Mỗi nước hay mỗi một quốc gia hình như đều có một loại cây tượng trưng hay tiêu biểu cho nước của mình. Đối với người Việt chúng ta, cây tre là cây thông thường nhất. Cây tre chẳng những được sử dụng tối đa từ thân đến lá, từ cụm măng non đến gốc tre già, nhưng tre cũng là hình ảnh của quê hương với lũy tre xanh. Tại Mỹ đây người ta nói đến cây sồi hay cây thông gỗ đỏ cao vút khổng lồ. Người Nhật thì nói đến cây anh đào. Đối với ngươi Do-thái, loại cây tượng trưng cho nước của họ là cây nho vì nho rất thông dụng. Nho để ăn trái tươi, để làm nho khô, làm bánh và để ép rượu. Mùa nho được hay không chi phối nền kinh tế của cả nước.
Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa thường dùng hình ảnh cây nho để mô tả đất nước và con dân của Ngài. Khi còn sống ở trần gian, trước khi chịu khổ nạn, Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng dùng hình ảnh cây nho để phán dạy môn sinh và để lại cho chúng ta những lời dạy như sau: “Ta là cây nho thật, Cha ta trồng cây ấy. Cành nào trong Ta không kết quả đều bị Ngài cắt bỏ. Ngài tỉa những cành ra trái để trái càng sai trĩu. Các con đã được Cha ta tỉa sửa do lời Ta dạy bảo. Các con cứ sống trong Ta, Ta sẽ sống trong các con luôn. Cành nho không thể ra trái khi lìa thân cây, cũng vậy, các con không thể tự kết quả một khi lìa khỏi Ta.”
Lời dạy trên của Chúa Giê-xu cho chúng ta thấy một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa. Chúng ta đã lần lượt nghe lời Chúa dạy Chúa là Bánh Hằng Sống, đem lại sự sống cho con người; Chúa là ánh sáng soi đường dẫn lối chúng sinh; Chúa là người chăn chiên hiền lành chăm sóc, bảo vệ chúng ta; Chúa là sự sống lại và sự sống đảm bảo cho chúng ta hy vọng ngày sau; Chúa là đường, là sự thật là sự sống cho thấy Ngài là giải pháp duy nhất cho vấn đề tội lỗi của con người. Hôm nay chúng ta nghe Chúa phán Ngài là cây nho thật nói lên một mối tương quan đậm đà thắm thiết mà ta không thể thiếu.
Những người quen biết tôi đều biết chữ mà tôi thích nhất là chữ “tương quan” hay “quan hệ” hay “mối liên hệ”, tiếng Anh là relationship. Bạn hãy nghĩ lại mà xem, cuộc đời của chúng ta là gì nếu không phải là những tương quan, những mối liên hệ hằng ngày? Mỗi ngày ta giao tiếp với người trong nhà, với bạn bè, với người làm cùng sở, với chủ. Khi lái xe ngoài đường ta đi cẩn thận hay không, người chung quanh chúng ta lái xe như thế nào, tất cả đều liên quan đến sự bực dọc hay nỗi vui mừng trong chúng ta. Mối quan hệ với vợ, với chồng, với cha mẹ, với con cái, với bạn bè và ngay cả với chính mình, tất cả đều chi phối cuộc sống của chúng ta. Có cái nhìn đúng về chính mình, không mang mặc cảm, ta sẽ vui sống. Trái lại, nếu mang nặng mặc cảm, nếu nghĩ rằng ai cũng ghét mình, hay coi thường mình, chúng ta sẽ dễ buồn phiền và chẳng làm được việc gì. Đó là mối quan hệ với chính mình. Tương tự như vậy với quan hệ với vợ, với chồng, với cha mẹ, với con cái.
Hình ảnh cây nho và nhánh nho trong lời dạy của Chúa Cứu Thế nói lên mối tương quan quan trọng nhất của con người, đó là tương quan với Đấng Tạo Hóa. Mối tương quan nầy tốt đẹp sẽ chi phối mọi mối tương quan khác. Mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người trong hình ảnh cây nho là mối tương quan gì? Đó là mối tương quan sự sống, sự sống trong ý nghĩa sinh học như cành cây liền với gốc mới có thể sống được. Suốt cả ngụ ngôn về cây nho và cành nho, Chúa nhắc đi nhắc lại những chữ “sống trong Ta.” “Ta là cây nho, các con là cành. Người nào sống trong Ta và được Ta sống trong lòng sẽ kết quả dồi dào vì ngoài Ta các con chẳng làm chi được.” Sống trong Chúa nghĩa là được kết hợp với Chúa, không phải trong một tổ chức, trong một nhà thờ, trong một hội đoàn.
