Tôi xin được cùng quí vị tìm hiểu Tin Lành Giăng 12:23-25, vì phân đoạn nầy bắt đầu bằng một câu mà ai cũng thích, ai cũng muốn nghe và mong được nghe: “Giờ đã đến, khi Con Người sẽ được vinh hiển” (c. 23). Nhưng đến câu 25 lại nói về một sự việc mà chẳng ai muốn nghe cả: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời”( c.25)
Chữ “Con Người” trong câu 23 bắt nguồn từ Đa-ni-ên 7:13: “Nầy, có một người giống như Con Người đến với những đám mây trên trời; Người tới đến Đấng thượng cổ và bị dẫn đến trước mặt Ngài. Người được ban cho quyền thế, vinh hiển và nước, hầu cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng đều hầu việc người.”
Trong những câu ấy, Đa-ni-ên 7: 1-8 mô tả các cường quốc cầm quyền trên thế giới, đó là các dân Sy-ri, Ba-by-lôn, Mê-đi và Ba-tư. Họ vốn hung ác, bạo tàn, chuyên gây đau khổ cho người khác, nên chỉ có thể mô tả bằng hình ảnh của những thú dữ như sư tử có cánh, chim ưng, con gấu có ba xương sườn giữa các hàm răng, con beo có bốn cánh và bốn đầu v.v... Đó là biểu tượng của các cường quốc từng cai trị từ trước tới nay. Thế nhưng, trong giấc mơ, nhà tiên tri Đa-ni-ên còn thấy một thế lực mới sẽ đến thế gian. Thế lực ấy hiền diụ, nhân hậu, được mô tả bằng biểu tượng “Con Người” chớ không phải con thú. Cả phân đoạn ấy ngụ ý thời kỳ dã man sẽ qua đi, thời kỳ đầy nhân đạo sắp đến. Đó cũng là ước mơ của dân Do Thái. Họ ước mơ một thời đại hoàng kim, một cuộc sống tươi đẹp, và họ làm bá chủ thế giới.
Do đó, khi nghe Chúa Jêsus nói : “Giờ đã đến, con người sẽ được vinh hiển”, họ tin rằng khi tiếng kèn trỗi lên, Chúa Jêsus sẽ lãnh đạo đất nước Do Thái của họ san bằng các nước khác trên thế giới, chinh phục cả hoàn cầu.
Chữ “được vinh hiển” mà Chuá Jêsus nói ở đây không có nghĩa như họ hiểu là các vương quốc trên đất nầy sẽ bị thống trị bởi Con người. Nhưng khi Chúa nói “Con người được vinh hiển,” Ngài ngụ ý rằng Ngài sẽ bị đóng đinh, và quyền năng Ngài sẽ chinh phục thập tự giá.
Vì thế, câu đầu Chúa Jêsus nói đã làm náo nức lòng người nghe. Nhưng tiếp theo đó là những câu làm họ ngỡ ngàng, rồi choáng váng, kinh ngạc và thất vọng vì không phải là những lời đề cập đến sự chiến thắng, mà chỉ là nói về sự hy sinh và sự chết.
Vào thời điểm nầy, theo cái nhìn của thế gian, Chúa Jêsus đang ở trong giai đoạn hoàng kim của đời mình. Việc Ngài làm cho La-xa-rơ từ người chết sống lại là một phép lạ gây chấn động cho nhiều người. Một người đã chết, đã chôn bốn ngày rồi, thậm chí đã có mùi hôi, mà sống lại là một chuyện hi hữu. Nhưng sự thật đã xảy ra!
Vì vậy, nhiều người Do Thái đã tôn cao Ngài. Khi Ngài cỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem, họ đã lấy lá kè nghênh đón Ngài và reo lên: “ Hô-sa-na! Chúc phước cho Đấng nhân danh Chúa mà đến, là vua của Y-sơ-ra-ên!”
Chúa Nhật Lễ Lá, là ngày kỷ niệm Chuá Jêsus vào thành Giê-ru-sa-lem. Người Do Thái đã chào đón Ngài. Dân ngoại bang, ngưòi Hy-lạp cũng muốn theo Ngài. Nếu Ngài lấy cái đà nầy, cơ hội nầy làm vinh hiển danh Ngài thì rất dễ thành công. Nhưng Ngài nói với những người theo Ngài: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều.”
