Vì nó sẽ làm cho bạn rơi vào một tình trạng không bao giờ thực sự được thoả mãn mà cứ rơi vào một chuỗi bức xúc, thoả mãn và hụt hẫng không ngừng.
Một ngộ nhận nữa là nghĩ tình yêu là một sự chiếm hữu, chiếm đoạt, tiêu huỷ lẫn nhau, biến kẻ khác thành nô lệ thay vì là sự hiến dâng cho nhau và tùng phục, phục vụ lẫn nhau, và làm cho nhau được lớn lên và triển nở.
Trong quan hệ yêu đương, thường ai cũng tìm cách chinh phục người khác, theo nghĩa chiếm đoạt, chiếm hữu, giành về cho mình, làm của riêng mình, là cướp khỏi tay kẻ khác. Chính vì thế khi muốn chinh phục đối tượng theo nghĩa đó, người ta dùng đủ thứ chiêu, nam theo kiểu của nam, nữ theo kiểu của nữ. Ví dụ nam xuất chiêu bằng sự galăng, chiều chuộng, nịnh hót, trồng cây si, mua sắm quà cáp đắt giá, trổ tài thi thố… Nữ thì liếc mắt đưa tình, lẳng lơ, ăn mặc trang điểm hấp dẫn, lôi cuốn thơm tho, thân xác mời gọi, thậm chí dễ dàng chiều chuộng những đòi hỏi xác thịt của bạn tình. Và một khi chiếm được rồi, một khi người kia đã là của mình, là sở hữu của mình, mình không cần làm gì để chinh phục nữa mà chỉ biến người ấy thành một tên nô lệ về thể xác, tinh thần hay tình cảm, sử dụng theo ý muốn ích kỷ của bản thân, “xài” cho thoả, cho đã, đến mức huỷ diệt người khác, chứ không nghĩ đến việc hiến dâng cho nhau, tùng phục và phục vụ lẫn nhau. Tình yêu như thế chẳng khác nào bỏ tiền mua một chiếc bánh kem thật ngon để “ngốn” cho đến hết thì thôi. Ngoài ra tình yêu dành được do sự chinh phục sẽ chết, khi người ta không nhận được sự chinh phục nữa.
Một ngộ nhận khác là nghĩ và xử sự với người yêu của mình như thể khách thể chứ không phải là chủ thể. Nghĩa là xem người yêu mình như một vật sỡ hữu mà mình có thể sử dụng, lạm dụng một cách tuỳ tiện, một đối tượng mà mình có thể tác động theo ý mình, sai khiến, biến thành một thứ công cụ, hay tệ hơn một thứ nô lệ phục vụ cho sở thích, ý muốn của mình, trong khi lẽ ra phải coi bạn đời của mình là chủ thể có đầy đủ nhân vị, bình đẳng, đáng được tôn trọng, đối xử ít ra như một đối tác.
Bạn có muốn ai đó đối xử với bạn như thế không sao bạn lại có thể đối xử với người khác như thế. Và chuyện gì sẽ xảy ra khi người yêu, hay bạn đời của bạn nhận ra điều đó?
Một ngộ nhận khác nữa là nghĩ rằng tình yêu là một bản năng tự nhiên, là vốn trời cho, là một cái gì có sẵn để xài chứ không phải là một nghệ thuật phải học và trau dồi suốt đời. Chính vì nghĩ tình yêu là cái gì đó có sẵn để xài, các người ta chỉ biết xài xã láng, xài cho đã, chứ không nghĩ đến chuyện tiết kiệm, đầu tư, vun đắp. Bạn thử nghĩ xem, có kho tàng nào xài hoài mà không hết, không cạn. Và đến lúc xài hết, nó cạn, nó hết, thì cũng là lúc tình yêu đã chết. Nó có thể chết rất nhanh nhưng cũng có thể kéo dài được khá lâu tuỳ theo mức độ các bạn xài một cách tiết kiệm hay xài xả láng, nhưng thường cũng không quá vài năm và rồi cũng tắt ngúm.
