Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

QUA KHỎI DÒNG SÔNG


Trong mơ tôi thấy mình rượt đuổi theo người đàn ông ấy, nhưng vết thương nơi đầu gối làm tôi chạy khập khiễng, khi tôi chạy đến gần cái vòng cung trắng nơi có bức tượng một đứa bé khỏe mạnh đội chiếc mão hoa hồng như một vị thần trong thần thoại Hy Lạp, người đàn ông đã biến mất.


Tôi tỉnh dậy, nằm một lúc lâu trong bóng tối. Ðã nhiều năm trôi qua tôi vẫn thức dậy một mình trong bóng tối như vậy, sau những giấc mơ khác nhau. Nhưng nhân vật chính trong giấc mơ vẫn là một người đàn ông và những cuộc rượt đuổi mà người thua cuộc bao giờ cũng là tôi. Tôi nằm đó, gậm nhấm niềm đau như một niềm hoài cổ khôn nguôi rồi sau đó ngồi dậy, chậm chạp, bởi vì vết thương nơi đầu gối làm tôi đi lại hơi khó khăn. Tôi pha một ly trà, lấy vài cái bánh ngọt, kéo tấm màn che cửa sổ cho ánh nắng soi sáng căn phòng khách nhỏ, mở nhạc nhẹ và tìm một tờ báo, tôi bắt đầu đọc. Buổi sáng của tôi bắt đầu như thế.
Sau tai nạn làm gẫy xương đầu gối, tôi nghỉ việc, bán căn nhà cũ và dọn về một căn nhà nhỏ hơn, không cần phải lớn vì chỉ ở một mình, ở ngoại ô thành phố nhỏ này. Khu dân cư này thật yên tĩnh và điều làm tôi ưa thích hơn hết có lẽ là con suối nhỏ chạy vòng sau lưng nhà và một khu rừng cây thấp thoáng đằng xa, gợi nhớ quê hương ấu thời làm sao. Vào mùa thu, tôi đã đứng hàng giờ bên khung cửa nhìn ra khu rừng ấy bấy giờ đã tràn ngập những màu vàng, cam, đỏ của lá, thầm cảm phục tài năng của một bậc danh họa nào đó mà tôi không biết tên. Cuộc sống tôi giản dị như điều tôi mơ ước hàng chục năm qua giờ đã thành tựu. Có điều, vết thương trong lòng không thể nào quên.


Ngày hôm kia, con trai tôi gọi từ một tiểu bang khác về. Không biết là lần thứ mấy nó mời tôi đến thăm gia đình nó mà tôi viện hết lý do này đến lý do kia để từ chối. Giọng nó thoáng hờn dỗi:


- Mẹ không thương con thì cũng thương thằng cháu nội của mẹ chứ. Từ ngày chúng con dọn đến tiểu bang này chưa có một lần nào mẹ ghé thăm cháu.


Tôi làm bộ cười:


- Ðâu thằng chó của mẹ đâu cho mẹ nói chuyện với nó một chút


Con tôi miễn cưỡng:


- Nó đây này, nhưng mà nó không muốn nói chuyện với bà trên điện thoại đâu. Nó chỉ muốn gặp bà thôi.

Như thế đấy, đã nhiều năm qua. Tôi vẫn ở trong cái khu vực riêng tư của mình như một cái ốc đảo trong một miền hoang mạc, từ chối bất cứ một cuộc gặp gỡ nào. Buổi sáng sau khi đọc báo, xem ít tin tức trên Ti Vi, nếu trời nắng thì tôi đội mũ, đi ra vườn sau, nơi tôi trồng khá nhiều loại hoa, trong đó dĩ nhiên là có hoa hồng, chăm sóc khu vườn bé nhỏ của mình, đôi khi nổi giận vì mấy con sóc ở khu rừng cạnh đấy gặm nhấm những bông hoa tôi dày công vun xới. Ðôi khi ngồi nghỉ mệt, tôi nhìn về phía xa, tưởng tượng ra hình ảnh một người đàn ông, mà có lẽ trong giấc mơ tôi đã từng gặp, nhưng chỉ nhìn thấy phía sau lưng.

Ngày hôm qua khi vừa mở cửa bước ra, tôi ngạc nhiên vì thế giới tĩnh lặng của tôi có sự thay đổi. Ngôi nhà bên cạnh mọi hôm vắng vẻ bữa nay thật ồn ào. Thì ra người chủ cũ đã bán nhà, và người láng giềng mới của tôi đã dọn tới. Chiếc xe U Haul và một vài người đang chuyển đồ đạc vào. Hai đứa trẻ một trai một gái có lẽ sinh đôi khoảng 6, 7 tuổi đang ngồi trong một đống bao bị ngổn ngang trố mắt ra nhìn tôi. Và ngạc nhiên hơn nữa, đứa bé trai mỉm cười, nói bằng tiếng Việt khá sõi:


- Chào bà




Tôi cũng mỉm cười:
- Chào cháu. Các cháu mới dọn đến đây hả?


Ðứa bé gái xen vào:


- Ở xa thật là xa đến đây đó. Xa lắm. Phải đi máy bay gần một ngày đó.

