“Đấy chỉ là một thú tiêu khiển của ta”, ông già nói. “Chúng bầu bạn với ta trong những chiều đông tháng giá. Này, cậu bé, nếu cậu chịu khó thỉnh thoảng đến thăm ta, ta sẽ dạy cho cậu cách sử dụng những đồ nghề điêu khắc”.
Thằng Duyên háo hức ngẩng đầu nhìn lên. cặp mắt sáng ngời, khuôn mặt rạng rỡ, nom nó không còn có vẻ gì xấu xí nữa.
“Thưa ông”, nó ngập ngừng hỏi, “có phải ông bảo rồi đây con có thể tự kiếm ăn được không?”
“Phải”, ông già đáp. “Ta có một người bạn chuyên bán những đồ điêu khắc bằng gỗ với giá khá lắm. Ông ta đã bán hộ ta nhiều hình bằng gỗ nhưng có một số hình ta ưa thích nên giữ lại. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi ông ta sẽ bán hộ con những hình đẹp đẽ nhất con làm ra vì chẳng bao lâu nữa, con sẽ khắc chạm đẹp hơn nhiều với những đồ nghề của ta thay vì con dao của con”.
Thằng Duyên vẫn còn ngẩng đầu lên chăm chú nhìn ông già. Lòng nó hát lên điệu nhạc biết ơn, vì nó thấy ông già hình như lo cho nó và quan tâm đến nó. Ít ra cũng phải có một người nào không làm nó sợ hãi và nghĩ tốt về nó chứ. Nó tự nhiên giơ tay nắm chặt lấy bàn tay ông già.
“Ô, cám ơn ông”, nó thiết tha nói. “Ông đối với con tốt quá!”
“Suỵt”, ông già đáp. “Ta sống trơ trọi nơi đay, chẳng có ai làm bạn bè. Chúng ta có thể cùng nhau khắc gỗ”.
“Cháu cũng vậy”, thằng Duyên đáp. “Cháu cũng trơ trọi chẳng có ai là bạn bè”.
Trong khi thằng Duyên lội bộ băng rừng để về nhà, óc nó nẩy ra bao ý nghĩ, nhưg chỉ có một ý nghĩ quan trọng hơn hết thảy. Nó sẽ làm cho thằng Danh một chiếc tàu Nô-ê giống như chiếc tàu ông già đã làm, với hàng chục giống thú vật nhỏ- sư tử này, thỏ này, voi này, lạc đà và bò sữa này, và cả hình ông bà Nô-ê nữa. Khi nào nó làm xong, nó sẽ đi đến tận nhà ông Bình để tặng cho thằng Danh kỷ vật ấy hầu chuộc lại lỗi xưa. Nhất định không ai có thể tặng thằng Danh một vật đẹp hơn thế! Sau đó, có lẽ- có lẽ mọi người sẽ để cho nó được làm bạn lại với thằng Danh như cũ.
Chỉ mới nghĩ đến đây, tim nó đã đập rộn ràng trong lồng ngực. Trong suốt hai tiếng đồng hồ vừa qua, nó đã hoàn toàn vui thỏa, và niềm vui thỏa ấy tồn tại mãi trong suốt quãng đường nó băng qua rừng, cho tới lúc nó không còn nhìn thấy cây cối, và xóm làng hiện ra bên dưới. Ngày mai nó sẽ phải trở lại trường học. Ngày mai nó sẽ lại cảm thấy cô độc và hãi hùng. Nhưng hôm nay nó đã kiếm được một người bạn tốt.
Sau đó, cứ mỗi tuần ba lần, sau khi tan học, thằng Duyên lại phóng qua rừng thông tới ngồi trên bực cửa nhà ông già trên núi để cặm cụi gọt đẽo chiếc tàu Nô-ê. Được sử dụng những đồ nghề chuyên nghiệp có lưỡi sắc bén, thằng Duyên thấy hứng thú vô cùng. Thật khác hẳn con dao lưỡi cùn của nó một trời một vực.
Ông già sửng sốt trước tài khéo của thằng Duyên. Nhân số trong gia đình Nô-ê mỗi lúc một nhiều thêm. Mỗi lần lên núi với ông già, thằng Duyên lại nghĩ ra một con vật mới để chạm khắc, và đoàn thú vật cứ mỗi lúc một dài thườn- thược.
