Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Hy Vọng

Bác sĩ Bruce Lanson, giám đốc viện tâm thần Menninger nổi tiếng, có lần đã hỏi các bác sĩ của viện: “Yếu tố nào đóng vai trò quan trọng nhất trong những phương thức trị liệu cho các bệnh nhân bị tổn thương về phương diện tinh thần?” Tất cả bác sĩ đều đồng ý với nhau là hy vọng chính là yếu tố quan trọng nhất. Thật vậy, hy vọng là một trạng thái tâm lý có một sức mạnh lớn để giúp con người sống lạc quan hạnh phúc và có thêm sức lực để vượt qua những lúc khó khăn. Hy vọng là một niềm khao khát về một điều gì đó tốt đẹp sẽ xảy ra trong tương lai. Cuộc sống nếu không có hy vọng thì thật là chán chường. Con người khi đã đi đến chỗ tuyệt vọng (không còn hy vọng) thì không còn động lực để tiếp tục sống mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. Những cơ quan truyền thông đại chúng (báo chí, truyền hình . . .) thỉnh thoảng lại đưa tin về những bi kịch gây ra bởi hành động điên rồ của những người tuyệt vọng khi họ mất hết cả tài sản, gia đình, v.v...


Cuộc sống của người không tin Chúa và con cái Chúa đều cần có hy vọng. Tuy nhiên, có một điều hơi khác biệt giữa niềm hy vọng của người thế gian và niềm hy vọng của con cái Chúa. Thường thì hy vọng của người thế gian hướng về của cải, sức khỏe, hạnh phúc gia đình, v.v..., tựu trung là những điều may mắn sẽ xảy ra trong cuộc sống trần thế này. Làm người thì ai cũng muốn được an ninh và hạnh phúc; cho nên những ước ao tốt đẹp về sức khỏe, gia đình, của cải, công danh, sự nghiệp, v.v... suy cho cùng thì cũng là những ước ao chính đáng, nhất là đối với những con người ở trong hoàn cảnh khốn cùng. Tuy nhiên, là con cái Chúa, chúng ta không quên lời dạy của Thánh Kinh: “Ðừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn” (I Ti-mô-thê 6: 17b). “Ðể lòng trông cậy” chỉ ở nơi thế giới phù vân này thì khi bi kịch xảy ra hoặc khi điều ước ao về những sự may mắn không trở thành sự thật thì hy vọng lại rất dễ biến thành tuyệt vọng. Và cho dù không có bi kịch hoặc khó khăn nào xảy ra trong cuộc sống, con người ta cũng thừa biết là một ngày nào đó họ cũng đành phải chia tay với tất cả những gì đã đạt được ở trần gian này để rồi đi về một “thế giới bên kia.” Ðôi khi, chính sự khát khao về những điều may mắn sẽ xảy ra trong cuộc sống trần thế này lại nói lên một nỗi hoang mang về tương lai bất định, một nỗi hoang mang trong tận đáy lòng của mỗi người. Là con cái Chúa, chúng ta thừa nhận tầm quan trọng của sự thịnh vượng, sức khỏe dồi dào, sự hài hòa trong mối quan hệ giữa người với người, v.v... Tuy nhiên, niềm hy vọng thật sự của con cái Chúa không đặt nơi thế giới này mà là ở chính nơi Chúa và những lời hứa của Ngài về một cơ nghiệp đời đời trong cõi vĩnh hằng.

Khi nhìn một cách tổng thể về cuộc đời của một Cơ-đốc nhân, sứ đồ Phao-lô đi đến một kết luận đó là hy vọng là một trong ba điều quan trọng nhất đối với con cái Chúa: “nên bây giờ còn có ba điều nầy: Ðức tin, sự trông cậy (hy vọng), và tình yêu thương . . .”(I Cô. 13: 13a). Hy vọng ở đây không phải là hy vọng về những điều may mắn thuộc về trần thế chóng qua, nhưng là một hy vọng về niềm hạnh phúc tuyệt đối và vĩnh viễn khi con cái Chúa được ở với Ngài trong cõi thiên đàng. Trong tác phẩm “Mere Christianity,” nhà thần học C. S. Lewis đã định nghĩa chữ hy vọng một cách thật thâm thúy: “Hy vọng là một cái nhìn liên tục đến cõi đời đời.” Sở dĩ con cái Chúa có thể có được niềm hy vọng bất tận là vì họ có lời hứa của chính Chúa Giê-xu: “Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ”(Giăng 14: 2b).

 Làm con cái Chúa, chúng ta không cần sống với một niềm hy vọng “cầu may” như người thế gian, không cần phải sống với tâm trạng “biết ra sao ngày sau.” Niềm hy vọng của chúng ta là một niềm hy vọng chắc chắn, được neo nơi lời hứa của Ðức Chúa Trời: chúng ta là kẻ kế tự của Ðức Chúa Trời (Rô-ma 8: 17). Chúng ta là kẻ kế tự của sự bình an, vui mừng, phước hạnh đời đời của nước Trời, mà tất cả những được còn thua mất của thế gian này không thể làm thay đổi được. Tuy nhiên, tất cả những vui mừng, bình an, phước hạnh này không cần phải đợi đến ngày chúng ta vào nước Chúa mới kinh nghiệm được. Chúng ta có thể bắt đầu kinh nghiệm ngay một cuộc sống lạc quan, đầy ắp hy vọng, kể từ khi chúng ta có Chúa trong cuộc đời. Trong Thi-thiên 90, Môi-se đã xác chứng cho chúng ta một cuộc sống như vậy vì ông biết rằng: “từ đời này qua đời kia, Chúa là nơi ở của chúng tôi.” Biết rằng chúng ta đang ở trong sự hiện diện của Chúa và Ngài đang đồng hành với chúng ta trong mỗi bước của cuộc đời thì dù ở trong cảnh ngộ nào, dù còn sống trong đời này hay bước qua đời sau, chúng ta vẫn yên tâm, lạc quan, đầy dẫy hy vọng.