Một phụ nữ trẻ, chắc là mẹ của đứa bé từ trong bước ra, mặc quần jean và áo ngắn tay, cũng gật đầu chào tôi và nói với giọng tự nhiên như đã thân thiện từ lâu:


- Chào bác, vui quá không ngờ lại ở gần một người Việt Nam, mà lại dễ thương như bác nữa. Khi tụi cháu dọn nhà xong chắc chắn sẽ mời bác sang chơi.

Tôi cười, xã giao vài câu rồi đi ra vườn, cái thế giới riêng tư của mình, tưới cây, bắt sâu, nhổ cỏ ... Khi tôi trở vào nhà, ngó qua bên nhà hàng xóm thấy cánh cửa sổ mở, đứa bé trai đang đứng trong cánh cửa ấy nhìn ra ngoài một cách yên lặng. Khi nhìn thấy tôi, nó nở một nụ cười nhưng cũng chỉ là một nụ cười hiền lành, nhẹ nhàng, như một người lớn. Tự nhiên tôi giật mình, cái nụ cười ấy quen thuộc quá. Hình như tôi đã nhìn thấy nó, từ rất lâu.

Từ rất lâu, tôi chỉ muốn gặp lại người đàn ông ấy, và chỉ để nói một điều duy nhất: em vô cùng ân hận ...

2. Vài ngày sau, khi tôi đang ngồi trong nhà, vừa xem Ti Vi vừa đan cái áo len định sẽ gởi cho thằng cháu nội mới lên một tuổi thì có tiếng gõ cửa. Nhìn qua tấm gương cửa sổ, tôi thấy thằng bé. Tôi đứng dậy đi ra mở cửa, nó đứng trước mặt tôi với một bó hoa dại:



- Thưa bà, con đến tặng bà bó hoa con mới hái.


Tôi ngạc nhiên nhìn đứa bé:


- Con hái, mà hái ở đâu?


- Thưa bà, ở đằng sau cái suối kia, mẹ con cho phép con với em con chạy ra đó chơi một chút, con thấy hoa đẹp quá nên hái tặng cho bà. Thằng bé cười. Tôi thực sự cảm động:


- Cám ơn con, con dễ thương lắm. Nhưng sao con
lại hái tặng cho bà?


- Thưa bà, vì con thấy bà ở có một mình, mà bà trồng hoa nhiều, chắc bà thích hoa ...
- Sao con biết bà ở một mình?


- Mấy ngày tới đây con đâu có thấy ai đi vào nhà bà đâu. Bà cho phép con vào nhà chứ?


- Con vào đi. Tôi mở rộng cửa cho nó.

Thằng bé cẩn thận tháo giày ra trước khi bước vào. Nó nhìn quanh một hồi rồi nói:
- Nhà bà có nhiều tranh đẹp quá. Nhà con cũng có nhiều tranh, nhưng mà con chỉ thích một bức tranh thôi.


- Tranh gì vậy con? Tôi tò mò nhìn nó.


- Một bức tranh vẽ Chúa Jesus đang ôm một người bạn trong lòng vì người bạn này đang buồn. Chúa Jesus dễ thương lắm.

Tôi chợt đưa tay ôm lấy ngực như thể bị một cái gì đó đánh vào thật mạnh.
- Bà sao vậy. Ðứa bé lo lắng hỏi.


- Không sao, bà chỉ đau một chút thôi. Tôi cố gắng mỉm cười. Ðể bà rót nước cho con uống nhé.

Khi tôi cầm ly nước đi ra, đứa bé ngồi trên sô pha, thoải mái dang hai tay phía sau và nhìn tôi mỉm cười. Vừa lúc ấy có tiếng gõ cửa và một khuôn mặt hiện ra trong tấm gương cửa sổ. Người mẹ của đứa bé. Tôi ra mở cửa. Người phụ nữ nhoẻn miệng cười thân thiện:


- Chào bác. Hải Ðăng có đây không ạ. Ồ, nó kia rồi. Cháu chỉ đến hỏi xem thằng bé có sang đây không thôi. Nếu bác thấy không có gì bất tiện thì cho cháu ngồi chơi với bà một chút.


- Không sao, cháu có thể ngồi chơi với tôi đến khi nào cháu muốn về.


- Cám ơn bác. Người phụ nữ nói tiếp. Ngày mai cháu có một bữa ăn với một vài người quen, nếu bác không ngại mời bác sang nhà chơi để gia đình cháu có dịp làm quen.
Tôi định mở miệng từ chối ngay theo như thói quen, nhưng thật ngạc nhiên, tôi nghe mình nói:


- Cám ơn cô, chắc không có gì trở ngại đâu. Tôi sẽ qua.


Dường như nỗi cô đơn quá lâu trong lòng tôi đã bật lên tiếng nói đó, khác hẳn với tiếng nói từ bao lâu nay tôi vẫn thường bắt mình phải nói. Người phụ nữ cám ơn, đưa tay vẫy cậu con trai bên trong, nháy mắt cười với nó và quay lưng đi. Khi tôi quay vào, đứa bé lại nhìn tôi mỉm cười. Tại sao một đứa bé trai lại hay mỉm cười, như một người lớn hết sức điềm đạm. Nụ cười rất quen thuộc, như nụ cười của người đàn ông trong giấc mộng hơn hai mươi năm qua mà tôi vẫn miệt mài rượt đuổi theo trong tuyệt vọng, cốt chỉ để nói một câu mà tôi ấp ủ: em vô cùng ân hận.

