Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

10 KỶ LUẬT CỦA NGƯỜI NỮ TIN KÍNH CHÚA

Image result for women love lordSứ đồ Phao-lô nhắc đến vai trò của kỷ luật đối với đời sống thuộc linh: “Hãy tự luyện tập lòng tin kính” – đề cập đến việc luyện tập đời sống thuộc linh – vì “còn sự tin kính ích lợi mọi mặt, vì có lời hứa cho đời nầy và cả đời sau nữa” (I Ti-mô-thê 4: 7-8). Nữ Cơ đốc nhân cần tập chú vào việc đầu phục ý chí và mọi lĩnh vực đời sống mình theo ý muốn của Đức Chúa Trời.
1. Kỷ luật Phúc Âm – ngọn nguồn của sự tin kính
“Đấng Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh” (I Cô-rinh-tô 15: 3).
Để trở thành người nữ tin kính, bạn phải biết Phúc Âm là gì, biết tin cậy và đặt Phúc Âm vào vị trí trung tâm của đời sống. Đừng bao giờ ngừng kinh ngạc trước sự kỳ diệu của Phúc Âm. Câu Kinh Thánh Giăng 3:16
không chỉ là một bản tóm tắt tuyệt vời về những gì Đức Chúa Trời đã làm, đây phải là trung tâm của đời sống chúng ta – nó còn động viên khích lệ, giúp chúng ta thỏa lòng. Phúc Âm là kỷ luật đầu tiên và quan trọng nhất của người nữ, vì đó là ngọn nguồn của sự tin kính.
2. Kỷ luật vâng phục – tư thế của sự tin kính
Tin buồn là từ “vâng phục” đã bị loại bỏ khỏi vốn từ vựng của nhiều nền văn hoá. Để cuộc đời chúng ta vâng phục theo ý muốn của Đức Chúa Trời trong mọi việc là chìa khóa để trở thành người nữ tin kính (Phi-líp 2: 8-11). Đây cũng là con đường dẫn đến niềm vui.
Sự vâng phục phải được bày tỏ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Hãy bắt đầu bằng cách phục hồi vị trí phải lẽ đúng đắn của Phúc Âm: trung tâm của mọi suy nghĩ, hành động của chúng ta – nghĩa là hàng ngày chúng ta lựa chọn đi theo đường lối của Chúa, thay vì đường lối riêng mình (Gia-cơ 4: 7-10, Hê-bơ-rơ 12: 9). Ý muốn của Chúa có quan trọng hơn sự sống của chúng ta hay không (Lu-ca 9:24)?
3. Kỷ luật cầu nguyện – phao cứu sinh của sự tin kính
Hãy cầu nguyện: “Hãy thường xuyên dùng mọi lời khẩn nguyện, nài xin mà cầu nguyện trong Thánh Linh” (Ê-phê-sô 6:18). Cầu nguyện là nguồn sức mạnh để tăng trưởng và bền bĩ trong đời sống tâm linh. Nó uốn nắn ý chí và cuộc sống chúng ta theo ý muốn của Chúa.
Không thể đơn giản hóa sự cầu nguyện thành một vài quy tắc đơn thuần, mặc dù đôi khi chúng ta nói nó bao gồm các phần suy ngẫm, xưng tội, tôn vinh, dâng hiến và thỉnh cầu, không có trật tự nào bắt buộc cả. Nhưng ý muốn của Chúa dành cho chúng ta là cầu nguyện liên tục… chúng ta phải luôn “ngước đôi mắt tâm linh lên Chúa”, ngay cả khi đang lái xe đi làm hay dọn dẹp nhà cửa.
4. Kỷ luật thờ phượng – niềm vui của sự tin kính
Sự thờ phượng phải bao phủ trọn cả đời sống: “Tôi nài xin anh em dâng thân thể mình làm sinh tế sống, thánh khiết và đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng phải lẽ của anh em” (Rô-ma 12: 1). Bởi vì Đấng Christ là sự mặc khải cuối cùng của Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 1: 15-20), Ngài phải là trọng tâm trong sự thờ phượng của chúng ta – như điều đã được bày tỏ xuyên suốt Kinh Thánh (I Ti-mô-thê 4:13).
Thờ phượng – dù là ở nhà, nơi làm việc, trong lớp học hay khi Hội Thánh nhóm hiệp lại – đều là của lễ thánh dâng lên Chúa. Mỗi người nữ tự gọi mình là Cơ đốc nhân phải hiểu rằng việc thờ phượng là ưu tiên hàng đầu của cuộc đời mình mỗi ngày.
5. Kỷ luật tâm trí – nền giáo dục của sự tin kính
Image result for women love lordKhông chiếc máy tính nào có thể sản sinh ra những tư tưởng như Chúa, hiểu biết tấm lòng Chúa hay làm được những điều Ngài làm. Nhưng đó là những điều bộ não chúng ta được tạo dựng để thực hiện – vì chúng ta phải có được tâm trí như Đấng Christ. Thật tai hại khi nhiều Cơ đốc nhân lại không nghĩ như thế.
Sứ đồ Phao-lô đã quy định những gì có thể xuất hiện trong đời sống tinh thần của cá nhân ông như sau: “Hễ điều gì chân thật… đáng trọng,… công chính,… thanh sạch,… đáng yêu chuộng,… đáng biểu dương; nói chung điều gì đức hạnh, đáng khen ngợi thì phải nghĩ đến” (Phi-líp 4:8). Nếu bạn có đầy dẫy lời Chúa trong mình, thì đời sống bạn sẽ được Chúa bày tỏ và chỉ dẫn – trong các mối quan hệ của bạn ở gia đình, việc nuôi dạy con cái, sự nghiệp, những quyết định đúng đắn và đời sống đạo đức…
6. Kỷ luật thỏa lòng – sự yên nghỉ của tin kính
Phao-lô đã viết khi ở tù “Tôi đã học sống thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ” (Phi-líp 4:11). Khi ông nói nói đã “học” được , nghĩa là có hy vọng cho tất cả chúng ta, những người thường đối mặt với những nỗi bất mãn khổng lồ trong lòng.
