Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Hối Cải Là Gì?



“Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn hơn là chín mươi chín kẻ công bình không cần phải ăn năn” (Lu-ca 15:7)

Chúng ta đã thấy Chúa Giê-xu đòi con người phải hoán cải. Chúng ta cũng thấy ba yếu tố của sự hoán cải là hối cải, đức tin và sự sinh lại hay tái sinh. Trình tự của ba yếu tố này có thể là vấn đề tranh luận, nhưng nói chung, người ta đồng ý rằng cả ba rất có thể xảy ra cùng một lúc.


 Nếu sự hối cải có thể mô tả bằng hai từ, tôi sẽ dùng hai từ “quay lại.” Bạn sẽ hỏi quay lại với điều gì? Câu trả lời là “tội lỗi.” Như chúng ta đã thấy, Kinh Thánh dạy rằng tội lỗi là sự vi phạm giới luật. Tội lỗi là loại bỏ mọi thẩm quyền và khước từ mọi bổn phận đối với Đức Chúa Trời. Tội lỗi chính là cái nguyên tắc gian ác đã đến trong vườn Ê-đen khi A-đam và Ê-va bị cám dỗ và sa ngã. Kể từ thảm họa trong vườn Ê-đen, thứ độc dược gian ác này đã ảnh hưởng tất cả mọi người đến nỗi “mọi người đều đã phạm tội,” và “không có người công chính nào hết, dẫu một người cũng không.” Tội lỗi đã hủy phá mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời, hậu quả là làm xáo trộn mối tương giao của chúng ta với nhau, và ngay cả với chính mình.


 Chúng ta sẽ không thể nào có bình an với Đức Chúa Trời hay bình an với nhau trong trần gian, hay ngay cả bình an bên trong chúng ta cho đến khi điều “Đức Chúa Trời gớm ghét” được loại trừ. Chúng ta không những phải quay lưng lại với tội, mà còn phải từ bỏ mọi tội lỗi - tất cả tội lỗi. Chúng ta phải loại trừ mọi ảnh hưởng xấu xa của thế gian, xác thịt và ma quỉ. Không thể có thương lượng, mặc cả, thỏa hiệp hay do dự. Chúa Cứu Thế đòi hỏi lòng trung thành tuyệt đối của chúng ta.


 Hối Cải và Đức Tin 


 Tại đây chúng ta lại thấy liên quan đến nguyên tắc về tình thương vì khi bạn hoàn toàn tuyệt đối yêu mến Chúa, bạn sẽ không muốn làm những điều Ngài ghét và ghê tởm. Bạn sẽ tự động từ bỏ mọi tội lỗi trong đời sống khi lấy đức tin đầu phục Ngài. Vì vậy, hối cải và đức tin luôn luôn đi với nhau như bóng với hình. Bạn không thể có đức tin đưa đến sự cứu rỗi nếu không có sự hối cải chân thật.


 Ngày nay từ ngữ hối cải không còn được nhắc đến nhiều trên tòa giảng nữa và đó là điều thật đáng buồn. Hối cải cũng là một từ không được ưa thích. Bài giảng đầu tiên của Chúa Giê-xu là “Hãy hối cải: vì nước thiên đàng đã đến gần” (Ma-thi-ơ 4:17). Đây là sứ điệp Đức Chúa Trời phán dạy qua Con Ngài. Chúa Giê-xu đến với một tấm lòng đầy ắp tình yêu và lòng thương cảm, nhưng Ngài cũng tức khắc khẳng định tội lỗi và tình trạng mắc tội của con người. Ngài kêu gọi con người thừa nhận tội lỗi và quay khỏi cuộc sống không tôn thờ Chúa. Ngài dạy rằng sự ăn năn phải đến trước khi Ngài có thể tuôn đổ tình thương, ân sủng và lòng thương xót xuống cho con người. Chúa Giê-xu không chấp nhận việc lấp liếm tội lỗi mà Ngài nhấn mạnh đến việc tự kiểm, đến thái độ quay hẳn lưng lại với cuộc đời cũ. Ngài cương quyết đòi con người phải có một thái độ mới trước khi Ngài có thể bày tỏ tình thương của Đức Chúa Trời.



