Kinh Thánh: I Ti-mô-thê (3: 1-3)Câu gốc …”Anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài. Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỉ. (Ê-phê-sô 6: 10-11)
Một trong những phẩm cách quan trọng của người hầu việc Đức Chúa Trời, đó là sự liêm chính. Như vậy, liêm chính là gi?
Theo Giáo sư Phạm Hoàng, định nghĩa sự liêm chính như sau:
“Liêm chính là một thuộc tính có thể phân biệt điều gì đúng điều gì sai dựa trên lẽ thật Kinh Thánh, vì thế công khai bênh vực điều gì đúng ngay khi bị người khác chống đối, và đấu tranh cách dũng cảm vì những gì được tin là sự thật, là đúng và tốt, ngay cả khi có nguy cô mất mát. Rõ ràng từ định nghĩa này, cho thấy không thể có sự liêm chính khi không có tiêu chuẩn trung thực. Tất nhiên một người có thể trung thực mà không có liêm chính. William Penn từng phát biểu,” Đúng vẫn là đúng, ngay cả khi mọi người chống lại nó; sai vẫn là sai ngay khi người ta ủng hộ nó.” Điều này phản ảnh chính xác đặc tính của liêm chính. Một người liêm chính không có điều cho giấu diếm và chẳng có điều chi để e ngại, nhưng đứng vững vàng với khải tượng của Thánh Linh và liều mình với lẽ phải bởi đức tin.
Về mặt toán học, liêm chính là một chức năng của trung thực và những phẩm tính khác. Về mặt thần học, liêm chính là một chức năng của đức tin và những phẩm tính khác. Triết gia Lynne McFall (1987) lập luận rằng sẽ không có sự liêm chính mà không kèm theo nguy cơ mất mát: ” Một người liêm chính sẵn sàng gánh chịu hậu quả niềm tin của mình, ngay khi điều đó rất khó khăn, nghĩa là khi hậu quả không dễ chịu chút nào.” Và nếu chúng ta không bao giờ thử nghiệm, thì chúng ta sẽ không bao giờ biết mình tin tưởng sâu xa như thế nào” Nơi nào không có nguy cơ mất mát thì nơi ấy liêm chính không tồn tại.” [1]
Theo sự dạy dỗ của Thánh Kinh, sự liêm chính có thể hiểu là thanh liêm và chính trực. Đây là phẩm tính vô cùng quan trọng cho một người chăn bầy. Con dân Chúa sẽ nhìn vào cách sống của người chăn, và chịu ảnh hưởng của mục sư nhiều hơn là những bài giảng. Chính vì lẽ đó, người chăn bầy cần làm gương tốt trong nhiều phương diện.
1. Sự liêm chính của người chăn bầy theo Kinh Thánh
Theo sự dạy dỗ mà sứ đồ Phao Lô gửi cho Ti-mô-thê, có những điều nhắc nhở về phẩm hạnh của người chăn cần phải tránh, “Đừng mê rượu, cũng đừng hung bạo, nhưng phải mềm mại hoà nhã, lại đừng ham tiền bạc.” Trong những phẩm hạnh này, có một điều mà người chăn cũng rất dễ bị quyến rũ_ đó là vấn đề tiền bạc. Lý do dễ hiểu vì hầu hết đời sống vật chất của người chăn bầy thường rất đơn sơ, và có thể nói là một cuộc sống thanh bạch, cũng có khi thiếu thốn nữa. Chính vì vậy, tiền bạc là miếng mồi có thể làm hỏng chức vụ hoặc làm cho mục sư có sự đối xử thiếu công bằng, không quang minh, chính đại trong mối quan hệ với tín hữu! Điều này, trong sách “Bảy Định Luật Của Người Lãnh Dạo Thuộc Linh” có đề cập đến sự nguy hại của động cơ thúc đẩy là tiền bạc:
“Động cơ thú đẩy của thế gian thường là đồng tiền. Như chúng ta đã thấy các cấp lãnh đạo Cơ đốc cũng cần hết sức thận trọng đối với bản thân trong lãnh vực tiền bạc. Tiền bạc tự nó không phải là tội lỗi (I Ti-mô-thê 6:10). Không phải vì bạn nghèo mà bạn trở nên người thuộc linh. Nhưng tiền bạc chỉ là một công cụ, chứ không phải là một ông chủ để có thể cai trị kiểm soát bạn ( Ma-thi-ơ 6: 24). Tham tiền hay làm giàu có thể là nguyên nhân tạo ra rất nhiều vấn đề.
