Pastor Peter
Le Van
5. Chuyến đi Bảo Lộc (Thị trấn B’lao)
Tháng 3- 1984 tôi cầu nguyện xin Chúa cho tôi đi Bảo Lộc để tìm một công việc
sinh sống, “Lạy Chúa, xin Ngài
thương xót gia đình chúng con. Đã
từ lâu con không có cơ hội đi xa vì hoàn cảnh con Chúa biết rõ. Con muốn đi vào B’lao thăm người
bạn thân, và tìm kiếm một việc làm. Ở
đây, con thất nghiệp buồn lắm Chúa ôi! Xin Ngài cho con một dấu hiệu rõ ràng nếu
Ngài bằng lòng cho con đi. Con cảm ơn Ngài!”
Thế rồi, khoảng một tuần sau tôi nhận được
thư của người bạn mà tôi dự định đi thăm. Đài
và tôi đã sống cách xa nhau hơn tám năm. Hôm
nay, đột ngột lại viết thư về cho tôi. Thật
lạ lùng và thú vị! Tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần cho Phượng nghe. Trong thư Đài
bảo tôi vào thăm chơi và nghiên cứu công việc sinh sống. Cậu ta cho biết cuộc sống của cậu
đã ổn định và muốn tôi vào để được sống gần nhau. Chúng tôi là đôi bạn thân thiết
thuở còn trung học tại quê nhà, rồi tiếp tục cùng trọ chung nhà với nhau trong
những năm tháng ở đại học Sài Gòn.
Vậy là tôi có dấu hiệu của Chúa bằng lòng
cho đi, nhưng tiền để đi chưa có. Tôi
lại tiếp tục cầu xin Chúa. Thật
lạ lùng mấy hôm sau, bà ngoại của cháu đem lên cho số tiền vừa đủ mua vé xe đò. Từ Đà Nẵng đến Nha Trang đoạn đường
dài khoảng 500 cây số. Rồi
từ đó phải sang xe đi Bảo Lộc hãy còn xa lắm! Cho
nên, tôi cầu xin Chúa cho tôi mua được cái vé tốt nhất, nghĩa là được ngồi cạnh
tài xế hay ít ra những ghế ở băng đầu. Thế
nhưng, cầm cái vé trên tay tôi tuyệt vọng vì đó là cái vé ngồi ở băng sau chót.
Trên đường về nhà tôi tự nhủ, “Uả,
sao mình đã cầu nguyện rồi mà Chúa lại cho cái vé hạt bét này?” Tôi buồn lắm, nhưng không dám nói
với nhà tôi.
Sáng hôm sau, khi lên bến xe và bước lên chỗ ngồi của mình, tôi mới biết rằng
chẳng có ai mua vé ở hàng ghế đó. Vì
vậy tôi có quyền nằm xuống thoải mái, vắt chân,rung đùi và mỉm cười… Bây giờ, tôi mới khám phá được
điều kỳ diệu: Đức Chúa Trời
biết hết mọi sự. Ngài chăm lo từng việc nhỏ nhặt một cách chu đáo hơn
những gì tôi mong đợi.
Đến Bảo Lộc trời đã tối, tôi không biết tìm điạ chỉ của bạn mình ở đâu. Trong thư bạn tôi dặn dò:
- Xuống xe xong, mày hỏi nhà Đài làm ở
phòng giáo dục, có vợ tên là Vân bán mỹ phẩm ở chợ Bảo Lộc, người ta sẽ chỉ cho.
Thế nhưng, trời đã tối, phòng giáo dục đã
đóng cửa, chợ cũng đã tan! Thời
tiết cao nguyên lạnh lắm về đêm. Mưa
rả rích làm cho bộ áo quần ẩm ướt. Bụng
cồn cào vì đói. Người tôi mệt nhoài sau hai ngày đường vất vả. Thẫn thờ trong một lúc, tôi chẳng
biết tính làm sao. Nhớ đến
Chúa, tôi bèn nhắm mắt lại để cầu xin, “Lạy Chúa, xin Ngài chỉ đường cho
con. Con thèm một bữa cơm tối,
một giấc ngủ thật ngon.” Tôi
lại tiếp tục bách bộ và rẽ vào một con đường đất đỏ khá rộng. Đến cuối đường, tôi dừng lại hỏi
thăm một người đàn bà:
- Thưa
bác, bác có biết nhà anh Đài làm ở phòng giáo dục, có vợ là cô Vân bán mỹ phẩm
không ạ?
