Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

CÁI LƯỠI

Image result for wordsGia-cơ 3: 1 - 12 Sử dụng lời nói là cả một nghệ thuật, vì vậy Ca dao từng khuyên rằng:
“Lời nói không mất tiền mua Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
Mặt khác tục ngữ Việt Nam còn cảnh báo nên “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.” Điều này cho thấy sự cẩn ngôn là hết sức cần thiết đối với Cơ-đốc-nhân đặc biệt là những người hầu việc Chúa (c.1). Cũng trong đề tài về “Cái lưỡi,” Gia-cơ cảnh báo độc giả của mình phải suy nghĩ hai lần trước khi trở thành người dạy dỗ. Một giáo viên Cơ-Đốc phải có cả khôn ngoan và chân chính, vì điều này sẽ được chứng minh bằng sự tự chủ trong lời nói.[1] Gia-cơ đã phân tích phương diện tiêu cực của cái lưỡi để dạy dỗ con dân Chúa cẩn thận trong nói năng. Tác giả đã phân tích năng lực, những tác động, sự nguy hiểm cũng như cách kiểm soát lời nói sao cho đúng đắn, đẹp lòng Chúa. Cái lưỡi được mô tả bằng những hình ảnh như sau:

1. HÀM THIẾC CỦA CON NGỰA 

Trước hết, tác giả Gia-cơ dùng hình ảnh hàm khớp và dây cương. Cái lưỡi được ví sánh như hàm thiếc tra vào miệng con ngựa, dù hàm thiếc là vòng sắt nhỏ nhưng nếu người điều khiển (qua dây cương) kiểm soát được hàm thiếc thì có thể kiểm soát và hướng dẫn một con ngựa hung hăng. Người ấy có thể khiến nó đi sang phải hay sang trái, phi nước kiệu hay nước đại… Cùng nguyên tắc, nếu kiểm soát được cái lưỡi, chúng ta có thể kiểm soát được đời sống mình (c. 2) trong hiện tại và tương lai, thậm chí kiểm soát được hướng đi và thay đổi cả cuộc đời.[2] 

Gìn giữ môi miệng, kiểm soát cái lưỡi trong đời sống Cơ-đốc nói chung và mục vụ hầu việc Chúa nói riêng là điều quan trọng hàng đầu. Mọi lời nói dối, nói cách bất kính, nói ngang ngược, nói vu, nói tầm phào… hôm nay đều phải khai trình trong ngày gặp Chúa (Math 12: 36). Vua Đa-vít khi xưa từng tự nhủ rằng: “Tôi sẽ không dùng lưỡi mình mà phạm tội… Tôi sẽ lấy khớp giữ miệng tôi lại” (Thi thiên 39: 1).[3] Đối với Cơ-đốc-nhân, nói năng cách kinh suất là điều nghiêm trọng, bởi chính Chúa Jesus từng cảnh cáo rằng: “Vì bởi lời nói mà ngươi được xưng nghĩa, cũng bởi lời nói mà ngươi bị định tội” (Math 12: 37). 

2. BÁNH LÁI CỦA CHIẾC TÀU 

Hình ảnh thứ hai được sử dụng là bánh lái của chiếc tàu. Cùng nguyên tắc với hàm thiếc ở trên, bánh lái của chiếc tàu dù rất nhỏ so với trọng lượng con tàu (khoảng 1/600) [4], nhưng nó có khả năng điều khiển hướng đi của con tàu. Dù cho gió thổi mạnh xô đẩy con tàu, dù cho nước ngược hay mưa sa, dù con tàu to lớn đến đâu cũng bị khuất phục bởi chiếc bánh lái nhỏ bé (chìm dưới nước). Giáo sư Macdonand giải thích: “Cũng vậy, lưỡi là một chi thể nhỏ trong thân và tương đối khuất, nhưng nó có thể khoe khoang về những thành tựu lớn, cả tốt lẫn xấu.”[5] Một chiếc hàm thiếc bé nhỏ khuất phục một con ngựa dũng mãnh. 

Chiếc bánh lái khiêm tốn điều khiển con tàu to lớn đối mặt với gió bão. Gia-cơ ngụ ý rằng: lưỡi còn nguy hiểm hơn một con ngựa bất kham hoặc một cơn bão trên biển.[6] Cái lưỡi dù nhỏ bé nhưng có thể làm được những việc vĩ đại. Giống như dây cương và bánh lái, cái lưỡi dù nhỏ so với toàn bộ cơ thể nhưng có thể đạt những thành tựu lớn trong suốt cuộc đời (cả tích cực lẫn tiêu cực). Cái lưỡi có thể dẫn dắt đời sống một người trưởng thành thuộc linh, được phần thưởng. Mặt khác, cái lưỡi có thể đưa một người đến sự kỷ luật và mất phần thưởng.[7] 