 Một ngày kia đoàn dân kể cho Chúa Giê-xu việc mấy người Ga-li-lê bị Phi-lát giết, lấy huyết trộn với sinh tế trong dịp quân La-mã dẹp yên một cuộc nổi dậy của người Do Thái. Họ cũng kể lại chuyện tháp Si-lô-ê sập đổ đè chết nhiều người. Trả lời họ, Chúa Giê-xu bảo rằng, “Các ngươi tưởng mấy người đó vì chịu khốn nạn như vậy, có tội nặng hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Ta nói cùng các ngươi, không phải; song nếu các ngươi không ăn năn thì hết thảy sẽ hư mất như vậy” (Lu-ca 13:3). Nói cách khác, Chúa Giê-xu bảo rằng dù con người có chết tức tưởi, bất đắc kỳ tử hay chết bình yên thì số phận hư vong vẫn giống nhau trừ khi họ ăn năn hối cải quay trở lại với Đức Chúa Trời. Nếu không hối cải thì tuyệt đối không thể có đức tin thật. Điều này không giới hạn ân sủng Đức Chúa Trời, nhưng sự hối cải dọn đường cho ân sủng Chúa.


 Sự Hối Cải và Ân Sủng Đức Chúa Trời 


 Chúng ta đã biết sự cứu rỗi hoàn toàn dựa trên ân sủng của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh dạy rằng trước mặt Đức Chúa Trời không một người nào được kể là công chính do tuân giữ giới luật, mà khẳng định, “Người công chính sẽ sống bởi đức tin” (Rô-ma 9:17). Sự cứu rỗi, sự tha thứ, sự công chính hóa đều hoàn toàn dựa trên sự chuộc tội của Chúa Cứu Thế. Tuy nhiên để sự hy sinh của Chúa Cứu Thế trên thập tự giá trở thành hiệu nghiệm cho mọi người mọi hạng tuổi thì chính con người đó phải ăn năn tội và tiếp nhận Chúa Cứu Thế bằng đức tin.


 Giô-na giảng về sự hối cải cho dân thành Ni-ni-ve cho đến khi cả thành ăn năn. Ê-xê-chi-ên giảng về sự ăn năn, nói rằng, “Chúa Giê-hô-va phán: Hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, ta sẽ đoán xét các ngươi, mỗi người theo việc làm của nó. Hãy trở lại và xây bỏ mọi sự phạm pháp của các ngươi; vậy thì sự gian ác không trở nên cớ hư nát cho các ngươi” (Ê-xê-chi-ên 18:30).


 Sứ điệp chính của Giăng Báp-tít là về sự hối cải. Ông giảng như sau, “Hãy ăn năn: vì nước thiên đàng đã đến gần” (Ma-thi-ơ 3:2).


 Sự hối cải hay ăn năn được nói đến bảy mươi lần trong Tân Ước. Chúa Giê-xu phán “Nếu các ngươi không ăn năn thì tất cả sẽ hư mất như vậy.” Bài giảng của Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ Tuần là “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Chúa Cứu Thế Giê-xu chịu báp-tem để được tha tội” (Công-vụ 2:38). Phao-lô giảng về sự hối cải bảo rằng ông “giảng cho người Giu-đa cũng như cho người Gờ-réc về sự ăn năn đối với Đức Chúa Trời và đức tin trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta” (Công-vụ 20:21). Kinh Thánh cũng dạy rằng Đức Chúa Trời truyền bảo con người phải hối cải, “Đức Chúa Trời đã bỏ qua các đời ngu muội đó mà nay bảo tất cả các ngươi trong mọi nơi đều phải ăn năn” (Công-vụ 17:30). Đây là mệnh lệnh, một mệnh lệnh bắt buộc. Đức Chúa Trời truyền phán, “Hãy hối cải hay là chết!” Bạn đã hối cải chưa? Bạn có chắc chắn không?



