Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Đói Khát Công Chính


Hạnh phúc là điều ai cũng đeo đuổi, tìm kiếm. Theo lời dạy của Chúa, người hạnh phúc thật là người ý thức tình trạng băng hoại tâm linh, là người biết ăn năn hối lỗi, là người khiêm nhu. Theo quan niệm thông thường thì một người như vậy chẳng có gì là hạnh phúc cả, nhưng trên phương diện tâm linh, đây là những điều đem đến cho chúng ta hạnh phúc thật vì đây là những điều giải quyết vấn đề tận gốc rễ.

Vấn đề của con người là vấn đề tâm linh, là mối quan hệ giữa con người với Đấng đã tạo dựng nên mình. Thiếu đi mối tương giao đó, cuộc đời của con người không còn ý nghĩa. Giống như cành cây không dính liền với thân cây hay một bộ phận của thân thể không còn dính liền vào thân thể.
Để mối tương giao giao nầy được tái lập, chúng ta phải trở lại con đường của Chúa. Con đường của Chúa là con đường cứu rỗi nhưng sự cứu rỗi không phải đơn phương, một chiều. Cần phải có sự đáp ứng của con người. Thiên Chúa đã làm tất cả để giải quyết vấn đề tội lỗi, nhưng con người chúng ta phải đáp ứng mới nhận được ơn tha thứ. Chính vì vậy mà những phước lành đi theo thứ tự từ chỗ ý thức tình trạng tội lỗi của mình, đến chỗ ăn năn hối cải và rồi xử sự với mọi người trong tinh thần khiêm nhu.
Bước thứ tư trên hành trình hạnh phúc, Chúa Giê-xu dạy:
Phước cho những kẻ đói khát sự công chính vì sẽ được no đủ (Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:6)
Trước khi tìm hiểu ý nghĩa của lời dạy nầy, chúng ta lại thấy một điều như nghịch lý trong lời dạy của Chúa. Xưa nay, người ta cho rằng giàu có, tươi cười hay no đủ mới là hạnh phúc nhưng chúng ta thấy Chúa dạy nghèo, khóc và đói và Chúa gọi đó là hạnh phúc. Tại sao vậy? Đây là nghèo, khóc và đói trong phạm vi tâm linh, nghĩa là ý thức mình là người bị phá sản tâm linh, đau buồn ăn năn về tội lỗi và điều chúng ta đói khát là đói khát về công chính của Thiên Chúa.
Công chính của Thiên Chúa nói đến mối quan hệ giữa con người với Đức Chúa Trời, giữa con chúng ta với nhau và cũng nói đến những mối quan hệ trong xã hội tức là những vấn đề như nhân quyền, liêm chính, thành thật. Đói khát công chính là đói khát những điều đó. Nói khác đi, chúng ta phải mong ước thấy công chính thành hình trong đời sống hằng ngày trong mối quan hệ giữa mình với Chúa, giữa con người với nhau và trong gia đình, trong cộng đồng.
Đói khát đó là có phước khi đói khát đúng. Chúa Giê-xu bảo chúng ta hãy đói khát về sự công chính. Công chính nói đến tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu cho thấy người hạnh phúc là người bắt đầu ý thức tình trạng nghèo khó tâm linh của mình. Kế đó ăn năn, than khóc về tội lỗi, rồi khiêm tốn nhận thức giá trị của mình và không kiêu căng. Đó là những bước thụ động. Trên phương diện tích cực, Chúng ta phải thèm muốn một cái gì tốt đẹp để thay thế cho những điều xấu xa. Điều tốt đẹp ta khao khát, mong ước đó là đức công chính của Thiên Chúa.
Như đã nói, đạo công chính nói đến mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới tội lỗi và hỗn loạn. Nhìn thấy một thế giới như vậy mà chúng ta không đau lòng, không khó chịu thì có nghĩa là ta chưa có lòng khao khát, chưa muốn thấy công lý của Chúa ngự trị. Bạn có thấy rằng khi chúng ta đang no thì dù có những thức ngon vật lạ ta cũng không thấy thèm không? Cũng tương tự như vậy, khi chúng ta no với tội lỗi, no với những điều xấu xa thì đức công chính của Thiên Chúa không hấp dẫn chúng ta được, chỉ khi nào đói khát công chính, chúng ta mới kinh nghiệm công chính và được kể là có phước.


Niềm ao ước lớn nhất của Bạn là gì? Bạn khao khát điều gì nhất bây giờ? Có phải Bạn muốn trông thấy một xã hội công bằng, những con người đạo đức, những mối quan hệ tốt đẹp? Điều đó chỉ thành sự thật khi Thiên Chúa cai trị hoàn toàn thế giới nầy để thực hiện công chính của Ngài. Tuy nhiên, cũng chính qua chúng ta, những con người đói khát công chính mà công chính được hien thực trên trần gian nầy. Hãy tưởng tượng, trong gia đình mà mọi người đều yêu thương nhau, trong cộng đồng mà mọi người đều quý trọng nhau, trong xã hội mà mọi người sống với nhau trong tình huynh đệ thì Nước Chúa đã thành hình ngay trên trần gian nầy.
Chính vì vậy mà Chúa Giê-xu dạy:
Trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và công chính của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa (Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:33)
“Mọi điều ấy” nói đến nhu cầu cơm áo và những nhu cầu khác của đời sống. Khi chúng ta ý thức vương quyền của Thiên Chúa trong đời sống, chúng ta để cho Chúa ngự trị tâm hồn, làm vua cuộc đời chúng ta, chúng ta sẽ kinh nghiệm công chính của Chúa trong cuộc đời và qua nếp sống của chúng ta người khác sẽ thấy đức công chính đó.
Thánh Kinh dùng hình ảnh của một con nai để nói lên lòng khát khao của con người đối với Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh viết:
Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa (Thánh Vịnh 42:1)
Đây cũng là lời cầu nguyện cần thiết của mỗi chúng ta nếu muốn thấy công chính của Chúa thực hiện trên trần gian nầy. Nhiều nơi trên thế giới vẫn còn sống trong nghèo đói, riêng tại Hoa Kỳ, chúng ta không thể nói rằng mình đang đói. Tuy nhiên, có một cái đói cần thiết, đó là đói khát công chính của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dùng sứ giả của Ngài loan báo lời tiên tri sau đây:
Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ nầy, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống mà là đói khát được nghe Lời Đức Chúa... Chúng sẽ lang thang để kiếm tìm lời Đức Chúa Trời mà không gặp được (Tiên tri A-mốt 8:11-12)
Hôm nay Lời của Chúa còn đến với chúng ta, chúng ta có đói khát Lời của Chúa không? Hãy đói khát về đức công chính của Thiên Chúa, hãy đến với Ngài hôm nay. Đừng đợi đến một lúc, chúng ta sẽ đói khát lời Chúa mà không tìm được
Người hạnh phúc thật là người biết đói khát công chính của Thiên Chúa vì Chúa phán:
Phước cho những kẻ đói khát sự công chính vì sẽ được no đủ (Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:6)
Khi khát khao công chính của Thiên Chúa. Ngài sẽ cho chúng ta no đủ. Chúa sẽ cho chúng ta thỏa mãn thật sự trong Ngài. Bạn hãy thử đi, Bạn sẽ không thất vọng đâu!

Mục sư Nguyễn Thỉ