Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Công Cuộc Đi Tìm Giải Pháp




“Con Người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất.” (Luca 19:10) 
Tại Sao Chúa Giê-xu Đến
Chúng ta đã thấy sự kiện kinh khủng nhất, có tác hại tàn phá nhất trong vũ trụ là tội lỗi. Nguyên nhân của mọi rắc rối, gốc rễ của mọi đau thương, nỗi kinh hoàng của mọi người nằm trong một chữ nhỏ - tội lỗi. Tội lỗi làm bản chất con người què quặt. Tội lỗi hủy phá tính chất hài hòa bên trong con người, cướp mất tính cao thượng và khiến con người rơi vào bẫy rập của ma quỉ.


Tất cả những xáo trộn tâm trí, tất cả bệnh tật, tất cả mọi hình thức suy đồi, hủy phá, chiến tranh, đều có gốc rễ khởi nguyên từ tội lỗi. Tội lỗi gây điên loạn cho trí não và tạo ra nọc độc trong lòng. Trong Kinh Thánh tội lỗi được mô tả là một thứ bệnh chết người cần phải có một phương thuốc chữa trị triệt để. Nó là cơn lốc cuồng loạn, là hỏa diệm sơn điên cuồng. Nó là một người điên vượt ngục, là một tên du đãng đang tung hoành. Nó là sư tử rống săn mồi, là cú sét đang đánh thẳng xuống địa cầu. Tội lỗi là bãi cát lầy đang nhanh chóng rút con người xuống, là bệnh ung thư đang lan vào tận trong linh hồn. Nó là một cơn lũ đang dâng lên cuốn sạch mọi thứ phía trước. Nó là một hầm cầu hư hoại làm ô nhiễm tất cả mọi lãnh vực của đời sống.


 Nhưng như có người từng nói, “Tội lỗi có thể ngăn bạn đến với Kinh Thánh- hay Kinh Thánh có thể giữ bạn không phạm tội.”


 Từ bao đời, con người đã hư vong trong bóng tối tâm linh, bị bệnh tật tội lỗi làm đui mù khiến cho phải lần dò, mò mẫm - lục lạo, hỏi, tìm lối thoát. Nhân loại cần có người dẫn ra khỏi tình trạng rối loạn về tinh thần cũng như luân lý, cần có người mở được cửa và cứu ra khỏi ngục tù của ma quỉ. Nhân loại với trái tim đói khát, với tâm trí khô cằn, với tâm linh rạn vỡ đang đứng tuyệt vọng mở to mắt, lắng tai trông chờ. Trong khi đó ma quỉ đang hả hê đứng nhìn chiến thắng lẫy lừng của nó tại vườn Ê-đen.


 Từ những con người sơ khai trong rừng rậm đến những người của các nền văn minh hùng mạnh Ai-cập, Hy-lạp và La-mã, tất cả đang bối rối hỏi cùng những câu giống nhau, “Làm sao thoát ra? Làm sao khá hơn? Tôi có thể làm gì? Tôi sẽ đi về hướng nào? Làm sao dứt được căn bệnh kinh khủng này? Làm sao ngăn được dòng nước lũ ghê gớm kia? Làm sao ra khỏi tất cả những thảm bại kinh khủng này trong cuộc đời? Nếu có lối thoát, liệu tôi có tìm được không?”


 Giải Đáp Của Thánh Kinh


 Chúng ta đã thấy Kinh Thánh dạy về Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của tình thương. Ngài muốn cứu loài người, muốn giải phóng con người khỏi sự rủa sả của tội lỗi, nhưng Ngài đã hành động như thế nào? Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời công chính. Ngài vừa công chính vừa thánh khiết và ngay từ đầu Ngài đã cảnh cáo con người rằng nếu nghe theo ma quỉ mà trái lời Ngài, con người sẽ chết cả phần xác lẫn phần tâm linh; vậy mà con người đã cố ý không vâng lời Chúa. Con người phải chết còn nếu không thì Đức Chúa Trời nói dối, vì Ngài không thể nuốt lời. Chính bản chất Đức Chúa Trời không cho phép Ngài nói dối và lời Ngài phải được thực hiện. Vì vậy khi cố ý bất tuân, cố ý chọn con đường của ma quỉ, con người đã bị đuổi khỏi sự hiện diện của Đức Chúa Trời.


 Phải có một đường lối, một phương cách nào khác vì con người đang sa lầy thật vô vọng, đang hư vong không lối thoát. Bản chất con người bị đảo ngược khiến con người chống lại Đức Chúa Trời. Tật bệnh của tội lỗi khiến con người đui mù đến độ phủ nhận cả sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Nhưng ngay từ trong vuờn Ê-đen, Đức Chúa Trời đã hé mở cho thấy Ngài sẽ can thiệp. Ngài hứa với con người và cảnh cáo ma quỉ rằng, “Ta sẽ làm cho mày cùng người nữ, dòng dõi mày cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày


 đạp đầu mày, còn mày sẽ cắn gót chân người” (Sáng Thế 3:15). Tại đây chúng ta thấy tia sáng lóe ra từ thiên đàng. Đầu bị giày đạp nói đến vết thương trí mạng, còn vết thương ở gót chân chỉ là thương tích nhỏ, tạm thời. Đây chính là lời hứa cho con người nắm lấy. Đức Chúa Trời hứa rằng một ngày kia Đấng Cứu Chuộc sẽ đến, một Đấng Giải Phóng sẽ xuất hiện. Đức Chúa Trời đã ban cho con người hy vọng và suốt qua bao nhiêu thế kỷ, con người đã nắm chặt lấy chút hy vọng đó!


 Nhưng không phải chỉ có thế, vì suốt qua hàng nghìn năm lịch sử, Đức Chúa Trời đã chiếu những tia sáng khác từ thiên đàng. Suốt qua Cựu Ước, Đức Chúa Trời ban cho con người lời hứa cứu rỗi nếu đặt đức tin nơi Đấng Cứu Chuộc vị lai. Vì vậy Ngài khởi sự dạy dân Ngài rằng con người chỉ có thể được cứu do sự thay thế hay thế chỗ. Phải có người chịu án phạt thay thế thì con người mới được cứu chuộc.


 Trở Lại Vườn Ê-Đen


 Bây giờ mời bạn dùng trí tưởng tượng cùng tôi trở lại vườn Ê-đen. Đức Chúa Trời căn dặn con người, “Ngày nào ngươi ăn trái cấm chắc sẽ chết.” Con người đã ăn, và đã chết.


