Thành phần dinh dưỡng
Đu đủ chín chứa khoảng 70% nước, 13% đường, không có tinh bột, có nhiều ca-rô-ten, a-xít hữu cơ, vi-ta-min A, B, C, Prô-tít, 0,9% chất béo, xen-lu-lô-zơ (0,5%), can-xi, phốt-pho, ma-giê, sắt, thi-a-min, ri-bo-fla-vin...
Đu đủ có lượng bê-ta ca-rô-ten nhiều hơn trong các rau quả khác. Bê-ta ca-rô-ten là một tiền chất của vi-ta-min A, vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành vi-ta-min A. Đây là một loại vi chất dinh dưỡng có vai trò là chống ô-xi hoá mạnh giúp cơ thể chống lại một số căn bệnh ung thư, chống khô mắt, khô da và có tác dụng nhuận tràng. Trong 100g đu đủ chín chứa 2.100 mcg bê-ta ca-rô-ten. Tuy nhiên, nhu cầu bê-ta ca-rô-ten cũng cần vừa phải, nếu ăn quá nhiều, liên tục sẽ dẫn đến thừa và gây vàng da. Hiện tượng vàng da này sẽ mất nếu giảm lượng bê-ta ca-rô-ten ăn vào.
Ngoài ra, trong đu đủ còn chứa nhiều vi-ta-min. Đu đủ có thể cung cấp cho cơ thể các loại vi-ta-min thiết yếu như vi-ta-min A và vi-ta-min C, trong 100g đu đủ có 74-80 mg vi-ta-min C. Ở Ấn Độ người ta đã chiết xuất vi-ta-min A từ quả đu đủ để sản xuất ra thuốc chống lại bệnh quáng gà ở trẻ em. Đu đủ còn có các vi-ta-min B1, B2, các a-xít gây men và khoáng chất như ka-li, can-xi, ma-giê, sắt và kẽm.
Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu, giúp hồi phục gan ở người bị sốt rét. Do có nhiều sinh tố C và ca-rô-ten nên đu đủ có tác dụng chống ô-xi hoá, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Dưỡng sinh với đu đủ
Đu đủ chín vào mùa nào dùng cũng tốt cho sức khoẻ. Vào mùa Hè, ăn đu đủ có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Vào thu, đông, đu đủ giúp nhuận táo, ôn bổ tì vị, dưỡng can, nhuận phế, chỉ khái, hoá đàm.
Đu đủ có tác dụng tốt cho những người chóng già, da mai mái, thể trạng không sung mãn, có các bệnh mạn tính. Dùng đu đủ chín 200g, chuối xiêm 300g, xay trong nước dừa non, uống hằng ngày. Đây là phép dưỡng sinh chống lão hóa của người xưa.
Đu đủ chín là món ăn bồi bổ và giúp tiêu hoá các chất thịt. Còn trong nấu ăn khi hầm các loại thịt, xương cứng người ta thường cho quả đu đủ xanh vào làm cho các thức ăn mau nhừ, nhuyễn, tiêu hoá tốt.
Chữa bệnh với đu đủ
Trong đu đủ có chứa rất nhiều loại en-zym, ví như en-zym papain rất tốt cho tiêu hoá, giúp tiêu hoá các thức ăn giàu prô-tê-in một cách dễ dàng hơn. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh celiac (một loại bệnh mà không thể tiêu hoá prô-tê-in trong lúa mì, hay gliandin) thì có thể ăn đu đủ xanh để chữa căn bệnh này.
Ở Mỹ người ta đã chứng minh rằng, quả đu đủ có thể chế biến thuốc để chữa bệnh lệch khớp xương hay có thể chế ra thuốc tiêm, có công dụng làm giảm đau đớn do các dây thần kinh gây nên.