3. Trong giấc mộng tối hôm ấy, tôi lại thấy lại người đàn ông ấy, nhưng lần này không phải nhìn sau lưng nữa, mà ở ngay phía trước mặt. Ðó là Hậu. Khuôn mặt hiền lành và nụ cười nhẹ nhàng. Hậu và tôi ngồi đối diện nhau trên một ghế đá công viên gần bờ sông, trước mặt là vài cái bánh, hai chai nước ngọt mà chúng tôi mới mua từ một tiệm gần đấy. Chúng tôi ngồi im lặng một lúc. Tôi cố tránh tia nhìn của Hậu. Hậu nói:
- Anh nghĩ là Quỳnh biết lý do anh mời em đi chơi chiều nay.



Tôi im lặng. Hậu lại nói:


- Anh có nghe hai bác nói về quyết định của em muốn thành lập gia đình với Tuấn.
Tôi vẫn im lặng. Hậu lại nói:


- Em nói đi. Anh nghĩ đây là lần cuối cùng mình có thể gặp nhau.


Tôi nhìn ra mặt sông. Tôi muốn nói với Hậu điều tôi muốn nói, nhưng có một cái gì đó chặn ngang cổ họng. Cổ họng tôi khô khốc. Một lát, tôi trấn tĩnh lại, nhìn thẳng vào mắt Hậu. Tôi đọc thấy vẻ buồn rầu câm lặng trên khuôn mặt anh.


- Việc lập gia đình giữa em với anh Tuấn có gì sai?


Hậu nhìn thẳng vào mắt tôi:


- Trong vấn đề tình cảm thì không có gì sai đúng.


Nhưng anh xin lỗi phải hỏi em điều này.


Tôi nhìn anh bằng ánh mắt dò hỏi.


- Anh nghe một người nói rằng em chuẩn bị một chuyến vượt biển với Tuấn. Ðiều đó đúng hay không?

Tôi im lặng một lúc lâu rồi nói: Ðúng. Hậu hơi chồm tới, nắm tay tôi. Tôi để yên, bàn tay anh run lên bên ngoài bàn tay tôi:


- Quỳnh, anh xin em đừng đi.


- Tại sao? Tôi bướng bỉnh hỏi.


- Anh thấy chuyến đi này có nhiều nguy hiểm


Vả lại, em chưa làm đám cưới với Tuấn, em không nên làm vậy. Tôi nhìn ra mặt sông:
- Em đã quyết định rồi, không có gì lay chuyển em được, ngay cả ba má em.
Hậu siết mạnh tay tôi:


- Quỳnh, anh xin em một lần cuối cùng, em đừng đi. Em biết .... Hậu nuốt nước miếng vào cổ họng:


- Em biết, anh yêu em từ bao lâu nay, trước khi em gặp Tuấn. Anh luôn luôn ao ước được có em trong cuộc đời, nhưng ..

Tôi cố gắng nhìn ra mặt sông, giọng nói đanh lại:


- Nhưng bởi vì em không chịu chấp nhận tin Chúa Jesus của anh, cho nên anh không thể cưới em.


- Nhưng tại sao em không thể tin Chúa Jesus? Ngài là Chúa của cả hoàn vũ này mà...
- Ðừng nói với em điều đó nữa được không? Em nghĩ là mình nên chấm dứt cuộc đối thoại ở đây.


- Sao em lại cứng cỏi như vậy hả Quỳnh, điều đó có ích lợi gì đâu?


- Im đi. Tôi hét lên.



Hậu chồm tới gần sát mặt tôi:


- Quỳnh, hãy hứa với anh là đừng đi vượt biển với Tuấn, em có thể ở lại đây làm đám cưới, cho ba má vui.


Tôi đứng dậy:


- Ðừng mất thì giờ của anh vô ích. Em xin lỗi.


Hậu đứng dậy theo, tay vẫn nắm chặt tay tôi:


- Quỳnh, anh van em..


Tôi vùng tay ra khỏi tay Hậu, nhưng anh vẫn nắm chặt. Tôi nhìn thẳng vào mắt
Hậu với đôi mắt của một con thú bị thương. Anh cũng nhìn lại tôi, đôi mắt của một kẻ chiến bại, thảng thốt, lạc thần. Tôi đọc thấy trong đó sự van cầu và tuyệt vọng. Quá nhiều năm sau đó đôi mắt ấy trở nên một ám ảnh khôn nguôi trong lòng tôi. Nhưng ngay lúc đó thì không, trong cơn giận dữ điên cuồng tôi vùng mạnh tay lần nữa bằng một sức mạnh đột ngột, bằng một cú đánh thì đúng hơn, vào giữa mặt Hậu. Ðó là cú phản công của một con thú tuyệt vọng vì cùng đường. Quá bất ngờ, Hậu ngã ra phía sau, đầu anh đập vào chai nước trên bàn, tôi nghe tiếng thủy tinh vỡ chát chúa trên mặt bàn gỗ. Không một tiếng kêu, Hậu đưa tay ôm lấy phía sau đầu, lảo đảo đứng dậy, rồi từ từ mở rộng bàn tay ra. Trước khi bỏ chạy, tôi vẫn kịp nhìn thấy hai bàn tay anh đầy máu. Hậu đứng im lặng trong bóng chiều. Còn tôi thì hối hả vượt qua con đường xe cộ tấp nập qua lại như đang vượt qua một số phận bi đát của cuộc đời mình. Không có một giọt nước mắt. Nhưng trái tim tôi tan nát, không gì hàn gắn được.