 Có nhiều thí dụ trong Kinh Thánh về sự hối cải giả hiệu, thí dụ như Pha-ra-ôn nói với tuyển dân Y-sơ-ra-ên đang tìm cách ra khỏi Ai-cập đi đến đất hứa, “Lần này trẫm đã phạm tội...” (Xuất Ai-cập 9:27). Hiển nhiên đó là cách nói lên lòng hối tiếc hay hối hận mà không phải là hối cải thật. Đây cũng chính là thái độ của Sau-lơ như ký thuật trong I Sa-mu-ên 15: 24, 30 và 26: 21. Trong khi đó, khi Đa-vít nói với Na-than “Tôi đã phạm tội”, Đa-vít thực sự ăn năn (2 Sa-mu-ên 15:24,30 và 26:21; cũng xem Thi-thiên 51).
 
 Định Nghĩa Của Chúa Giê-xu Về Sự Ăn Năn
 

 Chúa muốn nói gì trong từ ăn năn ? Tại sao từ ngữ này cứ được dùng đi dùng lại trong suốt Kinh Thánh? Tra tự điển, bạn sẽ thấy “ăn năn” là “cảm thấy buồn hay tiếc vì lầm lỡ.” Nhưng trong nguyên ngữ Chúa dùng, “ăn năn” có ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều. Đó không chỉ là hối tiếc hay cảm thấy buồn vì lầm lỗi mà theo nghĩa của Kinh Thánh, ăn năn là “thay đổi” hay “quay trở lại”. Đó là một từ rất mạnh chỉ hành động, nói về một sự chuyển hướng hoàn toàn trong đời sống cá nhân. Khi Kinh Thánh kêu gọi chúng ta ăn năn tội, có nghĩa là chúng ta phải quay lưng lại với tội lỗi và đi về một hướng ngược lại hướng của tội lỗi cũng như tất cả những gì dính dấp đến tội lỗi.


 Chúa Giê-xu kể dụ ngôn Đứa Con Phóng Đãng để linh động hóa ý nghĩa của từ ngữ ăn năn. Khi đứa con phóng đãng ăn năn, nó không chỉ ngồi đó hối tiếc về bao nhiêu tội lỗi đã phạm. Nó không tiêu cực, thụ động, không ngồi ủ dột giữa đàn heo mà đứng dậy lên đường. Nó quay bước, đổi hướng để về nhà, tìm cha, hạ mình xuống trước mặt cha. Nó đã được cha tha thứ.


 Nhiều Cơ-đốc nhân hôm nay đã không còn thấy được ý nghĩa của sự ăn năn theo Kinh Thánh dạy. Họ tưởng rằng ăn năn chỉ là lắc đầu chép miệng, tỏ ý ân hận về lầm lỗi đã phạm, bảo rằng, “Thật đáng tiếc!” và tiếp tục cuộc sống y như cũ.


 Ăn năn thật có nghĩa là “thay đổi, quay lưng lại để đi về một hướng mới.” Hối tiếc chưa đủ gọi là ăn năn. Sự hối tiếc của Giu-đa mới chỉ đủ để khiến người môn đệ này đi treo cổ tự tử. Hối tiếc là nhìn nhận tội lỗi mà không ăn năn thật. Ngay cả nỗ lực cải cách cũng không đủ. Không một hình khổ nào bạn bắt thân xác phải chịu hay một nỗi thống khổ nào tâm trí bạn phải nhận có thể làm vừa lòng Đức Chúa Trời Toàn Năng. Tất cả tội lỗi chúng ta được chuộc nhờ Chúa Cứu Thế trên thập tự giá, tại đó Ngài chịu án phạt của tội lỗi. Không một nỗi đau thương nào chúng ta chịu có thể đưa chúng ta đến chỗ ăn năn.


