Pastor Peter Le Van
9. Hy vọng đời sau
Ngày 30-4-1990
Bệnh suy tim của mẹ tôi mỗi ngày thêm
trầm trọng. Bác sĩ đã bó
tay khuyên cho bà nghỉ ngơi và ăn uống bổ dưỡng. Chúng tôi cầu nguyện thiết tha
xin Chúa cho bà sống thêm vài năm nữa. Suốt
cuộc đời mẹ tôi chưa có một ngày thong thả. Tôi
ước ao mẹ tôi được thỏa lòng vui hưởng hạnh phúc bên con cháu. Nhưng có lẽ đã qúa muộn màng vì
mẹ tôi sẽ không còn được sống bao lâu nữa. Theo
lời chẩn đoán của bác sĩ bệnh viện Đa Khoa, thì mẹ của tôi đang ở thời kỳ cuối
cùng của bệnh suy tim già, bội nhiễm phổi. Chúng
tôi kiên nhẫn cầu nguyện và đưa mẹ tôi đến gặp bác sĩ Quyền, nổi tiếng về
chuyên khoa tim. Ông nhận lời
theo dõi và điều trị. Kết cuộc Chúa cho mẹ tôi sống thêm được ba năm.
Vào những ngày cuối Xuân năm 1990, sau
cơn đau khủng khiếp, mẹ tôi rên rỉ và ngất đi. Vừa từ trường trở về, vợ chồng
chúng tôi qùy gối cầu nguyện, “Lạy Chúa, mẹ của chúng con đau đớn quá! Xin Chúa chữa lành cho mẹ con. Nếu
đẹp ý Ngài thì cho mẹ con được về cùng Chúa một cách bình an.” Ngay tức khắc mẹ tôi hết rên rỉ
và ngủ thiếp. Chúa khiến
cho tôi cũng ngủ quên đi. Trời
chưa sáng, tôi giật mình thức giấc, chạy qua phòng mẹ, sờ tay lên trán của bà,
lạnh ngắt. Tôi đặt tay lên
ngực, chỉ còn chút hơi ấm thoi thóp. Tôi
vội vàng đánh thức cả nhà dậy, vây quanh giường mẹ, chúng tôi quỳ xuống thưa với
Chúa trong những giọt nước mắt:
“Chúa ôi! Thế là Ngài đã
cất mẹ của chúng con về với Ngài… Tạ ơn Chúa…” Tôi
không thể nói gì thêm hơn được nữa. Một
nỗi xót xa vô tận nghẹn cứng ở cổ. Dẫu
biết rằng, linh hồn mẹ tôi chắc sẽ về cùng Chúa, nhưng sao trong tôi cảm thấy hụt
hẫng trước sự ra đi này.
Còn nỗi buồn nào hơn khi chia tay với
người thân yêu nhất của mình? Bản
thân tôi bị dày vò vì bao nhiêu ân hận, không cảm thấy thỏa lòng trong sự chăm
sóc khi mẹ tôi còn sống. Nhà
tôi nghèo cùng chung trong nỗi bất hạnh của đất nước sau chiến tranh. Mẹ tôi chưa một lần được đi nhà
hàng sang trọng, chưa được tắm vòi sen, cũng chưa có được những bộ áo quần xinh
đẹp. Thế rồi, mẹ tôi ra đi
mà chưa được nhìn ngắm đứa cháu nội trai mà lòng bà ao ước. Nó đang còn ở trong bụng!
Mẹ thường bảo con ôi, đừng gian dối
Thương người ta đừng đổi dạ thay lòng
Với tháng năm khắc khoải chờ mong
Cô dâu trẻ đưá cháu đầu kháu khỉnh
Giống hệt như cha dáng to tròn trĩnh
Để mỗi chiều mẹ ru hát ầu ơ…”
Trong những ngày này, gia đình chúng
tôi sống trong sự chật vật. Mới
bắt đầu đi dạy lại lương ba đồng ba cọc chẳng đủ thiếu vào đâu. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài
đã chăm sóc lo liệu mọi sự. Từ
Hội Thánh, các đầy tớ Chúa và anh em trong cùng đức tin, mỗi người một tay lo
cho tang lễ vinh hiển danh Chúa.
