Mấy cái bong bóng với hàng chữ “Happy Birthday”, “Queen For A Day!” bay cao nơi bàn làm việc của tôi. Năm nào cũng vậy, các bạn đồng nghiệp đều nhớ và đem đến cho tôi một niềm vui nhân ngày đặc biệt trong tháng này. Thật sự tôi muốn… làm lơ, không nhắc về sinh nhật của mình. Già rồi, còn trẻ trung gì nữa mà celebrate ồn ào, công khai. Nếu theo thông lệ là đèn cầy sẽ được đốt trên cái birthday cake và mỗi ngọn tuợng trưng một năm tuổi thì chắc chắn tôi cần một cái bánh lớn lắm mới đủ chỗ cho những ngọn nến xinh xinh, nhiều màu ấy.
Tôi gửi email cám ơn tấm-thịnh-tình của các coworkers: “Thanks for the beautiful balloons. Your kindness will never be forgotten. You are one of the reasons I thank the Lord”. Những lời cám ơn này xuất phát từ tim tôi, một cách chân thành.
Tôi vào làm việc cho Bộ Xã Hội của tiểu bang đã lâu. Là một bà ngoại quốc trung niên lúc đuợc nhận, tiếng Anh sặc mùi fish sauce, English writing thì vấp váp văn phạm như lá đổ muôn chiều (nghĩa là nhiều lắm!) trong những câu văn viết. Nhưng cám ơn Chúa, từ ngày ấy đến nay tôi chưa gặp nan đề với xếp lớn, xếp nhỏ hay bất cứ nguời nào chung quanh.
Tôi giữ một chức vụ bình thường trong đơn vị 14 nguời. Khi bắt đầu nhận việc, tôi mới học sử dụng computer qua sự chỉ dạy của ông chồng. Biết đánh máy chút đỉnh trước đó nhưng tôi không biết key board của máy điện toán với những Backspace, Tab, Insert, Delete… chứ đừng nói chi đến việc dùng Microsoft Word là một soft ware thông dụng! Tôi rất lo lắng khi tham dự lớp huấn nghệ đầu tiên sau một buổi orientation. Những nguời cùng lớp là những ông bà Mỹ bản xứ sành sỏi computer và nói tiếng Anh như gió (dĩ nhiên!). Nguời trainer chỉ cần hướng dẫn qua một lần là họ am tường. Biết nhược điểm của mình, tôi siêng năng, cặm cụi trong công việc. Không đi trễ về sớm, chịu khó học hỏi từ đồng nghiệp, giấy tờ ngăn nắp, hoàn tất mọi việc được giao phó đúng thời hạn… là những ưu điểm của tôi. Dần dần mọi sự trở nên dễ dàng, trôi chảy. Mỗi sáng thức dậy, tôi cảm tạ ơn Chúa vì Ngài cho tôi còn sức khỏe, có một cái job mà mình yêu thích trong khi biết bao nguời thất nghiệp, lại được làm việc với những đồng nghiệp chưa hề gây một khó khăn nào cho đời sống mình. Đó là một ơn phước lớn lao mà rất nhiều nhân viên ở xứ này luôn ước ao khi đến sở mỗi ngày.
Sở tôi ở một địa điểm gần nhà. Chỉ cần lái xe trên con đường thẳng từ nhà (sau khi ra khỏi khu subdivision) chưa tới 8 dặm là đến cái building với hàng cây cao tỏa bóng mát rượi trước cửa ra vào dành cho nhân viên của Department of Health and Human Services. Đơn vị của tôi có cái tên khá dài “Medicaid Eligibility for the Elderly and People with Disabililies” Unit. Clients gồm những người trên 65 tuổi và những nguời tàn tật có nhu cầu y tế. Họ thuộc đủ mọi chủng tộc: Mỹ trắng, da màu, người nói tiếng Spanish, người Phi châu, Á châu (trong số ấy, tôi gặp nhiều clients Việt Nam)… Tôi biết Chúa cho tôi việc làm này để có cơ hội giúp đỡ tha nhân.
Tôi không quên chị Lan Trần. Anh Châu Trần, chồng chị, bị tiểu đường trầm trọng. Biến chứng của bệnh khiến anh bị mù cả hai mắt. Chị gửi anh vào Nursing Home. Vì nhu cầu của gia đình, chị phải đi làm, không thể ở nhà chăm sóc chồng. Mỗi ngày, sau giờ tan sở, chị vào thăm anh. Anh buồn bã, trách móc chị đủ diều. Chị nộp đơn xin Medicaid cho anh nhưng chờ đợi khá lâu mà không thấy kết quả. Mỗi tháng chi phí Nursing Home khoảng bốn ngàn đô la. Chị dùng thẻ tín dụng để trang trải. Nợ Credit Card lên đến hơn hai muơi ngàn. Một nguời quen đã giới thiệu với chị về tôi (tôi không biết người này là ai). Qua điện thoại, chị nghẹn ngào trình bày hoàn cảnh mình. Tôi xem hồ sơ của anh trong computer qua số An sinh xã hội chị đọc cho tôi. May mắn, cô Leslie trong Unit của tôi là người worker được chỉ định lo vấn đề Medicaid cho Nursing Home này. Case của anh Châu bị đình trệ vì Leslie không nhận đủ giấy tờ cần thiết để hoàn tất. Tôi tận tình hướng dẫn chị Lan. Chị vội vàng bổ túc hồ sơ và không lâu sau đó, anh hưởng đuợc quyền lợi của mình. Ngày nhận giấy báo tin từ bộ Xã Hội, chị Lan gọi tôi và khóc nức nở:
-Chị An ơi, em cúi đầu tạ ơn chị đã giúp em.