Thế thì câu trả lời cho vấn đề tiền bạc là gì? Một cấp lãnh đạo phải làm thế nào để tránh được phần động cơ thức đẩy sai lầm ? Câu trả lời chỉ có một tiếng mà thôi: Hài Lòng. Phao Lô đã viết về đức tính này trong Phi- Líp 4: 11-13 và nói ra điều ông đã được học hỏi từ Đức Chúa Trời đã hứa cung cấp mọi nhu cầu cho chúng ta. Chúng ta phải tin cậy Ngài. Trong Ti-mô-thê 6:7, Phao Lô bảo với chúng ta rằng khi được sinh ra đời, chúng ta chẳng mang theo gì cả, cho nên khi từ bỏ nó, chúng ta cũng chẳng mang gì theo được. Hài lòng với đời sống tin kính đạo đức là một món lợi lớn. Hài lòng có cơ sở là lòng tin cậy vào một Đức Chúa Trời thành tín, đã hứa là sẽ cung cấp mọi nhu cầu cho bạn ( Phi-líp 4: 19). [2]
Ngoài vấn đề tiền bạc, Phao Lô còn nhắc nhở Ti-mô-thê về sự chuyên tâm, và ngay thẳng trong sự giảng dạy lời Chúa. Điều này cũng bày tỏ sự liêm chính của người chăn bầy đối với trách nhiệm Chúa giao. Người hầu việc Chúa trong chức vụ này phải luôn siêng năng trau đồi, học hỏi bằng cách đọc sách, tra cứu, nghe giảng,v.v…Không thể tự mãn cho mình đã đầy đủ kiến thức. Điều này, thể hiện sự lười biếng, thiếu chuyên tâm và phơi bày tính tự cao, tự đại không đẹp lòng Chúa:
“Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật. Nhưng phải bỏ những lời hư không phàm tục; vì những kẻ giữ điều đó càng sai lạc luôn trong đường không tin kính.”
Tiếp đến, Phao Lô còn nhắc nhỡ Ti-mô-thê về vấn đề tình dục, hãy tìm điều công bình, tử tế với mọi người, không tranh cạnh, vv…Kinh nghiệm trong chức vụ hầu việc Chúa, không có gì phá hủy chức vụ cách mau chóng và nguy hiểm hơn hết, đó là vấn đề tình dục ngoài hôn nhân. Đời sống của một đầy tớ Chúa, nếu thiếu cẩn thận sẽ bị rơi vào tình trạng đáng buồn và đáng trách này. Ma quỉ sẽ có dịp vỗ tay reo mừng vì cái bẫy của chúng. Trong sinh hoạt của ngườì lãnh đạo thuộc linh sẽ phải có những quy tắc mà chính bản thân phải khắc kỷ.
Người chăn bầy không phải là diễn viên điện ảnh, hay ca sĩ ngoài đời, sống tự do, buông thả, làm theo ý mình. Đừng nghĩ rằng tất cả phụ nữ, đàn bà trong Hội Thánh đều là “thánh.” Với bản chất yếu đuối của con người, với mưu kế của ma quỉ luôn giăng bẫy rình mò, để nuốt được những ai mà chúng có thể nuốt được (I Phi-e-rơ 5:8). Bất cứ ai trong chúng ta vẫn có thể mắc phải những lỗi lầm này, dù là phái nam hay phái nữ ! Đôi khi, điều không chính đáng chỉ có trong trong tư tưởng_ mà những hành động tội lỗi thường phát xuất bởi tư tưởng.
Vì vậy, người chăn bầy, tốt nhất để tránh cạm bẫy, hãy luôn nhớ đến kinh nghiệm của Đa-vít: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, Ánh sáng cho đường lối tôi, Tôi đã thề gìn giữ mạng lịnh công bịnh của Chúa.” (Thi-Thiên 119: 105)
Hãy học theo tấm gương của Đa-vít, luôn phải “cất giấu lời Chúa trong lòng để không phạm tội cùng Chúa.” Người chăn bầy luôn cẩn thận hơn hết, bởi vì thân thể của chúng ta là “đền thờ của Đức Chúa Trời.” Hãy quan tâm những lời dặn dò của Phao Lô:
“Cũng hãy tránh khỏi tình dục trai trẻ, mà tìm những điều công bình, đức tin, yêu thương, hoà thuận với kẻ lấy lòng tinh sạch kêu cầu Chúa. Hãy cự những lời biện luận điên dại và trái lẽ, vì biết rằng chỉ sanh ra điều tranh cạnh mà thôi. Vả, tôi tớ Chúa không nên ưa sự tranh cạnh: nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, dùng cách mềm mạị mà sửa dạy kẻ chống trả , mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật, và họ tỉnh ngộ mà gỡ mình khỏi lưới ma quỉ, vì đã bị ma quỉ bắt lấy đặng làm theo ý nó.” (2Ti-mô-thê 22-26)
Sự liêm chính tiếp theo mà Sứ đồ Phao Lô dạy dỗ cho Ti-mô-thê, đó là “sự nhịn nhục.” Đây là phẩm tính mà không phải dễ dàng chiến thắng bản ngã. Nói thì rất dễ, nhưng khi va chạm vào thực tế mới biết được “cái tôi” của mỗi con người rất lớn. Chính vì “cái tôi” đáng ghét ấy mà làm hỏng chức vụ của biết bao nhiêu tôi tớ Chúa. Không những nhịn nhục với tín hữu trong Hội Thánh, mà còn phải nhịn nhục với mọi người, ngay cả những người bắt bớ chúng ta. Một khi bản ngã con người cũ chưa chết hẳn, thì nó sẽ trổi dậy khi có cơ hội. Cái tôi bị tổn thương, sự kiêu ngạo bùng nổ, đầy tớ Chúa sẽ cư xử giống như người thế gian, vẫn muốn tranh cạnh hơn thua; và như vậy làm dịp cho những người xung quanh vấp phạm. Không nhịn nhục được, tức là để cho bản ngã xác thịt chiến thắng tình yêu thương. Người chăn bầy thiếu yêu thương, thì làm sao dẫn dắt hội chúng ?