Những ngày đầu vắng mẹ, nhà chúng tôi
quạnh quẽ lắm. Ba tôi trở nên ít nói. Hai đứa con gái của chúng tôi buồn
xo. Còn tôi đêm đêm từ
trường trở về lên gác nằm khóc. Nhìn
những kỷ vật: cái nồi đồng sứt quai, đôi dép tôi mới mua cho mẹ, cái giá tráng
bánh, cái áo len bạt màu… lòng tôi nhói đau và cầu xin Chúa ban cho niềm an ủi. Cả cái quá khứ dài đằng đẵng mẹ
tôi gánh chịu bào nhiêu là gian khổ ở một miền quê hẻo lánh.
Chúng tôi được lớn lên trong mái nhà
tranh xiêu vẹo ngô khoai qua ngày. Mẹ
tôi phải thức dậy sớm trước khi gà gáy sáng để xay bột, tráng bánh, và nuôi
chúng tôi khôn lớn. Bao
nhiêu giải nắng dầm mưa mẹ tôi oằn vai gánh chịu. Thương con mùa đông không có áo,
bà lặn lội đi bộ nửa ngày đường để vay tiền mua cho tôi chiếc áo lạnh. Những ngày vào đại học, mẹ
tôi bán hết cả đàn heo mà vẫn không đủ mua nổi cái vé máy bay. Khi lấy vợ, mẹ tôi lại tiếp
tục nuôi heo và hy vọng đủ sắm cau trầu để cưới vợ cho con. Nào ngờ bầy heo bị dịch chết,
bà buồn bã khóc mấy ngày đêm. Từ
nhà quê về thánh phố cưới vợ, tôi chở mẹ tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch, lại
đèo thêm buồng cau nặng trĩu. Đi
một đoạn thì phải dừng lại vì mông của bà sưng lên không chịu nổi! Đám cưới con trai, không có nhẫn
vàng cho cô dâu, không tiệc tùng ăn uống. Đêm
tân hôn, mẹ tôi muốn sống chung nhà với con trai để nhìn thấy hạnh phúc của nó,
nhưng bà không thể ở lại, vì tôi “bị”gửi rể. Phút chia tay trở về quê hai
mẹ con cùng khóc. Đêm tân hôn của chúng tôi không có gì cả ngoài một bài thơ:
Hạnh phúc về sao tôi lại khóc
Bạn bè ôi, tôi muốn ôm hôn
Những tấm lòng phong trong giấy kín
Những bàn tay siết chặt đáy hồn
Cánh cửa khép bạn bè đi mất hút
Chỉ còn đây ly tách ngổn ngang
Tôi cúi mặt gục đầu trên nệm mới
Rượu tân hôn pha lẫn chút men tàn
Cánh cửa khép mọi người đi mất hút
Những bà con cha mẹ bỏ tôi về
Gần ba mươi tôi
làm thân gửi rể
Trong lòng buồn như mới
tập làm dâu
Bên người vợ thơm mùi gối
mới
Đêm tân hôn thức trắng
làm thơ
Bao chờ đợi vẫn nguyên
còn trinh tiết
Mà tình yêu chẳng có bến
bờ!
Đà Nẵng 17/5/ 1980
Giờ này đây, tôi tin rằng, mẹ tôi đã
ngủ yên trong vòng tay của Chúa. Bà
được giải phóng khỏi những tháng năm nhọc nhằn lao khổ của trần thế. Linh hồn bà được yên nghỉ
nơi cõi vĩnh hằng. Vào một
ngày tương lai khi Chúa tái lâm chúng tôi sẽ được gặp lại nhau.
“Phước cho người chết là chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải vì những
người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau.”
10. Lê Nguyễn Thiên Phước
Tháng 9- 1991
Một cháu trai nữa ra đời. Một niềm vui mới tràn ngập trong
gia đình chúng tôi. Một đứa
con cầu mà chúng tôi đã thiết tha xin Chúa ban cho trước khi mẹ tôi về với
Ngài. Tôi tiếc rằng bà
không được nhìn thấy nó. Cháu
rất là khôi ngô. Mặt mày
sáng quắc. Lúc nào cũng tươi
cười, hiếm khi thấy nó khóc. Chúa
chăm sóc nó từ khi còn trong bụng mẹ. Ngài
lo liệu và chu cấp mọi thứ. Chúng
tôi đặt tên cho nó là Lê Nguyễn Thiên Phước. Quả
thật, Phước là ân sủng đến từ trời. Phước
là niềm ước mơ, an ủi, là hạnh phúc bất tận của chúng tôi. Chúng tôi biết ơn Chúa vì Ngài
đã ban cho món quà vô giá này, để bù đắp lại sự thiếu vắng của mẹ tôi. Chúng tôi đã dâng Phước lên cho
Chúa với ước nguyện lớn lên Phước chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi!