- Ngay
cái cổng cậu đứng đấy! Người
đàn bà nhã nhặn trả lời. Bà
gọi giúp:
- Cậu Đài ơi! Có ai hỏi thăm này. Bà nhìn tôi một lần nữa mìm cười
phúc hậu. Tôi cảm ơn bà rồi
bước vào cổng ngõ.
Đài luýnh quýnh chạy ra ôm lấy tôi, miệng
bi bô:
- Thằng
bạn tội nghiệp của tôi ôi! Ứớt hết rồi! Làm
sao mày tìm ra nhà giỏi vậy?
Tôi thong thả kể cho Đài nghe về những điều
lạ lùng mà Chúa đã ban cho. Hai
chúng tôi gặp lại nhau sau trong niềm sung sướng. Đêm ấy, chúng tôi kể cho nhau
nghe những biến cố xảy ra từ những ngày sau 1975 với bao nhiêu thay đổi. Chúng tôi ôn lại quá khứ, điểm lại
trong số bạn bè đứa nào còn đứa nào mất, hay lưu lạc phương trời nào?
Thời tiết cao nguyên thật tuyệt. Cái lạnh dễ thương và chúng tôi
ngủ lúc nào không biết.
Chơi với Đài khoảng mười ngày, tôi lại muốn trở về Đà Nẵng. Tôi cảm thấy
vui mừng và biết ơn Chúa vì được gặp lại bạn mình sau những nhớ nhung và mong đợi. Còn công việc làm ăn thì không dễ
dàng kiếm một việc thích hợp. Vả
lại, cuộc sống anh em chúng tôi bây giờ đã đổi khác. Đứa nào cũng đã có cái tổ ấm của
riêng mình. Dầu thương mến nhau nhưng xung quanh còn bao nhiêu bổn phận. Sự hồn nhiên, vô tư đã thuộc về
quá khứ của những ngày cắp sách. Tôi
không muốn làm nhọc bạn, nên quyết định trở về Đà Nẵng.
Chuyến xe sáng rời bến khi trời B’lao còn đầy sương. Đài và tôi ôm nhau thêm một lần
nữa. Đài cho tôi chiếc áo lạnh
da màu vàng. Tôi cho Đài
cái mũ lưỡi trai để nhớ tưởng đến nhau. Xe chạy một quãng, Đài vẫn còn đứng đó
nhìn theo.
Trên đường về, tôi mãi mê nhìn ngắm những đồi chè trải dài như con sông uốn
khúc một màu xanh bất tận. Những
người phụ nữ da sậm đen với cái gùi đằng sau lưng và đứa con nhỏ trước bụng. Cuộc đời của họ có lẽ là một tương
lai mịt mùng vô vọng. Họ gùi củi gạo, mắm muối, dầu chè và cất giấu nỗi niềm
riêng. Đôi mắt họ sâu hoắm
có vẻ mệt mỏi; lê những bước chân nặng nề trên con đường bụi đỏ. Tôi thầm tạ ơn Chúa vì tôi
đã bắt đầu có sự bình yên trong lòng và tin rằng Đức Giê-hô-va đang bước đi
cùng mình. Tôi cũng thầm cầu nguyện cho những người phụ nữ đáng thương kia một
ngày được gặp Chúa, để nhận được sự cứu rỗi và yêu thương. Những cái gùi trĩu nặng ấy Chúa
sẽ gánh thay cho.
“Hỡi những
kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường;
nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên
nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và
gánh ta nhẹ nhàng.”
6. Cám Dỗ
“Kẻ nào phạm tội ngoại tình với người đàn bà, tất vô tâm vô
trí: Ai làm như vậy khiến cho lình hồn mình hư mất. Người ấy sẽ bị thương tích và
khinh bỉ, sự sỉ nhục người ấy chẳng bôi mất đi.”
