Đức tin là chủ đề được các tôi tớ Chúa liên tục nhấn mạnh trong những ngày qua tại các Hội Thánh và trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới, nhân dịp Kỷ Niệm 500 năm ngày phong trào Cải Chánh Giáo hội. Đức Chúa Trời đã dùng nhà Cải chánh Martin Luther mở Kinh Thánh ra, khôi phục lẽ thật về đức tin, giúp cho con dân Chúa kinh nghiệm được sự cứu rỗi bởi đức tin.
Đức tin là yếu tố quan trọng hàng đầu trong đời sống người Cơ đốc. Đức tin là chìa khóa mở ra cánh cửa cứu rỗi, đem con người đến gần Đức Chúa Trời. Do đó tác giả thư Hê-bơ-rơ đã viết rằng: “Vả không có đức tin thì chẳng có thể đẹp lòng Đức Chúa Trời. Vì kẻ đến cùng Đức Chúa Trời cần phải tin rằng Ngài có thật, và là Đấng ban thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11: 8).
SỐNG BỞI ĐỨC TIN
Tân Ước liên tục khẳng định: “Người công bình sống bởi đức tin” (Rô-ma 1: 17; Gal 3: 11, Hêb 10: 38). Ở đây đức tin gắn liền với đời sống người công bình,[1] đức tin là yếu tố quan trọng then chốt duy trì sự sống của người công chính. Con người vật lý sống bởi thực phẩm thế nào thì trên phương diện thuộc linh, người công bình sẽ sống bởi đức tin cũng thể ấy.
Thư Rô-ma 1: 17 khẳng định: “Vì trong Tin lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin.” Rõ ràng, Kinh Thánh cho biết chỉ có Đức Chúa Trời là Đấng công bình, không một ai là công bình (Rô 3: 10). Con người được xưng công bình, được kể là công bình khi đặt đức tin nơi Chúa Jesus. Giáo sư John F. Walvoord giải thich: Công bình là điều Đức Chúa Trời cung ứng cho con người dựa trên sự đáp ứng của đức tin xuyên qua Phúc âm.[2] Đức Chúa Trời tuyên bố một người là công bình khi người ấy tin Chúa Jesus.
“Người công bình sống bởi đức tin.” Đức tin là quy luật sống, là lẽ sống của người công bình; chỉ bởi đức tin chứ không bởi lý trí, thiết học hay hay công đức riêng của con người.[3] Chính Luther đã nêu lên khẩu hiệu “Sola Fide” (Duy đức tin) cho thấy ông đề cao đức tin, nhấn mạnh đức tin, kêu gọi mọi người hãy trở về với đức tin. Đức tin là bí quyết sống còn của người công bình. Muốn có đời sống công bình trước mặt Chúa, con người phải sống bằng đức tin nơi Ngài, đức tin là phương cách để con người được xưng công bình. Hay nói cách khác, chỉ nhờ đặt lòng tin vào Chúa và công tác cứu rỗi của Ngài, con người được Đức Chúa Trời xưng công bình và được Ngài cứu rỗi. Sống bởi đức tin là khởi điểm của một Cơ-đốc-nhân. Ha-lê-lu-gia!
BƯỚC ĐI BỞI ĐỨC TIN
Cơ-đốc-nhân không chỉ sống bởi đức tin mà còn bước đi bởi đức tin. Bước đi bởi đức tin là tiến trình, là sự lớn lên, là sự trưởng tiến của người Cơ-đốc. Bước đi bởi đức tin cần phải được kinh nghiệm mỗi ngày. Sứ đồ Phao-lô trong thư II Cô-rin-tô 5: 7 viết rằng: “Vì chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy.”[4] Theo câu này, sự hiện diện của Chúa hiện nay là vấn đề đức tin chứ không bởi mắt thấy. Đức tin chính là nền tảng cho bước đi Cơ-đốc-nhân. Lòng tin cậy Chúa và Lời Ngài đã phán chính là cuộc sống, là lẽ sống của chúng ta.
Có hai loại bước đi trong đời sống: bước đi bằng mắt thấy và bước đi bằng đức tin. Bước đi bởi mắt thấy là nhờ cậy nơi sức riêng, công đức của chính mình, bị ảnh hưởng bởi thời gian và vật chất hữu hình.[5] Bước đi bởi đức tin có nghĩa tin cậy Chúa là Đấng không thấy được, bước đi trong sự dẫn dắt của Ngài và quyền năng của Thánh Linh. Giáo sư Charles Hodge giải thích: “Chúng ta bước đi bởi đức tin” có nghĩa là, do đức tin chúng ta điều chỉnh đời sống mình, kiên nhẫn chờ đợi Chúa, chạy theo Chúa, bước đi bởi đức tin (Hêb 12: 1).[6] Sứ đồ Thô-ma ngày trước do thấy Chúa Jesus nên tin Ngài. Chúng ta hôm nay sẽ được phước hơn trổi hơn ông khi chưa thấy Chúa Jesus nhưng vẫn tin cậy Ngài (Giăng 20: 29).