Ngay từ lúc mới lọt lòng cho đến khi lớn lên, Phước được nuôi dưỡng trong hoàn
cảnh sung túc của gia đình. Phước
chưa bao giờ thiếu sữa hay bất cứ thứ gì. Đức
Chúa Trời chu cấp mọi sự. Phước
thích sinh hoạt trong nhà thờ, chơi với bạn bè trong Chúa. Tuổi lên năm, Phước
đã biết đã ngồi vào bàn phím computer và tập tành đánh máy. Lên bảy, đã viết thư cho tôi bằng
email lúc đó tôi ở Đại hàn. Có
lần chúng tôi hỏi phước:
- Lớn lên con sẽ làm gì?
- Con sẽ làm mục sư. Phước không ngần ngại trả lời.
- Làm mục sư nghèo lắm! Đi xe đạp con chịu
không?
- Đi bộ cũng được.
Chúa cho Phước học hành rất thông
mình, được nhiều cô thầy yêu mến. Khi
sang Mỹ, những cô giáo dạy Phước trở thành người đỡ đầu và nâng đỡ nhiều thứ
khi cần thiết. Tốt nghiệp
trung học ưu hạng trước khi niên khóa kết thúc sáu tháng. Chỉ tiếc rằng, diện di trú của
chúng tôi, Phước không có học bổng. Trong
khi chờ đợi tốt nghiệp, Phước phải đi thực tập tại một tiệm bán và sửa
computer. Sau khi thực tập,
Phước được người ta nhận làm thợ sửa vi tính ở đó. Vào đại học, vừa học vừa làm. Phước dậy đi làm từ lúc bốn giờ
sáng, nhưng mặt mày vẫn vui tươi, đầy chí khí. Phước đặt niềm
tin trọn vẹn nơi Cứu Chúa. Tính tình hiền hòa, nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ
mọi người khi có thể. Phước không “đa sầu, đa cảm” như cha của nó. Phước sống thực tế, mạnh mẽ
và cương quyết trong bản chất của một người đàn ông. Có được sự phước hạnh này,
chính là do sự đáp lời của Đức Chúa Trời trước sự qùy gối thiết tha cầu xin mỗi
ngày của cha mẹ nó.
Chúng tôi có ba đứa con đều yêu mến và kính sợ Chúa. Mỗi khi có điều gì bất hoà giữa
hai vợ chồng cãi vã nhau, hai đứa lớn liền qùy gối xuống cầu nguyện với Chúa. Nhìn những giọt nước mắt chảy xuống
trên những đôi gò má thơ ngây của chúng, hai chúng tôi nhìn nhau và nín lặng. Đó là những vị quan toà tí hon “xét xử”
ba mẹ chúng. Cái hình ảnh ấy
đối với tôi như là lời răn đe của Chúa cũng là món qùa thật dễ thương mà Đức
Chúa Trời đã ban tặng. Không
còn hình ảnh nào đẹp hơn khi nhìn thấy ba đứa con qùy gối cầu nguyện. Đứa lớn chìm trong suy tư, miệng
lâm râm thưa chuyện cùng Chúa, đứa nhỏ lộ những chiếc răng sún và Cu Tí (Thiên
Phước) mắt nheo lại, miệng mủm mỉm cười!
Tạ ơn Đức Chúa Trời! Từ
ngày Thiên Phước ra đời, cuộc sống trở nên dễ chịu. Chúng tôi không còn quá tất tả
ngược xuôi lo từng bữa ăn như trước. Trong
nhà, Chúa ban cho gạo cơm đầy đủ. Tôi
vừa đi dạy ở Trung Tâm Ngoại Ngữ, vừa dạy thêm ở các cơ quan, thu nhập bắt đầu
dư giả. Còn Phượng ngoài những
giờ lên lớp, ở nhà buôn bán thêm với cái quày nước mắm. Bây giờ có những mối lái lấy
hàng sỉ, nên số tiền lời khá hơn.
