Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

ĐỜI SỐNG THẬT: Những quan điểm về đời sống thật là gì và tìm thấy đời sống thật ở đâu


Có ba người đã chia sẻ về nơi mà họ đã tìm thấy được sự
thoả lòng, sự chấp nhận và mục đích của đời sống thật
Nhiều tác giả

-
Đã bao giờ bạn từng cảm thấy hẳn phải có điều gì đó hơn thế? Có cái gì đó không đơn thuần chỉ là sự tồn tại? Dưới đây là những bài viết trung thực đưa ra những quan niệm về đời sống thật và vai trò của Đức Chúa Trời trong đời sống đó.

Sự thoả lòng trong đời sống thật [bài viết của John G.]


Có lẽ bạn đã từng nghe về một người mà mục đích sống của người ấy chỉ để được leo lên một ngọn núi nào đó. Cuối cùng khi anh ta đã leo đến đỉnh, thì anh ta thất vọng kinh khủng. Không còn nơi nào khác để anh ta có thể leo lên nữa, và có điều gì đó vẫn còn thiếu vắng trong đời sống của anh ấy. Nó giống như một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp sau khi giành được Siêu Cúp thì cảm thấy chán nản.

Kinh nghiệm thời đi học của tôi cũng tương đối giống như vậy. Vào năm cuối đại học, tôi đã đạt được mọi thứ mà người ta bảo chúng sẽ làm cho tôi cảm thấy thỏa mãn -- ở trong hội sinh viên nam và trong các tổ chức khác của trường, tham dự nhiều bữa tiệc vui nhộn, đạt được điểm số kha khá, và giành thời gian với các cô gái mà tôi thực sự bị cuốn hút.

Mọi điều mà tôi muốn làm và đã làm được khi còn học đại học rồi cũng qua đi. Thế nhưng, khi tôi đã leo lên “đỉnh núi”, tôi vẫn cảm thấy chưa thoả lòng. Có điều gì đó còn trống vắng, và tôi không còn nơi nào để đi nữa.

Tất nhiên là không ai biết được tôi đang cảm thấy sự thiếu vắng này trong đời sống – vì tôi không thể hiện điều đó ra bên ngoài. Mỉa mai thay, tôi cảm thấy rằng có rất nhiều bạn bè trong hội lại đánh giá cao về tôi. Có lẽ họ ao ước đời sống họ giống đời sống tôi nhiều hơn. Họ không biết được tôi đã cảm thấy không thỏa mãn như thế nào.
Tuy nhiên, có một nhóm bạn khác trong hội mà tôi gọi là “những con mọt Thánh Kinh”. Thậm chí dù tôi chế giễu và luôn tìm lí do để chỉ trích họ, vẫn có điều gì đó về họ mà tôi không thể hiểu nổi…họ dường như chẳng thiếu thứ gì. Có vẻ họ có sự thỏa mãn thật sự, là điều tôi đang tìm kiếm. Họ dường như biết được ý nghĩa của cuộc sống.

Mùa hè sau năm cuối đại học, tôi được mời đến một buổi học Kinh Thánh ở một hội thánh nọ. Vì lí do nào đó tôi đã đến. Tôi nghĩ mình sẽ cảm thấy cởi mở đối với các vấn đề thuộc linh hơn mọi khi. Khi một người bắt đầu dạy kinh thánh, tôi đã sửng sốt. “Ồ, đó thật là câu trả lời chính xác.” Tôi đã lấy làm kinh sợ bởi sao Kinh Thánh lại nói đúng đến như thế và dường như nó có liên quan đến đời sống của tôi đến vậy.

Nó như thể Đức Chúa Trời đang gõ cửa tấm lòng tôi… nhưng tôi vẫn không muốn để Ngài bước vào. Tôi tiếp tục suy nghĩ về đời sống tôi rồi sẽ thay đổi ra sao và các bạn sẽ nghĩ tôi là người khác thường như thế nào. Tôi lo sợ. Nhưng càng nghĩ về điều đó, Đức Chúa Trời càng giúp đỡ tôi nhận ra rằng bước vào mối quan hệ với Ngài là điều đúng đắn cần phải làm. Do vậy, tôi đã nói với Ngài rằng tôi thành tâm muốn Ngài bước vào đời sống của tôi.

