Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Đức Chúa Trời ở Mỹ Quốc (Phần 2)

4. Đức Giê-hô-va sẽ chiến cự

       Trở lại San- Diego, lòng tôi thật vui mừng vì được sống chung với những người ruột thịt của mình.  Tuy nhiên, nỗi ưu tư vẫn cứ đè nặng vì giấy tờ di trú chưa hợp pháp.  Hỏi thăm một văn phòng luật sư người Mỹ qua trung gian một người Việt Nam. Việc trước hết là phải nộp hai nghìn đô-la để bắt đầu thủ tục hồ sơ.  Con gái tôi hỗ trợ tiền bạc vì nó qua Mỹ trước vừa đi học, vừa đi làm nên cũng có thu nhập đôi chút.  Thế nhưng, sau khi nhận tiền, người trung gian bỏ đi biền biệt mấy tháng sau ngày đám cưới.  Đến khi trở về, tôi hỏi thăm diễn tiến của thủ tục giấy tờ, cậu ta trả lời tỉnh bơ:

- Tôi còn phải lo hàng trăm cái “cases” khác, chứ không lẽ chỉ sống nhờ vào số tiền của chú! 


Tôi đã nhận ra chân tướng của sự thật.  Trước khi lấy tiền cọc, miệng lưỡi có vẻ ngọt ngào thân mật, nhưng sau đó lại giở chứng.  Tuy không vui lắm, nhưng khi nghĩ đến Chúa, nên tôi vẫn ôn tồn :
      - Anh cố gắng giúp tôi.  Tôi chấp nhận những khỏan tốn kém, miễn sao kết quả công việc là được rồi.

Thời gian vẫn cứ lặng lẽ trôi; mà nỗi lo buồn của tôi cứ lớn dần. Rồi một hôm tôi nhận được tin chính thức từ văn phòng luật di trú, người trung gian cho biết:
- Chú phải nộp ít nhất năm nghìn đô- la nữa, thì luật sư mới tiếp tục lo giấy tờ cho chú được.  Nếu không, thì tôi cũng đành bó tay!

Nghe như sét đánh vì thật sự tôi đã hết sạch tiền rồi.  Số tiền từ Việt Nam mang qua chỉ đủ trang trải học phí, tiền thuê nhà, tiền vé máy bay đi lại nhiều lần từ San -Diego đến Portland và ngược lại.  Nhà tôi may gia công vất vả từ sáng cho đến tối chỉ vừa đủ tiền đi chợ.  Các khoản chi phí khác như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước… đứa con gái đầu trang trải. 

Cậy vào sức mình thì chúng tôi hoàn toàn tuyệt vọng.  Biết làm sao giữa xứ người xa lạ!  Mở miệng nói với ai để có thể vay mượn tiền.  Tạ ơn Đức Chúa Trời vì trong bất cứ cảnh ngộ khó khăn nào, Chúa cũng cho tấm lòng chúng tôi bám chặt lấy Chúa với đức tin mạnh mẽ.  Từng đêm trôi qua, vợ chồng chúng tôi chỉ biết qùy gối bên nhau và khẩn thiết kêu xin cùng Chúa:

   Chúa Jêsus ôi, chúng con kiệt sức rồi!  Chúng con tin chắc Ngài đã biết rõ mọi sự.  Ngoài Ngài ra, không ai giúp đỡ chúng con được!  Xin giải cứu chúng con!  Chúng con cần một luật sư tình nguyện…”

Một tuần trôi qua, tôi vẫn cứ bách bộ ngoài đường Elcajon mỗi sáng; và thầm cầu nguyện xin Chúa chỉ cho tôi tìm được một văn phòng di trú thiện nguyện. 

Rồi một ngày kia, tôi dừng lại trước một văn phòng có tên African Refugee Assistance.  Hơi e ngại vì mình là người Châu Á, nhưng có sự thôi thúc trong lòng nên tôi mạnh dạn bước vào.  Người đầu tiên tôi gặp là người một người phụ nữ da mầu với khuôn mặt nhân hậu.  Tôi lễ độ hỏi thăm:

- Thưa bà, ở đây có giúp vấn đề di trú cho người Á Đông không ạ?
- Có chứ, anh cần chi? - Người phụ nữ rạng rỡ tươi cười nhìn tôi với đôi mắt hiền từ.
- Tôi cần một luật sư tình nguyện.

- …Tại đây không có - Bà trầm ngâm giây lát rồi nhiệt thành nói với tôi:
 Ah, nhưng tôi sẽ giới thiệu cho anh một chỗ, nơi đó có luật sư tình nguyện.
- Vậy hả, cảm ơn Đức Chúa Trời.  Nghe tôi nói vậy, đôi mắt bà sáng lên:
- Anh là Cơ Đốc nhân?
- Vâng, đúng vậy, thưa bà.
- Tôi cũng vậy.  Bà bắt tay tôi nồng ấm.

Sau đó, bà cho tôi số phone của một văn phòng của môt tổ chức thiện nguyện ở tận Old Town Đúng ngày hẹn, tôi đến đó.  Tạ ơn Chúa, Ngài dẫn tôi đi từng chặng đường trong sự quan phòng chu đáo với tình yêu của người Cha Từ Ái.  Tôi gặp được một người phụ nữ làm việc tại phòng tiếp tân.  Bà đưa tôi vào gặp một người “manager”ở đó.  Sau khi điền một số giấy tờ, tôi mới hiểu ra đây là văn phòng chuyên giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn về sự ngược đãi, hay nạn bạo hành hoặc thiên tai từ các quốc gia khác nhau, cần sự hướng dẫn giúp đỡ về di trú.  Ngoài ra, điều thú vị là tôi biết được ông chủ tịch của tổ chức này là một vị Mục sư Tin Lành.  Từ đó, tôi được bà Ann một luật sư dày dạn kinh nghiệm, Giám đốc của văn phòng C. C. law Center, một tổ chức thiện nguyện phỏng vấn.  Sau đó, một luật sư rất trẻ, Patrick gặp tôi để bắt đầu cho thủ tục giấy tờ, một hành trình đầy chông gai và phức tạp kéo dài nhiều năm sau đó.  Cũng từ ngày ấy, tình bạn giữa tôi và người luật sư trẻ tuổi kia trở nên thiết hữu.