4. Tôi quyết định đến sớm hơn giờ mà gia đình người hàng xóm đã mời. Người phụ nữ trẻ mở cửa, sau lưng cô là một người đàn ông trạc tuổi. Tôi đoán là người chồng:
- Chào bác, mời bác vào. Ðây là anh Huân, chồng cháu.


- Chào bác. Huân nói, hơi mỉm cười


Tôi bước vào bên trong. Chỉ mới vài ngày mà đồ đạc đã dọn dẹp khá ngăn nắp. Tôi nhìn thấy bức tranh mà thằng bé Hải Ðăng nói ngay phía trên lò sưởi. Trái tim tôi se lại. Hai đứa bé từ bên trong chạy ra, lễ phép khoanh tay lại chào tôi: Chào bà. Tôi ngồi xuống xoa đầu hai đứa bé.


Hải Ðăng liếng thoắng:


- Bà chưa biết tên em con, em con tên là Hồ Thu, đẹp không? Ông ngoại con đã đặt tên cho hai anh em con đó. Người mẹ mắng yêu con:


- Thằng này láu lỉnh thật, chưa gì đã giới thiệu
ông ngoại rồi.


Cô quay sang tôi:


- Cháu cũng quên chưa giới thiệu tên cháu cho
bác biết. Cháu tên là Quyên. Xin lỗi cháu chưa biết gọi bác là gì?


- Tôi tên Quỳnh. Cô cứ gọi bác Quỳnh là được.


Quyên hơi nhíu mày:


- Quỳnh. Cái tên cháu nghe quen quen. Mà thôi, để có dịp hỏi chuyện bác sau. Mời bác ngồi cháu đi lấy nước.


Cô khuất sau cánh cửa. Hải Ðăng nắm tay tôi:


- Bà muốn đi xem phòng của con không, con sẽ dẫn bà đi.


Giọng nói dễ thương của thằng bé khuất phục tôi một cách dễ dàng, tôi mỉm cười đưa mắt nhìn Huân đang đứng gần đó. Anh gật đầu: mời bác. Hải Ðăng dẫn tôi vào phòng nó, một căn phòng nhỏ dành cho một đứa bé trai, nhưng thật lạ, không có một món đồ chơi nào, chiếc giường nhỏ phủ tấm drap xanh trắng nhã nhặn, chiếc bàn học trước mặt cửa sổ mở rộng ngó ra phía khu rừng nhỏ phía xa, một bức tranh vẽ Jesus và các trẻ em, chiếc thập tự giá.. Tôi thầm nghĩ: gia đình này ngoan đạo quá, đâu đâu cũng có bóng dáng của Chúa Jesus. Lòng tôi lại se lại trong một nỗi đau nhẹ nhàng.
Hải Ðăng nắm tay tôi kéo lại bàn học của nó:



- Ðây là cái computer ông ngoại con mua cho con để con học và email cho ông nữa đó.


Tôi cười:


- Con thương ông ngoại lắm nhỉ, lúc nào cũng nhắc ông, sao không nghe con nhắc đến bà ngoại.


Hải Ðăng lắc lắc đầu:


- Bà ngoại con về với Chúa lâu rồi, chỉ còn ông


ngoại. Hồi con còn nhỏ xíu ông ngoại đã nuôi con, ông ngoại thương con lắm. Ðể con lấy hình ông ngoại con cho bà xem.

Thằng bé lục tung mấy cái ba lô đồ của nó còn nằm trong closet, lấy ra một quyển album nhỏ và nắm tay tôi lôi lại cùng ngồi với nó trên giường. Nó mở cuốn album ra, tôi nhìn vào và thốt nhiên há hốc miệng, tay chận ngang ngực để không thốt lên một tiếng kêu lớn. Có lẽ nào người đàn ông đang ngồi cạnh đứa bé trên chiếc ghế đá đó chính là Hậu, người đàn ông tôi đã tìm và rượt đuổi trong giấc mộng nhiều năm qua? Nhưng tôi không thể lầm, dù tháng năm có làm khuôn mặt hiền lành của anh khác đi, già đi rất nhiều, khuôn mặt của một ông ngoại chứ không phải là khuôn mặt của một chàng trai trẻ tuổi ngày nào, nhưng chính là Hậu không nghi ngờ gì được. Hải Ðăng nhìn chăm vào mặt tôi vẻ hoảng hốt. Ngay lúc đó Quyên hiện ra trước cửa, mỉm cười:
- Thưa bác, cháu xin lỗi, có phải bác tên là Hoa Quỳnh?


Tôi đứng dậy, loạng choạng với một đôi chân thương tật. Tôi đã nhận ra cô, chính là con gái của Hậu. Ngày xưa, có một lần khi ngồi bên cạnh nhau không nén nổi cảm xúc, Hậu nói với tôi rằng:


- Nếu mà sau này mình có con gái, anh sẽ đặt tên nó là Quyên, để cùng trùng với chữ Q. của mẹ.