Tôi chận lời chị:
-Chị Lan à, tôi chẳng làm một favor nào cho chị cả. Chi phí Nursing Home của anh Châu từ nay được chính phủ thanh toán vì trường hợp của anh ấy hội đủ điều kiện quy định. Tất cả những gì tôi làm là việc tôi được trả lương để phục vụ bất cứ người nào cần đến chương trình này. Dù anh Châu hay ai khác, người nước mình hay người thuộc sắc dân nào cũng được chúng tôi tận tình giúp đỡ như nhau.
Bận rộn với công việc mỗi ngày, tôi quên bẵng chị Lan. Một buổi sáng chị gọi, giọng thều thào chào tôi. Chị cho biết chị bị đau cổ họng thời gian khá lâu, nói năng khó khăn nên chị đi khám bệnh. Bác sĩ phát hiện chị bị ung thư cổ họng. Chị vào bệnh viện chuyên khoa ung thư để đuợc chữa trị bằng phương pháp hóa học trị liệu. Chị không quên tôi nên nay bệnh thuyên giảm, chị muốn đến thăm tôi để “gặp mặt người ơn (!) của gia đình em”. Tôi xin lỗi vì chẳng biết chị bị bệnh nên đã không gọi điện thoại thăm hỏi. Tôi năn nỉ chị đừng bận lòng và nhắc lại điệp khúc tôi-được -trả-lương- để-làm-việc. Thế mà chị cũng nhờ một người bạn chở đến tìm tôi. Vừa gặp tôi, chị ôm chầm, nước mắt ròng ròng trên má. Rồi chị gỡ cái mũ len đội trên đầu xuống: tóc chị rụng sạch, đầu trọc lóc. Chị trông thật tiều tụy, tội nghiệp. Tôi nắm tay chị, im lặng. Tôi tin chị hiểu tôi cảm thông với chị dù không nói thành lời. Sau này, thỉnh thoảng chị Lan gọi mời tôi đi ăn trưa. Tôi quyết liệt từ chối dù biết chị buồn khi tôi làm như thế. Quy luật của sở cấm tuyệt nhân viên nhận quà cáp từ clients. Tôi sẽ bị mất việc nếu không tuân hành. Mỗi lần chị ngỏ lời cám ơn, tôi đều nói với chị rằng tôi tạ ơn Chúa vì Ngài cho tôi cơ hội giúp đỡ (theo đúng luật lệ) những người có nhu cầu. Có lần chị Lan hỏi: “Chị theo đạo Chúa?” Tôi trả lời chị: Dạ tôi là người Tin Lành. Tôi hy vọng việc tôi làm (hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho nguời ta) khiến chị nhìn thấy sự khác biệt của một nhân viên Tin Lành với tinh thần phục vụ tha nhân theo lời Ngài dạy. Tôi tự hứa nguyện sẽ nói về Chúa với chị Lan một ngày không xa.
Một lần, một người đàn ông Việt Nam đi cùng cụ già dáng vẻ trí thức đến tìm tôi để xin được cấp thẻ Medicaid tạm thời. Khi đọc tên tuổi của cụ trên ID (bất cứ ai đến sở chúng tôi cũng phải trình ID), tôi nói với họ:
-Ngày xưa thời trung học, tôi có dùng sách Toán của một vị giáo sư trùng tên với cụ.
Nguời đàn ông nhìn tôi:
-Thưa bà, bố tôi đây chính là vị giáo sư ấy.
Ông cụ đứng cạnh bên con, cười nhẹ:
-Bây giờ tôi già rồi bà ạ, không còn làm gì được nữa.