(Châm ngôn 6: 32, 33)
Vốn là học trò ban văn chương trước
1975, nên tôi có niềm say mê với văn học nghệ thuật. Cho nên một tối nọ cố chen mua
cho được một cái vé để xem kịch Lưu Quang Vũ. Đêm ấy, đoàn kịch Hà Nội diễn vở
Hoàng Tử Pơ-rim và nàng Si-ta. Những
bi thương và kịch tính của sân khấu làm cảm động lòng người. Những oan
trái khổ đau của một kiếp người bị ruồng rẫy, sống trong tủi hận bị ức hiếp bởi
kẻ cai trị ngu dốt, bù nhìn và, cuối cùng người phụ nữ kia đi tìm cái chết. Vở
kịch ẩn chứa nỗi thống khổ của con người sống giữa cái xã hội đầy bất công, những
oan khiên chống chất cho đến nỗi loài khỉ không muốn làm người.
Ánh đèn mờ chập chùng trong tiếng nhạc
du dương và ai oán, đã đưa tôi vào một thế giới khác; thoát ly khỏi thực tại và
thả hồn bay theo ảo mộng. Tôi
cố xô đuổi hình ảnh của nàng Si-ta ra khỏi trí óc của mình. Nhưng với bản ngã yếu đuối, tôi
không thể nào kềm chế nổi sự cám dỗ chết người trước những rung động. Con người cũ trong tôi bỗng sống
dậy mãnh liệt. Thế rồi, tôi
bắt đầu rong ruỗi chạy theo những điều lòng mình ưa muốn; gạt bỏ qua một bên những
lời khuyên dạy của Đức Chúa Trời. Cái
mặc cảm tội lỗi vì không nghe tiếng Chúa đã khiến tôi xa cách Ngài, không dám đối
mặt trong sự cầu nguyện. Tôi
như con chim đau đớn vì thương tích từ những mũi tên của loài qủy dữ. Nhưng có một điều thật lạ lùng
đó là tình yêu của Cứu Chúa Jêsus. Ngài
đã đổ huyết vô tội của mình để cứu lấy những đứa con tội lỗi. Cho nên Ngài vẫn
cứ xót thương cho dù tôi chẳng xứng đáng gì với ân điển cao vời đó. Ngài đã đánh thức tôi dậy sau giấc
ngủ bất an đầy rối loạn!
Tôi trở về nhà vào một đêm rất khuya,
say khướt. Nhà đóng cổng,
tôi trèo rào bước vô. Nhìn
trên bàn, mâm cơm vẫn còn nguyên vẹn. Hai
cái chén cùng với đĩa rau muống luộc, một quả trứng gà cạnh chén nước mắm. Nhà tôi đã ngủ say, tay gát trên
trán. Con tôi, hai đứa
bình yên trong lòng mẹ. Nhìn
cái hình ảnh đáng yêu ấy làm cho lòng tôi xúc động. Một sự ăn ăn trào lên và tôi vội
qùy xuống xưng tội cùng Chúa. Sáng
hôm sau, tôi đến nhà thờ lúc năm giờ để cầu xin với Chúa; hứa từ bỏ những tháng
ngày lung lạc và quyết tâm sống theo những lời khuyên dạy của Ngài.
Trước ngày rời Việt Nam, một người anh
trong Chúa có tặng tôi bài thơ mà anh ấy nói rằng tác giả là một người
Y-pha-nho. Bài thơ dài được
dịch sang tiếng Việt, trong đó có đoạn:
Nếu trước kia trên nẻo đường
phiêu đãng
Ai hỏi tôi sẽ dừng lại nơi
đâu?