 Giả sử sau đó Đức Chúa Trời bảo rằng, “Này A-đam, con đã sai phạm rồi! Nhưng thôi, ta tha cho, đừng tái phạm đấy!” Nếu vậy, Đức Chúa Trời là Đấng nói dối, Ngài không phải là Đấng thánh khiết cũng không công chính. Chính bản chất Đức Chúa Trời khiến Ngài nói phải giữ lời, nếu không công lý của Ngài sẽ bị đe dọa. Con người phải chết cả thể xác lẫn tâm linh. Tội lỗi cách ly con người với Đức Chúa Trời khiến cho con người đau khổ. Con người phải trả giá cho tội ác mình. Như chúng ta đã thấy, vì A-đam là đầu nhân loại cho nên khi A-đam phạm tội, tất cả chúng ta đều phạm tội. “Cho nên như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đếu phạm tội” (Rô-ma 5:12).


 Bây giờ vấn đề nóng bỏng của chúng ta là, “Làm thế nào Đức Chúa Trời có thể vẫn công chính khi Ngài công chính hóa tội nhân?” Chúng ta cần nhớ rằng từ ngữ công chính hóa có nghĩa là “giải tỏa linh hồn khỏi tình trạng mắc tội”. Sự công chính hóa có tính cách rộng lớn hơn sự tha tội, nghĩa là tội lỗi phải được giải trừ và coi như chưa hề có. Con người cần phải được phục hồi để không còn một chút tì vết nào của tội lỗi. Nói cách khác, con người phải được đem trở lại địa vị trước khi sa ngã, suy đồi.


 Suốt bao nhiêu thế kỷ, trong tình trạng mù lòa, con người đã cố gắng lần mò trở lại vườn Ê-đen, nhưng họ không bao giờ có thể tìm đến nơi. Họ đã thử đi nhiều lối nhưng tất cả đều thất bại. C. S. Lewis bảo rằng “Tất cả các tôn giáo hoặc chỉ là bản khái lược của Cơ Đốc Giáo hoặc là một hình thức Cơ Đốc Giáo suy đồi”.


 Giáo dục quan trọng, nhưng giáo dục không đem con người trở lại với Đức Chúa Trời. Những tôn giáo giả hiệu là một loại nha phiến cố gắng giữ con người khỏi cảnh khốn cùng hiện tại trong khi hứa hẹn một tương lai huy hoàng, mà không bao giờ đưa con người đến đích. Trong một thế giới kình địch, sự hiện diện của tổ chức Liên Hiệp Quốc là cần thiết và chúng ta biết ơn tổ chức này trong việc dàn xếp các tranh chấp trong lãnh vực bang giao quốc tế tránh việc sử dụng chiến tranh; nhưng nếu Liên Hiệp Quốc có thể đem lại hòa bình trường cửu thì con người có thể nói với Đức Chúa Trời, “Chúng tôi không cần Ngài nữa. Chúng tôi đã tạo lập được hòa bình trên đất và đã tổ chức được nhân loại sống đời công chính.” Tất cả những kế hoạch này là những phương thuốc vá víu mà thế giới bệnh hoạn, hấp hối của chúng ta phải dùng trong khi chờ đợi vị Đại Lương Y. Trở lại lịch sử, chúng ta biết nỗ lực đầu tiên kết hợp con người đã kết thúc trong tình trạng rối loạn ngôn ngữ tại tháp Ba-bên. Lần nào con người cố hành động không có Đức Chúa Trời thì cũng đều thất bại và sẽ còn thất bại nữa.


 Vấn đề còn lại là “Làm thế nào Đức Chúa Trời công chính- nghĩa là công chính trong bản chất và trong sự thánh khiết, mà vẫn có thể công chính hóa tội nhân?” Bởi vì mỗi người đều mang tội của chính mình, và toàn thể nhân loại không ai đủ tư cách giúp người khác, vì mỗi người đều đã bị nhiễm cùng một thứ bệnh.


 Giải pháp duy nhất là phải có một nhân vật vô tội tình nguyện chịu chết cả thể xác lẫn tâm linh thay thế cho con người trước Đức Chúa Trời. Nhân vật vô tội này phải đứng ra lãnh nhận sự phán xét, án phạt và sự chết của con người. Nhưng tìm đâu ra một nhân vật như thế? Chắc chắn không có một con người toàn hảo nào trên đất, vì Kinh Thánh khẳng định “Mọi người đều đã phạm tội” (Rô-ma 3:23). Chỉ còn một điều khả dĩ duy nhất đó là Con Đức Chúa Trời, Đấng duy nhất trong toàn vũ trụ có thể mang trên thân Ngài tội lỗi của toàn thể nhân loại. Chắc chắn thủ lĩnh thiên sứ Gáp-ri-ên hay Mi-ca-ên cũng có thể xuống để chết thay cho một người, nhưng chỉ có Đấng vô hạn là Con Đức Chúa Trời mới có thể chết thay cho mọi người.


 Thượng Đế Ba Ngôi


 Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời có ba Ngôi Vị và đây là một mầu nhiệm không bao giờ chúng ta có thể hiểu được. Kinh Thánh không dạy có ba Đức Chúa Trời mà chỉ có một và Đức Chúa Trời độc nhất này thể hiện trong ba Ngôi Vị là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh.


 Ngôi Hai trong Ba Ngôi là Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con Đức Chúa Trời. Ngài đồng đẳng với Đức Chúa Trời là Cha. Ngài không phải là con Đức Chúa Trời trong nghĩa tạo vật, nhưng là Con Đức Chúa Trời trong nghĩa chia xẻ bản tính của Chúa Trời. Ngài là Con Vĩnh Hằng của Đức Chúa Trời, là Thượng Đế Ngôi Hai trong Đức Chúa Trời Ba Ngôi Chí Thánh, là Thượng Đế thể hiện trong thân xác, là Đấng Cứu Thế Hằng Sống.


 Kinh Thánh dạy rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu không có khởi đầu. Ngài không phải là tạo vật mà là tạo hóa vì tất cả vạn vật do Ngài tạo dựng (Giăng 1:1-3). Cả từng trời với muôn vàn tinh tú, vô số mặt trời cũng đều do Ngài sáng tạo. Trái đất hiện hữu từ công việc của ngón tay Ngài. Sự giáng sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta vẫn kỷ niệm vào dịp cuối năm không phải là khởi đầu của Ngài. Mỗi khi suy tưởng, tìm tòi về nguồn gốc Đức Chúa Trời chúng ta thấy bối rối như thế nào thì nguồn gốc của Chúa Giê-xu cũng che phủ trong cùng một màn bí mật đó. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng, “Ban đàu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời và Ngôi Lời Là Đức Chúa Trời” (Giăng 1:1).


 Nói về Chúa Cứu Thế, Kinh Thánh dạy rằng, “Ay chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, là Đấng sinh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên. Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền đếu là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. Ngài có trước muôn vật và muôn vật đứng vững trong Ngài” (Cô-lô-se 1:15-17).