Tôi cúi đầu chào Thầy. Niềm xúc động chợt dâng ngập lòng. Tôi chưa hề được học với Thầy, chỉ biết tên qua quyển sách Toán ngày nào. Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình. “Ngày nào” ấy, Thầy là vị giáo sư trung niên nổi tiếng. Chúng tôi là đám học sinh trung học mười sáu, mười bảy tuổi đầy ước mơ, hy vọng… Bây giờ được đối diện Thầy nơi đất khách quê người, trước mặt tôi là một cụ già chín mươi tuổi gần đất xa trời. Còn chúng tôi, những cô cậu nhất quỷ nhì ma “ngày nào” ấy, nay là ông nội bà ngoại cả rồi! “Tuổi tác chúng tôi đến đuợc bảy muơi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi, song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm; vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi…” Thi thiên 90:10 này là một trong những câu Kinh thánh tôi đã đề cập đến trong bài nói chuyện với ban Phụ Nữ của một Hội thánh vào Chúa nhật vừa rồi. Cô trưởng ban muốn tôi chia xẻ về niềm vui nỗi buồn của tuổi trung niên. Tôi tâm sự rằng tuổi nào cũng “có những niềm riêng”; các nữ lão niên như tôi vẫn trải qua tình cảm hỉ nộ ái ố. Trong lúc nói chuyện, tôi lập lại nhiều lần một câu gốc ngắn gọn, dễ nhớ. Câu này sẽ giúp các bà tìm được nhiều an ủi khi phải đương đầu với hoạn nạn, thử thách trong đời. Tôi nhắc nhở rằng “chúng ta dễ quên lắm, nhất là ở cái tuổi… lưng chừng của quý vị bây giờ. Xin hãy buộc-câu-gốc-trên-tay thì mới mong nhớ mãi. Nếu không, chỉ tuần sau hoặc tháng tới là nó bay mất tiêu” Đứng trên bục cao nhìn xuống, tôi thấy các bà gật đầu quả quyết “nhớ rồi, nhớ rồi!” Thế mà thứ hai, khi vào sở chưa được bao lâu, cô em của tôi gọi:
-Chị Tư ơi, Út thuộc câu gốc hôm qua rồi. Nhưng nó “nằm” ở sách nào vậy, Út quên mất. Có phải trong Cô rinh tô thứ nhất không?
Tôi cười ngất: đâu đọc thử, coi có thuộc thiệt không.
Qua điện thoại, cô em tôi đọc làu làu: “Lại hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn sóc anh em”.
-Giỏi! Phi e rơ thứ nhất đoạn 5 câu 7 đó cô nương.
-Nhớ rồi. Cám ơn nhe. Thôi bye bye. Út còn phải text trả lời bà Nga. Bả mới hỏi câu gốc hôm qua ở “địa chỉ” nào…
Các bạn vây quanh tôi. Sandra nghịch ngợm nói:
-Happy Birthday Annie. How old are you? 25?
Leslie nhanh nhẩu trả lời:
-No, she is 22...
Tôi cười hóm hỉnh: No, no. I am 21!
Ông Andrew bảo bạn:
-Dennis, chụp cho Annie tấm hình với mấy cái bong bóng của bà ấy đi, nhanh lên.
Lấy I-phone từ túi áo ra, Dennis ngắm nghía. Tôi kéo chùm bong bóng màu sắc sặc sỡ xuống ngang tầm mắt mình, cười duyên. Chỉ vài phút sau, tấm ảnh hiện trên computer của tôi. Họ đến gần xem ảnh. Những lời nói đùa lại vang lên:
-You look great, Annie!
-Do not fly away with all those balloons!
Mọi người trở về phòng làm việc của họ. Nhìn hình, tôi nghĩ thầm:
Đón nhận những chân tình vô giá
Cám ơn bè bạn, biết ơn đời
Dù ngoài kia mây hồng hay giông bão
Xin cho tôi nở một nụ cười
Tôi sẽ gửi hình tôi on-line
Nụ cười theo bong bóng cao bay
Được chứ sao không, niềm vui nhỏ
Cũng đủ để tôi cảm tạ Ngài …
Nhưng mà rất nhanh, tôi vội bỏ ý định gửi-hình-on-line của mình vì nhớ lại tháng truớc; một buổi hoàng hôn trên bãi biển (thơ mộng?) khi ngồi bên nhau, chồng tôi nhìn tôi một lúc (trữ tình?) rồi ổng cười hà hà, nói vu vơ: Thời gian quả là một liều độc dược, độc quá, để tàn phá nhan sắc một người!
Mùa thu đang trở về. Sáng nay mở cửa nhà, tôi rộn ràng đón nhận một làn gió mát nhẹ thoảng mùi hương dạ lý nở đêm qua còn vương vấn trong không khí trong lành buổi đầu ngày. Bây giờ ở đây, qua khung cửa kính lớn rộng, màu nắng trông thật dịu dàng, cái nắng dịu dàng hiếm có nơi thành phố nổi danh nóng bức này. Mấy cành hoa vàng dại mảnh mai nghiêng nghiêng trong sân cỏ. Các chú blue birds nhỏ nhắn với màu lông xanh mướt đang nhảy nhót duới tàng cổ thụ. Một khung cảnh an bình.
Tiếng chuông điện thoại chợt vang lên, rộn rã. Có lẽ một client đang gọi vào. Họ cần đến tôi. Một ngày mới (hứa hẹn nhiều bận rộn) nơi sở làm thật sự bắt đầu. Tôi nhấc phone, cất tiếng chào nguời sắp đối thoại với mình:
-Medicaid Unit. Annie Nguyen is speaking…
VÂN ANH