CHƯƠNG 3
Cái chân đau của thằng Danh phải mất lâu lắm mới lành lại được. Đã nhiều lần ông bác sĩ băng qua núi để tới thăm bệnh cho nó. Đã nhiều lần ông cũng lộ vẻ trầm ngâm bối rối. Thế rồi, khi hoa dại bắt đầu trổ bông đầy đồng và nhà nông bàn đến chuyện đưa bò lên núi cao ăn cỏ, thằng Danh trở lại bệnh viện để tháo gỡ cái chân băng bột. Đến lúc ấy, ông bác sĩ mới báo cho ba nó biết cái tin chẳng lành là từ nay trở đi, thằng Danh không thể đi lại như người thường được nữa. Cái chân đau của nó ngắn hơn chân bên kia nên nó sẽ phải đi khập khiễng.
Ông Bình cảm thấy buồn rã rượi trong lòng. Ông tới nhà người thợ mộc để nhờ làm cho thằng Danh một cặp nạng bé nhỏ xinh xinh. Rồi ông lại mang theo một đôi giầy của thằng Danh tới nhà người thợ giầy để nhờ làm lại một đế cao hơn đến kia chừng bốn phân tây.
Cả người thợ mộc lẫn người thợ giầy đều rất buồn khi hay tin chẳng lành ấy. Để làm cho thằng Danh tươi lên, người thợ mộc chạm trổ những đầu con gấu nhỏ trên cái tay cầm của cặp nạng, còn người thợ giầy thì nhét đầy kẹo súc-cù-là vào trong đôi giầy đã sửa xong trước khi giao chúng về cố chủ, và cả hai trường hợp những cố gắng của họ đã có kết quả tốt đẹp.
Trái ngược với cảnh dân làng xúm xít quanh thằng Danh và làm đủ mọi thứ để an ủi vỗ về nó, mọi người trong làng lẫn tránh thằng Duyên và tìm đủ mọi cách để phô bày lòng họ khinh miệt nó.
Mấy ngày đầu, thằng Duyên bị hành hạ đủ điều. Thầy giáo công khai nói trước cả lớp về việc nó làm, coi như một ví dụ điển hình về hạng người khiếp nhược mà lại hay hống hách bắt nạt kẻ yếu thế hơn mình. Các học sinh khác xua đuổi không cho nó chơi trong sân trường và ném bùn vào nó. Nhưng chẳng bao lâu, chúng bỏ cái trò hình phạt ấy, chỉ thản nhiên chơi với nhau mà không thèm để ý tới nó.
Thằng Duyên xưa nay không được mọi người ưa thích, vì tính tình nó dễ cáu kỉnh, lại vụng về, xấu xí nhưng nó vẫn được tham dự các trò chơi với các bạn khác. Nay thì nó phải sống lẻ loi trơ trọi một mình vì không ai muốn chơi với nó nữa. Khi các học sinh chọn người để chơi, luôn luôn nó bị chọn sau cùng. Trong lớp có một cái bàn thừa, có một chỗ ngồi; tự nhiên thằng Duyên phải ngồi một mình ở đó, vì chẳng ai muốn ngồi chung với nó cả.
Ngay cả đám con nít cũng tránh xa nó, vì má chúng đã căn dặn chúng không được lôi thôi gì với nó. “Thằng ấy nó hung ác dữ tợn lắm. Coi chừng kẻo nó làm hại các con như nó đã từng làm hại thằng Danh con ông Bình vậy”, các bà mẹ dặn đám con nít cẩn thận như vậy nên mỗi khi gặp nó tới gần là đám con nít bỏ chạy. Chúng coi thằng Duyên chẳng khác gì một thứ ngáo ộp, một ông ba bị vậy.
Ở các tiệm trong làng, người bán hàng giao hàng cho nó qua quầy hàng mà chẳng nói một lời; người bán sữa chẳng bao giờ trò chuyện với nó; còn bà chủ tiệm bán thực phẩm thì chẳng bao giờ dúi kẹo vào tay nó như bà vẫn thường làm với mọi đứa trẻ khác. Mọi người trong làng chẳng ai nặng lời với nó bao giờ, họ chỉ làm ngơ không thèm chú ý đến nó thôi.