“Về phần con, con đã nói theo ta trong sự dạy dỗ, tánh hạnh, ý muốn, đức tin, nhịn nhục, yêu thương, bền đỗ của ta, trong những sự bắt bớ, và hoạn nạn đã xảy đến cho ta tại thành An-ti-ốt, Y-cô-ni và Lít-trơ. Những sự bắt bớ đó, ta đều chịu cả, và Chúa đã cứu ta thoát khỏi luôn luôn. Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Giê-xu Christ thì sẽ bị bắt bớ.” (I Ti-mô-thê 3: 10-12)
Điểm thanh liêm tiếp theo ở đây, mà Phao Lô muốn nhắc nhở Ti-mô-thê về một trong những qui tắc của người chăn bầy, đó là công bình: …” làm việc gì chớ tây vị ai.”
Thông thường, các đầy tớ Chúa hay tôn trọng người có quyền thế, học thức, điạ vị hoặc giàu có hơn những tín hữu khác. Đây là “chứng bịnh” phổ thông mà hầu như các Hội Thánh đều gặp phải. Lý do dễ hiểu, vấn đề tiền bạc luôn là nhu cầu của Hội Thánh. Vì vậy, các mục sư hay người chăn thường quan tâm, hoặc tỏ ra tôn trọng những người có vẻ “nặng ký” này. Có thể nói đây là chứng bịnh trầm kha gây nên những tế bào “ung thư” lây lan, khó chữa.
Những con cái Chúa sống trong cảnh thanh đạm, hoặc nghèo khó thường bị mặc cảm ” bị bỏ rơi”, nếu như người chăn bầy cư xử nghiêng lệch về phía những người giàu có, thế lực. Đây là điều vô cùng tế nhị mà người chăn phải nhạy bén trong cách đối xử của mình. Chúng ta hãy nhớ lại Chúa Giê-xu đã từng nói, Ngài đến để để tìm những con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên. Vậy thì người chăn bầy phải noi gương Ngài, tìm kiếm những con chiên lạc mất, bịnh tật; chứ không phải những con chiên lành lặn, khoẻ mạnh.
Chính vì lý do này, mà người chăn bầy mỗi ngày, phải thực hành bài học công bình, không tây vị bất cứ ai. Nếu làm được điều đó, giá trị của người chăn càng được mọi người kính trọng. Hãy nghe Phi-e-rơ dạy gì cho người chăn bầy, trong những câu Kinh thánh sau đây:
“Hãy chăn bầy của Đức Chúa Trời đã giao phó cho anh em; làm việc đó chẳng phải vì ép tình, bèn là bởi vui lòng, chẳng phải vì lợi dơ bẩn, bèn là hết lòng mà làm, chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chi chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy.” (I Phi-e-rơ 5: 2, 3)
Một trong những kinh nghiệm đau buồn trong chức vụ lãnh đạo thuộc linh, là những người chăn bầy đi tìm kiếm những cám dỗ của đời sống vật chất. Họ hầu việc Chúa, nhưng luôn nghĩ đến những đều liên quan đến danh vọng, chức vị, tiền bạc, ăn uống, kèm theo lòng cao ngạo. Họ thường hay đánh bóng tên tuổi của mình, cũng như tìm kiếm tiếng khen của người đời. Tuy nhiên, khi đối đầu với những thất bại, mất mát, hoặc rơi vào những hoàn cảnh khó khăn, họ liền quay lại phàn nàn Chúa. Thậm chí, đôi khi còn cáo trách Ngài. Họ đánh mất sự liêm chính của mình. Chúng ta có thể nhìn vào cuộc sống và đức tin của Gióp để noi gương trong câu chuyện Cựu ước:
“Một người rất giàu có, tên là Gióp ( 2: 1-10), có bảy người con trai, rát nhiều tôi tớ, bảy nghìn chiên, ba nghìn lạc đà, năn trăm đôi bò và năm trăm lừa cái. Gióp không chỉ giàu có mà còn kính sợ và yêu mến Đức Chúa Trời, ông không bao giờ lìa bỏ sự liêm chính. Ông luôn hết lòng mong muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ông cầu xin Đức Chúa Trời tha tội lỗi cho ông và ban phước cho ông. Khi các con trai ông đền tuổi trưởng thành ra ở riêng, họ thích mời các chị gái mình tham dự khi luân phiên nhau đãi tiệc.