  Một điều kỳ diệu khác, Chúa lại đem cho tôi một công việc làm tạm thời ngay tại văn phòng African Refugee Assistance, thông dịch cho những người Việt vừa đến Mỹ qua sự bảo trợ của văn phòng này. Mỗi giờ tôi có được hai chục đô-la, công việc nhẹ nhàng và phù hợp với khả năng của mình.  Cũng từ đó, tôi có cơ hội được làm việc với những người “social workers” (nhân viên xã hội) để tiếp xúc với cộng đồng người Việt có liên quan được vài năm.

 Một kinh nghiệm quý báu cho tôi là nhận biết sự hiện hữu của Đức Chúa Trời hầu như trong mọi nghịch cảnh, Chúa luôn đi cùng để mở đường và ban cho con cái của Ngài những điều tốt nhất.  Trong đôi mắt đức tin, mới nhìn thấy được bàn tay quyền năng, đầy thương xót của  Đức Chúa Trời, Ngài luôn quan phòng chăm sóc con cái của Ngài khi biết kính sợ và nhờ cậy nơi Ngài.

Trong thời Cựu Ước, khi Pha-ra-ôn đuổi theo dân Y-sơ-ra-ên vào đồng vắng:

Khi đến gần, dân Y-sơ-ra-ên ngước mắt lên thấy dân Ê-díp-tô đuổi theo, bèn lấy làm hãi hùng, kêu van Đức Giê-hô-va,” và trách móc Môi- se… “Môi se đáp cùng dân sự rằng: Chớ sợ chi, hãy ở đó, rồi ngày nay xem sự giải cứu Đức Giê-hô-va sẽ làm cho các ngươi; vì người Ê-díp-tô mà các ngươi ngó thấy ngày nay, thì chẳng bao giờ ngó thấy nữa.  Đức Giê-hô-va sẽ chiến cự cho, còn các ngươi cứ yên lặng.”
(Xuất 14: 13, 14)

           Tạ ơn Đức Chúa Trời, bởi sự thương xót và dìu dắt của Ngài, nên chúng tôi cứ một lòng ngày đêm cầu nguyện và trông mong sự giải cứu của Ngài.  Chúng tôi vâng theo lời phán hứa của Chúa, kiên nhẫn đợi chờ trong im lặng và rõ ràng Ngài đã chiến cự cho chúng tôi. 
          Theo yêu cầu của bà Ann và luật sư Patrick, đòi hỏi văn phòng luật, mà một người Việt làm trung gian trước đây phải trả lại số tiền hai nghìn đô-la không hợp lý mà họ đã nhận từ chúng tôi.  Nhưng không muốn phiền toái và thù hằn nhỏ nhen, chúng tôi đã không làm điều đó, xem như số tiền kia đã trả cho một cơn bịnh hoặc bị đánh cắp, thế thôi!
        
            “Tôi sẽ hết lòng cảm tạ Đức Giê-hô-va,
            “Tỏ ra các công việc lạ lùng của Ngài,
            “Hỡi Đấng Chí Cao, tôi sẽ vui vẻ, hớn hở nơi Ngài,
            “Và ca tụng danh của Ngài,
            “Khi kẻ thù nghịch tôi lùi bước,
            “Chúng nó vấp ngã và hư mất trước mặt Chúa
            “Vì Chúa bênh vực quyền lợi và duyên cớ tôi;
            “Chúa ngồi tòa mà đoán xét công bình.
            “Chúa đã quở trách các nước, hủy diệt kẻ ác,
             “Xóa sạch danh chúng nó đời đời.”
             (Thi Thiên 9: 1-5)

5. Lê Bằng Uyên Thi 

         Vào một ngày cuối Xuân, thời tiết San- Diego bắt đầu ấm áp. Đứa cháu ngoại đầu tiên chào đời.  Uyên Thi lọt lòng mẹ đã trở thành cô công dân Mỹ tí hon hợp pháp, chứ không phải vất vả như ông bà ngoại của nó.  Chúng tôi sống trong căn nhà thuê của một giáo sư thần học khá rách rưới nếu không nói là đổ nát.  Mùi thảm bốc lên ẩm mốc vì quá lâu năm mà không được thay.  Gió lồng vào mỗi đêm qua các ô cửa kính vỡ.   Từng mảng sơn trên tường bóc ra loang lổ rơi xuống sàn thường ngày.  Cả gia đình, sáu nhân khẩu mỗi sáng cứ phải chờ đợi nhau vì chỉ có một phòng vệ sinh!  Cuộc sống thật buồn tẻ và quá đơn sơ so với những tiện nghi mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng tôi trong những năm tháng còn ở quê nhà.


  Uyên Thi ra đời làm thay đổi cuộc sống chúng tôi.  Tiếng khóc tỉ tê của nó làm cho ông bà ngoại xót xa.  Từng đêm, nhà tôi thường thức giấc nửa khuya để thay tã và cho cháu bú sữa bình cũng như vỗ về khi nó khóc.  Mẹ của nó ban ngày vừa làm vừa học vất vả, nên cần giấc ngủ ban đêm. Mỗi ngày, chúng tôi thay phiên chăm sóc cháu.  Lòng tôi tràn ngập niềm vui khi được bế cháu trên tay và ru cho nó ngủ.  Tôi có dịp hát lại những bài hát ru con của mấy chục năm về trước.  Cả một quá khứ buồn đau trở về.   Một hình hài bé nhỏ trong tay tôi chính là hình ảnh của đứa con gái đầu lòng ba mươi năm về trước.  Uyên Thi và mẹ của nó chỉ khác nhau là ra đời trong hai xứ sở.  Uyên Thi may mắn hơn nhiều vì được hít thở bầu không khí tự do và được chu cấp đầy đủ mọi thứ.  Bên cạnh là những người thân yêu cùng máu mủ, ôm ấp trong những lời cầu xin và cảm tạ Chúa mỗi ngày.  Khác với mẹ nó vì không bao giờ thiếu sữa.  Không giống như mẹ nó, bà ngoại không phải tạo nên những tấm tã lót từ những áo quần cũ rồi đem may lại.  Mẹ của Thi ngày nay không phải tính toan từng bữa ăn, hay lo than củi như ông bà ngoại của   mấy chục năm về trước.
Thi ra đời trong sự phước hạnh đến từ sự quan phòng của Đức Chúa Trời.  Thi là niềm vui, sự an ủi, là món quà thiêng liêng mà Chúa đã ban cho gia đình chúng tôi.