Vì quá rụt rè e lệ, thằng Duyên chẳng bao giờ tìm cách thu phục cảm tình của mọi người. Nó tự để buông trôi vào trong cái thế giới cô đơn của riêng nó. Nó đi học cũng như đi về, lúc nào cũng thui thủi một mình. Nó một mình đi đến mua hàng ở căn tiệm, và thui thủi chơi một mình trong sân chơi ồn ào náo nhiệt. Không phải vì bọn trẻ kia không muốn có nó chơi chung, vì trẻ con mau quên và dễ tha thứ; đó là chỉ vì lòng hổ thẹn khiến nó không dám nhập cuộc mà thôi. Nó cứ tưởng chừng như nhìn thấy vẻ oán ghét nó trên mặt bọn trẻ, và nó cho rằng chúng đang nghĩ tới thằng Danh với cái chân què phải đi khập khiễng. Dần dần nó đâm ra lo sợ tất cả mọi người, sợ từ ông lão đưa sữa già nua cho tới đứa bé ít tuổi nhất trong trường. Nó sợ sệt cái vẻ khinh bỉ và oán ghét mà nó đọc thấy trên mặt mọi người.
Vì chính nó, nó không thể nào quên nghĩ tới thằng Danh què. Hình ảnh thằng Danh luôn luôn ám ảnh trí óc nó. Nó tha thiết muốn hỏi con An xem ông bác sĩ đã nói gì. Nhưng con An có bao giờ thèm ngó tới nó hay nói chuyện với nó kể từ khi tai nạn xảy đến cho thằng Danh. Còn nó thì đâu có dám ngỏ lời trước với con An.
Ở nhà má nó thấy nó lầm lì hơn trước, nhưng cũng làm việc chăm hơn trước, vì nó chợt nhận thấy rằng chỉ có chúi đầu vào công việc, nó mới có thể quên được cuộc sống trơ trọi mà thôi. Từ khi khám phá ra được điều ấy, nó thôi bỏ cái lười biếng cũ và tối ngày vùi đầu vào công việc trong trại. Má nó thật tình khen ngợi nó, còn chị nó đối xử với nó cũng tử tế hơn, vì chị Mai vốn cũng là một cô gái chăm làm. Cái tính lười biếng của nó đã từng làm chị nó phải hết sức bực mình vì nó.
Tuy nhiên, thằng Duyên chỉ tìm thấy sự vui thỏa hoàn toàn ở một chỗ mà thôi: ấy là ở trong rừng.
Ở đây cây cối vây kín nó, cách biệt nó với các thế giới mà nó biết chẳng có ai ưa thích nó. Mỗi khi nó có thì giờ rãnh rỗi, nó lại tìm đến trốn tránh nơi đây, ngồi tựa lưng vào một thân cây hay một phiến đá, nó khắc những hình nho nhỏ trên gỗ và trong khi mải mê làm việc nó tạm quên đi hết mọi phiền muộn trên đời.
Cảnh vật đẹp đẽ và không khí êm ả của rừng thông trong lúc mùa hạ mới về đã đem lại phấn khởi cho nó. Trên cành thông, những nhánh non như được đánh bóng láng, và lá giẻ gai mềm dịu mang một màu xanh biếc như tơ. Ngồi dưới tàn cây, thằng Duyên có cảm giác ánh mặt trời lọt qua lá cây đang hôn trên mái tóc và làn da tay của nó đang khi làm việc.
Cao tít trên bìa rừng, có một căn nhà gỗ nhỏ, chủ nhân là một ông già sống cô độc một mình. Ông ta về ẩn dật ở đó từ lâu, và làm bạn với ông chỉ có một con dê, một con mèo và một đàn gà. Ông quả là một ông già kỳ dị. Ở trong làng, ai nấy đều sợ hãi ông, và mỗi khi ông xuống núi mua sắm, trẻ con đều chạy vào nhà đóng kín cửa lại. Mọi người kêu ông là Ông Già Trên Núi. Có người bảo ông ta keo kiệt lắm, nhưng người khác lại bảo ông trốn tránh pháp luật, và có người còn nói ông ta điên khùng và nham hiểm lắm. Ai muốn nói gì thì nói, nhưng có điều chắc chắn chưa ai bước vào trong nhà ông ở cả, và cũng chưa hề ai đi qua con đường ấy vào lúc tối trời.