5. Chiếc tàu vượt biển của chúng tôi năm ấy chịu cùng chung số phận với nhiều chiếc tàu khác khởi hành từ một thành phố miền Tây nước Việt. Hai ngày sau khi rời khỏi hải phận Việt Nam, chúng tôi gặp hải tặc. Ðiều phải đến đã đến. Khi tôi tỉnh dậy với một thân thể rách nát đầy thương tích và máu me trên sàn ghe dơ bẩn nhầy nhụa, tôi thấy Tuấn ngồi bên cạnh với khuôn mặt mất hồn và đôi mắt đỏ ngầu, cũng xơ xác như một miếng giẻ rách. Có nhiều người đã bị hãm hiếp và bị giết, quăng xuống biển, nhưng tôi và Tuấn vẫn còn sống. Thật đau đớn, tôi nghĩ giá như mà cả hai cùng chết trong ngày hôm đó thì chắc sẽ tốt hơn.


Tàu tôi ngay sau đó được một chiếc tàu Mỹ vớt. Chúng tôi được đưa lên tàu và được chữa trị. Tôi dần dần bình phục về thể xác, nhưng tâm hồn tôi không bao giờ bình phục được nữa. Chúng tôi đến Mỹ và lập một cuộc sống mới. Nhưng cả tôi và Tuấn không ai quên được hình ảnh ghê gớm trên chiếc ghe ngày ấy. Chúng tôi sống những chuỗi ngày thật bất hạnh. Tôi biết rằng mình không hạnh phúc. Tôi chịu đựng vấn đề chăn gối với Tuấn như những cực hình. Dường như lúc nào Tuấn cũng tránh nhìn thẳng vào mặt tôi như để tránh nhìn thấy một sự thật đau thương nào đó mà anh không thể chịu đựng được. Chúng tôi có một đứa con trai. Sau khi tôi sanh, Tuấn và tôi cũng chấm dứt chuyện chăn gối. Anh đi làm sớm, về trễ, giờ giấc bất thường tôi không có quyền hỏi, anh bắt đầu nhậu nhẹt, say sưa, có khi về nhà la hét những chuyện không đâu. Rồi một ngày kia, anh đi đâu về thật trễ, tôi đang sửa soạn cho con trai đi ngủ, anh đến ghé sát cái miệng nồng nặc mùi rượu vào tai tôi:


- Cô cho con ngủ đi rồi xuống đây tôi nói chuyện.


Tôi linh cảm một chuyện không lành sẽ xảy ra. Tuấn chưa bao giờ gọi tôi bằng cô hay một từ nào khác gần giống như thế. Tôi dỗ thằng bé ngủ rồi đi xuống, Tuấn đứng trước lò sưởi, vứt những khúc cây vào trong cho lửa cháy bùng thêm. Bên ngoài trời đang rất lạnh, mùa đông ở miền Ðông Hoa Kỳ có những hôm khí hậu thật khắc nghiệt, dưới 10 độ F.


- Tôi nghĩ chúng ta nên nói chuyện thẳng thắn với nhau một lần. Tuấn nói sau một lúc im lặng, giọng anh rất tỉnh táo không có vẻ gì là say ruợu.


- Anh nói đi. Tôi nói, chuẩn bị tinh thần để nghe
tiếp, tôi dường như biết rằng Tuấn sẽ nói gì. Anh nói đúng. Có lẽ phải nên nói với nhau một lần hơn là cứ để tình trạng mãi như thế này.


- Tôi đề nghị chúng ta nên ly dị. Tuấn nói thẳng.


Tôi cúi đầu xuống, tôi biết điều này sẽ xảy ra, không sớm thì muộn, nhưng sao trái tim tôi vẫn đau đớn. Tôi muốn nói nhiều hơn, nhưng rồi tôi nghĩ là không nên nói gì hết. Vô ích. Vở kịch đã đến hồi kết thúc rồi, cố níu nó lại làm chi. Tuấn nhìn tôi vẻ dò xét, giọng dịu lại:


- Sao em không nói gì hết? Em nói đi. Tôi cố gắng giữ cho mình ngồi thẳng:


- Em nghĩ là mình không có gì để nói.


Tuấn đột ngột bước nhanh lại gần tôi, nắm lấy hai vai tôi:


- Sao không có gì để nói? Em nghĩ là tôi chủ động việc ly dị này, còn em chỉ là kẻ vô tội sao?


- Ðừng nói gì nữa, anh Tuấn, đủ rồi.


- Tại sao? Tuấn gằn giọng. Em phải nói hết một lần đi rồi chúng ta sẽ thanh thản tâm hồn mà chia tay nhau. Tôi không muốn con tôi sau này hiểu lầm là tôi đã phản bội em.
- Anh yên tâm, em sẽ không bao giờ nói với con như vậy đâu.


- Nhưng mà tôi muốn cô phải nói ra hết sự thật.



Nếu cô không nói thì tôi sẽ nói. Giọng Tuấn cao vút lên, âm thanh mà tôi chưa từng nghe bao giờ. Ðược rồi, chúng ta sẽ ly dị nhau, ai đi đường nấy, chấm dứt cuộc hôn nhân bất hạnh này, chấm dứt vai kịch hạng bét mà cô đã đóng trong mấy năm qua.


