Giăng 15: 1 – 11
Trong phân đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Jesus đã
dùng hình ảnh Cây Nho để mô tả mối liên hệ mang tính sống còn giữa Ngài và các
tín hữu. Đức Chúa Cha là người trồng Cây Nho (Chúa Jesus), đây là Cây Nho vĩ
đại mang tính hoàn vũ với vô số nhánh nho là hàng triệu Cơ-đốc-nhân, mỗi chúng
ta là một "nhánh" trong Chúa Jesus. Nan đề trong bức tranh này không
về phía Chúa Jesus nhưng về phía chúng ta, những nhánh nho của Ngài. Có ba nan
đề nổi cộm trong bức tranh mà Chúa Jesus đã giới thiệu ở đây.
1. NHÁNH NHO KHÔNG Ở
TRONG CÂY NHO
Vừa nghe như có vẻ rất vô lý! Một nhánh nho
không gắn liền với gốc Nho? Tuy nhiên đây là một thực tế diễn ra hàng ngày
trong đời sống Cơ-đốc. Có thể một ngày trôi qua rồi mà chúng ta sống không có
Đức Chúa Trời, hiện diện của Ngài dường như không còn trong đời sống chúng ta
nữa và sự vâng phục Chúa chỉ còn là hoài niệm. Đây là khởi điểm của bi kịch!
Bản chất của đời sống Cơ-đốc là lệ thuộc vào Đấng Christ liên tục, khi càng
trưởng thành thuộc linh, con người phải càng gắn chặt với Đấng Christ. Nếu
nhánh nho “chẳng cứ ở” trong gốc nho thì nan đề sẽ dấy lên. Bí quyết ở đây là
cứ ở trong Đấng Christ. Có hai phương cách để “ở trong Chúa” đó là: Lời
Chúa ở trong chúng ta (c. 7) và vâng giữ Lời Chúa (c.10).
2. NHÁNH NHO KHÔNG
ĐƯỢC TỈA SỬA
Điểm thứ hai, một nhánh nho cần được tỉa sửa những cành lá
rườm rà, tức những công việc của xác thịt. Công đoạn tỉa sửa cây nho là thực tế
của những ai đang trồng nho hôm nay. Mục đích của sự tỉa sửa là để kết quả, sai
trái hơn (c. 2) và Đức Chúa Trời là Đấng đang tỉa sửa, dạy dỗ, điều chỉnh con
cái Ngài trong các hoàn cảnh. Thập tự giá trong đời sống Cơ-đốc được Đức Chúa
Trời dùng để giới hạn bản ngã, đánh hạ sự kiêu ngạo, cắt bỏ những công việc của
xác thịt và tội lỗi… Nếu không có sự sửa trị của Đức Chúa Trời, đời sống
Cơ-đốc-nhân sẽ vô dụng, họ sẽ tàn phá thay vì xây dựng Hội Thánh. Đây là lý do
vì sao Hội Thánh hôm nay có quá nhiều nan đề, có quá nhiều tiếng xấu, có quá
nhiều sự lộn xộn… Tất cả là vì chúng ta không chịu dừng bản ngã, không vác thập
tự giá, không thuận phục sự sửa trị của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 12: 7 – 8).
3. NHÁNH NHO KHÔNG KẾT
QUẢ
Nan đề cuối cùng trong bức tranh này là nhánh
nho không kết quả, không sanh bông trái cho Đức Chúa Trời. Nếu đời sống Cơ-đốc
không yêu mến Chúa Jesus, không có lời Chúa, không làm theo lời Ngài, không
thuận phục sự dạy dỗ và sửa trị của Chúa, hậu quả tất yếu sẽ không kết quả cho
Ngài. Bông trái của Thánh Linh bao gồm hai loại: các mỹ đức như “Yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục,
nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Gal 5: 22) và linh hồn con người (Đa 12:
3b). Nếu đời sống chúng ta không kết nối với Đấng Christ liên tục, không có lời
Chúa trong lòng, không vâng lời Chúa, không thuận phục ý chỉ Ngài thì hậu quả
sẽ thảm hại. Đời sống người Cơ-đốc sẽ “phá sản” hoàn toàn vì không có bông trái
dâng cho Chúa Jesus, là Chủ của mùa gặt (Mat 9: 38), Ngài sẽ tái lâm trong nay
mai.
KẾT LUẬN
Câu 2 chép: “Hễ nhánh nào trong ta không kết quả thì Ngài
chặt hết.” Bị Đức Chúa Trời
“chặt bỏ” là đoạn cuối của một bi kịch gồm ba bước: không ở trong gốc nho,
không được tỉa sửa và không sanh bông trái. Hậu quả là bị ném ra ngoài, bị khô
héo và bị đốt cháy. Nếu đời sống chúng ta không kết quả tốt cho Đức Chúa Trời,
nhiên hậu sẽ bị rủa sả và bị đốt cháy (c. 6). “Đốt cháy” ở đây không có nghĩa
là hư mất đời đời nhưng là hình phạt dành cho tín đồ thất bại, dành cho những
Cơ-đốc-nhân không có Lời Chúa, không vâng Lời Chúa và không bước đi với Chúa
mỗi ngày. Bị đốt cháy ở đây đồng nghĩa với “Được cứu dường như qua lửa” (I Côr
3: 14), bị đánh đòn (Luca 12: 47 – 48) và bị vào nơi khóc lóc nghiến răng (Mat
25: 29).
Nguyện Chúa yêu thương dùng Lời Ngài tỉnh thức
mỗi chúng ta! Hãy liên tục kiểm tra mối liên hệ của chính mình với Chúa, hãy
giữ lời Chúa trong lòng (Thi 119: 9) và vâng theo tiếng phán của Ngài. Hãy
thuận phục dưới bàn tay của Đức Chúa Trời và hầu việc Ngài như một tôi tớ,
khiêm nhường, hạ mình và run rẩy. Ước mong mỗi chúng ta đều sẽ vui mừng khi đối
mặt với Chúa Jesus trong ngày Ngài tái lâm. Amen!
Joseph An - Thien An Dang.