Theo thánh Augutstine, con mắt đức tin của chúng ta phải được mở ra trong ánh sáng thần thượng và sự khải thị của Kinh Thánh, thông qua sự cầu nguyện, chúng ta sẽ bước đi bởi đức tin.[7] “Chúng ta bước đi bởi đức tin, chớ chẳng phải bởi mắt thấy” là do chúng ta còn ở trong thân thể này nên cách xa Chúa. Duy chỉ bởi đức tin, chúng ta mới thấy được Ngài.[8] Bước đi bởi đức tin là trải nghiệm ngọt ngào mà bất cứ Cơ-đốc-nhân chân thật nào cũng kinh nghiệm. Ha-lê-lu-gia! Ngợi khen Chúa!
ĐẮC THẮNG BỞI ĐỨC TIN
Cũng trong đề tài đức tin, sứ đồ Giăng bày tỏ: “Vì hễ sự gì sanh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng hơn thế gian; và sự thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta. Ai là người thắng hơn thế gian, há chẳng phải kẻ tin Đức Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời hay sao?” (I Giăng 5: 4 – 5). Câu Kinh Thánh này cho biết đức tin là bí quyết để đắc thắng thế gian.
Thế gian là một hệ thống gian ác, lừa dối của Sa-tan trên toàn thế giới.[9] Thế gian luôn tìm cách cám dỗ, lôi kéo người Cơ-đốc xa cách Đức Chúa Trời. Thế gian luôn muốn bắt lấy chúng ta bằng những điều tạm thời, tư dục và tội lỗi.[10] Chỉ những ai sanh bởi Đức Chúa Trời sẽ thắng hơn thế gian. Kinh Thánh khẳng định: do đức tin, người Cơ-đốc có đủ sức mạnh và năng lực để chiến thắng thế gian.
Trong câu trên, sứ đồ Giăng đã lặp lại câu “thắng hơn thế gian” ba lần để nhấn mạnh đức tin của Cơ-đốc-nhân. Thật vậy, đức tin trong Chúa Jesus và sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá giúp cho một người sống đắc thắng. Chữ “thắng hơn” (overcome) ở đây trong nguyên văn [νικάω] có nghĩa là: chinh phục, chiến thắng, có ưu thế…[11] Bởi qua đức tin, người tín hữu được hiệp nhất với Đấng Christ nên cũng tham dự vào chiến thắng với Ngài (Rô-ma 8:37, II Cô-rinh-tô 2:14).[12] Khi ấy quyền năng chinh phục của của Chúa Jesus được biểu hiện trong người tin Ngài.[13] Ha-lê-lu-gia! Đức tin đem đến sự chiến thắng!
KẾT LUẬN
Tác giả thư Hê-bơ-rơ đúc kết như sau: “Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hêb 11: 1). Đức tin có một khởi điểm, một diễn trình và một kết cuộc. Đức tin trong đời sống người Cơ-đốc cần sống động, lớn lên, trưởng thành và đắc thắng. Chính Chúa Jesus là Cội rễ và Cuối Cùng của đức tin (Hêb 12: 2), Đấng lãnh đạo chúng ta cách khải hoàn. Chúng ta hãy bước theo sự dẫn dắt của Ngài.
Sống bởi đức tin là sở hữu sự cứu rỗi, bước đi bởi đức tin là liên tục kinh nghiệm sự cứu rỗi, đắc thắng bởi đức tin từng trải sự cứu rỗi vượt trổi. Mong ước đức tin của mỗi chúng ta sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn trong Chúa, trong nếp sống mỗi ngày, trong bước đi thường nhật và trong sự đắc thắng với Chúa chúng ta là Jesus Christ! Amen!
Nov, 2017
An Joseph
________
[1] Từ ngữ “công bình” được định nghĩa là “hợp pháp và công bằng.” “Công bình” ở đây theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời [Joseph Agar Beet, Beet's Commentaries: Romans (Albany: Ages Software, 1999), S. Ro 1:17]
[2] John F. Walvoord & Roy B. Zuck, Dallas Theological Seminary: The Bible Knowledge Commentary: An Exposition of the Scriptures (Wheaton: Victor Books, 1985), S. 2:441
[3] Francis D. Nichol, The Holy Bible With Exegetical and Expository Comment (Washington : Review and Herald Publishing Association, 1978), S. Ro 1:17
[4] Charles Hodge, 2 Corinthians (Wheaton: Crossway Books, 1995), S. 2 Co 5:7
[5] Francis D. Nichol, The Holy Bible With Exegetical and Expository Comment (Washington : Review and Herald Publishing Association, 1978), S. 2 Co 5:7
[6] Charles Hodge, 2 Corinthians (Wheaton: Crossway Books, 1995), S. 2 Co 5:7
[7] Gerald Lewis Bray, 1-2 Corinthians (Downers Grove: InterVarsity Press, 1999), S. 242
[8] William Macdonand, Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước (Nashville: Thomas Nelson Publishers, 2006), 758.
[9] John Jr. MacArthur, The MacArthur Study Bible (Nashville: Word Pub, 1997), S. 1 Jn 5:4
[10] William Macdonand, Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước (Nashville: Thomas Nelson Publishers, 2006), 1330.
[11] John Jr. MacArthur, The MacArthur Study Bible (Nashville: Word Pub, 1997), S. 1 Jn 5:5
[12] John Jr. MacArthur, The MacArthur Study Bible (Nashville: Word Pub, 1997), S. 1 Jn 5:5
[13] Simon J. Kistemaker & William Hendriksen, New Testament Commentary : Exposition of James and the Epistles of John (Grand Rapids : Baker Book House, 2001), S. 351