 Câu cuối cùng của phân đoạn Kinh Thánh trên, “muôn vật đứng vững trong Ngài” chỉ thị sự kiện Ngài bảo tồn muôn vật, hay nói cách khác, toàn thể vũ trụ sẽ tan vỡ thành muôn triệu mảnh nếu không có sức mạnh bảo tồn, kết hợp của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong một chỗ khác, Kinh Thánh nói rằng, “Hỡi Chúa, ban đầu trước hết Chúa đã dựng nền trái đất, và các từng trời cũng là công việc của tay Chúa. Trời đất sẽ hư đi nhưng Chúa hằng có; Trời đất sẽ cũ đi như cái áo; Ngài sẽ cuốn nó lại như cái áo choàng, rồi trời đất sẽ biến đổi, nhưng Chúa vẫn y nguyên, các năm của Chúa không hề cùng” (Hê-bơ-rơ 1:10-12).


 Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng Cứu Chuộc


 Chúa Giê-xu cũng từng nói về Ngài, “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, đầu tiên và cuối cùng.”Chỉ một mình Ngài khả dĩ có quyền năng đưa con người trở lại với Đức Chúa Trời. Nhưng liệu Ngài có hành động không? Nếu có, Ngài sẽ phải bước vào trần gian, phải mang hình hài của một kẻ tôi đòi, Ngài phải trở nên giống như con người, Ngài sẽ phải hạ mình xuống vâng phục cho đến chết. Ngài sẽ phải vật lộn với tội lỗi, phải đương đầu và chiến thắng Sa-tan, là kẻ tử thù của linh hồn con người. Ngài sẽ phải chuộc tội nhân ra khỏi khu chợ nô lệ của tội lỗi. Ngài sẽ phải trả một giá mới có thể phá tung xiềng xích để giải phóng tù nhân, giá đó là chính sự chết của Ngài. Ngài sẽ bị con người khinh dể và chán bỏ, Ngài trở thành một người khốn khổ tràn ngập đau buồn. Ngài sẽ bị đánh đập và ngăn cách với Đức Chúa Trời. Ngài sẽ bị thương vì tội lỗi con người, chịu bầm dập vì những gian ác của nhân loại, chịu đổ huyết ra chuộc tội cho loài người. Ngài phải giải hòa Đức Chúa Trời với con người. Ngài sẽ là Đấng Thay Thế, Đấng Trung Bảo lớn trong lịch sử. Ngài sẽ phải chết thế chỗ cho tội nhân. Tất cả những điều này Ngài đều phải làm một cách tự nguyện.


 Đó chính là những điều đã thực sự xảy ra! Từ trên thiên đàng Ngài thấy địa cầu đang đung đưa trong không gian, chờ bị kêu án, chờ bị hủy hoại và trên đường lao xuống hỏa ngục. Ngài thấy bạn và tôi đang quằn quại dưới gánh nặng tội lỗi, bị cột trói trong giây thừng và xiềng xích của tội ác cho nên trong tòa nghị luận của Đức Chúa Trời, Ngài đã quyết định ra đi. Hàng muôn hàng ngàn thiên binh thiên sứ hạ mình cúi đầu kinh ngạc khi Vua của muôn Vua, Chúa của muôn Chúa, là Đấng phán một lời tạo thành vũ trụ, đang lên lên xe đi qua cổng ngọc trai, vượt qua những tầng cao vút của bầu trời, và vào một đêm đen tại miền Giu-đê, trong khi các tinh tú hòa ca, các thiên thần vang khúc tôn vinh, Ngài đã bước ra khỏi xe song mã, vứt bỏ áo bào và trở thành một người!


 Sự kiện này giống nhưng trường hợp giả sử tôi đang đi trên đường lỡ đạp nhằm tổ kiến. Tôi cúi xuống nói với đàn kiến đang cuống cuồng rối loạn, “Ta vô cùng ân hận đã làm vỡ tổ các bạn. Ta đã phá tan nhà các bạn. Ước gì ta có thể nói với các bạn rằng ta không cố ý làm hại, mà muốn thật lòng giúp các bạn xây sửa lại.”


 Có người sẽ phản đối bảo rằng, “Vô lý, làm gì có chuyện đó, vì kiến làm sao hiểu được ngôn ngữ loài người!” Đó chính là điều tôi muốn nói. Tôi sẽ sung sướng đến chừng nào nếu có thể trở thành con kiến dù chỉ trong khoảnh khắc để dùng ngôn ngữ loài kiến, nói cho chúng biết điều tôi suy nghĩ!


 Đây chính là điều Chúa Cứu Thế đã làm. Ngài đến để bày tỏ Đức Chúa Trời cho con người. Ngài là Đấng cho chúng ta biết Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta và rất quan tâm đến cuộc đời chúng ta. Chính Ngài là Đấng nói cho chúng ta biết về lòng thương xót, lòng nhịn nhục và ân sủng của Đức Chúa Trời. Chính Ngài là Đấng hứa ban cho chúng ta sự sống vĩnh hằng.


 Nhưng không phải chỉ có thế, Chúa Cứu Thế Giê-xu còn mang lấy thịt và huyết, nghĩa là mặc lấy thân xác con người để có thể chịu chết (Hê-bơ-rơ 2:14). “Ngài đã hiện ra để cất tội lỗi đi” (I Giăng 3:5). Mục đích chính Chúa Cứu Thế bước vào trần gian là để có thể dâng chính sự sống của Ngài làm sinh tế chuộc tội cho con người. Ngài đến để chịu chết. Bóng sự chết của Ngài giống như tấm vải phủ áo quan che suốt ba mươi năm trên đất.


 Đêm Chúa Giê-xu giáng sinh Sa-tan run rẩy. Nó đã tìm phương giết Chúa trước khi Ngài giáng thế, và cố giết Ngài khi Chúa ra đời. Sắc chiếu của Hê-rốt ra lệnh giết tất cả con trai hai tuổi trở xuống chỉ có mục đích là để triệt hạ cho kỳ được Chúa Giê-xu.


 Chúa Con Vô Tội


 Suốt những năm tháng trên trần gian, Ngài không hề phạm tội. Ngài là con người duy nhất vô tội. Ngài có thể đứng trước tất cả loài người hỏi rằng, “Trong các ngươi có ai bắt ta thú tội được chăng?” (Giăng 8:46). Ngài bị kẻ thù rình rập ngày đêm, nhưng họ không tìm được nơi Ngài bất cứ lỗi lầm nào. Ngài hoàn toàn không tì vết.


 Chúa Giê-xu đã sống cuộc đời khiêm hạ, Ngài không màng danh vọng cũng không nhận vinh dự từ con người. Ngài đã sinh ra trong chuồng chiên, được trưởng dưỡng rồi làm nghề thợ mộc trong một làng quê nhỏ - làng Na-xa-rét. Ngài qui tụ quanh mình một nhóm ngư dân chất phác. Ngài sống bình dị giữa mọi người và là một thành phần trong đó. Chưa từng có ai đã sống khiêm hạ như Ngài.