Con chim nhỏ

Bài thơ ngoại viết hôm nay
Cho con ấp ủ sau này lớn lên
Đường đời gai gốc chông chênh
Ưu tư trĩu nặng, gập ghềnh thương đau
Lợi danh tiền bạc qua mau
Trần ai u uẩn một màu thê lương
Ra đời ngào ngạt mùi hương
Trăm năm chiếc lá bên đường thế thôi!
 Khóc than chi cũng đã rồi
Trần ai giũ sạch, bụi đời lìa xa
Cho nên khi sống phải là
Nhìn lên không thẹn, nhìn ra không buồn
Ru con mắt ngoại lệ tuôn
Cảm ơn Thượng Đế cho con ra đời
Tình yêu không nói nên lời
Thương con dào dạt đầy vơi trong lòng
Con là hạt ngọc xanh trong
Mùa xuân của ngoại, mùa thu của người
Mắt con biển lặng mù khơi
Dường như trong đó một trời yêu thương
Mai sau trên những chặng đường
Bài thơ của ngoại viết cho con vơi đầy…




 San- Diego 4/4/ 2005

          
  Tiễn cháu

 Buổi sáng tiễn con về nội
Chỉ đôi ngày, ngoại vẫn thấy xót xa
Nước mắt rưng rưng nào dám nói ra
Vì ngoại biết con thích ở nhà với ngoại

Tiếng khóc nỉ non lòng ai đau nhói
Thích thú những ngày ông cháu uống cà phê
Sáng hôm nay ngoại muốn quay về
Bởi thiếu con, cà-phê nhạt thếch!

Cháu dấu yêu, cuộc đời ông thấm mệt
Giữa quê người lạc lõng buồn xo!
Tháng ngày qua là chuỗi âu lo
Nào ai biết ngày mai ra sao nhỉ!



Đâu dễ chi tìm ra người tri kỷ
Đàn đứt dây rồi nào có bạn tri âm
Có nhiều khi ngoại giả điếc giả câm
Cho nhẹ bớt gánh nhân tình thế thái

Đường đời chông chênh làm ông lo mãi
Cơm áo gạo tiền, những thứ linh tinh
Nhìn lại trong gương đâu phải là mình!
      San -Diego 2006


 Ngày đêm trôi qua, Thi lớn lên theo năm tháng.  Tôi cõng cháu sau lưng mỗi sáng đi dạo chơi vì cha mẹ cháu bận đi làm.  Tôi có dịp mớm cơm, thay tã, và hát ru cháu ngủ những điệu dân ca. Khi mới ba tháng tuổi, Thi đã biết mếu máo khóc theo khi nhìn thấy ông ngoại khóc, đã biết cười khi nhìn thấy bà ngoại cười. Càng lớn, Thi càng khôn ngoan và dạt dào xúc cảm.   Chúng tôi đã đem cháu đến nhà thờ và dâng lên cho Đức Chúa Trời.  Tôi cầu nguyện chúc phước cho cháu mỗi sáng trước khi đến trường, và thật phước hạnh khi được nắm bàn tay nhỏ bé của cháu bước song hành khi được đón cháu từ trường về nhà.  Tạ ơn Chúa!  Ngày nay tôi lại có dịp dạy cho cháu tiếng Việt và đọc cho cháu nghe về những truyện tích Kinh Thánh, cũng như học thuộc lòng những câu gốc.   Niềm ước ao của tôi, lớn lên Uyên Thi thuộc về Đức Chúa Trời trọn vẹn; noi gương ông bà ngoại mà phục sự Ngài.  Cầu xin sự cứu rỗi và mọi an lành đến với cuộc đời của cháu thương yêu!

 “Và từ khi còn thơ ấu đã biết Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ.”
(2 Timôthê 3: 15)

6. Nắng chiều

Tôi dậy thật sớm để bắt đầu ngày làm việc đầu tiên tại một tiệm bánh mì Quiznos Sub.  Tôi không dám nói điều này cho ai trong gia đình biết cả, ngoài đứa con gái thứ nhì của mình, vì hai cha con làm việc gần nhau trong cùng một khu mua sắm.


Thục Uyên đã có việc làm “part-time” tạm ổn.  Thời gian còn lại đến trường college.  Thu nhập cũng vừa đủ trang trải cho những chi tiêu cần thiết như tiền xăng, tiền sách và những món chi tiêu lặt vặt khác.   Còn tiền bảo hiểm xe hơi nhiều lúc Uyên phải nhờ sự đến sự trợ giúp của gia đình.  Đi ngang qua tiệm bánh mì, Uyên khẽ nhìn vào bên trong để xem thử ba của nó đang làm gi? Tôi đang tập xắt cà chua bằng chiếc máy xén sắc lẹm.  Ngày đầu làm việc, chủ chưa giao công việc gì khác hơn là công việc này và rửa thớt sau khi đã thái thịt.   Nói là rửa thớt, nhưng nó không đơn giản như cách rửa những cái thớt gỗ thông thường ở gia đình.  Đó là loại thớt bằng thép rất trơn tru nhưng vô cùng sắc bén, sơ ý một chút là đứt tay ngay.  Tôi cứ quần quật làm công việc của mình.  Từng giờ đi qua, tôi nhìn đồng hồ sao mà chậm quá!  Cái lưng của tôi dường như muốn gãy làm đôi vì tôi chưa quen với lao động chân tay.  Vả lại, đứng lâu từ giờ này qua giờ khác tôi không chịu nổi.  Người chủ là một người Pakistan có bộ râu quai nón, chân đi không bén gót.  Anh ta luôn luôn chạy chứ không phải đi.  Dường như đối với anh từng phút, từng giây vô cùng hiếm quí.  Anh nói với tôi bằng tiếng Anh khá chuẩn:

- Rửa thớt xong, anh vào trong kho chất mấy thùng cà chua lên kệ, sau đó dọn dẹp bàn phía trước, rồi ra đây tôi chỉ anh cách làm bánh mì.