Một ngộ nhận nữa là bạn ảo tưởng về chính mình và về người bạn đời của mình. Bạn lầm tưởng về chính mình, về ý thích, ý muốn, mong đợi của mình vì bạn chưa thật sự biết mình, chưa thực sự khám phá đầy đủ về chính mình. Điều nghịch lý là những gì mà hồi đầu mình nghĩ là mình thích vì nó hút mình, nhưng khi đụng chạm với cuộc sống thực tế bạn mới nhận ra đó lại là những điều làm cho mình khó chịu, bực mình… Ngay chính với con người của mình, mà bạn còn lầm tưởng thì huống hồ là ai khác. Bạn lầm tưởng vì bạn nhìn người ấy với một cái nhìn chủ quan, định kiến, thành kiến, lập trình sẵn, đóng khung chứ không phải nhìn người ấy như là chính họ là, vì bạn áp dụng lên mọi cách thể hiện, cử chỉ lời nói, hành động của người ấy với cái hệ thống quan niệm, phán đoán, đánh giá của mình, theo kiểu suy bụng ta ra bụng người. Mọi lời nói, cử chỉ, hành động của người ấy được diễn giải theo cách nhìn, hệ thống của mình, mà không nhất thiết tương đồng với cách nhìn và hệ thống của người ấy. Đó chính là một trong những ngộ nhận gây ra hiểu lầm, bất hoà trong đời sống lứa đôi.
Một ngộ nhận nữa là nghĩ điều làm cho ta bị thu hút nơi người ấy cũng sẽ là điều mình ưa thích sau này. Nhưng trong thực tế cuộc sống sẽ cho thấy điều ngược lại. Vì sự tương phản vốn hút nhau trong thời làm quen, nhưng lại đẩy nhau trong đời sống thực. Ví dụ tính cách người phung phí cảm thấy bị hút bởi tính cách tiết kiệm, nhưng khi sống chung thực sự, người phung phí cảm thấy thật khó chịu khi sống với người tiết kiệm, hoặc một người trẻ con ấu trĩ cảm thấy bị thu hút bởi một người trưởng thành chín chắn. Nhưng khi sống chung thực sự, họ lại cảm thấy rất khó chịu.
Một ngộ nhận nữa là nghĩ rằng tình yêu là một sự trao đổi sòng phẳng và cân xứng.
Bạn thường nghĩ rằng mình cho bao nhiêu sẽ nhận lại được bấy nhiêu, mình xử đẹp, sẽ được xử đẹp trở lại. Nhưng trên thực tế lại không xảy ra như vậy. Thông thường, mức độ yêu, và trưởng thành trong tình yêu giữa hai người không bao giờ cân xứng cả. Trong hai người, thể nào cũng có một người có tình yêu lớn hơn, hay trưởng thành hơn trong tình yêu so với người kia. Nhà thơ Xuân Diệu cảm nhận rất rõ điều này:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết”.
Bạn sẽ hụt hẫng dài dài nếu bạn mong chờ người bạn đời của bạn yêu bạn như bạn yêu người ấy. Càng tốt, càng hoàn hảo, bạn lại dễ bị hụt hẫng. Vì là người tốt lành, hoàn hảo, bạn sẽ thường có khuynh hướng nghĩ ai cũng tốt lành, hoàn hảo như bạn. Nhưng trên thực tế không phải như vậy. Tạo Hoá oái ăm thường lại để bạn gặp phải một người chẳng ra sao. Phải chăng là quy luật bù trừ. Con người vốn hoàn hảo nơi bạn lại càng khó chấp nhận sự bất toàn nơi người khác, trừ ra bạn là thánh nhân. Chính vì đối với bạn, tốt lành và hoàn hảo là quy luật, là chuyện tự nhiên, nên bạn không thể tin, hay khó có thể chấp nhận sự bất toàn hay đúng hơn sự xấu lại có thể tồn tại nơi kẻ khác. Và bạn chỉ những mong đợi sự tốt lành, tử tế nơi người yêu của mình. Nhưng thực tế, người ấy không được như vậy. Và như thế, bạn sẽ khổ sở triền miên, sẽ hụt hẫng dài dài.
Không hẳn bạn xử đẹp với người bạn đời của mình, bạn sẽ được xử đẹp trở lại, có khi sẽ ngược lại. Vì người ta không bao giờ cũng nghĩ và sống hợp lẽ phải đâu. Nếu người sống như thế, thì thế gian này đã là thiên đường từ lâu rồi. Người ấy không đối xử với bạn theo cách bạn nghĩ, mà là theo cách người ấy nghĩ, theo như người ấy là.