Tôi trả lời ngay, chuyện
đó còn lâu
Vì đường giang hồ đưa về
vô tận
Bãi vi lau hay những bờ
cát trắng
Chỉ là nơi thuyền tạm
ghé mà thôi
Vầng trăng khuya không
buộc chặt hồn tôi
Tình du tử cắt rời niềm
lưu luyến…
Tôi ra đi thầm lặng và đơn
côi
Mái tóc đẹp nhòa dần
theo kỷ niệm
Những cặp mắt ngỡ ngàng
nơi góc biển
Những bàn tay trắng mịn
cuối chân trời
Khi hoàng hôn vừa cạn
chén ly bôi
Lời âu yếm khác chi lời
gió thoảng
Tình thắm đẹp khi rơi
vào quên lãng
Thì hương thơm mang sẵn
vị chua cay
Người giang hồ là hình ảnh
mây bay
Phiêu du mãi trên nền trời
bát ngát
Đôi khi tươi xanh và
trong mát
Đôi khi bão táp buồn âm u
Mùa đông về lạnh lão tiếp
sầu thu
Mùa hạ ấm sau mùa xuân rộn
rã
Mây vẫn bay qua miền
quen hay xứ lạ
Trong ngày quang hay những
tối không trăng
Là giang hồ ôm giấc mộng
vây quanh
Có ai nói sẽ dừng chân lữ
thứ
Nhưng thuở ấy nay trở
thành quá khứ
Mỏi giang hồ tôi dừng lại
nơi đây
Bài thơ dài cắt đứt những
câu say
Để viết tiếp bằng những
câu thành thật
Đời mưa gió lạnh vai ướt
ngực
Tình ngã nghiêng đôi mắt
nhức đau thương
Mối tình sầu đem gửi gió
mười phương
Trả sương lạnh cho ánh
đèn hải cảng
Có những lúc gục đầu
trong đêm tửu quán
Có những giờ say chén rượu
cháy vành môi
Trả tôi về những ngày cũ
đơn côi
Tôi đành sống êm hòa và
thuận phục
Giản dị lắm tôi trở về hạnh
phúc
Của người chồng biết yêu
vợ thương con
Con của tôi cặp mắt to
tròn
Cười nũng nịu niềm vui hồn
hậu quá
Vợ của tôi như hạt sương
trong nếp lá
Đẹp long lanh mỗi lúc ngước
nhìn tôi
Hạnh phúc bình thường nhưng
rất xinh tươi
Tôi đón nhận với tình
yêu đơn giản
Nhưng có lúc vì quá ư phẳng
lặng
Tôi chợt thương chợt nhớ
thuở xưa kia…
Tình thuở ấy giờ đây
thôi đã hết
Nên buồn thương đôi lúc
đến trong mơ
Nhưng chỉ thóang qua nhè
nhẹ hững hờ
Như nét vẽ như vần thơ rất
mỏng
Khi con tôi đưa bàn tay
bé bỏng
Sẽ hỏi tôi và gọi khẽ,
“ba ơi”
Thì mùa xuân lại đến với
làn môi
Tóc lại đẹp với bình
minh tươi trẻ
Tiếng chim ca lại bừng
lên vui vẻ
Gió trên cành rạo rực bướm
tình si
Khi vợ tôi với sắc đẹp
nhu mì
Cười âu yếm hỏi anh,
“sao chưa ngủ?”
Thì mùa xuân tan dần
trong sương phủ
Trời thương yêu tinh tú
sáng long lanh
Tôi bảo nàng hãy cầm lấy
tay anh
Cho hạnh phúc đượm thêm
màu ân ái…
Cảm tạ Đức Chúa Trời đã cho tôi cắt đứt
với quá khứ của một thanh niên lãng tử, bằng lòng sống thuận phục trong tình
yêu mà Ngài đã ban tặng. Không
có gì qúy hơn được sống bên những người thân thích và ruột thịt của mình. Trong kinh nghiệm này, bài học từ
sách Châm Ngôn vô cùng ý nghĩa và thâm thuý đối với tôi:
“Hãy
uống nước hồ con chứa, và nước chảy trong giếng con...
“Các nguồn của nó há tràn ra ngoài đường, và các suối của con
tuôn nơi phố chợ…Con hãy lấy làm vui thích nơi vợ con cưới buổi đang-thi
“Như nai cái đáng thương và hoàng dương có duyên tốt.
“Nguyện nương-long nàng làm thỏa lòng con luôn luôn
“Và ái tình nàng khiến con say mê mãi mãi.”
(Châm ngôn 5: 15-19)
“Kẻ nào phạm tội ngoại tình với người đàn bà, tất vô tâm vô trí: Ai làm như
vậy khiến cho lình hồn mình hư mất. Người
ấy sẽ bị thương tích và khinh bỉ, sự sỉ nhục người ấy chẳng bôi mất đi.”
(Châm ngôn 6: 32, 33)
7. Quyền năng của sự chữa lành
Tháng 9- 1987
Trong căn nhà mới của chúng tôi mà
Chúa vừa cho mua được, nằm sâu trong con hẻm của khu chợ Mới bùn lầy tanh tưởi. Tôi nằm trên giường đã hơn
ba ngày rên rỉ vì đau đớn. Một tai nạn đã xảy ra trên đường đến nhà thờ vào một
sáng Chúa nhật. Xe Hon-da của
tôi bị ngã xuống vì một chiếc xe xích lô húc vào. Vợ con tôi cùng ngã xuống đất nhưng
bình yên. Chỉ riêng tôi
không đứng dậy được.
