I Cô-rinh-tô 1: 18
Thập tự giá, một biểu tượng về sự chết của Chúa Jesus, biểu tượng của Cơ-đốc-giáo, luôn được nhắc đến đặc biệt trong mùa Phục sinh. Qua thập tự giá, Chúa Jesus đã hy sinh chính Ngài để cứu chuộc những người tin. Cũng qua thập tự giá, sáng tạo cũ, Satan, tội lỗi đã bị kết liễu. Cũng qua thập tự giá, sự sống mới được nảy mầm, được phát triển. Hôm nay, thập tự giá còn là tiêu chuẩn cho những ai muốn làm môn đồ của Chúa Jesus. Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh: “Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Đức Chúa Trời.” Thật vậy, thập tự giá chính là quyền phép, là sức mạnh để người Cơ-đốc tiến tới trên bước đường theo Chúa.
1. NGUỒN GỐC CỦA THẬP TỰ GIÁ
Thập tự giá là một dụng cụ bằng gỗ được người Medes, người Ba-tư, người Hi-lạp dùng để xử tử phạm nhân. Về sau hình phạt này được người La-mã xử dụng triệt để để đàn áp các dân tộc bị trị, nô lệ, tù nhân... Đây là hình thức xử tử tàn ác nhất khiến cho người bị treo sẽ chết từ từ, thường sau vài ngày. Khi quốc gia Israel bị La-mã chiếm đóng vào năm 63 BC, hình phạt này áp dụng cho tất cả người dân ở đây nếu như họ không có quyền công dân La-mã.
Khi Chúa Jesus bị nộp và kêu án tử trước tòa án của tổng đốc La-mã, Phi-lát. Vì Chúa Jesus là người Do-thái, một dân tộc bị trị nên Ngài phải nhận lấy cái chết trên thập tự giá. Tuy nhiên, chính Chúa Jesus khi còn thi hành chức vụ, Ngài cũng từng nói trước về cái chết Ngài như sau: “Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy” (Giăng 3: 14). Sự kiện Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá không phải do tình cờ mà đã được Đức Chúa Trời định trước. Cũng trong Phúc âm Giăng 12: 32, Chúa Jesus một lần nữa khẳng định: “Còn ta, khi ta đã được treo lên khỏi đất, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta.” Động từ “treo lên” ở đây là sự khẳng định trước của Chúa Jessus về thập tự giá mà Ngài phải chịu.
Thập tự giá là một hình phạt đau đớn mà Chúa Jesus đã bằng lòng chấp nhận vì cớ tất cả chúng ta.
2. Ý NGHĨA CỦA THẬP TỰ GIÁ
Thập tự giá bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời với con người. Sứ đồ Phao-lô viết: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5: 8). Sự hy sinh của Chúa Jesus trên thập tự giá là minh chứng lớn nhất cho tình yêu của Đức Chúa Trời đồi với con người hư mất. Ở đây, tình yêu của Đức Chúa Cha được bày tỏ qua cái chết của Chúa Jesus.
Phương diện khác qua thập tự giá, con người được hòa thuận với Đức Chúa Trời. Thư Cô-lô-se 1: 20 – 21 khẳng định: “Bởi huyết Ngài trên thập tự giá, thì đã làm nên hòa bình, khiến muôn vật dưới đất trên trời đều nhờ Ngài mà hòa thuận cùng chính mình Đức Chúa Trời.” Thập tự giá chính là bằng chứng của tình yêu thương vĩ đại của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Ha-lê-lu-gia!
Hơn nữa, thập tự giá đem đến sự sống đời đời cho con người. Kinh Thánh chép: “Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời” (Giăng 3: 14 – 15). Con rắn bằng đồng ngày xưa được Môi-se treo lên cây sào nơi đồng vắng để những ai bị chết nhìn vào được cứu sống thể nào. Thì khi Chúa Jesus được treo lên thập tự giá, bất cứ ai nhìn và tin Ngài đều được cứu rỗi cũng thể ấy. Phương diện khác, Kinh thánh còn cho biết thêm: “Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ” (Ga-la-ti 3: 13). Do đó, qua sự kiện bị treo lên, Chúa Jesus đã gánh hết thảy tội lỗi, sự rủa sả của tất cả chúng ta trên thập tự giá. Chính qua thập tự giá, Ngài đã cứu chúng ta khỏi mọi sự rủa sả của luật pháp. Nhờ thập tự giá, con người được tự do sống trong ân điển của Đức Chúa Trời!
Thập tự giá tiêu diệt Ma quỷ và sự chết, thư Hê-bơ-rơ 2: 14 – 15 chép: “Hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ, lại cho giải thoát mọi người vì sợ sự chết, bị cầm trong vòng tôi mọi trọn đời.” Từ ngữ “phá diệt” ở đây có nghĩa “hủy bỏ quyền lực,” “phế thải quyền lực” của Ma quỷ, tác giả của sự chết. Kẻ thù của loài người đã bị vô hiệu hóa tại thập tự giá. Cái chết của Chúa Jesus trên cây thập tự đã triệt hạ hoàn toàn sinh lực của Satan, mầm mống của tội lỗi, rủa sả và sự chết. Theo giáo sư Warren W. Wiersbe, Satan vẫn tồn tại, tuy nhiên hắn bị tước vũ khí. Thập tự giá đã loại trừ Ma Quỷ, sự chết, tội lỗi và những gì thuộc sáng tạo cũ. Thập tự giá mở ra con đường sống cho tất cả những ai tin Chúa Jesus.