Nếu hạt lúa cứ cất trong kho, được tồn trữ an toàn thì nó chỉ mãi mãi là hạt lúa không kết quả chi được. Chỉ khi nào nó được gieo xuống đất, bị chôn vùi như nằm trong mồ mả, mới có thể nẩy mầm, vươn lên và kết được nhiều hạt. Hạt lúa mì chết đi. Ở đây, Chúa Jêsus ví Ngài là hạt lúa mì. Nếu Ngài không chết, Ngài sẽ cứ ở một mình. Ngài sẽ hưởng thiên đàng vinh hiển riêng một mình Ngài. Sẽ không có tội nhân nào được cứu để chia sẻ vinh quang với ngài. Nhưng nếu Ngài chết đi, Ngài sẽ thiết lập một con đường cứu rỗi để nhờ đó, nhiều người được cứu. Chúa dùng hình ảnh hạt giống để minh họa chân lý thuộc linh quan trọng rằng: Không thể có sự vinh hiển mà không qua thương khó; không thể có khải hoàn nếu không có sự hy sinh. Hạt giống vốn nhỏ nhoi và yếu ớt. Nhưng khi được gieo xuống đất, nó chết đi và một mầm sống từ đó mạnh mẽ vươn lên, sẽ kết quả thêm nhiều.
Chúng ta là con cái Chúa, được ví như những hạt giống. Chúng ta nhỏ bé và tầm thường. Nhưng trong chúng ta có sự sống của Đức Chuá Trời. Tuy nhiên, sự sống ấy chẳng bao giờ kết quả nếu chúng ta không dâng mình cho Đức Chuá Trời để Ngài “gieo chúng ta xuống.” Chúng ta phải chết cái bản ngã tội lỗi của mình để sống cho Đức Chúa Trời. Phao-lô đã nói điều nầy trong Ga-la-ti 2:20: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó mình Ngài vì tôi.”
Khi dùng hạt giống để minh họa, Chúa muốn khuyên con cái Ngài dâng đời sống mình cho Ngài để có kết quả. Chuá dùng những hình ảnh tương phản: Ở một mình hoặc được kết quả nhiều; mất sự sống hoặc giữ được sự sống; phục vụ cái tôi của mình hay phục vụ Chuá; làm hài lòng bản thân mình hay được Đức Chúa Trời tôn quý...
Đây qủa là một thách thức mà chúng ta phải suy nghĩ trong những ngày cuối cùng nầy. Nếu chúng ta không chịu làm hạt lúa mì, không chịu gieo xuống đất và chết đi, nếu chúng ta không chịu hy sinh những gì chúng ta có trên đời nầy để hầu việc Chuá thì chắc chắn việc theo Chúa của chúng ta không có kết quả. Chúa Jêsus phán tiếp: “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời.”
Yêu sự sống mình là gì?
Yêu sự sống mình là muốn sống cho riêng mình, chỉ biết mình, mình là tất cả. Mọi suy nghĩ, mọi việc làm của mình không vì ai cả ngoài mình. Mình là ưu tiên, mình là số một. Yêu sự sống mình là sống không có tình người, sống bất chấp đạo đức và đạo lý, sống sao cho đạt được phần tốt, phần lợi về mình, thỏa mãn con người xác thịt của mình. Yêu sự sống mình là làm mọi cách để thỏa mãn mình từ cái ăn ngon, cái mặc đẹp, cái ở thoải mái cho đến sự sung sướng an nhàn thân xác. Yêu sự sống mình là không từ bỏ bất cứ thứ gì có thể làm cho thân xác mình được thỏa mãn. Yêu sự sống mình còn chú trọng đến những sự nổi bật về tiếng tăm, về danh vị, danh vọng để thoả mãn lòng kiêu hãnh của mình. Người “yêu sự sống mình” không cần nghĩ đến ai ngoài mình, kể cả những người thân yêu nhất. Người “yêu sự sống mình” gần như không có nhu cầu tâm linh gì cả, hoặc nếu có thì cũng chỉ là nhu cầu tâm linh sai lạc như thờ phượng những “thần” mà mình nghĩ là có thể “phục vụ” mình, làm cho mình sung sướng, đầy dư và nổi tiếng thêm lên. Khái niệm “chia sẻ” hoàn toàn không có trong đời sống người “yêu sự sống mình”. Chúa phán rằng những người sống như vậy thì sẽ “mất sự sống đi.”
