Trước khi từ giã các môn đồ để thăng thiên về trời, Đức Chúa Jesus đã căn dặn họ rằng: “Hãy chờ đợi trong thành cho đến khi được mặc lấy quyền năng từ trên cao… Khi Thánh Linh giáng trên các ngươi thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất…” (Lu-ca 24: 49 – 50; Công Vụ 1: 8). Đây chính là mệnh lệnh, là lời hứa của Chúa Jesus, mà sự cầu nguyện của các môn đồ là bí quyết cho sự giáng lâm của Đức Thánh Linh trong ngày Lễ Ngũ Tuần.
1. SỰ TUÔN ĐỔ CỦA ĐỨC THÁNH LINH
Lễ Ngũ Tuần là ngày lễ lớn của Do-thái giáo kéo dài một tuần, được tổ chức vào ngày thứ năm mươi kể từ ngày Lễ Vượt Qua.[1] Đây là dịp lễ mừng mùa gặt lúa mì còn gọi là Lễ Các Tuần. Theo truyền thống Do-thái, Lễ Ngũ Tuần liên hệ với việc nhắc nhở luật pháp và nhắc lại lời giao ước. Trong dịp này, thành Giê-ru-sa-lem có rất nhiều khách viếng thăm, đặc biệt là những người Do-thái hải ngoại trở về dự lễ (Công vụ 2: 5).[2] Theo một số học giả Kinh thánh ước tính, vào thời điểm đó có khoảng 180.000 người dự lễ, trong đó có 120.000 người Do-thái đến từ các quốc gia khác.[3]
Cũng trong bối cảnh Lễ Ngũ tuần diễn ra tại Giê-ru-sa-lem, một trăm hai mươi môn đồ đã chờ đợi trong sự hiệp một, cầu nguyện ở phòng cao suốt mười ngày. Họ theo gương Chúa Jesus và thực hành cầu nguyện theo điều Ngài đã dạy trước đây. Đức Chúa Trời đã đáp lời bằng cơn gió thổi ào ào, bằng tiếng vang ra, bằng lưỡi như lửa đậu trên các môn đồ, bằng sự nói tiếng mới và sự rao giảng Phúc âm... Đức Thánh Linh giáng xuống trên các môn đồ, phước hạnh thiên thượng tuôn đổ và ngôi nhà nhóm họp tại Giê-ru-sa-lem dường như không còn chỗ chứa. Sự kiện Đức Thánh Linh giáng xuống khiến cho quần chúng đi dự lễ tại Giê-ru-sa-lem từ ngạc nhiên sang sợ hãi, mọi người đều lấy làm lạ về hiện tượng đang xảy ra. Dân chúng nghe các môn đồ dùng các thứ tiếng để nói ra sự cao trọng của Đức Chúa Trời.
2. SỰ KHAI SINH HỘI THÁNH
“Lúc tiếng ấy vang ra, dân chúng chạy đến, ai nấy đều sững sờ vì mỗi người đều nghe các môn đồ nói tiếng xứ mình” (Công Vụ 2 : 6). Phi-e-rơ đứng lên giảng một bài ngắn ngủi nhưng có ba ngàn người tin nhận Chúa. Phúc âm thật sự bùng nổ ngay trên chính thủ đô của Do thái giáo, sự cứu rỗi đã đến với đoàn dân đông đảo đang tham dự Lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-sa-lem. Hội thánh được khai sinh, Phúc âm khởi sự bùng nổ và chính sự kiện này đã đánh dấu một kỷ nguyên mới đã được sứ đồ Phi-e-rơ công bố như sau:
“Đức Chúa Trời phán: Trong những ngày sau rốt, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên mọi xác thịt; Con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri, Bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ, Và các người già cả sẽ có chiêm bao. Phải, trong những ngày đó, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên các đầy tớ trai và gái ta, Chúng nó đều nói lời tiên tri; Ta lại sẽ tỏ ra sự lạ lùng ở trên trời, Và dấu lạ ở dưới đất; Tức là máu, lửa, và luồng khói; Mặt trời sẽ biến nên tối tăm, Mặt trăng hóa ra máu, Trước ngày lớn và vinh hiển của Chúa chưa đến; Vả lại ai cầu khẩn danh Chúa thì sẽ được cứu.” (Giô-ên 2: 28 – 32)
Ba ngàn linh hồn được cứu là con số đánh dấu giai đoạn đầu tiên của sự tăng trưởng Hội thánh theo cấp số nhân. Các thánh đồ vui mừng khôn xiết, họ nhóm lại với nhau trong sự dạy dỗ của các sứ đồ, sự tương giao, sự bẻ bánh và sự cầu nguyện. Tình yêu thương, sự vui mừng, bình an và phước hạnh ngập tràn Hội thánh. Chúa dùng tay các sứ đồ làm những phép lạ, chữa bệnh, đuổi quỉ để chứng thực cho Đạo Chúa. Phúc âm thật sự gây chấn động cả Giê-ru-sa-lem và giới tôn giáo Do thái tại đây. Hội Thánh xuất hiện là khởi điểm cho sự bùng cháy của ngọn lửa Phúc âm bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, sau đó lan rộng khắp thế giới (Công Vụ 1: 8).[4]
3. SỰ BÙNG NỔ PHÚC ÂM
Quyền năng của Phi-e-rơ, lòng nhân đức của Ba-na-ba, sự dạn dĩ can đảm của Ê-tiên và sự qui đạo lạ lùng của Sau-lơ là những minh chứng mạnh mẽ cho thấy: Phúc âm cứu rỗi có sức mạnh diệu kỳ, vượt thắng mọi bắt bớ và chống đối... Có thêm năm ngàn người tin Chúa. Tin Mừng đã vượt ra khỏi Giê-ru-sa-lem để đến với các dân tộc khác.