Khi biết rằng Chúa là nơi ở của chúng ta, bắt đầu từ đời này và nối tiếp cho đến đời sau, thì những tai ương, hoạn nạn, thất bại trong đời này quả thật không còn ảnh hưởng lớn lắm đến tâm hồn của chúng ta. Ý thức này dẫn đến một đặc điểm khác của cuộc sống có niềm hy vọng chắc chắn nơi Chúa là sự biết thỏa lòng trong Chúa. Khi biết thỏa lòng trong Chúa thì giàu cũng vui, nghèo cũng vui, được cũng vui, mất cũng vui. Chúng ta sẽ không còn quá nặng lòng với những “sinh lão bệnh tử” vì biết rằng mọi vật đều có “kỳ” (Truyền Ðạo 3), biết rằng tất cả đều nằm trong sự tể trị của Ðức Chúa Trời.

Tuy nhiên, khi nói rằng niềm hy vọng của con cái Chúa là “một cái nhìn liên tục đến cõi đời đời” và cuộc sống của con cái Chúa là một cuộc sống lúc nào cũng biết thỏa lòng với những điều Chúa ban cho thì không có nghĩa là chúng ta có quyền sống cuộc sống này một cách thờ ơ hay hoang tưởng như trong một cơn mộng du, chân bước đi trên mặt đất mà tư tưởng lúc nào cũng lơ lửng ở tận mây xanh. Trái lại, niềm hy vọng chắc chắn vào một cơ nghiệp đời đời lại đòi hỏi chúng ta phải sống cuộc sống này một cách có trách nhiệm như “ánh sáng của thế gian” và những hạt “muối của đất,” để đem đến sự tinh sạch và hương vị đậm đà cho thế giới chung quanh. Niềm hy vọng này đòi hỏi chúng ta phải “ lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu”(Ê-phê-sô 5: 16). Việc chúng ta thể hiện đức tin của mình qua hành động, thái độ, cách sống trong những ngày trên đất này như thế nào sẽ quyết định việc chúng ta có được dự phần vào cơ nghiệp đời đời hay không. Một niềm tin chân chính vào Chúa phải được bày tỏ ra bằng hành động. 

Gia-cơ đã khẳng định rằng: Ðức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết (Gia-cơ 2: 17). Là Cơ-đốc nhân chân chính, chúng ta phải biết mở mắt và nhạy cảm để nhìn thấy những bất công xã hội, để cảm nhận nỗi đau của những người bất hạnh, và để dấn thân vào hành động hầu làm cho thế giới chung quanh chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Thế giới hôm nay đầy dẫy những nan đề, bi kịch, thảm họa. Vấn đề đặt ra cho chúng ta ở đây không phải là “tại sao” mà là “chúng ta đáp ứng như thế nào.” Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì trước những thảm họa của thế giới và những cảnh bất hạnh tương tự, Chúa đã cho chúng ta có cơ hội góp phần để giảm nhẹ nỗi đau của đồng bào đồng loại và cũng để một lần nữa chiếu sáng tình thương của Chúa. Biết lợi dụng thì giờ (tận dụng thì giờ—make the most of your time) để hầu việc Chúa, phục vụ tha nhân, làm ích lợi cho bản thân thì chúng ta sẽ thấy không một ngày nào trong cuộc sống chúng ta trôi qua mà không có ý nghĩa. Khi biết tận dụng thì giờ theo ý nghĩa của Thánh Kinh thì chúng ta sẽ phải cảm tạ Chúa mỗi ngày vì chúng ta được làm con cái Chúa mỗi ngày, được tương giao và bước đi trong sự hiện diện của Chúa mỗi ngày, được Chúa sử dụng môi miệng của mình để đem Tin Lành đến cho mọi người quen biết mỗi khi có cơ hội, được Chúa “mượn” bàn tay của mình để xây dựng Hội Thánh, để đem tình thương đến cho mọi người. Cuộc sống như vậy thật là một cuộc sống có ý nghĩa và tràn trề hy vọng.

Như vậy, cuộc sống đầy hy vọng của Cơ-đốc nhân là sự kết hợp của một thái độ sống tích cực và một tinh thần “ý Chúa được nên.” Biết sống như vậy mới là người sống không bỏ phí những ngày trên đất, sống có kết quả cho Chúa, cho người, cho mình, mới là người “giàu có” thật, và đồng thời mới là người thực sự vượt lên trên những tầm thường của cuộc sống này để “cất cánh bay cao như chim ưng” trên bầu trời của Ðức Chúa Trời. Ước mong tất cả con cái Chúa đều có được kinh nghiệm sống động về một đời sống đầy dẫy vui mừng, hy vọng như vậy, và qua đời sống đó có thể làm những nhân chứng sống cho Ngài, là Chúa của bình an thật, là Ðấng mà sự thành tín của Ngài ngày hôm qua, hôm nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi.


 Mong thật hết lòng.