Nói đến sự cầu nguyện của người mẹ thì phải kể đến An-ne. Bà là người mẹ cầu nguyện tiêu biểu, xuất sắc trong Cựu ước. Bởi qua sự cầu nguyện của bà, nan đề cá nhân được giải quyết, Nhà của Đức Chúa Trời được củng cố và quốc gia Y-sơ-ra-ên được vững mạnh. Tấm gương cầu nguyện của An-ne luôn là câu chuyện hấp dẫn, là nguồn cổ vũ lớn lao, đồng thời là sự khích lệ cho con dân Chúa trải các thời đại.
1. SỰ CẦU NGUYỆN GIẢI QUYẾT NAN ĐỀ TRONG GIA ĐÌNH
Theo sách Sa-mu-ên thứ nhất chương một, bối cảnh sống của bà An-ne thật đáng buồn. Đây là một bức tranh tối màu với nan đề vô sinh, không con cái của bà. Nỗi khổ không con cùng với sự trêu chọc tàn nhẫn của Phê-ni-na đã đẩy An-ne đến với Đức Chúa Trời qua sự cầu nguyện. Chính sự cầu nguyện khẩn thiết và tuôn tràn giọt lệ tại Đền tạm Si-lô của An-ne, cùng lời hứa nguyện (I Sam 1: 10 – 11) đã khiến Đức Chúa Trời đoái thăm ban cho bà một người con trai. Sự xuất hiện của Sa-mu-ên là kết quả, là phần thưởng xứng đáng cho người mẹ biết nhờ cậy Đức Chúa Trời. Chính qua sự cầu nguyện và chỉ qua sự cầu nguyện, Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng đã giải quyết nan đề của cá nhân An-ne cũng chính là nan đề của cả gia đình bà. Ở đây, sự cầu nguyện của người mẹ chính là phương cách tối ưu để giải quyết những nan đề cá nhân, cũng là chìa khóa để mở ra các phước hạnh vô đối của Đức Chúa Trời.
2. SỰ CẦU NGUYỆN LÀ GIẢI PHÁP PHỤC HƯNG NHÀ CHÚA
Phước hạnh đến qua sự cầu nguyện của An-ne không dừng lại ở chỗ đó. Bối cảnh tôn giáo của dân Y-sơ-ra-ên lúc ấy thật bi đát khi “Lời của Đức Giê-hô-va lấy làm hiếm hoi và sự hiện thấy chẳng năng có” (I Sam 3: 1). Hơn nữa thầy tế lễ Hê-li đã cao tuổi, còn hai người con trai của ông là Hóp-ni và Phi-nê-a lại là kẻ bội đạo, gian ác và tham nhũng. Chính nếp sống bê tha của họ đã khiến dân Y-sơ-ra-ên “khinh bỉ các của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va” (I Sam 2: 17), khiến xói mòn lòng tin của dân chúng và đẩy bầu không khí tôn giáo đến bờ vực tăm tối…
Khi ấy, An-ne không chỉ cầu nguyện cho nan đề của bản thân mà còn hứa nguyện dâng con mình cho Đức Chúa Trời. Đây cũng chính là nhu cầu cấp thiết của Nhà Chúa. Do Sa-mu-ên đã được hứa dâng cho Đức Chúa Trời, vì vậy ông đã phục vụ trong đền tạm từ khi còn thơ ấu để làm người Na-xi-rê cho Đức Chúa Trời. Đặc biệt sau khi thầy tế lễ Hê-li và hai con trai ông qua đời, tiên tri Sa-mu-ên đã trở nên Quan xét cai trị trên cả Y-sơ-ra-ên. Mỗi năm ông đã tuần hành khắp Bê-tên, Ghinh-ganh, Mích-ba để đoán xét trên cả dân Y-sơ-ra-ên. Chính sự xuất hiện của ông trên diễn đàn tôn giáo đã tạo nên cuộc phục hưng ngoài mong đợi cho dân Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ. Một người mẹ cầu nguyện đã sản sinh một người con cầu nguyện. Cuộc phục hưng trong đời của tiên tri Sa-mu-ên bắt nguồn từ sự cầu nguyên của một người mẹ.
3. SỰ CẦU NGUYỆN CHUẨN BỊ NHÀ LÃNH ĐẠO QUỐC GIA
Sự nghiệp của tiên tri Sa-mu-ên không dừng tại đó, là một Quan xét, ông chính là nhà lãnh đạo quốc gia của Y-sơ-ra-ên trong những giờ phút nhiễu nhương. Vượt trên những ảnh hưởng tôn giáo, Sa-mu-ên còn là nhà cai trị để giải cứu dân sự của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết rằng, khi quân Phi-li-tin kéo đến, tiên tri Sa-mu-ên cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và Ngài đã khiến sấm sét nổ vang làm cho kẻ thù thua trận (I Sam 7: 10). Hơn nữa, Kinh Thánh còn ký thuật: “Trọn đời Sa-mu-ên, tay Đức Giê-hô-va nhận trên dân Phi-li-tin” (I Sam 7: 13). Câu này trong nguyên văn có nghĩa là: tay Đức Giê-hô-va “ở trên” dân Phi-li-tin. Quyền năng của Chúa đã đè nặng, hạn chế, chống lại kẻ thù.
Chức vụ của tiên tri Sa-mu-ên còn mang ý nghĩa lớn hơn khi ông chính là vị tiên tri thay đổi thời đại. Sa-mu-ên đã chính thức khép lại thời kỳ Các Quan xét để khai sinh thời đại Vương quốc. Chính tiên tri Sa-mu-ên đã xức dầu cho Sau-lơ và Đa-vít làm vua, ông cũng là người đặt nền móng cho chế độ quân chủ của quốc gia Y-sơ-ra-ên non trẻ. Cuộc đời và sự nghiệp của tiên tri Sa-mu-ên, vị Quan xét đầy quyền năng đến từ sự cầu nguyện của một người mẹ.
KẾT LUẬN
Cầu nguyện là bí quyết để giải quyết các nan đề trong cuộc sống, là chìa khóa mở ra các cánh cửa phước hạnh, là phương cách phục hưng Nhà Chúa, là sự chuẩn bị nhà lãnh đạo tương lai. Đời sống Cơ đốc nhân không thể thiếu sự cầu nguyện. Cầu nguyện chính là bí quyết để sống còn, cầu nguyện là sức mạnh, cầu nguyện tạo nên ảnh hưởng và đem đến kết quả trong cuộc đời hầu việc Chúa của mỗi người mà chính tấm gương làm mẹ của bà An-ne là minh chứng hùng hồn nhất. Ước mong gương mẫu người mẹ cầu nguyện sẽ càng được nhân rộng ra trong Hội Thánh khắp nơi. Bởi vì nơi nào có một người mẹ cầu nguyện, nơi đó Đức Chúa Trời đang thi hành quyền năng, phép lạ và công tác của Ngài. A-men!
13/5/2017
Joseph An (Dang Thien An.,Th.D)
---------
[1] Ralph W. Klein, Word Biblical Commentary: 1 Samuel (Dallas: Word, Incorporated, 2002), S. 69 (Cũng xem: Phục 2: 15, Quan xét 2: 15, I Sam 12: 15).