Bởi Đức Chúa Trời yêu mến Gióp, Ngài ban cho ông sức khoẻ và hạnh phúc và cũng ban chông nhiều sự tôn trọng. Nhưng một ngày kia Sa-tan phàn nàn với đức Chúa Trời về Gióp. Hắn nói, ” Gióp thờ phượng Đức Chúa Trời là bời Ngài ban phước cho người. Nếu người lâm vào hoạn nạn lớn, người ắt sẽ xoay bỏ Ngài. ” Đức Chúa Trời biết Sa-tan đã sai, nhưng Ngài bảo hắn phải tự đi tìm hiểu. Nên biết mọi người thường hay cho rằng hoạn nạn luôn đến từ Đức Chúa Trời để hình phạt tội lỗi. Sa-tan sắp đặt ra nhiều sự hủy hoại đối với Gióp nhằm để Gióp chối bỏ Đức Chúa Trời…Mọi người nhìn Gíóp với sự ghê sợ, và ngay vợ của ông cũng mong ông chết đi. Bà nói cùng Gióp, ” Ông vẫn còn bền đỗ trong sự hoàn toàn mình sao? Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời và chết đi” (Gióp 2:9). Tuy nhiên, Gióp không từ bỏ sự liêm chính, Kinh Thánh chép:
“Đức Chúa Trời đã đoạt lấy lý tôi, Đấng toàn năng khiến linh hồn tôi bị cay đắng. Tôi chỉ sanh mạng của Ngài mà thề rằng: Hễ hơi thở tôi còn ở với mình tôi, và sanh khí của Đức Chúa Trời ở trong lỗi mũi tôi, quả hẳn môi tôi sẽ chẳng nói sự gian ác, lưỡi tôi cũng không giảng ra điều giả dối. Khi tôi đoán xét, không thể nào cho các bạn là phải! Cho đến kỳ chết, tôi chẳng hề thôi quả quyết rằng tôi trọn vẹn. ” (Gióp 27: 2-5)
Ngày nay, có không ít người chăn bầy đã đánh mất phẩm tính cao đẹp, “Sự liêm chính” chỉ vì chưa thật sự phó dâng cuôc đời của mình trong tay Chúa; cũng có thể động cơ phục sự Chúa không chính đáng, đến từ ý muốn riêng của bản thân, chứ không phải đến từ tiếng gọi và chọn lựa của Ngài. Tuy nhiên, qua lịch sử thăng trầm của Hội Thánh Đức Chúa Trời trên toàn thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, có biết bao nhiêu tấm gương tận trung với Chúa, phục sự Ngài trong những hoàn cảnh nghiệt ngã, đói lạnh, thiếu cơm, thiếu áo, bị đánh đập, bắt bớ tù đày, bị sỉ nhục và dường như “cái quyền làm người” vẫn bị người ta tướt đoạt! Nhưng, với tấm lòng trung kiên với Chúa, có biết bao nhiêu người chăn bầy sẵn sàng chấp nhận, hy sinh và chịu đựng tất cả mọi hoàn cảnh dù thuận hay nghịch; mà vẫn không lìa bỏ sự liêm chính.
2. Sự liêm chính của người chăn bầy trên toà giảng
“Vi bằng có người giảng luận, thì hãy gỉảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Giê-xu Christ; là Đấng được mọi sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. Amen!” (Phi-e-rơ 4: 11)
Chúng ta không ngạc nhiên, khi biết rằng ngày nay nhiều con cái Chúa thích nghe những bài giảng êm tai, những đề tài về sự phước hạnh và thịnh vượng; bởi vì Kinh Thánh Tân ước cho biết rõ: ” Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư chung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn. Nhưng con phải có tiết độ trong mọi sự, hãy chịu cực khổ, làm việc của người giảng Tin lành, mọi phận sự về chức vụ con phải làm cho đầy đủ.” (2 Ti-mô-thê 4: 3-5)
Nhìn vào hiện thực của tình trạng Hội Thánh ngày nay, con dân thật của Đức Chúa Trời không khỏi đau lòng và tuyệt vọng, khi có những người chăn cung cấp thức ăn thuộc linh cho bầy chiều theo tư dục của con chiên. Điều này có nghĩa là con cái Chúa yêu cầu mục sư giảng dạy điều mà họ thích nghe, thay vì điều mà Chúa muốn mục sư chuyển tải những thông điệp đến từ Chúa. Con cái Chúa muốn nghe những đề tài như: Làm sao để có được sự an bình cho bản thân, gia đình? Bí quyết sống hạnh phúc và thịnh vượng? Làm thế nào Cơ đốc có thể sống giàu có sung túc ? vv…