Điều xảy ra tiếp theo thật khó diễn tả nổi. Tôi chỉ có thể diễn tả nó thế này: Tôi đã “gặp gỡ” Đức Chúa Trời. Và khi tôi gặp gỡ Ngài, tôi khám phá ra sự thoả lòng thật sự. Tôi cảm nhận một sự trọn vẹn mà trước đây tôi chưa từng kinh nghiệm, như thể phần trống rỗng tận sâu trong linh hồn tôi đã được khỏa lấp -- sự trọn vẹn đó đã trở thành một phần của đời sống tôi mãi mãi kể từ ngày ấy.

Tôi khám phá ra rằng kinh nghiệm của tôi không phải là điều độc nhất vô nhị. Ấy là kinh nghiệm mà Chúa Giê-xu Christ muốn làm cho bất cứ đời sống nào. Ngài đã phán (và vẫn tiếp tục phán): “Ta là bánh của sự sống. Ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát.” Chúa Jêsus mời gọi tất cả chúng ta bước vào mối quan hệ với chính Ngài.

Đời sống có lúc thăng trầm, có lúc thất vọng và có lúc tranh chiến. Nhưng điều khiến đời sống tôi có ý nghĩa và khiến tôi thỏa lòng chính là sự trọn vẹn thật mà tôi đã kinh nghiệm được khi tôi nhận biết Chúa Giê-xu Christ.

Sự chấp nhận trong đời sống thật [bài viết của Robert C.]


-
Khi tôi lớn lên và xem chương trình Phù thuỷ thành Oz trên tivi, tôi thấy cuộc đời tôi cũng giống như chính câu chuyện nổi tiếng đó. Chắc hẳn bạn còn nhớ câu chuyện ấy. Dorothy đã rời Kansas và đến thành Oz, nơi cô có thể thuận tiện giết mụ phù thủy độc ác và nhờ đó bỗng chốc cô trở thành người nổi danh. Tuy nhiên, tất cả sự tôn kính và thiện chí của cư dân thành Oz đều không thể đáp ứng được nhu cầu gây đau đớn cho cô: khát vọng được trở về nhà. Nhưng, may thay, tất cả những điều Dorothy cần là một chuyến đi gặp thầy phù thuỷ... thầy phù thuỷ phi thường của thành Oz. Do vậy, trước khi cô biết điều đó, cô đang trên cuộc hành trình cùng với ba người bạn đồng hành mới, dâng trào niềm mong chờ hân hoan về cuộc gặp gỡ với nhân vật vĩ đại này.


Hãy nhớ xem điều gì xảy ra tiếp theo? Thay vì gặp vị phù thủy tốt bụng và chu đáo, Dorothy và các bạn của cô được chào đón bằng giọng nói nóng nảy và giận dữ yêu cầu họ thực hiện một nhiệm vụ gần như không thể thực hiện được để chứng tỏ bản thân họ, đó là: lấy cắp cây chổi của mụ phù thủy độc ác.

Sau nhiều thử thách dữ dội, Dorthy và các bạn của cô một lần nữa đứng trước thầy phủ thuỷ thành Oz (lần này cùng với cây chổi trên tay) thì con chó của Dorothy, Toto, kéo giật tấm rèm che xuống để lộ một ông lão tốt bụng không giống như Thầy phủ thuỷ hay gầm rống chút nào.

Khi tôi lớn lên, Đức Chúa Trời đối với tôi rất giống với Thầy phù thuỷ thành Oz. Tôi đã nghĩ rằng Ngài keo kiệt và hay cáu gắt và Ngài thực sự biết rất ít về tôi. Vài hình ảnh mà tôi nhìn thấy về Ngài trong nhà thờ, là hình ảnh của một em bé, đã khiến Ngài dường như xa cách, ở một thế giới khác, và không thể với tới được. Cái chết của Ngài trên thập tự giá -- một hình ảnh bất biến -- tôi hiểu hình ảnh đó là sự hy sinh lớn lao, nhưng với tôi ấy là điều dường như Ngài làm cách miễn cưỡng. Tôi nghĩ điều đáng kể với Ngài là cách tôi cư xử tốt như thế nào, và tôi sống tốt như thế nào theo tiêu chuẩn của Ngài. Nếu tôi được Ngài chấp nhận, thì trước hết tôi cần chứng tỏ bản thân mình xứng đáng. Bạn có thể hình dung ra Đức Chúa Trời không phải là nhân vật vĩ đại trong đời tôi. Tuyệt vời không phải là từ tôi dành để mô tả Ngài.