3. BÀI HỌC TỪ THẬP TỰ GIÁ
Thập tự giá đưa đến sự sống phục sinh, duy chỉ sự sống phục sinh có thể bước qua thập tự giá. Sự phục sinh của Chúa Jesus minh chứng rằng Ngài là căn nguyên của sự sống. Thập tự giá oan nghiệt hay sự chết rùng rợn không thể chận đứng Ngài. Chính Chúa Jesus từng tuyên bố trong Phúc âm Giăng 11: 25a rằng: “Ta là sự sống lại và sự sống..” Ở đây, Chúa Jesus tuyên bố Ngài là Đấng sống lại và ban cho sự sống. Cả sự sống lại và sự sống đều bắt nguồn từ Chúa Jesus. Xin lưu ý thứ tự ở đây: Đầu tiên là sự sống lại, rồi đến sự sống. Sự phục sinh của Chúa Jesus chính là cánh cửa mở ra cuộc sống bất tử cho tất cả những ai tin Ngài! Trong tất cả các giáo chủ trên thế gian thì chỉ có Chúa Jesus là Đấng đã phục sinh. Trong tất cả các tôn giáo và tín ngưỡng trên thế gian thì duy chỉ có niềm tin nơi Chúa Jesus là Đấng đang sống và sống đời đời. Ha-lê-lu-gia!
Sau khi trải qua thập tự giá, chính Chúa Jesus đã dạy rằng: “Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu” (Luca 9: 23 – 24). Câu Kinh thánh này cho thấy rằng, vác thập tự giá là điều kiện tiên quyết để bước theo Chúa Jesus! Vác thập tự giá là từ bỏ chính mình, là buông bỏ mọi tư dục, mong ước riêng, lòng yêu bản ngã, yêu xác thịt để bước theo Chúa Jesus. Giáo sư Hendriksen giải thích: Điều kiện để bước theo Chúa Jesus là mãi mãi nói lời chia tay với chính mình, chấp nhận sự đau đớn, xấu hổ và chịu bắt bớ vì cớ Chúa.
Vác thập tự giá là sẵn lòng từ bỏ mọi quyền lợi của chính mình và đầu phục quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Vác thập tự giá là bước đi như Chúa Jesus đã bước đi, chấp nhận sự chống đối và kinh chê của thế gian, nương cậy Đức Chúa Trời, vâng theo Thánh Linh, chịu khổ vì sự công bình, bị vu cáo và sỉ nhục, tuôn đổ sự sống mình cho kẻ khác, chết với bản ngã và thế gian. Lời kêu gọi: “Nếu ai muốn theo ta” có nghĩa không ai được miễn trừ và không ai bị loại bỏ. Cơ hội theo Chúa chia đều cho tất cả các Cơ-đốc-nhân! Thập tự giá là tiêu chuẩn, là thước đo cho những ai muốn làm môn đồ của Chúa Jesus (Lu-ca 14: 27), thập tự giá cũng là phần thưởng, mão miện trong ngày Chúa tái lâm! (Math 16: 27).
KẾT LUẬN
Thập tự giá sẽ mãi mãi là một biểu tượng về sự chết của Chúa Jesus. Qua thập tự giá hàng tỷ đời sống đã được cứu rỗi, qua thập tự giá tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời được bày tỏ cho thế nhân. Cũng qua thập tự giá, mọi tội lỗi, bệnh tật, rủa sả… đã được Chúa Jesus gánh thay. Qua thập tự giá, thế gian, tội lỗi, Sa-tan, sáng tạo cũ đã bị phế thải. Thập tự giá đã chia đôi cõi sáng tạo. Tất cả những gì thuộc sáng tạo cũ phải dừng lại nơi chân thập tự giá. Thập tự giá mở ra sự sống phục sinh, sự sống đời đời…
Cùng nguyên tắc thập tự giá, Cơ đốc nhân hôm nay muốn theo Chúa Jesus phải từ bỏ chính mình, từ bỏ bản ngã, cái tôi, tư dục, lòng yêu thế gian… hàng ngày vác thập tự giá bước theo Chúa Jesus. Thập tự giá là bài học kinh điển cho tất cả những ai muốn làm môn đồ của Chúa Jesus. Thập tự giá là bí quyết của quyền năng, của sự mạnh mẽ và đắc thắng trong đời sống Cơ đốc. Thập tự giá là chuẩn mực, là thước đo trong ngày Chúa Jesus Christ tái lâm. Ước mong rằng mỗi chúng ta sẽ kinh nghiệm được quyền năng thập tự giá, để có thể hầu việc chúa cách kết quả, vinh hiển Danh Chúa!
Nguyện Chúa thương xót tất cả chúng ta! Amen!
April 18, 2019.
Thien An Dang Th.D
SÁCH THAM KHẢO
Achtemeier,Paul J. Society of Biblical Literature: Harper's Bible Dictionary. San Francisco: Harper & Row, 1985.
Elwell, Walter A. & Barry J. Beitzel, Baker Encyclopedia of the Bible. Grand Rapids: Baker Book House, 1988.
Hendriksen, William & Simon J. Kistemaker, Exposition of the Gospel According to Luke. Grand Rapids: Baker Book House, 2001.
Hendriksen, William & Simon J. Kistemaker, Exposition of the Gospel According to John. Grand Rapids: Baker Book House, 2001.
Macdonand, William. Believer's Study Bible – New Statement. Nashville: Thomas Nelson, 1997.
McGee, J. Vernon. Thru the Bible Commentary. Nashville: Thomas Nelson, 1997.
Nichol, Francis D. The Holy Bible With Exegetical and Expository Comment. Washington: Review and Herald Publishing Association, 1978
Walvoord, John F. & Roy B. Zuck, The Bible Knowledge Commentary: An Exposition of the Scriptures. Wheaton: Victor Books, 1985.
Wiersbe, Warren W. The Bible Exposition Commentary. Wheaton: Victor Books, 1996.