Để đáp ứng nhu cầu này, mục sư cứ việc soạn những bài giảng làm vừa lòng con dân Chúa; tha hồ tâng bốc, ngợi khen con người. Và con dân Chúa co nhiều dịp cười hả hê, vì mục sư đã làm thoả mãn lòng tư dục của họ. Mục sư thường kể lặp đi lặp lại nhiều lần những câu chuyện đời tư của bản thân mình, ca tụng những người quen thân đã từng giúp đỡ mình trong thuở hàn vi, lên án những người quen biết, bà con bội bạc với mình. Mục sư ca ngợi về cảnh thiên đàng, từ những câu chuyện của người ta nằm chiêm bao kể lại không chứng cứ. Thậm chí, mục sư còn “thêm mắm thêm muối” về quang cảnh của thiên đàng mà chính bản thân không hề biết rõ, Kinh Thánh cũng không hề nói đến; chẳng hạn như trên thiên đàng vẫn có quán phở, và hột xoàng nhiều lắm, vân vân và vân vân… Theo lời dạy của Sứ đồ Phao Lô đối vối Ti-mô-thê đã nhắc nhở cách mạnh mẽ rằng:
“Hãy biết rằng trong thời kỳ sau rốt, sẽ có những thời kỳ khó khăn. Vì người ta đều tư kỷ, tham tiền, khoe khoang, xấc xược, hay nói xấu, nghịch cha mẹ, bội bạc, không tin kính, vô tình, khó hoà thuận, hay phao vu, không tiết độ, dữ tợn, thù người lành, lường thầy, phản bạn, hay nóng giận, lên mình kiêu ngạo, ưa thích sự vui chơi hơn là yêu mến Đức Chúa Trời, bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó. Những kẻ thể ấy con hãy lánh xa đi. ” (2 Ti-mô-thê 3: 1-5)
Theo sự dạy dỗ này, người chăn bầy không thể bóp méo lời của Chúa. Khi giảng lời Chúa, điều tối kỵ là người chia sẻ diễn đạt Kinh Thánh theo ý riêng, hoặc thêm bớt lời của Chúa làm cho lệch lạc chân lý của lẽ thật, cốt để ru ngủ làm êm tai người nghe! Vì vậy, người chăn bầy trước hết phải được mặc lấy áo giáp của sự liêm chính, quyết chống trả những nhu cầu đến từ thế gian; mà nhà đạo diễn chính là Sa-tan. Thành viên của Hội Thánh vẫn có nhiều người sống theo xác thịt. Rất có thể họ vẫn nói rằng họ muốn nghe lời Chúa, họ cầu nguyện hứa hẹn trước mặt Chúa đủ điều; họ vẫn có thể trích dẫn Kinh Thánh để bảo vệ những nhu cầu theo tư kỷ cá nhân. Họ không muốn nghe những bài giảng cảnh tỉnh, hay ngọn roi quất vào đời sống tội lỗi. Họ không muốn nghe mục sư nhắc đến Sa-tan hay ma quỉ!
Chính những sự thật bi đát này, người chăn bầy không ngừng học hỏi, tra cứu Kinh Thánh đến nơi đến chốn, trước khi trình bày lời của Chúa; bởi vì sứ mạng của người giảng không phải là phô trương kiến thức của chính mình, hoặc pha trộn kiến thức, đạo đức, triết lý của thế gian. Mục đích của việc rao truyền lời Chúa, là chuyển tải một thông điệp đến từ Chúa cho dân sự của Ngài. Người giảng dạy lời Chúa là làm thế nào hướng cả hội chúng vào một mục đích, là tôn cao Đức Chúa Trời. Muốn làm được trách nhiệm này, không gì khác hơn là tập trung cho sừ thờ phượng bằng sự cầu nguyện tìm kiếm và nhờ cậy Đức Thánh Linh một cách hết lòng. Mục sư Lê Văn Thái, cố Hội trưởng Hội Thánh Tin lành Việt Nam, đã giải bày về tấm lòng của người chăn bầy trên tòa giảng rất chi tiết. Có thể tóm tắt làm ba điểm chính như sau:
a. Sự cầu nguyện:
” Khi muốn giải thích tại sao một cuộc nhóm họp thiếu linh lực, thì chúng ta hay chuyên chú vào bài giảng; thật ra có lẽ nguyên nhân chân chính làm cho tê liệt, chính là mối thông công của chúng ta với Đức Chúa Trời đã chết lạnh. Không gì mạnh mẽ hơn lời cầu nguyện tự nhiên, phát xuất tự đáy linh hồn. Nhưng không có gì lạt lẽo kinh khủng hơn là lời cầu nguyện lướt qua các vấn đề, và chỉ là mớ từ ngữ lộn xộn không đem theo sự bí mật nào của linh hồn.