Giọng Tuấn sắt lại như thể anh đã dồn nén nó từ bao nhiêu năm:


- Từ lâu tôi biết cô sống với tôi như một cái xác không hồn. Tôi chỉ là một cái phao mà cô chụp lấy khi cô rơi xuống biển, cô lấy tôi để chạy trốn hình ảnh thằng Hậu. Cô sống với tôi, chung đụng với tôi nhưng lòng cô luôn nghĩ tới thằng Hậu, nó là một thằng khốn nạn ...


Tôi cố chồm người tới:


- Anh Tuấn, xin anh đừng nói vậy. Không phải hoàn toàn như vậy.


- Không phải hoàn toàn như vậy có nghĩa là có một phần nào đó đúng, bao nhiêu phần, một hay hai hay ba. Nghĩa là bao lâu nay tôi đóng vai một thằng chồng hờ để lòng cô tơ tưởng đến một thằng đàn ông khác trong những giấc mơ của cô?

Tôi gục xuống. Giọng Tuấn siết chặt trong hai hàm răng, người anh run lên:


- Tôi đã quá ngu để bây giờ mới thấy điều đó, ngay cả sau khi cô bị làm nhục trên biển. Ngày đó sao cô không chết đi cho rồi, hả, tại sao cô không chết đi cho rồi ngày đó??

Tuấn đấm mạnh vào mặt bàn. Những chiếc ly nhảy tung lên. Những chiếc ly lóe sáng lên trong đôi mắt đỏ ngầu của Tuấn. Anh chụp lấy một chiếc, đập mạnh xuống bàn, tiếng vỡ chát chúa của thủy tinh làm tôi phải giật mình ngẩng lên vừa lúc Tuấn đưa tay hốt cả đám thủy tinh vỡ ném thẳng vào mặt tôi. Tôi kêu thét lên kinh hoàng và quỵ xuống.

6. Tôi đứng dựa vào mặt kính trong suốt của vách tường phi trường, ngó ra ngoài. Những chiếc phi cơ từ từ bò vào trong sân như những con cá voi đi nghênh ngang trên cạn. Lòng tôi hồi hộp. Không biết tôi đã xem giờ bao nhiêu lần. Vẫn còn sớm. Hai vợ chồng Quyên và hai đứa bé đang đứng đâu đó ở cổng chờ. Quyên nói với tôi:


- Bác ra chỗ ngoài này đứng đi, để con surprise ba con. Ba con không bao giờ tưởng tượng tới cảnh này đâu, con sợ ổng sẽ bị heart attack nữa đó..

Một buổi tối Quyên sang nhà tôi và tôi đã kể lại cho cô nghe tất cả. Cô trầm ngâm trước ly trà đã quá nguội:


- Khi con gặp bác lần đầu con đã có linh tính đây


chính là người đàn bà mà ba con đã có ít nhất một lần nói cho con nghe một cách hết sức rõ ràng. Con vào phòng xem lại tấm hình duy nhất ba con còn giữ về bác và xác nhận sự nghi ngờ là sự thật. Sau khi bác vượt biển và biệt tích, ba con đã lập gia đình với mẹ con, Bích Thùy, một thanh niên trong Hội Thánh yêu ba con từ lâu. Ba con thương mẹ con vì sự đằm thắm và chung thủy, nhưng lý do lớn hơn hết có lẽø vì mẹ con là một người rất yêu mến Chúa, mà ba con cũng chỉ có thể chấp nhận điều đó. Mẹ con mất khi con lên 12 tuổi vì bệnh ung thư, lúc đó gia đình con đã được ông ngoại con bảo lãnh sang Mỹ. Ba con sống như vậy để nuôi con, cho đến khi con lớn lên, học Ðại Học, và gặp anh Huân. Con lập gia đình hơi sớm, nên Hải Ðăng và Hồ Thu năm nay đã 6 tuổi rồi. Hải Ðăng thật kỳ lạ, giống hệt ông ngoại từ khuôn mặt đến tính tình, nhất là nụ cười của nó.

Tôi im lặng. Quyên cũng im lặng một lúc lâu. Cô nhìn chăm ra ngoài khuôn cửa sổ tối đen như để lục lại trong dĩ vãng một chút ánh sáng của quá khứ:
- Trước khi con đám cưới một tháng, ba con đã kể lại cho con nghe lần đầu tiên, về bác...


- ... sau khi bác đi, ba con đau đớn lắm, không phải là vì vết thương trên đầu mà bác đã gây ra buổi chiều hôm ấy, nhưng vết thương lòng quá sâu mà bác đã để lại vì ba con đã yêu bác bằng tất cả trái tim. Ngày mẹ con sắp mất, ba con ngồi lại cạnh giường mẹ, khóc và nói với mẹ:


- Anh xin lỗi em rất nhiều vì em biết rằng anh đã hết sức cố gắng để làm tròn bổn phận của một người chồng tốt, nhưng...


Mẹ con nói với ba con:


- Em biết anh vẫn còn yêu Quỳnh trong tâm tưởng, nhưng đối với em không hề gì vì anh đã cư xử rất tốt với em trong suốt cuộc hôn nhân của chúng ta. Em về với Chúa không có gì là ân hận hết, chỉ thương bé Quyên còn nhỏ.