Caí “mất “ mà Chuá nói ở đây không có nghĩa là những gì họ tạo được trên đời nầy sẽ bị mất. Điều đó cũng có thể xảy ra, nhưng cũng có lắm người còn giữ được cơ nghiệp cho đến cuối đời. Nhưng cho dù có giữ chặt khư khư những thứ đó cho riêng họ, không chia sẻ cùng ai, thì họ cũng không thể mang theo được sau khi qua đời. Điều quan trọng mà Chuá muốn nói là họ không giữ được sự sống của linh hồn, khi linh hồn họ phải về địa ngục. Họ sẽ phải chịu hình phạt đời đời nếu lúc ở trần gian họ quá “yêu sự sống mình”.
Ghét sự sống mình là gì?
Ghét sự sống mình không có nghĩa là không muốn sống, sống không sinh hoạt, không làm việc, không mục đích, không quý trọng mạng sống. Bởi cách nói, cách diễn đạt của văn từ trong Kinh Thánh, mà đây là một trong những chỗ mà người vô thần, người chống Chúa thường lợi dụng để cố tình gây hiểu lầm lời dạy của Chuá. Thật ra, “ghét sự sống mình” chỉ có nghĩa ngược lại với những cách sống đã nói trong phần “yêu sự sống mình”. Ghét sự sống mình là không quá quan tâm đến đời sống riêng tư của mình một cách hẹp hòi, ích kỷ. Người “ghét sự sống mình” trên thế gian nầy sẽ không còn bon chen, tranh danh đoạt lợi. Họ xem của cải trần gian nầy là tạm bợ, danh vọng đời nầy là phù du. Của cải đời nầy mà cất chứa, thâu trữ sẽ bị sâu mối, ten rét, bị kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy, và nhất là của cải, danh vọng đời nầy không mua được hạnh phúc thật, bình an thật cho con người.
Người “ghét sự sống mình” chứa của cải trên trời bằng cách sống yêu thương người khác, vì người khác, có ích lợi cho người khác, biết và vui lòng chia sẻ cho người cùng khốn, người thật sự có nhu cầu. Người “ghét sự sống mình” luôn biết ơn và thờ kính Đấng tạo dựng nên mình, quan tâm tối đa về đời sống thuộc linh của mình và của người khác, nghĩa là sống đẹp lòng Chúa. Chuá hứa rằng người sống nhu vậy sẽ được sự sống đời đời ở thiên đàng vinh hiển.
Chúa Jêsus sẽ có một tương lai rực sáng ở trần gian nếu Ngài “yêu sự sống mình”. Dân chúng đang ca tụng Ngài, mong mỏi Ngài, sẵn sàng tôn Ngài làm vua. Nếu Ngài “yêu sự sống mình”, thì đó là cơ hội bằng vàng quá thuận lợi, quá tốt.
Nhưng Ngài đã từ chối. Ngài biết rõ mục đích của Đấng sai Ngài đến thế gian.
Ngay khi mới bước vào chức vụ, Chúa đã bị ma quỉ cám dỗ về miếng ăn, sau khi Ngài đã kiêng ăn 40 ngày. Khi đói, con người rất dễ bị cám dỗ và dễ sa ngã vì miếng ăn. Chiến tranh nhỏ, chiến tranh lớn cũng có nguyên do từ miếng ăn. Nhưng dù mang thân xác con người với đầy đủ nhân tánh, Chuá Jêsus cũng đã nhờ lời Kinh Thánh mà chiến thắng được cám dỗ của ma quỉ.
Ngày nay, sự cám dỗ về miếng ăn cũng đang ra sức thử thách con người thế gian, nhất là trong giai đoạn khó khăn kinh tế của cả thế giới. Chúng ta là con cái Chuá cũng không được miễn trừ những thử thách ấy. Chúng ta phải noi gương Chuá Jêsus, nhớ và nhờ Lời Chuá để chiến thắng, vì Chuá chúng ta đã chiến thắng rồi.
Không màng đến cơ hội quá tốt để làm vinh hiển danh mình theo con đường của thế gian, Chuá Jêsus đã vâng phục mạng lịnh của Chúa Cha, thực hiện cho bằng được chương trình cứu rỗi loài người mà Chúa Cha đã giao thác. Ngài đã tự bỏ mình đi, “ghét sự sống mình” để chịu chết trên cây thập tự vì tội lỗi của nhân loại. Ngài đã chiến thắng sự chết, và Ngài đã sống lại. Chúng ta đang tôn thờ một Đấng Sống, và vì thế, chúng ta cũng được sống như Ngài nếu chúng ta vâng phục Chuá và giữ vững đức tin nơi Ngài cho đến cuối cùng.