 Chúa Giê-xu đã truyền dạy đầy thẩm quyền đến nỗi những người đương thời phải thốt lên rằng, “Chưa hề có ai nói như người này” (Giăng 7:46). Mỗi lời Chúa nói đều hoàn toàn đúng về phương diện lịch sử. Mỗi lời Chúa nói đều đúng về phương diện khoa học. Mỗi lời Chúa nói đều đúng về phương diện đạo đức. Không hề có một khuyết điểm nào về ý niệm cũng như cách diễn đạt trong những lời dạy của Chúa Giê-xu. Quan điểm đạo đức của Ngài hoàn toàn đúng, đúng trong thời đại của Ngài cũng như trong mọi thời đại hậu lai.


 Những lời nói của Con Người đầy ân phúc này hoàn toàn đúng về phương diện tiên tri. Ngài đã tiên báo nhiều điều, có những điều còn ở trong tương lai. Các luật gia đặt nhiều câu hỏi thử Ngài, nhưng họ không có cách nào làm Ngài rối trí. Những câu Chúa trả lời cho đối thủ của Ngài rất rõ ràng, minh bạch. Những lời khẳng định của Chúa không một chút ngờ vực, không một mảy may lắt léo, và không có gì phải do dự. Vì Ngài biết rất rõ cho nên Ngài đã từ tốn phán dạy đầy thẩm quyền. Ngài cũng phán dạy những lời thật đơn sơ đến nỗi cả những người mộc mạc hơn hết cũng hiểu và vui lòng nghe Ngài dạy. Dù Ngài dạy rất sâu sắc nhưng lời dạy lại dung dị, dễ hiểu. Lời Ngài đơn sơ trong sáng nhưng cũng thật mạnh mẽ đến nỗi làm kẻ thù choáng váng. Đối phó với những vấn đề lớn của thời đại dù đơn sơ hay phức tạp, Ngài đều có cách giải quyết tinh tế đến độ mọi người đều có thể hiểu dễ dàng.


 Chúa Giê-xu chữa lành người đau, người què, người bại, người mù. Ngài chữa lành người mắc bệnh phung cùi và gọi người chết sống lại. Ngài đuổi quỉ, làm im tiếng gió, dẹp tan cơn bão. Ngài đem vui mừng, bình an, hy vọng cho hàng ngàn người đến với Ngài.


 Chúa không bao giờ tỏ vẻ sợ hãi. Không lúc nào Ngài phải vội vã cũng không có biến cố nào là bất ngờ đối với Ngài. Mọi hành động của Chúa được phối hợp hoàn toàn và rất chính xác. Ngài có tư cách vô cùng khoan nhã. Ngài không phải trì hoãn cũng không lo lắng đối với những việc phải làm. Dù Ngài không chữa lành tất cả mọi người đau, cứu sống mọi người chết, mở mắt mọi người mù hay nuôi ăn mọi người đói, nhưng đến cuối đời, Ngài vẫn có thể nói với Đức Chúa Trời là Cha, “Con đã làm xong công việc Cha giao cho làm.”


 Ngài đã đứng trước mặt Phi-lát bình thản bảo rằng, “Nếu không phải từ trên ban cho ngươi, ngươi không có quyền gì trên ta” (Giăng 19:11). Ngài cũng nói với các môn đồ đang hoảng sợ rằng Ngài có thể điều khiển cả binh đội thiên sứ trên trời.


 Ngài tiến đến thập tự giá trong vẻ uy nghi và bình thản, biết chắc rằng Ngài đang hoàn thành lời tiên tri đã viết về Ngài cách tám trăm năm trước đó: “Ngài như chiên con bị dắt đến lò sát sinh, như chiên câm trước mặt kẻ hớt lông, Ngài chẳng hề mở miệng” (Ê-sai 53:7)


 Đánh Bại Ma Quỉ


 Ngài đã tiến đến sứ mạng cần phải hoàn tất với ý thức rõ ràng một cách quả cảm, đầy vinh quang. Ngài đã đến để cứu vớt tội nhân. Ngài đến để hóa giải cơn giận của Đức Chúa Trời. Ngài đến để vĩnh viễn đánh bại ma quỉ. Ngài đến để chiến thắng sự chết và hỏa ngục. Trước mặt Ngài chỉ có một con đường, một phương thức để thành đạt những mục tiêu đó.


 Sự chết của Ngài đã được tiên báo hàng ngàn năm trước, như chúng ta đã thấy trước tiên ở vườn Ê-đen, rồi sau đó là là trong những lời tiên tri, trong những câu chuyện và những lời giảng về sự chết của Đấng Cứu Thế trong nhiều thời đại trước. Áp-ra-ham thấy trước sự chết của Ngài khi chiên con bị giết. Tuyển dân Y-sơ-ra-ên giết chiên con làm biểu tượng cho sự chết của Ngài. Mỗi lần huyết chiên con đổ ra trên bàn thờ đều là để tượng trưng cho Chiên Con của Đức Chúa Trời một ngày kia sẽ đến giải quyết vấn đề tội lỗi. Trong một số các thi thiên tiên tri, vua Đa-vít đã nói rất chi tiết về sự chết của Ngài. Ê-sai cũng dùng cả một chương tiên báo tỉ mỉ về việc Ngài chịu thương khó.


 Nói về thẩm quyền phó sự sống của chính Ngài, Chúa Cứu Thế Giê-xu tuyên bố, “Người chăn thiện hảo bỏ sự sống vì chiên” (Giăng 10:11). Ngài cũng nói, “Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng hoang thế nào thì Con người cũng phải bị treo lên như vậy để hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời” (Giăng 3:14,15). Chúa Cứu Thế Giê-xu đã phải đối diện với viễn ảnh thập tự giá từ những thời xa xưa trong cõi vĩnh hằng. Qua bao nhiêu thời đại trước giáng sinh, Chúa biết rằng sự chết của Ngài đang nhanh chóng đến gần. Khi được một trinh nữ sinh ra, Ngài đã sinh ra với bóng thập tự giá che phủ đường đi. Ngài đã mang lấy thân xác loài người để có thể chết. Từ lúc nằm nôi cho đến khi lên thập tự giá, chết là mục tiêu của đời Ngài.