Vì thế, nếu bạn là một người quá tốt lành, gần như hoàn hảo, tốt hơn hết là bạn đừng bận tâm đến chuyện yêu đương, hay nếu có bạn phải nghĩ rằng yêu không hẳn là cho và nhận, mà trước tiên là sự chấp nhận đối tượng như chính họ là, là chấp nhận có thể cho mà không nhất thiết phải được nhận lại.
Một ngộ nhận khác là thần thánh hoá tình yêu, nghĩ rằng tình yêu là tất cả, có thể giải quyết mọi sự, trong đời sống hôn nhân gia đình. Ngộ nhận này thường xảy ra với những người có khuynh hướng lý tưởng hoá hay mơ mộng.
Không thể phủ nhận vai trò chính yếu của tình yêu trong đời sống hôn nhân gia đình nhưng nó không phải là tất cả vì con người vô cùng phức tạp, muôn màu muôn vẻ. Nơi một số người tình yêu chiếm chỗ nhất, nhưng nơi một số người khác tình yêu lại chiếm chỗ thứ yếu không quan trọng. Nhất là trong cuộc sống hiện nay, con người có rất nhiều thứ bận tâm đến độ có những người trong con tim họ gần như không có chỗ cho tình yêu. Hoặc có người thần thánh hoá tình yêu, có người lại phàm tục hoá tình yêu. Vì thế, trong cuộc sống thực tế lứa đôi, một mặt ta phải làm sao vun trồng nuôi dưỡng cho tình yêu được lớn lên, vươn lên thành cây cao, nhưng mặt khác ta phải quan tâm đến những nhu cầu, đòi hỏi của người bạn đời nhiều khi rất tầm thường và đôi khi xem ra vô lý đối với chính mình, nhưng lại ít nhiều quan trọng đối với người ấy, và có tác động ngược lại với tình yêu.
Một ngộ nhận thường xuyên là bạn nghĩ rằng bạn có thể biến đổi người bạn đời theo ý muốn và mong đợi, dự phóng của bạn. Bạn thử nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra khi cả hai cũng theo đuổi những ý muốn, những mong mỏi những dự phóng của riêng mình về người yêu nếu không là sự hụt hẫng cho cả hai. Bạn cho mình là ai khi bạn cho mình quyền biến đổi người bạn đời của mình, và không cho người ấy được quyền làm vậy. Và cho dù bạn có được cái quyền đó, bạn nghĩ bạn có thể biến đổi người bạn đời của mình được không? Kinh nghiệm bạn dạy cho bạn điều gì? Bạn thử nghĩ bạn có thể biến đổi được chính mình không? Chỉ cần một chút thật với lương tâm bạn đủ nhận ra đã bao nhiêu lần bạn tự đề nghị cho bản thân mình điều này, điều nọ, để thay đổi từ chuyện nhỏ nhất, từ những thói quen ứng xử thường ngày…, nhưng bạn đã thực hiện được hay chưa vậy? Hay bạn vẫn đang kéo lê thê từ năm này sang năm khác nguyên con người cũ rích của bạn? Ấy là chưa nói đến quan niệm, tính cách, những gì ăn sâu bám rễ vào tâm hồn, con người của bạn. Nếu bạn chưa từng có thể biến đổi con người của mình, sao bạn lại có thể nghĩ đến chuyện biến đổi một ai khác chứ? Chưa nói là bạn đang mâu thuẫn với chính mình, vì ngay cả điều bạn ước muốn và mong đợi hôm nay sẽ không hẳn tồn tại trong tương lai. Và có thể xảy ra là đến khi người bạn đời của mình biến đổi như bạn mong muốn thì bạn lại mong muốn điều khác mất rồi… Chưa nói là vì quen nhìn bạn đời của mình với cặp kính thành kiến, cho dù người ấy có thay đổi bạn vẫn chẳng nhận ra. Thật ra tình yêu có khả năng biến đổi. Nhưng vấn đề là tình yêu nào kia? Và tình yêu thật nó sẽ biến đổi chính bạn trước hết, để rồi từ đó bạn mới có khả năng nhận ra sự biến đổi nơi người khác và làm cho nó lan sang người khác.