- “Yes.” Tôi chỉ nói một lời“vâng” mà thôi.  Tôi không muốn nhìn sâu vào trong mắt người chủ vì không tìm thấy nét thiện cảm và cởi mở nào trên khuôn mặt khắc khổ của anh ta.  Tôi khệ nệ bưng từng thùng cà chua chất lên kệ một cách khó nhọc vì thùng nào thùng nấy nặng trì.  Đến hai giờ chiều, người chủ nói với tôi:

- Anh có được mười phút để ăn trưa.  Hôm nay anh không phải trả tiền vì bữa ăn đầu tiên, nhưng chỉ được lấy một phần ăn không quá ba mỹ kim.  Tôi cũng chỉ trả lời một tiếng “yes”và thêm hai từ “thank you!” Thay vì ăn trưa, tôi xuống phòng nhà kho trải các thùng giấy “cạt-tông” ra sàn nhà và nằm nghỉ lưng cho bớt mỏi.  Tôi bị gai cột sống từ nhiều năm qua.  Khi còn ở Việt Nam tôi đứng lớp suốt cả ngày, đêm nên cột sống bị vôi hóa.  Bây giờ sang Mỹ, tôi thử làm những công việc mà chưa khi nào hình dung trước đây.  Nằm dưới đất ung dung trong mười phút, tôi có dịp để chuyện trò với Chúa khi hồi tưởng về những chặng đường đã qua và nuối tiếc khôn nguôi.  Hồi tưởng quá khứ không phải để so sánh với những gì đang đối mặt, nhưng chỉ để tâm hồn mình bay bổng và quên bớt đi nỗi nhọc nhằn của hiện tại.  Tôi tự an ủi rằng sự vinh quang nào cũng phải có cái gía của nó.  Vinh quang không đến từ những gian truân hay nước mắt thì chẳng có gì để cảm thấy giá trị.  Vả lại, trên hành trình theo Chúa không phải chỉ có hoa thơm cỏ lạ, nhưng “mỗi người phải vác thập tự giá mà theo Ngài.”  Có điều tôi không tránh khỏi bùi ngùi khi nghĩ đến quá khứ.  Năm tháng đi qua không biết bao nhiêu là những khổ đau và tủi nhục: từ những ngày ấu thơ, đến khi trưởng thành và mãi đến sau ngày lập gia đình cũng vậy.  Tôi ngỡ tưởng rằng cái quá khư khổ đau kia đã kết thúc vĩnh viễn, bởi vì Chúa đã giải thóat cho chúng tôi từ lâu lắm rồi.

 Cuộc sống thay đổi từ khi rời khỏi quê hương, từ bỏ công việc giảng dạy ổn định từ các trung tâm ngoại ngữ của mình.  Với nguồn thu nhập cao, tiền bạc thoải mái có thể nói dư thừa, cho nên cuộc sống sung túc.  Nhưng giờ đây, thực tế cái khổ vẫn cứ đeo đuổi bên mình.  Tôi không thể “ăn không ngồi rồi,” cứ mãi làm người sống nhờ vợ con.  Lòng tự trọng và bản tính tự lập không cho phép tôi ngồi yên một chỗ.  Tôi muốn được làm một người đàn ông đúng nghĩa.  Tiếng người chủ vang lên cắt đứt dòng suy tư của mình:

- Anh lên đây tập nướng bánh mì đi!
- Yes, không hiểu sao, tôi chẳng muốn noí thêm lời nào.
Mùi “pa-tê” cùng với những thứ gia vị đun nóng trên cái vỉ tự động lần lượt đi qua, tôi phải tập gắp thật lẹ tay mới kịp. Hơi ngượng ngùng khi trao bánh mì cho khách vì tôi chưa bao giờ làm công việc này trong đời.  Bỗng, Uyên xuất hiện trước mặt tôi, nói khẽ vừa đủ nghe:

- Làm được không ba? Con về trước đây, lát nữa nói chuyện. Tôi nhìn theo dáng con gái,  trông nó cũng bơ phờ và mệt mỏi. Áo quần Uyên thốc thếch, chậm rãi bước đi trên vỉa phố.

Tôi nhìn đồng hồ, chỉ còn mười lăm phút nữa là tôi làm được sáu tiếng. Tôi sẽ có được khoảng ba chục Mỹ kim.  Số tiền này đối với tôi rất ý nghĩa vì đó là những gì tôi đã chịu đựng sự khó nhọc, kiên nhẫn và can đảm để vượt lên mặc cảm của mình.  Bước ra khỏi quán, tôi đi khệnh khạng như người say vì cái lưng nhức nhối.   Dừng chân bên tam cấp của vỉa hè, tập vội vã một vài động tác thể dục giảm đau rồi tôi thư thả về nhà.

Khi còn ở Việt Nam, tôi không thể nào hình dung được giữa cái xứ sở “đượm sữa và mật” này vẫn còn có nhiều người nghèo khổ.  Đâu đó, trên những con đường hay góc phố vẫn có những người vô gia cư mà tiếng Anh thường gọi là “homeless.” Họ mặc những bộ áo quần đen đúa, lôi thôi, tóc rối bù không chải.  Có người chỉ sống với cái gia tài duy nhất, “căn nhà đi động” là chiếc xe đi chợ “shopping cart” ngổn ngang với bao thứ lỉnh kỉnh, đẩy đi khắp nơi.  Khác với những gì tôi tưởng, không phải chín mươi phần trăm người tin Chúa!  Ngược lại, con số đó rất ít.  Nhiều người biết Chúa Jê-sus, nhưng số người thờ phượng Ngài không nhiều.   

     Tôi cảm ơn Chúa khi nhìn lại bản thân mình, thực sự tôi không đủ lời tạ ơn Chúa.  Điều cực nhọc lần này là do chính tôi chạy trước ý Chúa.  Còn cuộc sống hiện tại, những khó khăn chỉ là tạm thời, bình thường như bao người khác khi chân ướt chân ráo đến xử sở này.   