Mỗi ngày đi qua là một ơn phước lớn. Đời sống đức tin của gia đình
chúng tôi cũng dần già lớn lên. Tôi
tham gia vào ban truyền giảng của Hội Thánh. Mỗi
tuần vào chiều Chúa nhật cùng với anh em chia nhau đi khắp các phố phường để
thăm viếng và chứng đạo. Tôi
được bầu vào ban Chấp sự của Hội Thánh và có nhiều cơ hội để phụng sự và hầu việc
Đức Chúa Trời.
Bóng tối dường như bị xô đuổi ra khỏi
mái nhà êm ấm khi có Đức Chúa Trời ngự trị. Thay
cho những oán than là tiếng cười đùa của niềm phước hạnh. Thay cho những ưu tư, vô vọng về
một tương lai mờ tối là ánh sáng của tình yêu choáng ngợp. Chúng tôi ngất ngây vui hưởng hạnh
phúc trong bóng cánh của Đấng Toàn Năng.
“Phước cho
người nào kính sợ Đức Giê-hô-va,
“Đi trong
đường lối Ngài
“Vì ngươi
sẽ hưởng công việc của tay mình
“Được phước,
may mắn
“Vợ ngươi ở
trong nhà ngươi
“Sẽ như
cây nho thạnh mậu;
“Con cái
ngươi ở chung quanh bàn ngươi
“Khác nào
những chồi ô-li-ve
(Thi Thiên 128: 1,2, 3)
11. Chúa Lắng Nghe Tiếng Kêu Cầu
Tháng 11-1991
Chúng tôi nhận được quyết định giải tỏa
nhà nằm trong khu vực đường Hoàng Diệu, nối dài với đường vào Quân Khu 5. Lệnh giải tỏa khẩn cấp phải được
thi hành vào tháng mười hai.
Trước tình thế ấy căng thẳng ấy, hai mươi ba hộ thuộc diện giải tỏa rất khổ đau
vì bị mất đất, mất nhà vì số tiền đền bù không thể nào tương xứng với giá trị bất
động sản của họ. Ngày đêm,
nhiều người mất ăn mất ngủ chạy quanh kêu rêu than khóc. Riêng gia đình chúng tôi, ban
quy hoạch đo đất lần thứ ba, thì nhà chúng tôi mất đi hết, chỉ còn lại bề sâu độ
chừng một mét rưỡi. Chúng
tôi không quá bối rối tuy cũng có đôi chút băn khoăn.
Mỗi ngày, tôi lên nhà thờ cầu nguyện lúc năm giờ sáng cùng một nhóm tín hữu. Tôi trải tờ giấy quyết định giải
tỏa của Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh ra sàn và dâng nan đề lên cho Chúa. Lòng tôi tin quyết rằng Đức Chúa
Trời sẽ lo liệu mọi sự. “Lạy
Chúa của con! Ngợi khen Ngài về cơ hội để chúng con nếm biết về quyền năng của
Ngài trong sự quan phòng che chở. Đây là lệnh giải tỏa của chính quyền. Nhà
của chúng con sẽ mất. Xin
Cha cho chúng con một chỗ ở khác khang trang hơn, xinh đẹp hơn, để làm sáng
danh Cha. Xin Cha ban cho chúng con bảy mươi mét vuông và một ngôi nhà
theo thiết kế theo ý của Cha. Chúng
con chẳng làm chi được ngoài sự cậy trông nơi Ngài. Con cầu nguyện trong danh Chúa
Jêsus- Amen!”
Vậy là chúng tôi tin chắc sẽ được đáp ứng nhu cầu; vì Đức Chúa Trời là Cha của
chúng tôi, Ngài đã mua bảo hiểm cho chúng tôi, còn gì mà lo sợ!
Đến ngày nhận đất đền bù, thật lạ lùng đến
run sợ. UBND Phường giao cho chúng tôi 68 mét vuông, cộng với mái hiên 2 mét. Chúng tôi qùy gối xuống với nhau
để dâng lên Cha lời cảm tạ ngợi khen Ngài.
Đây là đất Chợ Mới đập ra, dời vào cuối đường giáp Quân Khu. Miếng đất
giao cho chúng tôi vuông vắn, đẹp nhất so với ba hộ còn lại.