 Có người đã mô tả những đau thương của Ngài chưa từng có con người nào phải chịu như sau: “Một đêm thức trắng tại vườn Ghết-sê-ma-nê trong ánh đuốc bập bùng, cái hôn của kẻ bội phản, bị bắt, cuộc xét xử trước thầy cả thượng phẩm, những giờ chờ đợi trong tòa tổng trấn La-mã, chuyến đi đến cung điện Hê-rốt, lúc bị bọn lính tàn ác của Hê-rốt hành hạ, khung cảnh ghê gớm lúc Phi-lát cố tìm cách tha trong khi bọn thầy tế lễ và dân chúng gào lên đòi huyết Ngài, trận đòn nát thịt, những tiếng gào thét của đám đông, chặng đường từ Giê-ru-sa-lem đến Gô-gô-tha, những cây đinh đóng vào tay, vào chân Ngài, mão gai trên đầu, những tiếng kêu nhạo báng nhiếc móc của hai tên trộm cướp hai bên, “Ngươi đã cứu kẻ khác, bây giờ hãy tự cứu mình đi.”


 Thỉnh thoảng có người hỏi tôi tại sao Chúa Cứu Thế chết nhanh quá, chỉ trong có 6 giờ, trong khi đó những nạn nhân khác phải chịu cực hình trên thập tự từ hai đến ba ngày hoặc lâu hơn. Ngài đã yếu và kiệt lực từ khi đến nơi hành quyết. Ngài đã bị đánh đòn, thể lực hoàn toàn suy kiệt. Tuy nhiên khi chết, Ngài đã chết một cách tự nguyện. Ngài đã chọn đúng thời điểm khi trút linh hồn.


 Trên thập giá Ngài treo thân giữa khoảng trời và đất. Sau khi đã chịu đau thương cùng cực, Ngài không than van, không cầu khẩn, mà chỉ thốt lên tiếng kêu bộc lộ nỗi đau đớn kinh khủng trong thân xác: “Ta khát!” Có một nhà thơ vô danh đã viết như sau:



 Cái hành hạ Ngài nơi đó kinh khủng hơn đau đớn

 Là cái khát thâm sâu thăm thẳm lòng Thiên Chúa,

 Khát khao gào thét cứu vớt linh hồn,

 Mà Chúa ơi, chính con là một trong những linh hồn đó!

 Đấng Thay Thế Tội Nhân



 Đức Chúa Trời đòi hỏi tội lỗi phải trả bằng cái chết - cái chết của chính tội nhân hay của người thay thế! Chúa Cứu Thế chính là người thay thế đó! Thiên sứ trưởng Gáp-ri-ên và muời đạo binh thiên sứ gươm giáo tuốt trần đang bay lượn chờ trực quanh vòng đai vũ trụ. Chỉ cần một ánh mắt hiệu lệnh trên gương mặt đầy ân phúc của Chúa Cứu Thế là đội binh thiên sứ sẽ xô tất cả đám người cuồng nộ đang hò hét kia xuống địa ngục. Không phải những cái đinh đã giữ Ngài trên thập tự giá, nhưng chính là những sợi dây yêu thương đã cột trói Ngài chặt hơn bất cứ cái đinh nào của con người. “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Chúa Cứu Thề vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8).


 Vì bạn! Vì tôi! Ngài đã mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ. Như có người từng bảo rằng, “Nhìn Ngài trên cây thập tự, đầu thánh gục xuống, Ngài gom hết vào trong tim tội lỗi của toàn nhân loại trong viễn ảnh kinh khủng bị cô lập và phân cách với Đức Chúa Trời, nhưng qua việc nhận tội thay thế đó Ngài có thể ban sự sống cho những người Ngài đã thay thế.” Chúng ta đứng sững trước nỗi đau thương cùng cực của Chúa Giê-xu, cảm thấy chính mình không thể hiểu, cũng không thể giải thích nổi, và với ý thức thật sâu sắc về sức mạnh với vẻ uy nghi tràn ngập xung quanh khung cảnh đó, chúng ta nghe được tiếng kêu từ miệng Chúa, “Mọi sự đã trọn!”


 Nhưng sự đau đớn trong thân xác Chúa Cứu Thế Giê-xu không phải là nỗi thống khổ thật. Nhiều người trước Ngài đã chết. Có những người khác đã bị treo lên thập tự giá lâu hơn Ngài. Nhiều người đã chịu tử đạo. Nỗi đau thương chính yếu của Chúa Giê-xu là cái chết thuộc linh. Chúa Giê-xu đã đối diện với vấn đề cuối cùng là tội lỗi, đã kinh nghiệm được chiều sâu hơn hết của sự thống khổ khi Ngài kêu lên rằng, “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” Tiếng kêu này là một bằng chứng cho thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu đã trở nên tội lỗi vì chúng ta, đã thực sự chết về phương diện thân xác và vì vậy, Ngài mất hết các tri giác về sự hiện diện của Cha Ngài vào giây phút đó. Một mình cô đơn trong giờ phút tối thượng đó của lịch sử nhân loại, Chúa Cứu Thế đã thốt lên những lời này! Anh sáng đã lóe lên cho chúng ta thoáng thấy nỗi thống khổ của Ngài, nhưng ánh sáng đó quá chói lọi như G. Campbell Morgan bảo rằng, “không mắt nào dám nhìn.” Ong cũng nhận xét rất tinh tế, bảo rằng những lời Chúa Cứu Thế đã thốt ra trên thập tự giá, “để con người thấy rằng còn bao nhiêu điều khác họ chưa từng biết.”


 Trong thư Ga-la-ti 3:13; Mác 15:34; 2 Côrinhtô 5:21 cho chúng ta biết Đấng không hề biết tội lỗi đã vấy bẩn tội lỗi vì cớ chúng ta để trong Ngài chúng ta có thể trở nên sự công chính của Đức Chúa Trời. Trên thập tự giá Chúa Cứu Thế đã trở thành tội lỗi, Ngài đã bị Đức Chúa Trời từ bỏ. Bởi vì Ngài không hề biết tội lỗi cho nên giá trị sự trừng phạt Ngài chịu vượt quá mọi khả năng hiểu biết vì sự trừng phạt đó thật ra không cần áp dụng cho Ngài. Nếu vì là Đấng vô tội không cần phải chịu hình phạt thì Ngài đã chịu trừng phạt để tạo ra giá trị chuộc tội đó cho ai?


 Làm thế nào giá trị chuộc tội đó đã hoàn tất trong hố sâu của tăm tối là điều con người không bao giờ hiểu được, nhưng tôi chỉ biết một điều - Ngài đã mang tội lỗi tôi trong thân thể Ngài trên cây thập tự. Ngài đã bị treo lên nơi đáng lẽ chính tôi phải ở đó. Tất cả những nỗi đớn đau của địa ngục thuộc phần tôi đều đã chất trên Ngài. Bây giờ tôi có thể hưởng thiên đàng cùng mọi đặc quyền không do tôi mà hoàn toàn là của Ngài. Tất cả mọi biểu mẫu, mọi tế lễ, mọi hình bóng và mọi biểu tượng trong Cựu Ước đã được thành nghiệm. Các thấy tư tế không còn cần mỗi năm một lần vào nơi chí thánh nữa vì sinh tế đã hoàn tất.