 Ăn Năn Không Chỉ Là Xúc Cảm 


 Khi nói về sự ăn năn, tôi không nói đến việc hãm mình than khóc. Nhiều người được dạy rằng để ăn năn, bạn phải dành một số thì giờ nào đó than vãn thì mới mong nhận được sự cứu rỗi. Một người kể lại cho tôi vào đêm anh gặp Chúa Cứu Thế cách đây ít năm, anh tiến lên phía trước trong một buổi nhóm truyền thống, quì trước bàn thờ, cố gắng tìm gặp Đức Chúa Trời. Đang lúc đó, một chị em đến vỗ vai bảo, “Ráng lên, nếu anh muốn tìm gặp Đức Chúa Trời thì cứ tiếp tục kiên trì bám lấy Ngài.” Vài phút sau, một chức viên trong nhà thờ cũng đến vỗ vai bảo rằng, “Đừng căng thẳng như thế! Hãy buông mình vào tay Chúa!” Một chị em tín hữu khác lại đến bảo, “Vào đêm tôi được hoán cải, có một luồng sáng lớn chiếu vào mặt khiến cho cả người tôi lạnh toát.” Sau tất cả những lời khuyên đó, người này nói, “Cùng lúc tôi vừa cố nắm chặt, vừa cố thả lỏng, đồng thời cố nhìn vào luồng ánh sáng lớn. Tôi hoàn toàn bối rối và không biết mình đã làm cái gì!”


 Một Cơ-đốc nhân rất thông minh thuộc thành phần lãnh đạo có lần kể rằng vào lúc ông qui đạo, thái độ của hội chúng và của nhà truyền đạo mong ông bày tỏ xúc cảm, đã suýt khiến ông khựng lại không muốn đến với Chúa nữa.


 Chủ trương gây xúc cảm giả tạo trong một số các buổi nhóm phục hưng đã trở thành hòn đá vấp chân cho nhiều linh hồn chân thành tìm kiếm Chúa. Nhưng tại đây, loại ăn năn tôi sẽ trình bày là loại ăn năn dựa vào theo đúng lời dạy của Kinh Thánh bao gồm ba phương diện: lý trí, xúc cảm và ý chí.


 Ba Phương Diện Của Sự Ăn năn 


 Trước hết cần phải hiểu rõ về tội lỗi. Kinh Thánh dạy, “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23). Khi tiên tri Ê-sai bị cáo trách về tội lỗi ông kêu lên, “Khốn nạn cho tôi!...Tôi là một người có môi dơ dáy” (Ê-sai 6:5). Khi Gióp được thoáng nhìn thấy sự thánh khiết của Đức Chúa Trời ông bảo, “Tôi lấy làm gớm ghê tôi” (Gióp 42:6). Khi Phi-e-rơ bị cáo trách về tội lỗi ông nói, “Tôi là một người tội lỗi” (Lu-ca 5:8). Khi Phao-lô bị cáo trách về tội lỗi, ông gọi mình là “kẻ đứng đầu tội nhân” (I Ti-mô-thê 1:15).



 Chính Đức Thánh Linh là Đấng đem lại sự cáo trách này. Thật ra sự ăn năn không thể xảy ra trước khi có tác động của Đức Thánh Linh trong lòng, trong trí con người. Đức Thánh Linh có thể dùng lời cầu nguyện của một người mẹ, lời giảng của mục sư, một chương trình phát thanh Tin lành, hình ảnh một tháp chuông nhà thờ, cái chết của một người thân yêu để đem lại sự cáo trách cần thiết này. Tuy nhiên, tôi từng thấy có những người trong một số các buổi nhóm, đứng run rẩy vì bị cáo trách nhưng vẫn không chịu ăn năn tội. Có thể có những trường hợp một người bị cáo trách về tội lỗi, biết rõ mình là một tội nhân, thậm chí khóc lóc nữa nhưng vẫn không ăn năn.


 Thứ hai, xúc cảm có trong sự ăn năn cũng như trong những kinh nghiệm thực sự khác. Phao-lô bảo rằng sự buồn rầu chân thật mở đường cho sự ăn năn. Có người từng nói, “Nhiều người ghê tởm tất cả các loại xúc cảm, một số nhà phê bình nghi ngờ bất cứ sự hoán cải nào thiếu tính chất sáng suốt, bình thản. Có nhiều hiểm họa trong chủ trương nhấn mạnh đến xúc cảm, coi xúc cảm là cứu cánh. Tuy nhiên không phải vì thế mà chúng ta loại trừ xúc cảm thật và những cảm xúc sâu sắc, chân thành.”


