Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

CÔNG VIỆC CỦA ĐỨC THÁNH LINH

·       Kinh Thánh: Giăng 16: 1- 11
      
      Câu Gốc: “Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.” (Giăng 16:13)

        Giới thiệu

        Một câu hỏi được đặt ra cho chúng ta hôm nay, và cũng đã từng được đặt ra trong nhiều thập niên qua đó là:  Tại sao Hội Thánh cứ mãi trì trệ, rất ít phát triển? Tin Lành được giảng ra khắp nơi bằng mọi phương tiện; nhưng số người tin Chúa thật khiêm tốn, nhất là Tin Lành hải ngoại!

        Trong Hội Thánh, thay vì hiệp một là chia rẽ, thay vì yêu thương là ghen ghét, tị hiềm; thay vì quan tâm, chăm sóc, cầu nguyện cho nhau thì sống ích kỷ, rỉ tai bôi xấu nhau. Thậm chí còn kết nối bè đãng để tấn công nhau.  Dường như con cái Chúa nào cũng nhận ra điều đó, nhưng không dám nói, hoặc ít viết lên vì sợ ảnh hưởng công việc Chúa, làm ngăn trở công tác chứng đạo và ngã lòng những người còn yếu đức tin.  Thiết nghĩ, chẳng lẽ Hội Thánh của Chúa ngày nay hoàn toàn tốt đẹp, chỉ tinh ròng những điều thánh thiện và đạo đức?  Nếu nghĩ như vậy, thì chắc Chúa Jê-sus đã tái lâm từ lâu rồi!

        Thế thì, điều gì đã tạo nên những tiêu cực đáng buồn ấy nếu như không nói là có tội với Đức Chúa Trời? Câu trả lời ở đây chính là Hội Thánh thiếu quyền năng của Đức Thánh Linh. Nói cách khác, người rao giảng Phúc Âm không đủ ân tứ, không được đầy dẫy Đức Thánh Linh.  Con người muốn cai trị Hội Thánh và trông cậy ở sự khôn ngoan, kiến thức trần gian, quyền thế và tiền bạc để lèo lái Hội Thánh đi theo ý riêng của mình; thay vì để Đức Thánh Linh dẫn dắt.  Chính vì những lý do đó, hôm nay tôi muốn Hội Thánh cùng tôi học hỏi và nghiền ngẫm về công việc của Đức Thánh Linh trong Cựu Ước và Tân Ước; qua Chúa Jê-sus và qua đời sống của tín hữu cơ đốc; nhằm mục đích phục hồi Hội Thánh theo đúng đường lối của Thánh Kinh.

I. Việc Của Đức Thánh Linh Trong Cựu Ước

          Ngay trong công cuộc sang tạo trời đất của Đức Chúa Trời, chúng ta cũng nhận thấy có sự hiện điện của Đức Thánh Linh: “Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt vực; Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước (Sáng 1:2). Gióp viết: “Thần Chúa điểm trang các từng trời; tay Chúa đâm lủng rắn thoáng qua lẹ”(26: 13). Ê-sai xem việc tuôn đổ Đức Thánh Linh trong tương lai như là thời kỳ sinh sản của tạo vật sẽ có sự hoang vu, “cho đến chừng Thần từ nơi cao được rải xuống khắm trên chúng ta, đồng vắng biến thành ruộng tốt, ruộng tốt được kế như rừng rậm” (Ê-sai 32: 15). Các tiên tri thời Cựu ước chứng thực rằng những gì họ nói và viết ra là kết quả của Đức Thánh Linh ngự trên họ. Tiên tri Ê-xê-chiên cho chúng ta một ví dụ rõ nhất: “Ngài vừa phán cùng ta như vậy, thì Thần vào trong ta, làm cho chân ta đứng lên, và ta nghe Đấng đã phán cùng ta (2:2). Để làm dấu cho việc Sau-lơ được Chúa xức dầu, Đức Thánh Linh đã ngự trên ông cách quyền năng và ông đã nói tiên tri (I Samuên 10:6, 10) “Thần của Đức Giê-hô-va sẽ cảm động ngươi nói tiên tri cùng chúng, rồi ngươi sẽ hóa ra một người khác.”