 Bây giờ khi nền tảng của sự cứu chuộc đã đặt xong, tất cả các tội nhân ý thức tội lỗi của mình cần đặt đức tin nơi Con Đức Chúa Trời để có thể giải hòa với Đức Chúa Trời và có sự bình an trong Ngài. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư vong mà được sự sống vĩnh hằng” (Giăng 3:16).


 Ba Điều Trên Thập Tự Giá


 Trên thập tự giá của Chúa Cứu Thế Giê-xu tôi thấy ba điều: Trước hết là chiều sâu tội lỗi con người được phơi bày. Xin đừng đổ cho những người đương thời đã treo Chúa Cứu Thế lên cây gỗ vì chính bạn và tôi cùng mang trách nhiệm về tội đó. Không phải đoàn dân hay bọn lính La-mã đóng đinh Chúa, nhưng chính vì tội lỗi của bạn và tôi đã khiến cho Ngài phải tình nguyện chịu chết.


 Thứ hai, trên thập tự giá tôi thấy được tình thương chan hòa của Đức Chúa Trời. Nếu có bao giờ bạn nghi ngờ tình yêu của Ngài, xin hãy nhìn thật kỹ, thật lâu lên thập tự giá, vì trên đó bạn có thể thấy cách Đức Chúa Trời thể hiện tình thương. của Ngài.


 Thứ ba, trên thập tự giá tôi thấy con đường cứu rỗi duy nhất. Chúa Giê-xu phán, “Ta là con đường, chân lý và sự sống: không bởi ta thì không ai đến được với Thượng Đế” (Giăng 14:6). Không có cách nào khác khả dĩ cứu bạn khỏi tội lỗi và hỏa ngục ngoài ra cách phó mình cho Chúa Cứu Thế trên thập tự giá. Nếu có cách nào khác cứu bạn, chắc chắn Chúa cũng đã tìm ra. Nếu nhờ cố gắng tu tỉnh, sửa đổi tâm tính và sống cuộc sống đạo đức tốt hơn có thể cứu bạn thì Chúa Giê-xu không cần phải chết. Cần phải có một người thế chỗ cho bạn. Con người không muốn bàn đến việc này, họ không muốn nghe chuyện có người phải chết thay cho mình, vì nó làm tổn thương tự ái. Nó phơi bầy bản ngã.


 Nhiều người bảo rằng, “Tôi có thể được cứu nếu sống đúng theo Luật Vàng không? Hay theo các giáo huấn của chính Chúa Giê-xu? Hay sống cuộc đời đạo đức Chúa dạy?” Cho dù có thể được cứu do sống cuộc sống Chúa dạy, chúng ta rồi ra sẽ vẫn là tội nhân. Chúng ta lại sẽ tiếp tục thất bại, vì không một người nào trong chúng ta, từ khi sinh ra cho đến khi qua đời từng sống được cuộc đời Chúa dạy. Chúng ta đã thất bại, đã phạm giới răn, đã không vâng phục, đã phạm tội. Như vậy chúng ta phải làm gì đối với tội lỗi? Chỉ có một điều duy nhất phải làm là đem tội lỗi đó đến thập tự giá để tìm ơn tha thứ.


 Nhiều năm trước vua Charles đệ Ngũ được một đại thương gia ở Antwerp cho vay một số tiền rất lớn, nhưng khi đáo hạn, nhà vua vỡ nợ không trả nổi. Vị đại thương gia liền tổ chức một bữa dạ yến mời vua và một số đông quan khách đến dự. Khi mọi người đã yên vị và trước khi thức ăn được mang ra, người thương gia cho đem một khay lớn đặt trên bàn với một ngọn nến thắp sẵn, rồi lấy trong túi ra tờ giấy nợ đốt thành tro trước mặt mọi người.


 Cũng vậy, tất cả chúng ta đều mắc nợ Đức Chúa Trời. Món nợ đã đáo hạn nhưng chúng ta không thể trả. Hai ngàn năm trước Đức Chúa Trời đã mời cả một thế giới suy đồi đến trước chân thập tự giá. Tại đó Ngài đã đem đốt tất cả tội lỗi của bạn và tôi cho đến khi tất cả cháy tiêu, không còn lại một vết tích nào.


 Kinh Thánh khẳng định, “Không đổ huyết thì không có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22). Nhiều người đã nói với tôi, “Thật là kinh khủng! Tôi không nghĩ ông lại có thể tin vào một tôn giáo sát sinh như thế!” Có người lại thắc mắc, “Tôi không hiểu vì sao Đức Chúa Trời lại đòi phải đổ huyết.” Nhiều người khác lại bảo, “Tôi không hiểu vì sao Chúa Cứu Thế lại chết cho tôi.” Ngày nay ở nhiều tòa giảng, khái niệm về huyết Chúa Cứu Thế đổ ra đang trở thành cũ kỹ, lỗi thời. Nhưng đây là khái niệm của Kinh Thánh. Đây là trái tim của Cơ đốc giáo. Khía cạnh đặc thù của Cơ-đốc giáo nằm ở huyết chuộc tội, vì nếu không có, chúng ta không thể được cứu. Huyết thực sự là biểu tượng về sự chết của Chúa Cứu Thế.


 Cách đây không lâu khi đang đứng bên bàn nhận bệnh tại dưỡng đường Mayo Clinic ở Rochester, Minnesota tôi thấy có một cái hộp vuông trong đó có một số tập giấy có hàng chữ đỏ “Tặng Phẩm Huyết” in thành hình một giọt máu lớn. Thoạt tiên tôi tưởng đó là một truyền đạo đơn, nhưng nhìn kỹ hơn tôi mới biết đó là tài liệu cổ động, khuyến khích hỗ trợ chương trình hiến máu. Đối với một người nằm trong bệnh viện, máu có một ý nghĩa lớn lao đem lại khác biệt giữa sống và chết. Không một người nào từng được tiếp máu mà lại không nhìn máu với lòng biết ơn. Có người bảo rằng lấy máu ra có vẻ nghịch thường, nhưng cho máu là hành vi đầy ân phúc!


 Sự kiện cơ bản đó là huyết đại diện cho sự sống như trong Lê-vi-ký 17:11 chép, “hồn sống của xác thịt ở trong huyết; ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn thờ để làm lễ chuộc tội cho linh hồn mình; vì nhờ hồn sống mà huyết mới chuộc tội được.” Như vậy chúng ta thấy huyết sinh tế đã chảy thấm khắp Cựu Ước, là biểu tượng báo trước sinh tế toàn hảo là Chúa Cứu Thế.