Một ngộ nhận khác là nghĩ rằng tình yêu trong đời sống hôn nhân chỉ là tiếp nối của tình yêu trong thời gian tìm hiểu. Trong thời gian tìm hiểu thường người ta không nhận ra những khác biệt của nhau, vì cả hai chưa thực sự sống trọn vẹn con người của mình nhưng chỉ tìm cách thể hiện những ưu điểm của mình nhằm làm hài lòng thoả mãn nhau chính vì thế sự khác biệt chưa có cơ hội để thể hiện hay được san bằng dễ dàng. Nhưng khi sống đời hôn nhân, người ta mới hiện nguyên hình, mới thể hiện con người của mình một cách trọn vẹn, không còn quan tâm đến việc làm hài lòng người khác cho bằng sống thoải mái với chính mình. Chính khi ấy sự khác biệt mới thể hiện và có nguy cơ tạo nên sự hụt hẫng vì quá mới lạ, người ta không được chuẩn bị để chấp nhận cảm thông. Chúng ta thường nghe những người lập gia đình than phiền rằng: trước đây anh/cô ta đâu có thế. Anh /cô ấy thay đổi nhiều quá! Thật ra thì không phải thế, mà vì người ta chưa thấy điều đó thể hiện mà thôi, chứ không phải là trước đây không có nơi người ấy.
Một ngộ nhận nữa là nghĩ rằng bạn sống thật sự tự do, thật với chính mình trong khi thực sự bạn bị điều kiện hoá, khi mình sống theo những đòi hỏi cảm xúc mang tính cách nhất thời, chỉ phản ánh một cách phiếm diện về tình yêu, theo khuynh hướng, theo mốt tháo thứ tình dục của thời đại, theo lối sống của một thần tượng như thể một quy chiếu, không nhất thiết phản ánh sự thật về tình yêu. Sự thật phải chăng có thể đồng hoá với số đông? Phải chăng tính xác thực về tội phạm hay sự vô tội của một bị cáo lại lệ thuộc vào sự tán thành của số đông thành viên hội đồng xét xử, phán quyết của quan toà hay được quyết định bằng chính sự thật khách quan của vụ việc? Khuynh hướng sống theo đám đông là khuynh hướng của sự dễ dãi, của sự nô lệ, của sự hèn nhát, sự tha hoá, của sự nô lệ, đánh mất chính mình.
Một ngộ nhận khác đó là nghĩ rằng hôn nhân là một phép màu sẽ mang đến hạnh phúc cho bạn, hay nghĩ rằng người bạn đời của mình là cái máy tạo hạnh phúc, mà mình chỉ việc giang tay đợi chờ, và rồi hụt hẫng khi không thấy người ấy mang lại hạnh phúc cho mình.
Không ai có thể mang lại hạnh phúc cho mình, ngay cả Thượng Đế mà chỉ có thể giúp mình khám phá ra hạnh phúc từ chính bản thân mình mà thôi. Chỉ có bản thân mình thực sự mới có thể đem lại hạnh phúc cho mình mà thôi. Hay nói một cách khác, tôi có hạnh phúc hay không là tuỳ thuộc ở chính tôi. Hạnh phúc không phải là một thứ quà tặng. Hay nói đúng hơn, món quà hạnh phúc đã được ban tặng, nhưng tôi chỉ hạnh phúc khi nhận ra tôi đã nhận nó, nó đang chính trong tay tôi nhưng tôi lại vẫn tìm kiếm ở nơi đâu khác, cũng có thể vì tôi không nhận ra đó là hạnh phúc và chính vì thế tôi không hạnh phúc.