Các cuộc truyền giáo của Phi-e-rơ, Phi-líp, Phao-lô, Ba-na-ba, Si-la, Lu-ca, Ti-mô-thê và các môn đồ thật sự đem đến “một mùa gặt” thuộc linh rất lớn. Từ Hội thánh đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem, Hội thánh các nơi tiếp tục được thành lập như một phản ứng dây chuyền: An-ti-ốt, Y-cô-ni, Lít-trơ, Đẹt-bơ, Phi-líp, Tê-sa-lô-ni-ca, Bê-rê, A-thên, Cô-rinh-tô, Ê-phê-sô, Trô-ách, Mi-lê, Ty-rơ, Tô-lê-mai, Sê-sa-rê... các Hội thánh mọc lên tại hầu hết các thành phố lớn quanh Địa Trung Hải, hàng triệu người được nghe Tin lành.[5] Phúc Âm đắc thắng cả thể trên kinh đô triết học của Hi-lạp và kinh đô chính trị của La-mã. Vô số người ngoại bang tin Chúa, Phúc âm cứu rỗi thật sự thay đổi đời sống, hành vi và cả nhận thức xã hội cho tất cả những người tin. Sự chống đối của dân chúng tại các thành phố như Y-cô-ni, Lít-trơ, Tê-sa-lô-ni-ca, Cô-rinh-tô, Phi-líp... minh chứng rằng, tác động của Phúc âm mạnh mẽ là dường nào ! Phúc Âm như nước vỡ bờ... mà không một thế lực nào ngăn cản nổi!
LỜI KẾT
Sự kiện Đức Thánh Linh giáng lâm trong ngày Lễ Ngũ Tuần là biến cố quan trọng khiến thay đổi bức tranh tôn giáo của cả thế giới. Phúc âm cứu rỗi bùng nổ trên cả vùng Địa Trung Hải, sau đó lan tỏa khắp Châu Âu, Bắc Phi, Châu Mỹ, Châu Á, Châu Úc… cho đến hôm nay. Hàng tỷ Cơ-đốc-nhân trên thế giới hiện nay chính là kết quả từ ngày Lễ Ngũ Tuần năm xưa, là bằng chứng của sự kiện Đức Thánh Linh giáng lâm, là công trình được xây dựng trên nền tảng Hội Thánh đầu tiên, là kết quả từ sự bùng nổ Phúc Âm thời các Sứ Đồ. Người viết tin quyết rằng ngọn lửa Phúc Âm trong Lễ Ngũ Tuần sẽ tiếp tục bùng cháy cho đến ngày Chúa Jesus Christ tái lâm!
Là những người thừa hưởng ân điển, sự cứu rỗi và quyền năng từ sự giáng lâm của Đức Thánh Linh kể từ Ngày Lễ Ngũ Tuần, các Cơ-đốc-nhân hôm nay cần phải trưởng thành trong ân điển, mạnh mẽ trong tâm linh, sử dụng thật tốt ân tứ của Đức Thánh Linh ban cho để rao giảng ơn cứu rỗi, bùng nổ Phúc âm, xây dựng Hội Thánh, thực hiện Đại Mạng Lệnh của Chúa Jesus cho tới lúc Ngài đến. Cầu xin Đức Chúa Trời đầy dẫy phước lành trên tất cả các Bạn. A-men!
May 31, 2017
An Joseph (Thien An Dang.,Th.D)
[1] Chalmer Ernest Faw, Acts (Scottdale: Herald Press, 1993), S. 41
[2] G. J. Wenham, Giải Nghĩa Kinh Thánh, Ấn Bản TK 21, Tập 5 (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2004), 539.
[3] Chalmer Ernest Faw, Acts (Scottdale: Herald Press, 1993), S. 41
[4] John Barton & John Muddiman, Oxford Bible Commentary (New York: Oxford University Press, 2001), S. Ac 2:37
[5] David E. Green, The New Testament Era: The World of the Bible from 500 BC to AD 100 (Philadelphia: Fortress Press, 1974), 304.