        Ngoài ra, một số công tác của Đức Thánh Linh trong Cựu Ước là ban cho những kỹ năng cần thiết để thực hiện nhiều công việc khác nhau. Chẳng hạn như chúng ta thấy  khi chỉ định Bết-sa-lê-ên xây dựng và trang bị cho đền tạm, Đức Chúa Trời phán: “Ta đã làm cho ngươi đầy dẫy Thần của Đức Chúa Trời, sự khôn ngoan, sự thông sáng, và sự hiểu biết để làm mọi thứ nghề thợ, đặng bày ra chế tạo đồ vàng, bạc và đồng, đặng khắc và khảm ngọc, đẽo gỗ và làm được mọi thứ nghề thợ (Xuất 31: 3-5).

       Việc quản lý công việc cũng được nhận thấy Đức Thánh Linh ở Giô-sép: “Pha-ra-ôn phán cùng quần thần rằng: Chúng ta há dễ tìm một người như người này, có thần minh của Đức Chúa Trời được sao?” (Sáng 41: 37)  (1)

II. Công Việc Của Đức Thánh Linh Trong Đời Sống Của Chúa Jê-sus

         Trong đời sống của Chúa Jê-sus, chúng ta thấy có sự hiện diện và hoạt động đầy quyền năng bàng bạc khắp nơi của Đức Thánh Linh.  Thậm chí khởi điểm cuộc sống tại thế của Chúa Jê-sus cũng là công việc của Đức Thánh Linh. Cả sự tiên báo và tường thuật về sự giáng sinh của Chúa Jê-sus đều chỉ về một tác động đặc biệt của Đức Thánh Linh. Sau khi báo tin cho Ma-ri biết bà sẽ sanh một con trai, thiên sứ phán rằng: “Đức Thánh Linh sẽ đến trên ngươi, và quyền phep Đấng rất cao sẽ che phủ ngươi dưới bóng mình, cho nên con thánh sanh ra phải xưng là con của Đức Chúa Trời (Lu-ca 1: 35).  Sau khi Ma-ri mang thai, Thiên sứ hiện đến cùng Giô-sép, người đang bối rối với lý do thật dễ hiểu và giải thich rằng: “Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh.” (Ma-thi-ơ 1: 20)

     Đức Thánh Linh hiện diện một cách đầy ấn tượng ngay từ đầu chức vụ công khai của Chúa Jê-sus, nếu hiểu đó là lúc Ngài chịu Báp-tem, và sự ngự xuống của Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 3: 16; Mác 1: 10; Lu-ca 3: 32, Giăng 1: 32).

       Kết quả tức thời của Chúa Jê-sus được đầy dẫy Thánh Linh là một loạt cám dỗ khi Chúa bắt đầu chức vụ công khai của Ngài.  Đức Thánh Linh đưa Chúa Jê-sus vào tình huống của nơi cám dỗ.  Chúa Jê-sus được  Đức Thánh Linh đưa vào đồng vắng. (Mathiơ 4:1; Mác 1: 12).  Đức Thánh Linh đã đưa Chúa Jê-sus chạm trán với ma quỉ.  Sự đối kháng giữa Chúa Jê-sus và ma quỉ trong thế gian xem như đã được đưa ra ánh sáng.