Vào khoảng thời gian này còn có một hứng khởi khác cho thằng Duyên. Có một vị thanh tra đến trường và mở ra một cuộc thi thủ công cho các học sinh. Về phía nam, các cậu tranh nhau đoạt giải về chạm khắc gỗ. Nhiều cậu đã quen đẽo gọt gỗ trong những giờ rỗi rảnh và có mấy cậu tỏ ra có khả năng sẽ trở thành khéo tay.
“Nhưng chẳng ai khéo được hơn ta”, thằng Duyên tự nhủ thầm trong lúc nó lủi thủi lê bước vào nhà. “Ta sẽ đoạt giải, rồi đây họ sẽ thấy rằng ta không phải hoàn toàn bất tài vô dụng, dù cho ta có học hành kém cỏi và dù chẳng ai thèm chơi với ta”.
“Ngày hôm ấy thằng Duyên hứng khởi cất tiếng ca vang trên đường trở về nhà. Nó thấy nó đang bước lên lãnh giải trước sự ngạc nhiên sửng sốt của cử tọa và toàn thể học sinh trong trường. Có lẽ sau đấy mọi người sẽ có cảm tình với nó”.
Nó sẽ tạc một con ngựa đang phi, lông bờm phất phơ trước gió, lông đuôi vẩy dài và hai lỗ mũi phập phồng. Thằng Duyên vốn yêu thích ngựa, ông già trên núi đã tạc một con ngựa như vậy và thằng Duyên đã ngắm nghía tác phẩm ấy mãi không chán mắt . Chiếc tàu Nô-ê đã chẳng bao lâu nữa sẽ xong, và sau đấy nó có thể bắt đầu tạc con ngựa được rồi.
Nó chạy thẳng mậpt mạch lên nhà ông già trên núi để báo cho ông biết tin mừng. Ông rất hài lòng và ông cũng tin chắc rằng thế nào nó cũng đoạt giải.
“Nhưng tại sao cháu lại định tạc con ngựa?” ông già hỏi. “Cháu có thể đem dự thi chiếc tàu ấy cũng đẹp lắm rồi đối với một đứa trẻ vào tuổi cháu”.
Thằng Duyên lắc đầu. Giọng cương quyết, nó nói, “Cháu làm chiếc tàu ấy để tặng cho người khác”.
“Một tặng phẩm ư? Cho ai vậy cháu? Cho một đứa em của cháu ư?”
“Vâng, cho một đứa bé bị tật ở chân không đi được”.
“Thế ư? Tại sao em ấy bị tật vậy?”
“Nó té xuống dưới khe”.
“Thật tội nghiệp! Nhưng sao nó té vậy?”
Thằng Duyên nín thinh một lúc không đáp. Óc nó bắt đầu nghĩ ngợi. Nó thấy ông già là bạn tốt và đối với nó tự tế quá nên nó nghĩ không nên che dấu sự thật nữa. Nó ngẩng nhìn lên và mạnh dạn nói:
“Vì lỗi tại cháu mà nó té. Cháu ném con mèo của nó xuống dưới khe. Nó leo xuống để cứu con méo và bị té”.
Vừa nói dứt lời nó hối ngay. Đáng lẽ nó không nên nói rõ chuyện ấy. Giờ ông già sẽ ghét bỏ và sẽ xua đuổi nó như nó đã từng bị mọi người khác xua đuổi.
Nhưng ông già không làm vậy, ông chỉ dịu dàng nói:
“Có phải vì vậy mà cháu bảo rằng cháu không có bạn không?”
“Vâng, đúng vậy!”
“Và cháu đang tính tặng chiếc tàu kia để chuộc lỗi với đứa nhỏ?”
“Vâng ạ”.
“Cháu làm như vậy là tốt lắm! Muốn lấy lại tình yêu thương của ai không phải là một việc làm dễ dàng. Nhưng cháu đừng nên nản chí. Những người kiên tâm bền chí trong việc thâu hái tình yêu thương, tìm thấy nhiều hạnh phúc hơn là khi đã thâu hái tình yêu thương, tìm thấy nhiều hạnh phúc hơn là khi thâu hái được rồi”.
“Cháu thật tình không hiểu ông muốn nói gì”, thằng Duyên suy tư đáp.