-... ba con đã hứa với mẹ con rằng ba sẽ ở vậy nuôi con cho đến khi con lập gia đình và sẽ không bao giờ lập gia đình nữa.

Quyên ngẩng lên nhìn tôi. Ðôi mắt đen long lanh của cô không giống Hậu, mà giống mẹ cô hơn, đôi mắt như nhìn suốt vào tâm tư tôi:


- Bác có muốn gặp lại ba con không?



Phải một lúc lâu tôi mới nói được: Có. Và tôi nói thêm:


- Chỉ để nói với ba con một điều duy nhất. Quyên mỉm cười:


- Con sẽ không hỏi bác về điều duy nhất đó đâu,
nhưng con sẽ tìm cách để bác và ba con có thể gặp nhau.


- Bằng cách nào?


- Con sẽ mời ba con sang đây, và sẽ không nói gì
với ông hết cho tới khi gặp bác.


- Bác nghĩ là hãy để thêm một thời gian nữa.


Quyên đưa ly nước lên miệng, rồi để xuống:


- Bác không nghĩ hai mươi bảy năm là đã đủ rồi sao?


Quyên đã sắp đặt mọi việc theo cô dự tính. Chiều hôm qua cô gọi sang:
- Bác ơi, ngày mai ba con sẽ đến phi trường vào lúc 10 giờ 15 phút. Con đề nghị bác tự lái xe đi, rồi chở ba con về, hai người có thể đi đâu đó một cách tự nhiên hơn.

Buổi tối hôm đó tôi không nằm mơ thấy lại giấc mộng cũ nữa. Tôi chắc rằng mình sẽ không còn thấy nó nữa mãi mãi. Buổi sáng thức dậy sớm hơn tất cả những ngày khác trong đời, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy mình lục lại trong ngăn tủ cũ những vật dụng trang điểm đã rất lâu không dùng tới nữa. Và tôi đã ngồi yên lặng trong bình minh, thấy lòng mình bình yên một cách lạ kỳ.

Từ đằng xa tôi nghe người ta báo rằng chiếc máy bay của Hậu đã tới. Một vài người từ trong đã đi ra, vẫy tay chào người thân của họ, Tôi thấy Huân bế Hải Ðăng đưa lên cao khỏi đầu, và Quyên nắm tay Hồ Thu chạy tới bên một người đàn ông vừa bước ra cửa còn đang đứng ngơ ngác. Tôi cố dằn trái tim xúc động của mình xuống, quay lưng lại, nói thầm: đừng khóc.

Tôi tưởng chừng thời gian đã trôi đi quá chậm cho đến khi tôi nghe tiếng Quyên gọi phía sau:


- Bác Quỳnh.


Tôi quay lại. Trước mặt tôi là người đàn ông mà tôi đã rượt đuổi gần ba mươi năm trong những giấc mơ. Hậu đó, dường như không có gì thay đổi trong trái tim chờ đợi. Hậu nhìn tôi như sững sờ trong một vài giây, trong đôi mắt đã hằn lên nhiều vết chân chim ánh lên một tia sáng long lanh mừng rỡ, e dè, rồi anh bật thốt:


- Quỳnh, có phải Quỳnh không?


Tôi bước tới hai bước, Hậu cũng bước tới hai bước. Chúng tôi ôm nhau trước mặt Huân và Quyên và hai đứa bé đang cười vui vẻ. Nước mắt tôi chảy ra trên má, rơi vào vai áo của Hậu. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi, tôi nói thầm trong lòng: Chúa Jesus ơi, con tạ ơn Ngài. Thật kỳ diệu, vì sao mà Ngài đã đưa gia đình Quyên đến ở ngay bên cạnh nhà tôi để rồi tôi có thể gặp lại người mà tôi mỏi mòn tìm kiếm. Chúa đã làm cho mọi sự khó khăn trở nên quá dễ dàng.

7. Tôi và Hậu đi dọc bờ hồ. Những con chim vỗ cánh bay lên từ giữa đám lau sậy. Lòng tôi cũng bay lên niềm vui đã tràn đầy. Tay tôi ở trong tay Hậu. Bàn tay anh vẫn dịu dàng.


- Thật diệu kỳ. Hậu bật thốt. Anh cứ tưởng là mình đang nằm mơ.


- Vâng, thật là diệu kỳ. Ðã hai mươi bảy năm rồi em vẫn chờ đợi có giây phút này mà nghĩ rằng sẽ không bao giờ có được. Em đã phải trả một giá quá đắt cho hành động ngông cuồng của mình. Hậu quay lại nhìn tôi:


- Thôi Quỳnh, đừng nói đến chuyện ngày xưa nữa. Nó đã qua rồi.


- Không. Tôi nhìn sâu vào mắt Hậu, dịu dàng.


Em vẫn chờ đợi có giây phút này để nói với anh một điều ấp ủ: em vô cùng ân hận.
Hậu siết chặt tay tôi trong lòng bàn tay anh.


- Anh có bằng lòng tha thứ cho em không?