Sau đó, vào năm nhất đại học, mọi thứ đã thay đổi. Tấm rèm che đã bị kéo xuống. Vì lần đầu tiên trong đời, có người đã cho tôi thấy Đức Chúa Trời thật sự là ai trong Kinh Thánh -- một quyển sách mà tôi nghĩ nó luôn bám đầy bụi. Ngài không giận giữ hay keo kiệt -- trái lại, Ngài là Đấng yêu thương và đầy lòng thương xót. Ngài biết tôi không thể sống một đời sống toàn vẹn và không thể giữ được những tiêu chuẩn của Ngài. Do vậy, vì tình yêu lớn lao của Ngài, Ngài đã trở thành một con người toàn hảo để đáp ứng những tiêu chuẩn này thay tôi.

Tôi biết Chúa Giê-xu Christ không chỉ là gương mẫu cho tôi mà Ngài còn là Đấng thay thế tôi. Tôi không cần bắt chước Ngài để chịu khổ, nhưng tôi được ích lợi qua sự chịu khổ ấy. Trong sự chết của Ngài trên thập tự giá -- điều mà sau này tôi khám phá ra rằng Ngài vui lòng làm -- tội lỗi và sự thất bại của tôi đã được phán xét. Trên thập tự giá, Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu lớn lao của Ngài dành cho tôi. Tại đó Ngài cho tôi thấy Ngài biết rõ tôi như thế nào. Tại đó Ngài đã chấp nhận tôi. Vì Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng [Chúa Jêsus] vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.”2

Tôi khám phá ra rằng sự chấp nhận thật dựa trên con người mới đằng sau bức rèm. Tôi thách thức bạn hãy kéo tấm rèm đó xuống và tự khám phá về Ngài, và suy nghĩ về lời mời gọi đến sự chấp nhận và sự tha thứ của Ngài.

Mục đích của đời sống thật [Bài viết của Marilyn A.]

-
Tôi luôn nghĩ rằng cuộc sống phải có ý nghĩa. Không nhất thiết là từng giây từng phút mỗi ngày. Ý tôi là làm sao việc giặt quần áo lại có ý nghĩa được chứ? Cuộc sống không phải lúc nào cũng đáng sợ và tất cả chúng ta chỉ cần tận hưởng thật nhiều giây phút vui vẻ là được!


Nhưng cuộc sống cần nhiều điều hơn là chỉ tìm kiếm sự khoái lạc, phần nào là do sự tận hưởng đó không kéo dài lâu được. Sự khoái lạc chỉ trong chốc lát, rồi nó đi mất. Nhà văn Ravi Zacharias đã nói rõ điều này như sau: “Nếu như không có ý nghĩa rõ ràng nào hơn cho đời sống… thì đời sống sẽ không có động lực, không có bền vững hay lời giải thích toàn diện nào.”

Trong nhiều năm, tôi đã nghiên cứu triết học của Dostoyevsky, Sartre, Nietzsche, Socrates và nhiều quan điểm khác để tìm kiếm một mục đích quan trọng và làm động cơ cho đời sống tôi. Mỗi tuần tôi “thử” một triết lý mới để xem nó có hiệu quả hay không. Nhưng tôi thấy những triết lý này làm tôi thất vọng khi áp dụng vào đời sống thực tế. Cuộc tìm kiếm của tôi lại tiếp tục.

Một phóng viên săn tin quốc tế của tạp chí Times, ông David Aikman, đã soi sáng chủ đề này. Ông có hai bằng tốt nghiệp sau đại học, là một chuyên gia về lịch sử nước Nga và Trung Quốc, và những vấn đề cộng sản, ông đã làm việc trong hơn 30 quốc gia, thông thạo sáu thứ tiếng, và là một người suy nghĩ nghiêm túc về các vấn đề của cuộc sống. Ông nói: “Mỗi người trong chúng ta đều có một mục đích, một lý do để tồn tại, là điều không ai khác có thể nói cho bạn biết, nhưng bạn có thể tìm thấy điều đó từ Chúa.” Ông Aikman đã khuyên hãy bắt đầu mối quan hệ với Chúa Giê-xu Christ.
Aikman thuật lại: “Khi tôi nghe lời của Chúa Giê-xu [được chép trong Kinh thánh], thì dường như Ngài đang phán với lòng tôi, và Ngài phán rằng: ‘Ta là con đường dẫn đến sự sống. Nếu con theo ta và làm theo những điều ta nói, đời sống con sẽ được thay đổi.’” Sau đó ông nói về việc thực hiện bước đầu tiên để bắt đầu mối quan hệ với Chúa Giê-xu Christ, là mời Ngài bước vào đời sống của mình. Aikman kết luận: “Tôi có thể hứa với bạn… bất cứ ai đã thực hiện bước đầu tiên này trong quan hệ đối với Chúa Giê-xu thì người đó sẽ có một đời sống rất thú vị.”