Theo lời người thầy thuốc chuyên khoa
bảo rằng lớp mỡ bên hông bị giãn ra, và vài đốt xương bị thương tổn. Tôi đã đến một lương y gia truyền
để mua thuốc của ông thầy Vàng về uống và xoa bóp, nhưng vẫn không khỏi. Thế rồi, tôi vẫn nằm bất động
trên giường thở than cùng Chúa; kiểm điểm lại cuộc sống của bản thân mình tìm
xem những điều gì chưa đẹp lòng Ngài.
Rồi một ngày nọ, có ba người phụ nữ đến
thăm. Hai bà là vợ của Mục
sư Mã Phúc Minh, Mục sư Nguyễn Tợi cùng Bác Việt Hương. Đến giờ cơm trưa, gia đình chúng
tôi mời qúy bà ở lại dùng bữa. Trước
khi ăn, qúy bà cùng cầu nguyện cho tôi. Bác
Việt Hương cầu xin với Chúa giọng thiết tha và ngọt ngào:
“Lạy Chúa là Cha của
chúng con. Xin Cha thương
xót thầy Thể. Cảm ơn Cha vì
điều đó đã xảy ra để làm vinh hiển danh Cha. Con
tin rằng giờ này đây Chúa sẽ chữa lành cho thầy. “Mọi việc hiệp lại lám ích cho
công việc của Đức Chúa Trời.” Thầy Thể có vấp phạm điều gì xin Cha tha thứ và
chữa lành cho…”
Lời cầu nguyện vừa chấm dứt, một phép
lạ cũng vừa xảy ra. Như
có tia điện chạy vào tòan thân chạm mạnh vào chỗ đau; làm tan biến sự nhức nhối
trong khoảnh khắc. Tôi nghe
như có bàn tay êm dịu đỡ tôi ngồi dậy. Tôi
vui mừng trong nỗi ngạc nhiên và sợ hãi. Tôi
thử bước chân xuống đất, rồi đi qua đi lại, nhảy lên. Ồ lạ lung! Tôi hoàn toàn bình thường vì Chúa đã
chữa lành vết thương. Mọi
người trố mắt nhìn tôi không ngớt lời cảm tạ ngợi khen Chúa. Ngay sau giờ phút đó, cái bàn thờ
ông bà trên gác lửng của ba mẹ tôi được dọn dẹp. Chúa nhật của tuần lễ đó, cà gia
đình tôi đến nhà thờ tiếp nhận Chúa Jê-sus.
Từ biến cố được chữa lành, trong đời sống
tôi có rất nhiều thay đổi. Tôi
gần gũi Chúa hơn. Những thắc
mắc, hồ nghi về những câu chuyện trong Kinh Thánh dần dần biến mất. Tôi hoàn toàn tin vào quyền
năng của Chúa. Tôi nhớ lại
nhiều phép lạ chữa lành được chép trong các sách Phúc Âm và gần nhất là quyển
sách “Thượng Đế Còn Làm Phép Lạ” của bà Kathryn Kuhlman; và tin rằng Chúa
Jê-sus hôm qua ngày nay và mãi mãi không bao giờ thay đổi.
Cũng từ đó được sự quan tâm giúp đỡ của
nhiều tôi tớ Chúa; tôi tập tễnh đi nhiều nơi để làm chứng nhân cho Đức Chúa Trời.
“Nhưng
người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương, bởi
sự sửa phạt người chịu, chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được
lành bịnh.”
8.
Chúa Mở Đường
Trên đường từ nhà thờ Quế Sơn trở về
Đà Nẵng, lòng tôi buồn man mác không hiểu tại sao Chúa vẫn để chúng tôi còn nhiều
lận đận về cơm áo? Tôi vẫn
phải những công việc mà tôi không ưa thích. Tôi
làm nghề chụp ảnh công viên với những tháng năm buồn tủi. Rồi tham gia vào những
chuyện làm ăn mua bán phiêu lưu. Tôi
rất ngại tiếp xúc những con người mánh mung gian trá.