 Như Tiến sĩ W. E. Sangster, một mục sư người Anh nổi tiếng của giáo hội Methodist viết trong cuốn Let Me Commend (Cho Tôi Nhận Định), “Người hò hét trong trận đấu bóng hay dã cầu nhưng lại khó chịu khi nghe tiếng khóc ăn năn tại thập tự giá và nhỏ to khích bác xúc cảm chủ nghĩa, thì không đáng tin tưởng.”


 Horace Walpole có lần cáo buộc John Wesley đã có lối giảng biểu lộ xúc cảm quá đáng, dầu vậy Wesley đã đưa được hàng ngàn người trở về với Đức Chúa Trời.


 Thứ ba, sự ăn năn liên quan đến ý chí.


 Chỉ khi đụng đến lãnh vực ý chí chúng ta mới tìm được trung tâm của sự ăn năn. Cần phải có quyết tâm từ bỏ tội lỗi, nghĩa là thay đổi thái độ đối với bản ngã, đối với tội lỗi và đối với Đức Chúa Trời; thay đổi xúc cảm, thay đổi ý chí, quan niệm và mục tiêu.


 Chỉ có Thần Linh của Đức Chúa Trời mới có thể ban cho bạn quyết tâm cần thiết đi đến chỗ ăn năn thật, nghĩa là không phải ăn năn giống như lời cầu nguyện của một bé gái, “Xin Chúa giúp con ngoan ngoãn, không phải thật ngoan nhưng ngoan đủ để khỏi bị đòn.”


 Có hàng ngàn người Mỹ có tên trong sổ hội thánh, thỉnh thoảng đi nhà thờ, cũng dâng tiền và hỗ trợ một số hoạt động của hội thánh. Họ bắt tay mục sư sau buổi lễ và khen ngợi bài giảng. Họ dùng ngôn ngữ tín đồ và nhiều người thuộc làu nhiều câu Kinh Thánh, nhưng họ chưa bao giờ thực sự kinh nghiệm sự ăn năn thật. Họ có thái độ dửng dưng, “thế-nào-cũng-được” đối với tôn giáo. Khi gặp khó khăn họ đến với Chúa để cầu nguyện, nhưng lúc bình thường họ không bận tâm nghĩ đến Chúa. Kinh thánh dạy rằng khi đến với Chúa Cứu Thế con người sẽ được thay đổi, và những thay đổi đó thể hiện ra ở tất cả mọi hành động.


 Để Ăn Năn Cần Phải Đầu Phục 


 Không có một câu Kinh Thánh nào chỉ thị rằng là một tín hữu bạn muốn sống như thế nào cũng được. Khi Chúa Cứu Thế ngự vào lòng người, Ngài muốn ngự vào để làm Thầy, làm Chúa. Ngài đòi bạn phải đầu phục hoàn toàn. Ngài đòi quyền kiểm soát toàn thể tâm trí bạn. Ngài đòi cả thân xác bạn phải tùng phục. Ngài mong bạn giao nộp mọi tài năng cho Ngài. Ngài mong không phải chỉ một phần mà tất cả mọi công lao, sức lực của bạn đều được thực hiện trong danh Ngài.


 Nhiều người hôm nay mệnh danh là Cơ-đốc nhân nhưng sẵn sàng bỏ giờ thờ phượng Chúa chứ không muốn bỏ dịp đi mua một cái tủ lạnh mới. Cho lựa chọn giữa việc đặt tiền cọc mua xe và dâng tiền cho một dự án xây cất Trường Chúa Nhật của Hội Thánh, không phải là một quyết định khó, chúng ta có thể đoán ngay ra quyết định đó là gì. Hàng nghìn tín đồ trên danh nghĩa, bỏ tiền ra đắp vào cho cuộc sống tiện nghi hơn là dâng hiến cho việc giảng dạy lời Chúa. Chúng ta tìm được thì giờ cho việc xem phim, chơi dã cầu hay bóng bầu dục, nhưng không tìm ra thì giờ dành cho Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể để dành tiền mua một căn nhà mới hay một máy truyền hình lớn hơn, nhưng lại cảm thấy mình không thể nào dâng hiến một phần mười. Đây là tội thờ hình tượng.