3. NGỌN LỬA 

Hình ảnh thứ ba được tác giả ví sánh ở đây là ngọn lửa. Ngọn lửa có thể sưởi ấm con người nhưng lửa cũng có thể đốt cháy cả cơ đồ. Nếu được giới hạn, ngọn lửa đem đến lợi ích thiết thực, nhưng nếu không được kiểm soát, một tia lửa có thể đốt cháy cánh rừng lớn là dường nào (c. 5). Cùng nguyên tắc, cái lưỡi nếu được kiểm soát tốt sẽ giúp ích cho con người, nhưng nếu khinh suất, cái lưỡi có thể tàn hại mọi người (c. 6). Cái lưỡi tuy nhỏ nhưng có sức mạnh vô song, cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Phương diện tiêu cực, sự tàn hại của cái lưỡi vượt quá sự suy tưởng của loài người. Lưỡi cũng như lửa, một thế giới tội ác, lời nói thiêu đốt thiên tánh, làm ô uế con người và đốt cháy cả đời người. Mặt khác cái lưỡi giống như con quái vật không ai có thể bắt phục, đầy dẫy hơi độc giết chết (c. 8), như nguồn của sự ác với những lời đồn thổi chết chóc.[8] 

 Lưỡi kiêu ngạo khoe khoang chính bản thân. Tác động tiêu cực của cái lưỡi bị tác giả mô tả và lên án cách gay gắt. Để kết luận cho bài diễn thuyết của mình, Gia-cơ đã dùng hình ảnh suối nước, cây vả và cây nho. Một con suối không thể tuôn ra cả nước ngọt lẫn nước đắng, cây vả không thể sản sinh trái ô-liu, cây nho không thể sinh ra trái vả. Tác giả sử dụng nguyên tắc vật lý để làm sáng tỏ nguyên tắc thuộc linh ấy là: chúng ta không thể vừa chúc tụng Đức Chúa Trời sau đó rủa sả người khác, chúng ta không thể vừa giảng lời phước hạnh ngọt ngào nhưng sau đó tuôn ra lời cay đắng rủa sả, chúng ta không thể vừa công bố Phúc Âm (Tin Mừng) lại vừa tố cáo con cái Chúa (tin dữ). 

KẾT LUẬN 

Công bố Phúc Âm, rao giảng Tin Mừng, dạy dỗ Lời Chúa là thiên chức cao quý do Đức Chúa Trời ban cho các tôi tớ Ngài. Tuy nhiên, người hầu việc Chúa cần kiểm soát cái lưỡi của chính mình, phải kiểm tra lời nói của mình cách cẩn trọng. Bất cứ lời nói gian ác do vô tình hay cố ý đều sẽ bị Chúa xét đoán nghiêm khắc (c. 1) trước tòa án của Ngài. Bởi vì “Mọi vật thọ tạo… thảy đều trần trụi và mở ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải khai trình” (Hêb 4: 13). Một người nói năng cách khinh suất chứng tỏ rằng người ấy chưa biết Chúa và công tác của Ngài. Người được Đức Chúa Trời sử dụng sẽ không bao giờ dám phát ngôn cách bừa bãi và bất cẩn! “Mau nghe, chậm nói chậm giận” (Gia-cơ 1: 19) là dấu hiệu của người trưởng thành. Có khả năng kiểm soát những gì chúng ta nói là một dấu hiệu của sự trưởng thành tâm linh.[9] 

Tác giả sách Châm Ngôn nhấn mạnh: “Đức Giê-hô-va gớm ghiếc lưỡi dối trá” (Châm 6: 16). Là những Cơ-đốc-nhân, là những người hầu việc Chúa, chúng ta cần gìn giữ môi miệng khỏi: những lời nói dối, lời nói xét đoán, lời nói chỉ trích, lời nói vu khống, lời nói gian ác, lời nói rủa sả, lời nói thô tục, lời nói gièm, lời nói chơi, lời nói khích… 

“Lưỡi hiền lành giống như cây sự sống” (Châm 15: 4). Mong ước Chúa thương xót mỗi chúng ta. A-men! 

An Joseph (Dang Thien An.,Th.D)

________ 

[1] Andrew Knowles, The Bible Guide (Minneapolis, MN : Augsburg, 2001), S. 673 
[2] Andrew Knowles, The Bible Guide (Minneapolis, MN : Augsburg, 2001), S. 673 
[3] J. Vernon McGee Thru, Thru The Bible Commentary (Nashville: Thomas Nelson, 1981), S. 5:655 
[4] William Macdonand, Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước (Nashville: Thomas Nelson Publishers, 2006), 1220. 
[5] William Macdonand, Chú Giải Kinh Thánh Tân Ước (Nashville: Thomas Nelson Publishers, 2006), 1220. 
[6] J. Vernon McGee Thru, Thru The Bible Commentary (Nashville: Thomas Nelson, 1981), S. 5:655 
[7] Arnold G. Fruchtenbaum, The Messianic Jewish Epistles : Hebrews, James, First Peter, Second Peter, Jude (Tustin: Ariel Ministries), 2005, S. 277 
[8] John F. Walvoord & Roy B. Zuck, The Bible Knowledge Commentary: An Exposition of the Scriptures (Wheaton: Victor Books), 1985, S. 2:827-828 
[9] Lawrence O. Richards, The Bible Readers Companion (Wheaton: Victor Books, 1991), S. 873