Giáo chủ của các tôn giáo khác đã không sống lại được như Chuá Jêsus. Tín đồ các tôn giáo khác đang thờ những hình tượng vô tri, không như chúng ta đang tôn thờ một Đấng Sống. Họ quỳ lạy, cầu xin nơi những hình tượng vô tri bằng gỗ, bằng đá. Dù hình tượng có bằng vàng ròng, bằng đá quí đắt tiền đến đâu đi nữa, thì như Kinh Thánh đã nói rõ: “Hình tượng bằng bạc, bằng vàng là công việc tay người làm ra. Hình tượng có miệng mà không nói, có mắt mà chẳng thấy, có tai mà chẳng nghe, có lỗ mũi mà chẳng ngửi, có tay nhưng không rờ rẫm, có chân mà nào biết bước đi, cuống họng nó chẳng ra tiếng nào. Phàm kẻ nào làm hình tượng và nhờ cậy nơi nó, đều giống như nó” (Thi thiên 115:4-8).
Cảm tạ Chuá, chúng ta không tôn thờ, quỳ lạy trước những hình tượng vô tri. Chúng ta đang tôn thờ một Đấng Sống. Chuá Jêsus đã chết vì tội lỗi chúng ta, nhưng Ngài không chết luôn. Sau ba ngày chôn nơi mồ mả, Chuá Jêsus đã vượt phần mộ sống lại, và hiện đang sống trên thiên đàng. Ngài đã hứa sẽ trở lại thế gian để đoán xét thế gian.
Trong mùa kỷ niệm sự Thương Khó và Phục Sinh của Ngài, chúng ta nên làm gì?
Xin hãy noi gương Chuá Jêsus, “ghét sự sống mình”, ghét bỏ những cám dỗ tội lỗi của đời nầy, mà yêu mến, vâng giữ Lời Đức Chuá Trời. Chúng ta có thể nghèo thiếu vật chất, thua thiệt mọi mặt trên trần gian nầy. Nhưng chúng ta có được một thứ rất qúy giá, là sự bình an thật nhờ biết chối bỏ điều ác, xa lánh những việc bất lương. Đừng làm theo đời nầy, đừng yêu sự dữ, đừng bon chen tranh giật bất kể thiện ác… Nhưng, con người vốn yếu đuối và bất toàn. Nếu đã trót bị dẫn dụ vào con đường “yêu sự sống mình”, mà nay biết quay lại, ăn năn, thì đừng tuyệt vọng. Chuá là Đấng chậm giận, giàu ơn. Ngài sẵn sàng bao dung, tha thứ cho ai hạ mình ăn năn trở về cùng Ngài. Nhiều nhân vật lỗi lạc trong Kinh Thánh như Đa-vít, Phao-lô đã từng phạm tội, nhưng nhờ biết ăn năn, nên được Chuá tha thứ và đại dụng họ trong công việc nhà Chuá.
Trong thời kỳ cuối cùng nầy, ma quỷ càng giận hoảng, càng ra sức tấn công, cám dỗ chúng ta, mong cho chúng ta phạm tội để trở thành đồng bọn của chúng. Ma quỉ sẽ cố gây cho chúng ta hiểu lầm Lời Chuá. Có thể, chúng sẽ ngụy biện rằng sự sống là đáng quý vì do chính Chuá ban cho, nên càng phải “yêu sự sống mình” mới đẹp lòng Chúa; cũng như thân thể chúng ta là “đền thờ của Đức Chuá Trời” nên phải ra sức tu bổ cái “đền thờ” ấy bằng cách ăn cho nhiều, cho ngon mới đẹp lòng Chúa!
Những luận điệu ngụy biện ấy chỉ có thể gạt gẫm, che mắt được những người ít hiểu, ít học, ít nghe Lời Chuá và ít cầu nguyện tương giao với Chuá mà thôi.
Những luận điệu ngụy biện ấy chỉ có thể gạt gẫm, che mắt được những người ít hiểu, ít học, ít nghe Lời Chuá và ít cầu nguyện tương giao với Chuá mà thôi.
Nguyện mỗi người chúng ta được Thánh Linh Chuá dẫn dắt, hiểu biết Lời Chuá trong đời sống tin kính Ngài. A-men!
Mục sư Lê Công Toàn