Áp dụng những điều chúng ta về Đức Chúa Trời để đối diện với hoàn cảnh là chìa khóa để được thỏa lòng. Chúng ta sẽ thấy thỏa lòng khi tất cả hiểu biết về bản tính và phẩm chất của Đức Chúa Trời cùng tất cả những gì Ngài đã làm trong Đấng Christ luôn tràn đầy trong chúng ta. Có thể chúng ta không có nhiều thứ trong thế gian này, nhưng là người nữ tin kính, chúng ta phải luyện tập để phát triển kỷ luật thỏa lòng.
7. Kỷ luật hành động phù hợp – hành vi của sự tin kính
Sự phù hợp nghĩa là hành xử cách thích hợp với địa vị là người tin Chúa – có những hành động không gây hổ thẹn cho Tin Lành và Đấng Christ. Sự phù hợp làm gia tăng giá trị cho lời nói, sự xuất hiện và thái độ của chúng ta. Đó là một từ hoàn hảo để mô tả điều Phao-lô muốn nói, khi bảo các tín hữu hành động “phải sống xứng đáng với Tin Lành của Đấng Christ” (Phi-lip 1:27).
Sự phù hợp có nghĩa là sống xứng đáng với Phúc Âm trong khía cạnh trang phục (1 Phi-e-rơ 3: 3-4), lời nói và thái độ (Cô-lô-se 3: 12-14). Hành vi xứng đáng với Phúc Âm luôn bắt nguồn từ một trái tim chân thành cúi đầu cách khiêm nhường, thuận phục trước Chúa Jesus.
8. Kỷ luật sự kiên trì – một thách thức của sự tin kính
Đức tin đặt nơi sự tốt lành của Đức Chúa Trời khi đối mặt với nghịch cảnh khủng khiếp sẽ lớn lên trong kỷ luật của sự kiên trì trong đời sống thường nhật của chúng ta. “Chúng ta hãy…kiên trì theo đuổi cuộc đua đã bày ra cho chúng ta” (Hê-bơ-rơ 12: 1).
Tất cả chúng ta đều có thể phát triển sự kiên trì bằng cách mỗi ngày đầu phục theo ý muốn Chúa và chăm xem Ngài trong bất kỳ nhiệm vụ khó, nhỏ nhặt, tầm thường hoặc bi kịch to lớn nào chúng ta có thể phải chịu đựng (Rô-ma 8:18, Hê-bơ-rơ 12: 3). Nó đòi hỏi chúng ta phải đầu phục Chúa trong mọi thử thách, đồng thời vẫn giữ vững niềm tin rằng Ngài là Đấng tốt lành, khôn ngoan, thương xót, công bình, nhân từ, yêu thương, toàn tri và toàn năng.
9. Kỷ luật độc thân hay hôn nhân – bối cảnh của sự tin kính
Sống độc thân là một nhiệm vụ tích cực (I Cô-rinh-tô 7: 7) mà chúng ta cần nhận lãnh cách vui mừng, hân hoan, vì biết rằng Chúa sẽ chỉ ban cho chúng ta điều tốt nhất. Nếu hôn nhân là “nhiệm vụ được giao”, thì chúng ta phải kỷ luật bản thân mình sống vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời – nghĩa là sống như người giúp đỡ cho người phối ngẫu (Sáng thế ký 2:18), vâng phục và tôn trọng vị thế của chồng (Ê-phê-sô 5: 22-24) và nuôi dưỡng một tinh thần dịu dàng, yên lặng (I Phi-e-rơ 3: 1).
Image result for women love lordDù độc thân hay đã kết hôn, là con gái Ê-va – “mẹ của mọi loài đang sống” – chúng ta phải vun đắp và phát triển một tinh thần biết săn sóc nuôi dưỡng. Cách chúng ta chăm sóc cho người khác thế nào, sẽ phụ thuộc vào nơi Chúa đặt để chúng ta: trong gia đình, ở bệnh viện hay bất cứ nơi nào khác…
10. Kỷ luật làm việc lành – công khó của sự tin kính
Là những người tin Chúa, chúng ta được “tạo dựng trong Đấng Christ để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:10). Những việc lành là phản ứng tự nhiên của một tấm lòng đã được cứu chuộc, muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với món quà ân điển của Chúa (I Phi-e-rơ 2:12).
Chúng ta, những người nữ tin kính, phải quyết tâm phát triển kỷ luật làm việc lành: “Vậy, đang lúc có cơ hội, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em trong gia đình đức tin” (Ga-la-ti 6:10). Hãy để mỗi ngày chúng ta luôn tràn đầy việc lành.
Cuối cùng, trong khi ban đang luyện tập những kỷ luật để trở thành người nữ tin kính, hãy nhớ những lời của Phao-lô “Tôi làm việc nhiều hơn tất cả những người khác; nhưng nào phải tôi mà là ân điển của Đức Chúa Trời ở với tôi” (I Cô-rinh-tô 15:10). Ân điển và làm việc chăm chỉ, cật lực không mâu thuẫn với nhau. Khi chúng ta cố gắng làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, Ngài sẽ luôn luôn ban ân điển nhiều hơn nữa!
Barbara Hughes
(Thảo Nguyên dịch)