Nếu bạn nghĩ hạnh phúc là cái mà người bạn đời của bạn có thể mang đến cho bạn, vậy theo bạn, người bạn đời của bạn có thể mang lại cho bạn cái gì. Người ấy chỉ có thể ban tặng cho bạn một cái gì đó mà tôi chắc chắn không phải là hạnh phúc, vì ngay cả khi người ấy mang lại cho bạn một điều gì đó mà người ấy nghĩ sẽ làm cho bạn hạnh phúc, thì bạn có chắc là được hạnh phúc không? Nói hạnh phúc thì quá lớn, thôi tạm gọi là một niềm vui nho nhỏ. Dù người ấy mang lại cho bạn một điều gì đó mà người ấy nghĩ là niềm vui đối với bạn, nhưng không chắc đó là niềm vui của bạn. Và cho dù nó có thể làm cho bạn vui, thì bạn phải nhận thấy là bạn vui hay không không tuỳ thuộc vào món quà người ấy tặng, mà tuỳ ở cái nhìn của bạn về món quà ấy, hay nói nôm na là có người bảo: Con tạ ơn Trời Phật đã ban cho con một người chồng đạo đức. Nhưng cũng một người đàn ông đó vô phúc rơi vào tay của một người không lấy đạo đức làm trọng, thì lại than vắn thở dài: Sao Trời Phật lại để cho con vô phúc gặp một thằng chồng vừa khù khờ vừa khó tính…
Hạnh phúc không bao giờ là sự thụ động lệ thuộc vào người khác, phụ thuộc vào điều người khác có thể mang đến cho mình.
Người khác chỉ có thể mang lại cho bạn một niềm vui hay một nỗi buồn nào đó chứ không bao giờ là nguyên nhân thực sự của hạnh phúc hay bất hạnh của bạn. Người ấy chỉ có thể mang đến nhiều thay đổi cho cuộc đời của bạn mà thôi.
Hôn nhân là cùng nhau xây mái nhà chung. Hạnh phúc nếu có là niềm vui bạn đặt vào việc xây ngôi nhà chung ấy, là thiện chí mang lại niềm vui cho người bạn đời của bạn.
Có lẽ có bạn sẽ lấy làm hối tiếc sau khi theo dõi những dòng chia sẻ trên đây, vì nghĩ rằng tình yêu đã được giải mã thì còn gì là hấp dẫn nữa, bởi nó hết có đèn mờ, bóng tối, lung linh mờ ảo, hay nghĩ rằng từ nay trở đi, quan hệ tình cảm của mình chẳng còn chỗ cho sự lãng mạn nữa, cho cảm giác lâng lâng đê mê nữa, cho ảo giác, ảo tưởng mà nhờ đó mình cảm thấy sung sướng như Freud nói: “Người đời sung sướng chẳng qua sống nhờ ảo tưởng. Bạn cứ lấy khỏi con người sự ảo tưởng đi, bạn cướp mất nơi họ mọi hạnh phúc”. Hoặc một số bạn nam không thích bạn gái mình biết được những điều này, vì như thế mình hết mong dụ dỗ bạn gái của mình, hết mong sớm chinh phục con tim của họ. Hoặc có một số bạn gái lại cảm thấy mình không còn cái thú bị dụ và để cho mình bị dụ để thụ hưởng cảm giác ngấy ngất trong tình yêu nhờ sống trong ảo tưởng. Hoặc các bạn cảm thấy lương tâm cắn rứt, áy náy ít nhiều vì những gì các bạn đã làm hay để cho chúng xảy ra trong quá khứ hay hiện tại, và không cảm thấy lương tâm thoải mái, tự do, muốn làm gì thì làm như trước nữa. Hoặc các bạn sẽ cảm thấy không còn hứng thú như trước nữa, vì sự việc không đơn giản như bạn nghĩ. Chuyện yêu đương không phải dễ dàng như chuyện ăn uống, ăn mặc, sắm sửa.
Có thể đúng một phần nào đó, nhưng có một điều chắc chắn là các bạn sẽ cảm thấy mình trưởng thành, chín chắn hơn trong suy nghĩ, nhận định, lời nói và việc làm, sống có ý thức và trách nhiệm hơn trong tình yêu, và trong mọi mối quan hệ tình cảm, sống xứng đáng với nhân phẩm con người, chứ không dễ dãi để mình chìu theo bản năng, các bạn có thể mang lại niềm vui, sự bình an và hạnh phúc đích thực cho chính mình, cho người yêu của mình và cho người bạn đời của mình sau này, tránh cho nhau những nỗi đau khổ và sự dằn vặt.
Trương Đình Giai