Giống như Aikman, tôi xuất thân là người vô thần. Và giống như ông, tôi đã khám phá ra rằng những lời công bố của Chúa Giê-xu về chính Ngài là độc nhất. Chúa Giê-xu không hướng con người đến triết lý về sự sống, nhưng Ngài đã hướng con người đến với chính Ngài. Chúa Giê-xu phán Ngài có thể tha thứ tội lỗi chúng ta, ban cho chúng ta sự bình an nội tâm giữa những hoàn cảnh khắc nghiệt, và dẫn dắt chúng ta đến một đời sống tự do.

Tôi đã quyết định nếu thực sự có một Đức Chúa Trời, tôi muốn biết về Ngài. Nhưng tôi vẫn hoài nghi. Tôi tranh cãi và thách thức các Cơ đốc nhân mà tôi biết. Tôi muốn có bằng chứng chứng tỏ Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời. Một ngày kia, tôi đã nhìn nhận cách thành thật về bằng cớ tồn tại của Đức Chúa Trời và thần tính của Chúa Giê-xu,và tôi đã sửng sốt khi tìm thấy rất nhiều sự kiện mang tính lịch sử và hợp logic. Sau đó, tôi biết rằng tôi phải làm một quyết định. Liệu tôi sẽ xin Ngài bước vào đời sống và ảnh hưởng nó theo bất cứ cách nào Ngài muốn, hay tôi sẽ kết thúc cuộc đời và không còn nghĩ đến khả năng tồn tại một “Đức Chúa Trời” hay không?

Sau khi cân nhắc lý lẽ cụ thể về việc tin Chúa Giê-xu, tôi đã mời Chúa Giê-xu bước vào đời sống tôi. Và ngày đó, sự tìm tòi của tôi về ý nghĩa đời sống được giải quyết một cách triệt để.

Tôi lấy làm ngạc nhiên vì tôi có thể có mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Tôi trò chuyện với Ngài và trải qua những đổi thay của hoàn cảnh, Ngài cho tôi biết rằng Ngài đã nghe lời tôi. Ngài dẫn dắt tôi trên con đường sự nghiệp rộng mở và thú vị hơn so với những điều tôi từng mơ ước. Tôi đã cầu hỏi Ngài và Ngài đã dẫn dắt tôi đến với những câu trả lời thích hợp, có ích trong kinh thánh.

Những điều này đã không xảy ra chỉ vào những ngày mưa bão mịt mùng. Ấy là mối quan hệ hai chiều thực sự với Đức Chúa Trời mà tôi đã và đang vui hưởng dựa trên nền tảng vững chắc. Không phải vì tôi là một thánh đồ nhưng vì Chúa Giê-xu sẽ bước vào đời sống của bất cứ ai thực sự muốn biết Ngài và đi theo Ngài.

Có một niềm vui lớn lao sẽ đến khi đi theo Chúa. Không giống như bất cứ điều gì hay bất cứ con người nào khác, việc nhận biết Chúa Giê-xu đã mang đến mục đích đích thực cho đời sống của tôi.

Trong đời sống thật…


-Đời sống thật là một đời sống thoả lòng, được chấp nhận và có mục đích. Chúng ta tìm thấy đời sống thật ấy ở trong mối quan hệ với Chúa Giê-xu Christ. Không một ai trong lịch sử loài người dám tuyên bố như Chúa Giê-xu và đưa ra những bằng chứng lạ lùng như thế khiến cho người khác phải đồng thuận. Ngài đã tự xưng là Đức Chúa Trời, có thể tha thứ tội lỗi và là con đường duy nhất để chúng ta có thể nhận biết Đức Chúa Cha. Chúa Giê-xu đã xác chứng những lời tuyên bố này bằng sự sống lại từ kẻ chết. Ngài thực sự là người độc nhất đã từng sống… vượt trổi hơn nhiều so với một người thầy vĩ đại.


Kinh thánh chép rằng Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời thành người -- “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta.3 Chúa Giê-xu là “hình bóng của bổn thể Ngài [của Đức Chúa Trời].”4 Nói ngắn gọn, Chúa Giê-xu bày tỏ một cách chính xác Đức Chúa Trời là Đấng như thế nào. Do vậy làm thế nào chúng ta bắt đầu mối quan hệ với Ngài?