Một hôm nhân ngày nghỉ, thằng Duyên đi lang thang xa hơn thường lệ, và cũng như thường lệ nó ngồi xuống chỗ để hết tâm trí vào công việc chạm khắc gỗ. Lần này đề tài của nó là một con sóc đang dùng hai chân ôm giữ một trái hồ đào. Đang mải mê làm, nó bỗng linh cảm thấy có hơi thở đằng sau lưng nó. Nó liền quay phắt lại và nhìn thấy ông già trên núi đang đứng nhìn qua bờ vai nó.
Nom ông ta, quả là đáng kinh hãi thật. Chòm râu rậm rạp và xoăn tít vào nhau của ông, che kín một khoảng ngực rộng. Chiếc mũi khoằm khoằm của ông khiến người ta nghĩ ngay đến hình ảnh một con chim ó dữ tợn. Nhưng trong khi thằng Duyên giật mình nhìn thẳng vào mắt ông, nó nhận thấy trong đôi mắt sáng loáng có chứa đựng vẻ hiền từ và khoan dung, nên nó quyết định thôi không chạy trốn nữa. Vả lại, nỗi cô đơn mà nó đã phải chịu đựng từ bấy lâu nay đã khiến nó bớt sợ hãi đi nhiều. Ông già này có vẻ kỳ dị, và không chừng ông ta độc ác nữa, nhưng dù sao, ông ta cũng không biết gì về việc làm quá khứ của nó.
Mạnh dạn, thằng Duyên nói: “Chào ông”, rồi đứng lặng yên chờ đợi ông ta hành động ra sao.
Ông già chìa một bàn tay xương xẩu ra để nhặt con sóc bằng gỗ lên. Ông xoay đi xoay lại ngắm nghía chán chê rồi mới cất giọng ồ ồ nói.
“Cháu còn nhỏ tuổi mà đã khắc được như vầy là khá lắm. Ai dạy cháu vậy?”
“Thưa ông, chẳng có ai dạy cháu cả. Cháu tự khắc lấy đấy”.
“Như vậy thì cháu là một thiên tài rồi. Cháu đáng được hưởng những dụng cụ điêu khắ lắm. Chỉ cần học thêm ít nhiều nữa là cháu có thể kiếm sống được rồi. Con sóc cháu khắc đây nom sống động lắm”.
Không nói ra lời, ông già chỉ ngoắc tay ra hiệu, và thằng Duyên giống như một người đang sống trong mộng, từ từ đứng lên đi theo ông già qua khỏi khu rừng thâm u. Hai người, một già một trẻ, lẳng lặng đi ngược lên ven núi cho tới khi đến căn nhà gỗ nhỏ nơi ông già đang sống.
Căn nhà thật nhỏ bé, chật hẹp. Ngoài cái chuồng gỗ để nuôi gà, không còn một căn nhà nào khác nữa. Con dê thì ở ngay trong bếp cùng với ông già, kể cả con mèo vàng đang ngồi liếm ông sưởi ấm ngoài ánh nắng. Phòng ngủ cũng dùng luôn làm phòng chứa cỏ khô, và ông già ngủ ngay trên những chiếc bao bố đặt trên đám cỏ khô dùng làm thức ăn cho con dê vào mùa đông.
Nhà bếp và phòng khách thật tồi tàn, nhưng bày biện hết sức kỳ cục. Thằng Duyên nhận thấy có cái lò, cái thùng đựng sữa vắt và cái ghế đẩu, cái máng đựng cỏ cho súc vật ăn, cái bàn, một cái ghế dựa và một cái máy ép phó mát. Nhưng khắp bốn phía chung quanh tường, cao khỏi tầm với của con dê, có những chiếc kệ trên bầy lủng củng những hình điêu khắc bằng gỗ, có những hình nom rất đẹp, có những hình thật thô, nhưng tất cả đều chứng tỏ là công trình của một nghệ sĩ có thiên tài.
Thằng Duyên nhận thấy có hình những con gấu, con bò, con Sơn dương, con dê, con chó xù và con sóc. Có cả hình người, đàn ông, đàn bà, hình mấy chú lùn và hình trẻ em đang nhảy múa. Có những chiếc hộp, nắp chạm khắc hình những bông hoa núi; và những cái đĩa ăn, vành chạm trổ những vòng hoa, nhưng đẹp hơn hết thảy là chiếc tàu Nô-ê với những hình thú vật xinh xinh đang tranh nhau nhảy xuống tàu. Mắt thằng Duyên như dán vào chiếc tàu này; nó nhìn ngắm mãi, nhìn ngắm mãi không thôi.
Còn tiếp