Nhà nước trả cho chúng tôi mười một triệu. Số tiền đó chỉ đủ mua sắt mà
thôi. Trong đức tin, tôi nhờ
người quen thân thiết kế bảng vẽ căn nhà lầu ba tầng ngoài sức tưởng tượng. Cắm xong mười hai trụ bê tông xuống
đất mà tưởng chừng như sống trong mơ! Ông chủ thầu nói với chúng tôi,
“Cứ làm đi, thiếu thì tôi cho nợ.” Người bán vật liệu bảo rằng, “Thầy lo chi, cứ
chở xi măng về làm, từ từ trả.” Xi- măng bây giờ hạ giá, một chỉ vàng cộng thêm
hai chục ngàn thì mua được một tấn. Gạch
của chợ Mới đập ra, bán giá một phần ba. Vàng
thì có học viên và phụ huynh sẵn sàng cho mượn không điều kiện. Chúa chuẩn bị cho chúng tôi biết
bao nhiêu là thuận lợi.
Chưa đầy sáu tháng sau, căn nhà lầu đầu tiên được cất lên giữa khu chợ Mới. Tình yêu của Chúa được bày tỏ
qua những gì mà Ngài đã ban cho gia đình chúng tôi một cách vui mừng đáng sợ!
Chúa đãi ngộ chúng tôi vì đặt niềm tin trọn vẹn nơi sự thướng xót của Ngài. Chúng tôi bước đi trong niềm phước
hạnh vô biên. Sự cực nhọc của
hai vợ chồng trong suốt những đêm kéo đá, khuân gạch, phồng tay được đền bù xứng
đáng.
Tình Yêu của Chúa được dựng nên và chói
sáng làm bực bội bao con mắt tị hiềm và đố kỵ! Người trong xóm phân bì, “Bọn hắn từ đâu đến đây lại
làm giàu. Tụi mình sống ở
đây ba đời, bốn kiếp không có mảnh đất cắm dùi, lại còn ở mặt đường nữa chứ,
còn hơn trúng số độc đắc!”
Vâng, chúng tôi “trúng số”thật. Đó
là “số” mà Đức Chúa Trời đã lựa chọn được làm con cái của Ngài. Người thế gian ngạc nhiên và đặt
nhiều dấu hỏi. Họ thắc mắc
với đồng lương dạy học làm sao chúng tôi có thể xây được một căn nhà như thế? Chính chúng tôi cũng khó có câu
trả cho thỏa đáng mỗi khi ai hỏi đến. Họ
đâu biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng tạo nên vũ trụ thế gian này, thì có điều gì
là bất năng đối với Ngài. Đức
Chúa Trời giàu có vinh hiển. Ngài sẽ ban cho những con cái của Ngài mà không tiếc
nuối điều gì.
“Hãy
xin sẽ được; hãy tìm sẽ gặp;hãy gõ cửa sẽ mở cho. Bởi vì hễ ai xin thì được; ai
tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở. Trong các ngươi có ai khi con mình xin
bánh, mà cho đá chăng? Hay là con mình xin cá, mà cho rắn chăng? Vậy các ngươi
vốn là xấu còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở
trên trời lại chẳng ban các vật tốt cho những người xin Ngài sao?”
(Mathiơ 7: 7-11)
Niềm vui hiện tại khiến chúng tôi
không thể nào quên những tháng năm sống trong sự bất hạnh. Hai vợ chồng lang thang nhiều chỗ
“ở đùm ở đậu” nuốt bao nỗi đắng cay. Chiếc
xe đạp lộc cộc cũ mềm đèo nhau đi trên những chặng đường gian khổ, tìm kiếm một
mái tôn để nấp mưa che gió.
Gia tài chẳng có gì khác hơn là ít sách vở cùng với mấy cái son nồi lỉnh kỉnh. Chúng tôi chở nhau đi trong tủi
nhục, cùng chia sẻ niềm đau của thân phận nghèo hèn! Bây giờ Chúa đã thay đổi cuộc đời. Nhìn lại những chặng đường đã
qua chúng tôi xin dâng lên Chúa hai trái tim tan vỡ với tấm lòng biết ơn Cha
sâu sắc.
“Hãy ngợi khen Đức
Giê-hô-va, cầu khẩn danh của Ngài;
“ Khá truyền ra giữa các dân những
công việc của Ngài
“ Hãy hát, hãy hát cho Ngài những bài
ca!
“ Khá nói về các công việc lạ lùng của
Ngài
“ Hãy khoe mình về danh thánh Ngài;
nguyện lòng kẻ nào tìm cầu Đức Giê-hô-va được khoái lạc.”
(Thi Thiên 105:1-3)