        Chức vụ còn lại của Chúa Jê-sus cũng được thực hiện bởi quyền năng của Đức Thánh Linh. Lu-ca cho chúng ta biết rằng sau khi trải qua sự cám dỗ, “Đức Chúa Jê-sus được quyền phép của Đức Thánh Linh, trở về xứ Ga-li-lê, và danh tiếng Ngài đồn các xứ xung quanh” (4:14).  Không những lời dạy và phép lạ, mà tòan bộ cuộc đời của Chúa Jê-sus lúc đó cũng ở trong Đức Thánh Linh.  Khi bảy mươi môn đồ ra đi và trở về thuật lại rằng ma quỉ đã phục họ trong danh Ngài. (Lu-ca 10:17), thì Chúa Jê-sus nức lòng mừng rỡ bởi Đức Thánh Linh (câu 21).  Ngay những cảm xúc của Ngài cũng ở trong Đức Thánh Linh.  Đây là cách mô tả một người được hoàn toàn được đầy dẫy Đức Thánh Linh. (2)

III. Công Việc Của Đức Thánh Linh Trong Đời Sống Cơ Đốc Nhân

        Chúa nhật vừa qua tôi đã trình bày về “trái của Thánh Linh” qua thư tín (Ga-li-ti 5: 22); và đã nhấn mạnh: “Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy” (câu 25).  Hôm nay, tôi muốn thưa với quý ông bà anh chị em là Đức Thánh Linh đã và đang vận hành trong mỗi đời sống của chúng ta nếu như chúng ta mời Ngài làm chủ cuộc đời mình, cai trị tâm trí của mình, và chúng ta dành chỗ xứng đáng cho Ngài thì chắc hẳn Ngài sẽ ở cùng chúng ta.  Đừng để cho những suy nghĩ và hành động của xác thịt ngăn trở Đức Thánh Linh vận hành tromg đời sống của chúng ta.  Phao-lô đã trình bày rõ ràng việc làm của xác thịt là những hành động trái ngược với Thánh Linh như “gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đãng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy.”  Phao Lô cảnh báo: “Hễ ai phạm những việc ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời.”(Ga-li-ti 5: 21b)

        Quả thật như vậy, sự tái sanh của đời sống mỗi Cơ Đốc Nhân là một tiến trình nhất định; chứ không thể một sớm một chiều mà chúng ta được trở nên thánh hóa và trọn vẹn.  Làm sao đời sống của tín hữu được đầy dẫy Đức Thánh Linh khi mà tâm tư, tình cảm, suy nghĩ bị bao vây bởi đủ các thứ mùi vị của thế tục?  Làm sao Đức Thánh Linh có thể chiếm hữu trọn vẹn mỗi chúng ta khi mà tâm trí đang chồng chất phim bộ Đại Hàn, những trò chơi “games”của internet, say mê chém giết, lọc lừa, gian lận, bày ra những cạm bẫy của kinh doanh nhục dục, những ham mê tiền bạc vật chất, những cám dỗ của danh, lợi, quyền. v.v…

       Hãy quan sát một hạt giống sau khi gieo xuống đất, nếu xung quanh nó là đá sỏi, là gai gốc thì làm sao có thể nẩy mầm và lớn lên được?  Tương tự như thế, đời sống tâm linh của chúng ta khi mà tư tưởng, tâm trí, tình cảm bị chen lẫn cả trăm nghìn thứ độc hại của các thứ men gian ác, và những lo toan của đời thường; thì còn đâu có chỗ cho Đức Thánh Linh ngự trị?

        Cần lưu ý, có Đức Thánh Linh thật ngự trị, khác với ảo tưởng được đầy dẫy Thánh Linh.  Hãy coi chừng những đời sống bị ảo tưởng Thánh Linh.  Sau đây là hai mẫu chuyện nhỏ nói lên điều đó:

Ngày kia có một tân tín hữu vốn xuất thân là thầy bói.  Anh ta đến nhà một tín hữu và nói rằng:

-         Thầy Tạ, đêm qua tôi nằm mơ thấy Đức Thánh Linh bảo tôi đến nhà thầy lấy chiếc giường sắc của thầy.  Vì vậy, hôm nay tôi đến đây để lấy nó.  Vị thầy giáo kia hơi ngỡ ngàng, bèn thưa lại cách lễ độ:

-         Thưa anh M, sao Đức Thánh Linh không bảo tôi như vậy? Vả lại, nhà tôi có một chiếc giường tốt nhất mà mẹ tôi đang nằm, lẽ nào Đức Thánh Linh lại bảo như vậy?  Người đàn ông ấy cảm thấy sống sượng và bước ra khỏi nhà.