 Cần phải có một sự thay đổi! Chúng ta chỉ tay về thế giới ngoại giáo và lên án những người thờ hình tượng thời xưa, trong khi đó khác biệt duy nhất là hình tượng của chúng ta ngày nay thay vì cẩn kim cương hay vàng bạc, lại làm bằng sắt thép mạ kền bóng loáng và có hệ thống xả đông tự động. Thay vì làm bằng vàng, hình tượng của chúng ta làm bằng chất sứ vừa bền vừa dễ lau chùi và chúng ta thực sự đã nâng niu thờ phụng chúng không khác gì hình tượng và cảm thấy rằng chúng ta không thể sống thiếu chúng. Chúng ta đã đi đến chỗ thờ lạy đồ vật, địa vị, danh tiếng, tiền bạc và một cuộc sống an toàn. Chúng ta cần nhớ rằng bất cứ điều gì xen vào giữa chúng ta và Đức Chúa Trời thì đó là sự thờ hình tượng.


 Chúa Giê-xu đòi cầm quyền làm chủ trên tất cả những điều đó. Ngài muốn bạn giao nộp mọi sự liên quan đến đời sống xã hội, gia đình, công ăn việc làm cho Ngài. Ngài phải được dành chỗ đầu tiên trong mọi việc bạn làm, nói năng hay suy nghĩ, vì khi thực sự ăn năn, bạn sẽ hướng mọi sự về Ngài.


 Chúa Giê-xu đã cảnh cáo rằng Ngài sẽ không thể nhận chúng ta vào thiên đàng nếu chúng ta không sẵn sàng buông bỏ mọi sự, cho đến khi chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi tội lỗi trong đời sống. Đừng cố gắng làm nửa vời. Đừng nói rằng, “Tôi sẽ bỏ một số tội lỗi trước và tiếp tục vướng mắc với một số tội khác. Tôi sẽ sống một phần cuộc đời cho Chúa và phần còn lại tôi sống cho những đam mê riêng.” Chúa Giê-xu muốn chúng ta đầu phục một trăm phần trăm và một khi đã trao hết, Chúa sẽ ban thưởng cho chúng ta gấp ngàn lần. Nhưng xin chúng ta đừng mong đợi Chúa sẽ ban thưởng năm trăm lần khi chúng ta đầu phục năm mươi phần trăm! Đức Chúa Trời không hành động theo cách đó, Ngài đòi chúng ta giao nộp tất cả.


 Khi bạn đã quyết định dứt khoát với tội lỗi, từ bỏ tội lỗi và giao nộp mọi sự cho Chúa Cứu Thế, bạn đã tiến tới một bước mới để có bình an với Đức Chúa Trời.


 Tên cướp ăn năn trên thập tự giá nói với Chúa Giê-xu, “Lạy Chúa, xin nhớ đến tôi...” (Lu-ca 23:42). Từ ngữ tên cướp này dùng, “Lạy Chúa,” hàm ý thái độ tùng phục Chúa Cứu Thế Giê-xu. Anh đã đầu phục Chúa hoàn toàn và thực sự hoán cải, và đây chính là kết quả của sự ăn năn thật. Hòa lòng với tác giả bài thánh ca, tội nhân ăn năn có thể hát như sau:


 Tôi đầu phục Chúa Giê-xu hoàn toàn, trao tất cả mọi sự cho Ngài,

 Tôi sẽ mãi mãi tin cậy, yêu mến Ngài, sống trong sự hiện diện của Ngài mỗi ngày.

 Tôi hoàn toàn đầu phục Chúa Giê-xu, xin Chúa Cứu Thế khiến con trọn vẹn thuộc Ngài.

 Xin cho con cảm nhận được sự hiện diện của Đức Thánh Linh để thực sự biết Ngài thuộc con.