Nắng chiều nhợt nhạt trên bầu trời San-diego.  Xe cộ chen chúc nhau bon bon trên đường.  Một làn gió thật khẽ mang cái lạnh từ biển tràn vào; nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy ấm áp bởi tình yêu của Chúa Jê-sus.  Chiều hôm ấy, tôi đem ổ bánh mì kẹp thịt của bữa trưa không ăn về nhà và để dành cho đứa con trai út, vì nó thích loại thức ăn này.  Tôi bước vào phòng nằm nghỉ cho cái lưng đỡ mỏi.  Tôi lật Kinh Thánh ra và đọc lại lời Chúa trong Cựu Ước:

   “Vả, Đức Giê-hô-va có phán cùng Áp-ram rằng:  Ngươi hãy ra khỏi quê hương, vòng bà con và nhà cha ngươi, mà đi đến xứ ta chỉ cho.  Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước.  Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phước.”
 (Sáng- Thế- Ký 12: 1, 2)

Đức Chúa Trời phán cùng Gia-cốp trong chiêm bao khi ông từ Bê-e-sê-ba đi đến Cha-ran và ngủ đêm tại đó:

     “ …Này ta ở cùng ngươi, ngươi đi đâu, ta sẽ theo gìn giữ đó, và đem ngươi về xứ này; vì ta không bao giờ bỏ ngươi cho đến khi ta làm xong những điều ta đã hứa cùng ngươi.”
  (Sáng- Thế- Ký 28: 15)

   Một tuần trôi qua, tôi phải cố dậy sớm hơn ngày thường để chuẩn bị đi làm.  Công việc có phần trôi chảy hơn vì tôi đã quen với nó.  Thế nhưng, vào giờ ăn trưa, người chủ bỗng mời tôi ra bên ngoài sân.  Nhìn vào mắt anh ta, tôi đã đoán được điều gì:
- Tôi biết anh không mấy thích hợp với công việc này.  Từ hôm nay, anh không phải nướng bánh và rửa thớt nữa.  Mỗi ngày, tôi chỉ cần anh hai giờ lau kính, và chùi bàn ghế.  Làm xong, phụ bưng các thùng cà chua và thịt nguội để vào trong nhà bếp và trong tủ lạnh.  Tôi trả anh mỗi ngày hai mươi Mỹ kim, được không?

Như biết trước điều này, tôi thản nhiên:

- Vâng, cảm ơn, để tôi suy nghĩ và trả lời vào ngày mai.

Sáng sớm hôm sau, tôi đến tiệm và trả lời không làm nữa.  Tôi có những lý do riêng của mình, thứ nhất là tôi không dại gì để người ta bóc lột công sức với đồng lương bọt bèo như vậy. Thứ hai là gia đình tôi chưa đến nổi cần tôi phải đi làm vào lúc này.  Suy cho cùng, tôi đã vấp phạm một lỡ lầm rất lớn với Chúa, là tôi đã bước đi trong ý riêng của mình; tự ý xin làm công việc không phù hợp mà không cầu hỏi ý của Ngài.  Tôi ăn năn và xin Chúa tha thứ.   


Người chủ quán lầm lì, anh ta nói không hề hở môi:

- Tôi rất tiếc, tôi muốn giữ anh ở đây, nhưng biết làm sao! Tháng sau trở lại đây nhận lương vì còn chờ sổ sách từ trên Los.

Tôi không nói thêm lời nào, cũng chẳng hỏi thêm một tiếng tại sao không trả lương hôm nay mà phải chờ đến tận tháng sau.  Rồi, tháng sau lại đến, tôi đến nhận lương thì mới biết rằng anh ta đã trừ đi bốn mươi phần trăm tiền thuế, trong khi anh ta thuê tôi không có hợp đồng, cũng chẳng có mảnh giấy lộn, có nghĩa là anh ta không phải trả đồng thuế nào cho tôi cả.  Tôi chợt hiểu ra một điều rất bình thường:  Nơi đâu cũng có những con người sống bằng những mánh khóe và thủ đoạn.  Nơi đâu cũng có những người lường gạt và gian giảo! Chiên của Chúa không phải hoàn tòan tự do gặm cỏ trên cánh đồng xanh tươi bát bát của chủ mình, nhưng cần phải có sự khôn ngoan để chiến đấu với bầy muôn sói hay cắn xé.  Đừng vội cho rằng đất nước nào đó là thiêng đàng mà không có địa ngục.  Vì vậy, con cái Chúa cần phải nhận biết một điều là chúng ta đang sống trong thế giới tạm bợ không mấy tốt đẹp.  Chỉ khi nào Chúa Jê-sus trở lại, chúng ta mới thực sự hoàn toàn vui hưởng cuộc sống thiên đàng phước hạnh.  Điều cần nhất là xin Chúa ban cho chúng ta sự khôn ngoan, để tránh những cạm bẫy và sự lừa phỉnh của thế giới mờ tối  này.

       “Cha ta có dạy ta rằng:
       “Lòng con khá gìn giữ các lời ta;
       “Hãy gìn giữ mạng lịnh ta, thì con sẽ được sống.
       “Khá cầu lấy sự khôn ngoan, khá cầu lấy sự thông sáng
       “Chớ quên, chớ xây bỏ các lời của miệng ta;
       “Đừng lìa bỏ sự khôn ngoan, ắt người sẽ gìn giữ con;
       “Hãy yêu mến người thì người sẽ phù hộ con
       “Sự khôn ngoan là điều cần nhứt;
       “Vậy khá cầu lấy sự khôn ngoan.”
        (Châm ngôn 4: 4-7)

Tôi cười buồn và thản nhiên bước ra khỏi quán.  Từ trong sâu thẳm của lòng, tôi muốn nói với anh chủ quán điều gì đó về Chúa Jê-sus.  Nhưng, cảm thấy hơi khó vì anh ta không có một chút thời gian nào để nói chuyện.  Biết vậy, nên tôi chỉ thầm cầu nguyện cho anh với hy vọng ngày nào đó, anh ta có thể gặp được Chúa và chính Ngài sẽ thay đổi cuộc đời tất bật ấy!

Giữa thế giới bon chen, tiền bạc là nhu cầu khẩn thiết của cuộc sống thì làm sao người ta còn có có thì giờ để nghĩ đến linh hồn!  Tối hôm đó, tôi dự định sẽ mời vợ con của mình đi một nhà hàng buffet nào đó, ăn một bữa thật ngon để quên đi những điều không cần phải nhớ.  Tôi băng qua bên kia đường, bước vào một quán coffee vừa mới khai trương.  Ngồi thả hồn bay bổng đôi chút cho khuây khỏa, tôi cảm ơn Chúa vì cảm thấy mình vô cùng phước hạnh. Tôi đang được sống trong thế giới bé nhỏ của những người tin kính Chúa; mà trong đó có những con người biết yêu thương và đoái tưởng đến nhau.  Còn niềm vui và sự bình an nào hơn khi biết chắc có một Đức Chúa Trời Toàn Năng, Toàn Tri và đầy lòng thương xót đang bước đi bên cạnh cuộc đời mình!

