CHƯƠNG 4
Cho tới khi mùa gặt cỏ bắt đầu ở những cánh đồng quanh nhà, thằng Duyên có rất nhiều thì giờ rỗi rảnh sau buổi học ở trường. Trong thời gian này, hầu như ngày nào nó cũng tìm lên núi để bầu bạn với ông già.
Nó đã tạc gần xong con ngựa gỗ. Đối với một đứa trẻ bằng tuổi nó thì đây quả là một tác phẩm nghệ thuật đáng giá. Con ngựa hình dáng lớn hơn là nó dự định lúc trước. Bườm ngựa tung bay trước gió, còn bốn vó như lướt trên mặt đất. Khi nhìn ngắm con ngựa, người ta nghĩ ngay đến một cái gì tượng trưng cho tốc lực và mềm mại uyển chuyển. Thằng Duyên đã mất nhiều công phu thì giờ vào con ngựa này. Nó đi quan sát mọi con ngựa trong khu vực quanh nhà để có thể ghi lại được chính xác mỗi đường gân thớ thịt.
Nó vẫn còn dư nhiều thì giờ, vì mãi đến hết ngày nghỉ làm mùa cỏ khô, nhà trường mới tổ chức cuộc chấm và phát giải thưởng. Tuy vậy, học sinh trong trường cũng đã bắt đầu bàn tán và phỏng đoán xem ai trúng giải.
Hầu hết nam sinh ủng hộ thằng Mẫn, con trai ông già đưa sữa. Thằng Mẫn tạc hai con gấu đang leo lên một cây cột. Nó làm việc hăng lắm, và tác phẩm của nó cũng khá; tuy nhiên, theo thằng Duyên nghĩ, người ta dễ dàng nhầm hai con gấu của nó với hai con chó hoặc với bất cứ con vật nào khác. Thằng Duyên nghĩ thầm vậy trong lúc nhìn ngắm tác phẩm của thằng Mẫn, nhưng những đứa trẻ khác thì ca tụng rầm rầm.
“Con ngựa của ta thì không ai có thể nhầm lẫn được”, thằng Duyên có thể đoạt giải, vì ngoài thầy giáo ra không ai biết nó đã đăng tên dự thi. Tính nó cả thẹn nên không dám kể lể với mọi người; ngoài ra, nó cũng còn sợ cái vẻ mặt khinh khỉnh và phớt tỉnh của các bạn nó nữa. Nhưng giờ đây, đứng nhìn hai con gấu của thằng Mẫn, nó biết chắc là nó sẽ thắng. Không ai đoạt giải này của nó được. Nó hình dung thấy nó đang bước lên lãnh giải; mọi cặp mắt đều hướng về nó, ngạc nhiên và thán phục. Sau đây mọi người sẽ chú ý và muốn xem con ngựa của nó- và có lẽ nó sẽ được mọi người dành cho nhiều cảm tình hơn. Nghĩ đến đó, mặt nó đỏ bừng.
Về tác phẩm dự thi của nữ sinh, có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Chị Măng làm đăng-ten rất đẹp, vì nhà chị có cửa tiệm làm đăng-ten , và chị đã tập làm từ khi mới năm tuổi. Má chị Lan là thợ may nên chị đã được dạy dỗ trong nghề từ khi còn nhỏ. Còn An thì là một cô bé có tài đan lát. Nội nó đã dạy nó đan những khi nó không phải đi học. Nó ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ, vừa trông chừng thằng Danh vừa lẹ làng điều khiển mũi kim đan. Nội nó ngồi gần đó trong chiếc ghế bành, sẳn sàng chỉ bảo thêm mỗi khi cần thiết.
Tác phẩm mà An đưa dự thi là một chiếc áo len màu xanh thẩm nó đan cho thằng Danh mặc vào những ngày Chúa-nhật và ngày lễ. Quanh cổ áo và eo áo có đan những bông hoa núi màu sắc tươi sáng, rực rỡ. Nó chưa đan xong hẳn chiếc áo, nhưng đã là một tác phẩm đầy hứa hẹn, ai nấy đã trầm trồ khen ngợi khi thấy nó ngồi đan trong sân.
Các bạn nó nói, “Tao chắc giải nhất về tay mày rồi đấy, An ạ!”. Rồi chúng tiếp, “Mọi người đều bảo làm cái áo như kiểu mày còn khó hơn làm đăng-ten như kiểu con Măng nhiều”.
Chính An cũng tràn trề hy vọng. Nó cần phải đoạt giải này quá. Vì có thế nó mới bù lại được những điểm kém về toán học. Hơn nữa, nếu nó đoạt giải, nội nó, ba nó và thằng Danh sẽ hãnh diện sung sướng biết bao.
Tuy nhiên, không giống như thằng Duyên, con An có rất ít thì giờ, vì ngoài giờ học ở trường ra nó luôn luôn bận rộn. Nay ngày nghỉ để cắt cỏ đã bắt đầu, tất cả trẻ con phải làm việc cùng với người lớn ở ngoài đồng từ sáng sớm đến tối mịt.
Vào mùa cắt cỏ, nhiều gia đình thường phải dàn xếp với nhau cho công việc được ổn thỏa. Một ông láng giềng đã có hai con trai lớn giúp đỡ công việc trong trại thì lên cánh đồng cỏ trên núi để chăm nom giùm đàn bò của ông Bình, còn chính ông Bình thì đi xuống cắt cỏ ở sường đồi của mình. Sau khi cắt xong, ông vẫn sang cắt cỏ ở sường đồi của mình. Sau khi cắt xong, ông vẫn sang cắt hộ bên đất của bà Mầu, vì bà Mầu là bà góa phụ, mà thằng Duyên thì chưa đủ sức để sử dụng lưỡi hái.
Ở sườn đồi dốc đứng này không có mày kéo và máy xén, chỉ có những hái cong cong xén cỏ soàn soạt ngoài đồng. Mỗi lần lưỡi hái đưa đi là có một số hoa đồng cỏ dại cắt xén đến tận gốc. Đi sau người đàn ông cầm lưỡi hái là đàn bà và trẻ con cầm bồ cào bằng gỗ để cào hoa cỏ lại thành từng đống, ngăn nắp; ngay những đứa con nít cũng có những cái bồ cào tí hon, vì không ai- ngoại trừ những đứa nhỏ quá chưa đi đứng vững- là không phải phụ giúp vào việ cắt cỏ để làm cỏ khô.
Ông Bình và con An ra sức làm việc. Họ có một khoảng đồng cỏ rộng lớn nơi sườn đồi, và họ không đủ tiền để mướn nhân công. Hai cha con thức giấc lúc trời mới rạng đông, trong khi khí hậu mát mẻ của sương sớm còn vươn đọng trên hoa, và gà trong thung lũng vừa bắt đầu tiếng gáy. Lúc trời đã sáng rõ, nội và thằng Danh mới theo họ ra đồng- nội thì làm một cách khó khăn chậm chạp, còn thằng Danh thì chẳng làm gì cả, vì nó không thể sử dụng cái bồ cào cùng một lúc với cái nạng gỗ. Nó chống nạnh nhảy từng bước trong chỗ cỏ mới cắt, hoặc vùi mình trong đám cỏ đã đánh thành đống. Khi đã chơi chán và mệt, nó nằm ngửa trong ánh nắng ấm áp và ngủ thiếp đi theo nhịp điệu của lưỡi hái.
Còn Tiếp