 Năm Điều Do Huyết Đem Lại


 Kinh Thánh dạy rằng ơn ích đầu tiên huyết đem lại là sự cứu chuộc như được khẳng định trong I Phi-e-rơ 1:18-19, “vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại cho mình , bèn là bởi huyết báu Chúa Cứu Thế, dường như huyết của Chiên Con không lỗi không vít...”. Chúng ta không chỉ được cứu khỏi bàn tay ma quỉ, nhưng còn được cứu khỏi cả bàn tay của Giới Luật truyền xuống từ Đức Chúa Trời qua Môi-se. Sự chết của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá đem chúng ta ra khỏi quyền lực của giới luật. Giới Luật kết án tôi nhưng Chúa Cứu Thế thỏa đáp mọi yêu cầu là điều không có khối lượng vàng bạc, châu báu nào trên đất đủ để chuộc mạng cho tôi. Điều vàng bạc không làm được thì sự chết của Chúa Cứu Thế đã hoàn tất. Cứu chuộc có nghĩa là “mua lại.” Chúng ta đã bị bán không cho ma quỉ nhưng Chúa Cứu Thế đã cứu chuộc và đem chúng ta trở lại.


 Thứ hai, huyết đem chúng ta đến gần, “Nhưng trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, anh em là kẻ ngày trước cách xa, hiện nay đã nhờ huyết Chúa Cứu Thế mà được gần rồi” (Ê-phê-sô 2:13). Khi chúng ta “bị ngoại quyền công dân trong Y-sơ-ra-ên, không dự vào giao ước của lời hứa, ở thế gian không có hy vọng và không có Đức Chúa Trời” thì Chúa Cứu Thế Giê-xu đem chúng ta đến gần Đức Chúa Trời. “Cho nên hiện nay không có sự đoán phạt nào cho những người ở trong Chúa Cứu Thế Giê-xu” (Rô-ma 8:1). Tội nhân đã được cứu chuộc sẽ không bao giờ phải đối diện với sự phán xét của Đức Chúa Trời toàn năng vì Chúa Cứu Thế Giê-xu đã nhận thay sự phán xét rồi.


 Thứ ba, huyết đem lại hòa bình. Thánh Phao-lô trong Cô-lô-se 1:20 viết như sau, “bởi huyết Ngài trên thập tự giá thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất, trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời .” Trần gian sẽ không bao giờ có thể biết hòa bình thật sự cho đến khi tìm đến thập tự giá của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bạn sẽ không bao giờ biết sự bình an với Chúa, bình an trong lương tâm, bình an trong tâm trí và bình an trong linh hồn cho đến khi bạn đứng tại chân thập tự giá và bởi đức tin liên kết chính mình với Chúa Cứu Thế. Bí quyết của sự bình an là bình an với Đức Chúa Trời.


 Thứ tư, huyết đem lại sự công chính. Rô-ma 5:9 chép, “Huống chi nay chúng ta đã nhờ Ngài được xưng công bình, thì sẽ nhờ Ngài được cứu khỏi cơn thạnh nộ là dường nào!” Huyết thay đổi vị thế của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, từ địa vị mắc tội, bị kết án bước sang địa vị được ân xá và tha thứ. Tội nhân được tha thứ không giống như một tù nhân được tha sau khi mãn hạn vẫn không có quyền công dân, trong khi tội nhân ăn năn, được tha thứ nhờ huyết Chúa Cứu Thế Giê-xu, được phục hồi toàn thể tư cách công dân nước Trời, “Ai sẽ kiện kẻ lựa chọn của Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời là Đấng xưng công bình những kẻ ấy. Ai sẽ lên án họ ư? Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng đã chết, và cũng đã sống lại nữa, Ngài đang ngự bên hữu Đức Chúa Trời, cầu nguyện thế cho chúng ta” (Rô-ma 8:33-34)


 Thứ năm, huyết thanh tẩy. I Giăng 1:7 chép như sau, “Nhưng nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng thì chúng ta giao thông cùng nhau và huyết của Chúa Cứu Thế Giê-xu Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.” Chữ chìa khóa trong câu này là “mọi tội”. Không phải một phần tội chúng ta nhưng tất cả mọi tội. Nghĩa là tất cả mọi lời dối trá, tất cả mọi hành vi xấu xa, hèn hạ, dơ bẩn chúng ta đã làm, tất cả những hành vi giả hình, những tư tưởng tham dục, đều được tẩy sạch do sự chết của Chúa Cứu Thế.


 Con Người Không Che Dấu


 Câu chuyện đã được kể nhiều năm trước về một việc xảy ra tại Luân Đôn. Có một buổi hội lớn qui tụ toàn những nhân vật danh tiếng, trong đó cũng có một mục sư tiếng tăm là Caesar Milan. Trong chương trình, có một thiếu nữ trẻ vừa đàn vừa hát được mọi người tán thưởng nồng nhiệt. Với giọng thật ôn tồn, nhẹ nhàng nhưng can đảm vị mục-sư tiến lên khi tiếng đàn vừa dứt. Ông nói, “Khi nghe bài hát tối nay tôi tự nghĩ với khả năng và giọng hát của cô như thế nếu cô đem dâng cho Chúa Cứu Thế Giê-xu thì chính nghĩa của Ngài sẽ được ích lợi rất nhiều. Chắc cô cũng đã biết rằng, trước mặt Chúa, cô cũng chỉ là một tội nhân như một người say rượu ngồi bên cống rãnh hay một gái làng chơi ngoài phố chợ. Nhưng tôi rất vui báo cho cô một tin mừng rằng huyết của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, làm sạch mọi tội chúng ta.”


 Cô thiếu nữ giận dữ bác bỏ câu nói “vơ đũa cả nắm” của vị mục-sư, nhưng ông ôn tồn trả lời, “Thưa cô, tôi không có ý làm cô giận, nhưng xin Đức Thánh Linh cáo trách trong lòng cô.”


 Mọi người đều về nhà. Cô thiếu nữ đi nghỉ, nhưng đêm ấy không ngủ được. Gương mặt nhà truyền đạo và những lời ông nói cứ văng vẳng bên tai. Hai giờ sáng, cô ở trong giường vùng ngồi dậy lấy giấy, viết ra, mặt đầm đìa nước mắt, Chalotte Elliott ghi xuống bài thơ nổi tiếng:



 “Tuyệt nhiên không cách chi bào chữa tôi

 Chỉ huyết Giê-xu đã đổ ra rồi,

 Ngài yêu tôi lắm, hằng khuyên tôi đến

 Kính thưa Chiên Con, tôi nguyện đến liền.

 Tuyệt nhiên tôi chẳng cậy một pháp môn

 Có thể gội sạch vết uế tâm hồn,

 Nhờ huyết Giê-xu tội khiên tiêu biến

 Kính thưa Chiên Con, tôi nguyện đến liền!”