“Dầu tôi đi trong trũng bóng chết,
“Tôi sẽ chẳng sợ tai hoạ nào, vì Chúa ở cùng tôi: Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.
“Chúa dọn bàn cho tôi
“Trước mặt kẻ thù nghịch tôi; Chúa xức dầu cho tôi; chén tôi đầy tràn.
“Quả thật, trọn đời tôi
“Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi;
“Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va
“Cho đến lâu dài.”
 (Thi Thiên 23: 1-6)

7.  Một Nửa Trái Tim

        Từ ngày em gái tôi về với Chúa, những đứa con của cô khó khăn hơn nhiều.  Khi chúng tôi còn ở Việt Nam, cô và gia đình có chỗ dựa. Bây giờ sáu đứa cháu mồ côi cha lẫn mẹ, sống nheo nhóc không người giúp đỡ và hướng dẫn.  Tất cả đều thôi học, chỉ còn đứa nhỏ nhất tiếp tục đến trường.  Đứa thứ nhì vội vàng kết hôn và sinh sống tại căn nhà của tôi trước đây làm trường học. Đứa thứ ba đi làm thợ sắt, đứa áp út đi học nghề sơn vôi.  Cái lo nghĩ lớn của tôi là không còn gần gũi để dìu dắt đời sống đức tin cho các cháu.  Tuy có tên trong Hội Thánh, nhưng thật ra có lẽ hầu hết các cháu chưa thật sự gặp Chúa. Chúng đến nhà thờ cho có lệ, còn trong lòng thì trống không!  Buổi chiều sau khi làm về vẫn là bạn của “rượu đế.” Đứa đầu, phái nữ còn độc thân, đức tin khá hơn vì nó được chung sống với gia đình chúng tôi trong suốt thời gian dài, từ khi còn nhỏ tuổi.


Chính vì vậy, ở bên “ni” bờ đại dương nhưng một nửa trái tim của tôi vẫn còn lo nghĩ cho những đứa cháu “cù bất cù bơ”bên ấy.  Mỗi khi đi chia sẻ Lời Chúa, Hội Thánh có gửi chút quà cho xăng nhớt, tôi để dành và gửi về cho các cháu.  Tôi không làm gì ra tiền nhiều, nên mỗi dịp Tết đến, xuân về thì lòng quặn thắt vì biết rằng những đứa cháu của mình ở Việt Nam đang mong đợi và ngó chừng tin vui từ ông cậu.  Thế rồi, tôi nghe theo lời đề nghị của một người bạn đứng tuổi đến Long Beach làm “cashier” trong một tiệm tóc và nail.  Đây là nơi khó có thể diễn tả hết bằng ngôn ngữ vì tính chất phức tạp của nó.  Môi trường này cũng là đặc trưng về cách  làm ăn sinh sống khá phổ biến của những người phụ nữ Việt khi đến Hoa Kỳ.

Suốt ngày bên tai tôi nghe tiếng chửi rủa, tranh giành, cãi cọ giữa đồng nghiệp với nhau.  Bên cạnh đó còn phải đương đầu với những khách hàng vốn khó tính hoặc kỳ thị!  Tạ ơn Đức Chúa Trời, tuy Ngài để tôi sống giữa môi trường ngột ngạt ấy, nhưng tôi có được sự thương yêu và giúp đỡ của anh chị chủ tiệm. Anh chị là những người cùng quê hương, quen thân với gia đình chúng tôi từ trước. Anh và tôi đã từng trải qua bao kỷ niệm của những lần vượt biên với nhau. Có lẽ nhớ đến những ân tình ngày trước, nên anh chị đối xử với tôi rất tử tế.  Tôi rất vui mừng dâng lời tạ ơn Chúa vì có cơ hội tiếp trợ tiền bạc cho những đứa cháu ở quê nhà, cũng như một ít bà con họ hàng bên ấy.

  Tuy nhiên, lòng tôi vẫn trĩu nặng với với bao khắc khoải, ước mong được tiếp tục đến trường để bước theo tiếng gọi của Đức Chúa Trời.  Chờ đợi Ngài quá lâu, nên nhiều lúc tôi phân vân tự hỏi không biết có phải thực sự Chúa kêu gọi mình học lời Chúa để trở nên tôi tớ của Ngài chăng? Tôi thường qùy gối trong những đêm khuya khoắt khi mọi người đã ngủ. Tôi cầu xin: Lạy Chúa Jê-sus của con! Xin Ngài cho con biết rõ là Ngài có muốn con tiếp tục học thần học không?  Ngài có muốn sự dụng con trong chương trình rao báo Phúc Âm để cứu những người lạc mất không? Nếu có, thì Chúa ôi! Xin Ngài cho con một dấu hiệu rõ ràng, để con biết được ý định của Ngài trên đời sống của con. Từ nay cho đến hết tháng năm, nếu Chúa muốn con tiếp tục học Lời Chúa, thì xin Ngài cho con một học bổng từ 25- 50 % ở bất cứ một trường thần học nào đó.  Nếu không, thì con sẽ từ bỏ cái ước mơ này…”

Thế rồi, vào một buổi trưa, tôi nhận được điện thoại của một người bạn cho tôi biết rằng tôi sẽ được xét cấp học bổng 50% nếu ghi danh vào trường thần học, nơi mà cô đang phụ việc văn phòng.  Cô cũng đang học lời Chúa ở trường thần học khác.  Cô là bạn của gia đình chúng tôi khi còn ở Đà Nẵng. Chúng tôi cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.  Khi ấy cô là giáo viên trong trung tâm ngoại ngữ, mà tôi là giám đốc điều hành. Cô hỏi tôi đang làm gì và có muốn tiếp tục học Lời Chúa Không? Tôi trả lời nếu Chúa cho tôi học bổng đúng như lời cầu xin.  Thế rồi, một vài ngày sau đó, tôi nhận được tin chính thức từ cô cho biết rằng, tôi sẽ có một học bổng 75% nếu tôi ghi danh ở Viện Thần- Học Tin- Lành Việt- Nam.  Ngợi khen Chúa, lúc nào Ngài cũng ban cho nhiều hơn điều tôi mong ước.