Câu chuyện thứ hai còn khá ly kỳ hơn nhiều mà tôi muốn tường thuật cho quý vị nghe.  Có một người phụ nữ kia say mê một vị Mục sư đầy ơn Chúa.  Ông ta vừa giảng rất được ơn, vừa có đời sống đạo đức gương mẫu.  Ông đã từng đi du học ở Mỹ trưóc năm 1975.  Ngày kia, người phụ nữ kia đến nói với vị Mục sư ấy cách nghiêm túc:

-         Mục sư ơi! Hãy nghe đây là mệnh lệnh của Đức Thánh Linh giục giã lòng tôi nói với ông điều này.

-         Thế thưa bà, Đức Thánh Linh phán với bà điều gì ạ?  Vị Mục sư điềm tĩnh hỏi lại.
-         Đức Thánh Linh đã phán với tôi rằng: Hãy “get married” (lập gia đình) với Mục sư.
Vị Mục sư hơi bị “shock” trước những lời nói khiếm nhã và đường đột ấy, nhưng bình tĩnh là bản chất của ông:

-         Cảm ơn bà, nhưng rất tiếc nếu quả thật như vậy thì xin bà cầu nguyện để Ngài cũng phán với tôi điều ấy! Người đàn bà xấu hổ bỏ ra về.
 
Thưa quý ông bà anh chị em!

         Ngày nay chúng ta không ngạc nhiên gì có một số người lợi dụng Đức Thánh Linh để mưu cầu lợi lộc, lấy danh Ngài để làm tấm bình phong che đậy những hành động tội lỗi.  Có người đã từng tự xưng rằng, “Đức Thánh Linh đang đầy dẫy trong tôi.  Ngài đang bước đi với tôi.” Nhưng kỳ thật, những con người ấy đang sống hoàn toàn là xác thịt, suy nghĩ và hành động xác thịt; bởi vì một năm họ chỉ mở  Kinh Thánh một đôi lần vào dịp Phục Sinh và Giáng Sinh!  Họ còn chống đối lên án những anh chị em say mê đọc Lời Chúa mỗi ngày rằng, “Anh ơi, đừng bị mê hoặc bởi Kinh Thánh nghen!” Chúng ta tưởng cũng cần được nhắc lại trong sách Mác 3: 29 chép rằng: “Nhưng ai nói phạm đến Đức Thánh Linh thì chẳng hề được tha, phải mắc tội đời đời.”

Người đầy dẫy Đức Thánh Linh trước hết phải mặc lấy sự yêu thương làm dây liên lạc trọn lành; mà Sứ đồ Phao lô đã nhiều lần nhăc nhở: “Hãy bước đi trong sự yêu thương, cũng như Đấng Christ đã yêu thương anh em, và vì chúng ta phó chính mình Ngài cho Đức Chúa Trời làm của dâng và của tế lễ, như một thức hương có mùi thơm…Chớ nói lời tục tỉu, chớ giả ngộ tầm phào, là những điều không đáng, nhưng thà cảm tạ ơn Chúa thì hơn.  Vì anh em phải biết rõ rằng kẻ gian dâm, ô uế, tham lam, tức là kẻ thờ hình tượng, không một kẻ nào được dự phần kế nghiệp của nước Đấng Christ và Đức Chúa Trời.” Phao Lô khuyên nhủ con dân Chúa lánh sự xấu xa của thế gian, mặc lấy người mới và chớ làm buồn Đức Thánh Linh: “Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc.  Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác.  Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” (Ê-phê-sô 4: 30- 32; 5: 1-5)

Kết luận:

          Câu hỏi cho mỗi chúng ta hôm nay là:  Quý vị và các bạn có biết chắc Đức Thánh Linh đang hướng dẫn và bước đi trong đời sống của mình chưa?  Chúng ta đã thật sự để Ngài làm chủ cuộc đời mình chưa? Chúng ta có đang thờ phượng Chúa hết lòng, hết tâm trí chưa?  Chúng ta có thỏa lòng bình an với cuộc sống và biết cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh chưa?  Tôi muốn mượn ý từ bài viết của Mục sư David Lê đăng trên Facebook ngày 26/ 2 để kết thúc bài chia sè hôm nay. Bài viết có tựa đề:

   Bạn là người hâm mộ hay tín hữu thật của Chúa Giê-su?

·        Bạn có dán một hình con cá hay chim bồ câu trên chiếc xe của bạn?

·        Một bài hát thờ phượng được trổi lên khi ai đó gọi số điện thoại di động của bạn?
·        
         Có lẽ bạn treo hình ca sĩ nổi tiếng nào đó đang hát thờ phượng Chúa trong phòng bạn?

·        Có thể bạn chỉ là một người hâm mộ chớ không phải là môn đồ thật của Chúa Giê-su Christ!  Tại sao tôi nói như thế?  _Người hâm mộ có xu hướng tập trung vào sự cổ võ (như xem đá banh vậy).  Khi đội nhà đá lọt luới đối phương, chúng ta hoan hô, nhảy múa, liệng nón lên trời.  Khi đội nhà bị đối phương đá thủng lưới, chúng ta đứng dậy, giậm chân, đập bàn, la mắng đội nhà!  Nếu một vài lần như thế xảy ra thì sao? _Không thèm chơi với đội nầy na, ủng hộ đội khác!
·        Người hâm mộ có xu hướng tập trung vào các đám đông lớn, tìm sự phấn khích; hay chỉ trích và lên án người khác; thường hay lên mình kiêu ngạo, khiêu khích.  Người hâm mộ không thích đi nhà thờ; song thích được lên hát ngợi khen trong các buổi lễ quan trọng!  Có xu hướng đi tìm những hội đồng lớn để tìm sự tuyệt đỉnh của các kỳ lễ; song khi đối diện với khó khăn, đi trong trũng của bóng chết; thì không thấy họ đâu cả!
·        Người hâm mộ yêu hội nghị, hội đồng, truyền giảng lớn: Cở 5 đến 10 ngàn người.
·        Người hâm mộ rất thích những ý tưởng của Chúa Giê-su, nhưng chỉ làm khi nào có thì giờ thuận tiện hay gặp thời.
·         Họ thích và bị ràng buột bởi nghi lễ hơn sự dạy dổ thật từ Ðức Thánh Linh.
·        Họ thiếu sự liên hệ mật thiết với Chúa Giê-su (như sự liên hệ vợ chồng).
·         Họ cậy vào sức riêng hơn là sự xức dầu của Chúa.
·        Họ có Kinh Thánh trong nhà; song không bao giờ đọc! Nếu có đọc cũng chẳng bao giờ suy gẫm!
Có một con trai của vị Mục sư nọ in trên áo T Shirt của mình:  “Tôi muốn giống Chúa Jê-sus; song tôi muốn trở thành ca sĩ Michael Jackson!”
Thưa quý ông bà anh chị em!  Chúng ta hãy làm tín hữu thật của Chúa Jê-sus và xin Đức Thánh Linh dẫn dắt cuộc đời mình _ Đừng làm một người cổ võ trong các trận thể thao! Amen!
                                                            Ms Lê Văn Thể

___________________________________________________
Tham khảo:
(1)   (Millard J. Erickson , Thần Học Cơ Đốc Giáo tập II. (Tr. 218, 219, 220)


(2)   (Millard J. Erickson , Thần Học Cơ Đốc Giáo Tập II. (Tr, 221, 222, 223)