Khi xã hội nghèo đói, thì việc ưu tiên
của con người là lao vào việc mưu sinh. Khi cái bao tử được đặt lên hàng đầu,
thì những giá trị cao quý của đời sống tinh thần bị hạ bệ. Nhiều người đã quên đi nhân
nghĩa, sẵn sàng quay lưng lại với đạo lý làm người, chà đạp lên nhau để sống. Trong bối cảnh khốn cùng của xã hội,
giành giật của sự mưu sinh, nhân cách của con người được thể hiện rõ rệt. Sự dối trá, lừa đảo, vong ân, bội
nghĩa… dường như là chuyện quá quen thuộc với nhiều người; nhưng lại là nỗi ưu
tư trăn trở đối với một số người còn chút lương tâm và liêm sỉ.
Khi đức tin lớn dần như đứa trẻ vừa nhận
biết điều phải trái, tôi rất sợ những việc làm không vui lòng Chúa. Cho nên tôi kêu cầu cùng Ngài mở đường
cho tôi một công việc làm phù
hợp với năng khiếu của mình; nhưng đẹp lòng Chúa. Ngày tháng vẫn cứ trôi qua trong
nỗi khắc khoải đợi chờ…
Gia đình tôi đông người, tám nhân khẩu. Cha mẹ già yếu, công việc làm ăn
của tôi thất thường và lây lất. Vợ
tôi ngoài việc đi dạy ở trường, về nhà còn phải tất bật với cái quày buôn bán nước
mắm. Mỗi sáng lúc năm giờ,
tôi và đứa con gái đầu năm tuổi, hai cha con đèo nhau trên xe đạp ra chợ Cồn
mua các loại trái cây như cốc, ổi, mía, xoài về bán thêm cho trẻ con trong xóm. Bé Hạnh đi với tôi cho có bạn và
trông coi xe đạp. Có
lần nó thèm ăn chôm chôm mà tôi không đủ tiền nên dạy cho nó bài hát, “Muốn chôm chôm mà không có tiền,
không có tiền thì không có chôm chôm.” Nó
nhanh nhẹn hát theo và trả lời: “Thế thì ba mua cho con củ khoai cũng được.” Tôi ngồi xuống ôm con gái vào
lòng; xoa trên cái đầu bé bỏng của nó. Những
giọt nước mắt âm thầm chảy xuống. Tình
cảnh của chúng tôi bây giờ sống thật đơn sơ và nghèo khó. Mỗi tháng chỉ mong có được đủ củi
đun bếp và gạo đầy thùng thì đã yên lòng.
Như bao nhiêu gia đình
khác, chúng tôi cùng chung hoàn cảnh sau những đổi thay của đất nước. Mỗi người quần quật làm việc
ngày đêm mà vẫn không đủ sống. Chính vì những khó khăn cực kỳ vây hãm, khiến
cho con cái của Chúa lắm khi cũng hành động theo ý riêng của mình. Không còn đợi chờ Chúa nữa, tôi
quyết định “tự mở đường!” Aó quần đã bỏ vào chiếc xách tay, chuẩn bị về quê để
tham gia vào giới buôn trầm.
Đang ngồi ăn sáng, bỗng
chiếc xe Hon-da đỗ xịch trước nhà. Một
người đàn ông chậm rãi bước vào. Tôi
nhận ra đó là một giáo sư ngoại ngữ, đến mời tôi hợp tác dạy tiếng Anh. Tôi nhận
lời mà không cần suy nghĩ. Chúng
tôi tạ ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã thương xót, không muốn tôi dính líu vào những
chuyện làm ăn phiêu lưu và liều lĩnh!
Lòng tôi hoan hỉ được trở về với cái
nghề yêu thích. Tôi say mê
trong những giờ lên lớp. Tháng
ngày qua đi êm đẹp trong niềm vui rộn ràng của một nhà giáo. Tôi luôn cầu
nguyện biết ơn Chúa trước những giờ lên bục. Học
viên tôi già trẻ, lớn bé nhiều hạng tuổi khác nhau, xuất thân đủ mọi thành phần. Nhưng giữa họ và tôi không hề có
khoản cách; bởi vì trong tôi được mặc lấy một thứ tình yêu mới mà người thế
gian không thể có.
“Ngài sẽ nghe lời cầu nguyện của kẻ khốn cùng
“Chẳng khinh dễ lời câu xin của họ.”
(Thi Thiên 102: 17)