Vui mừng khôn xiết, dường như đâu đó trong cõi lòng mình có tiếng suối reo, chim hót.  Tôi  bước ra bên ngoài dưới một gốc cây có bóng mát, ngẩng mặt lên trời để dâng lời cảm tạ Chúa về sự đáp lời của Ngài. Thế là cái hoài bão chắc chắn sẽ được thực hiện.  Quả thật, như là một giấc mơ!  Tôi đã từng mong mỏi được học trong một trường thần học chỉ cách xa nơi ở chỉ cần đi bộ năm phút.  Bây giờ, Chúa lại ban cho thuận lợi ngoài suy tưởng của mình.  Trường thần học ở trong nhà, giáo sư, bạn bè, thư viện ở trong phòng.  Tôi được thoải mái trong giờ giấc thích hợp để vào lớp, được học hỏi giao lưu với các đầy tớ Chúa và con cái của Ngài trên toàn thế giới, được tiếp xúc với nhiều lứa tuổi khác nhau bằng ngôn mẹ đẻ của mình.“Chúa ôi! Còn phước hạnh nào hơn nữa đây? Con không đủ lời cám ơn Ngài!”


     Ánh nắng bỗng dịu xuống bởi những đám mây lang thang che khuất mặt trời, như báo hiệu những ngày hè oi ả sắp đến.  Tôi không quan tâm đến thời tiết nóng hay lạnh, bởi vì lòng tôi đang có nhiều thay đổi. Dù dông bão gió mưa của miền cực bắc hay khí hậu nóng bỏng của sa mạc Arizona cũng không thể làm cho lòng tôi lay động; vì có Chúa Jê-sus đang ở cùng.

    Bây giờ trái tim tôi không phải chỉ dành cho Đức Chúa Trời một nửa, mà cả hai.  Tất cả cho Ngài và trọn vẹn.  Ngợi khen Ba Ngôi Đức Chúa Trời!

“Hỡi những kẻ nào khát, hãy đến suối nước! Và người nào không có tiền bạc, hãy đến mua mà ăn! Hãy đến mua rượu và sữa mà không cần tiền, không đòi giá.  Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh?  Sao các ngươi đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no?  Hãy chăm chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon và cho linh hồn các ngươi vui thích trong của béo.  Hãy nghiêng tai và đến cùng ta thì linh hồn các ngươi được sống.”
(Ê-sai 55: 1-3)


8. Đường Lối Đức Giê-hô-va

“Đức Giê-hô-va phán: Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối các ngươi.”
                                                (Êsai 55: 7)

 Tôi được biết, đài phát thanh Tiếng Nước Tôi San-Diego cần người làm văn phòng. Nghe như vậy, tôi đến xin việc và được nhận làm công việc tiếp xúc với thính giả, khách hàng mua bán các sản phẩm của đài, cũng như thực hiện các ‘talkshow’quảng cáo kinh doanh.  Tôi biết ơn Chúa vì đã được nhận vào Viện thần học, cho dù phải học lại từ đầu, nhưng điều đó rất ích lợi vì có thể bù đắp vào những khoảng khuyết thiếu trước đây.  Bây giờ có công việc làm là điều rất thuận lợi, vì tôi có thể tự trang trải những nhu cầu cho bản thân và có thể gửi tiền về giúp đỡ cho mấy cháu.  Tuy nhiên, công việc không có gì khó khăn, nhưng phải nói là uổng phí khả năng và ân tứ mà Chúa ban cho tôi.  Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao mình lại vào đây? 

 Gần một năm trôi qua, tuy có lương nhưng trong lòng lại buồn vì cảm thấy công việc bắt đầu nhàm chán.  Vả lại, đài phát thanh có chương trình giao lưu với thính giả, cho nên họ thường xuyên gọi vào với những chủ đề “một nghìn lẻ một” câu chuyện khác nhau, ý tưởng trái nhau. Nhiều khi tôi không thể chịu nổi những lời phê phán khiếm nhã “lên mặt dạy đời” hoặc giọng ông chủ bà chủ khó tính; và cũng có lúc đe doạ đầy thô lỗ! Họ không chỉ trích gì cá nhân tôi vì công việc của tôi không đụng chạm đến thính giả.  Họ phê bình góp ý kỹ thuật, giờ giấc hay những chi tiết khác liên quan đến tổ chức, hoạt động của đài.  Nhưng, tôi là người trực tiếp nhận điện thoại nên hầu như gánh chịu tất cả.  Đài phát thanh ở đây chẳng khác gì “làm dâu trăm họ” cho mọi người, mọi tầng lớp khác nhau vì lợi tức đến từ nơi thính giả.

Nhìn qua ô cửa bên trong, đứa con trai út của tôi phụ trách kỹ thuật máy móc.  Cháu làm việc nửa ngày, còn nửa ngày đi học.  Tôi mỉm cười, và không hiểu lý do vì sao Chúa lại cho hai cha con cùng làm một chỗ, lại là chỗ này mà không phải chỗ khác?  Phước đã làm việc ở đây trước tôi nhiều tháng, nhưng khi tôi vào người ta lại cho cháu thôi việc! Lòng tôi buồn bã vì thương cho thằng bé mới mười bảy tuổi đã bị hụt hẫng khi mất việc làm.  Tôi hỏi ý anh trưởng đài, tôi muốn nghỉ việc để xin cho con mình được ở lại.  Nhưng mục đích của họ là tìm một người có thể đảm đang được mọi việc trong đài, thay vì phải trả lương hai nhân viên. Trong khi đó, Phước chỉ có thể làm nửa ngày nên họ từ chối.  Từ ngày Phước thôi việc, nhìn vào bên trong tôi cảm thấy trống vắng lạ thường! Trong lòng buồn rũ rượi vì thấy thương thằng bé quá!
Nhưng rồi một ngày kia đến phiên tôi, người chủ tịch của đài gọi tôi lên nơi anh ấy làm việc.  Tôi cũng đoán trước được việc gì vì nhìn thấy anh trưởng đài vừa lên phòng của anh ấy rất lâu. Anh ấy viện một lý do về tài chánh, bảo rằng đài phải thu được sáu nghìn đô-la mỗi tháng từ chỗ văn phòng tôi mới đủ trang trải những chi phí.  Tôi biết đó chỉ là cái cớ. Đàng sau cái yêu cầu thách thức ấy, thì chỉ có Đức Chúa Trời mới nhìn thấy hết bên trong lòng dạ của con người!