Làm thế nào để có mối tương quan mật thiết nầy? Đây là một huyền nhiệm nhưng cũng là một sự thật mà nhiều người đã kinh nghiệm. Cành nho ở trong cây nho là một sự phát triển tự nhiên, ta không thể giải thích được ngoại trừ hai chữ “sự sống.” Cây nho sống thì tự nhiên đâm chồi nẩy lộc, tự nhiên có tược non, có hoa, có lá, có quả. Nó không làm gì cả, sự sống tự nhiên trong đó làm tất cả. Vấn đề vì vậy là làm thế nào để trở nên một phần của cây nho, có phần trong cây nho. Nếu có ai hỏi chúng ta, tại sao chúng ta ở trong gia đình nầy gia đình kia, tại sao chúng ta là con của người nầy người nọ, thì câu trả lời tự nhiên là vì chúng ta sinh ra trong gia đình đó, chúng ta là con của gia đình đó. Tương tự như vậy với việc có sự sống của Chúa. Muốn có sự sống của Chúa, muốn được nhữa sống của Ngài tuôn tràn trong tâm hồn chúng ta cần phải được sinh ra trong gia đình của Chúa. Thánh Kinh gọi đó là tái sinh hay sinh lại. Tái sinh không phải là đầu thai kiếp khác nhưng tái sinh là sinh ra làm một con người mới, một tạo vật mới. Ai trong chúng ta cũng có một lần sinh ra đời và sinh lại có thể nói là một sự thoát thai, lột xác để trở thành một con người mới. Đây là một tiến trình không do cố gắng của bản thân nhưng là một huyền nhiệm do tác động siêu nhiên của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều biết con bướm là biến thái của con sâu. Thiên Chúa đã làm cho con sâu biến đổi thành cái kén và trong cái kén đó, con sâu đã thay hình đổi dạng trở thành một con bướm đẹp đẽ, nếu không biết về sự biến thái, rất khó cho chúng ta tin là con bướm đẹp đẽ kia chính là con sâu xấu xí trước đó.
Sự tái sinh hay sinh lại của con người ở trong Chúa cũng giống như vậy. Đây không phải là cố gắng riêng của chúng ta nhưng đây là một sức mạnh từ bên trong. Thánh Kinh dạy, “Người nào ở trong Chúa Cứu Thế, người ấy là một tạo vật mới.” Kết hợp với Chúa, liên kết với Chúa, để cho sự sống của Chúa tuôn tràn vào đời sống của mình, đó chính là ở trong Ngài. Cái khác biệt của đạo Chúa chẳng những ở đối tượng chúng ta tin chính là Thiên Chúa nhưng cũng ở phương cách cứu rỗi. Phương cách cứu rỗi của con người tu thân tích đức, là đoái công chuộc tội, là đóng góp cho sự cứu rỗi của mình. Nhưng phương cách của Thiên Chúa là biến đổi con người từ bên trong, biến đổi con người thành một tạo vật mới, ban cho con người sự sống và sức sống để con người tự nhiên kết quả. Đó là hình ảnh của một cây nho sai trái. Cây nho không làm gì cả, nó chỉ nhận sự sống và sức sống từ gốc nho. Người tin Chúa là người trở về với cội nguồn, đặt lòng tin nơi Chúa và để cho Chúa biến đổi cuộc đời của mình. Cuộc đời vô vị ghê sợ đáng ghét như đời sống của một con sâu thành cuộc đời thanh thản, thỏa mãn, tung tăng bay lượn như những cánh bướm.
Một khi đã ở trong Chúa, một khi đã được sinh ra trong gia đình của Ngài, kết quả là một cái gì tự nhiên, không còn là một cố gắng nữa. Nhưng ngay cả những cành mang trái thì người trồng nho cũng phải tỉa sửa để trái càng sai. Và Chúa cho biết Ngài tỉa sửa chúng ta bằng lời dạy của Ngài: “Các con đã được Cha ta tỉa sửa do lời Ta dạy bảo.” Mỗi ngày trong đời sống Ta đều cần đến lời dạy của Chúa để nếp sống chúng ta được tinh sạch và kết quả càng hơn. Hai yếu tố quan trọng để cho cành nho luôn sai trái là cành nho phải dính vào với gốc và cành nho cần phải chịu tỉa sửa. Nếu Bạn hỏi những nhà trồng nho chuyên môn, họ sẽ cho Bạn biết rằng tỉa nho là cả một nghệ thuật và là một việc làm vô cùng quan trọng. Có những vườn nho dưới đôi mắt của người thường ta thấy thật tội nghiệp vì quá nhiều nhánh bị cắt bỏ, nhưng nhờ cắt bỏ tỉa sửa như vậy, cây mới càng sai trái.