Đừng mời một người cầu nguyện vì vị nể người ấy, mà vì sự cần ích của hội chúng, của cuộc nhóm họp. Không khó tìm kiếm nguyên nhân sâu xa của một vài nhược điểm trong lời cầu nguyện trên tòa giảng đó. Trước hết nó do sự từng trải thiêng liêng nông cạn của chúng ta. Chúng ta không thể cầu nguyện mạnh mẽ thay cho hội chúng, nếu chúng ta chưa quen biết sâu xa những đường lối mầu nhiệm của linh hồn. Chúng ta cần biết các bịnh hoạn của linh hồn, những lúc nó ô uế, yếu mỏn và thất vọng. Ta phải biết tiếng kèn la, rên siết của nó khi nó mắc cạm bẫy của tội lỗi, hoặc khi nó đã chán ngán vì được tự do, phóng túng.
Ta phải quen biết linh hồn khi nó được chữa lành, khi sự sống đang bừng lên, khi sự chết thiêng liêng đã mất nọc, và mồ mả thiêng liêng bị thất bại. Ta phải quen biết linh hồn khi nó hết bịnh, khi sự yếu đuối cũng như tật bịnh bị chiến thắng, khi cuộc đời tìm lại được tiếng ca đã mất. Ta phải quen biết cuộc đời khi nó mạnh khỏe, khi sức lực dồi dào trở lại, khi nó có thể nhảy như con nai (Ê-sai 35: 6) vì vui mừng nhẹ nhõm. Nếu tình trạng này còn giấu ở những thế giới xa lạ, ta không được biết, thì làm thế nào mà dẫn đầu hội chúng trong sự cầu nguyện được ? Tôi thú nhận mình thường lùi lại trước phận sự đó khi nghĩ đến những linh hồn cần được dẫn vào các từng trải phong phú nhờ sự cầu nguyện và ngợi khen. Tôi nghĩ đến mức độ hiểu biết Đức Chúa Trời của họ, cảm biết tội lỗi. Tôi nghĩ đến lúc họ vui mừng, hớn hở vì được hưởng phước tha thứ. Vả, trong cuộc thờ phượng, chúng ta phải làm môi giới của họ để xưng tội, ngợi khen Chúa và bày tỏ hy vọng. Tôi phải vận dụng sự cầu nguyện, hầu cho trong tôi, họ được “sửa ngay lại” mỗi khi cần. Tôi xin nói đến một lý do khác làm cho sự cầu nguyện càng yếu đuối và nông cạn_ ấy là người truyền đạo thiếu sự cầu nguyện riêng. Nếu xa lạ với con đường thông công ở phòng riêng, chắc ta sẽ không tìm được con đường ấy nơi công cộng. Người ta không bao giờ học tập cầu nguyện ở nơi công cộng. Họ học tập ở nơi phòng riêng… ” [3]
b. Bài giảng:
“… Hội chúng phải nhận biết rằng chúng ta quyết làm việc đúng đắn, và trong sự giảng dạy của chúng ta có công tra cứu sâu xa, sốt sắng. Họ phải cảm thấy trong bài giảng có sự hiện diện của Chúa hằng sống theo dõi linh hồn trên các đường lối bí ẩn hơn hết của nó, để thi hành chức vụ cứu rỗi của nó, đưa từ sự chết qua sự sống, đến sự sống dư dật; từ ân điển đến ân điển; từ năng lực đến năng lực; từ vinh hiển qua vinh hiển” (2 Côr 3:18).
Suốt cả lúc giảng dạy, chúng ta phải giảng như tuyên án. Phải trình bày nội vụ, tìm cách tuyên án, và phải thi hành bản án ngay. Chúng ta không đứng trên toà giảng để làm thỏa thích trí tưởng tượng của người nghe, thậm chí không phải để bày dạy cho trí óc, hoặc khuấy rối nguồn xúc động, hoặc làm lung lay trí phán đoán. Những điều đó, chỉ là sự chuẩn bị cho cuộc hành trình. Mục đích tối hậu của chúng ta là cảm hóa ý chí, đặt nó vào con đường khác, làm cho nó bước mau hơn, khiến nó ca hát trong các đường lối của Chúa…”
c. Cách giảng:
• Chân thành yêu mến thính giả: Không có gì kéo người ta đến cùng Chúa mạnh bằng lòng yêu thương. Vậy, phải để sự yêu thương của chúng ta đối với người đang nghe tràn ra trong lời giảng (Ô-sê 11:4)