Chúng ta không bắt đầu mối quan hệ với Đức Chúa Trời bằng cách cố gắng trở thành một người tốt hơn. Nỗ lực nhiều hơn để được Đức Chúa Trời chấp thuận không phải là cách mà Ngài muốn chúng ta sống. Đã bao giờ bạn ở trong một mối quan hệ với ai đó mà bạn phải cố gắng để được người đó chấp nhận chưa? Điều đó thật không vui vẻ gì.

Tình yêu Ngài dành cho chúng ta chân thành đến nỗi chính Ngài đã mở đường cho chúng ta được đến gần Ngài… nhưng có một nan đề ở đây. Hiện tại, cái đang chắn lối trên con đường kết nối chúng ta với Đức Chúa Trời là tội lỗi của chúng ta (việc chúng ta lấy cái tôi làm trung tâm được thể hiện qua sự giận dữ, những lời nói gây tổn thương, sự thiếu kiên nhẫn, sự ích kỷ, và tham lam,...). Nếu bạn tự hỏi tại sao những lời cầu nguyện của bạn dường như không đi đến đâu cả thì tội lỗi là câu trả lời. Tội lỗi của chúng ta đã phân cách chúng ta khỏi Đức Chúa Trời, là Đấng thánh khiết.

Do đó Đức Chúa Trời đã phải làm điều gì để chúng ta có thể có mối quan hệ gần gũi với Ngài? Chúa Giê-xu Christ (“Đức Chúa Trời trong thân xác con người”) đã chất hết mọi tội lỗi của chúng ta lên vai của Ngài khi Ngài tự nguyện chịu chết trên thập tự giá. Ngài đã làm điều này để chúng ta có thể được Đức Chúa Trời tha thứ hoàn toàn, chấp nhận hoàn toàn.

Vấn đề của chúng ta sẽ được minh họa qua câu chuyện của một sinh viên đại học bị bắt giam vì phạm tội. Vị thẩm phán đã tuyên átn cô hoặc chịu 30 ngày giam hoặc phải nộp phạt 1000 USD. Cô không thể có đủ thời gian lẫn tiền bạc. Vị Thẩm phán biết điều đó, ông đã cởi áo choàng của mình, đến trước bục quan tòa và với quyển séc trên tay, ông đã trả tiền phạt. Vì sao ông làm thế? Vì ông là một quan án công bình, ông không thể làm lơ đối với tội lỗi. Nhưng vì ông cũng là cha của cô gái ấy, nên ông quyết định trả tiền phạt thay cô.

Đây chính là điều mà Chúa Giê-xu đã làm cho mỗi một chúng ta trên thập tự giá. Ngài đã chịu hy sinh lớn lao, bị đánh đập, bị xỉ nhục, bị đòn roi và bị đóng đinh thay cho chúng ta. Bây giờ Ngài kêu gọi chúng ta đáp ứng lại với sự hy sinh của Ngài bằng việc mời Ngài bước vào đời sống của mình.

Làm sao chúng ta có thể sống một đời sống thật?

Chúa Giê-xu muốn chúng ta nhận biết Ngài, kinh nghiệm tình yêu, sự vui mừng và sự bình an của Ngài. Khi chúng ta xin Ngài bước vào đời sống chúng ta, chúng ta sẽ nhận được sự tha thứ của Ngài, và chúng ta sẽ bắt đầu mối quan hệ đời đời với Ngài. Chúa Giê-xu phán: “Nầy, ta đứng ngoài cửa (lòng ngươi) mà gõ; nếu ai nghe tiếng ta mà mở cửa cho, thì ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với ta.”5
Nếu bây giờ lòng bạn khao khát, sau đây là lời cầu nguyện gợi ý mà bạn có thể cầu nguyện theo (nhưng lời nói không quan trọng bằng thái độ của lòng bạn):

Đức Chúa Trời ôi, con xưng nhận rằng con đã phạm tội nghịch cùng Ngài. Cảm ơn Chúa đã chất mọi tội lỗi của con lên chính Ngài trên thập tự giá. Con muốn nhận được sự tha thứ của Ngài. Con muốn bước vào mối quan hệ với Ngài. Con xin Ngài ngự vào đời sống con, làm Cứu Chúa và làm Chủ của con. Xin ban cho con sự sống thật là sự sống duy nhất đến từ Chúa.