Nếu Bạn đã đặt lòng tin nơi Chúa, Bạn và tôi là cành nho mà Chúa là gốc. Chúng ta được giao tiếp với Ngài luôn luôn và sự sống của Ngài tuôn tràn qua ta để ta sống một đời có kết quả. Có những lúc Chúa cần tỉa sửa chúng ta bằng lời dạy của Ngài để ta trở nên tốt đẹp hơn, kết quả hơn, hãy yên lặng để cho Ngài tỉa sửa.
Nếu Bạn chưa đặt lòng tin nơi Chúa, đây là lúc cho Bạn suy nghĩ về ý niệm rất quan trọng nầy. Bạn hãy nghĩ lại xem, cuộc đời chúng ta là gì, chẳng qua là kết hợp của những mối quan hệ khác nhau, có phải như vậy không? Quan hệ giữa Bạn và vợ mình như thế nào? Với chồng mình như thế nào? Với con mình ra sao? Với cha mẹ, với anh chị em, với bạn bè, với chủ, với người làm cùng sở, với bạn học cùng trường, ngay cả với chính mình nữa. Bạn có thấy là khi một mối quan hệ tốt mọi mối quan hệ khác cũng theo đó mà tốt không? Ngược lại chỉ cần mình hục hặc với chính mình, mối quan hệ với bản thân chưa được tốt đẹp thì cũng chẳng sống với ai được. Chính vì vậy mà Thiên Chúa muốn chúng ta nghĩ đến mối quan hệ quan trọng nhất, mối quan hệ với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta. Một khi có mối tương quan tốt đẹp với Ngài, mọi tương quan khác sẽ theo đó mà trở nên tốt đẹp. Bạn sẽ không phải cố gắng để sống đạo đức nữa mà chỉ cần để cho sự sống của Chúa tuôn tràn trong đời sống làm cho Bạn kết quả, làm cho cuộc đời Bạn bay lượn tung tăng như những cánh bướm, không còn là sâu bọ xấu xí nữa.
Nếu Bạn chưa đặt lòng tin nơi Chúa, đây là lúc cho Bạn suy nghĩ về ý niệm rất quan trọng nầy. Bạn hãy nghĩ lại xem, cuộc đời chúng ta là gì, chẳng qua là kết hợp của những mối quan hệ khác nhau, có phải như vậy không? Quan hệ giữa Bạn và vợ mình như thế nào? Với chồng mình như thế nào? Với con mình ra sao? Với cha mẹ, với anh chị em, với bạn bè, với chủ, với người làm cùng sở, với bạn học cùng trường, ngay cả với chính mình nữa. Bạn có thấy là khi một mối quan hệ tốt mọi mối quan hệ khác cũng theo đó mà tốt không? Ngược lại chỉ cần mình hục hặc với chính mình, mối quan hệ với bản thân chưa được tốt đẹp thì cũng chẳng sống với ai được. Chính vì vậy mà Thiên Chúa muốn chúng ta nghĩ đến mối quan hệ quan trọng nhất, mối quan hệ với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng chúng ta. Một khi có mối tương quan tốt đẹp với Ngài, mọi tương quan khác sẽ theo đó mà trở nên tốt đẹp. Bạn sẽ không phải cố gắng để sống đạo đức nữa mà chỉ cần để cho sự sống của Chúa tuôn tràn trong đời sống làm cho Bạn kết quả, làm cho cuộc đời Bạn bay lượn tung tăng như những cánh bướm, không còn là sâu bọ xấu xí nữa.
Hãy nghe lại lời Chúa phán dạy và áp dụng cho chính mình. Chúa phán: “Ta là cây nho thật, Cha ta trồng cây ấy. Cành nào trong Ta không kết quả đều bị Ngài cắt bỏ. Ngài tỉa những cành ra trái để trái càng sai trĩu. Các con đã được Cha ta tỉa sửa do ời Ta dạy bảo. Các con cứ sống trong Ta, Ta sẽ sống trong các con luôn. Cành nho không thể ra trái khi lìa thân cây, cũng vậy, các con không thể tự kết quả một khi lìa khỏi Ta.”
Mục sư Nguyễn Thỉ