• Giữ lễ độ: Đừng bao giờ chê cười, chế giễu phe đảng nào, hoặc tôn giáo nào. Sự chê cười đó sẽ làm mích lòng nhiều người. Đừng quá mạnh bạo nói những giọng tố cáo rằng những người ngồi trong tòa giảng là tội nhân…Việc cáo trách tội lỗi từng người là việc của Đức Thánh Linh (Giăng 16:18). Chớ đứng lên bảo ai thờ hình tượng là ngu; điều đó tuy đúng, nhưng trước hết ta phải tỏ ra lẽ thật, phải giải bày Đấng Christ, rồi dần dần cho người ta thấy việc thờ hình tượng là ngu dại. Ta muốn thính giả có lòng mộ đạo, thì không nên lấy súng mà bắn họ. dầu súng đó chỉ là môi miệng ta, và đạn là lời chê cười, chế giễu, cay đắng của ta. ”
Tất nhiên, trên tòa giảng còn có nhiều phẩm tính khác đòi hỏi, mà người chăn bầy không thể bỏ qua. Một trong phẩm tính quan trọng nhất đó là “tình yêu thương” đối với người nghe. Nếu thiếu phẩm tính này, thì người rao giảng lời Chúa không thể dẫn dắt người ta đến gần với Chúa được. Sự khác biết rất xa giữa Hội Thánh của Đức Chúa Trời và thế gian đó chính là tình yêu của Cứu Chúa Giê-xu. Người chăn bầy nhận lãnh sứ mạng rao giảng, là làm thế nào để tình yêu của Chúa Giê-xu tuôn đổ vào những tấn lòng đang khát khoa mong đợi; hầu có thể cứu vớt thêm những linh hồn.” [4]
3. Sự liêm chính của người chăn bầy giữa tín hữu và tha nhân
“Người giám mục lại phải được người ngoại làm chứng tốt cho, kẻo bị sỉ nhục và mắc bẫy ma quỉ.” (I Ti-mô-thê 3: 7)
Đó là lời khuyên dạy của sứ đồ Phao-lô, dành cho những người giữ chức vụ giám mục, tức là người chăn bầy chiên cho Chúa hôm nay. Chức vụ này vô cùng quan trọng, bởi vì tầm ảnh hưởng của nó đối với con dân Chúa cũng như cộng đồng xã hội. Người giữ chức vụ này không phải chỉ giới hạn trong bốn bức tường của nhà thờ, mà còn phải đối đầu với bao nhiêu người chưa tin Chúa ở xung quanh. Mỗi ngày, nếu người chăn bầy thiếu cẩn trọng trong cách giao tiếp, lời nói, hành động thiếu nhờ cậy Chúa, sẽ bị mắc lừa mưu chước của ma quỉ.
Chương trình của Đức Chúa Trời là đem sự cứu rỗi đến với mọi người. Còn kế hoạch của Sa-tan là phá hủy chương trình của Chúa. Công việc của nó là làm thế nào để quyến dụ tất cả con dân Chúa phạm tội, trong đó những người chăn không ngoại lệ. Không dễ dàng cho một mục sư đối đầu với nhiều hạng người khác nhau trong xã hội. Rất có thể vì sự căm ghét hoặc định kiến về tôn giáo, cũng có thể do sự đối nghịch giữa những người thuộc về Chúa và những người thuộc về thế gian, cho nên thường có sự tranh chấp ngấm ngầm hoặc công khai mà ma quỉ gieo vào lòng những kẻ chống Chúa.
Là những người chăn mặc lấy sự liêm chính, phải hết sức cẩn trọng đối với nhiều hạng người trong xã hội. Có thể nói đó là cuộc chạm trán của “chiến tranh lạnh” thường xảy ra; mà đôi khi làm cho những người chăn bầy không chịu nổi những sức ép phải từ bỏ chức vụ. Không phải tất cả những người ngoại đều kính nể chức vụ mục sư hay người lãnh đạo Hội Thánh. Ngày nay, giữa xã hội Âu Mỹ, người ta không coi trọng chức vụ mục sư như văn hoá của Á Đông. Có lẽ họ xem thiên chức của mục sư cũng chỉ như bao nhiêu ngành nghề khác. Chính vì vậy, người chăn bầy cho Chúa phải được tôi luyện trong sự nhịn nhục, giàu lòng yêu thương, nghĩ đến những linh hồn của những người chưa được cứu; mới hy vọng được người ngoại “làm chứng tốt” cho.