 Rốt cuộc, giống như con trai, tôi cũng phải rời nơi đó.  Tuy nhiên, với con mắt loài người có thể cho rằng tôi bị thôi việc. Nhưng, với kế hoạch của Đức Chúa Trời thì không phải như vậy.  Ngài có chương trình cho tôi.  Tôi có buồn, nhưng tự nhủ, “ở xứ Hoa Kỳ này, làm việc và thôi việc là chuyện thường tình.  Nếu mình cứ mãi sống với những cảm xúc, thì chỉ có rước khổ vào thân.” Nhớ đến Lời Chúa và tuyệt đối tin tưởng vào đường lối của Đức Chúa Trời, “mắt ta hằng dẫn dắt ngươi,” cho nên tôi vẫn bình yên chở đợi ý định của Ngài.

   “Các con trai của những kẻ ức hiếp ngươi sẽ cúi đầu đến cùng ngươi; mọi kẻ vốn khinh dể ngươi sẽ quì lạy nơi bàn chân ngươi.  Ngươi sẽ được xưng là thành của Đức Giê-hô-va, là Si-ôn của Đấng Thánh Y-sơ-ra-ên…Đức Giê-hô-va sẽ làm sự sáng đời đời cho ngươi, Đức Chúa Trời ngươi sẽ làm vinh quang cho ngươi.  Mặt trời của ngươi không lặn nữa; mặt trăng chẳng còn khuyết, vì Đức Giê-hô-va sẽ là sự sáng đời đời cho ngươi, những ngày sầu thảm của ngươi đã hết rồi.”
                                           (Ê-sai 60: 14, 19b, 20)

Chưa đầy một tháng sau, gia đình chúng tôi nhận được khải tượng từ nơi Chúa, “Hãy truyền bá Phúc Âm qua làn sóng radio!”  Thế là chúng tôi bắt tay ngay vào công việc.  Tôi lo soạn chương trình hằng tuần, nhà tôi cộng tác với tôi trong vai trò xướng ngôn viên. Con trai tôi, Phước lo phần kỹ thuật.  Tất cả công việc này, chúng tôi thực hiện tại nhà riêng, qua hệ thống internet. Sau khi thu xong vào mỗi tối thứ tư, Phước “e-dit,” lồng nhạc và chuyển vào đài qua một kỹ thuật do đài cung cấp từ trước. Vậy là chương trình phát thanh Tiếng Nói Phúc Âm và Đời Sống được phát đi vào mỗi tối Chúa nhật từ 7:30 đến 8:PM trên làn sóng phát thanh của “Tiếng Nước Tôi San-diego;” chính là nơi mà Chúa đã đặt hai cha con chúng tôi vào làm việc trước đó.  Ngợi khen Đức Chúa Trời! Ngài là Đấng Lạ lùng; là Cha Toàn năng; là Đấng Chí cao, Chí đại; là Cha Đời đời; là Chúa Bình an của chúng ta!

  Tạ ơn Chúa chương trình phát thanh kéo dài được ba năm; khi quỹ tiết kiệm của gia đình dành cho chương trình này đã cạn.  Tuy nhiên, kết quả là nhiều đồng hương được nghe về Chúa Jê-sus và sự cứu rỗi của Ngài. Qua làn sóng phát thanh, cũng có một số người gọi đến bày tỏ sự ăn năn, khóc lóc nức nở khi Lời Chúa chạm vào đời sống của họ.  Qua chương trình này, Chúa cảm động những tôi tớ Chúa trong Giáo-Hạt Báp -Tít Liên- Hiệp Việt-Nam, họ yêu cầu tôi đáp ứng một số giấy tờ cần thiết, và một buổi lễ trọng thể đã diễn ra tại Hội Thánh Niềm-Tin San -Diego. Tôi được những vị mục sư Mỹ-Việt lãnh đạo đặt tay cầu nguyện xin Chúa xức dầu; để đi ra gầy dựng một Hội Thánh mới tại thành phố Mira Mesa.  Từ đó, tại San- Diego có một Hội Thánh Việt Nam mang tên Mira Mesa Vietnamese Baptist Church.

  Đó là con đường mà Đức Chúa Trời đã sắm sửa, đưa tôi vào sự bắt đầu dấn thân hầu việc Chúa trọn thời gian.  Đó cũng là phần thưởng lớn cho gia đình chúng tôi được bù đắp sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm.  Riêng Thiên Phước, con trai út của tôi, Chúa lại ban cho một công việc khác, sửa máy computer cho một tiệm buôn bán và sửa chữa. Tiền lương của cháu kiếm được gấp ba lần so với đài phát thanh trước đây.  Công việc này là cơ hội giúp cháu phát triển thêm năng khiếu của mình.  Ha-lê-lu-gia, Ngợi khen Chúa!

   “Hãy dấy lên và sáng lòe ra! Vì sự sáng ngươi đã đến, và vinh quang Đức Giê-hô-va đã mọc lên trên ngươi. Này, sự tối tăm vây phủ đất, sự u ám bao bọc các dân; song Đức Giê-hô-va dấy lên trên ngươi, vinh quang Ngài tỏ rạng trên ngươi.  Các dân tộc sẽ đến nơi sự sáng ngươi, các vua sẽ đến nơi sự chói sáng đã mọc lên trên ngươi.
  Hãy ngước mắt lên xung quanh ngươi, và nhìn xem: họ nhóm lại hết thảy, và đến cùng ngươi.  Con trai ngươi đến từ xa, con gái ngươi sẽ được bồng ẳm trong cánh tay.

Bấy giờ ngươi sẽ thấy và được chói sáng, lòng ngươi vừa rung động vừa nở nang, vì sự dư dật dưới biển sẽ đến cùng ngươi, sự giàu có các nước sẽ đến với ngươi.”
                                                  (Ê-sai 60: 1-5)


Pastor Peter Le Van