“Ý ta muốn nói rằng nếu cháu đem đặt hết tình yêu thương vào việc làm của mình để dành cho kẻ không phải là bạn cháu, thường khi cháu sẽ bị thất vọng và nản chí, nhưng nếu cháu bền gan tiếp tục cháu sẽ tìm thấy hạnh phúc trong tình yêu thương kẻ khác, dù cho cháu có được yêu lại hay không. Có lẽ cháu cho là kỳ lạ khi thấy ta là một kẻ sống cô độc nơi đây, không yêu thương ai, mà lại đi nói về chuyện yêu thương, nhưng ta vững tin những điều ấy”.
Tối hôm ấy thằng Duyên làm xong chiếc tàu Nô-ê; mặt đỏ bừng, tim đập mạnh, nó tiến về hướng nhà ông Bình để trao tặng chiếc tàu trên đường đi trở về nhà.
Khi tới gần nhà ông Bình, nó tự nhiên đâm rụt rè hoảng sợ núp sau một thân cây. Không biết nó sẽ phải bắt đầu câu nói như thế nào? Làm sao phá tan được bầu không khí im lặng? Nếu nó gặp được thằng Danh một mình thì dễ dàng quá, nhưng con An có bao giờ xa lìa em nó ngoài những giờ học ở nhà trường đâu.
Chắc chắn mọi người sẽ tha lỗi cho nó khi họ nhìn thấy chiếc tàu Nô-ê! Nếu mọi người chịu vui lòng tha thứ lỗi cho nó và ban cho nó một cơ hội thì nó sẽ tình nguyện đem dâng hiến phần còn lại của đời nó vào việc chuộc lỗi. Vừa hy vọng, vừa hồi hộp sợ hãi, nó bước ra khỏi chỗ nấp sau thân cây và tiến về phía nhà ông Bình.
Giường thằng Danh đã được mang vào nhà, còn lại con An ngồi một mình ngoài hiên đang vá lại khuỷu áo cho ba nó. Thằng Duyên thu hết can đảm bước lên bực thềm chìa chiếc tàu Nô-ê ra.
“Tôi có cáin ày để tặng bé Danh”, nó chỉ nói được đến đây rồi thôi, tiếng nói như mắc nghẹn trong cổ họng. Hai mắt chăm chăm nhìn xuống đất, nó đứng lặng chờ đợi.
Con An giật lấy chiếc tàu Nô-ê khỏi tay thằng Duyên. Mặt nó tím nhạt vì tức giận.
“Mày dám vác mặt lại đây hả!” con An quát lớn. “Mày dám tặng quà cho thằng Danh nữa hả! Cút ngay, đừng có bao giờ vác mặt lại đây nữa!”
Vừa nói, nó vừa thẳng tay quăng chiếc tàu Nô-ê vào đống củi ở phía dưới. Tất cả những con vật nhỏ bé xinh xinh bắn tung ra khắp phía, trên đóng củi.
Thằng Duyên đứng trân trân nhìn con An. Một lúc sau, nó quay đi, lảo đảo bước xuống bực thềm. Thế là bao công trình, bao cố gắng của nó tan thành mây khói. Nó sẽ không bao giờ được tha thứ cả, thật là một thời gian dài phí phạm vô ích.
Lúc ấy lời nói của ông già trên núi chợt vang lên trong óc nó giống như một tia nắng nhỏ dọi chiếu vào trái tim đang đau xót giận hờn của nó.
“Những người kiên tâm bền chí trong việc thâu hái tình yêu thương thường tìm thấy nhiều hạnh phúc hơn khi đã thâu hái được rồi”.
Phải, có lẽ ông già nói đúng. Nó đã chẳng thâu hái được gì cả, nhưng ít ra nó đã được hưởng niềm vui sướng trong khi làm chiếc tàu Nô-ê và trong khi nghĩ đến nỗi vui của thằng Danh. Có lẽ, nếu nó cứ kiên tâm và tiếp tục đặt tình yêu thương của nó vào công việc làm, một ngày kia sẽ có người vui lòng chấp nhận quà tặng của nó và yêu thương nó nữa.
Nó không biết chắc… nhưng nhất định nó sẽ không thất vọng vội.
Còn Tiếp