Nếu các vị mục sư lấy trí khôn và kiến thức của con người để đối xử với người ngoại, quan niệm về công bình theo cách nghĩ của người ngoại, thì chắc chắn vị mục sư đó sẽ không được họ “làm chứng tốt” cho, mà ngược lại còn bị lên án nữa! Để có được tiêu chuẩn này, người chăn bầy phải luôn luôn hạ mình, sống khiêm cung, nhận phần thiệt hại về mình, không tranh cãi, gây gỗ với người khác; nhất là phải học cho bằng được đức tính gương mẫu của Chúa Giê-xu khi Ngải bị đóng đinh trên thập tự giá. Có bao nhiêu người đi qua nhạo báng, sỉ vả, nhiếc móc Chúa; nhưng Ngài đã cầu nguyện rằng: ” Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết mình đang làm đìều gì…” (Lu-ca 23: 34)
Đời sống của người chăn bầy hay người lãnh đạo thuộc linh, có thể nói là tiêu chuẩn đòi hỏi rất cao về phẩm hạnh; hoàn toàn khác với những người lãnh đạo của thế gian. Bàn về phẩm tính liêm chính của người chăn bầy sống giữa tha nhân, tác giả sách ” Người Chăn Bầy Của Đức Chúa Trời”, có đoạn viết:
“Phẩm cách rất quan trọng đối với chức vụ mục sư. Một người lãnh đạo trong các tập thể khác có thể ăn uống, say sưa, ái tình lăng nhăng, vv…mà vẫn lãnh đạo tốt được. Người mục sư thì khác. Tư cách của mục sư là một “công cụ” quan trọng chức nghiệp mục sư. Tùy theo cách sống của mình mà mục sư có được chúc phước hay không, con cái Chúa có kính nể và vâng phục hay không. Mục sư có thể giảng rất hùng hồn, quản trị rất hay, nhưng điều ảnh hưởng con dân Chúa hơn hết là chính đời sống của mục sư. Đời sống của bầy chiên là bản sao của chính đời sống người chăn. Người chăn hãy bắt chước Chúa để con dân Chúa có thể bắt chước người chăn. ” [5]
Những suy tư của tác giả về phần trích dẫn này, cho chúng ta bức chân dung đẹp đẽ, xứng đáng là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Sự liêm chính không những chỉ là những lời nói trên bục giảng, mà còn phải được thể hiện trong đời sống sinh hoạt mỗi ngày. Đời sống thực tế có phản ảnh đúng những lời rao giảng hay không?
Bao nhiêu năm qua, tôi cứ mãi băn khoăn về một câu hỏi mà dường như chưa có câu trả lời dứt khoát: Tại sao, ngày nay thiên chức của mục sư không được coi trọng? Khi còn ở trong nước, bản thân gia đình chúng tôi vô cùng kính trọng và yêu thương quý đầy tớ Chúa. Kính trọng chưa hẳn về kiến thức của lời Chúa, nhưng còn bao nhiêu phương diện khác từ những người chăn này. Họ không có bằng cấp, học vị cao học hay tiến sĩ, rất đơn sơ giữa đời thường. Nhưng từ những đầy tớ Chúa đó, thường đem lại cho chúng tôi một hình ảnh của sự nhân từ, nhẹ nhàng, một tấm lòng bao dung, rộng mở của tình yêu thương. Khi tiếp xúc với họ, chúng tôi cảm thấy được bình yên vì chúng tôi tin cậy nơi họ.
Còn ngày nay, có nhiều đầy tớ Chúa đã tâm sự rằng, lắm lúc họ cảm thấy thật cô đơn ngay trong Thánh đường, bối rối trong những khi giao tiếp, vì những cái nhìn lạnh lùng hoặc nghi ngại từ phía con dân Chúa! Nguyên nhân đến từ đâu? Phải chăng vấn nạn này đến từ tư cách của người chăn bầy? Phải chăng họ không hội đủ các phẩm tính cần thiết, hay kiến thức quá đơn sơ, không được đào tạo trường lớp, được phong chức quá dễ dàng, vv…
Tóm lại, tư cách, phẩm hạnh của mục sư không phải chỉ giới hạn trong bốn bức tường của nhà thờ, nhưng còn phải có ảnh hưởng tốt đối với cộng đồng xã hội, với những người chưa biết Chúa, và với những bà con, thân hữu, là những người chưa biết Chúa nữa. Kinh Thánh đã bày tỏ sự dạy dỗ này rằng: “Người giám mục phải được người ngoại làm chứng tốt.”
MỤC SƯ LÊ VĂN THỂ
_________________________________________________
[1] Phạm Hoàng, Lãnh Đạo Trong Tinh Thần Tôi Tớ. Tr 21,- 211
[2] John Maxwell, Bảy Định Luật Của Người Lãnh Đạo Thuộc Linh … Tr. 50- 151
[3] Ms Lê Văn Thái, “Người Truyền Đạo Của Đức Chúa Trời.” Tr 50,51
[4] Ms Lê Văn Thái,” Người Truyền Đạo Của Đức Chúa Trời.” Tr. 50,51, 55, 56, 57
[5] Ms Phạm Hữu Nhiên “Người Chăn Bầy Của Đức Chúa Trời.” Tr. 29
Đôi nét về tác giả bài viết:
Mục sư Lê Văn Thể tốt nghiệp Cao Học Thần Học tại Union University of California. Từ năm 2008-2013: Quản nhiệm Hội Thánh Mira Mesa Vietnamese Baptist Church. Từ 2013-2014: Quản nhiệm Hội Thánh Báp-tit Hy Vọng Virginia (Vùng Washington DC). Từ 2014-2016: Cộng tác hầu việc Chúa tại Hội Thánh Nước Hằng Sống San Diego, và thờ phượng Chúa tại Hội Thánh Tin Lành Việt Nam San Diego, CA.