 Nhưng sự chết của Chúa Giê-xu không phải là chung cuộc. Chúng ta không để Chúa Cứu Thế treo thân trên cây gỗ, với máu từ tay, chân và sườn Ngài tuôn chảy đầm đìa. Ngài được hạ xuống từ cây thập tự, đem liệm và chôn cất trong mộ với một tảng đá lớn lăn ra chận trước cửa hang. Một toán lính được cắt cử canh gác cẩn mật. Suốt ngày thứ bảy, các môn đệ ngồi ủ rũ, buồn thảm trên phòng cao, hai người trong vòng họ đã lên đường đến làng Em-ma-út. Tất cả chìm ngập trong âu lo sợ hãi. Vào buổi sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, Ma-ri, Ma-ri Ma-đơ-len và Sa-lô-mê cùng đi đến mộ để xức dầu thơm cho xác Chúa. Khi đến nơi họ kinh ngạc thấy trong mộ trống rỗng. Theo Alfred Edersheim là một học giả Do Thái thì, “Khung cảnh trong mộ không có một dấu hiệu vội vã nào, nhưng tất cả đều ngăn nắp, trật tự, để lại ấn tượng rằng Đấng nằm đó đã từ tốn cởi bỏ những tấm vải liệm không còn thích hợp cho Ngài.” Một thiên sứ đứng phía đầu huyệt đá hỏi, “Các ngươi tìm ai?” Họ trả lời, “Chúng tôi tìm Giê-xu Na-xa-rét”. Thiên sứ đã thông báo một tin tức quan trọng, vinh quang hơn hết cho toàn thể nhân loại, “Ngài không ở đây đâu, Ngài sống lại rồi.”


 Sự Kiện Phục Sinh


 Xây dựng trên sự kiện vĩ đại trên là toàn thể chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Không có sự phục sinh thì không có sự cứu rỗi. Nhiều lần Chúa Cứu Thế nói trước về sự phục sinh, như có lần Ngài tuyên bố, “Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm” (Ma-thi-ơ 12:40). Đúng như lời báo trước này, Chúa đã phục sinh!


 Có một số qui luật về bằng chứng trong việc thiết định bất cứ biến cố lịch sử nào. Trước hết, biến cố đó cần phải có trong các tài liệu do chính các chứng nhân đáng tin đương thời ghi chép lại. Những tài liệu về sự phục sinh của Chúa Giê-xu còn nhiều hơn những tài liệu về hoàng đế La-mã Julius Ceasar hay về A-lịch-sơn Đại Đế của Hi-lạp chết năm 33 tuổi. Nhưng điều kỳ lạ là các sử gia đã chấp nhận hàng ngàn sự kiện dựa trên những bằng chứng rất manh mún, trong khi sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu có vô số bằng chứng mạnh mẽ lại bị họ nhìn với con mắt hoài nghi và ngờ vực về phương diện trí thức. Nan đề của những người này là họ không muốn tin. Nhãn quan thuộc linh của họ mù loà đến độ hoàn toàn bị thành kiến che phủ đến nỗi họ không thể chấp nhận sự kiện phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu dưạ trên một mình lời chứng của Kinh Thánh.


 Trước hết sự phục sinh có nghĩa là Chúa Cứu Thế Giê-xu chính là Đức Chúa Trời là sự kiện không thể chối cãi được. Ngài chính là Đấng Ngài đã tuyên xưng, Chúa Cứu Thế là Thượng Đế trong thân xác.


 Thứ hai, sự phục sinh có nghĩa là Đức Chúa Trời đã chấp nhận công trình chuộc tội của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, là công trình thiết yếu cho sự cứu rỗi của chúng ta. “Ngài đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và sống lại vì sự công bình của chúng ta” (Rô-ma 4:25).


 Thứ ba, sự phục sinh đoan chắc cho nhân loại về một sự phán xét công chính, “Vì như bởi sự không vâng phục của một người mà mọi người khác đều thành ra kẻ có tội, thì cũng một lẽ ấy, bởi sự vâng phục của một người mà mọi người khác sẽ thành ra công bình” (Rô-ma 5:19).


 Thứ Tư, sự phục sinh bảo đảm rằng thân thể chúng ta đến cuối cùng rồi cũng sẽ sống lại. “Nhưng bây giờ Chúa Cứu Thế đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (I Cô-rinh-tô 15:20). Kinh Thánh dạy rằng, là Cơ-đốc nhân, thân thể chúng ta dù phải bỏ trong mồ mả, nhưng rồi chúng ta sẽ sống lại trong ngày phục sinh lớn. Lúc đó sự chết sẽ bị nuốt mất trong sự đắc thắng. Kết quả do sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu đem lại là cái nọc của sự chết bị tiêu diệt và Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng cầm chìa khóa. Chúa phán, “Ta là Đấng sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khoá của sự chết và âm phủ” (Khải 1:18). Chúa Cứu Thế cũng hứa rằng “Vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống.”


 Thứ Năm, sự phục sinh cho thấy rằng đến cuối cùng, sự chết sẽ bị loại trừ. Quyền lực của sự chết đã bị loại bỏ và tinh thần sợ sự chết đã bị cất đi. Bây giờ chúng ta có thể nói như tác giả Thi-thiên, “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết tôi sẽ chẳng sợ tai hoạ nào, vì Chúa ở cùng tôi” (Thi-thiên 23:4). Thánh Phao-lô nhìn về sự chết với lòng trông mong lớn lao nơi sự phục sinh của Chúa Cứu Thế, ông nói, “Vì Chúa Cứu Thế là sự sống của tôi và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy” (Phi-líp 1:21), cũng như Velma Barfield là một tử tội chờ hành quyết ở tiểu bang North Carolina từng nói: “Tôi yêu mến Ngài đến nỗi thấy thời gian chờ đợi gặp Ngài thật quá dài.”


 Không có sự phục sinh của Chúa Cứu Thế cũng sẽ không có hy vọng cho tương lai. Kinh Thánh hứa rằng một ngày kia chúng ta sẽ đứng trước Chúa Cứu Thế phục sinh mặt đối mặt, và chúng ta sẽ có thân thể mới như thân thể của chính Ngài.



 Khi tôi đối mặt cùng Cứu Chúa tôi,

 Phút vinh quang kia thuật sao rồi.

 Ôi vui vẻ thay nhìn Chân Chúa kìa,

 Giê-xu Christ chết thế tôi kia.

 Khi tôi đối mặt Ngài vui bấy,

 Xa tít bên kia tinh cầu này

 Ôi, tôi đối mặt Ngài đầy vinh hiển,

 Mặt gặp mặt hưởng phước vô biên.

 

 (Dịch lời của Carrie E. Breck)