Ðiều đó thật khó nói, đối với một người đàn bà kiêu hãnh, nhưng tôi đã nói được, bằng tất cả tấm lòng chân thành, ăn năn, đau đớn. Son phấn hóa trang của những vở kịch đời đã phai, chỉ còn lại nỗi đau.


- Quỳnh, anh đã tha thứ cho em từ lâu, ngay buổi chiều hôm ấy, khi đứng dậy, ôm vết thương chảy máu phía sau đầu nhìn em hối hả băng qua bên kia đường như chạy trốn, anh đau đớn vì biết chắc rằng em đã chọn sai đường và biết rằng em sẽ không bao giờ hạnh phúc.

Hậu kể cho tôi nghe về quãng đời anh sau khi tôi ra đi, giống hệt những điều Quyên đã kể. Rồi tôi cũng kể cho anh nghe tất cả những diễn biến của cuộc đời tôi sau đó. Chúng tôi ngồi xuống một ghế đá bên bờ hồ. Buổi trưa thanh tịnh. Chỉ có những con chim bay lên. Hậu yên lặng nhìn ra mặt hồ yên tĩnh:


- Hai mươi bảy năm, quá dài cho một đời người, phải không em?


- Dạ vâng. Tôi đáp.


Tự nhiên nước mắt tôi chảy dài trên má, và tôi để yên cho nó chảy xuống áo mình.


- Em sao vậy?


- Em vui mừng vì biết mình được tha thứ.


Cách đây vài ngày tôi dẫn Hải Ðăng và Hồ Thu đi dọc con suối nhỏ chảy sau nhà. Hồ Thu rứt tay tôi chạy băng về phía trước đuổi theo con sóc nhỏ. Hải Ðăng chỉ cho tôi:


- Bà ơi, con sóc kìa.


- Phải, con sóc. Nhưng có gì lạ đâu con, những con sóc vẫn thường chạy lên phá phách những hoa cỏ trong vườn nhà mình.


Hải Ðăng nhìn tôi cười:


- Con thấy rất lạ vì chỗ con ở không bao giờ có những con sóc dễ thương thế này. Chúa làm nhiều con vật thật là đẹp hả bà?


Tôi cúi xuống đứa bé:


- Con yêu Chúa lắm phải không?


- Dạ vâng, con yêu Chúa lắm, ông bà con cũng
yêu Chúa, ba mẹ con cũng yêu Chúa ..., nhưng sao bà không yêu Chúa hả bà?

Tôi không thể trả lời câu hỏi của thằng bé lúc ấy. Nhưng bây giờ tôi có thể trả lời cho Hậu, tôi hỏi anh:


- Ðức Chúa Trời có bao giờ tha thứ được cho một kẻ đã chống nghịch Ngài không anh?


Hậu mỉm cười:


- Em biết rồi. Ðức Chúa Trời còn có thể tha thứ được cho những kẻ đã giết Ngài nữa.
- Như vậy thì Ngài cũng có thể tha thứ cho em phải không?


- Nếu em biết rằng em đã phạm tội với Ngài. Hậu đáp.
Tôi nắm bàn tay anh:


- Hậu, nếu bây giờ em nói với anh rằng em đã ăn năn tội lỗi mình và muốn cầu nguyện để tiếp nhận Chúa thì anh nghĩ sao?

Hậu quay lại nhìn chăm vào mặt tôi một lúc như để đo lường bao nhiêu phần trăm sự thật trong câu nói và trên gương mặt tôi. Tôi nhìn thấy khuôn mặt anh biến đổi như đang bị giằng co, xâu xé một điều gì thật đau lòng, hân hoan mà chua xót, rồi hai dòng nước mắt chảy dài trên má anh. Hai mươi bảy năm trước đây khi tôi cương quyết đoạn tuyệt mối tình của anh bởi vì Chúa Jesus, Hậu im lặng, mặt tái xanh, hai tay nắm chặt lại mà không chảy một giọt nước mắt. Nhưng bây giờ, anh khóc một cách dễ dàng.


- Cám ơn Chúa. Anh nói, siết chặt tay tôi, và tôi ngạc nhiên thấy sức mạnh trai trẻ trong bàn tay siết chặt ấy. Con đã cầu nguyện cho Quỳnh hơn hai mươi năm nay.
Nước mắt anh chảy xuống trên tay tôi.


- Ðâu có gì trở ngại nếu như anh cầu nguyện cho Quỳnh tin Chúa ngay bây giờ, ngay tại đây, phải không?


- Dạ vâng.


Chúng tôi quỳ xuống ngay chỗ đang ngồi, trước khi nhắm mắt lại tôi nhìn thấy một con sóc từ phía trong lùm cây bên hồ chạy ra, dường như nó có hơi ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng tôi. Nó đứng lại, giương đôi mắt tròn xoe ra nhìn chúng tôi. Tôi nhìn thấy trong đôi mắt ấy hình ảnh Hải Ðăng, thằng bé cũng giương đôi mắt ra nhìn tôi và mỉm cười: Cho đến bây giờ bà mới tin Chúa sao?

Phải, Hải Ðăng ơi, bây giờ bà mới tin Chúa, nhưng đâu có gì là muộn, vì Ðức Chúa Trời vẫn rất nhân từ cho bất cứ ai ăn năn tội lỗi mình, phải không con?

 HƯỚNG DƯƠNG